Trái Tim Em Thuộc Về Đất

Chương 5

“Tôi sẽ về nhà,” nàng nói, nhưng gã đã kéo nàng vào trong và đóng cửa lại.

“Tại sao cô lại muốn rời khỏi đây?”

“Tôi thấy mình lạc lõng giữa cái nơi lộng lẫy này.”

“Mái tóc cô còn lộng lẫy hơn bất cứ thứ gì trong ngôi nhà này. Con mắt cô thì như rượu sherry.”

“Ông nói thật chứ?”

“Thật. Giờ thì cô hãy vào thay váy đi.”

Gã cúi xuống một chiếc chân nến cũ bằng bạc đã xỉn màu.

“Cô lên gác đi. Có một chiếc gương ở trong căn phòng đầu tiên. Sau đó chúng ta sẽ ăn tối.”

“Ngồi ăn tối trong chiếc váy óng ánh lộng lẫy in hình hoa hồng,” Hazel nói với vẻ ngây ngất, giọng nàng ngân nga như đang hát, “với tấm khăn trải bàn trắng tinh và một người hầu đi tới đi lui như một con chim hoét chạy theo con giun.”

“Cô là chim hoét thì có!” Andrew làu bàu, ngó vào phòng. Rồi lão lại rút lui, vừa đi vừa nói với con mèo bẳng giọng sầu thảm cay đắng như lão vẫn thường làm mỗi khi bực mình: “Không có con mèo nào trong Kinh Thánh đâu.” Rồi lão bắt đầu hát lên bài hát “Bên dòng sông Babylon”.

Ở trên gác Hazel đang dùng tay chải mái tóc dài rực rỡ của nàng, bởi nàng không có lược, và chỉnh chiếc váy lót sao cho phù hợp với chiếc váy cổ sâu mà Reddin đưa cho nàng. Ở ngoài, núp trong bóng tối, Reddin với mái tóc dính tuyết đứng ngắm nàng say sưa! Gã ngắm nàng đứng đó với mái đầu ngẩng cao và đôi vai trần trắng nõn đang mỉm cười với chính mình trong gương. Gã ngắm nàng chui vào chiếc váy lộng lẫy và đứng làm dáng với vẻ thích thú, rồi uốn éo đi tới đi lui như một con chim chìa vôi. Gã lưu lại trong đầu dáng người uyển chuyển và những lọn tóc óng mượt của nàng.

“Được đấy,” gã nói mà không buồn tự hỏi bản thân gã có được hay không. Rồi gã bật ra một tiếng kêu khe khẽ. Nàng đã mở cửa sổ, đẩy dây thường xuân phủ tuyết sang bên, và vươn người ra ngoài, bộ ngực bên dưới lớp váy lụa gối lên tuyết.

Nàng dõi mắt ra khoảng không phía trên gã, nhìn đăm đăm vào màn đêm mênh mông.

“Xin đừng để bất cứ ai cướp mất danh tiết của con, bởi vì ông già đó nói con phải giữ gìn nó,” nàng nói. “Và xin hãy phù hộ cho con được trở về với Cáo Nhỏ ngay khi ánh ngày ló dạng, và xin đừng để tai họa nào giáng xuống đầu chúng con!”

Màn đêm nhận lời cầu nguyện của nàng trong im lặng. Chẳng biết ngoài Reddin có ai nghe thấy lời nguyện cầu ấy không.

Reddin nhón chân đi vào nhà, khá chán nản. Gã vừa vớ được một sinh vật thật lạ lùng.

Lúc Hazel ở trên gác xuống, Vessons vẫn đang hát bài “Bên dòng sông Babylon”.

“Tại sao ông ta lại không hát được quá năm từ nhỉ?” Hazel hỏi. “Ông ta cứ ngừng rồi lại hát như một con chó quẩn quanh cái xích.” Nàng bắt đầu hát bằng giọng cao vút, trong trẻo. Mọi âm thanh trong bếp bỗng ngừng bặt.

Reddin nhìn Hazel đăm đăm.

“Ai đã dạy cô hát thế?” gã hỏi.

“Cha tôi. Ông ấy chơi đàn tuyệt lắm, cha tôi ấy.” Hazel nhận ra rằng đứng trước những con người xa lạ tình cảm của nàng dành cho cha gần như có thể nói là ấm áp. “Chơi đàn hạc suốt đêm, ông ấy làm cho da thịt người ta râm ran. Ôi! Cha tôi có bùa ngải gì đó, giống như những bụi cây vào tháng Năm ấy. Ông ấy nói, ‘Hát đi!’, thế là tôi bật dậy và hát, trong khi tôi chẳng biết mình đang hát cái gì.”

“Hẳn rồi,” Vessons nói.

Reddin quay ngoắt lại.

“Ông đang làm cái quái gì ở đây thế hả?” gã hỏi.

“Tôi ra để nói rằng,” – giọng Vessons khô khốc – “thức ăn cho bữa tối cháy rồi.”

“Cháy ư?”

“Đúng thế, cháy thành than rồi.”

“Đồ đần, làm thế nào mà ông lại để cháy hả?”

“Tôi mải nghe quý cô đây dạy hát.”

Reddin tức điên. Gã biết tại sao bữa tối nay lại cháy thành than.

“Cút đi!” gã quát. “Cút xuống chuồng ngựa và đừng có thò mặt về đây nữa. Tôi sẽ tự nấu bữa tối.”

Vessons bình thản rút lui. Bởi vì Hazel đã xúc phạm lão nên lão quyết định để mặc xác nàng tự lo lấy thân.

“Ông ấy không thể ở trong nhà được sao?” Hazel hỏi với vẻ áy náy.

“Không.”

Họ lấy bánh mì, bia và thịt nguội ra. Reddin vui mừng hớn hở, và trong suốt bữa ăn, gã tỏ ra khá lịch sự. Gã nể sợ trước vẻ đẹp của nàng và lời cầu nguyện của nàng trước màn đêm. Nhưng khi cơn đói của gã đã được thỏa mãn, giọng nói của gã trở nên sôi nổi hơn, đôi mắt gã đầy thèm khát.

Sự tự chủ sụp đổ giữa họ. Nhìn khuôn mặt của gã, Hazel lại cảm thấy muốn thoát khỏi đó. Khi gã nói, “Tôi muốn vuốt ve chiếc váy lụa đó,” và tiến về phía nàng, vờ như vô tình đánh đổ cây nến, nàng liền né tránh gã, và nói bằng giọng gay gắt:

“Đừng có thô bạo với tôi!”

Gã không đếm xỉa đến những gì nàng vừa nói.

“Tôi sẽ đối xử tốt với em,” gã nói; “Tôi xin thề. Tôi… phải, thậm chí tôi sẽ cưới em ngay ngày mai. Nhưng đêm nay hãy là của tôi.”

Trong mắt Hazel vấn đề không phải là có cưới hay không. Mà vấn đề là bản năng gốc. Nàng sẽ là của riêng nàng mà thôi.

Gã kéo váy nàng tụt khỏi một bên vai. Nàng vùng vẫy cố thoát khỏi bàn tay gã như một con cá cố vùng vẫy khỏi tấm lưới. Gã ngạc nhiên đến mức không tiếp tục lấn tới.

“Ông già ơi!” nàng gọi, chạy vụt ra sân, “lại đây nhanh lên! Nhanh lên!” Một cái đầu xám bù xù xuất hiện.

“Chuyện gì thế? Có chuyện gì mà gọi lão già này thế?”

“Tôi không muốn ở một mình với ông ta!”

Vessons nhìn nàng trừng trừng. Có vẻ như nàng cũng là người sùng mộ tín ngưỡng của lão – tín ngưỡng độc thân; người dám cưỡng lại mệnh lệnh dứt khoát của tự nhiên.

“Tôi đánh giá cô cao hơn rồi đấy,” lão nói. “Vậy là ông chủ mất công mà chẳng xơ múi được gì,” lão cười khùng khục. “Cô có thể ngủ ở phòng của tôi. Cô sẽ không phải nói Andrew Vessons không phải là người có lòng nhân đức. Cô sẽ không bao giờ phải nói thế đâu! Có chìa khóa để khóa cửa phòng lại đấy.”

Lão dẫn nàng đi qua cửa sau, vào bếp, lên gác tới cửa phòng của lão.

Hầu hết mọi người đều thà phải chiu đựng bất kỳ điều gì còn hơn là ngủ trong căn phòng này, lão tiết lộ khi mở cửa phòng với vẻ hãnh diện. Lão có tình yêu của một kẻ ẩn dật dành cho những vật sở hữu nho nhỏ và những tiện nghi thường ngày.

Trên một chiếc hòm để lộn ngược cạnh giường ngủ là cái tẩu thuốc bằng đất sét, mấy que diêm, một lon thiếc đựng mật đường giờ chuyển sang đựng rượu whisky, và vài cái xương gà. Lão thường giữ vài chiếc xương để gặm như một cách giải khuây. Một con chim sẻ thông vàng với dáng vẻ ưu tư nhốt trong chiếc lồng gỗ ở bậu cửa sổ, bệ lò sưởi được trang trí bằng những con chuột bạch nhốt trong những chiếc lồng tự chế. Đó là một căn phòng khá thú vị đối với Hazel.

“Hãy cẩn thận với đồ đạc của tôi đấy,” Vessons nói bằng giọng nuối tiếc. “Hai mươi năm nay chưa có đêm nào tôi không ngủ ở căn phòng này đâu. Con chim kia chưa bao giờ ngủ mà không có tôi ở đây. Nó sẽ nhớ lão già này đấy. Nó không hót cho bất cứ ai khác nghe đâu.” Lão luôn khẳng định điều đó, còn con chim kia thì luôn làm ngược lại khi hót cho Reddin và bất cứ vị khách nào ghé qua. Nhưng Vessons vẫn một mực tin thế. Có những điều cần phải tin; nghi ngờ có nghĩa là thất vọng.

Vessons tự cho mình là người hào phóng.

“Cô có thể uống một ngụm whisky nếu cô muốn,” lão nói. “Bây giờ tôi phải đi đây, trước khi con chim đó nhận ra tôi, nếu không tôi đố có đi ra khỏi đây được.”

Con chim ngồi im, đắm chìm trong im lặng. Có thể nó đang nghĩ đến một khu rừng già và những cây bồ công anh đã kết hạt. Nó thân thiết với những gì mà tiện nghi không có ý nghĩa mấy còn tự do thì ngược lại. Hazel cũng vậy.

“Khóa cửa phòng lại!” Từ ngoài cầu thang Vessons nói vọng vào bằng giọng thì thầm sầu thảm.

Hazel làm theo lời lão, rồi nằm cuộn mình ngủ trong ngôi nhà đầy những tiếng cọt kẹt, vô lo vô nghĩ như đám chuột bạch kia, không có khả năng tự vệ như chúng, biết ơn Vessons chút xíu vì sự che chở của lão như chúng, và ngủ mà không mảy may nghĩ đến chuyện thế giới sẽ đối xử với nàng như chúng.