“Ai tàu hũ đây", cứ 12 giờ trưa là bàn chân đen nhẻm, gầy gò thoăn thoắt kèm theo tiếng rao của cô sẽ ngang qua nhà. Tôi hay gọi một phần nhiều nước đường, thêm mấy viên trân châu rồi xử lý nó trong năm phút. Mẹ hay thắc mắc "Sao ngày nào cũng thấy con ăn cái món này". Tôi chỉ cười, tay múc lia lịa đến khi sạch chén.
Người ta hay thưởng thức hoài một món ăn bao gồm nhiều nguyên do. Có thể vì ngon, vì nó đem lại một cảm giác khiến họ thích thú. Riêng tôi, tôi thuộc tuýp người ở vế sau.
Nhớ thời còn để mái tóc gáo dừa, một chén tàu hũ chỉ có 500 đồng, nhưng không phải ngày nào ngoại cũng cho tiền tiêu vặt đi học. Để có thể ăn cái món trắng mềm chan nước đường ấy, tôi hay nhổ tóc bạc cho ông, một lần được 1 ngàn, thế là được tận 2 chén.
Chờ khi đến giờ ra chơi, tôi sẽ phi nhanh đến gánh tàu hũ của mẹ thằng Tí rồi gọi một chén. Vị béo của tàu hũ hòa quyện với nước cốt dừa, kèm theo vị ngọt dịu của nước đường và chút thơm của lá dứa khiến tôi không dám ăn nhanh vì sợ mau hết. Tôi ăn quen mặt đến nỗi được chủ gánh ưu ái thêm một lát mỏng trắng trong phần mình. Thậm chí có lần từng ấp ủ suy nghĩ sau này sẽ làm vợ thằng Tí, để ngày nào cũng có thể thưởng thức món tủ của “mẹ chồng tương lai”. Khi lớn lên, nhớ lại chuyện lúc đó, tự nghĩ sao mình lại có thể gả cho thằng Tí chỉ vì một chén tàu hũ.
Những khi bị điểm kém, tôi thường ngồi lì trong lớp vào giờ ra chơi. Thằng Tí thấy thế sẽ tìm cách kéo tôi ra khỏi lớp, an ủi bằng cách mua cho tôi chén tàu hũ. Nó không xin mẹ, nó bảo mẹ còng lưng với đòn gánh mỗi ngày chỉ vì vài đồng lẻ để lo cho nó từng hạt cơm, vạt áo. Nó không muốn vì một nhân tố như tôi mà “hy sinh” công sức của mẹ. Tôi nghe xong cũng sụt sùi đỏ mắt, không dám nhận quà an ủi từ nó. Nhưng nó cứ khăng khăng “Mày không ăn, tao sẽ không chơi với mày”. Lúc đó tôi nghĩ, thằng Tí sẽ là bạn tốt nhất trong cuộc đời này. Đám nhi đồng tuổi ăn chưa no, lo chưa tới khi đó như chúng tôi không suy tính nhiều đến việc cho - nhận hay thiệt - hơn. Với tôi, đó là khoảng thời gian đẹp nhất.
Nhưng những thứ đẹp đẽ thì thường không kéo dài
Năm lên mười, mẹ đón tôi vào Sài Gòn định cư. Cảm giác hụt hẫng, có chút gì mất mát của trẻ con khi đó không diễn tả được bằng lời. Không dưới 5 lần tôi năn nỉ mẹ “Mình không sống ở thành phố có được không mẹ?”, đáp lại là cái lắc đầu bất đắc dĩ của phụ huynh.
Tôi khóc, thằng Tí cũng mếu. Ngày cuối cùng ở trường, nó bảo mẹ xúc cho tôi 2 chén thật nhiều nước đường, nhiều tàu hũ. Cầm cái chén nóng hổi trên tay, nó chậm rãi “Hôm nay tao mời. Mày ăn đi, tiền để dành tao còn nhiều. Lên thành phố rồi, đừng có quên tao”. Tôi đưa từng muỗng lên miệng, vị giác khi đó có lẽ có vấn đề nên không hề ngon như mọi khi. Sau này mới biết hóa ra khi không vui, người ta ăn gì cũng đều cảm thấy dở.
Thời gian thay đổi thói quen, xóa nhòa mọi thứ. Tôi bị choáng ngợp bởi Sài thành hoa lệ, ký ức về gánh tàu hũ của mẹ thằng Tí lẫn nó phai dần, cho đến khi nghe tiếng rao “Ai tàu hũ đây”.
Những khi nghe tiếng rao, tôi thấy bản thân hơi có lỗi với nó khi đã bỏ ngoài tai lời nó dặn “đừng có quên tao”. Nhưng biết đâu bây giờ, thằng Tí ngày nào đã làm cha của 2,3 đứa con và có một gia đình hạnh phúc cũng nên, còn tôi thì vẫn loay hoay, tìm lại hương vị thời niên thiếu vào 12 giờ trưa, bên cái chén trắng ngập nước đường thơm mùi lá dứa.