Khi chúng tôi nói: theo sau, đi nhón trên đầu ngón chân là cái mụ xấu xa ghê tởm có cái tên Lanu thì chúng tôi đã nhầm, không phải Lanu mà là bước chân của tiểu thư Xanh Ăngđrê.
Khi đã vào trong phòng Biến hình, tiểu thư Xanh Ăngđrê không đi theo Lanu nữa mà đi trước mụ.
Lanu ở lại sau để đóng cửa.
Thiếu nữ dừng lại trước bàn trang điểm trên đó đặt hai cây đèn chum đang chờ ngọn lửa châm đem lại sức sống cho chúng để toả hết mọi ánh sáng chói loà của chúng.
- Bà tin chắc là chúng ta không bị ai trông thấy chứ, Lanu thân yêu của thưa ông? – nàng nói bằng một giọng dịu dàng mà, sau khi làm rung động tình yêu lại làm rung lên niềm căm giận trong trái tim hoàng thân.
- Ồ! Đừng e sợ gì hết. thưa tiểu thư - Mụ mối manh trả lời – do lá thư đe doạ gửi cho nhà vua tối qua, những mệnh lệnh nghiêm khắc nhất đã được ban ra và kể từ mười giờ tối, các cổng ra vào Luvrơ đều bị đóng lại.
- Với mọi người ư?
- Với mọi người.
- Không loại trừ một ai chứ?
- Không loại trừ.
- Ngay cả với hoàng thân Côngđê?
Lanu mỉm cười:
- Nhất là với hoàng thân Côngđê thưa tiểu thư.
- Bà tin chắc điều này chứ Lanu.
- Chắc chắn, thưa tiểu thư.
- A! chính là…
Thiếu nữ ngừng lời.
- Vậy tiểu thư có gì để sợ Đức ông hả?
- Khá nhiều chuyện, Lanu ạ.
- Khá nhiều chuyện,thế là thế nào?
- Đúng, điều này giữa những điều kia.
- Điều gì?
- Đó là điều ông ấy không đeo đuổi tôi tới tận đây.
- Tới tận đây sao?
- Phải.
- Tận trong phòng Biến hình này ư?
- Đúng.
- Nhưng làm thế nào mà ông ấy lại biết được tiểu thư ở đây chứ?
- Chính là tại tôi.
- Tại tiểu thư?
- Tôi, tôi ngu ngốc biết bao!
- Ôi, lạy Chúa tôi.
- Bà hãy tưởng tượng vào hôm qua, vào lúc mà ông ây chia tay tôi, tôi đã bất cẩn tiếp sau một chuyện đùa cợt, tôi đã ném cho ông ấy chiếc khăn tay của tôi trong ấy có lá thư nhỏ mà bà vừa trao cho tôi.
- Nhưng bức thư ấy không kí tên người viết kia mà.
- Những chàng thị đồng thật rất thiếu thận trọng; có một câu châm ngôn nói về họ trong chuyện này.
- Mêdie không phải là thị đồng của tôi, đó là kẻ nô lệ của tôi – Thiếu nữ nói với giọng một bà hoàng – A! Lanu, cái ông Côngđê thật đáng nguyền rủa! Tôi cầu mong cho điều tồi tệ xấu xa mãi mãi xảy đến với ông ta.
- Cảm ơn! Hỡi người đẹp trong số người đẹp ơi! - Hoàng thân lẩm bẩm- Tôi sẽ nhớ những tình cảm của cô đối với tôi.
- Này! Thưa tiểu thư- Lanu nói – còn đêm này, tiểu thư có thể an tâm. Tôi quen biết viên chỉ huy cận vệ người Êcôtxơ và tôi sẽ nhờ ông ta nói lại với đức ông.
- Về phần ai?
- Phần tôi! Thưa tiểu thư, tiểu thư hãy an tâm, điều ấy là đủ.
- A! Lanu.
- Tiểu thư muốn gì, thưa tiểu thư! Trong khi làm tất cả những công việc của người khác, không có gì xấu đề làm một chút cho công việc của mình.
- Cảm ơn Lanu; vì chỉ riêng ý nghĩ ấy đã làm xáo động niềm lạc thú mà tôi đã tự nhủ sẽ nếm hưởng đêm nay.
Lanu chuẩn bị đi ra.
- Này! Lanu! - Tiểu thư Xanh Ăngđrê gọi -Trước khi ra đi , hãy thắp sáng đèn lên, tôi van bà, tôi không muốn ở lại một mình trong bóng tối; tất cả những hình ảnh bán khoả thân lớn làm tôi sợ, hình như chúng sắp tách khỏi tấm thảm để đến với tôi.
- A! Nếu chúng có đến – Lanu nói trong lúc đi lấy tờ giấy châm lửa ở lò sưởi – hãy bình tĩnh, điều đó đối với tiểu thư sẽ là tôn sung tiểu thư như thần Vệ nữ thôi.
Mụ thắp sáng năm nhánh đèn chùm để thiếu nữ lồ lộ dưới mắt hoàng thân trong vòng hào quang của những ngọn lửa.
Nàng thật rực rỡ, phản chiếu qua tấm gương ở bàn trang điểm; nàng mặc chiếc áo lụa mỏng trong suốt qua đó nhìn thấy da thịt lồ lộ.
Tay nàng cầm một nhánh đào kim nhưỡng có hoa; nàng quấn quanh mái tóc như một vòng vương miện.
Nữ tu nguyện của thần Vệ nữ, nàng vừa trang điểm bằng cánh hoa thiêng liêng.
Lúc ấy có một mình hoặc ít ra tin rằng chỉ có một mình trong phòng, thiếu nữ làm duyên và tình tứ tự ngắm trong gương, lấy đầu các ngón tay hồng uốn cong hai hàng lông mi mịn như nhung và lấy lòng bàn tay ép mái tóc vàng.
Trang điểm như vậy và trong một dáng bộ làm tăng giá trị tấm thân mềm mại, thanh tú của nàng, thiếu nữ ưỡn người trước gương, tươi mát như dòng suối, ửng hồng như mấy buổi sớm, trong sáng như sự trinh bạch, sống động và tươi trẻ như những cây đầu xuân trong cuộc sống hối hả của chúng, xuyên qua những lớp tuyết cuối cùng, như Lanu nói về nàng, giống như thần vệ nữ Xitêrê, nhưng là Vệ nữ ở tuổi mười bốn vào buổi sáng đứng trên bờ sông. chuẩn bị đi vào thiên cung, nàng ngắm mình một lần cuối trong tấm gương biển, hãy còn ấm ở cuộc tiếp xúc cuối cùng.
Sau khi uốn cong làn mi, ép cho tóc óng mượt, qua một lúc nghỉ ngơi, lấy lại màu sắc hồng hào của da thịt bộ mặt mà trước đó do bước vội và lo lắng đã làm mặt quá đỏ, thiếu nữ từ bỏ sự tái hiện của bộ mặt nàng mà chiếc gương đã hiến cho nàng, đôi mắt nàng cụp xuống nhìn từ cổ đến vai hầu như tìm bộ ngực nàng khuất sau những lớp đăng- ten nhẹ xốp như những đám mây cơn gió bấc xua khỏi bầu trời.
Nàng thật đẹp, đôi mắt ướt, đôi má ửng hồng, miệng hé mở, hàm răng óng ánh như hai hàng ngọc trong một hộp đựng nữ trang bằng san hô, nàng thực sự là hình ảnh của sự khoái cảm vào đúng lúc hoàng thân quên bẵng sự làm dáng của nàng, lòng hận thù của ông, những sự đe doạ, đến mức ông định ra khỏi chỗ nấp và quỳ xuống chân nàng kêu lên:
- Vì tình yêu của Chúa! Hỡi thiếu nữ, hãy yêu tôi trong một giờ và lấy đi cuộc đời tôi bằng cách đổi một giờ yêu thương này…
May thay hoặc khốn thay cho ông, bởi vì chúng ta đã không cân nhắc những cái lợi hoặc những trở ngại mà ông sẽ có thể theo đuổi tư tưởng bất chợt ấy thì thiếu nữ quay mình về phía cửa nói hoặc đúng hơn là ấp úng.
- Ôi! Người tình yêu quý thân thiết của lòng em, liệu chàng không đến sao?
Lời than và cái nhìn ấy đem tới cho hoàng thân tất cả sự căm giận sục sôi và với ông, tiểu thư Xanh Ăngđrê lại xuất hiện là con người đáng căm ghét nhất trên đời.
Nàng đi tới chiếc cửa sổ gần nhất, kéo những tấm rèm che dầy, tìm cách mở chiếc cánh nặng nề nhưng những bàn tay thon dài xinh xắn thiếu sức mạnh đối với một công việc nặng nhọc như vậy nàng đành áp đầu lên tấm kính.
Cảm giác mát rượi lan truyền vào trán làm mở to đôi mắt chứa chất mệt mỏi, lờ đờ, đôi mắt ấy bắt đầu phân biệt được những sự vật, và cuối cùng dừng lại ở một người đứng bất động, khoác tấm áo choàng cách tầm ném một hòn đá vào điện Luvrơ.
Cái nhìn của con người ấy làm tiểu thư Xanh Ăngđrê mỉm cười và nếu hoàng thân nhìn được nụ cười ấy hẳn ông đoán được ý nghĩ độc ác đã làm này sinh nụ cười ấy.
Hơn nữa nếu ông ở thật gần để trông thấy nụ cười ấy mà ông cũng ở thật gần để nghe những tiếng sau lướt giữa đôi môi của thiếu nữ với giọng đắc thắng:
- Đúng là ông ấy!
Rồi bằng một giọng nhạo báng không dứt:
- Ông cứ đi dạo đi, ông Côngđê thân mến ạ - Nàng nói thêm – tôi thật hết lòng cầu mong ông có được niềm vui trong cuộc dạo chơi của ông.
Rõ ràng tiểu thư Xanh Ăngđrê coi người đàn ông khoác áo choàng là hoàng thân Côngđê.
Sự nhầm lẫn này thật hoàn toàn tự nhiên.
Tiểu thư Xanh Ăngđrê hoàn toàn biết rõ những chuyến đến thăm của hoàng thân đi dạo mọi buổi tối dưới những ô cửa sổ của nàng từ ba tháng nay, nhưng tiểu thư Xanh Ăngđrê đã biết giữ kín không nói chuyện này với hoàng thân; bởi vì nói rằng mình đã biết việc này tức là thú nhận rằng từ ba tháng nay nàng đã bận lòng với tư tưởng trái với việc cao giọng phủ nhận.
Vậy đây là hoàng thân mà tiểu thư Xanh Ăngđrê tin là đã nhìn thấy ở bờ sông.
Thế mà việc nhìn thấy hoàng thân đi dạo ở bờ sông khi nàng run rẩy bắt gặp ông trong điện Luvrơ là cái nhìn bảo đảm nhất mà ánh trăng, người bạn nhợt nhạt và u buồn của những kẻ yêu đương có thể phát hiện đó là ông.
Giờ đây, những độc giả của chúng tôi hoàn toàn biết rõ rằng hoàng thân đã không thiếu tài để có mặt ở khắp mọi nơi, nay không thể cùng một lúc vừa ở trong lại vừa ở ngoài, nên chúng tôi phải vội nói ngay rằng người đàn ông khoác áo choàng này là ai mà tiểu thư Xanh Ăngđrê lầm tưởng đó là hoàng thân và cho rằng ông đang run cầm cập ở dưới bờ sông.
Người đàn ông này chính là người tín đồ giáo phái tin lành của chúng ta hôm trước, thư của chàng mà chàng mong đợi thì chàng được tin những ngài ở pháp viện đã suốt ngày hoàn toàn hành động bằng mọi cách để việc hành hình Anơ Đuybuôc diễn ra vào ngày hôm sau hoặc hôm sau nữa; người này chính là Rôbơc Stuya đã quyết định liều một toan tính thứ hai.
Đúng lúc xác nhận sự ngộ nhận ấy với nụ cười độc ác nở trên môi thiếu nữ thì nàng thấy người đàn ông ở bờ sông rút cánh tay ra khỏi áo choàng, phác một cử chỉ đe doạ rồi sải bước ra xa.
Cùng lúc nàng nghe thấy một tiếng động giống như tiếng kính vỡ rơi loảng xoảng.
- A! – nàng kêu lên – không phải ông ấy.
Rồi những sắc hồng của nụ cười của nàng biến mất ngay dưới làn da tím tái của nàng.
Lần này nàng run bắn thật sự, không còn niềm vui nữa mà là hoảng sợ và buông rơi tấm rèm cửa sổ,nàng quay trở lại, chao đảo và tái nhợt, tựa người vào chiếc tràng kỉ mà trước đó vài phút nàng đã nằm dài trên , thật uể oải.
Như đêm trước, người ta làm vỡ kính một cửa sổ ở căn hộ của thống chế Xanh Ăngđrê.
Nhưng lần này là một cửa sổ ở phía sau sông Sen; và cửa sổ này vẫn thuộc căn hộ của cha nàng…
Nếu như đêm trước thống chế còn đứng hay đã đi nằm nhưng bật dậy đến gõ cửa buồng con gái ông mà không nhận được câu trả lời thì chuyện gì sẽ xảy ra.
Nàng ở đây, lo sơ,run rẩy, gần như ngất xỉu, với sự ngạc nhiên lớn của hoàng thân đã nhìn thấy mà không sao đoán được nguyên nhân của sự thay đổi đột ngột biểu lộ trên nét mặt thiếu nữ, trong trạng thái yếu lả ấy thì mọi chuyện có thể xảy ra đúng như trạng thái hiển hiện lúc này thì cửa mở và Lanu hấp tấp bước vào.
Mụ có bộ mặt hầu như cũng biến đổi như bộ mặt thiếu nữ.
- Ôi! Lanu – nàng nói – bà có biết chuyện gì vừa xảy ra không?
-
- Không, thưa tiểu thư- mụ trung gian trả lời – Nhưng phải có chuyện gì đó kinh khủng lắm vì tiểu thư nhợt nhạt như một kẻ chết rồi.
- Thật kinh khủng, đúng thế, bà cần đưa tôi trở lại ngay chỗ cha tôi.
- Tại sao lại thế? Thưa tiểu thư.
- Bà có biết chuyện gì xảy ra vào nửa đêm hôm qua không?
- Tiểu thư muốn nói tới hòn đá được gắn với mảnh giấy đe doạ nhà vua phải không?
- Phải… này! Vẫn là việc ấy vừa xảy đến, Lanu ạ, một người đàn ông, chắc chắn vẫn là người ấy mà tôi lầm tưởng là hoàng thân Côngđê, như hôm qua, đến ném một hòn đá làm vỡ kính một cửa sổ của buồng thống chế.
- Và tiểu thư đã sợ hãi?
- Tôi sợ, bà hiểu không, Lanu, tôi sợ cha tôi đến gõ cửa buồng tôi do hoặc nghi ngờ vực, hoặc lo lắng khi thấy tôi không hề trả lời, ông bèn mở cửa buồng tôi và thấy buồng trống trơn.
- Ồ! nếu tiểu thư chỉ sợ có điều đó thì thưa tiểu thư, xin tiểu thư an tâm.
- Vì sao?
- Cha tiểu thư đang ở chỗ hoàng thái hậu Catơrin.
- Ở chỗ hoàng thái hậu vào một giờ sáng ư?
- A!Thưa tiểu thư, vừa xảy ra một tai nạn nghiêm trọng.
- Tai nạn gì?
- Các Đức ngài đi săn ngày hôm nay…
- Thì sao?
- Chà! Thưa tiểu thư,con ngựa của tiểu hoàng hậu (người ta gọi Mari Stuya như vậy), con ngựa của tiểu hoàng hậu đã vấp ngã, nữ hoàng đã ngã và người lại đang có mang ba tháng, người ta e sợ nữ hoàng đã bị thương.
- A! Lạy Chúa lòng lành!
- Đến nỗi cả Triều đình phải theo chân người.
- Tôi tin chắc vậy.
- Mọi thị nữ đều ở trong tiền sảnh hoặc tại chỗ hoàng thái hậu.
- Thế mà bà không đến báo tin cho tôi hả Lanu?
- Tôi cũng vừa mới biết tin, thưa tiểu thư, và tôi chỉ đủ thời gian chạy đi để xác minh sự thật.
- Vậy bà đã gặp chàng chứ?
- Ai?
- Chàng.
- Tất nhiên là gặp.
- Thì sao?
- Chà, thưa tiểu thư, việc được hoãn lại: tiểu thư nên hiểu rõ rằng trong lúc như thế này thì ngài không thể vắng mặt được.
- Nhưng hoãn đến bao giờ?
- Ngài mai.
- Ở đâu?
- tại đây.
- Cũng vẫn giờ cũ?
- Vẫn giờ ấy.
- Vậy thì hãy lại đây nhanh lên, Lanu.
- Tôi đây, thưa tiểu thư, đúng là phải tin rằng có một vị thần bất trị cuồng loạn chống lại chúng ta.
- Tốt! – Lanu nói trong lúc thổi tắt ngọn nến cuối cùng.
- thế nào! Trái lại ư? – Tiểu thư ngoài hành lang hỏi vọng vào.
- Đúng thế; đó là một tai nạn sẽ đem lại cho tiểu thư tự do.
Và mụ đi ra theo gót tiểu thư Xanh Ăngđrê; những tiếng bước chân lập tức biến mất cũng như những tiếng bước chân của bạn mụ trong chiều sâu hành lang.
- Vậy là đến ngày mai! - Đến lượt hoàng thân nói khi ra khỏi nơi ẩn nấp và vượt qua hàng lan can, vẫn không hãy biết tên tình địch của ông đã có mặt tối hôm trước – Ngày mai, ngày kia và mọi ngày nếu cần, nhưng thề trước linh hồn cha ta! Ta sẽ đi đến cùng.
Và ông cũng đi ra khỏi phòng Biến hình theo phía hành lang đối diện với hướng đi của tiểu thư Xanh Ăngđrê và Lanu; ông qua sân và đến cổng ra phố mà không một ai, giữa sự rối rắm của hai tình huống mà chúng tôi đã kể trên, nghĩ đến hỏi ông đi đâu và từ đâu tới.