*Chương này có nội dung ảnh, nếu bạn không thấy nội dung chương, vui lòng bật chế độ hiện hình ảnh của trình duyệt để đọc.
Diện tích am Quang Minh không lớn, tiền viện thờ Bồ Tát, hậu viện và khóa viện bên trái là nơi ở của các ni cô trong am, khóa viện bên phải là chỗ trú lại của khách hành hương. Thẩm Thiều Quang chiếm hai gian chính phòng, còn lại ba gian chính phòng, sáu gian sương phòng, Tịnh Thanh đã sắp xếp người quét dọn sạch sẽ.
Bởi vì am Quang Minh ở ngay trong thành, khách hành hương qua lại thuận tiện nên ít người trú lại, mấy gian phòng này thường để trống, cũng vì vậy nên lúc trước khi Thẩm Thiều Quang nhắc tới chuyện xin tá túc, ni cô tiếp khách Tịnh Từ vốn coi trọng quyền thế mới không từ chối tiếng nào, còn dẫn nàng tới gặp trụ trì.
Tịnh Từ la lối om sòm sai các ni cô chuyên làm việc vặt trong am quét chỗ này dọn chỗ kia, rồi nàng ta lại tự mình hái mẫu đơn trong viện đi cắm, gặp phải Thẩm Thiều Quang thì vẻ mặt lẫn giọng điệu đều có ý nói “đây mới là đãi ngộ của am bọn ta dành cho nữ tử nhà quyền quý”, Thẩm Thiều Quang bị chọc cười, tiểu ni cô đúng là ngây thơ đáng yêu…
Lúc nhị cô nương của phủ Lỗ quốc công tới, Thẩm Thiều Quang đang mân mê món cá muối ở trong sân.
Mấy hôm trước nàng ham của rẻ, mua rất nhiều cá diếc loại nhỏ, ninh một nồi canh, vẫn còn dư lại khá nhiều, vì nhiều xương nên không làm được món khác, lại khó bảo quản, Thẩm Thiều Quang bèn cạo vảy rửa sạch, mang đi phơi nắng.
Bây giờ cá đã khô hơn phân nửa, nàng xếp vào trong bình gốm, cứ một lớp cá, một lớp cơm rượu nếp, một lớp muối, sau đó lại một lớp cá, một lớp cơm rượu nếp, một lớp muối khác. Chờ thêm mấy tháng nữa trời chuyển lạnh, lấy ra thì xương đã xốp vụn, thịt cá hơi mặn, còn trộn lẫn mùi rượu nếp, vừa hợp để nấu cháo.
Ngoài cửa truyền tới tiếng bước chân và tiếng nói chuyện, Thẩm Thiều Quang phủi phủi hai bàn tay dính đầy cơm rượu, ngẩng mắt lên vừa đúng lúc đối diện với một khuôn mặt trái đào che kín mít, hai hàng lông mày vừa dài vừa đậm, vẽ gần tới giữa khóe mày, là kiểu vẽ lông mày đang thịnh hành trong cung hiện giờ. Dù đã bị kiểu lông mày hình thù kỳ quặc này đầu độc suốt một thời gian không ngắn nhưng Thẩm Thiều Quang vẫn không tài nào quen nổi, rõ ràng cô nương kia xinh đẹp như vậy, đúng là phá hỏng mất nét mỹ miều trên khuôn mặt.
Tịnh Thanh giới thiệu đôi bên với nhau: “Đây là Thẩm cô nương đang lễ Phật trong am, đây là Bàng nhị cô nương của phủ Lỗ quốc công.” Nàng ta vô cùng từ bi dùng từ “lễ Phật” để thay cho hành động “ở thuê” của Thẩm Thiều Quang, từ vấn đề kinh tế chuyển thành vấn đề tín ngưỡng tôn giáo.
Tịnh Thanh thật đúng là một người tốt bụng, Thẩm Thiều Quang mỉm cười, lau tay, đi tới chào hỏi.
Nhưng che giấu như vậy dù sao cũng không gạt được người sáng suốt. Bàng nhị nương liếc nhìn Thẩm Thiều Quang, cũng không nói gì, tỳ nữ bên cạnh nàng ta nói với Tịnh Thanh: “Sư thái lại có thể để cho cô nương nhà ta ở cùng với nữ đồng nghèo túng này sao?”
Tịnh Thanh nhếch miệng, cười làm lành, nói: “Thẩm cô nương xuất thân từ Thẩm Thị ở Lạc Hạ.”
Tỳ nữ vốn dùng lỗ mũi để nhìn người kia hơi ngượng ngùng, liếc mắt nhìn chủ nhân, không biết nói cái gì cho phải.
Phủ Lỗ quốc công nhờ có công lao trong việc bình định loạn An Sử những năm cuối Thiên Bảo mới bắt đầu trở nên hưng thịnh, những người có công khai quốc ở trong mắt thế gia vọng tộc cũng chỉ được gọi là “tân quý”, nói gì tới loại như phủ Lỗ quốc công? Huống hồ Lỗ quốc công hiện giờ cũng không có mấy bản lĩnh, chỉ có thể nhờ cậy vào địa vị của Thục Phi ở trong cung. Nền móng cạn, lại là ngoại thích, thế gia đại tộc nhắc tới chỉ bĩu môi mà thôi.
Thẩm Thiều Quang dù nghèo nhưng lại có một cái họ tốt, vào thời đại “dựa vào dòng họ mà kiêu ngạo” này, nàng cũng là một “quý nhân”.
Thẩm Thiều Quang mỉm cười nhìn Bàng nhị nương, ánh mắt của Bàng nhị nương dừng trên mặt nàng, sau cùng mới không vui vẻ đáp lễ.
Tịnh Thanh hơi xấu hổ, tới gần hỏi Thẩm Thiều Quang: “Thẩm thí chủ đang làm gì thế?”
Cá muối thực sự không phải là món ăn thượng đẳng gì, sắc mặt của Bàng nhị nương lại càng khó coi hơn. Sợ lại nảy sinh tranh chấp gì khác, Tịnh Thanh vội vàng gật đầu với Thẩm Thiều Quang, cùng Tịnh Từ dẫn người của phủ quốc công đi vào chính phòng.
Thẩm Thiều Quang ngồi trong sân chậm rãi đậy bình gốm lại, vốn định đặt dưới gốc cây trong viện, nhưng nghĩ ngợi một lúc, dù sao bây giờ trong viện cũng không phải chỉ có một mình nàng, tốt nhất vẫn không nên gây phiền hà cho người khác, nàng bèn đưa vào trong phòng, đặt ở dưới giường.
Ba gian phòng ở phía tây vẫn còn đang thu dọn. Đối với bạn ở chung như vậy, Thẩm Thiều Quang quyết định thực thi sách lược ngoại giao “có lý có lợi có lễ*”. Nhưng mà ngẫm lại, người ta là tiểu thư phủ quốc công, có gia có nghiệp lại có nương, đâu cần phải ở mãi trong am ni cô làm gì, cho nên nàng cũng không cần phải nhịn lâu.
* “Có lý” chỉ nguyên tắc tự vệ: người không phạm ta, ta không phạm người; nếu người phạm ta, ta tất phạm người. “Có lợi” chỉ nguyên tắc thắng lợi: không đấu thì thôi, đấu thì phải thắng, không nắm chắc phần thắng thì không đấu. “Có lễ” chỉ nguyên tắc đình chiến: quyết không đấu liên tục, phải có tiết chế, có lợi lại đấu tiếp.
Nhưng mà Thẩm Thiều Quang lại hơi hoài nghi cái cớ tới am Quang Minh để lễ Phật của nàng ta – tính khí của vị Bàng cô nương này như vậy đâu có điểm nào giống một người tín Phật.
Nhưng mà nàng ta tới đây không phải để lễ Phật thì là để làm gì? Chẳng lẽ lại là coi trọng bánh ngọt trong am? Thẩm Thiều Quang phì cười.
Thẩm Thiều Quang dùng mấy câu “nhưng mà” liên tục để chế giễu người ta một hồi, rốt cuộc trong lòng cũng dễ chịu hơn. Oán thầm đúng là một cách tốt để điều chỉnh tâm trạng.
Chẳng bao lâu sau Thẩm Thiều Quang đã biết rõ mục đích Thẩm Thiều Quang tới am Quang Minh.
Chạng vạng, Thẩm Thiều Quang đi mua thức ăn về – vào giờ này đồ ăn rẻ hơn buổi sáng rất nhiều, chỉ là đã không còn tươi nữa, nhưng mà vẫn dùng để nấu ăn được – vừa khéo gặp phải Bàng nhị nương dẫn hai người tỳ nữ tản bộ cạnh cửa am.
Thẩm Thiều Quang phỉ nhổ người ta xong thì lại trở thành một người bao dung rộng lượng, chủ động chào hỏi Bàng nhị nương.
Nhìn rau với gạo trong tay Thẩm Thiều Quang, nhớ tới cảnh tỳ nữ của mình miêu tả món bánh rán của Thẩm cô nương này ở cửa phường một cách sinh động, Bàng nhị nương hừ một tiếng: “Không ngờ lại làm láng giềng với một kẻ bán bánh ngoài đường!”
“…” Thẩm Thiều Quang giật giật cánh môi, hơi do dự, đồ không biết lễ độ, rốt cuộc thì mình nên thay cha mẹ nàng ta dạy dỗ nàng ta một bài, hay là đừng có chấp vặt với nàng ta để tránh gây ra họa lớn đây?
Thẩm Thiều Quang tự nhận là người lương thiện, quyết định vẫn nên giúp cha mẹ nàng ta một chút: “Tiểu thư nhà Tam Quốc Bàng Tĩnh Hầu đương nhiên là không thèm làm bằng hữu với người bán hàng rong như bọn ta rồi. Thật ra, năm đó khi Bàng quân sư đi theo tiên chủ hẳn là cũng oan ức lắm nhỉ, dù sao tiên chủ cũng chỉ là kẻ buôn giày dệt chiếu thôi mà.”
Lỗ quốc công trước kia xuất thân binh ngũ, sau khi trở nên phú quý thì cũng học đòi người ta bày trò sĩ diện, viết gia phả, biến tên của mấy đời tổ tông vốn chưa từng được lưu vào sổ nào sách nào thành danh hào, môn khách phụ trách việc biên soạn gia phả phỏng đoán ý tứ của chủ nhân, kéo tổ tông Bàng gia tới tận chỗ Bàng Thống thời Tam Quốc. Lỗ quốc công rất mừng, từ đó về sau tự xưng là Bàng thị Kinh Châu.
* Bàng Thống, tự là Sĩ Nguyên, hiệu là Phượng Sồ, quê ở Kinh Châu, là mưu sĩ của Lưu Bị thời Tam Quốc. Lưu Bị thuở trước từng bện giày cỏ, chiếu cỏ bán kiếm tiền.
** Kinh Châu (nay thuộc tỉnh Hồ Bắc) từng là kinh đô của 20 vị vua trong 411 năm của nước Sở trong thời Xuân Thu và thời Chiến Quốc thuộc nhà Chu.
Cái kiểu mạo nhận tổ tông này rất nhiều, dù sao hoàng đế thời này còn tự xưng là hậu duệ của Lão Tử cơ mà, nhưng chuyện này vẫn thường bị người ta cười nhạo, nhưng mà người bình thường cười nhạo thì đều là cười bọn họ làm bộ làm tịch, còn Thẩm Thiều Quang lại cười theo ý khác, thừa nhận bọn họ là hậu duệ của Bàng Phượng Sồ, lại tự kéo mình tới sánh với Lưu Bị từng bán giày cỏ.
Bàng nhị nương không đọc nhiều sách, nhưng vì chuyện nhận tổ tiên của nhà mình mà bị buộc phải đọc qua một chút sử thời Tam Quốc, nghe Thẩm Thiều Quang nói vậy phải một lúc sau mới hiểu ra được ý của nàng, không khỏi giận tím mặt, giậm chân: “Ngươi, ngươi…”
Lại nghe thấy phía sau có tiếng phì cười, Thẩm Thiều Quang và Bàng nhị nương quay đầu, thấy hai nam tử trẻ tuổi, một người trong đó mặc áo dài cổ tròn màu xanh lục, Thẩm Thiều Quang nhận ra được, đây chính là vị quan lớn mặc áo đỏ bới lông tìm vết hôm nàng xuất cung, còn người phát ra tiếng cười là một sĩ tử mặc áo dài trắng.
Bàng nhị nương hốt hoảng, trừng mắt với người mặc áo trắng, sau đó xấu hổ hành lễ với vị quan lớn kia: “Nhi bái kiến Lâm thiếu doãn.”
Thẩm Thiều Quang lập tức hiểu ra, hẳn rằng vị này chính là Kinh Triệu thiếu doãn gần nhà, còn tại sao Bàng nhị nương lại tới đây, chà chà, có lẽ nào, lẽ nào… Nữ tử đời Đường đúng là cởi mở thật đấy! Nàng không khỏi nảy sinh hứng thú, quan sát hiện trường trình diễn tình cảm này.
Người mặc áo trắng kia cũng cười chọc ghẹo người đi cùng.
Lâm Yến lại chỉ lạnh nhạt nói với Bàng nhị nương: “Cô nương không cần đa lễ.” Đuôi mắt liếc qua Thẩm Thiều Quang.
Thẩm Thiều Quang miễn cưỡng hành lễ với bọn hắn, Lâm Yến gật đầu một cái, liếc mắt nhìn bằng hữu, cất bước đi trước.
Sĩ tử áo trắng đối diện với ánh mắt của Thẩm Thiều Quang, hai người cùng cười – những kẻ dung tục đúng là dễ dàng ngầm hiểu ý nhau.