Tiệm Cơm Nhỏ Thành Trường An

Chương 101: Con trai thứ tư của Triệu Vương

Một đạo quán trong phường Thường Nhạc cạnh Đông Thị của thành Trường An.

Một đạo sĩ lắc chuông bán thuốc dạo đẩy cửa hông đi vào, chạm mặt hai vị khách hành hương từ trong đại điện đi ra, lão đạo sĩ cười thi lễ với bọn họ.

“Đạo trưởng chỉ bán thuốc thôi hay còn xem bệnh nữa? Có thể xem tà ma không?” Một vị khách hành hương hỏi.

Lão đạo sĩ còn chưa trả lời, vị khách hành hương kia đã bắt đầu lải nhải, nói mẫu thân mình từ sau Tết Thượng Nguyên thì bắt đầu ngủ không ngon, ban đêm đổ mồ hôi trộm, nghi là đã trúng phải tà ma.

Lão đạo sĩ bảo hắn gọt một thanh kiếm gỗ đào treo trong màn.

Vị khách hành hương kia lại hỏi tiếp kiếm này phải gọt lớn cỡ nào, gỗ đào phải chọn loại mấy năm, treo trong màn thì treo ngang hay treo thẳng đứng…

Lão đạo sĩ kiên nhẫn trả lời từng câu một.

Vị Quý lang quân sĩ tử Tô Châu kia đi ngang qua bọn họ, cười khẩy một tiếng rồi đi thẳng ra khóa viện phía sau.

Chẳng bao lâu sau, lão đạo sĩ cũng đi vào khóa viện.

Trong khóa viện khác hoàn toàn cảnh tĩnh mịch yên ắng ở tiền viện, ở ngoài cửa và cả trong sân đều có mấy “đạo sĩ” vừa nhìn đã biết là cường tráng lực lưỡng. Thấy lão đạo sĩ đi vào, tất cả đều chắp tay hành lễ.

Lão đạo sĩ đi tới trước cửa phòng, một người nô bộc trẻ tuổi khá tuấn tú vén mành lên cho hắn.

Quý lang quân đang ngồi trên sạp uống bơ sữa gừng nóng, thấy lão đạo sĩ đi vào thì cất giọng mỉa mai: “Mỗ rất tò mò, Kiều công thật sự bắt được yêu ma sao?”

Lão đạo sĩ thu lại vẻ hiền hòa bên ngoài, nghiêm nghị liếc hắn một cái: “Hôm nay tứ lang lại tới quán rượu Thẩm Ký kia sao?”

“Đúng vậy.” Quý lang quân thản nhiên trả lời.

Lão đạo sĩ thở dài một hơi, khuyên nhủ: “Đại vương để tứ lang tới đây làm người lãnh đạo. Thân phận của tứ lang cao quý, vẫn nên ít tới mấy nơi rồng rắn lẫn lộn kia thì hơn.”

“Làm người lãnh đạo…” “Quý lang quân” Lý Vực cười: “Ta còn tưởng Kiều công chỉ coi ta là vật bài trí cơ đấy.”

“Tứ lang!” Kiều Hợi nhíu mày nhìn Lý Vực: “Nếu mỗ mang lòng bất trung với đại vương thì xin trời trách phạt!”

Lý Vực không để ý, cười nói: “Mỗ cũng chỉ nói vậy thôi, Kiều công chớ để bụng. Kiều công cũng biết mà, ta tuổi trẻ làm không nên chuyện.”

“Tuổi trẻ làm không nên chuyện” là những lời trước đây Kiều Hợi nói về Lý Vực. Triệu Vương mời Kiều Hợi và mấy người phụ tá khác đánh giá về bốn đứa con trai của mình, Kiều Hợi cho rằng đại lang vừa là đích vừa là trưởng, lại khá có tài, có thể gánh được trọng trách; nhị lang anh dũng, tam lang thành thật, đều có thể giúp đỡ; còn về tứ lang do ái thiếp của Triệu Vương sinh ra thì Kiều Hợi chỉ cười: “Tứ lang còn trẻ làm không nên chuyện, để sau này rồi xem sau.” Nhưng mà bây giờ…

Nhìn chàng thiếu niên kiêu ngạo trước mặt, Kiều Hợi đột nhiên sinh ra cảm giác bùi ngùi của Gia Cát Vũ Hầu*, nghĩ tới lời của Triệu Vương trước lúc tới kinh thành, thôi, đều là vì báo đáp ơn huệ của đại vương.

* Gia Cát Lượng khi còn sống có tước hiệu Vũ Hương hầu, sau khi mất có thụy hiệu là Trung Vũ Hầu, do đó hậu thế thường hay gọi ông là Vũ Hầu hay Gia Cát Vũ Hầu để tỏ lòng tôn kính. 

Sắc mặt Kiều Hợi hòa hoãn trở lại: “Tứ lang tuy còn trẻ nhưng cũng là con rồng cháu phượng, cưỡi gió mà bay, một bước lên mây.”

Lý Vực cười đắc ý, bưng chén lên uống một hớp: “Hôm nay Kiều công gặp Vương Bá Thân, chuyện thế nào rồi?”

“Chuyện không thuận lợi. Vốn dĩ hoàng đế đã muốn cho người tới quán rượu Thẩm Ký mua nước lẩu, nhưng rồi lại bị người của Tần Tường phá hỏng.”

“Tướng quân du kích Ngô Cử nói rằng trước kia cấm quân có ý định mua nước ô mai từ quán Thẩm Ký kia, nhưng Thẩm Ký lấy lý do là cấm quân giữ trọng trách canh gác hoàng cung, đồ ăn thức uống có quy củ nghiêm ngặt để từ chối vụ mua bán này. Nếu đã cẩn thận như vậy thì chưa chắc đã chịu bán nước lẩu vào trong cung.”

Lý Vực nhíu mày, cô nương kia cẩn thận thế sao?

“Hoàng đế nghe xong thì có vẻ rất có ý khen ngợi quán Thẩm Ký này. Ngô Cử còn nói, về sau Thẩm Ký đã bán công thức nấu nước ô mai cho cấm quân, đề nghị mua luôn công thức món lẩu này.”

Lý Vực hỏi: “Hoàng đế sai người đi mua sao?”

Kiều Hợi lắc đầu: “Hoàng đế bảo là “Thứ để người ta mưu sinh, thôi bỏ đi”.”

Lý Vực thở phào một cái, không mua mất công thức là được, lại nghĩ, cô nương kia “cẩn thận” cái gì chứ? Chẳng qua là trò xảo trá của kẻ làm ăn mà thôi. Chắc chắn là công thức kia bán không rẻ đúng không? Hoặc cũng có thể là tặng một phần nhân tình để cấu kết với cấm quân? Cô nương Thẩm Ký kia trông lanh lợi lắm…

Kiều Hợi nói: “Xem ra muốn ra tay từ món nước lẩu sợ là khó thành.” Nhà bếp trong cung có quy củ, muốn ra tay trong đồ ăn thức uống là chuyện rất khó, ra tay với đồ ăn mà hoàng đế đặc biệt cho phép mang từ ngoài cung vào thì đơn giản hơn nhiều. Vương Bá Thân bằng lòng giúp đỡ, thời tiên đế hắn cũng là người có thể hô mưa gọi gió, thế mà bây giờ lại bị Tần Tường ép cho không ngóc đầu lên được.

Lý Vực cười nói: “Vừa rồi Kiều công còn trách ta chớ nên tới Thẩm Ký, bây giờ xem ra ta tới Thẩm Ký rất có ích.”

Kiều Hợi nhướng mày nhìn hắn.

“Thẩm Ký muốn mở “chúc đỉnh yến” tập hợp các sĩ tử khóa này trước kỳ thi của bộ Lễ. Với tính tình của vị đường huynh kia của ta, chẳng lẽ lại không muốn ra ngoài tham gia một bữa tiệc tụ họp nhiều nhân tài như vậy? Thái bình thịnh thế, trị bằng văn thủ bằng võ… Ha!” Lý Vực cười khẩy.

Trước đó Kiều Hợi cũng đã nhận được tin báo về bữa tiệc chúc đỉnh yến này, nhưng đánh giết hoàng đế ở ngoài cung… Có thể tưởng tượng ra được tới lúc đó cả kinh thành sẽ chìm trong cảnh máu tanh mưa máu thế nào.

Kiều Hợi vẫn nghiêng về biện pháp “ôn hòa” hơn thay vì hô đánh hô giết – hạ độc đã là quá lắm rồi. Thời tiên đế thì dùng thuốc trường sinh để làm tâm thần bấn loạn, dùng đan dược làm thay đổi tính tình, dùng lời sấm làm dao động lòng người, đứng sau lưng hoàng đế hô mưa gọi gió mới là phong cách mà hắn và sư huynh Đạo Huyền – hoặc nên nói là “Đại Đức Thanh Diệu Phụ Nguyên chân nhân” – thích và am hiểu.

Mà Lý Vực thì rõ ràng là thích tốc hành hơn: “Chúng ta dụ hoàng đế tới Thẩm Ký rồi đánh giết luôn ở đó, dứt khoát cỡ nào! Cứ ngồi chờ Vương Bá Thân trong cấm quân, chờ đám bằng hữu cũ của ngươi, chờ đám quan trong triều mà mỗi năm chúng ta đều biếu cho một đống tiền của lại chưa từng làm được cái chuyện gì thì ta e là càng chờ hoàng đế lại càng ngồi chắc ngôi rồng, sinh một đống con nối dõi, còn phụ thân ta thì lại càng già càng bệnh…” Chẳng mấy khi Lý Vực bày ra được chút dáng vẻ có lòng: “Thiên hạ này vốn nên là của phụ thân ta!”

Năm đó phụ thân của Triệu Vương là dòng chính, ông nội của đương kim thánh thượng là trưởng, làm huynh, “quân vương chọn trưởng”, cuối cùng người ngồi lên ghế rồng chính là ông nội của đương kim thánh thượng.

Người ta nói huynh đệ họ rất hòa thuận, cho nên mới che chở cho Triệu Vương hiện giờ như vậy – phái ra khỏi kinh trấn giữ Bắc Đô hơn hai mươi năm, các đại vương khác đều phải nhẫn nhịn ở trong kinh cả.

Về chuyện cũ trong hoàng thất thì Kiều Hợi chả muốn lật lại làm gì, cho dù Triệu Vương không có lý do gì thì sao chứ? Xưa nay biết bao nhiêu anh hùng làm nên nghiệp lớn ai mà chẳng danh chính ngôn thuận? Đợi tới lúc chuyện đã đạt thành rồi thì ắt sẽ có sử quan đi lo mấy chuyện này thôi.

“Chờ ta đích thân tới Thẩm Ký xem qua đã rồi lại quyết định sau.” Cuối cùng Kiều Hợi cũng hơi dao động.

Hắn từng cải trang thành sĩ tử nghèo tới Thẩm Ký vài lần. Thứ độc mãn tính kia được hạ trên đường, không có nhiều quan hệ với Thẩm Ký, sở dĩ hắn tới một là vì cẩn thận, một nữa cũng là vì lần trước đám người Trịnh Nhị hỏng chuyện ngay ở Thẩm Ký trong phường Sùng Hiền.

“Tứ lang tới Thẩm Ký chớ làm lộ chân tướng.” Kiều Hợi lại vòng trở lại đề tài ban đầu, nhìn kiểu ăn mặc sáng chói của Lý Vực với ánh mắt xoi mói: “Ngươi phải chú ý lời lẽ cử chỉ, thân phận mà ngươi đang dùng hiện giờ là con cháu nhà bần hàn.”

Lý Vực chẳng để ý: “Chẳng qua chỉ là một cái áo choàng bằng gấm Thục mà thôi, là y phục của nô bộc hạng hai trong nhà. Nếu cứ ăn mặc rách nát mãi thì làm sao có thể làm quen với cô nương kia?”

Kiều Hợi lại chẳng đáp lại được, nếu hỏi tứ lang có chỗ nào tốt thì có lẽ chính là ở cái tướng mạo này, lúc còn ở Bắc Đô đã dính dáng với không ít nữ lang…

Nhưng Kiều Hợi vẫn khuyên hắn: “Tứ lang chớ nên bất cẩn. Ngươi đã quên chuyện của bọn Trịnh Nhị rồi sao? Ban đầu bọn họ vốn muốn mượn Thẩm cô nương này để uy hiếp thiếu doãn Kinh Triệu, cuối cùng lại bại ngay tại đó.”

“Ta đã hỏi kĩ càng rồi, chẳng qua là vì Kinh Triệu nhiều người nên bọn họ mới thất thủ, thiếu doãn Kinh Triệu kia…” Lý Vực nhếch miệng: “Hẳn là cũng có đôi chút thủ đoạn. Còn về cô nương Thẩm Ký mà ngươi nói thì ta cũng đã nói chuyện mấy lần rồi, chẳng qua chỉ là một nữ tử có đôi chút khôn lỏi của người buôn bán mà thôi.”

Lý Vực cười bảo Kiều Hợi: “Chắc không phải ngươi cho rằng Thẩm Ký là đầm rồng hang hổ, cô nương Thẩm Ký kia là một kẻ lão luyện có con mắt nhìn thấu hết thảy đấy chứ?”

Kiều Hợi nghĩ tới cô nương chủ quán xinh đẹp kia, cuối cùng không nói gì nữa.