- Phụng thiên thừa vận, hoàng đế chiếu viết: Đoản Hoa công chúa Tống Ý Thiên, phong hiệu Đoản Hoa Thuần Tĩnh Như Hoài Ngọc Khuê tư dung tốt đẹp, hiền hậu nết na, nay Phán Quốc cầu thân, trẫm vừa vui mừng lại có phần không nỡ, ban thêm hai chữ Khánh An vào phong hiệu gả tới Phán Quốc. Khâm thử!
Tống Ý Thiên hừ một tiếng, tới tận bây giờ mới nói tới chuyện không nỡ ư? Tới tận bây giờ mới để ý tới Khánh, An của nàng ư? Đúng là diễn tuồng cho thiên hạ. Nhìn vào trong gương, nàng thấy một nữ tử xinh đẹp lộng lẫy trong trang phục, phục sức tân nương. Một màu đỏ tràn đầy, phủ kín cả gian các tối tăm cũ kĩ, với lấp lánh những vàng bạc, ngọc thạch quý hiếm, càng tôn lên nhan sắc diễm lệ khôn cùng của nàng. Nhưng rất tiếc, đây lại chẳng phải là điều Tống Ý Thiên mong đợi.
Nàng cứ nghĩ mình sẽ chết già trong cung cấm nếu không được ban hôn, hoặc là bị chỉ hôn tới một vùng biên ải xa xôi nào đó. Trong viễn cảnh hạnh phúc nhất, nàng được người đó bế xuống kiệu hoa, bái đường thành thân, rồi từ đó quản lý gia đình, sinh con đẻ cái, cùng y kết thành phu thê sống tới bách niên giai lão.
Thế mà chỉ cần một đạo thánh chỉ, một bản hoà ước, tam công chúa bỗng nhiên được gả tới Phán Quốc, sống chết đã không còn do mình làm chủ. Phải chăng nếu như nàng chưa từng được sinh ra, chưa từng mang thân phận Trịnh Quốc công chúa, thì cuộc đời nàng sẽ khác bây giờ.
Nhũ nương ở bên ngoài gọi vọng vào:
-Công chúa, giờ lành sắp tới rồi, người hãy nhanh nhanh một chút chuẩn bị xong ạ.
Tống Ý Thiên cũng giật mình nhận ra, bèn truyền Tâm Liên tới. Dặn dò nàng ta xong xuôi, nàng nhắm đôi mắt mệt mỏi của mình lại, để mặc cho Tâm Liên chỉnh trang lo liệu. Nha đầu ấy rất nhanh cố định lại thật chắc những trang sức trâm cài trên mái tóc Tống Ý Thiên, dặm lại lớp phấn bột hoa nhài pha ngọc trắng rồi trùm lên nàng tắm khăn thêu hình uyên ương khổng tước đỏ tươi, lại tất bật chạy ra ngoài sắp xếp đám hạ nhân bồi giá và sính lễ của tân nương.
- Giờ lành đã tới, tân nương lên kiệu, xuất giá thành thân!
Cẩn thận đứng dậy trong mớ hỉ phục năng nề, nàng bám vào tay Tâm Liên, chỉ còn biết nương theo đó mà dò dẫm, được đỡ tới kiệu hoa. An toạ, nàng vén tấm màn lụa đính kim sa lên, chỉ thấy kèn trống linh đình, thị tỳ và thị vệ bồi giá xếp thành hàng dài phía sau, trước cửa căn các nàng ở là một mình người nhũ nương già đang đứng khóc rấm rứt, run rẩy vẫy chiếc khăn tay về phía kiệu hoa lộng lẫy.
Cuối cùng, cho tới tận lúc mang tiếng là ái nữ của Trịnh Vương xuất giá, không một ai, kể cả phụ hoàng, tới tiễn biệt nàng. Tống Ý Thiên không muốn khóc trong ngày đại hôn của chính mình, quay sang Tâm Liên ngồi bên cạnh, nắm chặt tay nàng ấy thì thầm: Ta vẫn còn ngươi.
Đoàn ngựa xe chạy ba ngày hai đêm, cuối cùng cũng tới được biên quan, chỉ còn cách kinh thành Phán Quốc hơn vạn dặm nữa. Một toán vệ binh cùng cung nữ của Phán Quốc đã đợi sẵn cũng nhập đoàn đưa tân nương, chăm sóc việc ăn ở và dạy cho nàng lễ nghi, quốc sử nước Phán.
Tuy tân nương xuất giá không được phép để cho người nào nhìn thấy dung mạo trước khi vào động phòng, bắt buộc phải giữ hỉ khắn không được gỡ ra, nhưng cuối cùng, Tống Ý Thiên không chịu nổi nữa, nổi xung với Tâm Liên nhất quyết đòi bỏ khăn trùm xuống. Nhưng Tâm Liên không chịu, còn hăng hái nạt lại chủ tử:
- Chủ nhân, nô tỳ đã nói trước với người rồi, người là tân nương trước khi thành thân không thể nào để người khác nhìn thấy dung mạo được. Vả lại... đám người kia nhìn thấy dung mạo của người chắc chắn sẽ kinh hãi tột độ, người cho rằng về tới Phán Quốc còn không bị đồn thổi tới chết hay sao?
Tống Ý Thiên thật sự rất bức bối, khi ngồi không thì cũng không có vấn đề lắm, khi ăn uống lại có Tâm Liên hầu hạ nên cũng không đến nỗi nào, thế nhưng khi học quy củ, đọc sách sử Phán Quốc, gặp mặt những trù nương chăm lo việc lễ tiết há lại không thể bỏ hỉ khăn hay sao? Ấy thế mà Tâm Liên nàng vẫn kiên quyết bắt nàng phải trùm kín mít, ngay cả khi trù nương nói giữa nữ nhân không ảnh hưởng thì vẫn khư khư chụp cái khăn lên đầu nàng. Về việc ấy, ai ai cũng tỏ ra khó hiểu và tò mò, liệu tam công chúa Trịnh Quốc có tướng mạo thế nào, vì sao một tì nữ nhỏ bé lại cứ muốn che dấu dung nhan của nàng công chúa hoà thân ấy?
Sang tới ngày thứ hai ở biên quan, Tống Ý Thiên cũng đã quen với các lễ nghi của Phán Quốc, các trù nương cũng dạy cho nàng những thể chế của hậu cung Phán Quốc. Cấp bậc ở hậu cung Phán Quốc khác với Trịnh Quốc, không chia ra làm quá nhiều phân vị mà thấp nhất là quan nữ tử, sau đó tới canh y, đáp ứng, thường tại, quý nhân, tần, quý tần và phi. Theo tổ chế quy định, nữ tử bậc phi có thân phận cao quý nhất sẽ được phong làm quý phi, đó là cấp bậc cao nhất của phi tần Phán Quốc.
Triều đại Mạc từ khi khai quốc đã trải qua 7 đời vua nhưng tất cả chỉ có ba quý phi được sắc phong, thời Thái Tổ khai quốc, Khương Trung đế đời thứ tư và tiên hoàng Long Tự đế đời thứ sáu. Từ tước Quý tần trở lên sẽ được ban cho làm cung chủ của một cung, quản lý các sự vụ và phi tần cấp bậc dưới trong cung ấy, còn thường tại và quý nhân ở tại hiên, canh y và đáp ứng ở tại các, riêng quan nữ tử vì cấp bậc thấp nhất, chỉ chuyên dành cho các cung nữ may mắn được hoàng đế sủng hạnh nên chỉ được ban phòng riêng.
Tuy nói là dạy dỗ, nhưng những trù nương này không như các tỳ nữ thuộc đoàn Phán Quốc luôn tỏ ra nghiêm trang lễ độ, có lẽ vì cũng đã vào độ tuổi trung niên nên họ cũng cởi mở hơn, thỉnh thoảng lại còn cũng nàng nói chuyện đùa vui. Qua họ, nàng cũng biết, thì ra nữ tử Phán Quốc thể chất khoẻ mạnh hơn Trịnh Quốc vốn liễu yếu đào tơ nhiều bởi khí hậu và địa hình khác biệt, và cũng do căn nguyên của đại Mạc xuất thân từ bộ tộc du mục, nên ngay cả cách nuôi dạy uốn nắn nữ nhi của các nhà quyền quý cũng khá khác biệt so với Trịnh Quốc.
Tống Ý Thiên nghe trù nương kể lại rằng, ngay từ khi còn trong bụng mẹ, thai nhi sẽ phải cùng thân mẫu tuân thủ theo một chế độ ăn uống nghiêm ngặt, từ tháng đầu tiên cho tới tháng thứ tư sẽ được tẩm bổ bằng đủ các loại thực phẩm quý giá dinh dưỡng nhằm phát triển và ổn định thai nhi trong những tháng đầu đời. Từ tháng thứ tư cho đến hết tháng thứ năm, người mẹ sẽ phải ăn uống đạm bạc hơn, theo đó dần dần ăn uống như bình thường lại đến khi sinh nở mà không cần phải ăn những thứ đại bổ. Họ cho rằng cách ấy sẽ luyện cho thai nhi có khả năng thích ứng và một sức khoẻ đảm bảo hơn.
Lớn hơn một chút, lên tám tuổi nữ nhi sẽ được học bắn cung, cưỡi ngựa, như vậy không nguy hiểm như luyện võ nhưng cũng đủ để rèn luyện thân thể. Tâm Liên vì sống trong hoàng cung Trịnh Quốc từ nhỏ, tuy theo nàng chịu khổ nhưng vẫn thường quen cảnh các công chúa, quận chúa, tiểu thư kim chi ngọc diệp được nâng như nâng trứng, hứng như hứng hoa, lại không được tuỳ tiện động tay động chân vào việc gì thì ngạc nhiên thốt lên: "Chẳng phải như vậy họ sẽ biến hết thành nam nhân rồi hay sao?"
Tống Ý Thiên bên cạnh nghe vậy cầm lấy góc hỉ khăn cười lên khúc khích, lại đang tập đi kiểu giày thượng chi* của Phán Quốc nên lao đao chúi xuống, đám thị nữ xung quanh không kịp trở tay. Bỗng,nàng nghe tiếng vụt qua của gió, rồi một bàn tay vươn ra đỡ lấy eo nàng, kéo mạnh nàng về, thân hình nằm trọn trong lồng ngực nam nhân rắn rỏi. Nhưng mùi hoa đỗ nhược này... Chẳng lẽ chính là...
- Tĩnh vương gia?
(*) Giày thượng chi: giày lá ngọc cành vàng-giày có đế rất cao chuyên dành cho các nữ tử quyền quý sử dụng, tương tự như loại giày cung đình của nhà Thanh Trung quốc
Lòng nàng thầm kinh hãi. Nơi này là biên quan, ranh giới giữa Trịnh Quốc và Phán Quốc, tại sao y lại xuất hiện ở đây? Trên khuôn mặt y lấm tấm mồ hôi cùng với bụi đường vạn dặm, chắc hẳn là đã phải phi ngựa suốt mấy ngày đêm mới tời được đây. Nàng biết mình đã luống cuống, bèn gạt hỉ khăn lại trước mặt, lùi ra cách y một khoảng nhất định rồi quỳ xuống hành đại lễ "Đoản Hoa bái kiến vương gia, vương gia vạn phúc". Y liền ngoảnh mặt đi, trên mặt vẫn đậm nét cười như có như không, nàng thấy đáy mắt y thầm dao động "Ta không dám nhận lễ của công chúa. Vừa mới đi xa một thời gian, trở về đã thấy người thành tân nương xuất giá tới Phán Quốc rồi"
Vịn tay Tâm Liên đứng lên, Tống Ý Thiên mỉm cười, lạnh lùng nói "Đã để vương gia chê cười rồi. Ta còn có việc phải trở về trướng nghỉ, xin cáo từ trước, vương gia đi thong thả". Nói rồi quay người cất bước quay về trướng nghỉ ngơi.
Đến khi về tới trường, Tâm Liên vừa giúp nàng cởi giày thượng chi vừa ái ngại nhìn hỏi: "Chủ tử, khi nãy, người đâu cần phải hành đại lễ với Tĩnh vương gia?"
Tống Ý Thiên không nhìn nàng, mệt mỏi đáp:" Bây giờ tuy ta gả tới Phán Quốc thành thân, cũng chưa được ban danh phận chính thức, nhưng đã theo kiệu hoa đi tới tận biên quan xa xôi này, ta đã không còn là người của nước Trịnh, không còn là công chúa Trịnh Quốc nữa rồi. Ngươi nghĩ xem, phi tử khi gặp thân vương lần đầu tiên sẽ phải làm gì?" "Nhưng người cũng không phải là gặp vương gia lần đầu tiên, vả lại vương gia vẫn gọi người là tam công chúa, người lại cư xử xa cách như vậy, e rằng sẽ làm vương gia đau lòng"
Đau lòng ư? Nha đầu ngốc, cho dù y có thật sự đau lòng cũng chẳng hề liên quan đến nàng, có muốn Tống Ý Thiên nàng cũng chẳng thể quản được. Giờ nàng đã gả cho thiên tử của Phán Quốc, là người của Phán Quốc, thì một thân vương cao quý nơi Trịnh Quốc có thể có gì liên quan?
Nàng vẫn còn nhớ 4 tháng trước xảy ra chiến sự ở Nam Tô, phụ hoàng điều Tĩnh vương gia mới hai mươi tuổi dẫn quân tới chi viện, tính ra hôm nay chính là ngày y về tới kinh thành diện thánh, vậy mà bây giờ lại có mặt ở biên ải phía đông cách kinh thành hai ngày đường ngựa phi nước đại. Không cần nói nàng cũng tự hiểu, y về đây là để gặp nàng lần cuối cùng.
Hơn mười năm về trước, Tĩnh thân vương Dương Triệt khi ấy còn là một thế tử tám tuổi, cùng Tống Ý Thiên là tam công chúa năm tuổi lần đầu gặp gỡ. Khi ấy, nàng đang ngồi ngắm chú ếch bên đầm sen Thượng lâm uyển, trùng hợp đại công chúa Tống Hoài Ninh cùng đám nô tỳ nhũ mẫu cũng ra ngoài đầm dạo chơi. Đại công chúa không có ý xấu, nhưng những cung nữ kia ỷ mình là nô tỳ của Hoàng hậu vốn đã chẳng coi nàng ra gì, bèn giả vờ đùa nghịch với đại công chúa mà lấy chân đá nàng xuống nước. Tống Hoài Ninh hoảng quá khóc thét lên gọi người tới, nhưng đám cung nhân bên cạnh thì cứ mặc nàng, không ai thèm nhảy xuống vớt lên.
Đúng lúc ấy Tĩnh thế tử tình cờ nghe thấy tiếng khóc, lập tức chạy tới nhảy thẳng xuống hồ cứu Tống Ý Thiên bụng đã no căng nước, đầu xoay mòng mòng lên bờ. Cho tới tận khi ngất lịm đi trong vòng tay non nớt nhưng mạnh mẽ của y khi ấy, nàng vẫn còn nhớ gương mặt y ửng đỏ gay gắt, câu nói cuối cùng mà nàng nghe thấy đó là: "Có ta ở đây, ngươi tỉnh lại mau."
Từ dạo đó mỗi khi nhập cung, y lại mang quà bánh, thuốc thang tới khi nàng bị bệnh không mời được thái y, thỉnh thoảng còn mang cho nàng những thứ đồ chơi mà nàng chỉ dám liếc nhìn một cái trên tay các hoàng huynh, hoàng tỷ. Lên hơn chút nữa, y lưu lại hẳn trong cung bầu bạn với Thái hậu, học tập cùng các vị hoàng huynh, mỗi khi rảnh rỗi lại keó Tống Ý Thiên ra cùng nghe phu tử giảng bài, giúp nàng đọc thông viết thạo, giảng cho nàng chút ít y thuật, lại dạy cho nàng cách bắn cung tiêu khiển. Tống Ý Thiên quen thân cũng không còn gọi y là vương gia nữa, y cũng không còn công chúa này công chúa kia. Sớm tối trong Thanh Hi các tàn tạ phía tây Nguyệt Ánh cung lại vang lên tiếng cười nói của A Triệt, Thiên Nhi vui đùa với Tâm Liên và mấy tên tiểu đồng của y như vậy, thỉnh thoảng nhị hoàng huynh, tam hoàng huynh cùng tứ muội, ngũ muội cũng lén tới góp vui. Quãng thời gian ấy, dù có phải đánh đổi thứ gì nàng cũng đều mong có thể trở về. Nhưng giờ đây, đó cũng chỉ là những hồi ức, tiếng cười ấy đã ở rất xa rồi.
Trời chập tối, dùng bữa xong Tâm Liên mang mâm thiện ra ngoài, lát sau quay lại ghé vào tai Tống Ý Thiên thầm nói: "Chủ nhân, Vương gia có việc muốn gặp người một lát ở bìa rừng đằng sau doanh trướng" "Được, ta biết rồi. Lát nữa ngươi nhớ đứng ngoài canh chừng cẩn thận một chút"
Tống Ý Thiên cẩn thận thay lên người bộ y phục tì nữ của Tâm Liên, bới tóc lại thành kiểu tóc của hạ nhân, tẩy trang cẩn thận rồi đi ra ngoài. Biên quan gió rét lạnh buốt, từng cơn từng cơn cứ thổi lồng lộng làm cây lá bay mù mịt. Nàng đi về phía bóng dáng màu xanh xám ẩn trong rừng, chân vẫn bước nhưng lòng lại không hề muốn chạm mặt y. Không, là nàng vẫn còn muốn nhìn thấy y, được trò chuyện, sánh vai bên y như ngày nào. Chỉ là bây giờ, nàng không còn là Thiên Nhi của y nữa, không còn là Trịnh quốc Tam công chúa vô ưu vô lo.
Nàng đến gần, Dương Triệt chậm rãi quay đầu lại, miệng vẫn cười nhưng trần ngập ý xót xa:"Thiên Nhi, ta mới đi có mấy tháng mà muội gầy đi nhiều rồi" Dương Triệt nhìn nàng, ánh mắt hờ hững không rõ buồn vui. Nàng cũng nhìn thẳng vào mắt y, kiên định nói: "Vương gia, ta chưa kịp báo đáp ngươi đã phải rời đi rồi"." Nàng nguyện ý thế này sao? Bị chỉ hôn, chỉ vì thay thế cho ái nữ của hoàng đế mà trở thành con tốt thí mạng của Trịnh Quốc hay sao?"
Tống Ý Thiên im lặng. Là nàng nguyện ý sao? Đương nhiên là không phải, nhưng ngoài ra nàng còn có lựa chon khác sao. Đối với một công chúa không có mẫu thân từ khi mới lọt lòng, phụ hoàng thì chẳng thèm để mắt tới, sớm ngày bị các phi tần thậm chí cả hạ nhân bắt nạt, chà đạp, không hoà thân chỉ có một con đường chết, huống hồ trước khi nàng xuất giá, phụ hoàng đã từng lấy chính tính mạng của trên dưới Tĩnh vương phủ ra để uy hiếp nàng, thì ngoài hoà thân ra còn có con đường nào khác để nàng có thể bảo toàn tính mạng cho Dương Triệt, cho nhưng người vô tội.
Nàng hít sâu một hơi, dằn lòng nói: " Vương gia ngươi nghĩ xem, một nữ tử như ta, phụ hoành chán ghét, phi tần căm hận thì có thể gả cho ai tốt hơn là Hoàng đế Phán Quốc chứ?" Giọng nói của nàng dần trở nên dồn dập: "Ta tới đó nếu đắc sủng thì chẳng phải khuynh bá thiên hạ, nắm cả Phán Quốc trong tay, ta sẽ được đổi đời, vàng bạc phú quý cả ngàn đời cũng không dùng hết. Nữ nhân nào dám đối ta ghen tị căm phẫn, ám hại ta như mẫu phi người từng hứng chịu, ta lập tức trả thù!"
Cả người nàng như ngây đi, đầu lưỡi tê dại, đắng ngắt, hai mắt nàng long lên sòng sọc mở trừng trừng "Ngươi có tin hay không, rằng ta luôn luôn là một nữ nhân đầy tham vọng,ta quyết không để một ai có thể dẫm đạp, khinh thường ta. Trước đây, ta không quyền không thế, đành phải nhẫn nhịn chịu nhục suốt mười mấy năm trời, nhưng bây giờ thì khác. Bộ mặt trước kia chỉ là do ta diễn trò, để có thể sống được tới hôm nay, một bước làm phượng hoàng. Kẻ nào dám cản trở ta, ta giết, ta giết, ta giết!"
Bước lên một bước gần y hơn, Tống Ý Thiên nhếch lên khoé miệng, đôi mắt nhàn nhạt khiêu khích nhìn y "Vậy Tĩnh vương gia, gả tới Phán Quốc là một quyết định không tồi đúng không?" Dương Triệt nắm chặt lấy hai vai nàng, ánh mắt trong suốt như muốn tan ra, lại xoáy vào lòng nàng cảm giác tiếc nuối đau đớn tột cùng.
Chỉ có dùng cách này, y mới chịu từ bỏ. Làm ơn hãy đi đi, hãy đi đi! Nàng không thể chịu đựng thêm một chút nào nữa, rằng đôi mắt y cứ xoáy sâu vào trong nàng, đâm nát trái tim nàng thành ngàn mảnh. Trong khoảnh khắc lặng im của cánh rừng, chỉ có tiếng gió văng vẳng bên tai tô đậm nét thê lương, y buông câu nói: "Thiên Nhi, đừng tới Phán Quốc nữa, đi cùng ta, gả cho ta có được không?"
Suốt những ngày qua, nàng đã mộng mị, đã mong chờ biết bao rằng y sẽ trở về, sẽ đến bên nàng và nói "Không, nàng nhầm rồi, người nàng gả cho là ta, Tĩnh thân vương Dương Triệt" Khi phụ hoàng tới bắt nàng chuẩn bị cho ngày đại hôn, nàng đã nghĩ tới việc bỏ trốn trên đường tới Phán Quốc. Giờ đây, cũng chính y là người làm cả hai việc đó, muốn dắt nàng cao chạy xa bay rồi cưới nàng làm thê tử.
Nhưng tiếc rằng, đời này kiếp này, Tống Ý Thiên không có được cái phúc phận gả cho Dương Triệt, tam công chúa không thể không xuất giá tới Phán Quốc xa xôi. Nàng không màng tất cả nữa, sà vào vòng tay y, tham lam siết chặt lấy y, bởi nàng biết, đây sẽ là lần cuối cùng.
Nước mắt Tống Ý Thiên cũng theo đó tuôn rơi, từng giọt lệ như một câu yêu thương mà đời này nàng không thể trao cho Tĩnh thân vương Dương Triệt. "A Triệt...A Triệt...A Triệt... Ta không nỡ xa chàng... A Triệt!" Nàng cảm nhận được từng giọt lệ nóng hổi của y rời lên trán tôi " Thiên Nhi đừng khóc, ta biết nàng không nỡ, nếu không người như nàng sẽ không tuỳ tiện khóc, như vậy nàng theo ta, được không?"
Nàng thét lên, giằng ra khỏi người y "Không!" Nàng chỉ thẳng tay vào mặt y, hai mắt vằn lên trong tầng nước mắt: "Ta theo chàng bỏ trốn, liệu phụ hoàng có tha cho hai ta? Ta theo chàng bỏ trốn, vậy an nguy của Trịnh Quốc, con dân Trịnh Quốc, vương gia chàng không màng tới sao?" Theo chàng bỏ trốn, xảy ra chiến sự, há Dương Triệt lại có thể làm ngơ, không đứng ra xuất chinh nhận tội? Trịnh Phán phân tranh, ắt sẽ phải đổ máu vô cùng. Dù Tống Ý Thiên nàng không hề vướng bận phụ hoàng, nhưng còn tỷ đệ nàng thì sao? Còn tính mạng của bách tính thì sao? Còn Dương Triệt thì sao? Nàng chính là không can tâm! Bởi thế, nàng nhất định không thể bỏ trốn.
Thân mình Tống Ý Thiên run lẩy bẩy, hai chân đứng không vững, đầu óc quay cuồng nhưng trong lòng còn thương tâm vạn lần. Dương Triệt im lặng nhìn nàng hồi lâu, cái nhìn ấy chính là cái nhìn mỗi khi y thấy những vết bầm tím trên người nàng khi bị bắt nạt, là mỗi khi y thương tâm khi nàng ngồi bó gối khóc hết nước mắt trong ngày sinh thần của nàng, cũng là ngày mẫu phi Thương thị của nàng bị ban lụa trắng tự vẫn.
Y lại gần nàng, lấy ra một bao da nhỏ trong ngực áo, lại tháo miếng ngọc bội tuỳ thân thường ngày luôn treo ở thắt lưng xuống nhẹ nhàng đưa cho Tống Ý Thiên: "Trong bao này là những thứ đồ nhị hoàng tử, tam hoàng tử và tứ công chúa nhờ ta gửi cho nàng. Họ rất buồn vì không thể tới tiễn nàng khi nàng rời cung, bèn gửi những thứ này cho nàng. Còn miếng ngọc bội này là của mẫu thân ta để lại, nàng giữ lấy nó, coi như là thay ta ở bên cạnh nàng"
Nàng đón lấy những món đồ từ tay y, chỉ biết cúi đầu nói lời cảm ơn khách sáo rồi lập tức quay người cất bước rời đi. Khi nàng bước được tới chỗ Tâm Liên đã không còn đủ sức để đứng vững nữa, cả người sụp xuống, chỉ biết đem cả thân thể tựa vào nàng ta mà về trướng nghỉ.
Trong đêm ấy, nàng nghe thấy tiếng vó ngựa của người ấy rời khỏi doanh trại biên quan.
Trong đêm ấy, nàng đã dựa vào Tâm Liên, khóc lên như một đứa trẻ, khóc như chưa bao giờ được khóc, khóc còn nhiều hơn cả số lệ mà nàng đã tuôn ra cả một quãng đời tôi đã sống.
Trong đêm ấy, nàng đã hoàn toàn trở thành Tống Ý Thiên không sợ hãi, không nhún nhường, không tranh đoạt, không buồn, không vui bước tới Phán Quốc.