Tôi mở mắt thức dậy,
với tay lấy điện thoại đặt trên đầu giường. Đồng hồ màn hình báo 14h32p, tôi ngao ngán lắc lắc mái đầu, đạp chăn, chạy vào nhà vệ sinh. Tôi sống một mình trong căn hộ 100m2 ở khu chung cư cao cấp hàng đầu thành phố
Y, nội thất sang trọng, hai mặt hướng biển, các dịch vụ đều nằm ở mức
tuyệt vời theo như lời được viết trên trang web của công ty địa ốc mà
tôi còn nhớ. Nhưng với tôi, những điều đó cơ bản không quan trọng. Tôi
chọn mua nhà qua mạng, thanh toán chuyển khoản bằng Internet banking,
dọn nhà cũng nhờ dịch vụ chuyển nhà qua mạng. Lý do duy nhất khiến tôi
chọn nơi đây làm chỗ ở cũng bởi vì độ an toàn cực cao, mà Hoàng Liên tôi lại là một người chưa bao giờ cảm thấy an toàn.
Tôi sinh ra đã
ngậm chìa khóa vàng, xinh đẹp rực rỡ, tài năng hơn người, 3 tuổi đã được tung hô trên mặt báo là “thần đồng kiệt xuất”, là “hiện tượng mới của
thế kỷ 21“. Biết bao người tôn sùng tôi, ngưỡng mộ tôi, ghen ghét tôi.
Cho là tôi thật đáng ngưỡng mộ, cho là tôi chỉ được báo chí thần thánh
hóa, thậm chí cho là gia tộc tôi bỏ tiền ra vẽ nên những điều tốt đẹp
trên. Nhưng chỉ một mình Hoàng Liên tôi biết, cuộc đời của tôi từ khi
sinh ra đã không phải màu hồng, mà là một màu xám xịt tối tăm.
Cha tôi là tổng giám đốc một tập đoàn tài chính lớn, nhưng chẳng ai biết 22 năm trước vị tổng giám đốc hiện giờ đang hô phong hoán vũ kia cũng chỉ
là một chàng thanh niên nghèo rớt mồng tơi, 23 tuổi đã phải cưới vợ vì
ăn cơm trước kẻng không cẩn thận có con. Mẹ tôi 18 tuổi, chưa tốt nghiệp cấp ba đã mang thai tôi, mỗi ngày phải chịu cảnh người chông trẻ say
xỉn vì áp lực trong công việc mà mang bà ra đánh đập. Dần dà, bà sinh
trầm cảm. Đến tháng thứ 8, vào một đêm mưa gió, cha tôi về nhà sau một
ngày dài đầy bia rượu xã giao, lúc đó đã là 1h hơn, ông loạng choạng
bước vào phòng ngủ, sẵn mệt mỏi, lại không thấy mẹ tôi đâu, tức giận,
ông lớn tiếng:
- Mai Lan, cô ra đây cho tôi! Có biết chồng đi làm về không mà không ra chào hỏi hả?
Tiếng hét của ông vang vọng khắp căn nhà, nhưng đáp lại chỉ có tiếng ù ù của
máy lạnh, cùng âm thanh róc rách nước chảy phát ra từ nhà tắm. Ông hừ
lạnh, xoay người bước về phía nhà tắm. Cánh cửa nhà tắm khép hờ, bên
trong tối om, thấy vậy ông quơ tay bật công tắc đèn.
Dưới sàn nhà trắng toát, mẹ tôi tựa người vào thành bồn tắm, nước trong bồn không
biết đã được xả bao lâu, chỉ biết mỗi lần từng đợt nước tràn ra ngoài
lại mang theo hàng tá những vệt đỏ ngoằn ngoèo uốn lượn. Mà trong bồn
tắm, máu loan một vùng đỏ thẳm, vài ba vệt thắt lại, vài ba vệt tỏa ra,
tựa như hàng ngàn hàng vạn đóa hồng thi nhau nở rộ, tươi đẹp mà thương
tâm...
Tôi được bác sĩ cứu ra kịp thời, phải nuôi trong lồng kính cho tới khi đủ tháng. Chẳng biết là trùng hợp hay tôi thật sự mang lại
may mắn như người nhà tôi vẫn nói. Hai ngày sau ngày tôi được “sinh” ra, công ty cha tôi thắng được hợp đồng lớn mà trước đó dù có nằm mơ cha
tôi cũng không dám mơ. Ngày tôi tròn 10 tháng chuyển về nhà, căn hộ nhỏ
trước kia đã được thay bằng căn biệt thự 500m2. Tiệc tân gia và mừng tôi về nhà được tổ chức cùng một lúc. Hàng ngàn gương mặt thi nhau tiến về
phía tôi cưng nựng, ngợi khen, trên mặt họ mang theo nụ cười tươi rói,
nhưng chẳng hiểu sao tôi lại cảm thấy bọn họ thật đáng sợ, thật giả dối, cũng thật đáng thương. Thế là tôi òa khóc nức nở. Người vú nuôi vỗ mãi
mà tôi chẳng chịu nín. Cha tôi hơi nhíu mày, rồi phất tay bảo đem tôi
lên phòng.
Gần 3 tuổi, tôi vẫn chưa biết nói, hay ít nhất trong
suy nghĩ của mọi người tôi vẫn chưa biết nói. Thật ra tôi không chỉ nói
được mà còn có thể diễn đạt mọi ý nghĩ một cách lưu loát, chỉ là tôi
không muốn mở miệng, càng không muốn giao tiếp với bất kỳ ai. Tôi cứ
sống âm thầm như vậy, vú nuôi cho ăn thì ăn, cho uống thì uống, đôi lúc
bà ta cũng hay than phiền nói xấu cha tôi, chê tôi không nói được, nhưng tất cả những điều đó với tôi cũng không quan trọng, vậy nên tôi chỉ im
lặng, ngoan ngoãn đóng vai một đứa trẻ câm.
Sinh nhật 3 tuổi của
tôi. Lúc này gia đình tôi lại chuyển sang một căn biệt thự mới, rộng gấp đôi nhà cũ. Người đến nhà tôi dự tiệc cũng ngày càng đông. Hôm đó tôi
mặt váy trắng, tóc mai tết thành hai bím thật xinh. Cha tôi ẵm tôi xuống lầu, đem giới thiệu hết người này đến người khác, ai cũng nhìn tôi rồi
chép miệng tuôn ra một tràng những câu ngợi khen sáo rỗng. Tôi âm thầm
quan sát họ, mặt không có một chút cảm xúc, còn trong mắt họ đầy nét chế giễu, dù tôi không muốn cũng đập vào mắt tôi.
Sau một hồi quanh
quẩn cùng đám người đó, cuối cùng cha tôi cũng chịu bỏ tôi xuống, mặc
tôi muốn đi đâu thì đi. Tôi đứng giữa đại sảnh, xung quanh người ta qua qua lại lại, mấy anh bồi bàn chạy tới chạy lui, vài cô gái xinh đẹp mày tô mắt vẽ cười duyên đưa tình, quý bà quý ông đứng thành từng cụm,
tiếng ly tách va nhau, tiếng cười đùa, bàn tán. Tôi nhìn trái nhìn phải, chẳng biết phải đi đâu, lại phát hiện dây giày lỏng từ lúc nào. Ngay
lúc tôi cúi xuống định cột lại dây giày thì bỗng từ đâu có một bàn tay
nóng hổi bế thốc tôi lên, một giây sau đó tôi cảm thấy cả người mình
đang tựa vào một bức tường nóng ấm, thoang thoảng mùi xạ hương. Tôi vô
thức hít hà mùi hương quyến rũ ấy, tay ghì chặt lấy cánh tay kia. Cho
đến khi một giọng nói trầm ổn vang lên, tôi mới sực tỉnh mà ngước đầu
lên nhìn người đó.
Rất nhiều năm về sau, trong cơn mơ màng tôi
vẫn hình dung lại rõ ràng gương mặt của người đàn ông ấy. Người đàn ông đã cứu tôi khỏi nồi nước sôi ngã năm tôi 3 tuổi, người đàn ông mà tôi
mặc nhiên luôn gọi một tiếng chú, người đàn ông mà tôi đã yêu ngay từ
lần gặp đầu tiên. Và người đàn ông đã khiến cho cuộc đời vốn xám xịt của tôi cuối cùng trở thành một màu đen hoàn mỹ vào năm tôi 18 tuổi...
- Nhóc con, không sao chứ?
Người đó nhìn tôi mỉm cười, khóe mắt hơi nhăn lại, khuôn miệng nhếch lên lộ
ra hàm răng trắng bóc, trong giọng nói thấp thoáng chút cưng chiều. Ma
xui quỷ khiến, tôi chính là vào lúc ấy, lúc nhìn thấy nụ cười ấy mà mất
đi tất cả sự phòng bị, quên mất chính mình là đứa trẻ câm, nhàn nhạt mở
miệng:
- Không sao...
Hai từ tôi thốt ra, cụt lủn mà chân
thật, bình thường mà dị thường. Chỉ thấy nụ cười trên môi người đó chợt
tắt, mắt trừng lớn trong một phần giây ngắn ngủi, rồi rất nhanh sau đó
chuyển thành vui sướng tột độ, vừa ôm tôi vừa hét lên về phía cha tôi
đang đứng:
- Đại ca, tiểu công chúa nói được! Nói được!
Một giây sau, không chờ cha tôi phản ứng, người đó sải bước, đem tôi tiến
về phía cha. Cha tôi vẫn im lặng, trên mặt ông không có biểu cảm gì.
Người nọ thì ngược lại, vui mừng đến phát điên, liên tục bảo tôi nói
lại, còn bảo tôi gọi “Ba ba“. Tôi khó khăn nhìn người đó đang cười rạng
rỡ nhìn mình, lại liếc khẽ về phía cha tôi vẫn một mực giữ vẻ bình thản. Tôi có thể không nói, có thể để người đó thất vọng, rồi mọi người sẽ
cười đùa một chút lại thôi. Tôi vốn đã định làm như thế. Nhưng ánh mắt
người đó nhìn tôi lại chân thật quá, nụ cười của người đó lại tươi sáng
quá, làm tôi chợt cảm thấy rằng nếu như bây giờ tôi đang tâm ủy khuất
con người này thì cả phần đời còn lại của tôi sẽ chẳng thể nào lương tâm yên ổn được. Thế là tôi nhắm mắt, chậm chạp mở miệng: