- Huynh ấy không nói năng gì hết, chỉ sai em đưa thuyền đến cho các vị.
Tả Phi Khanh cười nhạt:
- Ta xem chừng tên họ Cốc này cũng thấy động lòng rồi. Hừ... Nói cho lắm làm gì, để Tả mỗ đây trở về Tây Thành, chờ lãnh giáo ngón "Chu Lưu lục hư công".
Lục Tiệm cau mày, hạ giọng bảo:
- Tả huynh, đệ tin chắc, Cốc Chẩn chẳng phải hạng người như thế đâu.
Tả Phi Khanh chỉ hứ nhẹ một tiếng, gã thôi không nói gì khác nữa.
Cốc Bình Nhi hướng dẫn mọi người đến một cỗ thuyền.
Thuyền rời khỏi Đông Đảo, mọi người ai nấy đều buồn bã kém vui, họ vẫn cứ nghĩ, sau khi Vạn Quy Tàng chết, những ân oán sẽ một cái khoát tay mà tiêu trừ, giờ xem lại, đấy chỉ là mong muốn của một bên thôi, huyết thù chất chứa bao nhiêu năm nay giữa Đông Đảo và Tây Thành, há vì cái chết của một con người mà đã có thể xoá tan cho biệt tích được!
Dong thuyền dăm ngày, đã đến bờ. Tả Phi Khanh không nói không rằng, khơi khơi bỏ đi. Lục Tiệm biết gã mang nặng thành kiến, ắt hẳn đã muốn chạy trước về Tây Thành báo tin, trong lòng Lục Tiệm trào dâng một cảm giác không rõ rệt là gì, gã lập tức quay sang mời Ninh Ngưng tạm ghé qua Đắc Nhất sơn trang trước.
Ninh Ngưng khẽ lắc đầu, giọng buồn bã:
- Tôi không đi được! Đúng ra, tôi có một chuyện này cần nói cho các bạn rõ, hồi đó, lúc còn ở Tây Thành, gia phụ vì muốn cứu mạng tôi, đã bị Vạn Quy Tàng cưỡng bách, phải tự thiêu mà chết đi rồi...!
Nghe cô nói, Lục Tiệm hoảng hồn, Ninh Bất Không từng làm kiếp chủ của Lục Tiệm, lại là bố của Ninh Ngưng, lão đã có ảnh hưởng thật lớn trong cuộc đời Lục Tiệm, dám chắc, ngoài Lục Đại Hải, không ai khác có thể sánh cùng lão được. Trước đây, Lục Tiệm thù hận lão ta khôn tả, bây giờ, hay tin lão đã chết, trong lòng gã miên man một nỗi buồn khác lạ, gã đứng tần ngần đấy, miệng không sao nói lên thành lời.
Ninh Ngưng hít vào một hơi, cô nói:
- Gia gia bị lửa đỏ thiêu mà chết, tôi đang muốn trở về Tây Thành, lập một nhà mộ giả nơi ông ra đi, để thể hiện hiếu tâm,. ôi... tôi thật là một đứa con tối bất hiếu dưới cõi trời này!
Lục Tiệm cố trấn định tâm thần, gã buồn bã hỏi:
- Lần trở về Tây Thành này, đường xá xa xôi vạn dặm, cô một thân một mình làm sao đi cho nổi?
Ninh Ngưng đáp:
- Tôi đã có hẹn ước Tả bộ chủ, cùng đồng hành chuyến này.
Nói xong, cô quày mình, đi về phía đầu đường, nơi tà áo trắng của Tả Phi Khanh đang bay phất phới, gã đứng lặng ở đấy, hẳn là đang chờ cô.
Thấy thế, trong lòng Lục Tiệm nhẹ nhõm, gã rầu rầu nói:
- Vậy hai vị khá giữ gìn cho tốt trên đường đi.
Ninh Ngưng khẽ gật đầu, mắt cô nhìn nhìn vào Diêu Tình, cô cố thu hết dũng khí, nói:
- Diêu cô nương, Lục Tiệm là người tốt hiếm có, cô... cô phải đối xử cho đẹp cùng huynh ấy...!
Diêu Tình khé sựng sờ, cô buột miệng đáp:
- Bộ ta còn đối xử chưa tốt cùng huynh ấy sao?
Ninh Ngưng gượng cười, đáp:
- Tôi muốn nói... không phải chỉ tốt một ngày, mà là tốt suốt cuộc đời ấy!
Diêu Tình trang trọng gật đầu, đáp:
- Ta xin nghe theo lời cô!
Ninh Ngưng thoáng nét hoan hỉ, đôi nhãn châu cô ẩn ước hơi đo đỏ, cô quay nhanh người, nhắm hướng tây, đến gặp Tả Phi Khanh, rồi cả hai cùng đi khuất.
Tiễn xong hai người Tả, Ninh, Lục Tiệm, Diêu Tình cùng năm đại kiếp nô trở về Đắc Nhất sơn trang, cùng gặp lại mẫu thân, tổ phụ, hai vợ chồng Ôn Đại phu phụ. Bà này bị niềm vui pha lẫn nỗi buồn, chảy nước mắt ngắn dài, nhờ Tiên Thái Nô cố gắng dỗ dành, bà mới nguôi ngoai được một chút. Mồm miệng cô vốn nhanh nhảu, chỉ nhịn được chừng nửa ngày, Diêu Tình đã đem hết chuyện trên Đông Đảo thuật lại cho hai ông bà Ôn Đại nghe. Hay tin, họ đều thất kinh, nghĩ rằng chuyện đó hệ trọng không phải nhỏ, lại sợ bị phía Đông Đảo đánh lén, họ bèn cùng nhau cáo từ, để trở về Tây Thành.
Đoàn tụ được chừng một tháng, Thương Thanh Ảnh cùng Lục Đại Hải đều thấy Lục Tiệm, Diêu Tình tâm đầu ý hợp, bèn nêu ý cho họ tổ chức hôn sự. Lục Tiệm muốn còn không được, Diêu Tình giả vờ suy nghĩ một đêm, rồi bữa sau cô nhận lời. Hai vị lão gia vui mừng khôn xiết, lập tức cho gửi thiệp báo hỉ, sửa soạn đám cưới. Thương Thanh Ảnh cũng đề nghị cặp Tiết Nhĩ cùng Tô Văn Hương làm đám cưới cùng ngày, Hai gã Tô, Tiết ngượng chín mặt mày, trong khi Thanh Nga cùng Lan U hhét sức vui mừng.
Sau khi Trầm Chu Hư chết đi, Hồ Tôn Hiến đã bị điều về kinh, sau đó chẳng bao lâu, lão vì liên quan vào vụ hai cha con Nghiêm Tung, đã bị tống giam vào ngục tối. Thời thế giờ đã thay đổi, nhà họ Trầm mất chỗ dựa lớn, đã nhanh chóng bị người đời quên lãng, các thiệp báo hỉ mà Thương Thanh Ảnh gửi đi, đều như ném đá xuống biển, chẳng có hồi âm, khiến bà suy nghĩ, lần cưới hỏi này, sẽ không được náo nhiệt bằng đám cưới của Trầm Tú ngày trước, khiến trong lòng bà mang chút ân hận với Lục Tiệm. Nào ngờ, trước ngày cưới, chẳng những toàn bộ đệ tử Thiên bộ xúm về, mà người của Địa bộ, Lôi bộ, Phong bộ, Trạch bộ, Sơn bộ đều lũ lượt kéo đến, có luôn cả hai bộ Thuỷ và Hoả vừa tái tạo xong, họ đã đề cử được chủ bộ mới. Ninh Ngưng lên làm chủ Hỏa bộ, vì cô cũng có chút lấn cấn, nên chỉ sai đệ tử Hoả bộ thay cô chuyển tặng quà mừng, còn cô thì không đến dự tiệc cưới.
Đây là lần đầu từ hai mươi năm qua mà tám bộ của Tây Thành được cùng nhau họp mặt, nên Đắc Nhất sơn trang đã hết sức náo nhiệt. Lục Tiệm quá áy náy, gã hỏi bà Ôn Đại:
- Từ Tây Thành đến đây, đường xá vạn dặm xa xôi, Lục Tiệm tôi đâu có tài có đức gì mà đã khiến Địa mẫu cùng các vị đồng môn phải một phen vất vả như thế?
Ôn Đại vui vẻ trả lời:
- Cái tên Lục Tiệm đệ thiệt là... Đệ còn không biết ư? Bây giờ, đệ làm ông chủ Tây Thành, đám cưới linh đình của thành chủ, có đệ tử nào của Tây Thành mà dám không đến chúc mừng chớ?
Mọi người nghe thế, đều cười ồ, chỉ riêng mình Lục Tiệm không hiểu, gã thắc mắc:
- Địa mẫu nương nương, sao nương nương lại bảo đệ đã làm Thành chủ, xin người hãy giải thích cho đệ rõ?
Ôn Đại tủm tỉm cười, bà đáp:
- Đây đâu phải chuyện nói chơi? Đó là tất cả các bộ đã bình bầu đệ lên làm thành chủ, chuyện rất danh chính ngôn thuận.
Lục Tiệm càng thấy quái lạ hơn, gã lắc đầu:
- Chẳng đúng! Đệ làm chủ bộ Thiên bộ, nếu có việc bình bầu như thế, tại sao đệ lại chẳng hay biết gì ráo?
Ôn Đại cười xoà. Tiên Thái Nô trả lời thay bà:
- Tám bộ bình bầu, đa số là thắng, bây giờ, đã có bẩy bộ đồng ý cử đệ lên làm Thành chủ, cái ý kiến của Thiên bộ này, chịu hay không chịu... cũng vậy thôi!
Chuyện quá đột ngột, gã vốn chẳng ham làm Thành chủ, Lục Tiệm ngay lập tức bị sững sờ, gã như gà mắc tóc, bèn ngớ ra, không biết đối đáp thế nào!
Ôn Đại lại bảo:
- Hai bậc phụ mẫu của Tình nhi đều quá cố, họ hàng nó chẳng còn ai, ta đây làm sư phụ nó, không thể nào không góp một tay vào được! Ta đã thuê được một biệt viện, để cùng nó ở bên đó làm nhà gái, đến hôn lễ ngày mai, sẽ cho rước dâu.
Lục Tiệm đồng ý, nhưng từ lúc ấy trở đi, gã cứ dàu dàu chẳng vui, khi về đến phòng trong, gã bèn đem mọi chuyện còn vấn vương trong lòng nói cho Diêu Tình nghe.
Diêu Tình chau mày, bảo:
- Sư phụ và sư công đã chĩa tâm trí vào chàng rồi đấy! Ngón này cuả hai vị muốn làm chàng không còn đường lui! Chàng nghĩ coi, Cốc Chẩn đang làm chúa đẩo Đông Đảo, nếu xảy ra chiến tranh giữa hai bên đông tây, chỉ có mỗi mình chàng là đánh thắng nổi hắn, mà bằng vào quan hệ giữa chàng và hắn, thì chàng làm sao xuống tay cho được! Để ép bức chàng, họ đã đem cái ngôi vị Tây Thành chi chủ làm một cái mũ thật to, họ đem trùm đại lên đầu chàng, nếu xảy ra chiến tranh, chàng thân làm Thành chủ, thì làm sao có thể đứng ngoài làm ngơ! Thứ nữa, đưa chàng lên làm Thành chủ, tức là làm cho lũ người Đông Đảo có gan cùng mình đến đâu, cũng không dám mạo phạm vào hổ uy của chàng. Thành ra, xảy ra chiến tranh hay không, với chàng trong vai Thành chủ, có nghĩa Tây Thành là không thể thua!
Lục Tiệm mặt nhăn mày nhó, đáp:
- Nhưng ta làm sao đi đánh nhau với Cốc Chẩn cho được?
Diêu Tình đập bàn, cười ầm:
- Đúng rồi đó! Chàng cứ giữ ý ấy, chuyện đánh đấm là không có xảy ra đâu!
Lục Tiệm hỏi:
- Còn Cốc Chẩn thì sao? Bao nhiêu người Đông Đảo đòi nhanh chóng trả thù, rồi ra, không biết họ sẽ ép buộc hắn thế nào?
Diêu Tình không ngăn nổi tràng cười ầm ĩ:
- Hảo ca ca, chàng đang giả vờ ngốc nghếch chăng? Ngón nghề của xú hồ ly là sao chớ? Hắn đã tha không ép ai thì thôi, có ai mà ép nổi hắn kia? Còn nói đến chuyện giở giói mánh mung, mấy cái thằng hề vụng về ở Đông Đảo thiệt không đáng đi xách dép cho hắn nữa!
Lục Tiệm nghĩ ngợi, rồi gã liên thanh la lớn:
- Đúng... Đúng quá...
Chợt mặt Diêu Tình hiện vẻ bực tức, cô nắm chặt nắm đấm, hoa tay đập lia lịa xuống mé giường, miệng chua ngoa nói:
- Cái tên xú hồ li đó, bổn cô nương lần trước xuất giá, đã bị hắn tới quậy cho nát nước, vậy mà lần này, hắn lại đi làm con rùa đen rụt cổ, đến một cái rắm cũng không dám đánh, hừm... càng nghĩ càng giận, mai mốt gặp lại, hễ không nhéo vào hai lỗ tai hắn, là không chịu được!
Thấy cô nổi trận lôi đình, Lục Tiệm bất giác không sao nhịn được, gã cười ha hả thật lớn.
Sau ngày cưới, Thích Kế Quang cũng sai người đưa quà mừng đến. Hay tin huynh trưởng đang bận bịu chiến cuộc ở vùng Mân Bắc, Lục Tiệm rất xúc động, gã nghỉ thêm mấy hôm, chờ người Tây Thành lục tục kéo nhau ra về hết rồi, Lục Tiệm bèn cùng Diêu Tình đi xuống miền nam, giúp Thích Kế Quang tiễu trừ bọn giặc cướp người Oa.
Lúc ấy, Thích Kế Quang liên tục đánh lui bọn đại khấu, oai danh lão chấn động vùng đông nam, bọn giặc Oa nghe đến tên đều sợ mất mật, chúng hè nhau gọi lão là "Thích lão hổ". Khi được Lục Tiệm đến giúp, lão tựa như hổ mọc thêm cánh. Sơ sơ có hai năm, giặc Oa ở miền đông nam đều lần lần hoàn toàn bình định xong. Và trong khoảng thời gian hai năm đó, tính mạng hoàng đế Gia Tĩnh cũng ô hô, lão lưu lại đời sau một cái túi da thịt hôi thối, giấc mộng đắc đạo làm tiên lên trời của lão tan tành như bọt nước, chỉ để làm trò cười cho hậu thế.
Năm kế đó, miền nam hoàn toàn bình định, Thích Kế Quang được chỉ đòi về kinh thành, vốn Diêu Tình chưa có dịp thăm viếng Bắc Kinh, cô thừa dịp đó đã kì kèo Lục Tiệm, muốn cùng gã vầy đoàn theo Thích Kế Quang đi chơi kinh thành. Tuy Lục Tiệm nhớ Cốc Chẩn da diết, đã nhiều lần gã muốn đi Đông Đảo thăm y một phen, nhưng giờ đây,mang thân phận làm Thành chủ Tây Thành, chuyện gì cũng phải cân nhắc, mà gã cũng sợ người Tây Thành hiểu lầm, rồi lại ngại đến Đông Đảo sẽ gây phiền toái cho Cốc Chẩn. Gã tính tới tính lui, lòng dẫu nhớ nhung, song gã chẳng dám đi, rồi khi bị Diêu Tình kèo nài, gã đành gác bỏ ý muốn đó, đi thăm vùng kinh sư trước.
Một đoàn người ngược bắc, dọc đường vượt qua ruộng đồng ngang dọc, thấy nhà nông làm ăn dễ dàng, rừng trà tươi tốt khắp chốn, tiếng ca hát của người hái trà véo von cùng khắp, nghe êm êm trong tai không thôi. Nhình cảnh tượng, Lục Tiệm nhớ đến khi xưa lúc từ Đông Doanh trở về, chốn chốn nhuốm màu thê thảm, gã cứ tưởng đang lạc vào một thế giới nào khác. Chẳng mấy chốc, đoàn người đến ven bờ Trường Giang, còn đang chờ thuyền sang sông, bỗng từ đàng trước hiện đến một cỗ thuyền lớn. Thuyền to đến kỳ lạ, chừng lớn gấp bội các giang thuyền thông thường.
Thích Kế Quang cũng lấy làm lạ:
- Chẳng hiểu là kẻ nào mà nghênh ngang cho hải thuyền đi ngược Trờng Giang đến đây?
Lão còn chưa dứt lời, đã nghe có tiếng người cười lớn. Lục Tiệm vừa mừng vừa ngạc nhiên, gã buột miệng kêu lên:
- Cốc Chẩn!
Chữ "Chẩn" còn chưa nói hết, đã thấy Cốc Chẩn mũ áo sênh sang, chắp tay vui vẻ chào:
- Đại ca, Thích tướng quân, nếu có nhã hứng, xin mời quá bộ lên chơi tặc thuyền của Cốc mỗ?
Thích Kế Quang chia tay gã từ ngày đó đến giờ, nhiều năm ròng chưa gặp lại, trong thời gian ấy lòng lão cũng nhớ nhung, giờ gặp mặt, lão mừng khôn xiết, tay chỉ vào Cốc Chẩn, miệng vui vẻ hỏi:
- Tiểu tử nhà ngươi, đã làm quân lệnh trạng, hứa sẽ trở về, kết cục là cụp đuôi dông mất, mấy năm ròng rã tuyệt không ló dạng!
Cốc Chẩn cười hì hì, đáp:
- Thích đại nhân là người bận rộn, kẻ thảo dân khơi khơi đây sao dám đến quấy rầy chứ!
Thích Kế Quang chau mày, bảo:
- Lời đó đích thực thúi không chịu nổi!
Cốc Chẩn cười đáp:
- Thì ra Thích huynh cũng biết mắng người!
Nghe gã nói, mọi người cùng cười ồ!
Cười cợt một chặp, thuyền đã cập bờ, Thích, Lục, Diêu một đoàn kéo nhau lên, lũ kiếp nô được gặp lại Cốc Chẩn, thảy đều hết sức thân thiết. Cốc Chẩn luôn miệng chào hỏi, hai mắt gã cứ nhìn chằm chằm vào Diêu Tình, ra kiểu thăm dò hàng họ. Diêu Tình nhổ toẹt, mắng gã:
- Xú hồ li, hai con mắt kẻ cướp của ngươi kia, làm gì mà nhìn vào ta dữ vậy?
Cốc Chẩn lắc đầu, đáp:
- Ta đâu có nhìn cô, ta nhìn tiểu điệt của ta đấy chứ!
- Tiểu điệt của ngươi? - Ngoái đầu trông lại chẳng thấy ai khác, Diêu Tình mới chợt hiểu ra, mặt mày ửng đỏ đến tận mang tai, cô bèn nhấn gót chân, nhảy ào tới trước, thò tay muốn nắm vào hai vành tai Cốc Chẩn.
Cốc Chẩn cúi đầu để cô nắm lấy, miệng gã la lớn:
- Diệu Diệu, cứu ta với!
Từ trong khoang thuyền vọng ra một tràng cười, Thi Diệu Diệu bế một hài nhi, hiện ra chỗ cửa khoang, cười bảo:
- Diêu gia muội tử, xin hãy nể mặt ta mà tha cho gã một lần đi!
Diêu Tình trông thấy Thi Diệu Diệu, cô bèn gạt đầu gã sang một bên, ào vào gần, đưa tay vuốt ve bầu má nõn nà của đứa bé, cô cười hì hì, hỏi:
- Được mấy tháng rồi? Trai hay gái? Đặt tên gì vậy?
Thi Diệu Diệu hoan hỉ dáp:
- Vừa được ba tháng, là con gái, còn tên ư, Cốc Chẩn vẫn chưa đặt, bảo là chờ đại ca đặt cho.
Diêu Tình cười đáp:
- Con gái thì hay quá. Ta đang muốn sanh con trai, để làm một đôi thiệt đẹp đấy!
Cốc Chẩn cười ha hả, bảo:
- Đại mỹ nhân ôi là đại mỹ nhân ôi, cô đúng là huênh hoang quá lắm, sanh con trai ư, cô cứ tưởng muốn là được đấy hẳn? Ta cũng tính kiếm một thằng cu, kết cục đó, trời không chiều lòng người, nhưng mà, con gái thì cũng tốt, ta càng ngày càng trông càng thấy thương yêu nó hơn lên.
Diêu Tình bỗng quay người lại nhìn chăm chăm vào Cốc Chẩn, nụ cười tai quái, hỏi gã:
- Cốc tiếu nhân, ngươi gọi ta bằng gì? Còn gọi là "đại mỹ nhân" nữa thì không được đâu đấy!
Cốc Chẩn vui vẻ đáp:
- Đúng thế... Ta phải gọi bằng "đại tảo bả" kia!
Diêu Tình khi nghe tới âm "tảo", cô nghĩ gã gọi cô bằng "đại tẩu", bất giác đã thấy mừng rơn trong bụng, đâu ngờ, Cốc Chẩn lại thêm từ "bả" vào, câu nói đổi hẳn nghĩa, cô phát bực tức, co chân định tặng gã một cước, dĩ nhiên là bị Cốc Chẩn né tránh được. (đại tảo bả: Cây chổi lớn - đại tảo nghe na ná như đại tẩu!)
Cười đùa một trận xong, khi vào đến trong khoang, đã thấy Cốc Bình Nhi cùng Đào Hồng, Ngạc Lục đang bày biện thức ăn, rượu uống, mọi người ngồi yên chỗ, kể lể nỗi niềm khi xa cách, không gì là không nói tới, chỉ là Cốc Chẩn tuyệt không nhắc nhở đến Đông Đảo.
Bọn Lục Tiệm cũng không dám nói gì nhiều đến, bỗng nghe Cốc Chẩn vui vẻ bảo:
- Thích tướng quân, ta lâu lắm mới lại được gặp gỡ ngài, xin có một món quà này làm lễ ra mắt, ngài thấy sao?
Thích Kế Quang cười, đáp lại:
- Hay lắm! Tặng quà gì thế?
Cốc Chẩn lấy từ mé bên ra một cái hộp bằng gỗ hồng mộc, vừa cười tủm tỉm, vừa đặt nó trước mặt Thích Kế Quang.
Thích Kế Quang mở hộp ra, vừa thoáng trông thấy, mặt lão biến sắc, thì ra bên trong hộp có một thủ cấp, nhìn theo cách búi đầu tóc, rõ là đầu một người Oa.
Trong lòng sinh hiếu kỳ, Lục Tiệm vừa đưa mắt nhìn sang, gã bất giác buột miệng kêu lên:
- Thương Binh Vệ!
Đầu ấy đúng là đầu của Tả Thương Binh Vệ, Lục Tiệm đâu dè, một lần cách biệt từ Thiên Trụ sơn, khi gặp lại, thì hắn đã hoá thành người thiên cổ.
Cốc Chẩn "ồ" một tiếng, nói:
- Tên nó là Thương Binh Vệ sao? Nhưng mà hắn còn có một cái tên tục khác nữa, gọi bằng "Thương tiên sinh" Từ khi bị Thích tướng quân đánh bại, hắn chiếm cứ một hòn đảo nhỏ, định tiếp diễn nghề ác ôn, đâu ngờ đụng phải tay đệ, đệ thu thập toàn bộ cả lũ, rồi hay tin Thích huynh đang phải ngược bắc, bèn lập tâm mang theo làm món quà ra mắt.
Thích Kế Quang ngắm cái thủ cấp, cả tiếng cười ầm, nói:
- Lễ vật quý lắm... tốt lắm!
Lục Tiệm không khỏi không nghĩ nhớ đến chuyện cũ ở Đông Doanh, trong lòng gã dấy lên một nỗi thê lương.
Cốc Chẩn lại vui vẻ đề nghị:
- Thích huynh, đại ca, đường nhập kinh xa xôi quá, đệ có đề nghị này, hay là cả bọn ngự thuyền theo đường biển mà đi Bắc Kinh, mọi người thấy sao?
Gã còn chưa dứt lời, Diêu Tình đã vỗ tay hoan nghênh:
- Tuyệt... Tuyệt lắm!
Ánh mắt Thích Kế Quang liếc sang trao đổi cùng Lục Tiệm, rồi lão cười, đáp:
- Triều đình vốn đã có lệnh cấm đi đường biển, tên gian thương nhà ngươi lại tính vi phạm! Thôi cũng được, đâu đó cũng chỉ dăm ba ngày đường, nếu ai nấy không có gì dị nghị, ta đây cũng đành xả mệnh mà bồi tiếp ngươi!
Lập tức Cốc Chẩn hạ lệnh cho thuyền xuôi dòng, vượt qua cửa Ngô Tùng, thuyền bẻ bánh lái đi về hướng bắc, cả đoàn ngày ngày chè chén, sướng khoái khôn cùng.
Ngày nọ, vào lúc thuyền đi ngang qua khu doanh trại Văn Đăng của tỉnh Sơn Đông, Lục Tiệm cùng Cốc Chẩn kể nhau nghe về những phong cảnh họ thấy được trong nhiều chuyến viễn du trên thế giới, về những đặc trưng phong thổ mỗi nước ngoài. Nghe chuyện xứ lạ, Thích Kế Quang không ngớt trầm trồ, đến lúc lão nghe nói đến hùng mạnh của hải quân phương tây, đến mức độ lợi hại và tầm chính xác của hoả pháo trên các chiến thuyền đó, trong lòng lão không khỏi dấy lên chút ít phiền muộn, lão bèn đứng lên, ra nơi đầu thuyền, đưa mắt nhìn thành quách đổ nát nơi khu doanh trại ven biển, nhìn vào từng làn khói lan toả gần xa bên trong trại, tai nghe những hồi tù và vang vọng từ đấy, bất giác thi hứng trỗi dậy, lão bèn ngâm vang:
Nhiễm nhiễm song phiên độ hải nhai,
Hiểu yên đê hộ dã nhân gia.
Thùy tương xuân sắc lai tàn điệp,
Độc hữu thiên phong tống đoản già.
Thủy lạc thượng tồn Tần đại thạch,
Triều lai bất kiến Hán thời tra.
Diêu tri bách quốc vi mang ngoại,
Vị cảm vong nguy phụ tuế hoa.
(Quá Văn Đăng Doanh - Thích Kế Quang)
(Tạm dịch nghĩa: Hai phướn cờ ủ rũ vùng ven biển,
Làn sương sớm xâm xấp vây phủ nhà nhà chốn thôn quê.
Ai đã khiến các tán lá màu sắc mùa xuân nay đà rơi rụng hết,
Chỉ còn đây, cô độc làn gió trời tống tiễn mấy hồi tù và ngăn ngắn,
Nước rút, bên trên hiển lộ ra tảng đá lớn từng tồn tại từ thời nhà Tần
Triều dâng, không còn thấy đâu nữa những mảng bè xưa kia của thời Hán
Thưở xa xưa kia mà biết trước được rằng trải qua trăm triều đại, mọi sự vật đều trở thành mờ mịt
Thì nào dám quên đi sự bại vong trong tay tuế nguyệt)
Cốc Chẩn nghe ngâm, gã gật gù, bảo:
- Bỏ qua đi chuẩn bị trước cho chiến tranh ắt sẽ gặp nguy khốn, giờ giặc Oa tuy dẹp xong, nơi phương bắc, bọn thát đát lại thiệt hùng mạnh như thế, mà các nước Tây Phương đang trong thế trùng hưng, thân làm tướng, trước tình thế đất nước đang bị nanh vuốt đe doạ, là không thể dửng dưng được!
Thích Kế Quang cười nụ, đáp:
- Ta về kinh lần này, hoặc ta sẽ ra miền biên phòng chống lũ thát đát, sống cuộc sống triền miên ngày ngày ngồi trên lưng ngựa, hoặc ta sẽ sống dài dài trên thuyền mà đi càn quét, đi bình định tứ hải.
Cốc Chẩn vui vẻ nói:
- Đúng ra, theo đệ thấy, xông pha vùng biển rộng này cũng y hệt rong ruổi lưng ngựa!
Thích Kế Quang vỗ tay, hỏi:
- Ý kiến đó khá kỳ quặc, Thích mỗ xin được nghe diễn giải cho rõ ràng!
Cốc Chẩn vẫn cười cười, gã chỉ tay ra biển khơi, cao giọng đáp:
- Vùng biển mênh mông này, đó chẳng phải là ông trời đã tạo dựng ra làm ngựa cưỡi cho ông ta sao? Ngựa chốn thế gian, nếu không thuần phục trước, ai mà cưỡi cho nổi, còn nói về sự hung hãn của chúng, mấy người sánh cho lại, nói về ngày đi ngàn dặm, ai có thể làm được như chúng? Còn bàn về tầu thuyền, chẳng qua cũng giống như một thớt ngưạ đã đóng yên cương đầy đủ, mà trò điều khiển cưỡi ngựa,
dễ quá, chẳng đáng bàn, làm một hán tử thân mang nhiều nhiệt huyết, nếu nói đến cưỡi ngựa, phải đi cưỡi thứ ngựa của ông trời kia!
Thích Kế Quang cười ha hả, khâm phục:
- Bàn luận thiệt hay... thiệt giỏi... Bữa nay được nghe qua, coi như ta đã thu lượm được vốn liếng một đời!
Nói xong, lão cười ầm, quay gót đi trở vào trong khoang.
Trong khoảnh khắc, nơi đầu thuyền chỉ còn độc Lục, Cốc hai người đứng sánh vai, họ cùng dõi mắt trông ra biển cả.
Lục Tiệm bỗng lên tiếng:
- Đông Đảo...
Cốc Chẩn xua tay, vui vẻ bảo:
- Huynh chớ đề cập đến Đông Đảo nữa, từ giờ trở đi, trong võ lâm sẽ không còn hai danh tự đó!
Lục Tiệm nghe mà giật mình, hỏi ngay:
- Sao vậy?
Cốc Chẩn vẫn cười cười, trả lời:
- Đại ca, huynh còn nhớ đoạn đối thoại hồi mình ở trên lầu Quang Hải nơi thành Hải Ninh không? Hồi đó, đệ có bảo, đệ là tranh đấu ăn thua cùng khắp mọi người, chỉ trừ mình huynh, là đệ sẽ không bao giờ đấu đá!
Lục Tiệm trầm ngâm hồi lâu, rồi hỏi:
- Vậy là đệ đã giải tán Đông Đảo rồi?
Cốc Chẩn đáp:
- Đúng thế! Hai năm qua, đệ đã ra sức và đã hoàn thành xong việc đó.
Giọng khích động, Lục Tiệm lớn tiếng truy vấn:
- Đông Đảo là tâm huyết gầy dựng một đời của lệnh tôn, sao đệ lại có thể đem giải tán đi?
Cốc Chẩn lắc đầu:
- Tâm huyết một đời? Chính là gia phụ đã không nhìn ra mà thôi, ba trăm năm trước, đâu đã có Đông Đảo, rồi khi có nó, đã xảy ra không biết bao nhiêu oán thù, chết chóc... Một ngày mà còn tồn tại cái Đông Đảo đó, là một ngày dây dưa Đông Đảo Tây Thành còn chằng chịt không dứt, vậy thì khổ sở mà duy trì khổ não đó làm chi?
Lục Tiệm bảo:
- Còn hai anh em mình đây, thì sao làm sao xảy ra phân tranh cho được?
Cốc Chẩn vẫn cứ cười, rồi thanh thản đáp:
- Vậy khi mình cùng chết cả rồi... thì sao?
Lục Tiệm sững sờ, gã không khỏi không nín lặng.
Cốc Chẩn vui vẻ nói:
- Lũ Hiệp Phạm muốn báo thù, là họ muốn dựa vào chiêu bài Đông Đảo để bức bách đệ. Giờ đây, đệ đi mất biệt, cái chiêu bài đó, chúng nó không còn xài được nữa, lực lượng chúng nó mỏng tanh, cái ý muốn trả thù cũng dứt! - Nói đến đấy, gã khe khẽ thở dài - Đó cũng là chuyện đệ không sao làm khác đi được!
Một lúc lâu, cả hai dõi ánh mắt trông ra mênh mông biển khơi, không nói thêm gì nữa.
Đi thêm vài ngày bữa, thuyền đã đến Đường Cô, tối đó, Cốc Chẩn cho mở bữa tiệc thật thịnh soạn, do đích thân Tần Tri Vị nấu nướng, các món ngon vật lạ là tuyệt diệu hết chỗ nói, rượu uống tràn lan hết chén nọ đến chén kia.
Trong lòng vui sướng, Diêu Tình uống cũng khá bộn, bèn cùng Cốc Chẩn đổi vai đóng kịch "Tây Sương kí".
Diêu Tình làm Trương Sinh, Cốc Bình Nhi sắm vai Hồng Nương, Thôi Oanh Oanh là do Cốc Chẩn diễn.
Giọng hát Diêu Tình đầy nét hào sảng anh dũng, nghe không thua giọng bọn mày râu chút nào, thật không có điểm nào đáng phàn nàn, đến màn diễn xuất của Cốc Chẩn, chỉ thấy gã chắp năm ngón tay như hình hoa lan, óng ả xướng:
Yêm yêm sấu tổn,
Tảo thị thương thần,
Na trị tàn xuân,
La y khoan thốn,
Năng tiêu kỷ độ hoàng hôn,
Phong niệu triện yên bất trịnh an toàn mạo,
Vũ đả lê hoa
Thâm bế môn.
(Lược dịch: Ốm đau đến thân hình còm cõi, tinh thần sớm đã nát tan, vào buổi xuân tàn, xiêm y khoác hờ hững, mình làm sao sống cho qua hết được mấy buổi chiều tàn, làn gió nhẹ không xua tan nổi vần sương đọng chặt trên mũ, mưa giăng mắc trên chùm hoa lê, đành đóng cửa cho chặt lại mà thôi)
Gã vốn dĩ đẹp trai, Cốc Chẩn trong vai này lại làm ra vẻ thẹn thò e ấp, mỗi khua tay, mỗi đánh mắt, đều toát vẻ lả lơi yêu kiều, có phần hơn hẳn đám nữ lang. Mọi người ngồi xem đều cười nghiêng cười ngả.
Diêu Tình cười đển rạp mình vào sát Lục Tiệm, cô ôm bụng, rú lên:
- Cứu thiếp với... Lục Tiệm cứu thiếp với...
Cô không còn hơi sức đâu mà diễn tiếp vai của mình.
Quậy suốt một đêm, sáng sớm hôm sau, cỗ hải thuyên cập bờ. Cốc Chẩn đưa tiễn mọi người trên bến, gã hì hì cười, bảo Diêu Tình:
- Đại mỹ nhân ui... Hai chữ đại tẩu đó, ta là nhất định không dùng đâu, nhưng động phòng tân hôn của cô, ta vì đã không thể đến tham dự, thấy thật cũng áy náy, giờ để chuộc lại, ta xin tặng cô một món này, cô thấy được không?
Cốc Chẩn vươn tay nhận từ Thi Diệu Diệu một cái hộp vuông vức bằng ngọc dài vài xích, đặt vào tay Diêu Tình.
Diêu Tình đón lấy, cô chẳng chút khách khí, mở toang ra xem, bỗng thất thanh la lớn:
- Là nhẫn Tài Thần...!
Lục Tiệm cũng biến sắc, gã chú thần nhìn, quả nhiên trong hộp ngọc có đính một cái nhẫn bằng ngọc bích, trên mặt nhẫn có ba vân sắc màu đỏ như máu, trông khá rõ, bên mé dưới nhẫn là một bọc những giấy tờ, xem kỹ lại thì là sổ sách kế toán.
Lục Tiệm thất kinh, hỏi:
- Cốc Chẩn, thế này nghĩa là sao?
Cốc Chẩn hít vào một hơi, chậm rãi đáp:
- Suốt đời đệ hiếm khi phụ lòng người khác. Đệ đã chỉ duy nhất thiếu một món nợ tính mạng cuả Ngải Y Ti. Cô ấy ao ước mơ tưởng chiếc nhẫn này, mà đệ sính cường hiếu thắng, cho đến khi cô ấy mất đi, mà đệ vẫn chẳng đưa tặng cô, đấy là một nỗi ân hận lớn nhất đời đệ. Đại mỹ nhân, trong số các nữ tử, ta chỉ thấy có cô là giống nàng ta nhất, ta đưa tặng chiếc nhẫn cùng tài sản giàu có của Trung thổ cho cô, chỉ trông mong qua tài cán của cô, cô sẽ không để ta phải thất vọng!
Diêu Tình tay cầm hộp ngọc, lòng cô thấy nó có hơi nằng nặng, bèn chau mày, hỏi:
- Xú hồ li, món quà này lớn quá... Chưa kể ta nghe Lục Tiệm thuật lại, bây giờ Đông Đảo đã giải tán rồi, còn đem Tài Thần đó đưa tặng ta, vậy mai mốt sẽ còn chuyện gì để làm đây?
Cốc Chẩn cười ầm, phủi tay:
- Sao lại không có chuyện làm? Hồi ở trên đảo Tiềm Long, ta đã chẳng lấy được tấm "Vạn Quốc hải đồ" kia sao? Ta đã lập tức quyết ý, còn chưa dùng tấm bản đồ đó đi khắp các biển, là còn chưa xong. Chuyện tung hoành Thất hải đó, há chẳng phải là một chuyện để làm sao?
Ai nấy nghe nói đều chẳng khỏi biến sắc, Thích Kế Quang buột miệng khen:
- Chí hướng hay đấy!
Diêu Tình lại hỏi:
- Xú hồ li, ngươi chỉ muốn khoe mẽ riêng mình, mà đành lòng để cho Diệu Diệu phải theo ngươi kham khổ sao?
Cốc Chẩn trao đổi cùng Thi Diệu Diệu một ánh mắt ẩn chứa nét cười. Thi Diệu Diệu phần vui sướng, phần bất đắc dĩ, cô than van:
- Diêu gia muội tử, chỉ cốt sao trượng phu ta được khoan khoái, ta đây đâu có nề hà khổ cực?
Diêu Tình thoáng sững sờ trên mặt, cô có vẻ hơi thất ý. Cốc Chẩn đưa mắt chăm chăm vào Lục Tiệm, vui vẻ nói:
- Đệ phải đi đây, đại ca, huynh hãy bảo trọng cho tốt, cũng... cũng chăm sóc mẹ cho thiệt tốt nhé!
Nheo nhổ lên, buồm giương rộng, phương đông, vầng nhật đỏ ối rực rỡ hiện lên từ dưới mặt biển, cỗ thuyền nhắm phía vầng thái dương mà đi, hình bóng mỗi lúc một nhỏ, một xa dần.
Bỗng Lục Tiệm không còn nhẫn nhịn được nữa, gã chạy ào ào tới, dìm chân vào nước biển, cho đến khi nước dâng ngang hông, gã mới cảm nhận mình đang dấn thân trong biển, mà cỗ thuyền ấy cứ đi vùn vụt thật nhanh, nó đang hoà bóng hình vào mặt trời đỏ lửa đàng xa, tựa một vầng mây lửng lơ trôi về nơi xa tắp,
Đồng lúc, từ đàng sau Lục Tiệm, một đàn chim biển bay đến, chúng lượn lờ vòng quanh, nhưng thật ra, lũ chim này sớm hôm mê mải tìm miếng ăn, chúng làm sao hiểu được nỗi vô tình cuả làn mây trắng kia chứ?