Người này mặc bộ quần áo vải thô đã giặt đến bạc màu, trên chân đi một đôi giày rơm, nhìn thế nào cũng không giống dáng vẻ người có tiền đi mua đồ cổ.
Hắn cười tự giễu, nói: “Chưởng quầy nói đùa, ta là một nông dân, cơm còn không đủ no, nào có tiền mua đồ cổ?”
Lữ Đại khẽ gật đầu, tò mò hỏi: “Ngươi có đồ cổ gì? Lấy ra ta xem.”
Trong tiệm rõ ràng không còn ai khác, nam nhân nhìn xung quanh như sợ bị cướp, ngó trái ngó phải một phen rồi mới đặt gói hàng lên bàn mở ra.
Thì ra là một thanh kim hoàn hoa Như Ývàng óng ánh, dài hơn sáu tấc, bất luận là cách chế tác hay niên đại có xa xưa hay không đều giá trị, phía trên khảm hai viên long nhãn lớn nhỏ, viên trân châu sáng lấp lánh làm cho Tiểu Hỉ Thước thích thú.
Hán tử quan sát vẻ mặt của nàng, lại tự tin nói: “Chưởng quầy, thực không dám giấu diếm, thứ này là ta đào được dưới đất, khả năng cao là bồi táng cùng một đại quan nào đó. Vốn còn một cái bình vàng, đã bị huynh đệ lấy mất, nghe nói bán hơn trăm lượng, ta chỉ cần bốn trăm lượng, không tính là nhiều.”
Chiếc bình vàng bán hơn trăm lượng hoàn toàn không có thật, chẳng qua là để nâng giá thanh vàng Như Ý này mà thôi. Nam nhân nói lời này không tránh khỏi một chút chột dạ. Hắn sợ thanh Như Ý này không đáng giá nhiều tiền như vậy, bị người trong nghề nhìn ra, cố tình tìm một tiệm đồ cổ mới khai trương, thấy chủ tiệm còn trẻ, chắc hẳn sẽ dễ lừa gạt hơn.
Lữ Đại mặc dù biết tính sổ sách, nhưng đối với giá trị tiền bạc thế tục thì kỳ thật không có khái niệm gì nhiều, bốn trăm lượng trong mắt nàng chỉ là mấy con số khác nhau mà thôi. Lúc này không cần suy nghĩ nhiều, lấy bốn trăm lượng bạc đưa cho hắn.
Nam nhân chưa bao giờ thấy nhiều bạc như vậy, hai mắt sáng ngời, trong lòng tràn đầy nhiệt huyết, dùng mấy tầng vải bọc lại, ôm chặt vào trong lòng, sợ nàng đổi ý bèn chạy nhanh như chớp không thấy bóng dáng đâu.
Một lúc sau, Nhàn Vân như trút được gánh nặng trở lại, thấy trong tay nàng có một thanh Như Ý bằng vàng, đang muốn hỏi nó từ đâu thì Giang Bình đã xuống ngựa ở cửa, y liền bước ra nghênh đón.
Giang Bình vào tiệm, thấy Lữ Đại thì cười nói: “Sao nàng lại tới đây? Thanh Như Ý này từ đâu mà có?”
Lữ Đại đáp: “Ta tới thăm chàng, nào ngờ chàng không có ở đây nên ta ngồi lại chờ, còn giúp chàng làm một vụ mua bán.”
Giang Bình cầm lấy thanh Như Ý, quan sát kỹ rồi bình tĩnh hỏi: “Nàng trả bao nhiêu tiền? Ai là người bán?”
Lữ Đại nói: “Là một nông dân, nói là đào từ đất, muốn bốn trăm lượng, ta nghĩ cũng không đắt nên đã đồng ý. Thế nào, có phải thứ tốt không? Chàng xem viên trân châu này đi, sáng biết bao!”
Giang Bình âm thầm cười khổ, nó quá sáng chói, người trong nghề vừa nhìn là biết tự bôi trét lên, bản thân Như Ý chế tác thô ráp, không hề cổ vận, chỉ sợ màu vàng cũng là bôi lên. Loại mánh khóe này nhiều năm trước đã bị vạch trần, hiện tại chỉ có một số người vì thể diện nên sẽ dùng châu báu giả bồi táng.
Nông dân kia chắc hẳn cũng không biết chuyện mới dám ra giá cao như vậy, đúng là một người dám bán, một người dám mua.
Lữ Đại thấy hắn không lên tiếng, Nhàn Vân vẻ mặt như ăn phải Hoàng Liên, bất an nói: “Làm sao vậy? Thanh Như Ý này không đáng bốn trăm lượng ư?”
Giang Bình cười nói: “Ai nói không đáng? Nhìn hoa văn này, muộn nhất cũng là đồ thời Đường Sơ, bán cho quan to quý nhân khác tám trăm lượng còn ít.”
Nhàn Vân vội vàng đi theo nói: “Không phải chứ, thiếu phu nhân đúng là may mắn thật, ta ngồi ở đây nửa ngày trời cũng không kiếm được một văn tiền, ngài ấy mới tới một lúc đã kiếm được một khoản lớn, còn linh hơn cả thần tài nữa!”
Giang Bình không đành lòng trách cứ chuyết kinh, nhưng đối với Nhàn Vân hắn sẽ không khoan dung như vậy, thầm đổ lỗi cho Nhàn Vân không nên để Phật Loan một mình trong tiệm.
Giang Bình nói: “Trẻ con không tốt sao? Ta không muốn nàng ấy đảm đương nhiều việc.”
Nhàn Vân cười nói: “Xem như tiểu nhân đã hiểu rồi, ngàn vạn lần sai đều là lỗi của người khác, thiếu phu nhân thế nào cũng tốt.”
….
Mấy ngày sau, tới mùng Bảy tháng Bảy, sau giờ Ngọ, Lữ Đại cầm thanh Như Ý kia ngồi trên ghế mây dưới tàng cây chuối gõ nhịp vào chân. Hoa Miên và Trúc Thanh bưng hai bát nước bỏ dưới ánh nắng, thả kim vào đó chuẩn bị bói toán*.
(*Trong ngày Thất tịch, các cô gái sẽ đem đặt một bát nước dưới trời nắng, sau đó thả kim vào bát. Để cho kim nổi được lên trên mặt nước. Sau đó nhìn bóng kim soi xuống đáy bát có hình dạng ra sao. Nếu xòe tựa bông hoa, trôi tựa mây, mỏng như sợi chỉ hoặc in hình cái kéo, cái chùy thì người đó được mệnh danh là người khéo léo nhất.)
Lữ Đại không cẩn thận trượt tay một cái, thanh Như Ý rơi bộp xuống đất, vỡ mất một góc. Lớp sơn vàng bong ra, lộ ra bên trong là đồng thau, lúc này nàng mới biết mình bị lừa, sững sờ một lúc lâu mới trở về phòng.
Chạng vạng tối, Giang Bình trở về, đưa cho nàng một cái hộp gấm, nói: “Đây là nến mới trong tiệm của ông chủ Bạch, rất đắt, ta nghĩ nàng sẽ thích nên cố ý bảo ngài ấy giữ lại một phần.”
Lữ Đại mở hộp gấm ra, là một cây cầu Hỉ Thước làm bằng sáp, phía trên dựng một đôi tuấn nam mỹ nữ, nhìn nhau hai mắt đẫm lệ, chính là Ngưu Lang Chức Nữ.
Sao Khiên Ngưu xa xăm, Ngân Hà người trắng muốt*. Vốn là một cặp đôi yêu nhau lại bị Thiên Đế cố tình chia rẽ, hàng năm chỉ có ngày Thất Tịch mới có thể gặp nhau trên cầu Hỉ Thước. Thật là câu chuyện thê lương, Lữ Đại lại không thích, bởi vì trong chuyện này, chim Hỉ Thước chỉ là nhân vật phụ.
(*Hai câu thơ này nằm trong bài thơ Điều Điều Khiên Ngưu Tinh, bản dịch của Điệp Luyến Hoa)
Trăm ngàn năm qua, vì sao không ai viết chuyện về chim Hỉ Thước? Chẳng lẽ Hỉ Thước lại không biết yêu biệt ly oán hận sao?
Ăn cơm xong, nha hoàn nấu nước hoa lan, Lữ Đại cởi xiêm y bên ngoài, nhóm lửa thắp nến là nơi Ngưu Lang Chức Nữ gặp nhau trên cầu Hỉ Thước.