Buổi chiều, Phương Đăng ngồi trong căn phòng nhỏ trên lầu hai của Phó gia Hoa viên, ánh mặt trời rọi qua ô cửa sổ, chiếu vào những mảnh gỗ ghép hình hoa trên sàn nhà. Ánh nắng đó nhất định rất ấm áp. Mặt trời giữa mùa đông thường dễ đem lại cho người ta cảm giác uể oải, dù cô đang ngồi ở một nơi khuất bóng.
Ở bộ salon, trừ cô còn có Phó Kính Thù cùng với vị cảnh sát làm việc trên đảo, còn một người lạ ngồi đối diện trên ghế nệm. Thật ra cũng chẳng phải là người lạ, nếu như nhớ không lầm, người đàn ông này Phương Đăng từng gặp qua ở hội trường cô nhi viện. Chẳng qua không ngờ ông ấy chính là luật sư của Phó gia.
Lão Thôi chắp tay đứng sau lưng Phó Kính Thù cách đó không xa, nét mặt vẫn bình thản như thường lệ. Người dân cảnh mập mạp vừa hỏi chuyện Phó Kính Thù, vừa cúi đầu viết không ngừng vào quyển sổ. Luật sư họ Lục thỉnh thoảng chen vào vài câu nói, lão Thôi đứng bên cạnh liền gật đầu tán thành.
Phương Đăng không nhớ đây là lần thứ bao nhiêu cô bị cảnh sát hỏi thăm, chuyện đã xảy ra đúng một tuần. Vết thương trên cổ cô giờ đã đóng mài, tấm vải mỏng băng ở cánh tay Phó Thất cũng đã tháo ra, để lại vết sẹo có phần xấu xí.
“… Cậu tháo dây, sau đó nhặt lấy mảnh chai đập vào đầu ông ta, ông ta giằng lấy mảnh chai…”
Câu nói này của vị dân cảnh mập mạp bay vào tai Phương Đăng, cô nhìn Phó Thất một cái, anh gật đầu với người cảnh sát, thần sắc vẫn bình thường.
Hôm đó khi bọn họ chạy trốn an toàn, lão Thôi rất nhanh cùng cảnh sát chạy đến hiện trường. Sau đó cả hai phải đến đồn công an, bệnh viện, vào nhà xác… lúc nào cũng xuất hiện hết người này đến người khác, hỏi đủ thứ vấn đề. Cô không tài nào nhớ được toàn bộ quá trình sự việc, cả người cô như bay lơ lửng trên không trung, bản thân như một con rối bị người ta giật dây trong mấy bộ phim hoạt hình xưa cũ.
Trước khi họ đến, Phó Thất đã nhanh chóng bàn bạc cùng cô mọi chuyện. Anh muốn cô dù là trước mặt cảnh sát hay bất luận người nào khác, đều phải khai người đả thương Phương Học Nông chính là anh, cô chỉ vì cứu anh mà xuất hiện ở đó, hơn nữa còn bị Phương Học Nông gây thương tích. Sau đó Phương Học Nông muốn giết họ nên hai bên giằng co rồi Phương Học Nông ngã xuống, hung khí trên tay tự đâm vào cổ mình, chính vì vậy mà bỏ mạng.
“Dù bọn họ không chịu vì tôi mà trả số tiền chuộc khổng lồ, nhưng đã có Luật sư ở đây, họ cũng không muốn nhìn thấy người Phó gia dính líu đến mấy chuyện kiện cáo không rõ ràng, vì vậy mọi thứ sẽ đơn giản hơn rất nhiều”. Khi nói mấy lời này giọng nói Phó Thất vẫn bình thường, nhưng nét mặt lại chán chường một cách kỳ lạ. Lúc họ vừa mới thoát thân, Phương Đăng không hề thấy ở anh vẻ mừng vui may mắn vì thoát nạn, ngược lại là sự tuyệt vọng của một đống tro tàn. “Dĩ nhiên, bởi vì bọn họ nghĩ tôi chính là người của Phó gia”
Sau này theo lời cảnh sát, nơi Phó Kính Thù bị trói chính là nhà xác của sở y tế cũ. Phương Học Nông bị kiện chính là chủ mưu của vụ án này, ông ta còn hai đồng bọn, đều là dân ngoại tỉnh lên đảo làm nhân công ở công trường. Sau khi Phương Đăng cùng Phó Kính Thù chạy thoát, hai người đó hôm sau cũng bị bắt về quy án, hơn nữa lại mau chóng khai ra. Bọn họ cùng Phương Học Nông vừa uống rượu vừa chơi cá cược, nghe nói Phó gia là dân có tiền, hơn nữa còn có người thân là đại gia ở nước ngoài, nên họ mới nảy sinh ý nghĩ kiếm một mớ tiền cung phụng bản thân, cùng với Phương Học Nông bàn bạc thừa lúc không có lão Thôi ở nhà nhảy vào trói Phó Kính Thù lại, sau đó bỏ vào bao bố, dùng xe vận chuyển vật liệu xây dựng ở công trường chở đến nhà xác của sở y tế cũ, sau đó lại bảo với lão Thôi nói cùng Phó gia đưa ra số tiền chuộc lớn. Sau khi bị từ chối, ba người mỗi người có một ý kiến khác nhau, chủ mưu Phương Học Nông đề nghị giết người diệt khẩu, hai người kia vì sợ hãi nên bỏ ra ngoài, chuyện về sau họ đều không biết.
Phương Học Nông hôm đó chết ngay tại chỗ, dù hai người kia nói thế nào cũng không thể nhảy ra cùng họ đối chất được. Phương Đăng không nói ra nghi ngờ trong lòng mình, nhưng cô biết rõ hai người họ khai gian. Sống bên cạnh cha mình suốt mười sáu năm, ông ta là kẻ cặn bã vô dụng, làm gì có dũng khí và quyết tâm đến vậy, lại càng không có khả năng tạo ra một âm mưu bắt cóc tống tiền. Phương Học Nông hận Phó gia không phải là chuyện ngày một ngày hai, nếu có gan thì ông ta đã sớm ra tay, cần gì chờ đến bây giờ. Lúc trước khi Phương Đăng và cha lớn tiếng cãi vả còn chọc giận ông ta, nhưng tại sao lúc ấy ông ta cũng không làm khó dễ? Nếu nói không có người ở đằng sau xúi biểu, bày mưu tính kế cho ông ta, đánh chết Phương Đăng cũng không tin. Tống tiền thất bại, kết quả phải diệt khẩu bịt đầu mối, người nào ngăn cản thì kẻ khác sẽ ra tay, người chết rồi không thể nói được nên chỉ còn cách mặc cho người sống muốn nói gì thì nói. Hai tên đồng bọn thừa nhận nhất thời hồ đồ nghe lời Phương Học Nông xúi bảo mà tham dự vụ bắt cóc này, đẩy hết tội cho ông ta, cũng nhất định không khai ra kẻ đó. Phương Đăng trong lòng suy đoán nếu thật sự có kẻ chủ mưu, hắn ta phải thông minh hơn Phương Học Nông rất nhiều lần, mới có thể sau khi chuyện bại lộ mà hắn lại không có bất kỳ dính líu nào.
Thật ra Phương Đăng từng làm như vô tình hỏi lão Thôi mấy ngày đó có gặp Thôi Mẫn trên đảo hay không, lão Thôi nói Thôi Mẫn không có đến tìm ông. Ngược lại A Chiếu đứng cạnh lên tiếng, buổi sáng trước ngày Nguyên Đán còn gặp chú Thôi ở cạnh bên Phó gia Hoa viên, lúc ấy chú Thôi còn cho cậu ta vài viên kẹo.
A Chiếu có ấn tượng tốt với Thôi Mẫn, còn móc ra một viên kẹo để dành lại cho Phương Đăng xem. Phương Đăng tin lời cậu nói, cũng tin lão Thôi không gạt cô, vì cô cũng tận mắt thấy Thôi Mẫn xuất hiện trên đảo. Hắn ta rời khỏi Phó gia Hoa viên chẳng vẻ vang gì, nếu như lên đảo không phải để thăm người chú lớn tuổi thì còn nguyên nhân nào khác? Là ai đã mua thuốc lá tốt, rượu đắt tiền cho Phương Học Nông? Người nào đối với Phó gia và Phó Kính Thù mà nói còn rành hơn cả lòng bàn tay? Cảnh sát cho biết cửa chính Đông lâu cũng không có dấu vết đục khoét gì, Phương Học Nông cả đời căm hận Phó gia, chưa bao giờ bước vào Phó gia Hoa viên thì lấy đâu ra chìa khóa?
Phương Đăng chỉ nói với Phó Thất những nghi ngờ của mình, sau khi nghe xong anh trầm mặc một hồi, rồi cho Phương Đăng biết lúc bị bắt cóc anh đang tưới hoa ở bệ cửa sổ lầu hai, mọi chuyện xảy ra rất bất ngờ, khi anh nghe được tiếng động thì khách không mời mà đến đã lên lầu. Đối phương có ít nhất ba người, anh không cách nào thoát thân được, chỉ kịp đẩy ngã chậu hoa mỹ nhân, nhưng anh không chính mắt nhìn thấy Thôi Mẫn, cũng không nghe được giọng nói của hắn ta. Suy nghĩ của Phương Đăng không phải là không có lý lẽ, chẳng qua là vô bằng vô cớ, không thể buộc tội. Thôi Mẫn không quá ngốc, nếu như hắn ta thật sự dính vào, sau chuyện xảy ra lần này cũng không dám hành động khinh suất nữa.
Luật sư của Phó gia quả nhiên đúng như Phó Kính Thù đoán mau chóng xuất hiện trên đảo. Nghe lão Thôi nói, buổi chiều ngày hôm sau khi Phó Kính Thù mất tích, ông nhặt được lá thư nặc danh ném vào Phó gia Hoa viên. Trong thư nói Phó Kính Thù đang ở trong tay bọn họ, yêu cầu lão Thôi và người nhà của Phó Kính Thù trong một ngày gom đủ năm trăm ngàn tệ, đó là điều kiện để họ thả Phó Kính Thù, nếu không có tiền thì hãy chờ mà nhận xác.
Lão Thôi lúc đó lòng nóng như lửa đốt, không dám tự tiện làm chủ, vội vàng gọi điện thoại đến Tây Á. Bà chủ Trịnh không có nhà, người quản gia tiếp điện thoại. Phải chờ hai giờ sau, bên Tây Á mới báo cho ông biết ý của bà chủ Trịnh, đó chính là lập tức báo cảnh sát, không được dung túng tội phạm.
Lão Thôi cũng không ngờ hồi âm của phía bên kia lại đoạn tuyệt đến vậy, ngay cả một chút thương lượng cũng không. Phó Thất dù sao cũng là do ông nuôi lớn, ông không muốn đứa trẻ này xảy ra chuyện, cũng không dám tùy tiện báo cảnh sát, nhưng năm trăm ngàn tệ đối với ông mà nói là con số trong thời gian ngắn khó lòng kiếm đủ, trong lúc tuyệt vọng ông nhớ lại cách đây không lâu đã gặp luật sư Lục Ninh Hải, hy vọng trong lúc một mình chẳng biết cậy ai có người giúp đỡ ình.
Sau khi nhận được điện thoại Lục Ninh Hải liền quay lên đảo, ông nói ấn tượng của mình với Phó Kính Thù rất tốt, tình nguyện được giúp một tay, nhưng khi lão Thôi ngỏ ý muốn đem số tiền ủy thác kinh doanh rút ra làm tiền chuộc thì ông không cách nào đáp ứng, chỉ có thể bày tỏ sự tiếc nuối. Đối với thái độ của Phó gia trong việc này, ông không tiện có ý kiến, chỉ đề nghị lão Thôi chuyện đến nước này có lẽ biện pháp duy nhất là báo cảnh sát.
Sau khi lão Thôi cùng với Lục Ninh Hải đến đồn cảnh sát, trở lại Phó gia Hoa viên không bao lâu thì nhận được điện thoại của bọn bắt cóc. Đối phương hỏi ông ta khi nào tiến hành giao dịch, lão Thôi khổ sở nói quả thật mình không kiếm ra năm trăm ngàn tệ. Tiếng người bên đầu dây kia hét ầm lên, căn bản không chịu tin, còn nói họ không đòi hỏi nhiều, sự nghiệp Phó gia lớn như vậy, làm sao có thể ngay cả một ít tiền này cũng không có được, nếu vậy họ chỉ còn cách phải xử Phó Kính Thù. Lão Thôi trào nước mắt cầu xin tha mạng, đối phương bất đắc dĩ liền cúp điện thoại thật mau.
Lúc ấy Lục Ninh Hải khuyên lão Thôi không nên hốt hoảng, nếu đối phương gọi điện tới, không chừng với cảnh sát mà nói còn là đầu mối truy lùng, họ mới đem tin này báo lại cho cảnh sát phụ trách vụ án, lúc đó liền nhận được tin Phó Kính Thù và Phương Đăng bị thương trốn thoát trở về.
Những tin tức này đều là do Phó Kính Thù nghe được từ lão Thôi. Với thái độ của phía Đại Mã trong vụ bắt cóc lần này, lão Thôi đã cố tình diễn tả tự nhiên khéo léo đi nhiều, nhưng bất luận ông có nói vòng vo thế nào cũng không thể tránh khỏi sự thật, đó chính là đối với an nguy của Phó Kính Thù, những người thân thích của anh bên kia chẳng hề quan tâm. Thật ra việc này, trong lòng Phó Kính Thù biết rất rõ. Trước đây đã nghe nói bà chủ Trịnh lúc còn trẻ làm việc mạnh mẽ, quả quyết khôn khéo không thua gì nam tử, đại khái đây cũng là một trong những cách làm việc của bà, nói một là một hai là hai không dây dưa kéo dài. Nếu đã nói đem số tiền ủy thác làm ăn mà giao lại cho Phó Kình Thù, hai bên không có liên hệ gì về kinh tế, sao bà phải đưa ra năm trăm ngàn tệ để chuộc anh về?
Lúc ở bệnh viện Lục Ninh Hải cũng an ủi Phó Kính Thù, nói gặp tình huống như vậy dù thỏa hiệp với bọn cướp cũng chưa chắc có thể đổi lấy bình an, báo cảnh sát là biện pháp tốt nhất, nên bà chủ Trịnh cũng cho là vậy. Phó Kính Thù yên lặng gật đầu, lúc nhìn qua Phương Đăng mới nở nụ cười chua xót nói một câu: “Đừng nói tôi có phải là người của Phó gia không, dù là đúng hay sai thì cái mạng này cũng không đáng năm trăm ngàn tệ”.
Phương Đăng không biết nói gì cho phải, anh đã hiểu rõ như vậy, mọi biện pháp an ủi anh đều vô ích. Nhưng biết là một chuyện, có thể chấp nhận hay không lại là chuyện khác, dù anh đã học được cách tự hạ bản thân mình xuống, nhưng khi nói ra câu nói đó, trong mắt đều hiện rõ sự cô đơn.
Điều may mắn duy nhất là Phương Học Nông ngoài Phương Đăng ra cũng không nói “bí mật đó” của Phó Kính Thù cho người ngoài biết, ít nhất là với hai can phạm trong quá trình điều tra chỉ nói Phó gia keo kiệt, tuyệt đối không đề cập bất cứ điều gì liên quan đến thân thế của Phó Kính Thù. Ngày Phó Kính Thù ra viện, con gái của bà chủ Trịnh, hay cũng chính là “cô cô” của anh đại diện gia đình gọi điện thoại về, nói anh không cần suy nghĩ nhiều cứ an tâm tịnh dưỡng, những vấn đề liên quan đến Luật pháp sau này đều có thể giao cho Luật sư thay mặt xử lý.
Lục Ninh Hải là người thẳng thắn, sự chuyên nghiệp của ông trong lĩnh vực pháp luật quả thật rất đáng tin tưởng. Sau khi ông ra mặt, việc dây dưa với Phương Học Nông khi Phó Kính Thù cùng Phương Đăng chạy trốn diễn giải vô cùng thuận lợi, kết cuộc cho là tự vệ hợp pháp, trong quá trình tự vệ xảy ra cái chết của Phương Học Nông là chuyện không ngờ, chẳng liên quan đến hai người. Lời khai của hai người họ cũng ăn khớp, cảnh sát trừ việc Phương Đăng không báo cáo mà tự mình hành động tỏ ra thiếu hài lòng thì cũng không phát hiện vấn đề gì khác, hôm nay là ngày sau cùng cho khẩu cung theo thủ tục, sau đó vụ án sẽ kết thúc. Kẻ xấu thì một mạng tử vong, còn lại đã sa lưới, người tốt an toàn quay về, tất cả cũng cho là chuyện đáng mừng.
Chiều hôm vụ án khép lại, Phương Học Nông bị đưa ra ngoài đảo hỏa táng, Phương Đăng đi nhận tro cốt của ông về. Phó Kính Thù cùng cô đem tro cốt vùi xuống bãi tha ma trên đảo. Thay người nhặt xác trì tang là chuyện cả đời Phương Học Nông đã làm, ai có thể ngờ sau khi chết việc ma chay của ông ta lại chỉ qua loa đến mức này.
Suốt mười sáu năm qua lúc nào Phương Đăng cũng tự hỏi tại sao mình có một người cha như vậy. Lúc ông ta còn sống, cô thường nguyền rủa ông sớm chết đi, còn nghĩ nếu có một ngày ông ta qua đời bản thân mình sẽ chẳng có chút thương tâm, còn thấy may mắn vì được giải thoát. Nhưng lúc ôm hộp tro cốt mộc mạc trên tay, lại không kềm nén được mà khóc lớn. Ông ta dù sao cũng là người nuôi cô khôn lớn, có khi còn là thân sinh của cô, dù có vô sỉ đến cỡ nào cũng đã nương tựa vào nhau nhiều năm như vậy. Có những thứ lúc không còn nhìn thấy nữa người ta mới biết, dù có ghét đến cỡ nào, nhưng rốt cuộc cũng chẳng cách nào dứt bỏ. Chính là vì như vậy, cô không thể trơ mắt nhìn ông ta vì lòng tham nhất thời mà vạn kiếp không quay đầu lại được, chỉ mong cuối cùng có thể khuyên ông rút tay lại. Dù Phương Học Nông tham lam ngu ngốc, cũng không quên ý định kiếm một khoản tiền dành sau này để lại cho cô. Phút sau cùng ông lại không nỡ ra tay, là vì nhớ Chu Nhan, hay vì không quên được Phương Đăng chính là máu thịt của mình? Họ oán nghét nhau, đối nghịch nhau, nhưng lại xả thân hỗ trợ nhau, cuối cùng vẫn không thể cắt đứt được lòng thương tưởng. Chỉ tiếc là đi qua đoạn đường khó khăn này, cuối cùng họ đều không còn đường quay về nữa.
Mai táng Phương Học Nông xong, Phương Đăng cùng Phó Kính Thù thừa lúc trời tối đã tìm ra gốc đa ở trường bắn. Họ dùng công cụ bén nhọ để đào sâu dọc theo rể cây. Nếu như nói trước đó là Phó Kính Thù may mắn, thì đúng là bây giờ xẻng của anh đã đào được một thứ thật, lấy tay phủi hết lớp bùn bám bên trên, giữa đất vàng bao phủ đích thị là hài cốt một đứa bé, anh dường như không còn chút sức lực, ngồi bệt dưới táng cây đa. Phương Đăng trong lòng rối bời cũng chậm chạm quỳ xuống, ôm chặt lấy đầu anh.
“Phương Đăng, cô nói có thể không chứ, cha cô nửa đời hồ ngôn loạn ngữ, duy chỉ cần lần này ông ta không gạt người”. Âm thanh của Phó Kính Thù từ cổ của Phương Đăng truyền ra, không thể phân biệt là đang khóc hay cười. “Lúc người khác gọi tôi là nghiệt chủng, tôi tự nhủ mình họ Phó. Cha tôi chết, họ không chịu nhìn nhận tôi, cũng chẳng sao, tôi còn có bản thân mình. Nhưng bây giờ tôi ngay cả bản thân cũng không có, đứa trẻ chôn dưới lòng đất này mới là Phó Kính Thù, vậy tôi là ai chứ?
Một chú chim đậu trên cây đa bị tiếng động làm giật mình, kêu quang quác rồi bay thật xa. Liệu nó có thể tìm được nơi dừng lại, dưới một táng cây nào khác không? Một khi bí mật này lộ ra, anh biết phải nương náu ở đâu đây? Phương Đăng cúi xuống, lấy từng vốc từng vốc đất trùm lên bộ hài cốt trẻ con lần nữa, như muốn đem bí mật này vĩnh viễn chôn xuống thật sâu.
Phó Kính Thù cũng đứng dậy, ngơ ngác nhìn cô hành động.
Anh hỏi anh là ai. Thật ra thì căn bản cô không quan tâm. Ở trong lòng Phương Đăng, anh chỉ là Tiểu Thất của cô, không liên quan đến họ, không liên quan đến huyết thống, chẳng liên quan đến bất cứ điều gì cả.
“Cha tôi đã hóa thành tro, không ai biết dưới táng cây này chôn cái gì. Tin tôi đi, anh vĩnh viễn là Phó Kính Thù” – Cô nói với người bên cạnh mình.
“Là tôi thật sao?” Anh nhẹ nhàng nói một câu.
Ánh trăng nhợt nhạt, giống như một màng sương muối thật mỏng trùm lên mặt anh. Phương Đăng muốn đưa tay để lau sạch màng sương này hai bên má anh.
Cô không thể kềm chế được suy nghĩ, nếu như anh không phải Phó Kính Thù, bọn họ sẽ làm thế nào? Không, không, không, chỉ cần anh vui vẻ, cô nguyện vì anh làm bất cứ chuyện gì.
“Anh tin tôi không, Tiểu Thất? Có thể tôi là người cuối cùng trên đời biết bí mật này. Anh có tin tôi sẽ đem bí mật của anh giữ kín cho đến ngày nhắm mắt không?”
Phó Kính Thù cúi đầu, làm theo bộ dạng của cô từ từ lấp đất lại.
“Phương Đăng, nếu phải nói một lời từ đáy lòng, tôi sẽ cho em biết, đừng tin bất cứ ai, trừ bản thân mình”. Anh đưa tay nén đất lại cho bằng phẵng, quay đầu lại nhìn cô mỉm cười, “Nhưng em chính là tôi”.
Sau khi Phương Học Nông chết, nhân viên khu phố cũng một lần đến thăm hỏi Phương Đăng, cô chưa đầy mười tám tuổi, theo quy định không còn cha mẹ, không có người thân có thể tạm thời dọn vào ở tại cô nhi viện Thánh Ân cho đến lúc trưởng thành.
Phó Kính Thù từng lên tiếng kêu cô dọn vào Hoa viên Phó gia, lão Thôi cũng ngầm đồng ý. Nhưng Phương Đăng không làm vậy.
Sự việc xảy ra không lâu, cô liền bị Phó Chí Thời gọi là “Con gái tên bắt cóc”, mọi người vui vẻ bàn tán vụ án lớn xảy ra trên đảo, cũng không tránh được ở sau lưng cô chỉ trỏ gần xa.
Phương Đăng tự trêu mình, từ “Con gái ma men” đến “con gái kẻ bắt cóc”, có thể coi là được thăng chức hay không? Nhưng bất kể là tên gọi trước hay sao thế nào, trước mặt người khác, cô cũng phải tránh xa Phó Thất một chút. Ai mà không bàn tán nếu thấy nạn nhân lại ở chung một nhà với con gái tên tội phạm bắt cóc mình, hơn nữa lại còn gắn bó thân mật.
Điều kỳ lạ hơn là, vị Luật sư họ Lục của Phó gia sau khi xử lý xong vụ án bắt cóc liền đến tìm Phương Đăng, ông ta nói muốn có một đứa con gái, nếu Phương Đăng đồng ý, ông ta có thể làm cha nuôi của cô, cho cô một mái nhà.
Phương Đăng lúc đó không khác nào nghe chuyện cổ tích. Trước khi Phó Thất xảy ra chuyện, cô và người họ Lục này chưa từng quen biết, sao ông ta lại muốn nhận nuôi cô? Cho dù ông ta có thèm con gái đến phát điên, cô cũng đã mười sáu tuổi, sẽ mau chóng trưởng thành, nhất định không phải độ tuổi thích hợp để làm dưỡng nữ.
Phương Đăng đứng tựa vào lan can bến phà, nghe âm thanh tiếng phà rời bến, nói thẳng với Luật sư những nghi ngại của mình.
Theo như cô thấy, Lục Ninh Hải cũng không phải hạng người tùy tiện, quyết định này với ông mà nói cũng hết sức gian nan. Ông trả lời: “Có thể vì cháu rất giống vợ tôi, là người vợ đã qua đời của tôi. Lúc ôm cô ấy vào lòng khi xảy ra tai nạn xe cộ thương tâm, tôi nghĩ, nếu như có một đứa con gái, sau này lớn nên phải nhất định giống hệt hình dáng này”.
Phương Đăng quay đầu nhìn ông mỉm cười: “Vậy chú muốn nhận tôi làm con gái hay làm vợ?”
Hiển nhiên vị Luật sư rất khó trả lời câu hỏi này. Cách đây không lâu khi xảy ra chuyện ồn ào trên đảo, ông vẫn nhớ dáng vẻ của cô bé phóng ào lên tường, nụ cười đó dường như đã để lại trong lòng ông một cảm giác sâu sắc, sau này biết cô dính vào vụ án bắt cóc Phó Kính Thù, ông cũng tận tâm tận lực thay họ xử lý tốt chuyện kia. Khi biết cha cô bé trong vụ án này cũng qua đời, hiện giờ là cô nhi không nơi nương tựa, việc nhận nuôi cô mà nói đối với ông không chỉ là tình cảm nhất thời mà cũng là một ý niệm kiên định.
Ông có cảm giác, Phương Đăng cũng như Phó Kính Thù, tuy còn nhỏ tuổi lại dường như đã trải qua mấy đời người.
“Cháu không muốn theo tôi sao? Tôi có một đứa con trai cách cháu không bao nhiêu tuổi, hai đứa có thể sống tốt bên nhau”.
Phương Đăng vén mái tóc bị gió biển thổi phồng lên sau màn tai, lắc đầu: “Tôi không muốn rời khỏi hòn đảo này”.
Luật sư có hơi thất vọng, bất đắc dĩ gật đầu một cái.
Khi phà cập bến, Phương Đăng tưởng ông đã rời đi, không ngờ ông nán lại hỏi một câu.
“Là vì trên đảo này có một người cháu không thể rời xa? Đứa trẻ ở Phó gia…hai người có quan hệ rất tốt”.
Phương Đăng sửng người, định phủ nhận nhưng nghe Luật sư nói: “Tôi có thể hiểu cháu, cậu ta là anh họ cháu. Hai người đều là cô nhi, có người thân ở bên cạnh sẽ cảm thấy có chút an ủi”.
Phương Đăng chỉ cười cười không trả lời. Luật sư lên phà, cô vẫy tay, đưa người từng muốn cho cô một mái nhà rời bến.
Nửa năm sau, một gần nữa vị luật sư họ Lục này lại xuất hiện trước mặt của Phương Đăng.
Lúc này Phương Đăng đã dọn vào cô nhi viện. Tiền thuê căn phòng trọ trên lầu của lão Đỗ đã đến kỳ, cô không có tiền để trả tiếp. Dù Phó Thất đã từng nói, anh còn cơm ăn thì cô không lo bị đói, nhưng sau khi dọn vào cô nhi viện, cô có thể được nhận sự viện trợ của chính phủ. Trong chuyện này A Chiếu là người thấy vui vẻ nhất, cậu ta đã cao hơn không ít, tính tình cũng không còn hèn nhát như trước đây, có Phương Đăng, cô nhi viện có thêm mùi vị của một mái nhà.
Từ gác trọ đến cô nhi viện, thật ra cũng chỉ cách có mấy chục thước, chỉ tiếc căn phòng giường tầng cô ở không có cửa sổ hướng ra đường, nếu không cô có thể nhìn thấy Phó Thất vừa mới trồng lại chậu hoa mỹ nhân bên cửa sổ.
“Bây giờ cháu vẫn có thể cân nhắc đi theo tôi. Tôi sẽ làm thủ tục nhận nuôi rất nhanh” Lục Ninh Hải nhìn Phương Đăng nói.
Đây quả là một người cố chấp, Phương Đăng thầm nghĩ.
Nhìn thấy cô lại lắc đầu thêm lần nữa, Lục Ninh Hải nói: “Nếu như cháu không muốn rời bỏ hòn đảo này là vì Phó Kính Thù, tôi sẽ cho cháu biết, cậu ấy có thể sẽ phải đi khỏi nơi đây”.