“ Hắn thất bại lần đầu tiên, chạy sang đời Hán, dụ Mã Viện bày trận Rồng Không Đuôi giúp mình, lấy máu rồng của hai bà Trưng bày trận. Lần này mưu đồ của hắn đạt thành, trận Rồng Không Đuôi thành hình trấn áp long mạch nước ta.
Mắt trận, cũng là nơi hút khí long mạch, hắn dặn Mã Viện cho đóng một trụ đồng, miệng nói tảng là chọc mù mắt rồng, thực ra là để tránh khí long mạch bị thoát ra, hắn không hút được. Hắn bảo Mã Viện phải bảo vệ trụ đồng không ngã, bằng không trận bị phá, vậy nên họ Mã mới để lại câu: Đồng trụ chiết, Giao Chỉ diệt!! ”
Hồ Phiêu Hương trước giờ vẫn rất ngưỡng mộ những bậc anh kiệt như bà Trưng, bà Triệu. Nay hay chuyện hai bà bị Cao Biền hại chết, lấy máu bày trận, thì tức đến run cả người.
Nhưng, như nhớ lại chuyện gì, cô nàng lại cười vang:
“ Ha ha! Cao Biền này… rốt cuộc vẫn thua! ”
Tạng Cẩu bèn hỏi:
“ Hương nhớ ra chuyện gì à? ”
Hồ Phiêu Hương bèn đáp:
“ Ngày ấy, dân ta căm Mã Viện mà chẳng làm gì được. Cứ nhìn thấy trụ đồng là xót Trưng nữ vương, lại nhớ cảnh đọa đày bị đô hộ, nên ném đá nó cho bõ tức.
Đời này đến đời khác, chẳng mấy mà trụ đồng bị chôn vùi trong một đống đá. Đến nay đã ngàn năm có lẻ, có là thần thánh cũng đố mà tìm được trụ đồng. Cao Biền thì lại không rõ vị trí chính xác, do bước này y không ở lại thời Hán được nữa nên nhờ Mã Viện làm, nên mới công toi! ”
Trưng nữ vương đánh với Mã Viện nhiều năm bất bại, mới khiến cho gian kế của Cao Biền không thành. Lúc đó, giả tỉ hai bà thua trận sớm một tháng thôi, thì có lẽ họ Cao đã đoạt được khí long mạch nước Nam, soán ngôi xưng đế rồi.
Thành thử, nói dân Nam thắng cũng đúng, nói hai bà Trưng vì nước phản kích một đòn sau cùng cũng chẳng sai.
Quả thực, đoạn tiếp theo trong Thiên Lí Kỳ Thư chính là kể chuyện Cao Biền quay về thời Đường, ung dung đi tìm trụ đồng nuốt long vận của nước Nam, tự mình làm vua. Nhưng y tìm mòn mắt không thấy, dấm đậu thành binh mấy lần ở nước Nam cũng hỏng. Biết đã không còn cách gì đạt được vận đế hoàng, mà Cải Thiên Đại Pháp cũng không thể dùng tiếp được, y bèn cáo quan về quê nhà.
Chẳng rõ thế nào, lại được gia chủ dòng chính họ Lí khi ấy đến dùng tiền muôn bạc vạn mời đến phá mộ lấy của. Cao Biền lúc ấy nghĩ đến kẻ thù xưa, cướp đồ của hắn để phủ phê cả đời thực là một ý không tệ, nên gật ngay. Chẳng ngờ mộ chủ - Tả Ao đã tiên liệu trước, nên thiết kế mộ để vây khốn hắn, khiến Cao Biền chết trong mộ.
Tạng Cẩu bỗng nói:
“ Thôi đúng rồi! Trước đây thánh tổ Nguyễn Minh Không vào đây, suýt thì bị cướp xác, nên vung chưởng đánh sụp lồng ngực của Cao Biền. Ông thoát ra ngoài được, sợ rằng sẽ có người sau đến đây, mà bản lĩnh lại thua ông thì Cao Biền tìm được nơi gá thân sống lại, tiếp tục hại người. Thế có khác nào giao trứng cho ác? Nên mới cướp đi sống kiếm, để cửa sinh của mộ vĩnh viễn không mở được nữa! Mà kẻ vượt qua được cửa tử của mộ, thì bản lĩnh ắt không dưới ông, chắc sẽ không thành nơi mượn xác của Cao Biền. ”
Bấy giờ, hai người đã hiểu tại sao manh mối đến mộ cổ lại đứt đoạn như vậy.
Thánh Tổ Nguyễn Minh Không từ đầu đã không muốn người đời sau tìm được nơi này!
Mà hai người, nếu không phải cơ duyên xảo hợp, thì tìm mòn kiếp cũng chẳng đến được tận đây.
Đương nhiên, bản thân Nguyễn Minh Không cũng không biết cái trống con – chìa khóa Loa thành lại là đốc kiếm của Thuận Thiên kiếm. Mà không có nó, thì thanh kiếm không thể phát ra điện, có đoạt được kiếm cũng không chém được Cao Biền.
Không có kiếm Thuận Thiên, Cao Biền sẽ luôn có cái xác cũ để gá vào, không bị đánh cho hồn bay phách tán.
Hồ Phiêu Hương bèn nói:
“ Thứ sách ma sách quỷ này để lại chỉ tổ hại người, cứ phá nó đi là hơn. ”
Tạng Cẩu gật đầu, đoạn lấy kiếm Thuận Thiên chém nát quyển trục tre thành mảnh nhỏ, lại lấy lửa đốt đi.
Hồ Phiêu Hương nghĩ một chút, rồi đoán:
“ Thánh tổ dùng một chưởng đánh sập lồng ngực đối thủ, chắc đã khiến tà công Cải Thiên Đại Pháp bị rò rỉ ra ngoài, đám dị thú kia nhân đó mới chạy từ thời thượng cổ đến đây. ”
Hai người giải quyết được Cao Biền, mới lên. Ông họ Bạch nghe xong, bèn bảo bốn lão hộ pháp phá banh bốn tượng tứ linh, lại nấu chảy bốn miếng ngọc để bức vách kia ngàn đời không mở ra được nữa. Tạng Cẩu lại nhân đó hỏi thăm tung tích của Lí Thông và Gia Luật Sở Tài.
Ông họ Bạch bèn nói:
“ Bẩm kiếm chủ, hai người kia tham lam tài phú, trúng phải bẫy của mộ chủ, đã bị nổ tan tành cùng căn phòng chứa của rồi. ”
Tạng Cẩu nghe mà rùng mình, thầm nghĩ cái người mà Cao Biền luôn mồm gọi là Tả Ao kia tuy tài năng ngút trời, nhưng làm việc cũng hơi có phần tàn nhẫn vô tình.
Thứ làm nổ phòng chứa của thực chất là đất đèn, nguyên lí như sau:
CaC2, điều chế từ CaO + 3C -> CaC2 + CO với nhiệt độ 2000 độ C và không có không khí. Tuy điều chế với phương pháp thủ công thì khó vô cùng, nhưng lấy nó bỏ vô nước có C2H2 ( metan), thì có thể gây nổ với điều kiện hầm mộ có cơ thế thông gió để có được O2.
Khi kích hoạt bẫy thì cửa thông đóng kín, không cho metan ra ngoài, và một tia lửa sẽ khiến cả căn phòng nổ tung.
Hai người Tạng Cẩu, Phiêu Hương ra khỏi mộ, thì thấy quần hào đã chờ sẵn. Nhưng thấy hai người xuất hiện, trừ bốn người Tuệ Tĩnh thiền sư ra thì chẳng ai lấy làm vui vẻ. Từ Diệu Định sư thái, Nguyên Mãn đại sư.v.v… cho đến trưởng môn các môn phái nhỏ, bè bạn thân nhân của những khách độc hành vào mộ đều ùa đến hỏi thăm, thậm chí vài kẻ thô mãng còn có vẻ như đang ép cung hai người.
Đối với những người này, hai người Tạng Cẩu chỉ nói là không gặp ai, cũng không biết bao giờ những người khác ra ngoài.
Chuyện Lí Thông và Gia Luật Sở Tài thông đồng, Chấn Nguyên Tử cấu kết với cả hai thực sự là chuyện không tốt đẹp gì. Hai người có nói, người ta cũng chưa chắc đã tin. Thậm chí có khi còn nghi ngờ hai người cố tình nói xấu, đổ vấy tội tình cho nạn nhân.
Lúc này, lại phải có Trương Tam Phong ra mặt, nói:
“ Nếu đã có giấy sinh tử, sống chết do mạng, thì đâu thể trách được hai người An Nam này? Người Hán chúng ta vào mộ đến ba mươi người, đông hơn mười mấy lần, thế mà chẳng được chút gì. Ấy chứng tỏ là người chết khôn thiêng giao báu vật cho hậu duệ nước Nam, nếu bây giờ chúng ta ra tay cướp đoạt há chẳng mất hết thể diện thượng quốc, vừa mang tiếng bất tín lại phải cái danh hẹp hòi hay sao? ”
Lời này liên quan tới quốc thể, lại do bậc đức cao vọng trọng hàng nhất võ lâm nói ra, đương nhiên chẳng ai dám phản bác nửa câu. Quảng Thành tử muốn lên tiếng kích động quần hào vì lợi bất chấp, nay Trương Tam Phong đã ra mặt thì cũng đành ngậm bồ hòn.
Tạng Cẩu và Phiêu Hương đã xong chuyện được giao, hoàn thành di nguyện của thầy, bỗng thấy vừa hụt hẫng lại vừa nhẹ nhõm vui vẻ. Hai người đến chỗ Lí Bân ăn uống một phen, lại thuật lại chuyện mắt thấy tai nghe dưới mộ về Cải Thiên Đại Pháp cho y để y hiểu rõ thực hư chuyện bị kéo trở về quá khứ.
Lí Bân nghe xong, đầu tiên là thấy hai người hẳn là nói đùa. Dầu sao, chuyện dùng bí thuật quay ngược thời gian này, lại phải tìm một thế thân mệnh vận y hệt mình thực là quá huyễn ảo, truyền kì. Nhưng thấy thần sắc hai người nghiêm túc, y mới hiểu bọn họ chẳng lí gì lại nói đùa.
Tạng Cẩu nghĩ thầm, nay Lí Bân chịu cảnh không thể cưới hỏi với Thanh Hằng ắt là do hậu quả của Cải Thiên Đại Pháp, bèn thở dài.
Hồ Phiêu Hương thì hỏi:
“ Sau này Lí huynh có tính toán gì không? ”
Lí Bân bèn đáp:
“ Tại hạ mở Thính Tuyết lầu buôn bán mấy năm nay, cũng có được mấy đồng vốn. Nay đang tính viết sách, làm mộc bản in ấn phát hành, đổi đồng ra đồng vào, kiếm miếng ăn qua ngày. ”
Tạng Cẩu nghe xong, vỗ tay tán thưởng, đoạn nói:
“ Sách do người từ sáu trăm năm sau viết, chắc sẽ đặc sắc lắm. ”
Lí Bân ho khan, gãy gáy mà rằng:
“ Cũng chẳng có gì mà giỏi. Tôi định chuyển một truyện thơ nổi tiếng của nước Nam thành văn xuôi, trước là nhớ đến Thanh Hằng, sau nếu như có họa may được người đời nhớ đến thì cũng coi như đáp đền mấy người các cậu. ”
Thực ra, y quen đọc tiểu thuyết trên mạng, thứ văn cả ngàn chương triệu chữ như thế, ở thời đại này giấy mực đâu thừa thãi mà in ra như vậy? Hà huống trăm họ làm đầu tắt mặt tối, lại không mấy người biết chữ, muốn thì phải có người đọc cho mà nghe. Thế thì thời gian hơi sức đâu mà đọc, mà nhớ cả ngàn chương triệu chữ? Thế là y nảy ý chuyển truyện thơ thành văn xuôi, cho dễ bán.
Hồ Phiêu Hương hỏi:
“ Thế… truyện anh định lấy tên gì, bút danh thế nào? Sau này nếu có dịp, bọn tôi sẽ đến ủng hộ. ”
Lí Bân đáp:
“ Truyện thì định đặt tên là Kim Vân Kiều truyện, bút danh tôi lấy là Thanh Tâm Tài Nhân. Nghe được không? ”
Tạng Cẩu và Phiêu Hương nhún vai, không cho ý kiến.
Lí Bân chuyển truyện thơ của Nguyễn Du thành văn xuôi, nhưng do chỉ nhớ cốt truyện, lại không rành văn chương thơ phú của người xưa nên lời văn bình phàm, ý tứ tầm thường, nhân vật càng chẳng so nổi với Nguyễn Du, thành ra không nổi danh tí nào.
Về sau có người học cao, đọc được văn y, cho là có tài tiên đoán loạn Từ Hải trước cả trăm năm, tỏ ý ngưỡng mộ nên cũng lấy danh xưng là Thanh Tâm Tài Nhân, lại viết lại truyện của Lí Bân thành như bản Kim Vân Kiều truyện như hiện tại.
Song, những chuyện này về sau này hai người Tạng Cẩu và Phiêu Hương hoàn toàn không hay biết. Hai người từ biệt Lí Bân, bèn thuê thuyền, xuôi dòng sông Hoàng Hà về Nam Kinh. Mấy năm nay chạy đôn chạy đáo khắp nơi, từ chuyện đưa mật hàm đến phá giải manh mối về Rồng Không Đuôi, hiếm khi mới có dịp thảnh thơi, trước mắt không có việc gì làm như hiện tại.
Hai người cứ thả thuyền xuôi dòng nước để về Nam Kinh, thuê một hai người vừa làm thuyền phu, vừa phụ trách mấy việc lặt vặt như giặt giũ nấu nướng, vừa lái đò chèo thuyền. Còn hai người thì ra nơi đầu thuyền, Tạng Cẩu nằm thả câu, Phiêu Hương khảy đàn góp vui, cuộc sống vừa nhàn hạ vừa tiêu dao.
Theo sông Hoàng Hà đến Khai Phong, hai người mới bỏ thuyền lên ngựa, lại tiếp tục chạy về phía Nam Kinh. Dọc đường, thấy nhân sĩ giang hồ bàn tán chuyện sáu môn phái lớn hợp sức nhổ tận gốc Âm Hồn Giản ở Thái Nguyên, chém chết Đào Khiêm, Quách Phong, hai người cũng vui vẻ ít nhiều.
Dù sao những kẻ thông địch bán nước như Đào Khiêm, Quách Phong, chết bớt đi thì thiên hạ càng yên bình.
Hai người ruổi ngựa đến Giang Tô, vùng có hồ Hồng Trạch thì dừng lại mấy ngày nghỉ ngơi, thưởng ngoạn. Chốn này là một trong năm hồ lớn ở Tàu, sánh ngang với Động Đình, Thái Hồ.v.v…, có thể nói là nơi thắng cảnh hữu tình. Nay trên người cả hai không có chuyện gấp, lại là uyên ương mới nhìn nhận cảm tình, ở lại thưởng ngoạn cũng là điều dễ hiêu
Lại thêm nửa tháng, thì hai người về tới Nam Kinh.
Lần trước, lúc nhìn con sông Tần Hoài quanh co trước mặt thì Tạng Cẩu và Phiêu Hương hãy còn là đứa bé, đến nay đã là thiếu niên, thiếu nữ, lại đã làm được một việc lớn cho đời, thành thử tâm thái cũng khác. Tạng Cẩu ngẩng mặt đón gió sông, hít một hơi tỏ vẻ khoan khoái. Bất chợt, thuyền phu chợt kêu to:
“ Người phía trước mau tránh ra!! Đâm bây giờ! ”
Mọi người trên thuyền kẻ thì dáo dác hét gọi, người thì cười cợt chê kẻ ngu si. Tạng Cẩu cũng thấy tò mò về thân phận người nọ, thầm nghĩ:
[ Đứng cản trước thuyền lớn thì chỉ cần là kẻ có khinh công giỏi là được. Nhưng dám gây náo loạn ở Nam Kinh, ngay dưới chân Chu Đệ thì phải là kẻ có lá gan to bằng trời mới dám làm. ]
Quả nhiên, chẳng đợi bao lâu, lúc thuyền lớn đâm nát con thuyền nhỏ thì cũng là lúc người nọ búng mình phóng vọt lên không, đoạn nhẹ nhàng đáp xuống mũi thuyền trước con mắt kinh ngạc của mọi người. Tạng Cẩu đưa mắt nhìn về phía bóng người mới xuất hiện, thấy y áo đỏ như máu, mặt nạ quỷ treo trên mặt, eo đeo hồ lô, lại có một thanh vũ khí đao chẳng ra đao kiếm không ra kiếm.
Đao… đích thị là Quỷ Hoàn.
Người… chắc chắn là Tửu Thôn đồng tử.
Lời tác giả:
_ Thiên thứ hai sẽ kết thúc ở hồi 28…
_ Truyện sẽ không đi theo hướng huyền huyễn, sau trận đánh dưới mộ Thiên Vương thì tình tiết sẽ trở lại kiếm hiệp thuần tuý. Sự kiện mộ Thiên Vương cũng là một lời giải đáp cho những thứ mang tính vượt thời gian trong truyện ( đồng đen, Lí Bân xuyên không.v.v…)
_ Chuyện Cao Biền, thực ra tác đã có kế hoạch và gợi ý ngay từ ngày đầu tiên đăng truyện. Bằng chứng là trong lời giới thiệu đã có ghi “ nhưng nghe phong thanh thì thuyết này do Cao Biền để lại từ thời Mã Viện xâm lược nước Nam ”. Tuy đã có một lần sửa lại giới thiệu, nhưng ai theo dõi truyện từ những ngày đầu chắc vẫn nhớ, đoạn từ “Thuận Thiên Kiếm / Ứng Thiên Mệnh ” đổ đi chưa từng thay đổi.
Tiếc là hơn hai năm rưỡi nhưng lại không ai chửi chi tiết này, áng chừng cũng không mấy người nhận ra.
_ Tả Ao, sinh vào thời Lê Sơ, là ông thánh Phong Thuỷ nước Nam. Chuyện dân gian ta có nhiều truyền tích ông đấu phong thuỷ với Cao Biền, sự kiện mộ Thiên Vương chính là một dạng tri ân cho những mẩu chuyện này. Còn “ Tả Ao ” mà hồn ma Cao Biền luôn miệng nhắc tới không phải Tả Ao thời Lê, mà là một Tả Ao khác. Nhưng chỉ xin bật mí đến thế thôi, chi tiết này phải hẹn bạn đọc vào tác phẩm sau (nếu có)
_ Cao Biền trong truyện được mượn cảm hứng từ truyện dân gian, chứ không phải từ chính sử, thế nên đừng coi đây là nguyên mẫu trong sử sách
_ Trước đây cũng định làm khảo sát xem bạn đọc thích nhân vật nào nhất, nhưng nghĩ chắc không ai hưởng ứng nên lại chần chờ đến bây giờ. Thôi thì nếu ai thích, thì hãy ghi tên nhân vật ưa thích và lí do bạn thích nhân vật đó dưới phần bình luận.
_ Ở cuối thiên thứ hai ( cuối hồi sau) sẽ có phụ chương đặc biệt