Đến tháng sáu năm Trùng Quang thứ tư, quân Hậu Trần gặp và giao chiến với Trương Phụ ở Yên Mô.
Cứ theo như Đại Việt Sử Ký Toàn Thư thì trận này diễn ra như sau:
“ Mùa hạ, tháng 6, Trương Phụ và Mộc Thạnh nhà Minh đem quân đánh vào hành tại ở Nghệ An, gặp bọn Nguyễn Súy, Nguyễn Cảnh Dị, Đặng Dung ở Mô Độ. Dung, Phụ đều liều chết đánh nhau chưa phân thắng bại, thì Súy và Cảnh Dị vượt biển chạy, Hồ Bối bỏ thuyền lên bờ. Dung thế cô, không có cứu viện, bèn đi thuyền nhẹ vượt biển trốn đi. ”
Còn Khâm Định Việt Sử Thông Giám Cương Mục cũng chỉ ghi ngắn gọn như sau: “ Tháng 6, mùa hạ. Đặng Dung và Nguyễn Súy nhà Trần đánh nhau với quân nhà Minh ở bến Yên Mô, bị thua, chạy.
Trương Phụ và Mộc Thạnh dẫn quân tiến đánh Nghệ An, gặp quân của Súy và Dung ở bến Yên Mô, hai bên đều liều chết đánh nhau. Súy và Cảnh Dị chạy trước ra biển, quân của Dung bị cô lập, không có cứu viện, cũng phải dùng thuyền nhỏ vượt ra biển để trốn. ”
Trận này Đặng Dung có ý liều chết, nhưng Nguyễn Súy và Nguyễn Cảnh Dị lại chạy trước, đoán chừng là theo đường sông Càn hoặc sông Vạc ra sông Đáy rồi theo đường biển mà về. Thành thử Đặng Dung bị cô lập, không chống nổi thế quân Minh, mới thua trận. Sử thần Ngô Sĩ Liên cũng bình rằng: “ Đạo cầm quân chế thắng cốt ở đồng tâm hiệp lực. Giả sử bọn Súy và Dị một lòng quyết đánh thì Dung và Phụ cũng chưa biết ai được ai thua. Đó là vì trời không giúp họ Trần vậy! ”
Sau chuyện ấy thì Đặng Dung, Nguyễn Cảnh Dị và Nguyễn Súy bắt đầu có khúc mắc với nhau, tuy vẫn cùng chung chí hướng đánh Minh phục Trần, nhưng quan hệ chung quy đã không thể được như trước đây được nữa.
Cuối năm…
Đặng Dung ngồi ngẩn người trên ghế, chung trà đặt bên bàn đã nguội, mà quyển binh thư mở được một nửa cũng đã chằng chịt những dấu khoanh đỏ.
Hoàng Thiên Hóa chậm rãi bước đến phía sau y, nhìn vào bầu không…
Đêm trong hoàng thành, tối mịt, yên tĩnh…
“ Đang nghĩ chuyện phá địch phải không? ”
“ À… Bác Hóa về rồi sao? ”
Đặng Dung cũng đã bắt đầu quen với những tiếng gọi bất chợt vang lên trong phòng mình, nên cũng không bị giật mình nữa. Mỗi lần có tiếng người thì y nghĩ ngay tới Hoàng Thiên Hóa.
Không biết có phải do Đặng Tất đoán trước được cái chết của chính mình hay không, mà y đã nhờ cậy Hoàng Thiên Hóa để ý tới Đặng Dung nếu mình có sự bất trắc gì. Đảo chủ đảo Bạch Long Vĩ nể mặt cha mẹ y, lại thấy Đặng Dung nay đã bị tật ở hai chân, nên gật đầu đồng ý.
Hoàng Thiên Hóa cười dài, nói:
“ Chỉ có một Mạc Thúy thì làm gì được bác? Hắn bị xử rồi. Trúng phải độc của ta, thiên hạ chỉ một người cứu được y mà thôi. ”
“ À. Thế thì tốt. ”
Đặng Dung nhấp chung trà nguội ngắt.
“ Kẻ như y lừa trên dối dưới, khiến nước ta mất vào tay giặc. Y lại cố tình dâng biểu xun xoe bợ đỡ, tự nhận làm quận huyện cho người, hút mủ liếm trĩ hòng thăng quan tiến tước… chết là đáng lắm. Chỉ hổ cho tổ tiên của y là lưỡng quốc trạng nguyên Mạc Đĩnh Chi. ”
Hoàng Thiên Hóa bèn nói:
“ Chuyện Mạc Thúy thì bác đã giải quyết đâu vào đấy, nhưng chuyện của Trương Phụ và Mộc Thạnh vẫn chưa đâu vào đâu cả. Còn cháu có dự định gì không? ”
Đặng Dung mới thở dài, không đáp…
Hoàng Thiên Hóa cũng không hỏi nữa.
Gió đêm khẽ thổi…
Trăng chiếu trên đầu…
Thật lâu sau, Đặng Dung mới gượng dậy trên ghế đẩu, thở dài mà rằng:
“ Trương Phụ, Mộc Thạnh quả là kẻ đáng gờm. ”
“ Nghe nói Nguyễn Biểu mới bị y hại. Giang hồ đồn đại Trương Phụ bắt y dùng cỗ đầu người. ”
Tương truyền thuở ấy Nguyễn Biểu lúc bị ép dùng cỗ ung dung ngồi vào mâm, nói rằng: “ Mấy thuở được ăn thịt người phương Bắc! ”, nói đoạn, lấy đũa khoét đôi mắt, chấm muối ăn. Vừa ăn, vừa ngâm bài thơ Cỗ đầu người khiến Trương Phụ cũng phải kính phục, toan tha cho ông về. Hàng tướng là Phan Liêu lúc ấy ton hót với Phụ rằng Nguyễn Biểu nói: “ Năng sảm nhân đầu, năng sảm Phụ ” (có khả năng nuốt được cỗ đầu người, tất cũng có khả năng nuốt tươi được Trương Phụ). Trương Phụ giận lắm, đưa câu ấy ra bắt ông phải đối lại. Đối được mới cho về, không đối được thì chém. Nguyễn Biểu ung dung đối lại rằng: “ Hựu tồn ngô thiệt, hựu tồn Trần ” (còn ba tấc lưỡi của ta, nhà Trần vẫn còn!). Trương Phụ giận lắm, đổi ý không tha nữa, lại sai cắt lưỡi của ông:
“ Thử xem cắt lưỡi nó đi, nhà Trần có còn được nữa hay không??? ”
Kế đó, Phụ sai trói ông vào chân cầu, để cho nước thuỷ triều lên cao dìm chết.
“ Chuyện giang hồ nhàn thoại, chưa biết được mấy phần thật giả. Nhưng thế cũng làm dân thêm oán giặc căm thù, thế là cũng có cái tốt. ”
Hoàng Thiên Hóa bèn hỏi:
“ Cháu không tin chuyện ấy hay sao? ”
Đặng Dung lắc đầu, nói:
“ Chuyện Nguyễn Biểu tuẫn quốc đương nhiên là cháu tin, khí tiết y khảng khái cũng là chuyện không lấy gì làm lạ, chỉ có chuyện cỗ đầu người là cháu không tin cho lắm. Trương Phụ Mộc Thạnh đem quân cướp nước, là chuyện đáng hận đáng khinh, nhưng bọn hắn cũng chẳng ác ôn đến cái mức ăn gan uống máu, rán người lấy mỡ mổ bụng lấy thai như những truyền văn trên giang hồ đâu. ”
Đoạn lại cười nhạt:
“ Không khéo sắp tới đây, cháu và thánh thượng rủi kháng Minh thất bại, thì chắc cũng thành hạng ăn gan uống máu trong sử nước người. ”
Hoàng Thiên Hóa bèn nói:
“ Thiên hạ tự có công đạo, cháu không cần nghĩ nhiều quá, lúc này cứ tận lực mà làm. Trọng trách kháng Minh phục Trần, Tất nó đã tin tưởng giao cả cho cháu. Cháu có không tin bản thân, thì cũng nên tin cha mình chứ? ”
Thấy y vẫn không đáp, đảo chủ bèn hỏi:
“ Là chuyện của bọn Nguyễn Súy, Cảnh Dị phải không? ”
“ Cũng không hẳn… ”
Đặng Dung thở dài.
Đoạn lấy bút nghiên, giấy mực, viết một bài thơ:
“ Thế sự du du nại lão hà,
Vô cùng thiên địa nhập hàm ca.
Thời lai đồ điếu thành công dị,
Vận khứ anh hùng ẩm hận đa.
Trí chúa hữu hoài phù địa trục,
Tẩy binh vô lộ vãn thiên hà.
Quốc thù vị báo đầu tiên bạch,
Kỷ độ Long Tuyền đới nguyệt ma. ”
( Dịch nghĩa
Sự đời dằng dặc mà ta già rồi, biết làm sao đây!
Trời đất mênh mông thu vào trong cuộc rượu hát nghêu ngao.
Khi gặp thời thì anh hàng thịt, người câu cá cũng dễ lập công,
Nếu thời vận đã qua thì anh hùng cũng chỉ uống hận.
Muốn giúp chúa, ôm hoài bão nâng trục trái đất mà xoay chuyển lại,
Mong rửa sạch giáp binh nhưng không có lối để kéo Ngân Hà xuống.
Thù nước chưa báo được, mà đầu thì đã bạc rồi,
Bao lần mang kiếm Long Tuyền ra mài dưới bóng trăng.)
Hoàng Thiên Hóa nhẩm mấy lần, thấy ý cảnh bi phẫn chán chường, thể hiện cái chí của kẻ hào kiệt chẳng gặp thời, bất giác nhớ tới mấy lời của Hổ Vương, bèn nói đùa:
“ Thằng này thế mà ngông, Phàn Khoái và Hàn Tín mà cũng chẳng coi vào đâu. ”
Tuy là nói thế, nhưng nét cười treo trên khóe miệng hai người chỉ có chua chát mà thôi…
Đặng Dung lúc này thở dài, nói:
“ Chuyện đã đến nước này, cháu cũng hết cách. Giờ kinh lộ đều phụ thuộc vào nhà Minh, trăm họ phải làm sai dịch và nộp lương theo sự sai bắt của bọn quan thú nhiệm. Thổ quan thì đóng thuyền và lập đồn điền để giúp việc cho tổng binh. Từ Diễn Châu trở vào nam, không được cày cấy, lương thảo rất khó khăn. Sang năm thánh thượng sẽ đánh ra bắc thêm lần nữa. Nếu còn thất bại, thì e quân ta khó mà gượng dậy… ”
“ Thế cháu muốn sao? ”
Hoàng Thiên Hóa nghe mà thấy ngờ vực.
Nhiều lúc y chẳng thể hiểu nổi tư duy của đứa cháu này.
Đặng Dung bèn đặt quyển binh thư xuống, khảng khái mà nói:
“ Đập nồi dìm thuyền! ”
Qua năm, quân Hậu Trần đón một đoàn khách đặc biệt.
Chỉ thấy có năm trăm người rồng rắn kéo nhau vào hoàng thành, thẳng hướng hoàng cung mà rải bước. Dân thường thấy những người này mặt mũi bặm trợn, thần sắc hung dữ, khí giới tuốt trần thì không khỏi kinh sợ trốt tiệt trong nhà. Năm trăm người này bất luận là nam hay nữ đều có xăm một con quái ngư ở bả vai. Đến khi đoàn người đi qua mới dám ngó đầu ra khỏi cổng nhìn theo.
Quân sĩ tuần thành thì vẫn phải làm nhiệm vụ, nhưng đều biết liệu đường bảo nhau mà né ra.
Năm trăm người đến trước sân chầu thì có một người tách ra, đi lên thềm rồng mấy bước. Nhìn suối tóc như mây, lưng thắt ve vàng, đủ biết ấy là một phụ nữ, chạc độ hai mươi bảy hai mươi tám.
Thị quay về phía những người còn lại, vung cánh tay màu đồng, hai hàng lông mày lá dăm quắc lên như kiếm:
“ Các người đợi ở đây, chưa có lệnh của ta tuyệt đối không được hành động. Thằng nào trái lệnh biết tay. ”
Tức thì bốn trăm chín mươi chín người nói ông ổng:
“ Bà lớn yên tâm. ”
Lúc này người đàn bà nọ mới gật đầu, không nói gì nữa, mà gỡ hai thanh loan đao đeo ở thắt lưng ra đưa cho thị vệ, rồi rảo bước vào chính điện.
Lúc này trong chính điện đã có năm người…
Ngồi trên ghế rồng tự nhiên là Trùng Quang đế Trần Quý Khoáng. Chiến sự triền miên khiến y trông có vẻ mệt mỏi, bấy giờ đang lấy hai ngón tay day vào thái dương.
Bên mé tả là hai người Nguyễn Súy, Nguyễn Cảnh Dị. Còn phía hữu thì là Đặng Dung và Hoàng Thiên Hóa.
Người đàn bà nọ bước vào điện, quỳ gối hành lễ:
“ Trần Thu Nguyệt khấu kiến hoàng thượng. ”
Trần Quý Khoáng thấy dưới điện chỉ là một người phụ nữ, thì chỉ thở dài buông một câu miễn lễ rồi lại nhìn lên trần, đôi mắt mông lung…
[ Người dưới điện tuy tuyệt không phải hạng liễu yếu đào thơ, nữ lưu yếu đuối, nhưng lại có thể làm được gì? Ả cũng chẳng có ba đầu sáu tay, hay biết thần thông yêu thuật mà thay đổi được cục diện hiện tại. ]