Hai người phá xong trận mười tám người đồng, lấy được bộ Niết Bàn kinh thì bán lại căn nhà cho một lái buôn, mua lấy hai con ngựa tốt, lại dành ra một ngày chuẩn bị lương khô nước uống. Trước hôm lên đường, Khiếu Hóa tăng dẫn theo một cô bé con đến tiễn. Cô bé răng trắng môi hồng, tóc buộc thành hai cái bím ở bên đầu, vừa đi tóc vừa lúc lắc sang hai bên, quả thực dễ thương như một hình nhân bằng sứ.
Ấy chính là con gái của Lê Lễ.
Số là hồi ấy Lê Lễ, lúc ấy vẫn là Trần Đĩnh, vừa chạy từ Hàm Tử quan về nhà. Giữa đường y tưởng hóa điên hóa dại, tự hủy đi dung mạo, trở thành bộ dáng người không ra người quỷ không ra quỷ. Trải qua trăm cay nghìn đắng vào được thành Đông Đô thì mới phát hiện nhà tan cửa nát, vợ chết con thơ.
Lúc ấy y định chết theo vợ, thì bỗng có tiếng con kêu lên thất thanh, y mới tỉnh táo được một chốc, theo bản năng lên tiếng muốn nhận mặt con. Tiếc là cô bé nhìn thấy một người đàn ông diện mạo hung tợn ôm xác mẹ mình, liệu có thể nghĩ y là người tốt được chăng? Thành ra y có muốn nhận con cũng không thể.
Vừa hay có Khiếu Hóa tăng đi ngang qua. Ông sư già bình thường nhìn như tùy ý xuề xòa, nhưng tâm tư nhạy bén cẩn mật, vừa nhìn qua đã đại khái biết được chuyện gì xảy ra. Hiểu nhầm giữa hai cha con bi kịch, làm Khiếu Hóa tăng chạnh lòng, mới thương tình thay Trần Đĩnh cưu mang dạy dỗ con nhỏ.
Ông lại thấy cô bé này tư chất sáng suốt thông minh, viết chữ rất đẹp, thế là nhận cô bé làm đệ tử đầu tiên và cũng là sau cùng của mình. Từ ấy con gái của Lê Lễ theo ông, thay ông chi chép An Nam thần binh phổ.
Ông gặng hỏi kỹ, thì mới biết mẹ cô bé đặt cho con mình cái tên Linh Lan.
Hiểu lầm giữa hai người quá sâu, Khiếu Hóa là người ngoài chẳng tiện nói chen vào, thành ra chỉ biết thở dài thườn thượt mỗi lần Linh Lan chửi mắng cái người hôm ấy bên xác mẹ mình. Có lẽ chỉ có nàng Đồng Xuân mới khuyên can nổi cô bé, tiếc là nàng đã tạ thế, chuyện giữa hai cha con chẳng biết lúc nào mới có thể được làm sáng tỏ.
Lại kể sau chuyện ấy Trần Đĩnh rời khỏi Đông Đô, cứ nửa mê nửa tỉnh. Lúc mê man thì chỉ nghe bên tai có tiếng vợ dịu dàng gọi tên, bốn phía văng vẳng anh em bè bạn lúc trước trong quân cười hào sảng. Có đến mấy chục bận y đã tự nhủ con gái đã có Khiếu Hóa bảo bọc, bản thân sống trên đời chẳng còn ý nghĩa gì, chỉ muốn chết quách đi cho xong.
Thế nhưng có lẽ mạng y chưa tận, đến lúc khẩn yếu nhất y lại tỉnh táo lại, thầm nhủ thù của Hồ Đỗ Hồ Xạ chưa báo, hiểu nhầm với con gái chưa giải. Nếu y chẳng may chết rồi thì ai thay y làm, xuống dưới cõi âm còn mặt mũi nào nhìn mặt người cũ? Thế là Trần Đĩnh cứ nửa mê nửa tỉnh lang thang đến thành Hoa Lư gặp được Lê Lợi và Phạm Ngũ Thư.
Hồ Phiêu Hương trông Linh Lan đáng yêu hết mực thì thích lắm, hai chị em tíu tít dắt nhau đi chơi quanh nhà.
Linh Lan có trí nhớ rất tốt, thấy đao Lĩnh Nam của Hồ Phiêu Hương bèn nói luôn một tràng. Nào là đao Lĩnh Nam và kiếm Đông A vốn được thánh tổ đúc làm một đôi. Đáng tiếc là ba chục năm trước nằm trong tay của Hỏa Công Băng Bà lại trở thành tử thù. Đến lúc hai người kia mất tích, kiếm rơi vào tay Thiên Cơ lão đạo, mà đao thì trời xui quỷ khiến thế nào lại lọt vào cung. Hồ Hán Thương không phải người trên giang hồ, không biết đao Lĩnh Nam là thánh vật, bèn ban cho con gái phòng thân.
Hồ Phiêu Hương thấy cô bé liến thoắng như thế, tính trẻ con bèn nổi lên, bảo:
“ Nghe em nói mà chị vỡ ra nhiều điều quá. Thế nhưng có một chuyện chị nghĩ mãi không thông, hôm nay gặp em là chân truyền của Khiếu Hóa tăng, không biết có thể giải đáp được hay không? ”
Linh Lan được khen thì phổng mũi, vỗ ngực nói:
“ Không hề chi, chị cứ hỏi đi. ”
“ Thánh tổ đúc tám món thần binh là chuyện của thời nhà Lí. Nhưng hai chữ Đông A ghép lại ra chữ Trần, vốn từ thời nhà Trần kháng Nguyên mới có ý nghĩa. Tại sao thánh tổ lại đặt tên kiếm bằng một từ vô nghĩa là Đông A? ”
Hồ Phiêu Hương đảo mắt, chậm rãi.
Quả nhiên cô bé Linh Lan trẻ người non dạ, rơi vào bẫy của Hồ Phiêu Hương, lúc này mới á khẩu, cứ “ chuyện này… ” “ cái này… ” nửa ngày trời cũng không đáp nổi. Lúc này thấy ánh mắt Hồ Phiêu Hương hấp ha hấp háy, mới biết bị trêu, thành ra lăn đùng ra dỗi.
Khiếu Hóa tăng với Tạng Cẩu thì đứng qua một bên, bàn chuyện chính sự.
Tạng Cẩu mở lời trước:
“ Ông Khiếu Hóa, có chuyện này con muốn hỏi ông. ”
“ Con muốn biết chuyện về Mạc Thúy? ”
Khiếu Hóa tăng đương nhiên đã biết xuất thân của Tạng Cẩu, tự nhiên biết cậu chàng gánh mối thù của thôn Điếu Ngư với tên phản tướng nọ. Thành thử, ông cũng có ý dùng dằng chưa muốn nói sự thật.
Tạng Cẩu tự nhiên nhìn ra được Khiếu Hóa tăng biết chuyện gì. Thế nhưng dường như ông còn có điều khó xử, không muốn tiết lộ cho cậu chàng. Song thù lớn còn chưa trả, hận ấy còn chưa đền, há lại có chuyện bỏ qua như thế? Thành thử cậu chàng bèn lên tiếng nài nỉ:
“ Khiếu Hóa tăng, ông coi như nể mặt sư phụ con, cho con biết đi. ”
Khiếu Hóa bèn thở dài, nói:
“ Cái này ông cũng chỉ nghe đồn thôi, không biết đúng sai ra làm sao. Nhưng hai năm trước y háo thắng lập công với triều Minh, đưa quân lên vùng núi non phía bắc đánh nghĩa quân của Nông Văn Lịch. Quân Hậu Trần cử đảo chủ đảo Bạch Long Hoàng Thiên Hóa đến trợ chiến. Mạc Thúy lọt vào phục kích, bị Nông Văn Lịch cầm nỏ cứng bắn cho một mũi tên. Đầu tên có bôi chất độc của Hoàng Thiên Hóa, e rằng trừ phi Tuệ Tĩnh thiền sư về nước Nam cứu y một mạng, bằng không thần y của Tàu có giỏi bằng trời cũng đành bó tay. ”
Tạng Cẩu nghe được kẻ tử thù e rằng đã táng thây, lòng vừa hả hê lại có phần mất mát.
Nói đoạn, cậu chàng lại thấy tò mò về vị đảo chủ đảo Bạch Long này, bèn hỏi:
“ Hoàng Thiên Hóa này là ai, độc của y thực là đáng sợ như thế ư? ”
Khiếu Hóa tăng cười:
“ Y là một trong bảy tông sư. Tuy là võ lực tính ra là yếu nhất trong bảy người bọn ta, nhưng hạng như con thì còn khuya mới chống nổi năm chục chiêu dưới tay y. Lại nói, kì thực y và Tuệ Tĩnh thiền sư có thể xưng là sư huynh đệ. Tuệ Tĩnh thiền sư tục xưng là Y Thánh, thì con nghĩ xem độc công của Hoàng Thiên Hóa có thể yếu hay sao? Hồi ấy nếu không phải y chỉ có lòng tranh võ công cao thấp không dùng đến độc, thì chưa chắc ba tấm thánh lệnh đã vào tay Quận, Cứu Khổ đại sư và Thiên Cơ lão đạo. ”
Tạng Cẩu sau khi biết vị đảo chúa Bạch Long này có độc công một chín một mười với Tuệ Tĩnh thiền sư, thì không khỏi hít một hơi khí lạnh.
Khiếu Hóa tăng bèn nói tiếp:
“ Hai người này thực ra đều là môn hạ cuối cùng của phái Dược Tiên. Môn phái này có từ thời Văn Lang, tương truyền tổ sư đời thứ nhất chính là tổ mẫu Âu Cơ. Phái này mỗi đời chỉ thu hai người đệ tử, lại cố tình chọn người đã ngoài ba mươi, có môn phái đàng hoàng. Sau đó một người được truyền dạy độc kinh, một người được dạy cho y kinh. Tuệ Tĩnh thiền sư được truyền thụ độc kinh. ”
Tạng Cẩu bèn nói:
“ Không phải chứ? Tuệ Tĩnh thiền sư lại học độc kinh? ”
Cậu chàng nghĩ đến chuyện ông thiền sư hiền từ kia dùng độc hại người thì không khỏi rùng mình.
Khiếu Hóa tăng bèn giải thích:
“ Phái này trước giờ vẫn kì lạ như thế đấy. Nghe đâu là tổ mẫu dặn dò, tìm người có mối hận lớn mà truyền y kinh, tìm người có tâm địa thiện lương để truyền dạy độc kinh. Thế là cả ngàn năm nay không biết có bao nhiêu kẻ tội ác chất chồng được bộ y kinh cảm hóa, thành thần y tế thế cứu dân. Đáng tiếc, số người lương thiện vì có độc kinh mà càng ngày càng sa đọa cũng không phải là ít. Dĩ nhiên, thiền sư Tuệ Tĩnh không nằm trong số những người này. ”
Nói đoạn, ông tằng hắng một tiếng, lại nói:
“ Y độc vốn cùng một gốc, không phân chính tà, mà là do các bậc tiên hiền khổ tâm nghiên cứu ngàn năm mới đúc kết thành hai bộ sách quý. Thành thử lúc truyền cho hậu thế cũng không thể nhất bên trọng nhất bên khinh, thế chẳng khác gì khinh nhờn công sức người xưa. Kẻ dùng độc dễ làm ác, người hành y dễ cứu người, nên mới cố tình tìm người lương thiện để bảo quản độc kinh, tìm kẻ ác để trao cho y kinh. Người thiện có thể giữ mình, kẻ ác có thể được cảm hóa, thì là cái phúc của thiên hạ.
Thiền sư Tuệ Tĩnh lúc đúc ba tấm thánh lệnh từng nói hành y hay dụng độc cũng như là làm người, thiện ác kì thực cũng phải hỏi lương tâm của chính mình mà ra. Ông tự mình dung hội quán thông độc kinh, hiển nhiên không phải để giết người, mà dựa vào dược lí trong độc kinh để tìm căn nguyên nguồn cội của trăm bệnh nghìn độc trong thiên hạ từ đó mà trị bệnh tận gốc. Sau cùng đã thoát khỏi cái bóng của độc kinh, tự tạo thành một con đường riêng, có thể nói là con hơn cha nhà có phúc. ”