Thuận Thiên Kiếm - Rồng Không Đuôi

Chương 260: Hồi hai mươi tư (5)

“ Chủ công, chi bằng chúng ta đợi gặt xong rồi mới xuất phát. ”

“ Tại sao lại thế? ”

Lê Lợi chau mày, hỏi.

Lê Văn Linh bèn trải tấm địa đồ ra, chỉ vào phía bắc, nói:

“ Nước ta địa thế hiểm trở, chỉ có vùng kinh bắc này và mấy châu Trường Yên, Thiên Trường, Hóa châu là tiện để trồng lúa. Bây giờ kinh bắc nằm dưới quyền quản hạt của Mộc Thạnh, quân Hậu Trần đang lúc mộ binh, hẳn là lúc lương thực thiếu thốn nhất. Lúc này đại đa số ruộng nương trong tay Trùng Quang đế nằm ở Hàm Tử quan. Nếu như Trương Phụ đột nhiên dùng thủy công xối vào ruộng, thì chúng ta nguy to. Quân đói làm sao đánh trận? ”

Lê Lợi bèn nói:

“ Nên anh mới bảo dùng dằng đến giữa tháng tám, thu hoạch rồi tiến quân, đem lương thảo đến tiếp viện cho ba quân? ”

“ Hành quân đánh trận như lửa xém lông mày, nước xa vốn không cứu được lửa gần. Chủ công, theo ý tôi thì ta cứ xuất quân đánh trước thì hơn! ”

Lúc này, Lưu Nhân Chú lại nói xen vào.

Lê Lợi thấy bên nào cũng có cái lí của mình, nhất thời còn phải cân nhắc thiệt hơn được mất, chưa thể quyết ngay.

Quyết đoán, kì thực khác với bộc trực. Nếu chưa nghĩ kỹ càng đã vội vàng quyết định, bản thân mình chết thì cũng thôi, nhưng ở vị thế của Lê Lợi, một ý niệm quyết định sống chết của hàng trăm hàng ngàn người.

Đoạn, Lê Lợi bèn đáp:

“ Đã vậy thì ta cứ viết cả chuyện Hàm Tử quan này vào phong mật thư, để Đinh Lễ đưa đến cho Đặng đại nhân và vua Trùng Quang trước. Anh An, anh và Xí đem đội khuyển binh theo sau Đinh Lễ, mọi chuyện sau đó cứ theo sắp đặt của Đặng đại nhân. ”

Lê Văn Linh lại can:

“ Chúa công, xin người nghĩ lại. Trước là Đinh Lễ tướng quân, sau là Lê Sát tướng quân. Lam Sơn ta trước sau xuất hiện hai vị tướng tài có lực đấu ngang với ngàn quân, khó mà tránh Trùng Quang đế có ý nghi ngờ lòng trung của chúng ta. Lần này chi bằng để một mình Đinh Lễ tướng quân đi thôi. ”

Vũ Uy bèn vỗ bàn:

“ Này anh kia, bây giờ là thời buổi nào, cứ cái suy nghĩ bo bo giữ mình như thế thì làm sao phá được giặc? Giờ là lúc cần người, thêm một người là thêm một phần sức mạnh kháng Minh. Huống hồ Lam Sơn chúng ta không thẹn với lòng, trời người chứng giám, sợ gì người khác bàn ra tán vào? ”

Lê Văn Linh bèn khuyên:

“ Quân tử phòng thân, tiểu nhân phòng bị gậy. Chúng ta không có ý khác, cũng không ngăn được sự hoài nghi của người ta. Xưa nay cái tai hại nhất của người làm thần tử là công cao lấn chủ, xin chủ công nghĩ cho kỹ. ”

Lê Lợi nghe hai bên tranh cãi, không khỏi ong cả đầu.

Trước đây chàng từng cầm đầu phu phen lao dịch nổi dậy ở Hóa châu, nhưng khi đó dưới trướng toàn là mãng phu chân lấm tay bùn, bảo sao nghe vậy. Bây giờ lần đầu tiên ngồi trước chư tướng, mà không ai là không tài ba, chẳng ai là không có cái lí của người đó cả. Thành thử Lê Lợi nhất thời không biết phải làm gì cho phải.

Hai bên cứ thế từ tranh luận thành cãi nhau ỏm tỏi, chẳng ai chịu ai, Hổ Vương thấy thế bèn lên tiếng giải vây:

“ Ba vị đều có cái lí của mình, sao không bình tĩnh ngồi xuống cân nhắc xem có cách nào dung hòa không, cứ cãi nhau khơi khơi thế này cũng chẳng đi đến đâu cả. ”

Lê Văn Linh đảo mắt, thấy Lê Lợi ngồi ở chủ vị hãy còn đang khó xử, thành ra cũng hạ giọng:

“ Thực ra kiến giải của hai anh Uy, Chú đều có lí lẽ sâu xa, do em đây ngu dốt nhất thời chưa hiểu được ngay mới gân cổ lên cãi càn. Mong hai người đừng chấp… ”

Lưu Nhân Chú nhìn theo ánh mắt của y, bèn cướp lời Vũ Uy, nói:

“ Không có chuyện gì. Chúng ta chẳng qua đều thờ cùng một chúa, mọi người cùng ngồi trên một con thuyền. ”

Đoạn ba người ngồi lại xuống ghế, không khí đã bớt phần căng thẳng.

Hổ Vương nhìn Lê Lợi một cái, nhún vai phẩy tay, đoạn gọi hai lão Địa Khuyết Thiên Tàn cùng ra sân sau, để cho đám thanh niên trai tráng bàn chuyện đại sự.

“ Hai vị, có một chuyện này bản vương trước giờ vẫn chưa hiểu. ”

“ Hổ Vương cứ hỏi. Chỉ cần hai lão già này trả lời được, tự nhiên sẽ nói với ngài. ”

Hai lão Địa Khuyết Thiên Tàn khoát tay, nói.

Hổ Vương hắng giọng, cũng không vòng vo tam quốc nữa, mà hỏi thẳng:

“ Các vị nói thử cho bản vương biết, Quận Gió thời trước rõ ràng là người Hán, đáng lẽ phải lấy dân tộc làm đầu quốc gia làm trọng! Với khinh công của Quận, muốn vào doanh giết tướng đâu phải chuyện gì khó? Tại sao khi quân Minh kéo sang, ông ta lại không ra tay? ”

Kể ra cũng lại buồn cười…

Người Đại Việt lúc ấy đi tin lời ngon ngọt của Trương Phụ rằng quân Minh sẽ phù Trần diệt Hồ, cuối cùng rước voi dày mả tổ. Còn Quận Gió rõ ràng là một người Hán, tuy là không ra mặt đánh quân Minh, song cũng không giúp người mình.

Trước nay Hổ Vương vẫn băn khoăn chuyện này, nhưng nghĩ mãi cũng không hiểu.

Địa lão nghe ba người em vỗ vai mình, bèn thở dài:

“ Hổ Vương hỏi câu này có lẽ là liên quan đến Chế Bồng Nga. ”

“ Dù gì cũng là đối thủ cũ. Việc y làm là đúng hay sai, liệu bản vương có vì đại nghĩa dân tộc mà bất chấp tất cả không từ thủ đoạn như y hay không, bản vương cũng không thể nói rõ. ”

Hổ Vương tựa cửa, khoanh tay trước ngực mà thở dài.

Hai người Địa Khuyết Thiên Tàn nhìn nhau, lại lên tiếng:

“ Bọn ta cho rằng Bồng Nga chẳng có lỗi gì với người Chiêm Thành. Hổ Vương ngài cả nghĩ rồi. ”

Địa lão vuốt râu, nói:

“ Lợi ích chung của dân tộc làm đầu. Những kẻ nói khác, hoặc quá ngây thơ, hoặc chỉ là phường nguỵ quân tử. ”

Hổ Vương bèn cười:

“ Xem chừng hai vị có phần bất mãn với tư tưởng của Quận Gió? ”

“ Quận đời trước có ơn với bọn ta, đời này cũng sống có tình có nghĩa với hai lão tàn phế. Nhưng chuyện nào nó ra chuyện nấy. Các đời Quận Gió trước giờ đều phí hoài thanh xuân đuổi theo một hoài bão không tưởng như thế cả. ”

Hổ Vương nghe hai lão nói, gật gù lấy lệ chứ không đáp.

Thật là Chế Bồng Nga không sai, miễn là dân tộc mình được lợi mà có thể bất chấp thủ đoạn hay sao?

Bản thân ông cũng không đang rất hoài nghi.

Nói một chốc, hai lão bèn nói:

“ Được rồi. Hai ông già này còn có chút chuyện, không phiền Hổ Vương nữa. ”

Nhìn dáng vẻ của hai lão, xem chừng là muốn lên phương bắc đổi ca, thay phiên dạy dỗ Tạng Cẩu.

“ Hai vị đi thong thả. ”

Đợi hai lão nhảy khỏi bờ tường, Hổ Vương mới chậm rãi mở túi gấm ra.

Bên trong quả nhiên có một bức thư được gấp làm tư.

Thư không dài, tuyệt không quá trăm chữ, đúng là bút tích của Quận Gió chứ không ai vào đây. Hổ Vương chậm rãi đọc thầm. Lúc này ông giống như người lạc giữa hoang mạc, khát cháy cổ bỏng hầu. Mà mỗi chữ Quận Gió viết trong thư lại hệt như một chỉ dẫn đưa ông đến nguồn nước.

Đọc xong trăm chữ, đến dòng cuối cùng thì Hổ Vương thấy sống mũi hơi nghẹt đi:

“ Thất hứa không gặp lại, vô cùng đáng tiếc.

Quận Gió kính bút. ”

Chỉ thấy ông khẽ vận kình vào bàn tay, bức thư lập tức bị xé thành muôn vàn mảnh nhỏ rơi lả tả theo gió.

“ Một bức thư, ta lại nợ ông một cái ơn. Chuyện ông nhờ cậy, bản vương tự nhiên sẽ hết sức mà làm. ”

Lê Lợi và chư tướng bàn bạc một hồi, rốt cuộc cũng đưa ra được đối sách có thể làm vừa lòng đẹp ý cả đôi bên.

Nguyễn Xí, Lê Văn An, Vũ Uy, Lưu Nhân Chú đều ở lại Lam Sơn, làm một chi kì binh theo ý Lê Văn Linh.

Đinh Lễ, Lê Lễ, Lê Thận đều từng ít nhiều có qua lại với phía Hậu Trần thì sẽ đi theo Lê Lợi ra bắc hội quân. Võ lực của Đinh Lễ cự nhiên là cao nhất, mà Lê Lễ thì kinh nghiệm sa trường phong phú, ắt hẳn sẽ là trợ lực đáng kể cho quân Hậu Trần. Lê Văn Linh lại khuyên: “ dụng người quý hồ tinh bất quý hồ đa ”, thành ra hai người Lưu Nhân Chú và Vũ Uy cũng đã xuôi xuôi.

Nói cả buổi trời, chư tướng lại vừa tỉnh rượu, thần tình uể oải vô cùng. Nay đã định được chủ ý bèn ai về nhà nấy tranh thủ nghỉ ngơi dưỡng sức. Lê Lợi nằm xoài ra trên ghế, tay vắt lên trán mà thở dài.

Bỗng lúc này, ngoài cửa chợt có kẻ cất tràng cười dài…

“ Mới một bữa mà đã như con cá ươn thế này thì ngày rộng tháng dài phía trước chịu sao cho thấu? ”

Lúc này Lam Sơn có hai trong Địa Khuyết Thiên Tàn, lại có Hổ Vương tọa trấn, thành thử người vào hẳn không có ác ý mà kẻ có ác ý ắt chẳng vào nổi đến đây.

Hà huống, thanh âm người nọ nghe có phần quen tai.

Lê Lợi nhấc cánh tay, hé mắt nhìn ra.

Người lên tiếng là một thanh niên đang đứng tựa vào cửa, sau lưng y là ráng chiều.

Đầu y đội một cái nón rộng che hết nửa khuôn mặt, nhưng lộ ra ngoài vẫn thấy được ngũ quan phúc hậu đoan chính. Miệng y ngậm một cọng cỏ lau con con, trên hai ngón tay treo lúc lỉu một cái bầu.

“ Cậu là… hiệp giả đại đạo vô nhân tẩu, gian nhân tiểu lộ vạn khách hành? ”

Lê Lợi lúc nghe tiếng y đã thấy quen quen, mới nãy lại vừa sực nhớ đến người thầy tướng số kì lạ mình gặp trên đường về Lam Sơn dạo trước.

Cái bài thơ chẳng ra thơ, đối chẳng ra đối y ngâm dọc đường lại được chàng nhớ như in.

Người xuất hiện ở cửa đúng là Nguyễn Trãi.

Thấy Lê Lợi nhận ra mình, y không khỏi ngạc nhiên lắm, nhưng rồi lại cười, giơ bầu rượu lên:

“ Không may chậm chân, lỡ rượu mừng của Kim Ngô tướng quân, hôm nay mang lễ đến bù. Sao? Chúa vùng Lam Sơn có nể mặt dân đen hèn mọn này không? ”