Thuận Thiên Kiếm - Rồng Không Đuôi

Chương 256: Hồi hai mươi tư (1)

Hồi hai mươi tư

Sái Già, Trương Phụ làm Tào Tháo

Tây An, Tạng Cẩu hóa Tử Long

Trước kể đến đoạn Lê Hổ và Lê Thận rời khỏi Hoa Lư, trở về Lam Sơn lo chuyện cưới xin cho mau, rồi còn tranh thủ mà ra trận.

Bà Thương sớm đã liệu được con mình chẳng mấy lại muốn ra trận, bèn thuật lại những gì nghe ngóng được cho Lê Hổ.

Đặng Dung nói Mộc Thạnh cố thủ trong thành không phải kế sâu rễ bền gốc, bèn xin người miền ngược cho mượn đường mượn binh, giao phó Lê Sát băng rừng bất ngờ chặn đường quân tải lương.

Địa thế nước Nam nhấp nhô lắm núi nhiều rừng, quân Minh vốn không quen thuỷ thổ, hành quân lâu ngày mệt mỏi. Người địa phương lại phối hợp chuốc say lính gác đêm, mở cửa thành đón quân của Lê Sát vào.

Thổ binh người miền núi dùng nỏ cứng, bắn tên tẩm độc trăm phát trăm trúng, trang bị nhẹ di chuyển nhanh nhẹn, giỏi luồn lách. Thành ra một khi cửa thành mở toang thì họ ùa vào như lũ quét không tài nào cản nổi. Quân Minh bị bất ngờ, lại không thông thuộc ngõ ngách trong làng, trong ngoài cùng kết hợp đánh cho thua liểng xiểng.

Tướng vận lương đang ngủ thiu thiu phải bật dậy giữa đêm, bỏ hết lương thực khí giới mà chạy lấy người. Ngay cả giày vớ quần áo cũng không kịp mặc cho chỉnh tề.

Lê Sát nhận hết thảy người dân nào muốn theo nghĩa quân, số còn lại thì khuyên bảo bỏ xứ đi nơi khác đề phòng quân Minh quay lại trả thù.

Bao nhiêu lương thực cướp được đều để lại cho thổ binh người dân tộc cả, chỉ dặn Lê Sát rút quân về cho mau tránh quân Mộc Thạnh ùa ra chặn hậu.

Mộc Thạnh hay tin thì Lê Sát đã lủi mất, theo đường rừng mà về hội họp với đại binh. Đặng Dung chỉ chờ có thế, điểm binh đánh thành Cổ Lộng. Mộc Thạnh hết lương không thủ nổi nữa, nhân đêm tối bỏ thành mà chạy. Dọc đường rút lui lại bị Nguyễn Suý Nguyễn Cảnh Dị tập kích, may nhờ có Hoàng Phúc liều thân bảo hộ mới giữ nổi mạng mà chạy về Đông Quan.

Đặng Dung phá được thành Cổ Lộng, cướp được khí giới và đại pháo, quân Hậu Trần thanh thế càng vượng. Trùng Quang đế một mặt tiếp tục chou tuyển binh tậu ngựa, chứa cỏ tích lương, mặt khác lại chia binh làm hai ngả đánh lên bắc. Quân của Trùng Quang đế đánh đến tận Bình Than, quân của Giản Định đế thì đóng ở Hạ Hồng. Quân Minh tử thủ trong thành không dám ra đánh.

Lê Hổ nghe đến đây, nửa mừng rỡ, nửa lại trầm tư.

Bà Trịnh Ngọc Thương bèn hỏi:

“ Hổ. Quân ta đại phá được giặc, mày không vui à? ”

Cậu chàng bèn đáp:

“ Không giấu gì u, con đang nóng hết cả ruột đây. Chưa hạ được Đông Quan, thì chiến hoả chưa thể nào lắng xuống. Dăm bữa nửa tháng nữa thể nào giặc cũng cho quân xuống chi viện. Vàng thật hay vàng giả, lúc đấy mới biết được. ”

Bà Thương bèn hỏi:

“ Mày chưa ra trận đã lo trước lo sau, có phải là làm nhụt nhuệ khí ba quân không? ”

Lê Hổ bèn đáp:

“ Nếu lời ấy con nói trước mặt ba quân thì đúng là tội đáng phải chém thật. Nhưng buồng chỉ có u con mình, con cũng không thể dối lòng cho được. Có câu kiêu binh tất bại, biết địch biết ta trăm trận trăm thắng, chẳng phải sao? ”

Bà Thương nghe xong, gật đầu, nói:

“ Tốt. Chí ít là trưởng thành hơn ngày trước, biết nói cái gì với ai. ”

Đến đây thì gập người lại ho khùng khục, Lê Hổ phải đến vỗ lưng bà mấy cái mới xuôi nổi.

Nhìn vai mẹ run bắn lên, thấy lưng mẹ càng lúc càng gầy đến trơ cả xương, Lê Hổ mới nhận ra…

Cậu chàng càng lớn, tức là u cũng ngày một yếu đi.

Đôi lúc, cậu chàng ước giá như mình có thể ích kỷ một chút, mãi mãi không trưởng thành nữa. Cũng tức là mẹ sẽ không già đi, không yếu hơn, cũng không cần phải chia lìa…

Song…

Lê Hổ thừa biết mình không có cái đặc quyền ấy.

Cậu chàng phải trưởng thành, càng nhanh càng tốt, bằng không sao có thể gánh vác cơ nghiệp, cáng đáng trọng trách thay cho u?

Rồi cậu chàng lại trộm nghĩ…

Lần này ra trận, nếu may mắn khải hoàn trở về, liệu có còn được gặp u, nghe u dạy bảo nữa không?

Thời gian chẳng còn bao lâu nữa.

Nghĩ đến đây, nhớ lại những lần mình bướng bỉnh hỗn hào mà lòng như có dao cứa vào.

Lê Hổ nhắm mắt, cắn chặt răng vào nhau nuốt nước mắt.

Bà Thương thấy tay con mình run lẩy bẩy, bèn nói, giọng khản đặc vì ho:

“ Lợi. U già rồi, lại bị hen. Sức u thế nào, u biết. Còn tưởng phải chờ đến lúc mày sinh cháu cho u mới hiểu lòng thầy u. Thế cũng là chuyện mừng… ”

“ U à… con… ”

Bà Thương đặt bàn tay lên bàn tay con mình, nhẹ giọng:

“ Chuyện đã qua, có hối hận thì cứ hối hận, song vẫn phải đi tiếp con ạ. Mày trước đây hỗn với u, giờ u còn thấy mừng. ”

“ Tại sao ạ? ”

“ Không có khoảng thời gian đó, thì đâu có Lê Lợi bây giờ?? Lớn rồi. Tay to hơn tay u rồi, gân guốc cứng cáp rồi. ”

Lê Lợi cắn chặt răng, cố ngăn không cho nước mắt chảy ra.

“ U yên tâm. ”

“ Đương nhiên rồi. Mày cứ yên tâm mà ra trận. U chưa được bế cháu, có ông Diêm Vương đến tận cửa cũng đừng hòng lôi được u đi. ”

Bà Trịnh Ngọc Thương cười, đoạn buông tay con mình.

“ Ra nói với con bé đi, để u nghỉ. Trưa rồi. ”

“ U chưa nói với Lữ ạ? ”

“ Cái chuyện ấy phải để mày chính miệng nói mới có ý nghĩa. Thôi đi đi. Để bà già này nghỉ trưa. Mà đi cho nhanh lên. Mấy hôm trước cái Lữ đến xin u gả nó cho người khác rồi đấy. ”

Lê Lợi dìu u vào giường, lại cười mà nói:

“ Con cũng chỉ chờ u gật đầu cho thôi. ”

Đoạn chàng đứng dậy, vươn vai cười dài như thể mong ước bao lâu đã thành, hớn hở chạy ra cửa.

Bà Thương nhìn bóng lưng chàng, lẩm bẩm:

“ U bảo bao nhiêu lần rồi. U đẻ ra anh, anh làm sao qua mắt được u? ”

Đoạn bà thả đầu lên gối, buông màn, nghĩ thầm:

[ Thầy thằng Lợi nói đúng. Mỗi người sinh ra, đều phải học cho được một bài học: ấy là chia tay. Bài này lần trước thầy nó dạy tôi chưa học được. Thằng Học dạy tôi cũng chưa học được. Hi vọng thằng Lợi sẽ khác tôi… ]

Ngoài cửa buồng…

Lê Lợi rốt cuộc không nén được nước mắt nữa.

Chàng há to miệng, biểu cảm méo đi, nước mắt lã chã rơi nhưng tuyệt không có một âm thanh nào thoát ra từ cuống họng.

Giống như một tuồng bi kịch, nhưng không có tiếng động.

Một lúc sau…

Tâm trạng đã ổn, Lê Lợi mới đứng dậy, phủi quần áo, đi rửa mặt cho mắt bớt đỏ. Chỉnh trang cẩn thận rồi, chàng mới rời phủ, rảo bước về phía lũy tre. Vừa đi, chàng vừa bấm bụng:

[ Khổ cho Lữ, chắc cô nàng không muốn u mình khó xử mới xin được gả đi đây mà. ]

Nhưng rồi chàng ta lại nghĩ:

[ Xa mặt cách lòng, biết đâu nàng ưng anh nào thật… Thế thì tờ thánh chỉ ban hôn này khác nào cùm chân người ta? Trời ơi… mình quên không nghĩ đến chuyện này rồi. ]

Lòng đang ngổn ngang thì chàng đi ngang qua gò đất trống, vừa vặn thấy được Lê Lễ đang rèn luyện trai làng. Kể từ ngày về Lam Sơn, y ít khi xuất hiện, tiếng tăm chẳng thể nào lẫy lừng được như Đinh Lễ. Song việc luyện binh thì y làm bài bản hơn nhiều, quả không hổ từng là tướng trận mạc cho nhà Hồ. Đám mục đồng cũng lùa trâu lại, vừa xem vừa hí hoáy tập theo. Lê Lễ thấy thế, bèn cố tình làm một động tác khó. Cả lũ bắt chước không nổi, tí thì ngã lăn khỏi lưng trâu.

“ Anh Lễ. ”

Lê Lợi rảo chân chạy đến bãi đất trống, nói lớn.