Thuận Thiên Kiếm - Rồng Không Đuôi

Chương 25: Hồi bảy (6)

Liễu Thăng khoanh tay ngang ngực, không nói một lời. Cậu cũng đoán rằng Quận Gió sẽ gọi riêng Tạng Cẩu để truyền thụ thần công như thường ngày.

Lật đật chạy về phía Quận Gió, Tạng Cẩu hấp háy mắt nhìn ông, hỏi với vẻ chờ mong. Nó thầm nghĩ nếu hôm nay Quận lại dạy nó võ công, thì lần sau nó sẽ trả đũa Thăng và Hương một bận.

“ Sư phụ, hôm nay ta học môn gì? Á!!! Đau… sư phụ tha con… ”

Sau đó… chỉ nghe tiếng kêu la oai oái của Cẩu. Tay nó khươ loạn, chân giãy lung tung còn miệng méo xẹo đi trông đến là buồn cười.

Quận Gió nghiến răng, dùng tay nhéo mạnh tai của Cẩu đến khi vành tai thằng bé đỏ chót lên như mông khỉ mới thôi. Đương nhiên, là một tông sư võ học nên Quận khống chế sức tay rất vừa phải. Ngoại trừ chút đau đớn thì không gây thương tổn gì cho Tạng Cẩu cả.

“ Thằng ngố này, làm mất hết mặt mũi sư phụ mày! Lăng Không Đạp Vân ta dạy luyện tới nơi chưa? Nội công đã được chút hoả hầu nào rồi??? Liệu hồn mà luyện khinh công cho đàng hoàng đi rồi hẵng mơ học tới cái khác. ”

Bị mắng cho một trận té tát, Tạng Cẩu chỉ biết ôm vành tai nóng bừng, lủi thủi lui ra chỗ bãi cỏ. Phiêu Hương chạy sát theo sau, nhéo nhéo má trêu nó. Chỉ có Liễu Thăng là đứng nguyên tại chỗ.

Quận Gió vuốt nhẹ chòm râu, hắng giọng hỏi:

“ Liễu Thăng, còn đứng đó làm gì? ”

Dưới bóng phủ của cái nón tre tả tơi, nơi đáy mắt ông thoáng hiện lên một nét cười thần bí. Đây đúng là điều mà ông mong chờ ở Liễu Tử Tiêm.

Như ngộ ra được thứ gì đó, Liễu Thăng không đi theo hai người Hương, Cẩu mà từ từ bước về phía ông. Đến trước mặt Quận, cậu từ từ quỳ một gối, dõng dạc.

“ Liễu Thăng ắt không phụ kì vọng của sư phụ, khiến thần công phái ta được phát dương quang đại! ”

“ Ô? Vì lí gì nhóc lại nghĩ tên trộm này sẽ truyền nghề cho nhỉ? ”

Quận Gió nghiêm hẳn sắc mặt. Đôi mắt ông trợn lên, sáng quắc như mắt chim cắt.

“ Sư phụ mắng… Tạng Cẩu xong, bất quá không nói gì thêm… cũng chẳng gọi Phiêu Hương. Lại thêm hôm nay nhận Tử Tiêm, nên mới đoán vậy. ”

Liễu Thăng lắp bắp nói bằng thứ tiếng Việt chưa sõi của mình.

[ Liễu Thăng đã không còn là tên thiếu niên lỗ mãng nọ nữa. Nay đã biết nghĩ trước khi làm rồi. ]

Quận Gió lấy đó làm mừng, tán thưởng:

“ Không tệ, ít nhất bắt đầu biết nghĩ trước nghĩ sau. ”

Rồi ông quăng một cành xà cừ cho Liễu Thăng. Có căn cơ võ học vững chắc nên cậu bắt được ngay. Nếu là Tạng Cẩu thì ắt sẽ lúng ta lúng túng, rồi lóng ngóng đánh rơi cành cây.

Nhẹ đưa cành cây ra sau lưng, ông nói:

“ Trước khi ta truyền thụ cho nhóc bộ bổng pháp này, nhóc phải thề độc sẽ tuân thủ ba điều. Một: không được truyền thụ thần công kẻ gian xảo, tiểu nhân, nguỵ quân tử, cả đời chỉ được dạy ba đồ đệ. Hai: không được dùng bổng pháp sát hại bất kì một con dân nước Nam nào. Ba: mỗi năm vào ngày mười tám tháng giêng phải thắp ba nén nhang cho người đã sáng tạo ra bộ bổng pháp này. Nếu vi phạm một trong ba, đích thân Quận Gió này sẽ đánh chết nhóc! ”

Quận Gió nhắc lại thật chậm vài lần, Liễu Thăng rốt cuộc cũng hiểu hết. Cậu bèn đấm lên ngực mình ba cái, khảng khái.

“ Tử Tiêm xin thề sẽ thủ kỹ ba điều răn của sư phụ. Nhược bằng trái lời, không cần sư phụ động thủ bẩn tay, Liễu Thăng xin tự tận. ”

“ Được! Nhớ kỹ lời thề hôm nay. Bộ bổng pháp này tên là Bạch Đằng Giang, do Tiền Ngô Vương Ngô Quyền sáng tạo ra, có tổng cộng bốn mươi tám chiêu, xoay quanh bốn yếu quyết chính: ẩn, khoái, phong, hiểm. Lúc dùng phải vận lực của đôi chân để đánh, chuyên nhắm vào các yếu huyệt như hầu, thận du, phế du, tâm du…v.v… ”

Miệng nói, tay làm. Quận Gió múa cành cây tít mù, chiêu nào chiêu nấy đều đột kích từ dưới lên trên, hoàn toàn không giống các loại bổng pháp thông thường mượn lực từ trên xuống hay vòng ngang để sát thương địch thủ.

Liễu Thăng nhìn Quận Gió thi triển bổng pháp mà ngơ ngác chấn kinh, ngây ngẩn cả người. Bạch Đằng Giang có bốn mươi tám chiêu, song nếu không đột kích nhược điểm thì phong bế huyệt đạo, hoặc khoá chặt kiềm toả. Hoàn toàn không có một chiêu nào để phòng thủ hết.

Đạo lí lấy công làm thủ ấy đã được nhiều môn võ vận dụng. Nhưng chẳng mấy người hoà nó vào từng chiêu từng thức rồi phát huy đến mức tột đỉnh được như Ngô Quyền. Nói Bạch Đằng Giang đơn giản mộc mạc thì không hẳn là đúng mà bảo cao thâm khôn lường cũng chẳng phải chính xác.

Ngọn bổng đánh ra hiểm và nhanh gọn, dứt khoát không rườm rà chút nào. Lúc súc thế vận lực thì êm đềm như mặt sông, còn khi bạo phát thì sát cơ bốc lên ngút trời chỉ trong tích tắc. Một khi bắt đầu chống đỡ, lập tức sẽ rơi vào thế bị động hoàn toàn. Cậu có thể tưởng tượng ra cảnh mình bị khoá chặt giữa bóng gậy ngập trời, như con thuyền hãm thân trong trận địa cọc tua tủa, tiến lui đều không được. Còn ngọn bổng như đoàn thuyền nhỏ, lặng lẽ tập kích bất ngờ.

Đoạn, Quận Gió thét dài một tiếng, ngọn bổng đột nhiên từ nhanh hoá chậm, uyển chuyển như những làn nước trên sông, ì oạp vỗ mạn thuyền hết đợt này tới đợt khác. Song, chậm rãi là vậy, nhưng nó lại cứ nhè những góc hết sức bất ngờ mà đánh, khiến đối phương không kịp trởtay.

Dù Liễu Thăng không biết năm xưa Ngô Quyền Ngô Tiền Vương đã dựa trên chiến thắng Bạch Đằng huyền thoại để mà sáng tạo ra bộ bổng pháp này, song cũng mường tượng ra được ý cảnh của nó. Là người làm tướng, cậu không khỏi thấy chiến ý sôi trào. Bất tri bất giác mà chân đã bước, tay đã vung, bắt đầu vừa nhìn vừa đánh theo Quận Gió lúc nào không hay. Cơn đau gãy chân như bị cậu quên khuấy đi mất, hoàn toàn đắm chìm trong dòng chảy của chiêu thức.

“ Chiêu cuối cùng, cũng là sát chiêu chiến thắng: máu nhuộm Bạch Đằng! ”

Quận Gió đột nhiên lật nhẹ cành gỗ trên tay, làm nó xoay tròn nửa vòng, đầu dài hướng ra sau. Mà bản thân lão thì lại quay mặt đi, nếu đây là thực chiến thì lưng sẽ giơ ra chỗ địch. Trong lúc so chiêu đọ thức thì đây là đại kị của đại kị. Quái chiêu này khiến Liễu Thăng giật nảy người, gậy gỗ trong tay theo bản năng cũng ngừng lại không dám bắt chước theo nữa.

Liền ấy, Quận Gió chợt vận sức vặn eo, thúc ngược cây gỗ ra sao theo phương chếch chéo lên. Một cú đâm cực kì bất ngờ và hiểm ác nhắm ngay vào phần nách kẻ địch.

Song chiêu này hãy còn chưa kết thúc. Quận khẽ lật cổ tay một cái, xoay gót, chuyển eo nghiêng người về phía ngược lại.

Vụt!!!

Một cú đâm nhanh khác được tung ra, vẫn theo phương chếch chéo lên nhưng lại đánh ra từ phía sườn còn còn lại của cơ thể. Chiêu này có thể nhắm vào mạng sườn, hoặc nếu chiêu trước trúng đích thì nơi lĩnh đòn sẽ là huyệt thái dương của kẻ địch.

Lúc xoay mình thì nhẹ nhàng uyển chuyển như sóng nước, lúc đâm ra thì mạnh mẽ nhanh gọn tựa cọc chông. Chiêu thức Máu Nhuộm Bạch Đằng quả thực đã hội tụ tinh hoa của bốn mươi bảy thức trước vào một, phát huy nó đến mức tột đỉnh cao thâm.

Hai cú đã đủ hiểm, nhưng Quận vẫn chưa dừng lại. Lão trơn tru chuyển mình không ngừng, dù chẳng hề quay mặt lại nhìn đối thủ nhưng bổng trong tay thì cứ đâm ra liên tiếp liên tiếp khác nào thuỷ triều lên xuống trên sông Bạch Đằng. Ông đánh càng lúc càng nhanh, khiến Liễu Thăng chẳng còn nhìn rõ được cành cây nữa, chỉ thấy hai cái bóng mờ mờ liên tục được hất ra từ sau lưng Quận. Cứ như sau lưng ông chợt nhô ra cả một trận địa cọc trông vậy. Trông cảnh ấy mà cậu rợn cả người.

Cũng may mỗi lần đánh xong, ông đều cố ý khựng lại một chút cho cậu nhìn. Chứ nếu đánh hết sức, thì hết đòn này đến cú khác sẽ nối tiếp nhau không ngừng dội mạnh vào người, khác nào nước triều lên xuống. Khi ấy thì chỉ nội việc nhìn kỹ chiêu số còn khó, chứ đừng nói tới việc tiếp thu học hỏi.

Liễu Thăng còn phát hiện nơi đầu mũi bổng của Quận tấn công không hề giữ nguyên mà lên cao xuống thấp, thay đổi uyển chuyển nhịp nhàng thật là khó đoán. Nếu như đối phương lao tới chỗ ông để đánh lén, thì các trọng huyệt Cự Khuyết, Cưu Vĩ, Thần Khuyết, Quan Nguyên. Trung Cực, Chương Môn… sẽ bị điểm ngay.

Cuối cùng, với một tiếng quát lớn, Quận tung mình xoay ngược lại, thanh bổng vụt chếch lên một phát như trời giáng. Cứ theo độ cao mà xét, thì cú đập dứt điểm này nhắm vào hai huyệt Phong Trì chỗ sau dái tai và Nhân Nghênh ở cổ. Đó đều là hai huyệt trí mạng, nếu Phong Trì trúng đòn sẽ khiến khu diên tuỷ tổn thương mà bất tỉnh thì Nhân Nghênh khiến khí huyết ứ đọng, đầu óc choáng váng.

“ Chiêu thức thì ta đã đánh xong, lĩnh ngộ ra sao là tuỳ ở nhóc. Song phải nhớ kỹ Ngô Tiền Vương sáng tạo ra bộ võ công này là để bổ sung khiếm khuyết cho sở học của bản thân, nên bộ bổng pháp này tồn tại một sai lầm trí mạng. Nhiệm vụ của nhóc là tìm ra chỗ hổng đó rồi tự chám vào. Ngày mai ta sẽ chép cho một phần khẩu quyết về học thuộc, xong phải đốt ngay. Chớ có quên ba điều mình đã thề. ”

Quận tiện tay ném cành xà cừ xuống đất, nội lực hùng hậu khiến nó đâm lút xuống non một nửa. Ông phủi phủi tay mình, lại nói:

“ Qua đó luyện thêm với Cẩu, rồi gọi con bé Hương qua đây. ”

Liễu Thăng gật đầu như chống bói, trong dạ thì âm thầm mừng rỡ. Cậu bèn hớt hơ hớt hải chạy qua chỗ Tạng Cẩu với Phiêu Hương, tay nắm chặt cây gậy gỗ xà cừ. Liễu Thăng thấy rất hào hứng, không đợi được muốn thử bài võ mới nên chạy càng guồng chân. Lúc này Tạng Cẩu với Phiêu Hương đang luyện khinh công dưới ánh trăng.

Quận Gió lấy thanh đao trao cho Phiêu Hương:

“ Đao pháp, bộ pháp, nội lực con được truyền môn nào cũng cao thâm vô cùng, tay trộm này nhiều lời thì lại không tôn trọng y. Song thanh đao của con không phải vật phàm, nên càng phải cẩn thận kẻ có lòng tham chiếm bảo. ”

Cô bé nhẹ nhàng đưa tay nhận lại thanh đao. Lớp vàng nơi cán đao nay đã biến sang màu trắng, bóng lên như tuyết. Vỏ đao khảm ngọc cũng được thay bằng một chiếc vỏ sắt nặng trình trịch.

Phiêu Hương nhẹ nhàng rút đao. Tiếng lưỡi đao trượt khỏi vỏ nay càng thêm bổng thêm thanh. Mép đao đen bóng phản chiếu ánh trăng bạc, ánh sáng loé lên sắc đến độ tưởng như có thể cắt đôi được dòng nước. Hai ngôi sao nhẹ nhàng toả sáng, cánh hoa đào ướt sương hé nở giữa đêm… Trong veo tiếng chuông reo nhẹ nhàng truyền đi trong trời đêm.

Quận Gió nhìn ba đứa đồ đệ nhỏ của mình, trong đôi mắt già thoáng hiện lên vẻ hoài niệm. Thấy cảnh ba nhóc chạy nhảy lăng xăng, so quyền luyện cước, cãi nhau ì xèo… mà nơi khoảnh đất xa xa phía chân trời kia, nhành cỏ thơm chậm rãi nhú lên mầm mới.

Chú thích:

Huyệt Phế du:

Vị trí: Tại mỏm gai đốt sống ngực thứ 3, ngang ra 2 bên lưng 4cm.

Khi bị đánh trúng: Đập vào động mạch xương sườn thứ 3, tĩnh mạch và thần kinh, chấn động tim, phổi, phá khí.

Huyệt Tâm du:

Vị trí: Tại mỏm gai đốt sống ngực thứ 5, ngang ra 2 bên lưng 4cm.

Khi bị đánh trúng: Đập vào thành tim, phá huyết, thương tổn khí.

Huyệt Thận du:

Vị trí: Tại mỏm gai đốt sống eo lưng thứ 2, ngang ra 2 bên lưng 4 cm.

Khi bị đánh trúng: Đập vào quả thận, tổn khí cơ, dễ dẫn đến liệt nửa người.

Huyệt Cưu vĩ:

Vị trí: Trên rốn 15cm.

Khi bị đánh trúng: Đập vào động mạch vách bụng, tĩnh mạch, gan, mật, chấn động tim, đọng máu, có thể gây tử vong.

Huyệt Cự khuyết:

Vị trí: Trên rốn 9cm.

Khi bị đánh trúng: Đập vào gan, mật, chấn động tim, có thể gây tử vong.

Huyệt thần khuyết:

Vị trí: Tại chính giữa rốn.

Khi bị đánh trúng: Đập vào thần kinh sườn, chấn động ruột, bàng quan, tổn thương đến khí, làm thân thể mất đi sự linh hoạt.

Huyệt Quan Nguyên:

Vị trí: Dưới rốn 7cm.

Khi bị đánh trúng: Đập vào động mạch vách bụng dưới, tĩnh mạch và thần kinh sườn gây chấn động ruột, khí huyết ứ đọng.

Huyệt Trung cực:

Vị trí: Dưới rốn 10cm.

Khi bị đánh trúng: Đập vào động mạch vách bụng, tĩnh mạch và chấn động thần kinh kết tràng chữ S, thương tổn khí cơ.

Huyệt Chương môn:

Vị trí: Tại tuyến giữa nách, mút cuối xương sườn nổi số 1, khi co khuỷu tay khép vào nách, nó nằm ngang với đánh cuối cùng của khuỷu tay.

Khi bị đánh trúng: Vì phía trong bên phải là gan, nghiêng phía dưới là lá lách, nên khi bị đánh trúng sẽ đập vào gan hoặc lá lách, phá hoại màng cơ xương, cản trở sự lưu thông của máu và tổn thương đến khí.