Hai chân Đại Bàng Tinh vẫn cắm chắc dưới đất, nhưng lưng áo thì đã rách toạc ra, để lộ tấm lưng đang đổ máu ròng ròng. Ngũ tạng lục phủ trong cơ thể gã tưởng như vừa đổi chỗ, thành thử không nhịn nổi, nôn ra một búng máu.
Ngước mắt lên thì đã không thấy Hổ Vương đâu nữa…
Bởi, Hổ Vương đã xuất hiện trong tầm mắt của một Tinh khác.
Nắm đấm của ông cũng đã in vào một đôi con ngươi khác!
Rầm!
Quạ Tinh ỷ vào khinh công, đang muốn tập kích hai người Bạch Thanh Lâu, Nguyễn Trãi thì bỗng nhiên trước mặt xuất hiện một nắm đấm to bằng miệng bát! Y đang tung mình giữa không trung, chân không chạm đất, làm gì có cánh mà xoay chuyển phương vị?
Nắm đấm của Hổ Vương xuất hiện chẳng khác nào chưởng ấn của Phật Tổ đè xuống đầu Ngộ Không. Quạ Tinh muốn tránh cũng không được, chỉ đành bắt chéo tay hi vọng cản bớt được kình lực của một đấm kinh thiên động địa.
Rắc!
Hai tay hắn bị kích gãy!
Quyền thế chưa dứt, liệt kình xuyên qua cánh tay kích thẳng vào ngực y!
Bụp!
Quạ Tinh ngã xuống đất, bất tỉnh nhân sự.
Trong vòng hai chiêu, Hổ Vương đánh gục hai trong bốn Tinh của sơn trang Bách Điểu.
Gà Tinh Mạc Viễn và Phượng Hoàng Tinh đã đến trước mặt Bạch Thanh Lâu. Lúc này một người dùng chiêu Hóc Xương Gà, Sa Cành Khế đánh ập từ mé trái qua, chiêu số cực kì hung ác. Người còn lại dùng một chiêu số quái dị, diễn sinh từ câu ca dao:
“ Chốn này vui vẻ tưng bừng
Hạc nghe tiếng phượng đè chừng sang chơi ”
Hai sát chiêu đột nhiên hợp kích, kình lực giăng ra như mạng nhện, che kín toàn bộ các phương vị. Cơ hồ cùng một lúc mà trước mặt, sau lưng, trên đầu, dưới chân đều bị công kích ập tới. Một người chỉ có một đôi tay, làm sao che kín được toàn thân?
Lúc này Nguyễn Trãi đột nhiên động thân!
Thanh Giáo Mê Linh trong tay vẩy ra một cái.
Một cái vẩy đó, là một nét chấm phá!
Có người nói thi trung hữu họa, chính là vậy. Đôi lúc một nét chữ, một âm thanh, có thể gợi nên cả một khoảng trời đất bao la, một mảnh tình sâu đậm. Một chữ của thi nhân có thể khiến ông trời bật khóc lu loa, một nét của danh họa cũng có thể làm mặt đất nổi cơn tam bành.
Cũng cái đạo lí đó …
Một chiêu vẩy ra, có thể biến hóa vô cùng, dẫn động cả trận đấu, xoay chuyển càn khôn…
Đó là ý của chiêu này! Chấm phá!
Đó là thế của Nguyễn Trãi!
Một tiên đánh ra, bất chợt như đông qua xuân tới…
Hai chiêu hiểm ác đều bị phá trong nháy mắt!
Đánh xong một chiêu, thi hứng chưa tận, Nguyễn Trãi bèn đọc luôn bài thơ từng làm trong đêm đậu thuyền ngoài cửa biển:
“ Nhất biệt giang hồ sổ thập niên,
Hải môn kim nhật hệ ngâm thuyền.
Ba tâm hạo diểu thương châu nguyệt
Thụ ảnh sâm si phố tự yên.
Vãng sự nan tầm thời dị quá.
Quốc ân vị báo lão kham liên.
Bình sinh độc bão tiên ưu niệm,
Toạ ủng hàn khâm dạ bất miên. ”
( Dịch nghĩa
Từ ra đi lưu lạc giang hồ đã mấy mươi năm
Tối nay buộc thuyền thơ nơi cửa biển
Đáy nước mênh mang, trăng chiếu trên bãi lạnh
Hình dáng cây cối lô nhô, khói phủ trên bến
Khó tìm nhớ lại việc xưa, thời gian trôi quá dễ
Tự thương xót mình đã già mà ơn nước chưa đền
Bình sinh một mình ôm cái chí lo truớc hưởng sau
Ngồi cuốn chăn lạnh thức suốt đêm.)
Nguyễn Trãi đỡ một chiêu xong, thu tay không thèm truy kích, còn được rảnh rang mà cao hứng ngâm vịnh, quả thực cũng là hạng hiếm có khó tìm trong lịch sử mấy ngàn năm tranh tranh đấu đấu trên giang hồ.
Nhưng kì thực không phải chàng ta cao ngạo không muốn đánh.
Lại càng không phải là không thể truy kích.
Đơn giản là không cần phải đánh tiếp cho phí hơi phí sức.
Hai Tinh đánh một chiêu thất thủ, còn đang giơ tay nhấc chân đã nghe tiếng kêu thất thanh của đồng bạn, tự biết là hỏng chuyện. Hai người vừa hối hận, vừa hoảng sợ trước võ lực của Hổ Vương. Mà đối với thực lực của bảy đại tông sư, bốn người nhận thức càng thêm sâu sắc…
Võ công của bốn Tinh trong Bách Điểu sơn trang tuyệt đối không phải hạng xoàng xĩnh, đã đủ đi lại không cố kỵ trong giang hồ, thậm chí có thể tính đến chuyện khai tông lập phái được rồi.
Song…
Trước mặt Hổ Vương, bọn họ đến một kích cũng không cản nổi!
Tuyệt đối không phải là đối thủ xứng tầm!
Mới nghĩ đến đấy thôi, mà trước ngực Gà Tinh Mạc Viễn đã trúng một đấm cực nặng của Hổ Vương. Trong khoảnh khắc ấy y cảm giác toàn thân đau như bị một con hổ lớn vồ trúng, không ngừng đưa vuốt lên xâu xé. Nhưng y vẫn cố ngoái đầu, phun một búng máu về phía Hổ Vương.
Đề Lãm còn tưởng đối phương ngậm ám khí trong miệng, vung tay lên gạt phăng, thì phát hiện té ra chỉ có một búng máu bình thường, mùi tanh tanh đặc trưng chẳng thể lẫn đi đâu được, tuyệt đối không phải chất độc…
Ông không khỏi lấy làm nghi hoặc.
Về phần Phượng Hoàng tinh, Hổ Vương thấy đối thủ là thân con gái, nên cũng không nặng tay, chỉ dùng một chưởng muốn đẩy thị văng đi.
So với một đấm dành cho Mạc Viễn thì quả thực chưởng này nhẹ đi nhiều, hơn nữa chỉ dùng xảo kình, quả nhiên là đã nương tay.
Nào ngờ y thị không những không tránh, ngược lại rút phắt cây lược gỗ đang gài trên tóc ra, ném về phía Hổ Vương.
Đối thủ đột nhiên phát kì chiêu làm Hổ Vương hơi giật mình, nhưng một cây lược gỗ thì làm sao làm khó nổi ông? Chỉ thấy Hổ Vương giơ tay lên, kích ra một cái, toan đánh cái lược văng ngược về phía Phượng Hoàng Tinh. Nào ngờ dị biến lại phát sinh lần nữa, cái lược gỗ trúng xảo kình thì bỗng nhiên lược gỗ gãy làm đôi.
Gãy làm đôi…
Người có võ công như Hổ Vương thì làm gì có chuyện khống chế kình lực không được như ý? Nguyên bản ông chỉ muốn đánh văng cái lược đi, vậy mà bây giờ cái lược lại gãy làm đôi, chứng tỏ Phượng Hoàng Tinh đã động tay động chân với cái lược gỗ này.
cây
Lược gỗ gãy làm đôi, hai nửa thi nhau bắn về phía mắt và yết hầu của Hổ Vương. Hàng răng lược không đều nhau, bây giờ lại trở thành vũ khí đả huyệt đâm mắt hữu hiệu. Song, Hổ Vương chỉ đưa tay gạt một cái, tức thì cả hai nửa cây lược đều bị ông đánh rơi xuống đất.
Phượng Hoàng Tinh thấy thế, thì thở dài:
“ Võ công của Hổ Vương quả thực siêu quần bạt tụy. Bốn chúng ta liên thủ, cũng không đụng nổi chéo áo của ông… Thôi, ba người lên núi mau lên. ”
Nói rồi ngồi xuống, nhắm mắt dưỡng thần…
Hổ Vương nheo mắt nhìn hai nửa của cây lược gãy nhưng không nói gì. Đoạn, ông dùng tay nhấc bổng cả cái kiệu hoa lên, dụng khinh công lao đi trên đường núi.
Bạch Thanh Lâu và Nguyễn Trãi thấy vậy, cũng chạy gấp theo phía sau.
Đường lên núi Điểm Sơn quanh quanh co co, hai bên là rừng cây, lại có hành lang bằng gỗ để cho khách không quen trèo đèo lội suối đi được dễ dàng. Trời ngả về chiều, tà dương chếch chếch sau lưng ba người. nhưng chẳng thể xuyên vào những tán cây. Rừng rậm vì thế càng sâu, càng heo hút mà sâm nghiêm. Đèn treo hai bên đường rọi xuống lối đi từng ánh vàng vọt, leo lét, chẳng thể khiến người ta an tâm thêm chút nào.
Ba người leo được một lúc, thì tòa đình nhỏ đã khuất sau những tảng đá và rừng cây, không còn bóng dáng nữa. Lúc ấy thì có một tảng đá lớn xuất hiện giữa đường núi, hành lang gỗ cũng được xây vòng quanh. Trên tảng đá có dán bùa viết chữ chu sa, đề ba chữ Trấn Sơn Thần Thạch.
Hổ Vương vác kiệu chạy trước, vòng qua tảng đá to, sau đó thấy hai cung đường, một đi xuống lối khác, một tiếp tục rẽ quanh tảng đá, dẫn tới một lối đi lên.
Ba người theo đó mà phóng đi…
Chạy được chính xác ba khắc, thì Hổ Vương đột nhiên đứng lại.
Hai người Bạch Thanh Lâu và Nguyễn Trãi cũng dừng chân theo.
Ba người đều đã cảm thấy có chuyện không đúng.
“ Chúng ta đã về chốn cũ rồi. ”
Hổ Vương cắn răng, trầm giọng.
Hai người kia nhìn theo hướng ông đang nhìn, chỉ thấy ở phía xa xa, ngang tầm mắt, chỉ cách một khóm trúc nhỏ là nơi bọn họ được Bùi Văn Đức dẫn lên.
Ba người tưởng là đã leo nửa canh giờ, nhưng té ra chưa từng lên nổi một tấc.
“ Lọt vào trận đồ của đối phương rồi sao? ”
Bạch Thanh Lâu và Nguyễn Trãi đều là người của Quốc Tử Giám, tự nhiên kiến thức cũng quảng đại hơn người.
Nhưng rốt cuộc là trận đồ thế nào, lại có thể khiến người ta lạc lối?
“ Lên lại lần nữa! Lần này phải cẩn thận một chút. ”
Hổ Vương trầm giọng.
Muốn phá trận, trước phải tìm được mắt trận.
Cho dù có muốn hủy trận, cũng nhất thiết phải tìm được trận pháp ở đâu cái đã.
Đằng này một đường lên núi, ngoại trừ lan can gỗ và đèn lồng ra thì không có gì khác, ba người cũng không rẽ sang đường nào.
Thế thì mấu chốt ở đâu?
Đi thêm một chốc…
“ Lại trở về vị trí cũ rồi… ”
Hổ Vương đặt kiệu hoa xuống, dậm mạnh chân xuống bậc thềm đá.
Ba người lần nữa quay trở lại điểm xuất phát.
Thậm chí, Phượng Hoàng Tinh vẫn đang ngồi trong đình nhỏ mà chải tóc, thấy ba người quay lại cũng không tỏ vẻ ngạc nhiên bao nhiêu. Lúc này, nếu còn không biết đã lọt vào trận của đối thủ thì họa chăng chỉ có kẻ ngốc.
Vẫn là một đường hướng thẳng, nhưng rốt cuộc lại không lên được núi.
Tại sao?
Nguyễn Trãi thấy Hổ Vương vác theo cả cái kiệu đi băng băng đã gần một canh giờ, nếu còn gặng thì chỉ tổ hao phí nội lực. Đề Lãm là chiến lực chủ đạo của họ, nếu ông kiệt sức lúc này chỉ khiến đối thủ được lợi. Thành thử chàng ta bèn nói:
“ Hai người tạm thời ở lại, để tôi lên núi xem sao. ”