Thuận Thiên Kiếm - Rồng Không Đuôi

Chương 210: Hồi hai mươi mốt (11)

Quay trở lại Lam Sơn…

Hổ Vương Đề Lãm đi gấp lên sơn trang Bách Điểu, chỉ kịp thông báo một câu với bà Thương, thì đi ngay. Cả anh đệ tử lẫn Phạm Ngọc Trần ông đều để lại Lam Sơn. Phạm Ngọc Trần không biết tại sao cha mình lại đột nhiên thay đổi thái độ, chủ động lên tận cửa chia vui chúc mừng. Do lần đại náo võ lâm hai mươi năm trước mà quan hệ của ông với võ lâm Kinh Bắc không phải quá tốt, nếu không muốn nói mười bang thì chín phái coi ông như là ôn thần. Mà sơn trang Bách Điểu cũng không phải ngoại lệ.

Nhưng mặc kệ thế nào, Hổ Vương lên sơn trang Bách Điểu cũng tức là ông tạm thời không tiếp tục hỏi đến chuyện cưới hỏi, Phạm Ngọc Trần cầu còn chẳng được.

Nên cô rất vui vẻ… 

Lê Hổ cũng vui.

Cậu chàng đã tìm ra được giải pháp lưỡng toàn kì mĩ.

Lúc nghe cậu nói, bà Thương cũng gật gù khen trong lòng, nhưng ngoài mặt vẫn chê một câu:

“ Ước gì chuyện công mày cũng nhanh nhẩu được thế thì tốt. ”

[ Người xưa có câu tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ. Thằng Hổ trước biết tu thân, giờ thêm tề gia. Bà lão này sắp yên tâm xuống quan tài nằm được rồi. ]

Bà Thương mấy năm nay phải gánh vác Lam Sơn thay chồng, lại mắc bệnh phổi nặng. Tĩnh dưỡng thì còn có thể kéo dài thêm mười năm, nhưng trong các tình trạng ngày nào cũng việc nhà việc nước bù đầu bù cổ đầu tắt mặt tối thế này…

Quả thực đã như ngọn đèn trước gió.

Bà vẫn biết, nhưng lúc này Lê Hổ còn chưa đảm đương được đại cuộc, giữ được cơ nghiệp…

Nên bà vẫn cố.

Lại nói…

Sống đời mà làm gì?

Bà Thương thường nghĩ, đời người sống chết có số, dài ngắn tại trời… Thành thử sống lâu thêm mấy năm, sống ít đi mấy năm, đối với bà sớm đã là chuyện lông gà vỏ tỏi, chẳng đáng để tâm.

Lắm lúc bà trộm nghĩ, thêm mười năm bệnh tật dằng dẵng, chẳng thà nhắm mắt xuôi tay luôn cho sớm, xuống gặp cha Lê Hổ dưới suối vàng…

Nhưng thù nhà còn đấy, nợ nước chưa đền…

Bao nhiêu là sự vụ đè nặng như gông như cùm, nên bà chưa đi đặng.

“ Nhưng mày có chắc là thánh thượng sẽ đồng ý tứ hôn giúp không đấy? ”

Bà Thương nói, nhấp chè, rồi ho khan một hồi. Lê Hổ phải vuốt ngực, đấm lưng cho bà một lúc mới đỡ.

Lê Hổ không phải ngu ngốc…

Tuy thời gian này chủ yếu cậu chàng rèn luyện võ nghệ, đọc sách thánh hiền, nhưng vẫn nhận ra sức khỏe của u càng lúc càng yếu…

“ U cứ yên tâm. ”

Lê Hổ cười.

Cậu muốn nhờ Trần Ngỗi làm mai, xe duyên cho mình…

Khi đó Hổ Vương Đề Lãm có muốn chia uyên rẽ thúy thì cũng là sự đã rồi, thánh chỉ khó cãi, mệnh vua phải theo.

Cậu không hề biết rằng chuyện Đinh Lễ có thánh mạch, Đề Lãm cũng biết, thậm chí còn biết trước cậu hơn chục năm. Và chính bà Thương đã nhờ cậy ông lên rừng xuống biển, tìm đông hỏi tây cốt để tìm thầy hay thuốc tốt để chữa cho được Phù Đổng thánh mạch.

Nhưng hơn chục năm…

Mặc cho Hổ Vương phái người đi tìm, tự mình đi kiếm, nhờ vả bạn bè, đánh tiếng người quen… Tất cả đều đổi lại là một cái lắc đầu ngao ngán. Nhiều người đến Phù Đổng thánh mạch là gì còn chưa nghe qua, còn những ai biết về mạch tượng kì dị thiên hạ vô song ấy thì chỉ biết lắc đầu bất lực…

Trước khi đi, Hổ Vương có nói con gái ông phải lòng Đinh Lễ.

Ông cũng nhờ cậy bà trước khi tìm ra cách trị khỏi thánh mạch, thì đừng nên để tình cảm hai đứa quá sâu nặng.

Bà càng thấy khó xử hơn.

Đinh Lễ rất ưu tú.

Có dũng, có mưu, có tình, có nghĩa. Tuy cặp người – trâu nhiều lúc hơi quái dị, nhưng cái dũng lúc xung trận của Đinh Lễ nào có kém gì Phùng Hưng đả hổ, Phụng Hiểu ném dao?

[ Nếu Ngọc Trần tính cũng hào sảng giống thầy nó, phải lòng thằng Lễ cũng không có gì lạ. ]

Khoảng thời gian này bà chỉ còn cách phái Đinh Lễ sang huyện Lam Giang ngay chân núi Lam Sơn, vừa luyện quân vừa cự lại người Ai Lao ở đó. Đinh Lễ biết Ai Lao sau khi thua trận chạy trối chết ở ngã ba Gián Khẩu thì túng thiếu lắm, thường hay xuống cướp phá làng xóm dưới chân núi, nên đồng ý đi ngay. Y lại nhớ đến trại chó săn của Nguyễn Xí cũng ở trên núi Lam Sơn, bèn giục trâu chạy thật nhanh.

Từ ngày có Đinh Lễ trấn giữ, quân Ai Lao cũng xanh mặt. Tuy vẫn có những nhóm liều lĩnh mò xuống nhưng đều bị côn của Lễ đuổi cho phải chạy thục mạng, thành thử những lần đánh phá thưa dần. Đinh Lễ từ dạo ấy đâm nhàn, ngày luyện quân, rảnh rỗi lại rủ Nguyễn Xí xuống núi qua chiêu luyện võ. Con Đại Thắng có Trương Phụ chơi cùng, cũng vui hẳn ra.

Ít nhất nó không bị cậu chủ chửi là ngu như bò thường xuyên như trước nữa.

Cuối năm ấy Trần Ngỗi tổ chức lễ tế trời, mừng công trận Bô Cô thắng lớn. Lê Hổ thân là Kim Ngô tướng quân, tất nhiên cũng được mời đến dự.

Lần này bà Thương chưa kịp lên tiếng, Lê Sát đã xin đi. Y đã chuẩn bị sẵn tinh thần bị từ chối, dù sau cả năm nay không khi nào bà Thương đồng ý với quyết sách của y cả. Thế mà lần này vừa nghe, bà đã cho phép y đi ngay. Lê Sát vừa thấy khó hiểu, vừa thấy mừng…

Lê Hổ thấy mẹ đồng ý nhanh như thế, đợi đến bữa cơm bèn nhắc nhỏ:

“ Cả Lam Sơn thì chỉ có Lê Sát là ngang ngửa với Đinh Lễ. U đồng ý nhanh thế, không sợ bị quân Hậu Trần đòi người à? ”

Bà Thương bèn mắng:

“ Thằng này, chỉ biết nghĩ một, chưa biết nghĩ hai. 

Lê Sát là ngọc quý, mài xong rồi phải mang ra chỗ sáng, bằng không chỉ khiến ngọc thêm u ám uất ức. Ngọc quý không đeo khác gì cục đá, kiếm báu không chém khác gì thanh sắt? Thế thì có khác gì xuẩn phu được ngọc mà không biết trọng, nhược phu được kiếm mà không biết quý. Huống hồ, Lê Sát cũng chẳng phải người hữu dũng vô mưu. Y tự biết cân nhắc thiệt hơn.

Ngựa khôn phò minh chúa, lợi khí xứng anh hùng. Nếu Lê Sát thấy đi theo thánh thượng là chuyện tốt, thì cứ để y đi. Dù sao đều là kháng Minh. Theo chúng ta cũng kháng. Theo thánh thượng cũng kháng. Có gì khác biệt?

Chúng ta không giữ được nhân tài, là tự mình không bằng người ta, chẳng việc gì phải tiếc rẻ hối hận. Lại còn so đo, chẳng phải nhỏ nhen lắm ư? ”

Lê Hổ nghe xong, bèn gãi đầu gãi tóc.

Cậu vì quý tài Lê Sát, mà bụng dạ tự nhiên hẹp lại lúc nào không hay. May mà có bà Thương điểm chỉ kịp thời.

Lê Hổ bèn nói:

“ Vậy u giữ rặt y một chỗ cả năm, là đang muốn mài y? ”

“ Sát tính của Lê Sát quá nặng, như kiếm không có bao. Cái bát rỗng là cái bát hữu dụng nhất. Bảo kiếm biết giấu đi phong duệ mới là lợi khí đáng sợ nhất thiên hạ. Thành ra nếu không ghìm được phong duệ của Lê Sát lại, thì sẽ bất lợi cho nó về sau. Ngựa hoang mà không thuần, thì không thành ngựa chiến được. Gạo trắng không giã sẽ thành ô mễ con ạ. ”

Lê Hổ bèn đáp:

“ Đồng đen chẳng luyện vẫn là hoàng kim. Con thì lại nghĩ, Lê Sát là người như vậy, Đinh Lễ cũng là người như vậy. Chỉ cần cho họ một cơ hội mà thôi. Hai khối đồng đen, không đúc thành lợi khí phá giặc, thì thực là đáng tiếc. ”

Bà Thương bèn cười:

“ Tiên sư nhà anh. Đọc sách thánh hiền chưa thấy đối đáp với ai, chỉ cãi u là nhanh. ”

Lê Hổ cười phá lên…

Lúc rời nhà, cậu cũng cười như thế.

Lê Sát ruổi ngựa theo sau, Lê Thận nằm gạ gật trên yên cương của y. 

Không có dây buộc, cũng chẳng thấy y lấy tay chân kẹp bám gì vào thân ngựa. Song vô luận Lê Sát giục ngựa nhanh đến mấy, Lê Thận vẫn có thể nằm ngửa mặt trên yên cương vững vàng không ngã. Lưng y uốn cong như một cánh cung, một bên thân ngựa là đầu, một bên còn lại là cặp chân.

Ba người chẳng thể ngờ, lần rời nhà này, sẽ đối mặt với một trận phong ba bão táp lớn nhất trong đời. Một hồi âm mưu tâm kế, cứ theo một bước này mà mở ra…

Lại nói đến bốn người Hổ Vương…

Lần này lên sơn trang Bách Điểu, Hổ Vương cầm đầu, hai người Nguyễn Trãi và Bạch Thanh Lâu hộ pháp hai bên, con hổ làm thú kéo xe…

Trên xe đặt một cái kiệu rước dâu…

Không sai, là kiệu rước dâu!

Người ta đi mừng cưới, thường là mang theo lễ vật, tiền cưới.

Hổ Vương không phải người thường. Thế nên vật ông mang đến đám hỏi, cũng tuyệt nhiên không giống người thường!

Người đi đường thấy hổ kéo kiệu, sợ xanh mặt lè lưỡi, nép hết sang một bên đường.

Người ta không sợ hổ…

Người ta sợ chủ của con hổ hơn!

Hổ Vương ngồi bất động trên lưng hổ, một ngón tay cũng không thèm động. 

Nhưng người ta vẫn sợ xanh mặt. Vì con hổ đáng sợ nhất không phải con hổ đi trên đường cái, mà là con hổ nằm phục trong bụi cây, nhăm nhe chực vồ.

Nguyễn Trãi vừa đi, vừa ngâm nga một bài thơ:

“ Nhất tòng luân lạc tha hương khứ,

Khuất chỉ thanh minh kỷ độ qua.

Thiên lý phần doanh vi bái tảo,

Thập niên thân cựu tẫn tiêu ma.

Sạ tình thiên khí mô lăng vũ,

Quá bán xuân quang tê cú hoa.

Liêu bả nhất bôi hoàn tự cuỡng,

Mạc giao nhật nhật khổ tư gia. ”

( Dịch nghĩa

Từ khi lưu lạc quê người đến nay,

Bấm đốt ngón tay tính ra tiết thanh minh đã mấy lần rồi.

Xa nhà nghìn dặm không săn sóc phần mộ tổ tiên được,

Mười năm qua bà con thân thích đã tiêu tán hết.

Tạnh cơn mưa mây, trời chợt sáng,

Hoa đồ mi đã quá nửa chừng xuân.

Hãy cầm lấy chén rượu mà gượng uống,

Ðừng để ngày ngày phải khổ vì nỗi nhớ nhà.

Dịch thơ – bản dịch của Ngô Văn Phú, nguồn thivien.net

Tha hương đất khách từ lưu lạc,

Bấm đốt thanh minh đã mấy lần.

Muôn dặm mộ phần khôn viếng lễ,

Mười năm thân thích cứ vơi dần.

Mưa rào đổ tạnh, đang vào tiết,

Hoa đẹp đơm bông, quá nửa xuân.

Gượng chén tay nâng khoây khỏa chút,

Nỗi nhà nỗi khổ liệu xua tan.)