Lê Hổ giục ngựa, băng qua quãng đường chính dẫn đến trang viên của nhà họ Lê. Hai bên yên ngựa đồng lúa trải dài, đòng đòng vàng ươm thơm mùi sữa, thoảng trong gió cuối xuân báo hiệu mùa thu hoạch.
Bờm ngựa tung bay, hoà trong tiếng vó rổn rang.
“ Cậu lớn về rồi kìa!! ”
Nông dân đang dở tay lom khom dưới rộng cũng ngưng công việc, ngẩng đầu lớn tiếng chào hai người.
“ Không trách bà lớn nữa chứ??? ”
Phạm Ngũ Thư chợt quay sang nhìn Lê Hổ, cười đầy ẩn ý.
“ Chuyện ở Khoái Châu là anh và u em sắp xếp phải không? ”
Lê Hổ vẫn giục ngựa, mắt vẫn cứ đau đáu lướt dọc theo con đường làng, đầu không ngoảnh lại.
Sau khi về nhà không lâu, vì bất đồng quan điểm với bà Thương mà cậu chàng lại bỏ nhà lang bạt lần nữa.
Giữa đường thì gặp Phạm Ngũ Thư giục ngựa đuổi theo, rủ đi Hàm Tử tìm lại thanh Thư kiếm, cũng để tìm người rèn lại Huyết Ẩm cho Trần Đĩnh.
Hai anh em lại có dịp bôn ba cùng nhau. Dẫu phải ăn gió nằm sương, ngủ bờ nghỉ bụi cũng không thấy gian khổ.
Nhưng vừa đến Khoái Châu thì lạc nhau, mất đến ba tháng ròng mới tái hợp…
Phạm Ngũ Thư không trả lời câu hỏi của Hổ ngay, mà nói:
“ Xem cậu kìa. Ba tháng không gặp mà trưởng thành hơn nhiều rồi. ”
Lê Hổ không nói không rằng.
Phạm Ngũ Thư cũng nhún vai, để câu chuyện dừng lại ở đó.
Song, nhìn theo bóng lưng cậu thanh niên rong ruổi trên lưng ngựa, y phát hiện cậu nhóc ngày nào cần y săn sóc giờ đã lớn thật rồi.
Lê Hổ và Ngũ Thư dừng ngựa trước trang viên của nhà họ Lê.
Trần Đĩnh đã đứng sẵn trước cửa chờ hai người.
Vì y tự ti về dung mạo khó coi của bản thân, thế nên bà Thương đã nhờ người rèn cho y một tấm mặt nạ sắt che kín mặt, mặt trong lót lụa. Mặt nạ khắc theo mặt ông hộ pháp trong chùa, chỉ lộ mắt, hai lỗ mũi và miệng.
Đĩnh nhận mặt nạ sắt, cảm tạ, rồi lui.
Thấy y có tài kiếm cung, bà Thương giao cho cái chuyện huấn luyện võ nghệ cho gia đinh trong nhà.
Y đã chờ suốt bốn tháng ròng… là vì một vật.
“ Đón kiếm! ”
Phạm Ngũ Thư bắt lấy cái bao da để sau yên ngựa, vận kình ném cho Trần Đĩnh.
Một thanh kiếm dài ba thước…
Trần Đĩnh bắt kiếm, tuốt vỏ. Lưỡi kiếm lóng lánh như mặt gươm, có thể soi rõ mặt nạ của y. Nhắm mắt, lắng nghe tiếng rít gào của trường kiếm, chiến trường của thép và lửa như hồi sinh trong đáy lòng nguội lạnh của kiếm chủ.
“ Đây không phải Huyết Ẩm. ”
Y nói, giọng trầm hẳn xuống.
“ Đúng. Nó không phải, cũng sẽ không bao giờ là thanh Huyết Ẩm. ”
Phạm Ngũ Thư nhún vai.
Huyết Ẩm đã gãy, có rèn lại cũng không thành thanh kiếm hoàn chỉnh được.
Thế nên, y mới cố tình tìm lại thanh Thư kiếm của mình, nhờ thợ rèn nổi tiếng đúc hai thanh làm một.
“ Tên… ”
“ Linh Lang kiếm. ”
Phạm Ngũ Thư nhún vai.
[ Anh Đỗ, anh Xạ, chắc không trách gì em đâu nhỉ? ]
Tính ra, Trần Đĩnh cũng từng quen biết hai người Đỗ Xạ, lại được Hồ Xạ dìu dắt trong thời gian đầu nhập ngũ.
Thế nên, Ngũ Thư mới nhân lúc thăm mộ, lấy thanh Thư kiếm để rèn thanh Linh Lang cho Đĩnh.
“ Ha ha. Nhìn ta bằng ánh mắt này, chắc là ngứa nghề muốn thử nhau vài chiêu chứ gì?? Ra sân! ”
Phạm Ngũ Thư gỡ thanh kiếm còn lại khỏi yên cương, rồi bá vai bá cổ Trần Đĩnh, kéo nhau ra sân đình tỉ kiếm.
Chỉ còn Hổ đứng một mình trước cánh cửa lớn của trang viên nhà họ Lê.
[ Cánh cửa này… chú phải tự bước qua thôi, Hổ ạ. ]
Lê Hổ thở ra một hơi dài…
Trước giờ, cậu chàng vẫn là đứa ngỗ nghịch nhất trong ba anh em, cũng là đứa quậy phá nổi loạn nhất.
Từ ngày thầy mất, chưa bao giờ cậu nói chuyện được với u mình một buổi nào nó ra ngô ra khoai, êm đềm cả.
Không phải u mắng cậu té tát, thì cậu chàng cũng hờn dỗi gắt gỏng mà bỏ đi.
Hít sâu một hơi, lấy dũng khí nhét đầy hai lá phổi…
Lê Hổ nhẹ nhàng bước vào trang viên.
“ Cậu lớn về kìa. ”
“ Thực là cậu lớn về đấy. ”
Kẻ ăn người ở trong nhà thấy Hổ xuất hiện, không quên chuyện chào hỏi lễ phép, nhưng hễ cậu rời gót là họ thấp giọng xì xào bán tán với nhau, nghe chừng rôm rả lắm.
Mặc dù Lê Hổ là người thừa kế của họ Lê, nhưng mười ngày thì hết tám cậu ta lang bạt ở ngoài, không tới những sản nghiệp khác trong nhà như trại ngựa, xưởng mộc thì cũng lang thang góc núi chân đèo. Thành thử, mỗi lần Lê Hổ về, trong nhà đều xôn xao hẳn lên.
“ Mọi người có thấy lần này về, cậu lớn khang khác không? ”
“ Cô nhắc tôi mới để ý. ”
Mới qua vài tháng, kẻ ăn người ở trong nhà bất giác nhận ra ở Lê Hổ một sự đổi khác, kể cả khi họ không biết cậu rõ lắm. Thay đổi hằn âu vào cốt tủy, thấm trong từng hơi thở.
Cái mà người ta gọi là...
“ Lữ này, cô thấy thế nào?? ”
Trong bếp có tiếng ai như oanh kêu nhạn hót vọng ra:
“ Có lẽ là vì bây giờ cậu lớn đã trưởng thành rồi. ”
“ U. Hổ về rồi. ”
Đứng trước căn buồng năm xưa của thầy u, tay chạm lên lần cửa khép kín, Lê Hổ không khỏi thở dài.
Cũng chính tại nơi này... Không! Chính xác mà nói là ở trên cái sập gụ kê sát với bàn thờ gia tiên vẫn dùng để tiếp khách, cậu và u đã không ít lần phải lời qua tiếng lại. Đến giờ, Lê Hổ nhớ kỹ mình từng nói những gì.
Tại sao anh Học được theo học y, mà con phải đọc binh thư? Con không muốn đọc!
Tại sao anh Trừ không cần phải luyện võ công. Đau lắm! Con không luyện đâu!
Từ thằng nhóc lên ba chưa ráo máu đầu, đến nay đã hai mươi năm trôi qua. Nhưng lần nào cũng như lần nào. Hễ u con to tiếng với nhau, thì kiểu gì Lê Hổ cũng bị nói cho cứng họng, song đùng đùng tự ái.
Chưa bao giờ cậu nhận sai. Không. Chưa bao giờ cậu nghĩ mình sai.
Bà Trịnh Thị Ngọc Thương được gia nhân dìu ra khỏi buồng. Bà đã phải bước lần từng bước, mà lại ho húng hắng mãi, thành ra đi rất chậm.
Lê Hổ bất giác nhận ra...
U mình đã già yếu đến thế.
Kể từ khi thầy cậu là Lê Khoáng qua đời vì bạo bệnh, anh trưởng Lê Học thì quyết tâm theo thầy Tuệ Tĩnh học y, còn u Lê Hổ không còn thấy bà rơi nước mắt nữa, cũng không thấy bà cười lần nào nữa. Kể cả khi anh trai cậu – Lê Học – mất, bà cũng chỉ tự chít khăn tang mà thôi.
Những tưởng gương mặt lạnh băng, ánh mắt đanh thép thường nhật là minh chứng của quả tim nay đã cứng trơ như đá.
“ Về rồi hả? ”
Lê Hổ gật đầu.
Bà Thương ừ ào một tiếng, ho thêm ba tiếng nữa. Lưng bà đã còng xuống, thời gian bẻ nó cong đi, hay áp lực khổng lồ của gia tộc đè lên... cậu cũng chẳng rõ. Lê Hổ chỉ im lặng, nhìn u mình lọ mọ đi vòng qua cái sập, đến ban thờ. Con sen của bà nay mới đôi tám, nhưng được cái tinh lanh, rất hiểu ý chủ. Bà chưa đứng vững, mà nó đã chuẩn bị sẵn cả nhang cả chè.
“ Cả thầy mày, lẫn thằng Học, đều không hay rượu. Sau này giỗ chạp, đừng có dọn cái thứ cay cay ấy lên. ”
Lê Hổ nuốt khan, nén cái cảm giác cay cay nơi sống mũi lại.
Đoạn, cậu chàng quỳ xuống, lạy u một cái:
“ U à, con xin lỗi. ”
Cậu chàng từng nhớ mình mắng u là tham sống sợ chết, đớn hèn luồn cúi trước giặc ra làm sao. Đến giờ, từng câu từng chữ vẫn văng vẳng bên tai cậu chàng, hiện về trong mỗi buổi chiều ăn năn.
“ Đứng lên đi. ”
Bà Ngọc Thương nói, chậm rãi, nhưng từng câu từng chữ sắc như dao cứa.
Lê Hổ ngẩng đầu, một gối vẫn chạm đất.
U cậu chàng đã ngồi trên sập, con sen đang têm trầu thay bà.
“ Ừm... ”
Bà Thương gật nhẹ đầu.
“ Thế, ba tháng qua ở Khoái Châu, có học thêm được gì không? ”