Khi mắt đã quen dần với bóng tối, Giản Định mới phát hiện quái nhân đứng bên cạnh con chó lớn té ra chỉ là một thằng nhóc vắt mũi chưa sạch, da đen sạm còn tay chân thì gầy nhẳng như que củi. Được cái là trán cao, mắt sáng, mũi thẳng nên trông cũng sáng sủa thông minh.
Cách nó ăn mặc mới là kì lạ. Thằng nhãi này có một bộ lông sói lửa rất to, tính cả đuôi cũng phải ba thước ta rưỡi. Đầu sói chụp lên đầu thay cho mũ, hàm dưới thay quai cài. Còn hai chân trước buộc túm lại ở trước ngực, lấy lưng sói làm áo choàng. Hàm răng sói thì đã bị nhổ sạch, xâu thành dây chuyền đeo ở cổ tay cổ chân.
Thằng nhãi vốn đã cao hơn bạn cùng lứa, lại mặc cả lông sói nên trông tạng người càng thô hơn. Trong bóng tối mờ mờ trông đã mấp mé người trưởng thành.
Võ khí của thằng nhóc là một bộ vuốt sói bằng sắt, dùng dây gân sói buộc chắc vào tay.
Giản Định lại nhìn sang con chó săn, thoáng rùng mình. Con chó lông đen nhánh như mực, đứng bằng bốn chân đã cao đến quá thắt lưng ba người lực điền. Bốn chân rắn rỏi, hàm răng sắc bén và đôi mắt như bốc cháy trong đêm tối.
Trước đây Giản Định cũng nuôi chó săn, nên biết xem tướng cẩu. Y thấy con hung cẩu này lông trên người xuôi từ đầu xuống, thành hình như thanh kiếm với mũi kiếm hướng về chóp đuôi, ấy là tướng bối kiếm cẩu. Chân thì có tám ngón thừa gọi là huyền đề, tức là Bát Long cẩu. Mà nhìn cách đi đứng, bước chân rắn chắc khoan thai, khi đi lộ xương, ấy là tướng Hổ Bộ. Một con chó mà hội đến ba tướng quý, ắt là thần khuyển khôn lanh hiếm thấy, dũng mãnh phi thường.
Một người một chó chạy đến chỗ Lê Hổ, lại nghe đứa bé nói:
“ Bà lớn bảo con đến đưa thư nhà cho cậu. ”
Nói đoạn móc trong áo ra một phong thư, đưa tận tay Lê Hổ. Con Trương Phụ thì ngáp ngắn một cái, nằm phịch xuống lim dim mắt.
Lê Hổ nhận thư, rồi cất đi chưa đọc vội, mà hỏi:
“ Xí, quân Minh đang lùng sục khắp nơi, sao mày đến đây được? ”
Quả thực, phía nam khu rừng, theo hướng đi Thanh Hóa Lam Sơn vẫn lởn vởn phần lớn quân Minh. Ánh đuốc lượn qua lượn lại không ngơi không nghỉ từ bấy đến giờ, đứng trong rừng nhìn lướt qua cũng thấy.
Nguyễn Xí nói:
“ Chuyện ấy có khó gì. Có Trương Phụ ở đây rồi. ”
Nói rồi vỗ đầu con chó.
Cu cậu Trương Phụ rên lên ư ử, ra chiều thích thú lắm. Nó lại dụi đầu vào người Nguyễn Xí, gảy gảy đòi được gãi cả tai nữa. Trông con hung khuyển lúc này chẳng khác nào chó giữ nhà.
Mấy tên lực điền nghe xong, bèn cười phá lên.
“ Nhóc con vắt mũi chưa sạch, mày nghĩ con chó của mày là Trương Phụ thật đấy phỏng? ”
“ Trông con chó to đấy, nhưng cứ để bọn tao tay dao tay thớt xem mới biết đem ra khao quân thì được mấy miếng? ”
“ Không khéo vừa gặp Trương Phụ thật, con Trương Phụ này lại chạy đến xin theo hầu luôn ấy chứ. Đến lúc ấy thì người và chó cùng tên, cùng là chó cả. Cũng xứng đôi vừa lứa lắm. ”
Mặc dù ghét, nhưng cả bốn đều nhận ra, trong lòng có một nỗi sợ lớn như núi Tản, dài tựa sông Đà. Một nỗi kinh hoàng gắn chặt với hình ảnh của một lão tướng quân bận giáp, tay vung quan đao tả xung hữu đột giữa chiến địa, đánh cho ba quân không còn manh giáp.
Giẩn Định xua tay ngăn thủ hạ, nhưng hung khuyển có linh tính, như nghe hiểu tiếng người. Nó bèn quay ngoắt đầu, đứng thẳng dậy, nhe nanh ra gầm gừ toan cắn. Mùi thịt sống hôi tanh từ miệng nó phả ra nghe lợm cả giọng. Bốn lực điền đồng thời lui cả về phía sau.
Con Trương Phụ thấy vậy, vểnh đuôi ngúng nguẩy nằm xuống cạnh chân chủ.
Lê Hổ thấy vậy, cười khổ, chỉ đành phải giải thích:
“ Chó săn của nhà tôi đều nuôi ở trên núi trên rừng, dã tính rất mạnh, tính nết cũng khó thuần. Bốn người đừng chấp, một con chó thôi mà. ”
Giản Định thì khách sáo thi lễ, còn bốn người kia gật gật gù gù tỏ vẻ biết ơn, song ánh mắt lướt qua con chó vẫn lộ vẻ hoài nghi. Hẳn nhiên, không ai nghĩ Trương Phụ có thể làm nên trò trống gì trước cả một đội truy binh đông đảo thiện chiến gấp mấy mình.
Nguyễn Xí đến đưa thư, bỗng nhiên khiến mọi người chẳng còn tâm trí đâu mà để ý đến chuyện nghỉ ngơi nữa. Mọi người ngồi thành vòng tròn, hai người Lê Hổ Giản Định ngồi đối diện nhau. Ngũ Thư, Trần Đĩnh ngồi sau lưng Lê Hổ. Bốn cận vệ thì theo sát Trần Ngỗi. Riêng chỉ có Nguyễn Xí là lôi Trương Phụ ra một bên, dùng con chó làm gối đầu đánh một giấc.
“ Hổ, cậu có chắc…? ”
Giản Định đế hất đầu về phía thằng nhóc con và con chó bự, giọng đầy hồ nghi.
Lê Hổ bèn trấn an:
“ Xin ngài đừng lo lắng quá. Không có Trương Phụ, làm sao Nguyễn Xí tìm được chúng tôi? ”
“ Vậy là từ khi chia tay ở Mô Độ cậu không về Lam Sơn sao? ”
“ Chúng tôi đến Hoa Lư hội họp với Ngũ Thư rồi mới về. ”
Trần Ngỗi cũng không hỏi nữa. Dù sao Phạm Ngũ Thư và Lê Hổ phải tách nhau ra cũng là để bảo vệ y.
Y im lặng, nhưng Lê Hổ thì có chuyện cần hỏi.
“ Còn ngài thì sao? Sau khi xưng đế ở Mô Độ, tính ra chưa đầy một tháng trời. Tại sao đã đến nông nỗi này rồi? ”
Nghe cậu chàng hỏi như thế, Trần Ngỗi lại bất giác sụp hẳn đôi vai xuống. Tiếng thở dài khẽ khàng vang lên, chậm rãi và bất lực.
Nghĩa binh là do đủ loại người tạo nên.
Nói cho đúng là một toán quân ô hợp. Mà phàm là quân ô hợp, thì hạng người cùng đinh mạt vận, cầu bất cầu bơ không quê chẳng quán là nhiều nhất. Chính loại người này là lực lượng chính, cũng là chỗ thích hợp nhất để cài gian tế. Trong quân Hậu Trần ở Mô Độ có một toán gian tế, đã nhân lúc tối trời đốt cháy hết gia tư điền sản của Trần Triệu Cơ, tuyệt sạch lương thực khí giới của ba quân. Đúng lúc lửa cháy hừng hực, Trương Phụ đột nhiên đưa quân vào càn quét, nghĩa quân ô hợp của Giản Định thất bại thảm thương, số chết số thì hàng.
Trần Triệu Cơ với mấy lực điền cường tráng nhất mở đường cho Trần Ngỗi chạy thoát khỏi vòng vây, nhưng đến làng Ninh Vân thì lạc nhau. Giản Định biết quân Minh sắp đuổi đến, không dám ở lại lâu, bèn băng ruộng tìm đến khu rừng này để trốn. Vừa hay gặp bọn người Lê Hổ, Ngũ Thư.
Lê Hổ nghe xong, bèn thở dài:
“ Xem chừng là ý trời. ”
Chín người ngồi bàn bạc đến sáng, cũng không tìm được một đường sống nào khả thi cả. Quân Minh đóng dưới bìa rừng vẫn lảng vảng ở đó, có lẽ chỉ chờ mặt trời lên cao là sẽ túa vào lùng sục cho ra bọn họ. Đến lúc ấy mười người thêm một con chó, có dũng mãnh thế nào chăng nữa cũng khó mà chọc thủng được trùng vây.
Lúc này Nguyễn Xí mới trở dậy, vươn vai ngáp một cái.
Con Trương Phụ cũng ngáp, mắt vẫn nhắm tịt.
“ Nào, đi thôi. ”
“ Đi? Đi đâu được? ”
Bốn tên lực điền thở dài, lưng dựa vào nhau, mặt chôn vào hai đầu gối. Loáng thoáng nghe được tiếng họ lẩm bẩm than trời trách đất.
Trần Ngỗi trầm giọng, hỏi:
“ Thế nào? Nhụt chí rồi hả? Chẳng lẽ mấy người quên giặc bắc bắt mấy người đi lao dịch khổ sai, đánh đập hơn cả đánh chó rồi sao? ”
“ Chịu khổ, chịu nhục, cố gắng vẫn chịu được! Nhưng mất mạng rồi thì cố kiểu gì bây giờ? ”
“ Ôi sao tôi ngu thế không biết? Đi tin cái người chẳng nên tin! ”
Giản Định nghe thủ hạ nói những lời chẳng còn chút duệ khí nào như thế, rất đỗi tức giận, đang muốn chửi thỏa thích một trận. Thì Lê Hổ đã lên tiếng:
“ Một con chó từng cắn chủ, mấy người nghĩ nó sẽ được giữ lại canh nhà hay sẽ vào nồi? ”
Bốn người kia im lặng nhìn nhau.
Mãi một lúc sau, một người mới lên tiếng:
“ Tiến cũng chết, mà lui cũng chết. Thế thì chúng ta phải làm sao mới sống đây? ”
Lời ấy cũng chính là tâm sự chung của cả bọn. Thực sự, trên đời này chẳng ai muốn chết cả.
Lê Hổ nhún vai:
“ Lui thì chết chắc, còn tiến thì còn cửa sống. Lưỡi cày đã cắm vào đất, thì hoặc là tiến lên hoặc là gãy thôi. ”
Phạm Ngũ Thư và mấy người Trần Đĩnh không nói gì, chỉ cười khẩy hất đầu về phía Giản Định. Nguyễn Xí thì đưa một bàn tay lên tự bóp vào cổ mình, hai mắt lé xẹ đi còn lưỡi thè ra làm mặt hề.
Thông điệp rất rõ ràng. Nếu như mấy tên lực điền có ý tạo phản bắt Giản Định, thì Trần Đĩnh sẽ cho cả lũ về chầu ông bà ông vải trước cả khi kịp nhúc nhích.
Bốn gã nhìn nhau, rồi cúi đầu chấp nhận lầm lũi đi theo.
Nguyễn Xí dẫn mọi người tiến sâu vào trong rừng.
Khu rừng không lớn lắm, nhưng địa hình phức tạp gập ghềnh. Trên cây treo lủng lẳng cơ man không biết bao nhiêu tổ ong mà kể. Lê Hổ đang đi đường bỗng dừng bước, nhìn xuống chân, chỉ thấy một đàn kiến lửa đang thảng thốt chạy gấp, như thể bị thứ gì truy đuổi. Lại nghĩ đến tình cảnh hiện giờ của bản thân, không khỏi cười khổ một cái.
Nguyễn Xí nói:
“ Đến rồi. ”
Mọi người nhìn theo tay thằng bé chỉ, phát hiện một cái bọc to giấu tít trên ngọn cây cao. Nguyễn Xí đeo vuốt sắt vào tây, leo lên cây thoăn thoắt chẳng khác nào một con khỉ. Nó gỡ cái bọc xuống khỏi chạc cây, rồi ném xuống chỗ mọi người.
Phùi ra đất là hàng đống lụa đen bùng nhùng, mỏng tang. Đếm đi đếm lại có đến hơn hai mươi tấm.
Nguyễn Xí đánh mắt với Lê Hổ, cười khì khì:
“ Chú còn nhớ cái này không chú? ”
Đám người Giản Định thấy đống vải chỉ biết ngơ ngác trợn tròn mắt. Cứ như lời Nguyễn Xí, thì hình như đống lụa đen này chính là thứ thằng bé định dùng để mở đường máu thoát thân.