Thời Hoàng Kim

Chương 15: Hồng phất chạy trốn trong đêm (7)

Chương này kể về sự tích Lý Vệ công. Cũng như tác giả, ông chịu ảnh hưởng của “Nguyên lý hình học” của Euclide. Là một nhà toán học, tác giả coi tác phẩm trên của Euclide là cuốn sách khai sáng của mình, cũng như ai đó đã từng được “Kinh thánh”, “Kinh Coran”, “Luận ngữ”, “Lời Mao Chủ tịch” và “Tư bản” gợi mở.  



Lý Vệ công và Hồng Phất chạy khỏi thành Lạc Dương lên phía bắc. Giao Nhiễm đuổi sát theo sau. Lý Tịnh bảo ông có mấy người bạn ở thành Thái Nguyên có thể tá túc yên ổn. Họ đi theo con đường lầy lội, xe cộ qua lại bùn đất bắn tung tóe lên người, họ biến thành hai pho tượng đất biết đi. Đến chỗ nghỉ, ngồi một lát toàn thân đầy vết nứt nẻ. Đó là vì mấy hôm trước trời mưa, nếu không mưa thì con đường lại ngầu bụi, họ lại giống như công nhân xay bột đang làm việc. Trên đường đi thiên hạ xảy ra đại loạn, họ đến Thái Nguyên bị sung vào lính. Giao Nhiễm theo đến nơi chẳng tiếp cận được với Hồng Phất, chán chường bỏ đi xứ Phù Tang. Câu chuyện ba người bỏ chạy khỏi Lạc Dương là như vậy. 

Đối với họ, cuộc sống vừa qua ở Lạc Dương đã kết thúc. Nhưng cuộc sống đã qua của mỗi người chẳng ai giống ai. Lý Tịnh không còn thấy những đường phố lầy lội, không còn được đến khu phố đầy bã rượu và mùi rượu để gặp Lý nhị nương xinh xắn nhanh nhẹn, cũng không còn thấy căn nhà của mình sặc sụa mùi nước tiểu. Vở kịch cũ hạ màn, vở kịch mới bắt đầu. Tuy nhiên ông vẫn lưu luyến với thành Lạc Dương vì ông chưa thắng trong cuộc chơi ở đó. Bất kể cuộc chơi nào, phải thắng một ván rồi bày ván khác, thế mới thú, chỉ có người thua mới hay lưu luyến ván trước. Nếu ông đỗ tiến sĩ, làm trưởng dự án rồi tham ô kinh phí (đỗ tiến sĩ để làm trưởng dự án, làm trưởng dự án để tham ô kinh phí) rồi kiếm cô vợ cành vàng lá ngọc, lúc ấy bỏ chạy thì sẽ thanh thản hơn. Lý Vệ công buộc phải rời thành Lạc Dương có cảm giác của một kẻ thua cuộc bị đào thải. Cho nên ông bước vào cuộc chơi mới với tâm trạng chán chường. Ông mau chóng quên mình chạy khỏi một tình trạng thế nào – sắp bị băm làm nhân bánh bao. Nếu ông nhớ thì ông sẽ không cặm cụi ra sức thiết kế thành Tràng An làm gì. 

Giao Nhiễm bước lõm bõm trong bùn, toàn thân lạnh buốt, nhớ món mì nóng ở Dương phủ. Khi làm môn khách của Dương Tố, hôm nào trời ẩm ướt lại được ăn mì nóng buổi tối. Ở đó ăn cơm rất có phép tắc, con gái ăn không được phát ra tiếng động vì có thể phải ngồi ăn với các bậc quý nhân, môn khách phải ăn xoàm xoạp để tỏ ra không phải quý nhân. Cho nên họ bị ví như đàn lợn, nhưng điều đó có gì là quan trọng, điều cốt yếu là được ăn thứ mình thèm. Khi bám theo Hồng Phất ông vừa đi vừa phân vân, không biết nên đi tiếp hay quay trở lại Dương phủ. Khi ở đó đã có lần ông muốn cướp nàng nhưng rồi thế nào lại quên mất. Giao Nhiễm bỏ Dương phủ có thể là do ghen, cũng có thể là do tuyệt vọng trong tình yêu. Dù thế nào, Giao Nhiễm mà cũng có thứ tình cảm mãnh liệt ấy thì thật kỳ lạ. 

Với Hồng Phất thì rời bỏ Lạc Dương có nghĩa là không còn thấy những con đường đá, những cây thông xanh tốt không có thân, không còn trở lại căn phòng đá, gội đầu trong chậu gỗ nơi góc phòng. Nhưng nàng chẳng một chút buồn. Chuyện ấy làm tôi nhớ hồi mười bảy tuổi đi lao động ở Vân Nam. Đối với bọn trẻ mười sáu mười bảy tuổi, lao động là một điều cơ cực vì có nghĩa là ăn không no, đau ốm không ai chăm sóc, không quen thung thổ vân vân. Đi không bao lâu đã chết một số. Dù sao trong một vài hoàn cảnh thì một số động vật có thể chết, điều đó quá khốc liệt đối với loài động vật đang sống. Nhưng chúng tôi không đi với tâm trạng buồn bã, chúng tôi hồ hởi nghĩ mình rời phương bắc đi về nam, về vùng nhiệt đới chắc sẽ có nhiều điều thú vị. Điều đó cho thấy chúng tôi còn trẻ lắm. Hồng Phất cũng thế, chẳng hơn chúng tôi mấy tuổi. Với cái tuổi ấy, rời khỏi một tòa thành ở đã lâu không phải là kết thúc cuộc chơi cũ để bắt đầu cuộc chơi mới, bởi vì đối với nàng cuộc chơi cũ cũng chưa bắt đầu. 



Phần này kể về Vệ công. Tôi đã nói, ông và tôi đều là nhà toán học nhưng khác nhau lắm. Ông sung sức lắm, sau khi rời khỏi Lạc Dương, ông chiến đấu trong quân đội nhà Đường, nổi tiếng hăng hái. Ông đứng trên xe tám ngựa vung cây đao răng sói vừa xông trận vừa hò hét. Mũi tên bắn trúng mặt bật ra, dao chém vào quằn dao, quân địch bỏ chạy kêu la: mặt dày quá! Không những thế trong lúc vào sinh ra tử, của quý của ông lúc nào cũng ngóc dậy để ra oai như một người tài nhưng là người tài giả vì của quý của ông là một cây sắt độn vào. Tôi thành thật hơn ông, mềm là mềm thật, cứng là cứng thật. Nếu bảo tôi là người tài cố nhiên là tốt nhưng không phải cũng chẳng sao, tôi không đóng giả. Oanh đọc đến đoạn này tru tréo lên: Em chê anh mềm bao giờ hả? Bao giờ? Nói đi! 

Mao Chủ tịch dạy chúng ta rằng, trên thế giới này đáng sợ là hai chữ nghiêm chỉnh, câu ấy có phần đúng. Oanh cãi nhau với tôi vì chữ cứng, làm tôi chẳng biết nói sao. Lý vệ công tỏ ra nghiêm chỉnh, lãnh đạo thấy ông đáng tin cậy giao cho trọng trách xây dựng đô thành, đúng điều ông hằng mơ ước. Về sau Giao Nhiễm biết được chuyện này, bảo: Làm trò ma mãnh không phải là có bản lĩnh. 

Sau khi làm trò ma mãnh để  lãnh đạo  tin dùng, Lý Vệ công bảo Hồng Phất: Coi như tôi đã tìm được bí quyết làm người rồi. Câu ấy không nói suông, sau khi tìm được bí quyết, Lý Tịnh thuận buồm xuôi gió, một mạch lên đến tước Vệ công, uy phong lẫy lừng, chỉ dưới một người mà trên vạn người. Bí quyết ấy là làm giả. Ra trận thì xăng xái, ngồi hội trường thì trịnh trọng hai mắt mở tròn như hai cái chuông đồng trong khi mọi người ngủ gà ngủ gật, chả trách được  lãnh đạo  tin dùng. Ông có một khoái cảm là lừa được mọi người, có thế ông mới kiên trì suốt mấy chục năm không ngơi một ngày. Về sau mới phát hiện, không phải ông chỉ giả hăng hái mà ông cũng là một tay giả bệnh giả chết siêu hạng. 

Khi xây dựng thành Tràng An, ông thể hiện bản chất ưa sáng tạo và trí tưởng tượng phong phú. Ông định xây dựng tại ven biển để lấy sức gió, nếu được phê chuẩn thì Tràng An sẽ có tầng tầng lớp lớp các tháp đá cao, trên đó dựng cánh quạt để lấy nước, xay bột, người trong thành đi đâu cũng đi bằng xe có buồm, chạy trên đường lát đá. Trong tháp còn đặt bánh xe đá lửa, tạo ánh sáng bằng ma sát. Có gió thì mọi người đi làm, không có gió thì đi ngủ, y như bây giờ có điện thì đi làm không có điện thì đi ngủ. Ông lại thích biển, ông sẽ đi bơi với Hồng Phất, phơi nắng cho da nâu. Nhưng phương án đó không được hoàng đế duyệt vì “đô thành của trẫm không phải là máy xay bột”, hoàng đế không thích biển, là hoàng đế mà trần như nhộng trên bãi biển thì chẳng ra sao, hơn nữa da nâu thì đẹp đẽ gì. Sau này ông định xây thành Tràng An trên sườn núi Nga Mi, ông sẽ dùng nước trên núi đổ xuống để phát điện. Thiết kế cũng không được duyệt vì hoàng đế không thích núi non, cây cỏ và “đô thành của trẫm không phải là đập nước”. Cuối cùng ông xin xây thành Tràng An bằng đất như mọi thành trì từ xưa đến nay thì hoàng đế đồng ý, lần này hoàng đế không nói “đô thành của trẫm không phải là chuồng lợn” mà nói “Lý ái khanh có cái đầu thông minh nhưng không biết dùng để làm gì”. Cũng có nghĩa là ông thông minh xuất chúng nhưng không biết mình là loại người thế nào. 

Ông và tôi đều là nhà toán học. Nhà toán học chân chính không bao giờ tin rằng mình là một thuật toán mà là người tìm cách đưa ra thuật toán. Như thế kinh tế hơn. Nếu không, một phương trình vi phân giản đơn, có lũy thừa khai căn thì phải dùng một tiểu đội người để biểu thị, một định lý phức tạp cần một trung đoàn, một cuốn sách giáo khoa cần một tập đoàn quân mới đủ diễn đạt. Nhưng điều đó không cản trở ông khi xây thành Tràng An, biến mỗi người thành một thuật toán, thí dụ: “ăn cơm – lao động – tuân lệnh”. Nhưng chính ông không chịu là một thuật toán,  lãnh đạo  cần ông là thuật toán nào thì ông là thuật toán đó. 



Xây thành Tràng An, Lý Vệ công tuân theo nguyên tắc vĩnh cửu. Nghĩa là thành không có khiếm khuyết. Qua vụ ông phá tan tành thành Lạc Dương, ông rút ra kết luận rằng mấu chốt của vấn đề là những con người sống trong đó không được nghĩ vẩn vơ. Cho nên ông thiết kế và xây dựng tòa thành toàn bằng đất và vuông chằn chặn. Điều này rất quan trọng, có dẫn chứng luận điểm của bậc tiên hiền – đại sư La Tố đã nói: Người Ai Cập cổ đần độn làm sao biết được trái đất tròn mà người Hy Lạp thông minh tuyệt vời lại không biết? Nguyên nhân là thế này: Vùng đất Ai Cập trơ trụi, nhìn bốn phía chẳng thấy một cái gì ngoài đường chân trời hình vòng cung, cho nên đầu óc ngu si. Người Hy Lạp nhìn xung quanh có biển có núi, phong cảnh đẹp như tranh cho nên đầu óc kỳ quặc, nhưng họ không nhìn thấy đường chân trời, họ tưởng trái đất là một cái sa bàn đặt trên lưng cá voi, cá quẫy sinh ra động đất. May mà người Phù Tang không biết, nếu biết thế họ đánh bắt con cá này đi rán lấy dầu thì không biết thế giới này chìm đến tận đâu. Lý Vệ công đọc hết sách đông tây, xây xong Tràng An, mọi người vào ở trong những căn nhà đất vuông chằn chặn, ai cũng đần độn ngu si, chẳng biết trái đất tròn. Thế là thành Tràng An được xây dựng trên một nền móng vững chắc. Chúng ta nhìn xung quanh thấy cái gì cũng vuông như cái hố phân, thế là tự nhiên sinh ra tật ỉa bậy đái bậy. 

Chúng ta nói thành Tràng An trông đần độn, không phải nói vu vơ, bởi vì chỉ có đất và sành sứ, chỉ có hai màu, không vàng thì xám. Người ta mặc quần áo cũng màu vàng đất, thậm chí không nhìn thấy người trước mặt, xô phải mới biết. Trong thành nhà nào cũng như nhà nào, bốn bức tường đất, một ô sân, một cái cổng lầu cao, bên trái là cái giếng, nơi múc nước ăn, bên phải là cái hố thấm, nơi đổ nước thải, nước chảy tuần hoàn không bao giờ cạn. Đứng bờ giếng nhìn vào, giữa màu vàng cứt thòi lên một đỉnh sành màu xám, đó là nhà chính, lúc không có việc gì thì chủ nhà ngồi đó, ông bên trái bà bên phải, đường trục của mảnh sân đi qua giữa vai phải ông và vai trái bà. Trong thành Tràng An nhà nào cũng như thế. Xây xong, không thấy gió, không thấy chim. Có một câu nói thuộc loại đầu đường xó chợ là: Người ở lâu trong thành Tràng An có lỗ đít vuông, ỉa cứt vuông. Nếu như thế thật thì có sao. Người ta kinh ngạc vì sự nghiêm chỉnh của tòa thành, nói Vệ công là thiên tài bẩm sinh. Nhưng tôi nghĩ, không phải thế, ông không phải là người tài thật sự. Ông giả vờ như tôi vậy. Về sau ông bị người ta phang một gậy thế là mất trí, người tài thật sự không thể bị phang một gậy là mất trí. Hoàng đế Ung Chính nhà Thanh nuôi một bọn đâm chém, thấy ai không vừa mắt là sai đi cho một nhát, người ta không chết nhưng chăm chỉ hơn, hàng đêm làm thêm ca đến bốn giờ sáng. Người như Ung Chính mới là người tài. 

Xây xong thành và nhà cửa cho Tràng An, Lý Vệ công đặt ra quy chế. Như trên đã nói, quy chế để đề phòng suy nghĩ, nhưng ông quên rằng đối tượng đề phòng phải bao gồm cả mình trong đó. Một hôm hoàng đế thấy lẫn vào trong công văn trình ký một hình vẽ thiết kế người đàn bà bằng gỗ, đang thắc mắc thì Lý Vệ công nhảy bổ vào xin lại vì để nhầm vào đó. Lý Vệ công còn viện cớ công việc nhiều để làm đôi giày có gắn băng trượt đi cho nhanh. Hoàng đế vẫn chịu đựng và bảo: Lý khanh tính tình sôi nổi thật đáng yêu! Nhưng không phải ngài đã yên tâm đâu. Theo vị thái giám rất gần hoàng đế nói thì hoàng đế đã có lần nói: Thằng Lý Tịnh lấy tiền đâu để chế tạo người gỗ? Tiền của trẫm chứ đâu! 

Hoàng đế không yên tâm cũng phải. Con người này thích khoa trương, đổi trắng thay đen, lại hay nghĩ vẩn vơ. Hai phương án Tràng An sức gió và Tràng An sức nước bị gạt bỏ nhưng ông không nản chí, vẫn tiếp tục thí nghiệm. Nhà ông có ba cái sa bàn lớn, có đề chữ: Tràng An sức gió, Tràng An sức nước và Tràng An sức người. Cư dân trong ba mô hình đó là kiến, trên lưng có dán chữ ghi rõ thân phận: kiến dân, kiến quan, có cả kiến hoàng đế. May mà nhà Đường đang trong thời khai quốc chứ không thì tội ấy bị tùng xẻo. Lý Tịnh biết rõ điều đó và còn cười nhăn nhở bảo: phải biết lách chứ. Kết quả thí nghiệm cho thấy kiến ở Tràng An sức gió và kiến ở Tràng An sức nước khá thông minh, còn kiến ở Tràng An sức người thì lù đù an phận. Kết quả này cho thấy hoàng đế thật sáng suốt, ngài biết tất cả những gì Lý Tịnh đang làm, biết cả Lý Tịnh rút ra được kết luận gì nhưng ngài chỉ nói một câu: Sự sáng suốt của trẫm đâu có cần hắn phải chứng minh! 



Thành Tràng An xây xong, vàng khè và vuông chằn chặn như miếng bánh ngô xắt ra và Lý Vệ công là quả táo tàu nằm trên đó. Lý Vệ công làm gì cũng tỏ ra sốt sắng. Có người hỏi tại sao phải làm vậy, ông bảo người làm công phải thế, phải chia sẻ sự lo toan của ông chủ. Nếu ai cũng như ông thì bây giờ trước khi bình bầu chức danh công chức chắc cơ quan phải vui lắm. 

Tôi nghĩ thiếu sót lớn nhất của tôi là không biết làm trò ma mãnh cho nên bây giờ vẫn mang bộ dạng thảm hại thế này. Chứng minh được định lý Fermat mà chẳng biết đường công bố. Tôi có thể bảo tôi chứng minh ra, nhưng nếu thế thì phải kèm câu chuyện, kể tại sao mình chứng minh ra, cũng chẳng cần ly kỳ lắm đâu. Nếu tôi bảo muốn chen vai trong sự nghiệp toán học vì danh dự Tổ quốc, thì ghê gớm quá. Trong óc đặc sệt những ý nghĩ cao thượng thì còn chỗ nào để nghĩ đến toán nữa? Cuối cùng tôi vẫn phải viết ra, mình đã làm thế nào để chứng minh được định lý đó. Nếu là hai năm trước đây thì không phải suy nghĩ gì nhiều, bởi vì tôi sẽ phải nói rằng tôi đã đọc điều nào đó trong lời dạy của Mao Chủ tịch cho nên đầu óc sáng láng ra, vân vân. Thực tế động cơ của tôi chứng minh định lý là để khẳng định mình và tôi chứng minh nó trên rốn của Oanh. Nhưng ai mà dám nói thế. Cuối cùng phải nhờ đến thằng Berkeley. Fermat cũng chẳng chứng minh được định lý của mình mà tên tuổi vẫn lừng lẫy, cũng là vì ông ta làm trò ma mãnh. 

Bây giờ nói làm trò ma mãnh nghĩa là thế nào. Theo tôi (xin nhắc lại: theo tôi), định lý quan trọng nhất trên đời này là: Phàm biết đi hai chân, biết nói một ngôn ngữ thì là con người, bất kể trắng đen hay vàng; đói thì muốn ăn, buồn ngủ thì muốn ngủ, trước khi giao hợp thì cứng, sau đó thì mềm. Và còn hàng loạt đặc trưng quan trọng, thí dụ nghe báo cáo thì ngái ngủ, ngái ngủ thì nghĩ vẩn vơ. Những đặc trưng đó không thay đổi được, ai bảo mình không thế thì người đó đang làm trò ma mãnh. Từ đó lại đẻ ra một định lý quan trọng thứ hai: Ngay từ khi có loài người thì đã có các trò ma mãnh. Tất nhiên, lúc đầu là muốn kiếm chác, về sau không kiếm chác được gì cũng làm trò ma mãnh, điều đó mới thật khó giải thích. Nhưng định lý ấy của tôi không tính Giao Nhiễm vào vì ông là người rất khó đoán. 

Thành Tràng An không một phiến đá, không một ngọn cỏ, không một vũng nước, mặt đường rất rộng lúc nào cũng có vết chổi quét. Người đi trên phố rảo chân theo người trước hoặc bước chậm lại chờ người sau cho thành tốp để đi đều. Có người ra khỏi cửa định đi thăm bạn, thấy có người đi thế là đi theo khắp thành, tối đến mệt quá thất thểu về nhà, quên béng cả việc thăm bạn. Tràng An vừa xây xong, có đến hai phần ba là lính phục viên cho nên đi đều, quay trái, quay phải rất thành thạo. 

Trong thành có Lầu Chuông và Lầu Trống. Lầu Chuông có một người lính già đi vòng quanh, đi một vòng mất một phút, cứ đi đủ sáu mươi vòng thì ông lại gõ một tiếng chuông. Khi thành mới xây xong, chuông gõ chính xác hơn cả Big Bell của nước Anh. Qua vài năm người lính già bị sưng mắt cá chân đi chậm lại, mỗi ngày chậm mất hai tiếng. Giờ giấc ở Tràng An bắt đầu lộn xộn. Vài năm sau, ông già tội nghiệp lại thêm bệnh thống phong, thế là mỗi ngày đồng hồ chậm hai mươi bốn tiếng. Vậy là Tràng An có hai hệ thống giờ, giờ công và giờ mặt trời. Một giờ người ta có thể đi hai mươi dặm hoặc mười dặm là tùy thuộc anh tính theo giờ nào. Hỏi tuổi bà trung niên, bà bảo hai mươi tuổi, bạn hiểu đó là tuổi công. Hỏi một ông cụ thọ bao nhiêu, ông bảo bảy mươi, đó là tuổi mặt trời. Cách tính ngày giờ như thế thì rối như canh hẹ. Mãi đến khi đồng hồ chậm bảy mươi hai tiếng mỗi ngày thì người ta mới loại bỏ giờ công. Khi ấy người lính già đã bán thân bất toại nhưng vẫn xiêu xiêu vẹo vẹo đi vòng quanh, may mà bây giờ ông gõ chuông yếu lắm, chỉ ở trong lầu nghe được thôi. 

Còn chuyện Lầu Trống thì thế này: Trong lầu có một cái trống to, một người đánh trống để dân chúng toàn thành đi theo nhịp. Công việc cực kỳ mệt nhọc, phải có một tốp trai tráng luân phiên nhau đánh trống, công việc khô khan, về sau một số tay trống bị suy sụp tinh thần, gõ thêm các nhịp phụ chẳng đâu vào đâu, làm cho mọi người khi thì múa ương ca khi thì nhảy  disco  . Thế là bỏ chế độ đánh trống, ai muốn đi kiểu gì thì đi. May mà hầu hết dân vốn là lính già đang sống lay lắt thấy đi đều bước cũng mệt, chẳng thắc mắc gì. 

Hồi đầu ai nhặt được tiền đồng cũng nộp  lãnh đạo  , nhưng  lãnh đạo  không có cách gì để trả lại người mất. Điều đáng tiếc là chẳng ai tham của rơi nhưng tổng số tiền đồng cũng không tăng lên, ai cũng nghèo như trước. Đã nghèo thì càng ít rơi tiền. Về sau  lãnh đạo  quy định, mỗi đồng tiền qua một lần rơi và nộp lại sẽ đóng một dấu, tính thành hai đồng. Thế là người ta cố tình đánh rơi, chẳng mấy chốc tiền của Tràng An in đầy dấu, gây nên lạm phát, bất kể có hay không có dấu đều chẳng đáng một xu. Số việc tốt không tham của rơi tăng vọt. Nhưng về sau thấy không có tiền đồng cũng bất tiện thế là bỏ chế độ đóng dấu. 



Chuyện của Tràng An sức người mới kể một nửa. Ở đây không có núi không có biển, nhưng có nhiều miệng ăn cho nên cần dân cửu vạn ra bờ sông Hoàng Hà vác gạo. Trên vai mỗi người xiên vào thịt một khuyên sắt rồi luồn dây xâu lại năm mươi người một đội. Những bao gạo đặt trên vai họ, dài đến mười trượng, mỗi đội cõng mấy vạn cân. Họ như những con rết khổng lồ quanh năm suốt tháng bò qua bò lại giữa bến sông và nhà kho. Lâu ngày người họ biến dạng, chẳng còn thịt, chỉ có bắp chân, hai tay không dùng đến teo lại như cánh gà, chân bưng bát cơm rất thành thạo. Lúa về phải phơi rồi mới vào kho, lại một tốp người tay cầm cào gỗ để đảo lúa, công việc cũng cực kỳ bận rộn lâu ngày thân hình họ cũng biến dạng: tay rất to, chân teo lại, ra đường ngã lộn nhào. Còn dân ngoại thành trồng rau cung cấp cho dân trong thành thì người cân đối, họ được phát mỗi người một dây lưng to thắt cho chặt để ăn ít làm nhiều, dần dà thân hình họ trở nên rất khêu gợi, ai nhìn cũng thấy tim đập thình thình, một số người bỏ ruộng rau vào thành làm đĩ đực. 

Vệ công xây xong thành khoái chí lắm. Ông tự cho đây là phát minh vĩ đại nhất trong đời bèn đề nghị hoàng đế cho đổi tên Tràng An thành “Tân Lạc Dương”. Hoàng đế nghe cười khẩy: Lý khanh, đô thành của trẫm mang cái tên vớ vẩn ấy không hay đâu. Nhưng đang cơn hứng chí, ông tiếp tục nói lý do – nhiều năm trước ông cùng Hồng Phất trốn khỏi Lạc Dương đến đây, đã quyết tâm xây một tòa thành lớn vân vân, cho nên lấy tên đó để làm kỷ niệm, nói chán rồi mới biết hoàng đế đi đâu mất từ bao giờ. Hoàng đế thấy hai con sâu bọ đáng thương này đang chơi một trò kỳ quặc. Dù sao ngài cũng là hoàng đế, vậy mà Lý Vệ công quên mất, bất hạnh là ở chỗ đó. Buổi tối lúc ra về vừa bước ra khỏi cửa, từ bên đường nhảy ra một người mặc áo đen chém ông một nhát vào mũ sắt tóe lửa, ông ngớ người ra, thế rồi ông rút dao ra, tên vệ sĩ đứng đằng sau ngăn lại. Vệ công hét: Có người chém ta, bắt lấy nó! Vệ vĩ cười: Có đâu! Ông thoáng thấy người mặc áo đen chạy đằng trước, ông lao theo hô bắt nhưng chẳng ai động đậy. Quay trở lại đã thấy tên vệ sĩ đang vung vẩy đôi tay đi đằng xa. Ông giật mình nghĩ, đây là chuyện nghiêm trọng, sáng nay ăn nói lăng nhăng với hoàng đế, phạm sai lầm lớn rồi. Tràng An là đô thành của hoàng đế, đâu phải là Tân Lạc Dương của ông. Ông lập tức về nhà viết đơn từ chức, hoàng thượng không phê chuẩn. Mấy hôm sau ông đổ bệnh. Dù sao đây cũng là một tổn thất lớn, đâu phải dễ tìm được một người thông minh như Vệ công. Còn Giao Nhiễm ở xứ Phù Tang nghe tin bèn nói: Một kẻ khôn vặt như thế mà ở nơi tôn nghiêm thì chứng tỏ nhà Đường hết người rồi. Sau này Giao Nhiễm sống đến hai trăm tuổi, hồi trên một trăm năm mươi tuổi còn làm cho phụ nữ có thai. Ông thống trị Phù Tang hơn trăm năm, đâu chỉ là người tài trăm tuổi bình thường, nhưng những thái tử thái tôn của ông thì không ra làm sao. Bầy trẻ có dòng máu lai đó đọc điển tích Trung Hoa chẳng nhớ được gì ngoài một câu trong “Luận ngữ”: lão nhi bất tử thị vi tặc   (   [6]  )  . 

Chuyện của Vệ công còn phức tạp hơn rất nhiều so với những điều đã kể ra đây, nó đụng đến một số mặt cơ bản trong cuộc sống, tạm thời chưa nói cho đầy đủ được. Bây giờ ta tạm thời lý giải sự kiện này một cách đơn giản nhất: Lý Vệ công xây thành Tràng An ví như James Watt phát minh ra máy hơi nước. Qua bao ngày đêm vất vả, cuối cùng đã chế tạo thành công, máy chạy ngon lành, không nổ vỡ cũng không rò khí. Ông sướng quá chạy ra phố nhảy nhót hát hò gặp ai cũng ôm hôn, kết quả bị cảnh sát nện cho một gậy. Cú đánh chẳng ảnh hưởng gì đến việc công bố, bởi vì máy đã làm ra rồi, nhưng máy chạy bằng dầu cho nên phải đến khi mỏ đầu được khai thác mới sử dụng, cho nên đánh thì cứ đánh chẳng mất gì. Nhưng chém Vệ công một nhát thì sớm quá. Khi ấy ông đang soạn sách giáo khoa cho lớp một, đã xong bốn cuốn: “Hoàng đế vạn tuế”, “Hoàng hậu vạn tuế”, “Vương gia thiên tuế”, “Vương phi thiên tuế”. Nếu có thời gian ông viết xong toàn bộ thì về căn bản chống được thói suy nghĩ lung tung của người ta. Ngoài ra ông còn hăng hái làm rất nhiều việc khác nữa. Nếu hoàn thành toàn bộ thì mọi người không cần phải nghĩ nữa, không nghĩ tức là không vớ vẩn nữa. 

Muốn đề phòng người ta suy nghĩ lung tung thì phải đặt ra quy chế. Người đặt ra quy chế phải là người giỏi suy nghĩ lung tung nhất. Lý Vệ công là ứng viên sáng giá nhất. Có một thời gian ông hùng hục làm, ai ngờ sau đó thay đổi, suốt ngày ông mắt nhắm mắt mở, chẳng thiết gì đến thành Tràng An nữa. Tòa thành chẳng ai trông nom, cỏ dại mọc đầy. Ai cũng lấn sân ra phía ngoài, đường bị hẹp lại. Đất chật, người ta làm nhà cao tầng, trong ngõ người ta tự ý lát đá. Nhiều người nghĩ rằng tình trạng lộn xộn đó chỉ cần ông để mắt tới là chấm dứt ngay. 

Người cứu vãn thành Tràng An lại chính là hoàng đế. Ai cũng biết khi Lý Tịnh cương cứng lên lòi ra cả ngoài quần là lúc ông làm việc hăng hái nhất, kể cả ngày xưa khi ra trận đánh nhau, ngoài Hồng Phất ra chẳng ai biết ông làm trò ma mãnh, độn sắt vào đó. Hoàng thượng đọc sách thuốc rồi kê thuốc cho Lý Tịnh. Ngài chế ra rượu bổ “Chí bảo tam tiện tửu”, sách thuốc gọi dương v*t là  tiện  , dân dã gọi là  pín.  Ngài làm ra nhưng không uống, trong đó ngoài những vị thuốc bổ dương như hải mã, nhung hươu, còn ngâm  pín  của các loại động vật như hươu, hổ, voi. Ngài sai thái giám mang đến cho Vệ công, rót ra bát, phải chờ Vệ công uống xong mới về. Vệ công thấy trong bình rượu ngâm nguyên cả một cái  pín  của con tinh tinh, y hệt của người, rượu đỏ nhờ nhờ như máu, có vị nước rửa thịt ướp cộng thêm mùi khai. Cố uống hết một bát, ruột gan lộn tùng phèo, mặt nhợt nhạt. Thái giám đi rồi ông nôn ra mật xanh mật vàng. Chưa đến mười phút sau thì ông đã giống như một cái xác, chân tay lạnh ngắt. Đến nước ấy rồi mà ông không được Hồng Phất an ủi, nàng rỉa rói: Ai bảo ông thích làm trò ma mãnh! 

Mọi người đổ hết tội cho Hồng Phất, nói nàng cho ông ăn uống không tốt. Hoàng đế nói: “Thằng ranh này còn được việc, chưa nên cho một nhát”. Nhưng không ai nghe thấy câu nói đó. Ngài cho người tiếp quản nhà bếp của Vệ công, từ đó cho ông ăn toàn món cứng cáp, thịt thì có nhiều xương, măng tre thay rau, món thường ngày là đùi gà rán, chân giò lợn thui, cơm nấu cứng như gạo sống, thỉnh thoảng được ăn mì, nhai như nhai dây thép, ông không nuốt nổi, thế là được đổi sang bánh nướng, cứng như đế giày. 



Khi không còn sự quản lý của Vệ công, thành Tràng An xấu đi nghiêm trọng, mặt đường gồ ghề, hai bên đường mọc lên các dãy cửa hàng bằng gỗ nhem nhuốc dầu mỡ. Mái nhà hai bên đường hầu như chạm sang nhau, đường đi trở nên tối tăm. Nếu có vụ cháy thì chắc sẽ thiêu rụi nửa thành. Thỉnh thoảng có cô gái điếm váy ngắn để lộ cặp đùi nuột nà đi qua, trông sướng mắt. Thời Vệ công quản lý, ông quy định con gái nhà lành phải mặc ba lớp váy, chiếc ngoài cùng dài chấm đất; gái làng chơi phải mặc sáu lớp váy, chiếc nào cũng dài sát đất. Ai mặc thiếu hoặc thừa bị lôi đến nha môn đánh đòn, trước khi đánh phải dùng nam châm thử xem mông đít có lót sắt không. Có cửa hàng quần áo may váy có nhiều lớp dưới gấu trông như mặc nhiều váy, thực ra chỉ có một, có cửa hàng may cả ngăn để gỗ lót đít, dùng gỗ thì nam châm không phát hiện ra. Vệ công quy định, nếu gặp trường hợp đó phải đánh mạnh gấp ba cho nát cả gỗ ra, nhưng nha dịch kêu đói không đánh được vì định suất lương thực vẫn thế. Sau này ở Bắc Kinh cũng có định suất lương thực cho từng nghề, nha sĩ thường cầm kìm bẻ răng có định suất bằng thợ nguội, nhạc công thổi kèn có định suất bằng thợ thổi thủy tinh, quy định vô cùng hợp lý. 

Sau khi Vệ công ốm thậm chí chết rồi thì những quy chế ông đặt ra vẫn làm mọi chuyện rối tinh rối mù. Thí dụ Hồng Phất muốn tự sát phải qua bao nhiêu cấp phê chuẩn như đã nói ở trên. Hoàng đế cử Ngụy phu nhân xuống chỉ đạo việc này. Để khi chết trông nàng đẹp hơn, người ta treo ngược nàng, vừa xong xuôi thì có người đến tìm. Người ta phải gỡ nàng xuống dẫn ra thì thấy một ông già hom hem, từ tòa thị chính hay đâu đó đến, nghiêm chỉnh nói với nàng: theo quy định của Vệ công đã được hoàng đế phê chuẩn thì quả phụ tuẫn tiết bản ty xin gửi phúc lợi. Hồng Phất ký nhận, cảm ơn! Quy chế là như vậy. Cô Oanh ở thư viện, mỗi tháng lĩnh hai đôi bọc ống tay áo, mang về làm khăn lau. Phúc lợi là cứ phát, dùng hay không thì tùy. Gạo để mốc vàng như ngô mới phát, đó là phúc lợi, cá mắm để không biết bao nhiêu năm, loang lổ xanh xanh vàng vàng sặc mùi dầu cặn mới phát, đó là phúc lợi, một chiếc quan tài gỗ liễu, mỏng đến mức gần như trong suốt, đó là phúc lợi. Hồng Phất vừa ký vừa chửi: Lão già chết thảnh thơi gớm (chửi Vệ công). Bà Ngụy lấy cho tôi cái đệm. Bà Ngụy hỏi lấy đệm làm gì? Nàng bảo: Tiên sư nó, để tôi quỳ tạ ơn! Sau đó nàng quay vào phòng. Khi đang bị treo ngược, nàng bảo: Bà Ngụy, chắc phải dùng ròng rọc. Trong tư thế bị treo ngược đầu xuống đất nàng nói: Thằng già Lý Tịnh tự đi tìm cái chết để bà phải vạ lây. Theo nàng thì Lý Tịnh đã suy nghĩ lung tung thì chớ lại còn làm trò ma mãnh. Khi nghe những lời này, hoàng đế biện hộ rằng: Trẫm biết thừa nó là thằng suy nghĩ lung tung, nhưng hiện nay ta đang sử dụng nó! Câu nói ấy có nghĩa là: Làm trò ma mãnh trước  lãnh đạo  là vô ích. Mọi mánh khôn vặt của Lý Vệ công  lãnh đạo  đã biết tỏng rồi, ông phải trả giá cho sự thiếu thành thật, nhưng bây giờ chưa phải lúc. Là một quần chúng, tôi không tin lời lãnh đạo, họ bịa ra để dọa chúng ta thôi. 

Tôi viết xong về Vệ công mà chẳng biết đánh giá ông thế nào, cũng như tôi đã bốn mươi tuổi tôi cũng chưa biết tự đánh giá mình thế nào. Mười lăm tuổi học hình học phẳng, lấy “Nguyên lý hình học” làm sách giáo khoa, lấy “Từ điển hình học” làm sách bài tập – ngồi một mình trong phòng cắn bút trước một cuốn sách. Thế thì cũng giống Lý Vệ công. Cùng có trải nghiệm như nhau nhưng tôi không hiểu ông. Ông thích diễn kịch, sống trên đời như một diễn viên. Điều ấy tôi không bao giờ bắt chước được. Trên đời này không gì lợi hơn là sống như một diễn viên và cũng không gì nguy hiểm hơn là sống như một diễn viên.