Mặc kệ bà khóc lóc thế nào thì cháu trai bà cũng trả lại hai chữ: Không cưới!
Hôm sau bà mối đến nhà họ Triệu nghe ngóng tin tức, vừa nhìn thấy vẻ mặt như mướp đắng của bà Triệu, bà mối liền biết chuyện không được rồi.
Bà mối nghĩ thầm: Đúng là xúi quẩy, ăn được tiền mừng nhà họ Triệu thật khó mà!
Không kiếm được tiền mừng, còn phải chạy tới chạy lui vất vả, đúng lúc bà Triệu mời bà mối vào nhà uống trà, bà mối cũng không khách sáo nữa. Bà vừa uống trà ăn hạt dưa vừa nghe bà Triệu phàn nàn quan gia Triệu. Bà Triệu nói bao nhiêu chuyện thì bà mối nhổ bấy nhiêu vỏ.
“Bà nói xem tôi tạo cái nghiệt gì mà lại có một thằng cháu bướng bỉnh như vậy chứ?”
Oán giận xong, bà Triệu tức giận xoa xoa ngực.
Bà mối am hiểu chuyện nghe ngóng tin tức nhất, người khác không biết tình huống nhà họ Triệu nhưng bà mối biết.
Bà Triệu tạo nghiệt gì à? Nghiệt duy nhất chính là năm đó nhà nghèo, vì muốn nuôi cả nhà con trai thứ hai, bà đã giữ cháu trai Triệu Yến Bình và cháu gái Triệu Hương Vân lại, sau đó gả con dâu cả xinh đẹp mất chồng cho lão viên ngoại làm vợ kế, bà thì lấy hết tiền sính lễ. Tuy nhiên về sau tiền sính lễ bị nhà con trai thứ hai lấy đi buôn bán lỗ nặng, trong thời khắc gấp gáp xoay tiền, nhà họ Triệu lại xảy ra một chuyện.
Em gái ruột Triệu Hương Vân của Triệu Yến Bình mất tích.
Sau khi Triệu Hương Vân mất tích, cậu hai và mợ hai lại kiếm được một số bạc không rõ lai lịch rồi thuận lợi vượt qua nguy cơ.
Thôn dân đều nói cậu hai và mợ hai hợp sức bán cháu gái Triệu Hương Vân đi rồi, nhưng bà Triệu vẫn còn sống, rốt cuộc bà có cho phép hai người kia bán cháu gái Triệu Hương Vân hay không?
Chuyện bí ẩn này chỉ có bà Triệu và con trai thứ hai, con dâu thứ hai biết, người ngoài không thể nào biết được.
Năm đó Triệu Yến Bình mới 9 tuổi nhưng hắn đã hiểu chuyện, đoán được chuyện em gái mất tích có quan hệ với cậu hai và mợ hai, chàng trai bé nhỏ hận đến mức đỏ ngầu mắt. Hắn đến tìm cậu và mợ hai nhưng không gặp được người, đêm đó Triệu Yến Bình châm lửa đốt nhà cậu mợ, may mà có người phát hiện ngăn cản kịp thời nên không gây chết người, nhưng từ đó hai phòng cắt đứt liên hệ.
Nhà con trai thứ hai náo loạn muốn phân nhà, bà Triệu mắng con trai nhỏ và con dâu nhỏ một trận. Cuối cùng bà quay ra nuôi dưỡng cháu trai Triệu Yến Bình một mình.
Chuyện xưa chạy chậm trong đầu bà mối, bà mối hoàn hồn lại thì nghe thấy bà Triệu đang nhờ bà chỉ cách thuyết phục quan gia Triệu đồng ý lấy vợ.
Người làm bà nội còn không thuyết phục được thì bà mối có cách gì chứ? Nếu quan gia Triệu muốn lấy vợ, bà nhất định chọn một người trong sạch, môn đăng hộ đối cho hắn. Nhưng quan gia Triệu lại không muốn lấy vợ, chẳng nhẽ bà có thể trói hắn lại rồi ném người vào động phòng sao?
Bà mối ăn no hạt dưa chuẩn bị đi về nhưng bà Triệu cứ giữ bà lại nhờ bà hỗ trợ. Bà mối nghĩ nghĩ, sau đó liếc mắt ra hiệu cho bà Triệu.
Bà Triệu thấy thế thì lập tức đuổi Thúy Nương đang đứng nghe ra ngoài.
“Bà mau nói cho tôi biết đi, bà có biện pháp gì?” Sau khi Thúy Nương rời khỏi đây, bà Triệu vội vàng hỏi bà mối.
Bà mối ho khan một cái rồi nhỏ giọng nói: “Chị đừng trách tôi đa nghi, thật sự tôi làm bà mối hơn 30 năm rồi, tôi chỉ thấy đàn ông nóng lòng muốn lấy vợ chứ chưa thấy người nào không muốn lấy vợ cả. Tôi càng nghĩ càng muốn hỏi chị, chị nhớ kỹ lại xem từ nhỏ đến lớn quan gia Triệu có thích nhìn mấy cô gái đi trên đường hoặc thích tụ tập với mấy thanh niên trẻ tuổi không?”
Bà Triệu không hiểu nhìn bà mối, sao lại kéo đến chuyện thanh niên trẻ tuổi rồi?
Bà mối uyển chuyển nhắc nhở bà: “Chị không biết rồi, trong thanh lâu ngoại trừ kỹ nữ, còn có nam quan…”
Sắc mặt bà Triệu lập tức thay đổi!
Bà mối kịp thời hạ bậc thang cho bà: “Xin lỗi chị, do tôi lo lắng quá thôi. Sao quan gia Triệu có thể là người như thế được, có lẽ trong nha môn có nhiều án quá, quan gia Triệu một lòng đền đáp triều đình nên chưa muốn thành thân. Chị đừng nóng vội, chờ một thời gian nữa xem, chờ án trong nha môn giải quyết xong thì quan gia Triệu sẽ đến tìm chị làm chủ hôn thôi. Thôi tôi còn phải về nhà họ Chu truyền lời cho họ nữa, ngày khác tôi lại đến chỗ chị uống trà!”
Sợ bà Triệu quay ra chửi mình, chân bà mối giống như bôi dầu vừng, bà vội vàng chào tạm biệt đi về.
Bà Triệu thật sự muốn mắng bà mối nhưng vừa nghĩ đến chuyện cháu trai nhà mình có khả năng thích thanh niên trẻ tuổi thì trái tim bà Triệu lạnh muốn đóng băng. Lúc này bà làm gì còn thời gian mắng bà mối nữa chứ.
Bà Triệu ngồi trên ghế mây rồi bắt đầu nhớ lại cháu trai từ lúc 2,3 tuổi.
Bà Triệu tin chắc cháu trai của mình tuyệt đối không trộn lẫn với đám thanh niên trẻ tuổi trong thôn, nhưng bà Triệu càng chắc chắn cháu của bà không nhìn cô gái xinh đẹp nhà ai bao giờ cả. Lúc chưa làm bộ đầu, hắn đều vùi đầu trồng trọt hoặc đi đốn củi bán kiếm tiền, tính cách thì im lìm như cái hồ lô. Về sau trời xui đất khiến làm bộ khoái rồi thăng chức lên làm bộ đầu, trong mắt cháu trai bà chỉ có mấy cuộn tre ghi bản án, đừng nói phụ nữ, ngay cả con gà trong nhà cũng không thu hút được ánh mắt của cháu trai bà.
Đương nhiên có khả năng cháu trai chỉ đang tỏ vẻ trước mặt bà thôi, có lẽ ở những nơi bà không thấy, cháu trai bà…
Nhìn lén con gái là chuyện không thể nào, chẳng lẽ cháu trai bà thật sự đi tìm thanh niên trẻ tuổi sao?
Bà Triệu càng nghĩ càng nóng lòng, càng nghĩ càng sầu, đột nhiên bà vỗ đùi rồi gọi anh trai Quách Hưng của Thúy Nương vào.
Năm nay Quách Hưng 16 tuổi, hắn được Triệu Yến Bình sắp xếp công việc trông coi nhà cửa.
Em gái Thúy Nương không thông minh lắm, còn Quách Hưng thì rất biết nhìn sắc mặt người khác, miệng của hắn cũng ngọt, hắn nói đến mức bà Triệu rất hiếm khi mắng hắn.
“Lão thái thái, ngài gọi cháu có việc gì ạ?” Quách Hưng khom người đi đến trước mặt bà Triệu, vẻ mặt cực kỳ cung kính.
Bà Triệu đi ra cửa, bà thấy Thúy Nương đang bận rộn trong phòng bếp thì hạ giọng phân phó Quách Hưng: “Bây giờ cháu đến cửa nha môn trông coi, cận thận đừng để quan gia nhìn thấy, sau đó cháu không cần làm gì cả, chỉ cần thay ta xem hôm nay quan gia đi làm cùng ai, trong những người đó có người nào trẻ tuổi hay không.”
Việc này quá lạ, Quách Hưng nhìn lão thái thái, hắn ngứa ngáy hỏi một câu: “Lão thái thái bảo cháu nhìn chằm chằm chuyện này để làm gì ạ?”
Bà Triệu lập tức trừng mắt giống như con cọp cái mắng to: “Bảo mày làm thì mày làm đi, bớt đi mấy câu cũng không ai coi mày là người câm đâu!”
Quách Hưng co rụt cổ lại, hắn chạy đi làm việc luôn.
Bà Triệu để Quách Hưng đi theo dõi ba ngày liên tục, cuối cùng thật sự để Quách Hưng phát hiện ra một chuyện!
“Lão thái thái, quan gia thường lui tới với mấy bộ khoái, những bộ khoái kia đều bình thường, không có ai đẹp trai cả. Chỉ có tri huyện của chúng ta rất đẹp trai, môi hồng răng trắng, vừa nhìn khí chất kia liền biết là con nhà quan. Ngài thường gọi quan gia nhà ta đi phá án, mấy cô gái và phụ nữ có chồng đi trên đường đều nhìn chằm chằm hai người họ.”
Tri huyện?
Lòng bà Triệu lạnh lẽo, bà chưa từng thấy tri huyện mới, nhưng cháu trai từng nhắc tới hắn. Hắn nói tri huyện Tạ là một vị quan tốt, trong lòng ngài luôn chứa dân chúng, tất cả đều là lời khen hay. Mà không riêng gì việc cháu trai khen ngợi tri huyện Tạ, hàng xóm láng giềng nói chuyện phiếm với nhau đều bảo vị tri huyện họ Tạ kia cũng thưởng thức cháu trai bà!
Bà Triệu càng nghĩ càng thấy bà mối đoán đúng, cháu trai bà thật sự thích đàn ông!
Bà Triệu thở không ra hơi, hơn nửa ngày sau bà vẫn nằm trên giường than thở.
Làm sao bây giờ, làm sao bây giờ? Cả dòng họ chỉ cả đứa cháu trai độc đinh này, nếu cháu trai cứ tiếp tục bướng bỉnh thì dòng dõi chi cả sẽ đứt mất!
Bà Triệu không thể nào tiếp nhận được!
Tối nay cháu trai trở về, bà phải đánh hắn một trận rồi bắt hắn ngoan ngoãn lấy vợ.
Bà Triệu quyết định xong, nhưng nghĩ một lát bà lại dao động.
Cháu trai chịu chăm sóc bà nhưng bà biết cháu trai vẫn còn nhớ chuyện bà bảo mẹ của hắn tái giá. Ngoại trừ việc cung cấp ăn và mặc cho bà, thỉnh thoảng cháu trai sẽ dỗ bà lúc bà bệnh, còn lúc bình thường hắn đều lạnh như băng. Hắn cũng ít khi nói chuyện với bà, huống chi là thổ lộ tâm tình. Nếu cháu trai thật sự thích đàn ông mà đột nhiên bà vạch trần việc này, cháu trai xấu hổ đến mức lục đục với bà thì làm sao bây giờ?
Bà Triệu không thể chịu đựng được hậu quả đó.
Vợ chồng con thứ hai đều là đồ xấu xa độc ác, nếu cháu trai không chăm sóc bà, đôi vợ chồng kia sẽ đón bà về nhưng hai đứa nó sẽ không cho bà sắc mặt tốt.
Không thể trực tiếp hỏi cháu trai, cũng không thể thuyết phục cháu trai lấy vợ…
Bà Triệu sầu đến mức muốn bốc hỏa, cháu trai về nhà, bà còn phải giấu chuyện bà đã biết bí mật không thể để người khác biết của cháu trai.
Một buổi chiều hoàng hôn, bà Triệu đang ngồi trong phòng phát sầu thì đột nhiên nhà sát vách truyền đến tiếng cãi vã kịch liệt.
“Chu Sưởng, ông có còn là người hay không hả? Đây là con trai của ông đấy, ông chưa hỏi rõ chuyện đã đánh thằng bé rồi, rốt cuộc trái tim ông lệch đến đâu rồi hả?”
“Bà ồn ào cái gì? Nói nhỏ chút…”
“Tôi không nói nhỏ đấy! Nó nói Thời Dụ bắt nạt nó, nó có chứng cứ không? Tôi thấy nó câu dẫn con trai tôi mới đúng! Ông nhìn dáng vẻ lẳng lơ kia đi, con gái từ trong kỹ viện ra thì đứng đắn thế nào chứ, chỉ có ông thương nó thôi, bên ngoài đều truyền ầm chuyện xấu của nó ra rồi! Một ngày là kỹ nữ thì cả đời là kỹ nữ, tôi thấy nó biết mình không gả được nên cố ý lợi dụng Thời Dụ của chúng ta, sau đó buộc ông làm chủ cho nó đấy!”
“Bà câm miệng lại cho tôi!”
“Ông đánh đi, có bản lĩnh thì ông đánh chết tôi đi. Dù sao ông cũng muốn bỏ tôi để lấy người mới lâu rồi, bây giờ ông đánh chết tôi luôn đi!”
Tiếp theo là một trận khóc lóc om sòm không ngừng nghỉ, chờ bà Triệu ra ngoài sân để nghe rõ hơn thì bên sát vách không còn tiếng gì nữa.
“Lão thái thái, vợ tú tài đang mắng chị A Kiều sao?”
Thúy Nương đi đến cạnh bà Triệu, cô nhíu mày vô cùng tức giận: “Bà ta ngậm máu phun người! Chị A Kiều không phải loại người như vậy, Chu Thời Dụ vừa lùn vừa xấu, mặt mũi thì đầy mụn, người không sạch sẽ, vỏ chăn bẩn muốn chết, sao chị A Kiều lại câu dẫn hắn chứ? Anh trai cháu mạnh hơn hắn nhiều!”
Sao bà Triệu không hiểu tình huống của nhà họ Chu chứ?
Chu Sưởng là một tú tài già không có triển vọng, một bên thì oán hận Kim thị bán cháu gái mình, một bên lại vì hai đứa con mà không đành lòng bỏ Kim thị. Kim thị và đứa con gái Chu Song Song đều là người ham món lợi nhỏ, mềm nắn rắn buông. Rõ ràng bà ta có lỗi với A Kiều nhưng càng ngày càng quá đáng hơn, suốt ngày bà ta đi bắt nạt một đứa bé gái mồ côi.
Về phần anh họ Chu Thời Dụ của A Kiều thì sao? Vóc dáng vừa thấp vừa gầy giống hệt Kim thị, gương mặt cũng tạm được, nhưng gần đây trên mặt hắn lại xuất hiện đầy mụn, ngay cả Thúy Nương còn chướng mắt thì một cô gái xinh đẹp trong truyền thuyết như A Kiều sao phải đi câu dẫn hắn? Chắc chắn là Chu Thời Dụ ham mê sắc đẹp của A Kiều nên muốn động tay động chân, nhưng bị A Kiều tố cáo trước mặt Chu Sưởng.
“Được rồi, mau đi nấu cơm đi, lát nữa quan gia về rồi.”
Không còn náo nhiệt để nghe, bà Triệu vừa đi về phòng vừa đuổi Thúy Nương đi nhóm bếp nấu cơm.
Thúy Nương bĩu môi rời đi.
Bà Triệu lại quay về phòng ngồi, tâm tư của bà đều bị nhà họ Chu hấp dẫn.
Bà Triệu cũng biết chuyện cưới xin của A Kiều, không có ai muốn lấy cô làm vợ, người muốn nạp cô làm thiếp là mấy lão già có tiền ham mê sắc đẹp. Chu Sưởng không muốn cháu gái mình phải lấy những loại người này rồi tranh đấu với một đám phụ nữ trong nhà nên việc cưới xin kéo dài mãi.
“Đồ lẳng lơ”, “Câu dẫn người khác”, “Không gả đi được”,…
Ma xui quỷ khiến thế nào mà mấy lời mắng mỏ của Kim thị bay quanh đầu bà Triệu không chịu đi, nó lượn đi lượn lại, đột nhiên bà Triệu nghĩ ra một ý!
“Quan gia!”
Trong sân truyền đến tiếng của Quách Hưng, bà Triệu vừa đi ra cửa thì thấy cháu trai Triệu Yến Bình đang dắt ngựa vào cổng.
Cơm tối còn chưa làm xong, bà Triệu nhìn cháu trai múc nước rửa mặt, chờ cháu trai vào nhà chính, bà Triệu rót một chén trà cho hắn.
Cháu trai uống trà, bà Triệu ngồi ở một bên, bỗng nhiên bà thở một hơi thật dài.
Triệu Yến Bình quay sang nhìn bà.
Bà Triệu vứt một cái kíp nổ ra trước: “Yến Bình, năm ngoái cháu dẫn người niêm phong lầu Hoa Nguyệt, cháu có thấy cháu gái của Chu tú tài không?”
Trí nhớ của Triệu Yến Bình hơn người, nghe bà nội nói chuyện, trong đầu Triệu Yến Bình lập tức xuất hiện một cảnh tượng: Cô gái mềm yếu xinh đẹp như hoa ôm bả vai trắng nõn trốn ở trong núi giả hẻo lánh, cô vừa run rẩy vừa khóc lóc cầu xin hắn “Đừng động vào tôi”.
Hắn nhớ kỹ nhưng ngoài miệng lại nói: “Cháu không để ý.”