Ngày diễn ra tiệc lưu thương có biểu ca bà con xa của cửu hoàng tử Trịnh Bái tới. Tháng 2 là thời điểm khoa cử yết bảng, vị biểu ca bà con xa tự cao tự đại kia vừa thi rớt, lòng mang oán hận, thế là bung xõa trên bữa tiệc, nhìn ai cũng thấy khó chịu, lúc nói chuyện không hiểu sao nói tới đề tài thương nhân, liền đem đầy bụng “kinh luân” của mình ra để chế giễu châm chọc.
Đại Chu buôn bán phồn vinh, nhưng địa vị của thương nhân suy cho cùng vẫn luôn thấp, những lời chửi thẳng hay chửi xéo của hắn ta đều rất khó nghe. Mẫu thân Trịnh Trạc xuất thân từ thương hộ nên trong lòng Trịnh Trạc rất không thoải mái. Lục Thời Khanh lập tức viết ngay một bài thơ lén đưa cho hắn, bảo hắn thể hiện. Sau đó Trịnh Trạc “thành danh sau một bữa tiệc”.
Nhưng y có thể nói rõ chân tướng sao? Không, không thể. Nói ra chẳng khác nào tuyên bố mình và Trịnh Trạc “chung phe”. Chưa tới lúc cần thiết, y không muốn nói những việc ngấm ngầm xấu xa trong triều đình cho Nguyên Tứ Nhàn nghe, tránh cho nàng biết nhiều sẽ thêm nguy hiểm. Dù sao ý của Nguyên Dị Trực cũng là như vậy.
Lục Thời Khanh có nỗi khổ không nói được, lòng rầu rĩ, nhưng ngoài mặt tỉnh bơ:
– Giang sơn thời nào cũng có tài tử, tiền bối sao có thể chắn đường hậu sinh chứ, đương nhiên là phải khiêm nhường rồi.
Nguyên Tứ Nhàn nhìn y với ánh mắt chê bai:
– Hậu sinh với chả không hậu sinh, lục hoàng tử cùng tuổi với chàng, nếu tính kỹ thì còn lớn hơn chàng nửa tuổi đấy.
Y bật thốt:
– Sao nàng biết sinh nhật hắn?
Nguyên Tứ Nhàn nghẹn. Đương nhiên là vì nàng từng điều tra Trịnh Trạc chứ sao.
Nhưng nàng có thể nói cho Lục Thời Khanh nghe sao? Không, ít nhất hiện tại không thể. Tin tức từ giấc mơ lộn xộn lung tung, cộng thêm tai nghe là giả, rất nhiều suy đoán của bách tính phố phường không phải sự thật, nên quan điểm của nàng về Trịnh Trạc luôn dao động không ngừng. Chuyện này liên quan đến cả gia tộc, trước khi hoàn toàn hiểu thấu triều cục, nàng không thể tùy tiện khai báo mối liên quan giữa Nguyên gia và Trịnh Trạc ra ngoài. Dẫu người đó có là Lục Thời Khanh đi chăng nữa.
Nàng nói dối che dấu sự chột dạ:
– Chàng nói ta biết mà.
Lục Thời Khanh hiển nhiên không tin.
Nguyên Tứ Nhàn nghiêm túc nói:
– Thật, lần chàng xuôi nam quay về bị sốt choáng váng í, lúc mê man chàng gọi tên lục hoàng tử.
Nàng giả vờ hồi tưởng lại:
– Đúng, chàng gọi lục hoàng tử là “A Trạc”!
– …
Đây đúng là xưng hô y gọi Trịnh Trạc lúc ở riêng với nhau. Y nhất thời bán tín bán nghi, không phản bác ngay.
Nguyên Tứ Nhàn liền thừa cơ cắn ngược lại:
– Chàng chưa gọi ta như vậy bao giờ, ta không vui.
– Ta…
Lục Thời Khanh á khẩu, nói hươu nói vượn:
– Chắc là ta gọi “An Trác” đấy, hồi nhỏ ta từng nuôi một con chim yến, đặt tên nó như vậy.
Nguyên Tứ Nhàn không khỏi mở to mắt. Chim nuôi hồi nhỏ thì chắc chắn đã chết từ lâu, thế mà y nhớ mãi không quên đến nay?
Nàng bĩu môi:
– Chim trống hay chim mái?
Hỏi xong nàng sực tỉnh:
– Chắc không phải là một con chim thành tinh đạo hạnh rất cao, có thể biến thành hình người chứ? Chàng an bài cho nó ở trong nhà, nâng niu trong lòng bàn tay, cho nó mổ thức ăn trên tay chàng, nên đặt tên nó là “An Trác”? (1)
(1) Trác: mổ.
– …
Trong đầu nàng chứa gì thế không biết.
Lục Thời Khanh đang muốn bỏ đi ý nghĩ nhảm nhí của nàng thì nghe Triệu Thuật ngoài rèm xe kêu lên thán phục, quay đầu nói vào bên trong:
– Câu chuyện thật thú vị! Để tôi nghĩ, tôi nghĩ… ừm, rồi về sau có một hôm, chim yến thành tinh bị diều hâu tha mất, trở thành ánh trăng sáng trong mắt lang quân, thành nốt chu sa trong lòng lang quân…
Nguyên Tứ Nhàn gật gù tán thành, tiếp tục bịa:
– Sau đó nữa, chim yến thành tinh thấy chàng đau khổ bèn đầu thai chuyển kiếp làm người, sau khi lớn thì đến bên cạnh chàng báo ân.
Nói rồi nàng ôm cánh tay Lục Thời Khanh, nhìn y không chớp mắt, đang định tình cảm dạt dào nói “và bây giờ thành vị hôn thê của chàng” thì đột nhiên bị y ngắt lời tỉnh rụi:
– Trà lâu ở chợ tây đang tuyển người kể chuyện đấy, muốn đi không?
Nguyên Tứ Nhàn oán thầm suốt dọc đường, đến phủ hoàng tử, vừa vào trong thì nghe nói tiệc lưu thương bắt đầu đã lâu, do nàng và Lục Thời Khanh tiến cung nên làm lỡ canh giờ. Vốn dĩ cũng không có gì, các yến tiệc tao nhã thế này thường rất thoải mái, có thiệp mời là vào được, không quan tâm sớm muộn, chỉ là ngoại hình hai người đều quá nổi trội nên khi đến hậu viên tổ chức tiệc của phủ, khó tránh hấp dẫn ánh nhìn của người khác.
Tháng hai đầu xuân đã qua tiết kinh trập, thời tiết dần chuyển ấm, tiệc lưu thương tổ chức ngoài trời, bên cạnh khe suối nhân tạo ở hậu viên. Bên suối đặt một dãy các bàn dài, trên bàn bày ấm trà chung rượu, trái cây tươi mới, các thanh niên tuấn kiệt ngồi bệt xuống đất bên bàn đang ngắm cảnh nói cười nhưng vừa thấy Nguyên Tứ Nhàn thì đồng loạt im lặng.
Thiếu nữ trông 16-17 tuổi này chải búi tóc rủ xuống, trên tóc điểm xuyết bằng một đôi trang sức màu vàng nhạt, áo váy giày dép chẳng những màu sắc xuất chúng mà phong thái cũng thướt tha yêu kiều, từng động tác bước đi, mắt mi môi miệng nàng đều như tranh vẽ, khiến người ta không thể dời mắt.
Lúc chú ý tới Lục Thời Khanh lần nữa, ánh mắt họ đã có thêm vài phần hâm mộ.
Lục Thời Khanh mặc kệ họ đố kỵ cỡ nào, nhận ra những ánh mắt như lang sói từ bốn phương tám hướng bắn tới, sắc mặt y trầm xuống. Y quên chuẩn bị mũ có rèm cho Nguyên Tứ Nhàn.
Y cắn răng, hơi nghiêng người chắn nơi ánh mắt lang sói dày đặc nhất.
Nữ tử được mời đến đây dù sao cũng là số ít, vài người kín đáo còn đeo mũ có màng che mặt. Nguyên Tứ Nhàn không nhận ra vị hôn phu nhà mình gây chú ý cỡ nào, nàng hơi gật đầu với Trịnh Trạc ngồi ghế trên đang nhìn hai người rồi đi theo Lục Thời Khanh tới bên một cái bàn dài, dọc đường nghe một thanh niên lúc nãy mới đối thơ được một nửa nói:
– Lúc nãy Lý huynh hỏi, Đàn lang Tạ nữ (2) ngủ nơi nào, nhìn kìa, Lục thị lang và Lan Thương huyện chúa chẳng phải đến rồi sao?
(2) Đàn lang: tức Phan An – người có dung mạo xinh đẹp thời Tấn, Tạ nữ: tức Tạ Đạo Uẩn – một người tài hoa xuất chúng thời Tấn, hai người này không có dính dáng gì với nhau, chỉ là do thi nhân ghép bừa tạo ra câu thành ngữ “Đàn lang Tạ nữ” ý chỉ đôi vợ chồng hoặc tình nhân tài mạo song toàn.
Lời này là đang dùng Phan Nhạc và Tạ Đạo Uẩn thời Tấn để ví von nịnh nọt hai người. Không ít người có mặt hơi khựng lại.
Chuyện Nguyên Tứ Nhàn theo đuổi Lục Thời Khanh bị thêu dệt ra 17 18 phiên bản lưu truyền khắp đầu đường cuối ngõ, đa số mọi người có mặt đều từng nghe chút ít. Tuy triều Đại Chu văn hóa cởi mở nhưng nữ tử có hành vi cọc đi tìm trâu như vậy không được số đông chấp nhận, do đó những lời bình luận đánh giá về Nguyên Tứ Nhàn không tốt lắm.
Vì Lục Thời Khanh chưa kịp thay quan phục nên đa số những người có mặt đều nhận ra y, nhưng vì chưa từng gặp Nguyên Tứ Nhàn nên thoạt đầu không biết nữ tử này là Lan Thương huyện chúa trong truyền thuyết, chỉ nhủ rằng Lục Thời Khanh quả nhiên là danh hoa có chủ. Bây giờ nghe chân tướng, trong lòng khó tránh sinh ra cảm giác khinh thường.
Buổi tiệc như hôm nay, e cũng là vị huyện chúa này bám dính đòi theo.
Nguyên Tứ Nhàn đương nhiên nhận ra bầu không khí cứng ngắc ấy nhưng không để bụng, nàng chỉnh mép váy định ngồi xuống bên bàn dài, không ngờ Lục Thời Khanh đột nhiên đè mu bàn tay nàng ra hiệu đừng nhúc nhích, kế đó y khom người đưa tay vuốt phẳng lại cái đệm ngồi chỗ nàng rồi mới nói:
– Nàng ngồi đi.
Mọi người xung quanh lặng lẽ hít sâu một hơi.
Trong số họ có không ít quan viên có qua lại với Lục Thời Khanh, dù chưa từng tiếp xúc trực tiếp với y thì đa phần cũng đã nghe nói về danh tiếng kiêu căng, soi mói, mặt mày cáu kỉnh của y, cho nên thực không ngờ một người như vậy lại làm ra hành động hạ mình vì một tiểu cô nương.
Sao bảo là Lan Thương huyện chúa đeo bám Lục thị lang cơ mà?
Nguyên Tứ Nhàn cũng hơi sững sờ, ừ một tiếng rồi ngồi xuống, thấy Lục Thời Khanh tự tay rót một ly trà đưa cho nàng.
Lần này nàng hơi hiểu ý của y rồi.
Lục Thời Khanh không muốn mọi người nhìn nàng như vậy, nên thà rằng người bị chê trách là mình.
Trong lòng nàng có cảm giác khó tả, vừa ngọt lại vừa chua, nàng nhìn y, cầm một trái cây đưa qua, đại khái mang ý có qua có lại.
Lục Thời Khanh bật cười, vừa nhận lấy thì chợt nghe Trịnh Trạc phía trên lớn tiếng nói:
– Lục thị lang hôm nay tới đây cùng giai nhân là có ý cho chúng ta biết, không lâu nữa là có thể ghé phủ của ngài ăn tiệc phải không?
Hôn ước giữa Lục Thời Khanh và Nguyên Tứ Nhàn được định ra rất giản dị, chưa truyền ra bên ngoài, cho nên mọi người vừa rồi mới có phản ứng như vậy. Trịnh Trạc hỏi câu này cũng là đang giúp Nguyên Tứ Nhàn chính danh.
Lục Thời Khanh vô cùng ăn ý phối hợp nói:
– Điện hạ gấp gáp công bố tin hôn sự thay Lục mỗ, thực có hiềm nghi đòi rượu uống đấy nha.
Mọi người lần này đương nhiên đều tự hiểu, kinh ngạc xong thì vội tới chúc mừng Lục Thời Khanh và thi nhau nói những lời khen ngợi Nguyên Tứ Nhàn.
Bất kể chân tình hay giả ý, dù sao Nguyên Tứ Nhàn nghe rất sướng tai, chờ tiệc lưu thương bị ngắt ngang lại tiếp tục, nàng lặng lẽ nói bên tai Lục Thời Khanh:
– Lục Thời Khanh, hình như ta lại thích chàng nhiều thêm một chút rồi.
Lục Thời Khanh nghiêng đầu nhìn nàng, chớp chớp mắt:
– Chỉ một chút thôi à?
Nàng hất cằm, ra hiệu y cứ đắc ý đi, sau đó nàng đưa tay chỉ mấy dĩa thức ăn trên bàn:
– Chàng lột hạch đào cho ta, ta sẽ thích chàng nhiều thêm chút nữa.
Lục Thời Khanh giễu cợt, lại khôi phục thái độ thường ngày:
– Không lột, thích thì thích không thích thì thôi.
Tiếng nước xung quanh róc rách, một chiếc cốc bạc lượn lờ trôi theo dòng nước trong khe suối quanh co, Nguyên Tứ Nhàn thấy cốc rượu đã cách xa nàng và Lục Thời Khanh thì bĩu môi, đưa tay lấy quả hạch đào, tay làm hàm nhai, vừa lột xong thịt quả, định cúi đầu ăn thì chợt nghe một giọng nói vang lên:
– Tiểu nữ tử không giỏi đối thơ, tự uống ba ly để thay.
Giọng này hơi quen tai, nhưng không hoàn toàn giống âm sắc nàng từng nghe.
Nàng chợt ngẩng đầu nhìn theo hướng đó, thấy một thiếu nữ che người trong mũ có rèm màu trắng bị cốc rượu chọn trúng nên đang cúi người rót rượu.
Thấy ánh mắt của nàng, Lục Thời Khanh nghiêng đầu hỏi:
– Sao thế?
Nàng cau mày, thầm nhớ lại, lắc đầu:
– Không có gì, cảm thấy hơi giống ai đó, có lẽ ta nghe nhầm.
Ngoài miệng tuy nói không có gì nhưng trong phần tiệc lưu thương kế tiếp, ánh mắt Nguyên Tứ Nhàn cứ thỉnh thoảng liếc thiếu nữ kia, mãi đến khi thấy nàng ấy đứng dậy rời tiệc mới hoàn toàn thu hồi tầm mắt. Trùng hợp là, sau khi nàng ấy đi không lâu thì có một tỳ nữ cúi đầu nói gì đó bên tai Trịnh Trạc, kế đó Trịnh Trạc cũng rời tiệc.
Nỗi nghi ngờ trong đầu Nguyên Tứ Nhàn càng đậm hơn, nàng nhẫn nhịn chốc lát rồi đứng dậy theo.
Lục Thời Khanh liếc nàng:
– Nàng đi đâu đó?
Nguyên Tứ Nhàn nhỏ giọng:
– Ta đi vệ sinh chàng cũng quản à?
Lục Thời Khanh đương nhiên không có cách nào quản, dù đoán được vì sao nàng đi cũng chỉ đành tạm thời dằn xuống.
Nguyên Tứ Nhàn trước đó đã chú ý hướng mà Trịnh Trạc và thiếu nữ kia rời đi, nàng lấy lý do đi vệ sinh để lần dò qua đó. May là hai người họ không đi vòng mà ở ngay hành lang phía trước không xa.
Nàng nhìn thấy người thì dừng lại, lặng lẽ náu mình ở khúc quanh, ló mắt ra quan sát.
Thiếu nữ quỳ dưới chân Trịnh Trạc, kéo góc áo hắn, ngửa đầu nói chuyện, tâm trạng có vẻ hơi kích động, bộ dạng trông như đang cầu xin hoặc khóc lóc kể lể.
Nhưng Nguyên Tứ Nhàn cách khá xa, không nghe được nàng ấy nói gì.
Trịnh Trạc luôn im lặng đứng nguyên tại chỗ, không tránh né nhưng cũng không mảy may dao động, hồi lâu mới lùi về sau một bước, tránh tay thiếu nữ, nhìn về hướng Nguyên Tứ Nhàn.
Nguyên Tứ Nhàn rụt đầu về nhưng biết rõ Trịnh Trạc đã phát hiện ra mình. Kỳ thực nàng không trông mong có thể nhìn trộm thành công, dù sao đây cũng là địa bàn người ta. Nàng chỉ tin chắc lý do của mình đủ để Trịnh Trạc không so đo, bởi vậy mới dám tới đây một chuyến.
Nàng lẳng lặng đợi ở khúc quanh, nghe tiếng bước chân hai người rời đi một lát thì quả nhiên có một tỳ nữ tới, giao cho nàng một tờ giấy:
– Thưa huyện chúa, điện hạ mời người về bàn tiệc trước, tránh cho người khác sinh nghi. Ngài ấy nói, chuyện huyện chúa muốn biết ở trong tờ giấy này ạ.
Nguyên Tứ Nhàn nói đa tạ với tỳ nữ rồi xoay người đi về hậu viên, vừa đi vừa mở tờ giấy trong tay, thấy bên trên có một dòng chữ nhỏ: “Giờ thìn ngày mai, cổng Diên Hưng”.