Thiên Toán (Thiên Tính)

Quyển 1 - Chương 8

*Chương này có nội dung ảnh, nếu bạn không thấy nội dung chương, vui lòng bật chế độ hiện hình ảnh của trình duyệt để đọc.

Lúc này Mộc Ngư hòa thượng, Vu Tố Thu và Thị Cầm ba người được đặt nằm trên ghế, vẻ mặt giống như đang ngủ, Mạc Vấn Thùy ở bên cạnh nói lớn tiếng, cũng không hề phản ứng.

“Sao ngươi không bị gì?” Trầm Dung Dương xem xét mạch đập của ba người, đều bình tĩnh, ôn hòa, rất bình thường, cho dù có mời đại phu tài giỏi tới xem, chỉ sợ sẽ nói là bọn họ đang ngủ say mà thôi.

“Ta cũng không biết.” Mạc Vấn Thùy sờ sờ mũi, nhớ lại hoàn cảnh thoát hiểm của chính mình: “Lúc đó ta và Thị Cầm đuổi theo hai người kia, đang đánh nhau thì nhóm Mộc Ngư hòa thượng chạy tới. Lấy bốn người chúng ta liên thủ mà nói, trong chốn võ lâm hầu như không kẻ nào có thể toàn thân trở về, nhưng bọn chúng lại dùng hỏa dược.

*Hỏa dược: Thuốc nổ.

Nghe thấy hai chữ hỏa dược, Trầm Dung Dương khẽ cau mày.

“Bốn người chúng ta chia ra bốn hướng để né tránh, sương mù dày đặc khắp nơi, tuy đầu ta rất thanh tỉnh, thế nhưng cả người không nhúc nhích được, cảm giác có ai đó đang nói chuyện bên tai, nhưng không rõ là nói cái gì, sau đó bị đem tới ngôi miếu kia.”

Mạc Vấn Thùy nói rất mơ hồ, nhưng cái loại cảm giác lúc đó cho dù là người lạc vào cảnh giới kỳ lạ cũng rất khó thuật lại rõ ràng, Mạc Vấn Thùy có võ công rất cao, có lẽ đó là nguyên nhân hắn không trúng Ly hồn thuật, thế nhưng Mộc Ngư hòa thượng cũng là người đạt tới cảnh giới, tại sao cũng mê man, chuyện này thật khó lý giải.

Trầm Dung Dương trầm ngâm không nói, Mạc Vấn Thùy lại nháy mắt mấy cái: “Ngươi có biện pháp khiến bọn họ tỉnh lại?”

“Ta chỉ mới suy đoán còn chưa dám khẳng định, ta đã nói Thị Kiếm truyền thư cho Hỉ tổng quản, bảo hắn kiểm tra giúp một ít chuyện.”

Trải qua những việc này, Lâm gia trang hiện tại gần như đã suy tàn.

Lâm Lạc Anh suốt ngày ngơ ngơ ngẩn ngẩn, khi thì bình thường, khi thì ôm Ngưng Quang kiếm giả lẩm bẩm, Lâm phu nhân chỉ có thể lấy nước mắt rửa mặt, người duy nhất còn lại trong Lâm gia – Lâm nhị công tử lại không am hiểu võ công, căn bản không thể kế thừa gia tộc.

Người đời đều nói Lâm Lạc Anh là một kẻ mua danh chuộc tiếng, Mạc Vấn Thùy nghe xong cười ha ha, thế gian này có rất nhiều người đều lầm lỗi giống như Lâm Lạc Anh, cũng đều chấp nhất không muốn quay đầu như hắn, Lâm Lạc Anh bất quá là có vận khí kém một chút, ai có thể nhận xét ai?

Khoảng thời gian Tô Cần ở Lâm gia, thấy được rất nhiều biến cố mới giác ngộ ra chính mình nông cạn, rất dễ bị người khác lợi dụng. Vì vậy không thèm để ý khuyên can của Phùng Xuân Sơn, sau khi gửi thư cho Tô lão cha và từ biệt nhóm người Trầm Dung Dương, liền tự bước ra con đường giang hồ dài đằng đẵng của chính mình.

Trầm Dung Dương phái người đem chuyện của Mộc Ngư hòa thượng cùng Vu Tố Thu báo cho Thiếu Lâm và Võ Đang, cũng rời khỏi Lâm gia trang, đến tiệm cầm đồ trực thuộc Như Ý lâu bên trong thành Tô Châu.

Chung Anh Lạc tiểu cô nương hai mắt ngấn lệ nhìn y rời đi, chính mình cũng mang theo di thể sư bá trở về Nga Mi. Vấn Kiếm sơn trang trang chủ Khuynh Huyền vừa lúc tiện đường, liền cùng nàng đồng hành.

Một hồi thịnh yến, đến như khói lửa rực rỡ, nhưng lại kết thúc trong tĩnh lặng.

*Thịnh yến: Thịnh = náo nhiệt, Yến = buổi tiệc. Ý chỉ đại hội thưởng kiếm í.

Giang Tô Lâm gia, bất quá chỉ trở thành một đề tài dùng để bàn luận lúc trà dư tửu hậu trong chốn giang hồ.

*Trà dư tửu hậu: thời gian rỗi rãi.

Lại qua vài ngày, chuyện này đều dần dần bị quên lãng, chân tướng cùng thật giả cũng chầm chậm bị vùi lấp mất trong cõi trần.

Chuyện thế gian, cùng lắm cũng chỉ như thế này thôi.

Chấp nhất cái gì, truy cầu cái gì, có lẽ cũng chỉ có bản thân người trong cuộc mới hiểu.

Bên này Trầm Dung Dương thu xếp cho ba người Mộc Ngư đại sư, bên kia tất nhiên cũng không rảnh rỗi, quả nhiên chưa tới mấy ngày, đã có thư từ hiệu cầm đồ đưa đến.

Trầm Dung Dương nhận thư không vội mở ra, ngược lại còn đi theo đại chưởng quỹ của hiệu cầm đồ bàn luận, lưu lại Thị Kiếm chờ Mạc Vấn Thùy trở về. Thị Kiếm trong lòng vừa sốt ruột vừa hiếu kỳ, nhưng không có can đảm xem thư một mình, thật vất vả mới chờ được đến lúc Mạc Vấn Thùy quay lại, liền kéo hắn chạy sang phòng nghị sự.

Mạc Vấn Thùy vừa nghe liền biết bên kia đã đưa thư tới, cũng không chờ Trầm Dung Dương nghị sự xong đã đem thư mở ra.

“Chìa khóa cấm địa của Bắc Minh giáo?”

“Cấm địa của Bắc Minh giáo, ngoại trừ Bắc Minh giáo giáo chủ không ai có thể vào, chìa khóa kia hiển nhiên là ở trong tay hắn.” Trầm Dung Dương vừa vặn từ ngoài cửa bước vào, tiếp lời Mạc Vấn Thùy.

“Bọn họ muốn chúng ta đến Bắc Minh giáo lấy chìa khóa?” Mạc Vấn Thùy nói chính là “chúng ta” chứ không phải “ta”, chuyện này vốn không còn liên quan đến hắn, chính mình có thể toàn thân trở ra, nhưng vẫn cứ muốn dấn thân vào.

Trầm Dung Dương cười: “Mấy người bọn họ trúng Ly hồn thuật, chưa hẳn là không thể giải. Hỉ tổng quản nói trong Bắc Minh giáo có một bộ bí pháp rất giống Ly hồn thuật, đều dùng để khống chế tâm trí người khác.”

Mạc Vấn thùy nháy mắt mấy cái: “Nói vậy, cho dù mượn hay không mượn cái chìa khóa kia, thì chúng ta cũng phải đến Bắc Minh giáo một chuyến?”

“Trong Bắc Minh giáo không thiếu diệu nhân, có lẽ chuyến này sẽ rất thú vị.” Trầm Dung Dương mở nắp chén trà nhấp một ngụm, làn khói lượn lờ lay động càng tôn thêm vẻ đạm nhiên trên gương mặt y.

*Diệu nhân: Người có tài kỳ lạ.

“Ta phát hiện một chuyện.” Mạc Vấn Thùy nhìn y, yên lặng thở dài, thấy Trầm Dung Dương cau mày liền nói tiếp: “Chỉ cần cùng ngươi ở một chỗ, chưa bao giờ thiếu chuyện náo nhiệt, đồng thời cũng mệt chết đi.”

*****

Đường đến đất Thục[1] khó đi như lên trời.

Trong mắt của những người chưa từng đến Tứ Xuyên[2], Thục bất quá chỉ là cái gì đó rất tượng trưng, nhưng đối với dân chúng Tứ Xuyên mà nói, Thục chính là vùng đất sinh kế mấy trăm năm kể từ đời tổ tiên bọn họ.

Từ đập Tam Hiệp[3] có ba cửa để vào Thục, từ cửa Vân Nam đi vào chính là Phàn đạo, từ cửa Cam Túc đi vào là Âm Bình đạo, còn từ cửa Hán Trung đi vào là Kim Ngưu đạo, Mễ Thương đạo, Lệ Chi đạo, ….

*Đạo: một tên riêng để chia khu vực trong nước, nhà Đường 唐 chia thiên hạ làm mười đạo, cũng như bây giờ chia ra từng tỉnh vậy.

Thục là một nước dễ thủ khó công, là một cửa ngõ mà vạn quân không thể đánh nổi, cho nên thời Tam quốc[4] có ba nước, còn tới thời Ngũ Đại[5] thì có mười nước vây xung quanh lãnh thổ Thục. Thục dựa vào tài nguyên và ưu thế địa hình mà trở nên hùng mạnh một phương.

Bắc Minh giáo nằm trong lãnh thổ Thục, tọa lạc trên đỉnh Ngọc Tiêu của núi Thiên Thai.

Cái tên Bắc Minh giáo xuất phát từ câu nói của Trang Tử – “Bắc Minh hữu ngư, kỳ danh vi Côn”, giáo chủ đầu tiên xuất thân là đạo sĩ, cho nên võ công của Bắc Minh giáo bao hàm không ít nguyên lý đạo giáo, coi trọng sự phóng khoáng linh hoạt. Giáo tọa lạc trên núi cũng bởi vì những đạo gia cuối thời Hán từng ở đây tương sơn tạc động, dựng đàn tế thần.

*Bắc Minh hữu ngư, kỳ danh vi Côn: Biển bắc có cá, tên chúng là Côn (Côn là một loài cá lớn trong truyền thuyết)

*Trang tử: là một nhà triết học, đạo giáo.

*Tương sơn tạc động: Khoét núi xây động.

Nguồn gốc sáng lập Bắc Minh giáo có quan hệ sâu xa với Đường Đại[6] – Viên Thiên Canh[7], lúc đó Lý Đường Sùngnói, tổ tiên sáng lập đạo giáo cũng không hề hiếm lạ, nhưng có thể trải qua loạn thế cuối thời Đường mà vẫn còn đứng sừng sững cho đến bây giờ không ngã, thậm chí càng ngày càng thịnh, thì tuyệt đối không thể khinh thường. Giáo chủ hiện tại của Bắc Minh giáo gọi là Lục Đình Tiêu, năm nay chưa quá ba mươi, lại cực kỳ ít lộ diện trên giang hồ. Như Ý lâu chủ mặc dù huyền bí, nhưng dẫu sao cũng không tính là người chân chính trong võ lâm, mà Bắc Minh giáo chủ lại khiến người khác càng hiếu kỳ, bởi vậy mà ngày càng có nhiều lời đồn hoang đường.

Trầm Dung Dương sau khi báo tên, cùng Thị Kiếm một đường lên núi, dọc đường không gặp khó dễ gì thuận lợi tiến vào Bắc Minh giáo. Nghe đồn Bắc Minh giáo chủ thái độ làm người lãnh đạm, hỉ nộ vô thường, cho nên Mạc Vấn Thùy không có lên núi, cam tâm tình nguyện ở lại chân núi trông nom nhóm người Thị Cầm, bất quá nguyên nhân chính có lẽ là do dưới chân núi có một gian tửu quán cùng một lão bản nương vô cùng xinh đẹp.

*Hỉ nộ vô thường: vui buồn bất thường.

*Lão bản nương: Nữ chủ quán.

“Các hạ chính là Như Ý lâu chủ?” Nghênh đón bọn họ chính là một thiếu niên thanh tú, vẻ mặt nhìn Trầm Dung Dương rõ ràng mang theo nghi vấn, nhưng vẫn rất lễ độ mà chắp tay.

“Chính là tại hạ.” Loại ánh mắt này Trầm Dung Dương đã gặp qua rất nhiều lần, căn bản không để trong lòng, thế nhưng Thị Kiếm phía sau đã có chút tức giận, người khác nghi ngờ công tử của bọn họ, khiến hắn cảm thấy giống như đang sỉ nhục công tử. Tất cả mọi người trong Như Ý lâu đều cho là, giá như công tử không phải cả đời đều ngồi trên luân ỷ, giá như công tử có thể xuống đất đi lại, thì tài năng của y không chỉ dừng lại ở đây.

“Tại hạ là trợ thủ của Tiết đường chủ – Tiêu Dực, Tiết đường chủ truyền thư, nói Trầm lâu chủ phong thái hơn người, cùng nàng vừa gặp như đã quen thân, cho nên lúc Trương trưởng lão vừa nhận được bái thiếp của người, liền để tại hạ đến nghênh tiếp.”

“Làm phiền rồi.” Trầm Dung Dương gật đầu, Tiêu Dực thu hồi hiếu kỳ của mình, dẫn bọn họ đến tiền điện trong giáo.

Trương trưởng lão mà Tiêu Dực vừa nói chính là trưởng lão duy nhất còn sót lại từ đời giáo chủ trước – Trương Lý, lão tóc dài râu dài, dáng vẻ tiên phong đạo cốt, thân khoác áo bào đạo sĩ, rất có phong thái của một người sáng lập đạo giáo trong Bắc Minh giáo.

*Tiên phong đạo cốt: dáng vẻ, phong thái của người tu tiên.

Lão rất nhiệt tình cùng hai người Trầm Dung Dương hàn huyên một phen, sau đó mới nói cho y biết giáo chủ đang bế quan, phải ba ngày sau mới có thể xuất hiện, lại dặn dò trên dưới phải tiếp đãi y chu đáo.

Thế lực Bắc Minh Giáo trải rộng khắp núi Thiên Thai, đỉnh Ngọc Tiêu chẳng qua chỉ là tổng đàn nơi giáo chủ sinh sống, dù vậy diện tích cũng lớn đến mức mất một ngày một đêm cũng không thể đi hết. Tuy Trương trưởng lão không có hạn chế phạm vi đi lại của Trầm Dung Dương, nhưng liên tiếp ba ngày, y chỉ ở trong phòng, buổi tối thì ngủ, ban ngày thì đọc sách ngắm hoa, rất thản nhiên nhàn rỗi, cũng không có nửa điểm sốt rột hấp tấp.

Mục đích Trầm Dung Dương đến đây, Trương Lý thông qua Tiết ngũ nương cũng biết được vài phần, nhưng hết thẩy hành động của Trầm Dung Dương đều bị Trương Lý thu hết vào mắt, lão có ảo giác dường như y mới chính là chủ nhân nơi này, còn mình lại biến thành kẻ tiểu nhân lén lút theo dõi.

––––––––––––––––––––

[1] Thục: Hay còn gọi Thục Hán là một trong ba quốc gia thời Tam Quốc trong lịch sử Trung Hoa, thuộc vùng Tây Nam Trung Quốc (khu vực Tứ Xuyên ngày nay). Kinh đô của nước Thục là Thành Đô (vùng phía bắc của nước Thục). Hai nước còn lại thời Tam Quốc là Đông Ngô và Tào Nguỵ.



[2] Tứ Xuyên: là một tỉnh nằm ở tây nam của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa. Tỉnh lị của Tứ Xuyên là Thành Đô, một trung tâm kinh tế trọng yếu của miền Tây Trung Quốc. Giản xưng của Tứ Xuyên là “Xuyên” hoặc “Thục”, do thời Tiên Tần, trên đất Tứ Xuyên có hai nước chư hầu là Thục và Ba, nên Tứ Xuyên còn có biệt danh là “Ba Thục”.

[3] Đập Tam Hiệp: là một con đập chặn Trường Giang (sông dài thứ ba trên thế giới) tại Tam Đẩu Bình, Nghi Xương, tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc.

[4] Tam Quốc: là một thời kỳ trong lịch sử Trung Quốc. Một cách chính xác theo khoa học thì nó bắt đầu vào năm 220 khi nhà Ngụy được thành lập và kết thúc năm 280 khi Đông Ngô sụp đổ và nhà Tây Tấn thống nhất Trung Hoa.

[5] Ngũ Đại: Ngũ Đại Thập Quốc là một giai đoạn đầy biến động từ năm 907–960/979 trong lịch sử Trung Quốc, tức sau khi nhà Đường sụp đổ và trước khi thành lập nhà Tống. Trong giai đoạn này, năm triều đại đã thay nhau tồn tại ở miền Bắc, và có trên 12 quốc gia độc lập đã được thành lập, chủ yếu là tại miền Nam. Tuy nhiên, chỉ có mười nước được liệt trong sử sách cổ, vì vậy mới có tên gọi “Thập quốc.” Một số sử gia, như Bá Dương, thì tính rằng có 11 nước, bao gồm Yên và Kỳ, song không bao gồm Bắc Hán vì ông xem đây là chế độ tiếp nối của triều Hậu Hán. Nhà Liêu cũng được thành lập trong giai đoạn này.

Ngũ Đại:
  • Nhà Hậu Lương (1 tháng 6 năm 907–923)
  • Nhà Hậu Đường (923–936)
  • Nhà Hậu Tấn (936–947)
  • Nhà Hậu Hán (947–951 hoặc 979, tùy cách nhìn nhận đối với Bắc Hán)
  • Nhà Hậu Chu (951–960)
Thập Quốc: Ngô (907-937), Ngô Việt (907-978), Mân (909-945), Sở (907-951), Nam Hán (917-971), Tiền Thục (907-925), Hậu Thục (934-965), Kinh Nam (924-963), Nam Đường (937-975), Bắc Hán (951-979).

[6] Đường Đại: tức Nhà Đường là một triều đại Trung Quốc tiếp nối sau nhà Tùy và sau nó là thời kì Ngũ Đại Thập Quốc. Nhà Đường được gia tộc họ Lý (李) thành lập. Gia tộc này thâu tóm lấy quyền hành khi nhà Tùy suy sụp rồi sụp đổ. Triều đại này bị gián đoạn khi Hoàng đế Võ Tắc Thiên nắm lấy quyền hành và lập ra nhà Võ Chu (8 tháng 10, 690 – 3 tháng 3, 705). Bà là nữ hoàng đế duy nhất trong lịch sử Trung Quốc.

[7] Viên Thiên Canh: cùng với Lý Thuần Phong là một tay cao thủ về việc âm dương bói toán, được coi là đại trí thức, nhân vật quyền uy bậc nhất về học thuật trong triều Đường. Năm 649, sau khi Đường Cao Tông hoàng đế – Lý Trị lên ngôi đã phái Viên Thiên Canh và Lý Thuần Phong đi tìm một nơi đất tốt để sau này xây dựng mộ phần. Theo những gì sử sách còn ghi lại thì họ Viên và họ Lý đã đi tới không ít nơi song vẫn chưa tìm được vị trí ưng ý. Mãi tới một hôm, sau khi Viên Thiên Canh tới Quan Trung, quan sát thiên tượng vào giờ Tý, mới phát hiện trên dãy núi xuất hiện một luồng khí màu tím xông thẳng lên sao Bắc Đẩu. Khí màu tím xuất hiện trong quan niệm phong thủy chính là điềm lành. Lần theo luồng khí màu tím này, Viên Thiên Canh đã tìm được vị trí xây dựng Càn Lăng ngày nay. Lúc bấy giờ, để đánh dấu, Viên Thiên Canh đã chôn xuống dưới đất một đồng tiền bằng đồng. Một điều trùng hợp là sau đó, Lý Thuần Phong cũng tìm tới nơi đây. Tuy nhiên, khác với Viên Thiên Canh, họ Lý lựa chọn Lương Sơn do những phân tích kỹ càng về địa thế phong thủy của ngọn núi này. Sau khi nghiên cứu địa thế ngọn Lương Sơn, Lý Thuần Phong phát hiện ra rằng, hai đỉnh phía Đông và Tây của Lương Sơn nằm ở thế đối diện nhau, vì vậy nếu nhìn từ xa thì ngọn Lương Sơn trông giống như cặp vú của người phụ nữ. Nếu nhìn rộng hơn nữa thì toàn bộ khu vực Lương Sơn giống như một người phụ nữ quý tộc đang say giấc nồng. Sau khi dùng các mảnh đá sắp xếp thành sơ đồ bát quái để tính toán, Lý Thuần Phong cũng xác định vị trí đặt lăng mộ ngay đúng chỗ mà Viên Thiên Canh đã lựa chọn. Sau khi nhận được tin báo của họ Lý và họ Viên, Lý Trị lập tức cử người cậu của mình là Trưởng Tôn Vô Kỵ tới xem xét một lần nữa rồi mới đưa ra quyết định. Sử chép, khi tới nơi, Trưởng Tôn Vô Kỵ không khỏi kinh ngạc khi đầu của cây cọc sắt mà Lý Thuần Phong đóng xuống đất để đánh dấu chọc đúng vào ô vuông bên trong có đồng tiền mà Viên Thiên Canh đã chôn.



Hình: Càn Lăng