Thiên Kiều - Đổng Vô Uyên

Chương 1: 1 Gió Cát



Cát vàng đầy trời, khói sương bốc lên.
Ngày mới tờ mờ sáng, mặt trời mới mọc lên ở phương đông, mọi thứ ở nơi này đều yên tĩnh.

Ngẫu nhiên có tiếng chó sủa lảnh lót sau đó có lẽ nó bị chủ nhân răn dạy nên dần biến thành nức nở rồi tịt hẳn.
“Kẽo kẹt ——” Cửa thành mở rộng, có lẽ vì đã cũ nên cánh cửa cọ vào bản lề vang lên tiếng khó chịu như đao cùn chặt gỗ, càng ngày càng thêm nặng nề.
Qua một lát có tiếng vó ngựa lẹp xẹp truyền đến, một đội ngũ cực dài di chuyển trong yên lặng.

Người đánh xe và ngựa đều cực kỳ im ắng.

Gần hai trăm con ngựa màu nâu đỏ đi đầu, người ngồi trên ngựa đều búi tóc bằng trâm gỗ, cả người mặc áo màu xám nâu, chân đi ủng đen.

Đây là trang phục của thứ dân bình thường nhất tại Đại Tấn này.
Đội ngũ cực dài, kỵ binh nhẹ nhàng đi đầu để mở đường, phía sau là gần trăm chiếc xe ngựa chất đồ.

Mọi hàng hóa đều được bọc vải xanh, lấy gân trâu buộc ba vòng che kín mít không một kẽ hở.

Cách đó ba trượng là gần 10 chiếc xe ngựa sơn son nối đuôi nhau.

Càng xe làm bằng gỗ thanh, bánh xe làm bằng gỗ du, thân xe cứng chắc có khắc chìm một chữ “Lục”.

Lại cách đó ba trượng là mấy trăm tráng hán mặc áo xanh bọc phía sau.
Đội ngũ mênh mông cuồn cuộn nối đuôi nhau đi ra khỏi cửa thành.

Bọn họ lặng im nghiêm túc đi dọc theo chân tường thành cổ của nơi này để tiến lên phía bắc.

Lúc này đang là giữa thu, nắng sớm còn chưa hé rạng.

Đợi cửa thành đóng lại, mọi thứ quay về yên tĩnh thì bầu trời mới dần sáng lên, từ đông sang tây.
“Lúc này mới gần tới Ký Châu…”
Xe ngựa xóc nảy khiến thần sắc Lục Trường Đình hơi héo héo, cả người dựa trên gối mềm.

Nàng hơi cong ngón út xốc màn lên xem.

Nàng không dám ngang nhiên nhìn ra ngoài nên chỉ đành híp mắt nhìn xa một chút.

Nhưng dù có nhìn xa hơn thì không có bóng người vẫn là không có bóng người, chỉ toàn cát sỏi vắng lạnh.
Lục Trường Đình thấy vậy nên buông rèm dựa trên gối không muốn nhìn ra bên ngoài nữa.
Thời loạn thế này có gì hay mà nhìn đâu?
Một đường từ kinh đô Kiến Khang đến đây bọn họ đã qua hai thành và ba trấn, đều không có tinh binh trấn thủ.

Ở những nơi bọn họ đi qua chỉ có tàn binh lão tướng, tuy không có dân chạy nạn quần áo lam lũ nhưng rõ ràng Đại Tấn đã mất đi tình thần hoa lệ, không thể vãn hồi.
Loạn Tĩnh gia chỉ vừa xảy ra nửa năm trước.
Phiên vương Kế Châu là Phù Lệ lấy danh nghĩa triều cống để khởi binh mưu nghịch.

Ai Đế Phù Miễn hốt hoảng chạy trốn đến Thọ Dương, sau đó Phù Lệ bị cấm quân bắt và chém đầu ở Ngọ Môn.

Ai Đế Phù Miễn trọng thưởng Đoạn Hoa Môn, theo lý thuyết thì sau đó mọi chuyện phải sóng yên biển lặng.

Nhưng ai ngờ chỉ một Phù Lệ nho nhỏ lại như viên đá ném vào mặt hồ khiến ngàn tầng sóng lan ra.

Sau đó mới là sóng to gió lớn.
Ai Đế Phù Miễn kinh hoàng khó an nên nhanh chóng chết bất đắc kỳ tử, chỉ để lại trưởng tử Phù Cù lúc ấy mới 3 tuổi lên kế vị.

Thiên hạ to lớn này cứ vậy rung chuyển.

Đại Tấn có 23 châu nhưng hiện tại đã có 10 chây nảy sinh binh biến.
Tất cả đều là tranh chấp nhỏ, không thể dao động được căn cơ của Đại Tấn.

Nhưng điều buồn cười là chúng lại có thể lay động họ Phù.
Theo gia chủ của Lục gia Bình thành là Tề Quốc Công Lục Xước nói thì “Chẳng qua là một kẻ ngu si tham lam tài sản của một kẻ ngu si khác nhưng đã không thành thì chớ lại khiến những kẻ xung quanh nhận ra rằng đống gia tài kia không có người canh chừng, rất dễ nhặt.”
Đã là đồ dễ nhặt thì đương nhiên mọi người vây quanh đều nóng lòng muốn thử.
Lúc Lục Xước nói lời này với con trai cả Lục Trường Anh thì đúng lúc Lục Trường Đình trộm trốn phía sau màn và nghe được.

Lúc đó nàng cảm thấy buồn cười, hiện giờ nghĩ lại một chút mới thấy cha nàng chủ trương gắng sức dời Lục gia từ Kiến Khang về nhà cũ ở Bình thành đúng là thỏa đáng.

Sĩ tộc là sĩ tộc, hoàng gia là hoàng gia, Lục gia Bình thành bắt đầu xây dựng từ thời Đông Hán, hưng thịnh từ thời Tiền Lương, chỉ đứng sau Trần hoàng tộc vì thế việc Phù gia thịnh hay suy có liên quan gì tới bọn họ đâu?
Đám sĩ tộc đứng đầu Kiến Khang đã có nhà Tạ và Trần đi trước.

Lục gia cũng phải sớm rời đi.

Lục gia thái phu nhân đồng thời là đại trưởng công chúa Chân Định của Đại Tấn được em ruột của Lục Xước là Lục Phân hộ tống đi trước.

Tề Quốc Công Lục Xước cùng mọi người trong đại phòng mang theo sổ sách cùng tiền bạc của Lục gia đi sát theo sau.

Xe ngựa chạy nhanh, lư hương vàng ròng hình thụy thú để trên bàn cũng theo đó “ầm” một cái run lên, đàn hương bên trong suýt chút nữa là rơi ra.

Lục Trường Đình nhanh tay kéo váy muốn tránh né.

Những điều vừa rồi nàng đều hiểu hết nhưng xóc nảy trên đường quả khiến người ta khó mà chịu được!
Nàng thở ra một hơi sau đó quay đầu hỏi Bách Tước, “Chúng ta đã khởi hành được mấy ngày rồi?”
“Nếu tính cả ngày đầu và ngày này thì mới được 5 ngày thôi.”
Xe ngựa của Lục gia rất rộng, dài gần một trượng phân ra trong ngoài.

Bên trong bố trí tinh xảo có cả bàn trà cùng dụng cụ và có thể chứa được ba người.

Trường Đình tính tình mềm mại, thông thường đều dựa trên gối mềm, nha hoàn hầu hạ bên cạnh hoặc là Trần Ẩu hoặc mấy người được việc khác.
Bách Tước cũng là người có tính tình mềm mại, nàng ta ngồi quỳ cạnh vách tường đốt lò pha trà sau đó uyển chuyển cười trấn an nàng, “Cô nương chớ hoảng sợ, không phải Trần Ẩu đã tính cho ngài nghe rồi sao? Từ Kiến Khang đến Bình thành, nếu bỏ qua khoảng thời gian bị trì hoãn thì tầm ba tháng sẽ tới.”
Chờ tới được Bình thành thì sắp rét đậm rồi!
“Ta cực kỳ ghét mùa đông ở Bình thành.”
Lời của nàng cũng không có sức lực gì, cả người héo rũ dựa trên gối, tay duỗi ra đón chén trà Bạch Tước đưa tới.

Nước trà ấm áp vừa uống vào miệng hơi trà cũng phả vào mặt tiểu cô nương khiến giọng nàng trở nên mềm như bông, “Mùa đông phía bắc quá lạnh, bốn phía đều là băng tuyết.

Chỉ một đêm tuyết đã rơi một đống, gió thổi qua sẽ làm tuyết đọng trên cành cây tùng, cây bách rơi ào ào xuống…”
Trường Đình nói đến đây thì hinh hích cười rộ lên, “Năm kia ta cùng phụ thân về Bình thành tế tổ, ca ca đứng dưới tàng cây bị tuyết rơi xuống phủ kín cả đầu!”
Tiểu cô nương 12, 13 tuổi cười không lộ răng, cả người mềm mại dựa trên đống chăn lụa.

Làn da nàng trắng nõn, mắt to mày đẹp, môi cong lên, ánh mắt giống như chứa nước hồ trong vắt thấy đáy lại đen láy.
Tiểu mỹ nhân đã đẹp nhưng kẻ không buồn không lo lại càng đẹp hơn.
Lòng Bách Tước thả lỏng, miệng cũng cười theo.
Cô nương nhà mình mềm mại nhưng tính tình lại rộng rãi.


Bọn họ từ kinh đô Kiến Khang phồn vinh trèo đèo lội suối tị nạn về nhà cũ, lên đường lại gấp gáp nhưng sau 5 ngày bị đè nén nàng vẫn chịu nói chuyện với bọn họ.
Thực ra mà nói thì đám tiểu thư sĩ tộc có người nào không được nuôi dưỡng kiều mềm đâu? Huống chi cô nương vốn đã chịu thiệt thòi…
Bách Tước mượn việc rót trà mà nhỏ giọng nói, “Ngài cũng đừng oán trách lão gia, phu nhân cũng nóng lòng đã lâu.

Nói đến cũng may đại trưởng công chúa và lão gia thông cảm, nếu không hẳn đã gây ra rất nhiều lời nhàn thoại…”
Trường Đình trầm mặc, ngẩng mặt hít sâu một hơi mùi đàn hương để tâm tình bình tĩnh hơn.

Qua một hồi lâu nàng lại nở nụ cười.
Nhàn thoại ư? Nhàn thoại cái gì? Là Lục gia không cho bà ta sinh con trai hay Lục Trường Đình nàng cản trở tiền đồ của bà ta?
Phù thị là vợ kế, mẹ đẻ của Trường Đình là Tạ Văn Tích mất sớm, Lục Xước thương nhớ rất lâu.

Cách ba năm sau ông ta mới lấy nữ nhân từ tông thất vào Lục gia.

Đó là do đại trưởng công chúa làm chủ, hai người thành thân đã gần 10 năm, sinh được một đứa con gái đứng hàng thứ ba tên là Lục Trường Ninh, sau đó không có nữa.
Phù thị quen làm người ác đi cáo trạng trước, rõ ràng bà ta không thích dính tới Tạ thị, là nhà mẹ đẻ của Tề Quốc Công phu nhân quá cố nhưng lại không chịu nói thẳng.

Bà ta cố tình phải tìm cớ, nói cái gì mà “Mật Vân sư thái khó khăn lắm mới xuất quan, dù sao cũng phải chờ bà ta đi cầu một quẻ con cái mới được”.

Vì thế bọn họ cứ thế dời hành trình đi lên phía bắc đến tận giữa mùa thu…
Mà chuyện con cái này thì Lục Xước và đại trưởng công chúa Chân Định đều không tiện xen vào quá nhiều.
Người với người coi trọng cái duyên, Trường Đình và Phù thị làm mẹ con 10 năm nhưng duyên này không tới được, ngược lại cả hai chỉ chán ghét lẫn nhau, cố gắng tránh càng xa càng tốt.

Nhưng nghĩ một chút thì nhân duyên vợ chồng của Phù thị và Lục Xước cũng không phải tốt lắm.

Trường Đình dùng tâm tình không có ý tốt mà phỏng đoán có lẽ Phù thị vô duyên với Lục gia này.
“Ta cũng không ngốc, oán trách phụ thân làm gì đâu?”
Trường Đình rộng lượng, nàng nhấp một ngụm trà sau đó nhăn mày méo miệng nói, “Ta không thích trà này, để cho Lục Trường Ninh uống ấy.”