Trịnh phu nhân lạnh lùng liếc mắt đánh giá Nguyên Khánh một chút, bỗng nhiên chau mày, hỏi chồng:
- Đại lang sao lại gạt thiếp thế?
Người đàn ông giật thót mình, cười gượng hai tiếng hỏi:
- Ta sao dám lừa phu nhân?
Trịnh phu nhân trừng mắt, giận dữ nhìn chồng:
- Chàng nói ba năm trước tình riêng khó về, nên mới làm chuyện bậy bạ ở bên ngoài. Mười tháng mang thai, thế thì cậu nhỏ này cùng lắm cũng chỉ 3 tuổi, nhưng nhìn xem nó có giống 3 tuổi không? Nhìn rõ ràng là đứa trẻ 5 tuổi. Không phải là chàng gạt ta thì là cái gì?
- Phu nhân, chuyện này…. Lúc sinh ra nó vốn đã bụ bẫm lắm, giống như tôi ngày bé. Không thể nhìn bề ngoài được, ở đây còn có giấy hộ tịch của nó, bà xem này!
Người đàn ông có vẻ sợ bà ta, chân tay luống cuống đưa tờ giấy hộ tịch sang. Trịnh phu nhân hừ một tiếng, giật mạnh tờ giấy, nhưng bà ta không thèm nhìn mà lạnh lùng hỏi Nguyên Khánh:
- Mày tên là gì? Tại sao nhìn ta mà không thèm quỳ xuống?
Từ lúc bước vào cửa Nguyên Khánh đã không thích gia đình này rồi, mặc dù là nhà quyền quý cao sang, nhưng rõ ràng tình cảm của bọn họ đối với mình thì không thể sánh với tình yêu thương mà cậu mợ dành cho mình được. Người đàn bà này sao lại có thể biến hắn trở thành một cậu nhóc chỉ mới 3 tuổi nhỉ, 3 tuổi đấy là tính cả tuổi mụ ấy chứ. Chứ trên thực tế hắn mới chỉ có 2 tuổi mà thôi. Đáng lẽ ra bà ta phải ôm hắn vào trong lòng mà nựng nịu, chứ không phải hằn học chất vấn như thế này!
Trong lòng Nguyên Khánh bỗng cảm thấy phẫn uất, đột nhiên hắn ngoác miệng ra khóc thật to. Dù sao thì hắn cũng mới chỉ có 3 tuổi, phải ồn ào, nhõng nhẽo cho giống trẻ 3 tuổi chứ.
Tiếng khóc của hắn vang lên ầm ĩ, khiến cho Trịnh phu nhân bối rối. Nếu như không phải ông cụ cứ một mực bảo phải đưa thằng nhỏ này về, thì chắc chắn là bà ta quyết không cho thằng nhóc này vào cửa. Bà ta không nhẫn nhịn được nữa, liền tức giận quát lên:
- Câm miệng ngay cho ta!
Nguyên Khánh dừng khóc, ngơ ngác nhìn cha, dường như muốn nói:
- Ông mới là chủ gia đình mà!
Dù sao thì cũng là con trai của mình, nên người đàn ông cũng không đành lòng, lại nghĩ đến mẹ của nó đã một lòng si tình với mình, chẳng may lại bệnh trọng qua đời, để lại mình đứa nhỏ này, nên trong lòng ông ta thương cảm, ánh mắt lộ rõ vẻ âu yếm.
- Ngọc nương, thằng bé mới 3 tuổi, bà làm nó sợ rồi đấy.
- Hứ! Nợ của ông, ông tự trả, liên quan gì đến tôi?
Ánh mắt của Trịnh phu không hề có chút thương hại. Hai mắt bà ta như con mắt chim ưng đang chằm chằm nhìn Nguyên Khánh, cứ như hắn giống như một miếng thịt ngon vậy. Bà ta hung hăng nói:
- Tao hỏi lại lần nữa, mày có quỳ xuống không?
Nguyên Khánh bị chọc cho tức giận rồi, cùng lắm thì hắn quay về cùng với cậu mợ của mình là được chứ gì. Hắn nắm chặt tay lại, nghênh mặt nhìn lại bà ta không hề sợ hãi:
- Ta không thèm quỳ trước mặt bà!
Thái độ này cũng khiến cho người đàn ông nổi giận. Sợi dây tình cảm mong manh vừa nhen nhóm lên lúc nãy giờ hoàn toàn biến mất. Ông ta đập mạnh xuống bàn quát lớn:
- Nghiệp chướng, mày dám vô lễ thế à!
Lúc này bỗng nhiên Nguyên Khánh nghe thấy tiếng nói lạnh lùng cất lên từ phía sau:
- Các người đang trông trẻ hay đang thẩm vấn phạm nhân vậy?
Hai cô nha hoàn liền vội vàng lui về hai bên, vợ chồng họ cũng sợ hãi đứng hết cả lên:
- Cha, sao cha lại tới đây ạ!
Nguyên Khánh quay đầu lại, thì thấy một người trung niên tầm khoảng 50 tuổi, dáng người cao to đang đứng khoanh tay ở đó. Sống mũi người đó rất cao, môi rất mỏng, ánh mắt sắc nhọn như mắt chim ưng. Ông ta mặc một chiếc áo dài màu tím, thắt lưng có đeo một miếng ngọc. Mặc dù ông ta chỉ đứng ở đó nhưng uy thế của ông ta đã bao trùm lên khắp gian phòng này rồi.
Ông ta dò xét Nguyên Khánh một chút, ánh mắt dịu xuống, nhưng khi ánh mắt ấy chuyển sang nhìn con trai của mình, thì lại lộ ra vẻ lạnh lùng, tàn nhẫn. Ông ta không hừ tiếng nào, mà nói với con trai:
- Huyền Cảm, ta đã dặn dò con như thế nào?
“Huyền Cảm?”, trong đầu Nguyên Khánh vừa thay đổi tâm niệm, hắn bỗng nhiên biết cha mình là ai rồi! Dương Huyền Cảm, là một nhân vật nổi tiếng của triều Tùy. Như vậy, cha của hắn, tổ phụ của hắn chính là người đàn ông đang đứng phía sau hắn, là một quyền thần tiếng tăm lừng lẫy của triều Tùy – Dương Tố.
Hồi nhỏ Nguyên Khánh mê như điên như dại bộ “Tùy Đường Diễn Nghĩa”, mà trong đó Dương Tố là một trong những đại gian thần. Trong sách cũng nói Dương Tố mừng thọ vào ngày mười lăm tháng giêng, đã cho mời quần hùng ở khắp nơi đến dự hội hoa đăng ở trong kinh. Còn có cả chuyện đêm đó tỳ thiếp của ông ta là Hồng Phất Nữ và Lý Tĩnh đã trốn đi. Ký ức này đối với hắn khá mới mẻ, hóa ra tổ phụ của mình lại là Dương Tố.
Người đàn ông này đúng là Việt quốc công Dương Tố, nhưng chỉ sau khi Dương Quảng đăng cơ thì quyền thế của ông ta mới được như vậy. Hiện tại vì ông có công bình định triều Trần mà đảm nhiệm nội sử lệnh. Thời Đường triều thì Nội sử lệnh được gọi lái đi là Trung thư lệnh, cũng là một trong những trọng thần của triều đình, cùng với Thượng thư tả phó xạ Cao Quýnh và Thượng thư hữu phó xạ Tô Uy cùng nhau quản lý triều đình. Đúng là thời kỳ Thánh quyến thịnh long.
Cho đem Nguyên Khánh về là quyết định của ông ta. Mặc dù Dương gia nhà bọn họ hiện đang trong tình cảnh thịnh vượng, con trai Huyền Cảm được phong làm thượng Đại tướng quân, sắp được chuyển làm Thứ sử Tống Châu. Nhưng ông ta vốn là người cẩn thận, ông ta không muốn vì chuyện con trai mình có con riêng mà có thể bị Ngự Sử buộc tội. Ông ta đã dặn dò con trai thật kỹ lưỡng, rằng không có con riêng nào cả, Nguyên Khánh là do tì thiếp sinh nở, không ngờ con trai ông ta lại quên mất, không dặn dò con dâu của ông ta. Nên giờ hiện tại toàn phủ đều đã biết chuyện có cậu con riêng đến đây. Hỏi làm sao mà ông ta không tức giận chứ.
Dương Huyền Cảm vì dựa vào thế của phụ thân mà được phong làm quốc trụ, được liệt vào hàng thứ phẩm trong triều cùng với phụ thân. Sau đó bị lui lại một bậc làm thượng Đại tướng quân, cũng là đại thần trong triều, nhưng không có xây dựng phủ cho bản thân. Dương Tố thích đại gia tộc sống cùng nhau, Việt quốc công phủ của ông ta rộng hơn cả cung thất, đủ để cả gia tộc ông ta, con cháu ông ta cùng chung sống.
Dương Tố đi vào trong phòng, kìm cơn giận, ngồi xuống vị trí chủ tọa. Dương Huyền Cảm và Trịnh phu nhân đành phải đứng sau ông ta. Ông ta vẫy vẫy tay với Nguyên Khánh, dịu dàng nói:
- Đến đây với ông nội nào!
Ấn tượng của Dương Tố đối với Nguyên Khánh rất tốt, lúc nãy khi trông thấy cậu nhỏ này nắm chặt bàn tay nhỏ xíu của mình, hung hăng giống như một con hổ nhỏ, trông rất dũng mãnh. Là một đại tướng chốn sa trường, nên ông ta rất thích vẻ dũng mãnh này của hắn.
Nguyên Khánh biết, những ngày sau này cuộc sống của hắn có được mở mày mở mặt hay không, chính là nhờ vào biểu hiện trong thời khắc quan trọng này đây. Mặc dù phần lớn thời gian hắn đều tìm cách trầm tư để che dấu đi sự trưởng thành của mình, nhưng nếu như có dịp thích hợp thì hắn sẽ không e ngại gì mà tỏ ra mình là một thần đồng.
Hắn liền lập tức tiến lên trước quỳ xuống, cung kính dập đầu 3 cái, thỏ thẻ nói:
- Tôn nhi Nguyên Khánh xin được khấu đầu tổ phụ.
Dương Tố thấy cử chỉ của hắn rất thuần thục, âm thanh vang dội, hơn nữa mồm mép lại rõ ràng, cơ bản không hề giống một đứa trẻ 3 tuổi, nên trong lòng ông ta cảm thấy không tin nổi. Ông quay đầu lại nhìn con trai một lúc, ý như muốn hỏi đã xác thực chưa?
Dương Huyền Cảm gật gật đầu. Khi Nguyên Khánh bước vào cửa, ông ta đã để ý đến cái nốt ruồi đỏ phía bên tai phải của hắn. Đây là một cách để ông ta nhận ra con trai của mình, đến cả mẹ của Nguyên Khánh cũng không hề hay biết chuyện đó. Điều quan trọng hơn cả là ông ta rời xa Nguyên Khánh mới chỉ có một năm, nên bộ dạng của Nguyên Khánh như thế nào ông ta vẫn nhớ rõ.
Dương Tố thấy đã xác nhận rồi, liền lập tức cảm thấy vô cùng thích thú Nguyên Khánh, vội vàng kéo hắn đến ôm vào lòng, tủm tỉm cười:
- Sao cháu lại có tên Nguyên Khánh?
Nguyên Khánh dựa vào vai của Dương Tố, cảm nhận được sự rắn chắc của bờ vai ông ta, cảm nhận được sự linh hoạt, sắc bén và đầy uy lực đang bao trùm lên mình, khiến cho hắn cảm thấy có chút áp lực. Nhưng trong cái vẻ uy nghiêm ấy của Dương Tố cũng lộ ra một tia hiền lành, ấm áp. Sự hiền lành ấm áp đó chỉ có ở người ông dành cho những đứa cháu mà thôi, nó khiến cho hắn cảm thấy phần nào yên tâm.
- Nghe mẹ nói cháu sinh vào mùng một tết vì thế mà gọi là Nguyên Khánh.
Đó là điều mà lúc trên đường cậu mợ đã nói cho hắn biết.
Dương Tố bình sinh giết người như ngóe, máu chảy nghìn dặm, trong lòng đã lạnh lùng tàn khốc như tảng đá, nhưng lúc này đây được cảm nhận thấy một thân hình non nớt, nhỏ nhoi của một đứa bé, mà lại là cháu nội của mình, trong mình nó đang chảy dòng máu của mình, thì bất giác trong lòng ông ta trào dâng lên một tình cảm yêu thương, cười gật đầu, lại hỏi tiếp:
- Cháu có biết tổ phụ là ai không?
- Cháu biết, tổ phụ là Việt quốc công.
Nguyên Khánh đột nhiên nhớ ra, chữ đầu tiên trên bảng hiệu ngoài cửa kia là chữ “Việt”.
Dương Tố hơi sửng sốt:
- Ai nói cho cháu biết vậy?
Nguyên Khánh chỉ chờ câu này của ông ta, hắn liền ra dáng vẻ rất đáng yêu nói:
- Trên bảng hiệu ở ngoài cửa lớn chẳng phải viết đó sao? “Việt quốc công phủ”.
Lúc này, không chỉ Dương Tố sửng sốt, mà Dương Huyền Cảm và Trịnh phu nhân cũng ngơ ngác nhìn nhau, bọn họ không thể tin nổi, một cậu bé 3 tuổi mà đã biết chữ!
- Nguyên Khánh, ai dậy cháu biết chữ vậy?
Dương Tố chậm rãi hỏi.
- Mẹ cháu dạy, mẹ dạy cháu nhiều chữ lắm, lại còn dạy cháu đọc thơ nữa.
Từ xưa đến nay những đứa trẻ thông minh lanh lợi luôn được người ta yêu mến. Vốn dĩ Dương Tố chỉ muốn an ủi một thằng bé đáng thương bị ức hiếp mà thôi, không ngờ lại bị chính hắn hấp dẫn. Ông ta vô cùng thích thú Nguyên Khánh, khẽ vuốt chòm râu dài của mình, mỉm cười hỏi dò hắn:
- Mẹ cháu đã từng nói với cháu tổ phụ là Việt quốc công sao?
Nguyên Khánh lắc lắc đầu, khuôn mặt lộ ra vẻ rất nịnh bợ:
- Mẹ chưa từng nói, nhưng trên đường đi, con có nghe thấy mọi người nói, Việt quốc công là một thiên hạ đệ nhất đại anh hùng, chỉ có điều cháu không biết đó là tổ phụ.
Lời nịnh bợ này rõ ràng quá thẳng thắn, nhưng uy lực của nó thì lại vô cùng mạnh mẽ. Quan trọng là ai nói, nếu là một người đàn ông trưởng thành 30 tuổi nói như vậy thì khi nghe sẽ khiến cho người ta cảm giác khó chịu. Nhưng những điều này lại được thốt ra từ miệng của một cậu bé chỉ 3 tuổi, thì hiệu quả lại hoàn toàn không như vậy. Tính xác thực của nó khiến cho người ta tin phục, Dương Tố nghe xong tâm trạng như được mở cờ trong bụng, vuốt chòm râu cười ha hả không ngừng:
- Cháu ngoan, đúng là thần đồng!
Trịnh phu nhân đứng bên thầm than không ổn. Thằng nhỏ này quả thật quá thông minh. Nếu như cứ nói tiếp không biết chừng ông cụ lại bị hắn mê hoặc. Vì thế mà bà ta ho khan một tiếng, cười giả lả:
- Phụ thân, phải sắp xếp với cậu ta ra sao ạ?
Dương Tố không mấy thích cô con dâu này, vì cô của bà ta chính là vợ trước của ông ta, cũng nổi danh là một mãnh phụ. Một đêm năm Khai Hoàng thứ tư, ban đêm khi Dương Tố và vợ đang cãi nhau ở trên giường, Dương Tố có tức giận mắng bà ta:
- Nếu như ta có làm hoàng đế cũng quyết không lập bà làm hoàng hậu!
Phu nhân của ông ta cũng không phải tay vừa. Ngày hôm sau đã đem câu nói đó tố cáo lên Hoàng đế Dương Kiên, kết quả Dương Tố bị miễn chức. Nếu như không phải tấn công triều Trần thì sự nghiệp của ông ta coi như xong đời rồi. Không lâu sau đó Trịnh thị bị bệnh chết, Dương Tố lại cho cưới em gái của Hạ Nhược Bật. Nhưng nỗi lòng vẫn canh cánh với người vợ trước nên ghét lây sang cả cô con dâu này.
Dương Tố quay đầu lại hung hăng trừng mắt nhìn cô con dâu:
- Mẹ của nó đã qua đời rồi, đương nhiên là ngươi phải nuôi dưỡng nó chứ sao, việc này mà còn phải hỏi à? Phải dạy bảo nó cho tốt, ta sẽ thường xuyên đến xem xét.
Nguyên Khánh không dám kêu to, hắn sợ nhất là bị Trịnh phu nhân ngược đãi, nên hắn đành liều mạng nịnh bợ ông cụ. Cuối cùng không ngờ kết quả của sự nịnh bợ ấy là để cho Trịnh phu nhân nuôi dưỡng mình. Hắn không nói năng được gì cả, nhất thời không nghĩ ra nổi kế sách gì, đúng là ông nội đã xem trọng kết quả của hắn.
Hắn đành tự an ủi chính mình, rằng tổ phụ sẽ thường xuyên đến xem xét, vì thế mà bà ta không dám ngược đãi mình.
Dương Tố còn có việc, ông ta lấy ra một miếng ngọc bội đeo lên cổ của hắn, cười nói:
- Lần đầu tiên gặp nhau, coi như đây là món quà gặp mặt của tổ phụ tặng cho cháu.
Ông ta lại dặn dò con trai vài câu, rồi quay người bước đi. Dương Tố vừa đi, sắc mặt của Trịnh phu nhân liền sầm xuống, lạnh lùng nói với chồng:
- Ta sẽ không nuôi dưỡng hắn, ông tự xử lý đi!
Nói xong cũng xoay người đi ra từ cửa nghách. Trong phòng lúc này chỉ còn lại hai cha con Nguyên Khánh và Dương Huyền Cảm. Dương Huyền Cảm cảm thấy vô cùng khó xử. Nguyên Khánh khiến cho cha ông ta vui vẻ đương nhiên là ông ta cũng vui lắm, nhưng ông ta cũng dám đắc tội với vợ của mình. Trong triều Tùy thì truyền thống con trai sợ vợ đã có từ lâu đời, mà hoàng đế Dương Kiên là một nhân vật tiêu biểu.
Hai cha con trừng mắt ngó nhau, mãi một hồi lâu mà Dương Huyền Cảm cũng không hề nghĩ ra được cách gì. Đúng lúc đó, thì thấy có một tiểu nha đầu tuổi khoảng chừng 2 – 3 đang cưỡi một con ngựa tre đang hoan hỉ chạy qua cửa, miệng không ngừng hét vang “Đi, đi!”