Dưới ngọn gió của sông Trường Giang, chiến kỳ màu đỏ trắng của quân Đường tung bay phất phới. Năm ngàn quân Đường hàng ngũ chỉnh tề, trùng trùng điệp điệp đặt chân lên bờ nam. Trong đội ngũ có một gã Đại tướng mặc bộ giáp trụ, mũ nón bằng bạc, cưỡi tuấn mã đi ở phía trước.
Giáo Úy của An Thục Bảo bước vội lên phía trước, ở trước mặt Chủ tướng quân Đường quỳ một gối:
-Giáo Úy An Thục Bảo Lý Tân tham kiến Vương Tướng quân.
-Vương Tướng quân?
Vương Quân Khuếch cười lạnh một tiếng, quả thật y cũng họ Vương, chẳng qua Vương này không phải là Vương kia mà thôi. Y chỉ roi ngựa vào tên Giáo úy:
-Bắt lại cho ta!
Huyện Nghi Xương của nhà Tùy cũng không phải là huyện Nghi Xương thời hậu thế, còn phải đi về phía tây hơn mười dặm. Hôm nay, ở lối vào Tây Lăng hạp (1), huyện thành được xây dựng ở phía sau Hoàng Ngưu Sơn.
(1)Chỗ hai quả núi kẹp dòng sông ở giữa.
Vùng này nước xiết, nhiều đá ngầm và san hô, dày đặc các vùng nguy hiểm, thế núi ở hai bờ sông dốc đứng, đường đi hiểm trở. Vốn là ở phía bờ bắc của hạp cốc cũng có đường đi, nhưng vào mấy năm trước, núi đá bị sạt lở, mấy ngàn khối đá lớn rơi xuống đã phá hủy một đoạn đường đèo được xây dựng bên cạnh vách núi đá, cần phải bỏ ra một lượng lớn nhân lực và thời gian cũng như tiền bạc mới có thể khai thông.
Mà sau khi Tùy mạt, thiên hạ đại loạn, quan phủ địa phương không có cách nào tu sửa sạn đạo(2), thế nên mấy năm nay chỉ có thể theo đường núi phía nam tiến vào Thục. Huyện Nghi Xương được xây dựng ở chỗ hiểm yếu cũng thành vùng giao tranh của binh gia.
(2) Đường núi hiểm trở.
Huyện Nghi Xương cũng không lớn, ở Trung Nguyên chỉ có thể xem là huyện nhỏ, chu vi không quá mười dặm, tường thành dùng đá tảng loại lớn xây thành. Thời gian đã lâu, trên tường thành đã xuất hiện vô số rêu xanh và dây leo, hòa làm một thể với hạp cốc xung quanh.
Nhân khẩu trong huyện thành cũng không nhiều lắm, chỉ có hơn ngàn hộ. Bởi vì huyện thành hơi nhỏ, không thể trú đóng quá nhiều quân đội, trước mắt chỉ có thể trú đóng ba ngàn quân. Nhưng chỉ với ba ngàn quân này, dựa vào địa thế hiểm yếu của huyện thành, cộng thêm sự chắc chắn của tường thành cũng có thể chống lại sự tấn công của mấy chục ngàn người.
Sở dĩ Dương Nguyên Khánh phái mười ngàn kỵ binh đến tấn công huyện Nghi Xương, thật ra còn ẩn dấu một ý tứ sâu xa, chính là binh tiến Ba Thục.
Đêm càngúc càng khuya, đã bước sang canh ba, trên đầu thành phía đông của huyện Nghi Xương cắm hơn chục cây đuốc, khiến cho đầu thành sáng như ban ngày, cửa thành ở phía dưới là mấy trăm bậc thềm đá, dần thu hẹp xuống phía dưới. Xa xa là sơn đạo được xây dựng trên vách núi đá, vẫn kéo dài về phương xa.
Trên đầu thành, hơn trăm tên lính đi lại tuần tra. Toàn thành này không gặp phải cảnh ngộ bị kẻ thù tấn công đã vài chục năm. Bình an thủ thành suốt một thời gian dài đã khiến cho người huyện Nghi Xương không còn chú ý tới tác phong.
Tuy nhiên, nhờ có nghiêm lệnh của Lý Hiếu Cung vẫn ít nhiều khiến cho đám quân thủ thành cảnh giác hơn một chút, không dám để một vài tên lính canh gác vào ban đêm như trước mà tăng lên một trăm người tuần tra mỗi đêm.
Đột nhiên, mấy tên lính cảnh giác nhìn về phía bóng đêm hắc ám đang bao phủ sạn đạo, dường như bọn họ nghe được ở đó có chút động tĩnh.
Quả nhiên, một lát sau, từ trong bóng đêm truyền đến từng đợt âm thanh lác đác. Hơn trăm lính thủ thành lập tức trở lên khẩn trương, giương cung lắp tên, nhắm thẳng về phía sạn đạo ở xa xa.
-Là tiếng vó ngựa!
Một tên lính đã nghe ra căn nguyên của tiếng động.
Một gã lính Đường dắt theo chiến mã từ trong bóng tối đi ra, đi dọc theo bậc thềm bằng đá hướng về phía cửa thành bước tới.
-Đứng lại!
Hơn trăm cây cung nhằm thẳng vào người y.
Đêm hôm khuya khoắt, tiếng quát chói tai khiến cho tên lính Đường ở dưới thành có chút run rẩy. Y dừng bước, nhìn lên đầu thành một lúc lâu mới hô lên:
-Ta phụng mệnh đến đây truyền tin!
Khẩu âm Di Lăng chính gốc. Binh lính trên thành thoáng buông lỏng khẩn trương. Một gã Giáo úy đang trực ló đầu ra khỏi thành hỏi:
-Là từ đâu đến?
Tên lính dưới thành chắp tay nói:
-Phụng mệnh Vương Tướng quân đến đây truyền tin. Xin hỏi Mã Tướng quân ở đâu?
Quân thủ thành đều biết Vương Nghĩa đã được bổ nhiệm làm Tướng quân Di Lăng, quan điệp đã được Hành đài Kinh Châu đưa đến từ mấy hôm trước. Giáo úy gật đầu, nói với thuộc hạ:
-Mở lồng ra!
Một cái lồng sắt cao tám thước, rộng sáu thước được thả từ trên thành xuống phát ra âm thanh két két. Từ trước tới nay, mở cổng thành vào ban đêm đều là chuyện đại sự, sẽ không vì một tên lính quèn mà phá bỏ quy củ. Vậy thì lồng sắt chính là một biện pháp biến báo. Tên lính đem chiến mã buộc ở phía ngoài thành, sau đó đi vào trong lồng sắt. Lồng sát lại kêu két két rồi được kéo lên đầu thành. Quân canh gác liền dẫn y đi về phía trong thành.
Tướng trấn thủ Nghi Xương tên là Mã Lăng, vốn là một trong số trùm thổ phỉ ở Quan Trung. Sau khi Lý Uyên chiếm lĩnh Quan Trung, thổ phỉ Quan Trung đầu hàng tập thể quân Đường, sau đó được phong quan. Mã Lăng được phong làm Thiên tướng, hai năm trước nhận lệnh đóng ở huyện Nghi Xương.
Hai tháng trước, Mã Thiên tướng cưới nữ nhi của một gia đình nhỏ trong thành làm tiểu thiếp, phủ đệ bố trí ở cách cửa thành phía đông không xa.
Giờ là canh ba, Mã Lăng đang ôm tiểu thiếp chìm vào giấc ngủ. Một tiếng đập cửa nho nhỏ làm y tỉnh giấc. Mã Lăng ngái ngủ, cực kỳ không hài lòng hỏi:
-Chuyện gì?
-Tướng quân, Vương Tướng quân phái người tới đưa tin.
-Vương Tướng quân nào?
-Chính là người mới nhậm chức Tướng quân Di Lăng Vương Nghĩa.
-Con chó Tướng quân Di Lăng!
Mã Lăng thấp giọng mắng. Bất đắc dĩ, đành phải đứng dậy. Tiểu thiếp ở bên cạnh kéo y lại:
-Tướng quân, không ngủ thêm một lát nữa hả?
Tuy rằng trong lòng Mã Lăng cảm thấy căm tức nhưng cũng không thể không rời giường. Dù sao Vương Nghĩa cũng là cấp trên của y. Lý Hiếu Cung trị quân cực nghiêm, nếu kẻ dưới dám phạm thượng, để Lý Hiểu Cung biết được, không thể không làm thịt kẻ đó. Mã Lăng thở dài nói:
-Một Tướng quân Di Lăng đến đây, phải đi gặp mặt.
Y mặc quần áo cho tử tế, đi ra gian ngoài mở cửa hỏi:
-Người đưa tin ở nơi nào?
Vài tên thân binh dẫn theo người đưa tin bước đến. Người đưa tin quỳ một gối thi lễ:
-Tham kiến Mã Tướng quân!
Mã Lăng thấy y đã khoảng chừng bốn mươi tuổi, khẩu âm Di Lăng, bèn hỏi:
-Ngươi là người nơi nào, đảm nhiệm chức vụ gì?
Người đưa tin này tất nhiên chính là lão binh kia. Nhập ngũ đã gần hai mươi năm, sớm đã lăn lộn, kinh nghiệm dày dạn, được huấn luyện sơ qua một chút, liền trả lời đúng như những điều được sai khiến:
-Tại hạ Ngô Bình, người huyện Di Lăng. Hiện tại đảm nhiệm chức vụ Giáo úy dưới trướng Vương Tướng quân. Phụng lệnh Vương Tướng quân đến truyền tin cho Mã Tướng quân.
Vừa nói xong, y liền lấy từ trong lòng ngực ra một phong thư dâng lên cho Mã Lăng. Phong thư này là hàng thật, là tín thư do thám báo quân Tùy thu được lúc sáng sớm hôm nay, là tín thư do chính tay Vương Nghĩa viết cho tướng trấn thủ Nghi Xương là Mã Lăng. Trong thư đại ý nói quân đội của y đến đóng ở huyện Di Lăng, muốn Mã Lăng đến Di Lăng gặp y, hoặc là y đến huyện Nghi Xương thị sát. Giọng điệu rất khách khí, tràn đầy dối trá.
Mã Lăng học vấn thô sơ, đại khái cũng đọc được vài chữ, hiểu được ý tứ trong bức thư. Y lập tức nhẹ nhàng thở ra. Vương Nghĩa đóng quân ở huyện Di Lăng là tốt rồi. Y liền hỏi:
-Hiện tại Vương Tướng quân đang ở đâu?
-Hồi bẩm Tướng quân, hiện tại Vương Tướng quân đã tiến vào tiếp quản huyện Di Lăng. Vương Tướng quân bị cảm nhẹ, hiện tại không thể đến thị sát huyện Nghi Xương, đặc phái Chu Phó tướng đến đây thị sát, đã ở trên đường rồi, sẽ nhanh chóng đến huyện Nghi Xương.
Mã Lăng không biết Chu Phó tướng là ai. Tuy nhiên chiến tướng dưới tay Lý Hiếu Cung có đến mấy trăm người, người y không biết cũng không phải là ít. Mã Lăng cũng không để ở trong lòng, nhưng nửa đêm đến thị sát khiến cho y cảm thấy mất hứng. Mã Lăng nhướn mày nói:
-Chạy tới vội vã như vậy để làm gì?
Người đưa tin cười khổ một tiếng rồi nói:
-Kinh Vương quy định thời gian báo cáo, nhưng trên đường đi chúng ta bị chậm trễ một chút, nếu không báo cáo ngay thì không kịp nữa rồi. Mã Tướng quân cũng biết tính cách trị quân của Kinh Vương Điện hạ, không thể qua loa được.
Điều này cũng đúng. Quân lệnh của Lý Hiếu Cung luôn luôn nghiêm khắc, nói một không hai. Mã Lăng hiểu sự khó xử của Vương Nghĩa, liền gật đầu:
-Đến đầu thành chờ đi.
Thời gian dần sang canh bốn, trên sạn đạo xa xa truyền đến tiếng bước chân dồn dập. Trong bóng đêm xuất hiện bóng người dày đặc, chính là quân đội đang tiến đến. Mã Lăng ở trên đầu thành không giữ được bình tĩnh, tiếng bước chân từ xa truyền tới khiến cho tinh thần y nhất thời rung lên. Y lập tức hạ lệnh:
-Đốt thêm đuốc!
Trên đầu thành, mười mấy cây đuốc được đốt thêm, ánh lửa chiếu ra xa hơn. Không bao lâu sau, một chi quân đội khoảng ngàn người của quân Đường xuất hiện, cầm đầu là một viên Đại tướng, dáng người khôi ngô, mày rập mắt sâu, tướng mạo đường đường, chính là Phó tướng Chu Văn Thông của Vương Quân Khuếch.
Trước kia Chu Văn Thông là một gã Giáo úy trong quân U Châu. Năm Đại Nghiệp thứ chín, y theo Dương Nguyên Khánh đến Phong Châu, hiện nay đã tích công đến chức Á Tướng, tước phong Huyện hầu Vĩnh Bình. Vì khi Vương Quân Khuếch làm phỉ đạo ở Thái Hành Sơn có danh khí rất lớn, lo lắng sẽ bị Mã Lăng nhận ra nên mới để Chu Văn Thông ra mặt, giả mạo làm Phó tướng của Vương Nghĩa.