Thế Lực Khách Trú Và Vấn Đề Di Dân Vào Nam Kỳ

Chương 2: Kỳ 2 Thế lực các chú trong Nam kỳ

Người Tầu sang Nam kỳ từ bao giờ? Quốc triều ta ngày trước chiêu tập dân Tầu và xử trí họ khôn khéo là thế nào? Người Minh hương.

Người Tầu có thế lực to lớn vững bền ở xứ Nam kỳ ta như ngày nay, vốn không phải họ gây dựng trong vòng maáy chục năm nay là được, thực có công phu tích lũy đã hai ba thế kỷ nay rồi.

Nước ta, từ khi có lịch sử là giao th

iệp người với người Tầu, vậy sự giao thiệp ấy, từ đời cận cổ giở lên thế nào ta không cần xét đến, vì không quan hệ gì đến đầu bài cuốn sách này cho lắm, ta chỉ nói chắc rằng: người Tầu bắt đầu sang Nam kỳ là vào khoảng thế kỷ thứ 17 mà thôi.

Chắc thế, năm 1680 vào giữa đời vua Huy Tôn nhà Lê, và chúa Hiền nhà Nguyễn, nhà Minh bên Tầu bị Mãn Thanh cướp ngôi, có một bọn quan minh, là bọn Dương Ngạn Địch (Chữ Hán)năm người, không chịu thần phục nhà Thanh, mới đem đồ đảng 7,000 người và 50 chiếc thuyền sang tình nguyện làm dân Annam. Chúa Hiền nhân muốn khai khẩn đất Chân Lạp (tức là Nam kỳ ngày nay) bấy giờ còn là Chân Lạp, bên họ cho vào ở đất Đông Phố (tức Gia Định bây giờ). Bọn Dương Ngạn Địch mới chia nhau ra ở tản tác hai tỉnh Biên Hòa và Mỹ Tho, khẩn điền lập ấy, cày cấy làm ăn, ấy người Tầu di cư sang Nam kỳ chuyến ấy là chuyến đầu tiên vậy.

Về sau đến năm 1715 (vào đời vua Dụ Tôn nhà Lê và Chúa Nguyễn Phúc Chu) có một người khách Quảng đông, tên là Mạc Cửu (TQ) sang chiếm đất Hà Tiên của nước Cao Miên, rồi chiêu mộ những lưu dân mở mang cày cấy,và đem đất ấy xin thần phục chúa Nguyễn, chúa phong cho làm chức tổng binh.

Số người Tầu sang làm ăn bên nước ta không mấy người đem vợ theo, sang bên này mới lấy vợ Annam là thường, triều đình ta muốn lợi dụng cái tình thế ấy, để cho tăng dân số nước mình lên, bèn định lệ rằng: hễ người nào do bố khách mẹ Annam đẻ ra, thì tức là dân Annam, bắt tụ họp ra làng riêng gọi là “Minh hương”, nghĩa hễ làng của người nhà Minh. Bất cứ dân lai khách ở chỗ nào, cũng có thể lập thành làng Minh hương.

Năm Minh Mệnh thứ 10 (1829) định lệ rằng: người Tầu nào sang làm ăn bên nước Nam được phép lấy dân Annam nhưng nếu đem vợ Annam về Tầu thì phải xử tội rất nặng, đem con lai về cũng vậy, mà cạo đầu cho con mà để bím thì cũng phải tội, nghĩa là Triều đình buộc ngặt rằng, người Tầu lấy vợ Annam đẻ con, con ấy tức là dân Annam, để lợi sự đông dân lên cho nước vậy, y phục luật pháp và đóng thuế má, cũng là được thi cử làm quan, y như người Annam cả.

Xét lại, cái chính sách của Triều đình ta ngay xưa đối với dân Hoa kiều như thế, thật là chính sách hay lắm: một là không cho họ theo chế độ nào riêng, thì quyền cai trị hoàn toàn ở mình; hai là đặt ra bang, thì dễ phần kiểm dốc, ba là đặt ra Minh hương thì lợi cho dân số của mình, cái chính sách ấy vì hay như thế, nên người Pháp sang bảo  hộ ta, vẫn noi theo đại cương ấy để đối với Hoa kiều, tuy có thay đổi ít nhiều, là bởi tùy thời bắt buộc, như là đánh thuế đinh người Tầu rõ nặng, và buộc người Tầu đi tỉnh nọ sang tỉnh kia, phải có thông hành hộ chiếu v.v… thì sự ấy cũng thường không cần nói đến, vì cuốn sách này không có ý biên chép những luật lệ của Nhà nước đối với dân Hoa kiều, mà chỉ có ý phô trương cái thế lực Hoa kiều ngày nay ở Nam kỳ to lớn thế nào, là để tìm cách kháng mà thôi.

Đoạn này mà nói đến những thể lệ của Quốc triều ta định ra để cai trị dân Hoa kiều, là cốt chứng tỏ rằng: nước ta ngày trước tuy ngoại giao có kém hèn, nhưng đến phương pháp nội trị thì cũng là khôn khéo và chu đáo lắm vậy.

II

Dân số người tầu trong Nam kỳ, Năm bang Hoa kiều, đại khái cái nghề của mỗi bang, nghia đoàn thể của họ, việc tập lãnh sự, cái vấn đề “lấy khách” ở trong nước ta.

Dân Tầu ở Châu á không khác gì dân Do Thái ở Châu Âu, hễ gầm giời này, chỗ nào có thể kiếm ăn được, là thấy có gót chân họ, một người Hoa kiều ở Nam dương quần đảo nói rằng : “Người đời chỉ nói phàm chỗ có ánh sáng mặt trời chiếu đến, không chỗ nào không có ngọn cờ nước anh, ta cho rằng phàm chỗ có nước bể chảy đến, không chỗ nào không có người Hoa kiều”(1). Thật ra thì cái gót chân người Tầu, chẳng những thấy những chỗ có nước bể chảy đến mà thôi, tức chí hoang các như Tây Bá Lợi Á, xa sôi như mấy nước Nga, nước Áo ở giữa Châu Âu cũng tìm thấy họ, có người nói: Hoa kiều rải rác ra các địa vực, rộng bằng người Anh, sức giầu có bằng người Do Thái, chịu khó như người Ấn Độ, nhanh nhẹn như người Nhật Bản, đến như cái số kiều dân của họ ở đâu cũng đông, thì không kiều dân nào bì kịp được.

Họ đến một chỗ nào, chẳng phải tranh thành cướp đất gì của người ta, nhưng khiến chỗ ấy cũng bị cái vạ như là tranh thành cướp đất, nghĩa là đến đâu phần nhiều là do nắm được thế lực đồng tiền, chiếm được cái chủ quyền kinh tế của người ta vậy.

Chính nước ta, mà thứ nhất là xứ Nam kỳ, bị phải cái vạ này.

Có vào đến xứ Nam kỳ, mới biết người Tầu ở trong nước mình là đông, mà cơ sở của họ là lớn. Bước lên thành phố Sài Gòn, đi quanh những phố chợ mới, chợ cũ là những phố rộng lớn và rộn rịp bằng mấy hàng Ngang, hàng Buồm ở ngoài mình, đã thấy lúc nhúc những các chú, tính phỏng chừng cũng 3 hay 4 vạn người rồi, tuy vậy cũng còn là ít đi gần 6km nữa vào đến chợ lớn (người Tầu gọi là Đê Ngạn) là một thành phố toàn các chú cả, chưa kể đến nội dung ra thế nào, nhưng mới trông bề ngoài đủ khiến cho mình ghê sợ, xa xa đã trông thấy ống khói nhà máy nọ nhà máy kia, tua tủa lên ngang trời như hàng rào, nào tầu, be, nge, nốc, dậu tri trít ở mặt nước như mắc lưới, đã đủ giật mình về cái cảnh tượng ấy rồi, lại vào đến phố, thì phố xá rộng rãi, nhà cửa nguy nga, hết đường nọ đến đường kia, qua phố này sang phố khác, không phố nào không nhà hai ba tầng, không nhà nào không buôn bán lớn, thôi thì hiệu to hiệu lớn các chú, vác gạo kéo xe các chú, chú hãng chủ nhà máy các chú, mà cho đến vót đũa đan rổ gánh nước bán hoa quả cũng các chú, nói tóm lại việc gì làm mà nảy ra to từng hàng vạn, nhỏ đến đồng xu, thì cũng mấy chú mấy thím “thiên triều” làm hết. Thành phố chợ lớn đất rộng hơn một nghìn mẫu, thì các chú ở quá ba phần tư dân số 13 vạn người, thì phần các chú già một nửa (7 vạn người trên bộ và hơn 1 vạn người ở dưới nước) kể cái hình thế thành phố thì không rộng rãi đẹp đẽ như sai gòn, như Hà Nội, như Hải Phòng nhưng kể đến các nơi công nghiệp buôn bán nước ta thì chợ lớn có thể hoạt động vào bậc nhất này.

Còn như số các chú, rải rác ra làm ăn buôn bán ở lục tỉnh cũng đông hết sức, từ chỗ thị thành dưới thuyền trên bến cho đến thôn quê đầu xóm cuối làng, không có chỗ nào là không thấy các chú, hoặc cửa hàng, cửa hiệu, hoặc bán thịt bán rau, hoặc nghề kia nghề nọ, các chú làm không sót một thứ gì cả, các chú ở đông đúc nhất là mấy tỉnh Sóc Trăng, Back Liêu và Cần Thơ và mấy tỉnh trù phú nhất Nam kỳ.

Trong khoảng 12 năm nay, họ sang mới lại cũng nhiều. Cứ kể từ năm 1912 cho đến 1922 trong 11 năm giời, số người Tầu trên 17 tuổi mỗi năm vào Nam kỳ như sau này:

1912……………………………………13.201

1913………………………………........13.624

1914…………………………………….10.143

1915…………………………………….10.118

1916…………………………………….9.998

1917………………………………….....14.473

1918…………………………………….15.884

1919…………………………………….16.058

1920……………………………………..17.078

1921……………………………………..17.062

1922……………………………………...19.505

Thế thì ra cứ kể trung bình mỗi năm là 14.368 người Tầu sang ta, ấy là chưa nói đến đàn bà con trẻ. Hễ mỗi chuyến tầu ở Hương Cảng và Thượng Hải sang là có đến hàng trăm chú thím vào cửa Sài Gòn, mà tháng nào cũng có vài chục chuyến tầu như thế, Nhà nước phải đặt ở Sài Gòn một sở gọi là sở “Tân đảo” (Service de Hmmigration), chỉ chuyên trông nom về người Hòa kiều mà thôi. Đến như cái tổng số dân Hoa kiều ở Nam kỳ bao nhiêu, thì thấy mỗi chỗ nói một khác, nhưng xem cái tình hình trên kia thì đại ước cũng đến 20 vạn người mới phải.

Trong số 20 vạn đó, thì người Quảng Đông là đông nhất cả, thứ đến người Phúc Kiến, thứ đến người Triều Châu v.v… mà cũng ở dưới cái chế độ “tùy tiếng chia bang, mỗi tỉnh lập bang” là cái chế độ của ta ngày xưa lập ra, và tác giả đã nói ở đoạn trước.

Hoa kiều chia ra làm 5 bang như sau:

1. Bang Quảng Đông (TQ)

2. Bang Phúc Kiến (TQ)

3. Bang Triều Châu (TQ)

4. Bang Hà Cá (TQ)

5. Bang Hải Nam (TQ)

Bang Quảng Đông là những người Tầu ở Quảng Đông, và người ở phía Bắc phía Tây tỉnh ấy, một mình bang này đã hơn 8 vạn người, chưa kể đến đàn bà và con trẻ.

Người Quảng Đông giỏi buôn bán và công nghệ lắm. Ở Chợ lớn họ có hai máy gạo to. Nội các hiệu to bán tơ lụa, các nhà máy cưa, các xưởng củi, các nhà làm gạch, làm đồ sứ, các lò vôi, các xưởng đóng thuyền trong thành phố này đều là tay người Quảng Đông chiếm độc quyền cả, họ lại có nhiều nhà buôn chuyên nghề đem vật sản trong Nam kỳ như là da, sừng trâu, bong gòn vân vân… xuất cảng ra bán ở ngoại quốc. Họ lại có nhiều xưởng đóng tầu nho nhỏ ở Chợ Lớn nữa, mà phần nhiều những tầu con chạy quanh Cửu Long Giang ở Nam kỳ, là của người Quảng Đông cả. Đến như làm nghề thẩu khoán, bán các đồ gỗ, làm thợ nê, thợ mộc, thợ may, thợ đóng giầy tây, các hàng thịt, các hàng cơm tây, cũng là người Quảng Đông làm hết.

Bang Phúc Kiến là những người Tầu ở phía Tây nam Áo Môn dân số của họ ở Nam kỳ cũng đến 5,6 vạn người. Người bang này cũng giỏi nghề buôn bán lắm, ở hai thành phố Sài Gòn và Chợ Lớn họ có rất nhiều hiệu to, và hầu hết các nhà máy gạo ở Chợ Lớn nghề buôn bán gạo trong Nam kỳ là vào tay họ làm cả. Còn thì phần nhiều buôn bán tạp hóa, bán rượu, bán đồ sắt và làm mại biện (compradore) ta vẫn gọi là chu mại bản cho các hiệu buôn tây và các cửa hàng khách, cho nên trong bảng này, ta ít thấy có người đi làm thợ, hay hoặc đi ở, mà có dễ toàn thể là làm nghề buôn bán.

Bang Triều Châu có người cũng đến 5,6 vạn là người Tầu ở gần cửa bể sán đầu (Swatow). Sán đầu cũng thuộc về tỉnh Quảng Đông, nhưng mà người Triều Châu lập thành ra bang riêng, là vì tiếng nói Triều Châu và Quảng Đông khác nhau. Người Triều Châu cũng buôn bán, nhưng so với hai bang trên còn kém xa, mà số đông có ý chịu khó làm những tiện nghệ như là làm bạn thuyền, và làm culi khuôn vác hàng hóa lên tầu ở cửa bể Sài Gòn, cho nên ở Sài Gòn họ đã có hai ba nhà chuiyên bao những hạng culi khuôn vác lúc nào cũng sẵn sang mấy trăm ngươi. Khách Triều Châu nấu nướng đồ ăn rất khéo cho nên cái nghề làm tiệm, cao lẩu của họ cũng phát đạt lắm.

Trong Nam kỳ, người Triều Châu ở các tỉnh Cần Thơ, Sóc Trăng, Trà Vinh, Bạch Giá, Bắc Liêu đông, và cũng có cày cấy ít nhiều. Hai tỉnh Bạc Liêu và Rạch Giá có tới 13.865 người Minh Hương, toàn là con cháu Triều Châu vậy.

Đến bang Hà Cá, thì chỉ có 1 vạn rưỡi hay 2 vạn người là cùng, toàn là dân Tầu phía bắc tỉnh Quảng Đông, họ cũng có nhiều nhà buôn ở Sài Gòn và Chợ Lớn, song cũng tầm thường không đáng kể gì. Trong bang này, ta cũng thấy có một đôi người làm nghề thầu khoán, và có một vài chiếc tầu thủy chạy nữa. Người Hà Cá chuyên làm những nghề thợ rèn, thọe đá, làm máy, đóng giầy khách và làm bánhm những tiệm bán chè tầu, và những hàng bán rau cỏ, thì cũng phần đông là người Hà cá  hết cả.

Sau hết đến bang Hải Nam, là những người Tầu ở cù lao Hải Nam gần vũng bể Bắc kỳ ta. Bang này ít người nhất, chỉ có chừng ngót một vạn người, mà buôn bán ở Sài Gòn và Chợ Lớn rất ít, phần đông họ làm nghề đánh cá, và làm thuê cho những trại trồng hồ, tiêu ở mạn Hà tiên và Phú Quốc cả, còn những người ở châu thành Sài Gòn và Chợ Lớn thì thường làm bồi cho các nhà tây, hay nấu bếp cho các nhà hàng cơm để kiếm ăn soàng soàng mà thôi.

Đại khái nghề nghiệp của 5 bang Hoa kiều ở trong Nam kỳ như thế.

Ta vẫn chịu Hoa kiều ăn ở với nhau, rất là thân ái liên lạc, cái nghĩa đoàn thể của họ rõ rệt lắm, sự đó tuy cũng có sẵn bởi tính tự nhiên, và trong chỗ trường hợp có lợi hại quan hệ với nhau, nên không thể không được, nhưng cũng do cái chế độ lập ra bang, khiến cho họ dễ cấu kết với nhau, mà Chính phủ cũng dễ sai khiến vậy.

Bang, vì tổ chức có nhiều cơ quan ở trong, cho nên có lợi cho Hoa kiều được nhiều mặt lắm, vừa là gia đình, vừa là hương tộc, vừa là hội liên hiệp, vừa là thương mại, vừa là tòa án, vừa là ông chủ ngân hàng, vừa là quan lãnh sứ, vừa là hội cứu tế của họ nữa. Danh hiệu tuy có một nhưng thể chất ở trong thì chia ra vô cùng tận. Mỗi ban họp riêng để bàn việc lợi hại của mình mỗi bang có một quỹ riêng có nhiều tiền; mỗi bang có một người lãnh tự, tức là bang trưởng. Những người ra làm bang trưởng bao giờ cũng là người có tuổi, giầu có, và đã từng lịch duyệt lắm. Họ bầu bang trưởng, tuy cũng có bỏ vé, nhưng chẳng qua là chiếu lệ đấy thôi, chớ kỳ thực họ đã cử một người nào ra với Chính phủ, là dùng cách đồng thanh tuyên cử, một điều đó đủ chứng tỏ rằng họ dễ bảo nhau.

Kỷ luật trong bang rất nghiêm, đừng có tội giết người hay là tội gì thì mới phải phiền đến các quan và tòa án can thiệp vào, còn thì họ điều đình hoặc tài phán lấy với nhau cả. Thường khi người trong bang có phạm lỗi gì, thì những người có chức sự họp lại để xử đoán, hoặc tha hoặc phạt, cứ chiếu theo ý kiến của phần đa số mà làm. Họ có đủ cả nhà thương, nhà đẻ, vòi rồng để chữa cháy, đặt tuần để gác đêm, nhất thiết sự gì cần dùng cho họ, thì đều có đủ, như thế chưa chắc không phải do nghĩa đoàn thể mà ra.

Thứ nhất là cái nghĩa tương tư, tương trợ của họ lại càng nặng lắm, cho nên mỗi khi có chú nào ở bên tầu che dù đeo gói mới sang, là nhập ngay vào bang, lấy chỗ làm gia đình, làm hương tộc cho mình, và bang giúp vốn và chỉ đường làm ăn, lại trông nom cho mình trong mọi công việc, nếu ốm thì bang nuôi nấng thuốc thang, muốn về nước mà không tiền thì bang cấp cho, nếu chết mà không có gì, thì bang tống táng cho rồi sau lại đưa hài cốt về Tầu, bang lại giúp đỡ cho nhà cửa, và chu cấp cho con cái đi học nữa.

Vì bang đối với người trong bang chu đáo như thế, cho nên người trong bang đối với người trong bang phải phục lòng lắm. Hễ ai ra ý bướng bỉnh, không theo mệnh lệnh của Bang thì bang có cách đàn áp, hoặc phạt tiền hoặc đuổi ra. Tuy vậy, không mấy khi ta thấy trong bang họ xẩy ra những sự như thế, vì người Tầu đi làm ăn nơi xa, không biết ở một mình, bởi thế, họ lấy bang là cần dùng cho họ, mệnh lệnh gì của bang là phải tuân theo răm rắp. Chỗ này ta thấy nhiều chứng cớ lắm, xa thì như năm 1908, các bang Hoa kiều, thứ nhất là bang Quảng Đông, nhất định để chế hàng Nhật, y như họ để chế dầu hỏa của Hoa kỳ năm 1905, mà yết thị rằng; nếu ai còn mua đồ hàng Nhật nữa, thì phải phạt 50 đồng. Quả một độ không có người tầu nào dùng đồ Nhật. Gần thì cách độ 5, 6 năm có phường xiếc Ý đại lợi (Italic) vào làm ở Sài Gòn, ra Hải Phòng, Hà Nội cũng không có một người Tầu nào xem. Hai việc ấy đủ chứng tỏ cái nghĩa đoàn thể của người Tầu là đầy là nặng lắm, không trách có nhiều người Pháp đã nghĩ mà phải lo rằng, hoặc người Tầu tự họ tham lam, hay bị ai sui khiến mà phản nước Pháp ở đất nước Nam này, thì tính làm sao? Nhưng nghiệm ra cái mục đích của người Tầu sang làm ăn ở đây là chỉ cốt kiếm ăn hay làm giầu chớ không có một điều sa vọng gì khác (cái vấn đề này đoạn cuối sẽ nói kỹ hơn), vả chăng cũng không làm Chính phủ phải lo, nên chính phủ cũng phải chịu rằng: nếu không có cái chế độ lập ra bang, thì sực cai trị người Hoa kiều ở đây cũng là khó khăn lắm.

Người Tầu ngụ ở ta rất nhiều, quyền lợi của họ cũng lớn, mà thường thì gặp sự gì ức uất, không có người bảo hộ cho, nên chí việc lập lãnh sự ở đây cũng là một điều của người Tầu vẫn yêu cầu mãi.

Chính phép chung của vạn quốc, hễ dân một nước đến làm ăn buôn bán ở một nước nào, thì chính phủ phải có đại biểu người chính phủ sang ở nước ấy, để bảo hộ cho dân mình, người ấy tức là lãnh sự. Không thí dụ đâu xa, ta thấy ngay ở trong nước mình, hai hải cảng thành phố Sài Gòn và Hải Phòng có bao năm người Nhật, người Mỹ ở mà cũng có lãnh sự Nhật, lãnh sự Mỹ đến trú v.v… thế mà dân Hoa kỳ ở đây hàng mấy trục vạn người sao không có được một ông lãnh sự! Về việc này, tác giả thường hỏi ý kiến một vài người Hoa kiều thì họ nói rằng: “Chính phủ nước tôi, vẫn nhắc và yêu cầu việc ấy mãi mà người pháp không nghe. Mỗi lần yêu cầu xin đặt lãnh sự, thì các nhà quan Pháp lại đòi mấy nhà phú thương chúng tôi đến mà bảo rằng: “Nếu quả chính phủ Tầu thật muốn phải lãnh sự đến đây, chính phủ pháp chỉ có việc chiếu lệ như những chỗ khác có lãnh sự mà làm, thì người Tầu không được có của bất động sản như là nhà cửa đất cát nữa, nhất thiết những quyền lợi ấy, mà xưa nay người Hoa kiều có, thì bây giờ phải thủ tiêu đi hết.”. Thế là người Pháp cố ý không muốn cho nước chúng toi đặt lãnh sự vậy”.

Quả có đạt lãnh sự, thì Hoa kiều cũng có thiệt thòi về quyền lợi bất động sản và nhiều quyền lợi khác nữa thật, nhưng quỹ của nhà nước cũng rỗng đi mấy chục triệu đồng bạc mỗi năm, thì lại là một sự thiệt thòi hơn nữa. Vả chăng nói cho cùng thì cũng là cái phương diện ngoại giao của người Tầu còn lép vế quá, thò ra giao thiệp ở đâu, là thất bại ở đó, chưa kể đến những việc năm canh tí, việc 21 điều, việc Giao châu, là những việc to, thế nước Tầu yếu thì thất bại đã đành, nhưng ngay đến những việc ngoại giao nho nhỏ, cũng chẳng làm nổi. Ta xem ngay như người Tầu kiều ở bên Xiêm, đông đúc gấp mấy bên ta, phồn thịnh gấp mấy bên ta, mà chính phủ xiêm vẫn bắt buộc người Tầu hễ đã vào nước Xiêm, là phải theo phong tục và luật pháp Xiêm, lấy vợ Xiêm đẻ con thì phải nhập tịch dân Xiêm hết, thuế má thì đánh rõ nặng, người Tầu Kiều cư ở đấy vẫn yêu cầu dặt lãnh sự mãi, mà chính phủ Xiêm nhất định không nghe, mới rồi lại còn đặt lệ mới bắt con cái người Tầu phải học chữ Xiêm nữa, bọn kiều dân đánh giây thép về xin chính phủ Bắc kinh can thiệp, và xin phải lãnh sự sang để bảo hộ cho, nhưng chắc chính phủ Bắc kinh cũng không biết xử trí ra sao, vì cũng vô lực. Không nói chắc ai cũng biết rằng chính phủ Xiêm mà không cho Hoa kiều bên ấy có lãnh sự, nghĩa là để mình được tự do đánh thuế nặng nề, thì sổ chi tiêu nhà nước được rộng, bắt buộc rằng người Tầu lấy vợ Xiêm đẻ con tất phải nhập tịch Xiêm, thì số dân trong nước càng thêm đông, vì cái lợi quyền cho dân nước mình. Nên chính phủ Xiêm từ chối cho đặt lãnh sự  Tầu là thế, đường đường một nước Tầu, yêu cầu nước Xiêm việc ấy còn không đắt, phương chi yêu cầu việc ấy với chính phủ Pháp ở đây mà được hay sao?

Kết thúc đoạn này, ta nên xem xét về cái vấn đề “lấy khách” đôi tí, để cho biết cái chế độ Minh hương ngày nay khác với chế độ Minh hương ngày xưa.

Cái chế độ Minh hương của ta ngày xưa thế nào, mà tác giả đã nói trong đoạn trước thật là một cái chế độ hay; ấy ta cho bao nhiêu người Tầu vào doanh nghiệp trong nước ta, thì chỉ có cái lợi Minh hương là cái lợi cho ta vậy. Ta xem trong Nam kỳ, tỉnh Bắc Liêu và một phần tỉnh Sóc Trăng, người ở đấy nguyên lý giòng dõi người Triều Châu ngày xưa cả. Dân cư ven bờ bể vùng Xiêm la, khoảng giữa tỉnh Rạch Giá, tỉnh Hà Tiên thì cũng là con cháu bọn nông dân Hải Nam ngày trước. Lại những người mình ở mấy tỉnh Châu Đốc, Hà Tiên, Long Xuyên phần nhiều là nhận tổ tích ở những bọn người Tầu theo Mạc Cửu sang ta hồi thế kỷ thứ 18. Xem thế thì phía tây Nam kỳ mà có cái vẻ sinh tụ như bây giờ, chưa chắc phải nhờ cái chế độ Minh hương, nghĩa là bắt con người Tầu, đẻ ra bởi mẹ Annam, thì tất là dân Annam vậy.

Cái chế độ ấy ngày nay, dưới quyền bảo hộ người Pháp, thì không thế nữa. Người Tầu lấy vợ Annam, đẻ con ra thì có quyền tự do muốn cho nó theo quốc tịch mình hay quốc tịch mẹ cũng được, tuy ở sức đóng thuế được đàng nào thì theo đnàg ấy, đến như lễ nghĩa y phục thì cũng được tùy ý, không phải bắt buộc gì, bởi thế ta thấy người mình lấy khách, may ai bợ được chú tài hay chủ hiệu giầu có phong lưu, đẻ con “ả beng” ra, thì là “các chú”, sau này lớn, mấy trục bạc các chú cũng nộp thuế cho nó được, lại còn có thể đem về bên Tầu nữa, còn các chú nào lấy phải người nghèo nàn khổ sở, thì con đẻ ra mới chịu vào tịch Minh hương, chịu khó làm “ố nàm” vậy, nhưng được điều phải đóng thuế nhẹ thôi. Xem cái hiện trạng này thì phần như ở trên nhiều, mà phần như ở dưới ít, vì các chú lấy sự cho con vào tịch Minh hương là nhục cho mình, là một sự bất đắc dĩ lắm, thành ra các chú sang bên này, vơ vét tiền của ta chẳng nói làm gì, lại còn lợi dụng đàn bà ta để lấy con, đến khi nặng túi bố giắt con về, để người mẹ bơ vơ ở bên này, đàn bà lấy khách ở nước mình gặp nhiều cảnh đáng thương, ta đã từng thấy lắm, vậy thì không phải các chú khôn mà ta dại, các chú lợi mà ta thiệt lắm ư?

Trong Nam kỳ đông người Tầu thế, trừ ra mấy người giầu có mới đuề huề vợ con từ Tầu sang, còn thì toàn hạng giai trẻ sang làm ăn rồi mới lấy vợ bên này, cho nên chị em trong Nam kỳ ta lấy khách nhiều lắm, thế mà kể đến người Minh hương rất ít, tổng số chỉ có độ 5 vạn người, mà số 5 vạn ấy phần nhiều là cha truyền con nối, là người Minh hương từ những đời nào, chứ không phải mới đây mà được như thế, bây giờ thì ả beng phần rất đông theo quốc tịch của bố cả, trong hơn 20 vạn Hoa kiều, ta nên nhận biết rằng có đến 5,6 vạn ả beng như thế vậy. Nếu 5,6 vạn ấy bắt phải là Annam, thì ấy là cái lợi khách của ta, nhưng 5,6 vạn ấy vẫn là người Tầu hết, ta lấy khách chỉ là “đẻ con thuê” hay sao?

Bởi vậy, có người bàn rằng: “Nhà nước ta lại nên thi hành cái chế độ Minh hương của nước Annam ngày trước, bắt rằng những đứa con đẻ ra do bố khách mẹ Annam, thì không được nhận là quốc tịch mình mà đem về Tầu tất phải nuôi theo lễ nghĩa y phục Annam, phải chân chính là người dân Annam mới được. Làm thế, tuy so với quốc tế công pháp bây giờ có trái, nghĩa là đứa con bao giờ cũng phải theo quốc tịch cha, nhưng giá mà Nhà nước lấy lẽ rằng: Bảo hộ xứ này thì cũng phải giữ lại những chế độ cũ của xứ này ít nhiều thì tưởng không ai cho là không phải, mà người Tầu cũng không nói vào đâu được. Ví bằng bảo thứ nhất mà đã vội biến hóa người Tầu ra Annam ngay là cấp tốc quá, thì đời thứ hai, phải bắt là người Annam cũng được.”