*Chương này có nội dung ảnh, nếu bạn không thấy nội dung chương, vui lòng bật chế độ hiện hình ảnh của trình duyệt để đọc.
Lâm Gia Thái Bảo
Đầu thế kỷ thứ nhất, thứ hai, đã xuất hiện những ghi chép cổ nhất về các nhóm người sống ở khu vực Đồng Bằng Sông Cửu Long ngày nay. Trình độ tổ chức xã hội tuy chưa cao nhưng họ cũng có một số cơ sở về văn hóa, thành thị, tạo tiền đề về các đô thị sau này của văn hóa Óc Eo (Phù Nam). Khu vực này vào thời đó đã là một trạm trung chuyển hết sức sầm uất, các tuyến đường từ Ấn Độ, Indonesia thậm chí xa hơn là từ Trung Đông, Tiểu Á khi đến giao thương với Trung Quốc đều dừng ở đây để sửa chữa thuyền, tiếp lương thực, khi quay về thì mua ở đây các nguyên liệu, ngọc quý, trang sức. Nhu cầu vàng, bạc, đá quý khi đó phải nói là cực kỳ lớn, miền Tây khi đó chủ yếu là đầm lầy, kênh rạch, lượng vàng không nhiều, chủ yếu là kiểu mua đi bán lại, như vậy thì làm sao mà lời nhiều được, với lại không chủ động được lượng hàng. Hai thế kỷ này đánh dấu một tiền đề cho giới Lục Lâm, bắt đầu xuất hiện những con người đi thu mua, lúc ấy họ được gọi là Phệ Đà (vì hay cải trang thành người truyền Ấn Độ Giáo, dùng kinh Phệ Đà, rồi có tên như vậy) mãi sau này mới có danh xưng chính thức cho họ, Thả Diều.
.
Sang cuối thế kỷ thứ hai, đầu thế kỷ thứ ba, nhà nước Phù Nam bắt đầu xác lập vị thế, bên cạnh đó khu vực này đang nổi lên một số thế lực khác như thời kỳ tiền Angkor, các đô thị nhỏ như Ca Lâu, Cổ Ngạn, Tất Đà phân bố lẻ tẻ từ dải Hà Tiên, Thất Sơn, Hồng Ngự. Lúc này, vị thế trạm trung chuyển của khu vực ĐBSCL đã trở thành một trung tâm thương mại rất lớn. Lý do là thay vì chỉ thu mua rồi bán lại bảo vật như trước kia, nhóm những người Phệ Đà đã phát triển ra thêm, họ đi săn những thứ là thế mạnh của vùng đầm lầy đồi núi ở Nam Bộ, như da hổ, nanh hổ, nanh trăn, mật vích, sừng tê rồi đến cả ngọc rết, ngọc kỳ lân, kỳ nam, trầm hương. Những mặt hàng này khi ấy săn hãy còn dễ, giá trị cao, các vùng Trung Hoa và Tiểu Á rất ưa chuộng. Lúc này, một nhóm nhỏ từ Phệ Đà dần tách hẳn ra khỏi giao thương, chuyên đi săn hàng, họ chính là giới Săn Lan.
.
Thời kỳ đầu của Lục Lâm kéo dài đến khoảng thế kỷ thứ bảy, khi đó vương quốc Phù Nam sụp đổ, biến mất hết sức khó hiểu. Từ một trung tâm giao thương sầm uất, Nam Bộ lúc này dần trở lại hình thức đô thị nhỏ lẻ như xưa, thành quách mọc lên rừng cây, rồi từ rừng cây mọc lại thành quách không biết bao nhiêu lần. Lúc này, Lục Lâm co cụm lại, vẫn tiến hành các hoạt động săn tìm và giao thương, phía bắc thì các vương quốc Tiền Cham Pa (lúc ấy gọi là Lâm Ấp) Tây thì qua Chân Lạp, vẫn có các thuyền buôn từ Tiểu Á, Ấn Độ tuy quy mô không còn lớn. Lúc này xuất hiện một biến động tiếp theo, khoảng năm 605, nhà Tùy bên Trung Quốc, thời Tùy Dạng Đế đánh chiếm Lâm Ấp, lập ra quận Tỷ Ảnh. Lâm Ấp khi đó có thuật chế tác cả đá và gỗ rất tốt, những thợ thuyền chuyên làm đồ táng cho vua chúa xứ này bị nhà Tùy truy lùng gắt gao, một phần đã trốn chạy về phương Nam, tụ lại với Thả Diều và Săn Lan, họ chế tác các đồ thủ công phục vụ mục đích hai giới kia, ban đầu còn chưa có danh xưng, họ hay gọi mình là Bách Phường Thợ, nghĩa là chế tác đồ gì cũng được, sau này khi Lục Lâm ổn định, họ có tên gọi chính thức là Hàng Thịt.
.
Thời kỳ tiếp theo của Lục Lâm khá bình ổn, thị trường chủ yếu lúc này là Angkor và Trung Hoa. Biến động tiếp theo mãi đến năm 1258, tức là lần đánh quân Nguyên - Mông lần thứ hai. Lúc này, một đạo quân thủy do Toa Đô chiếm đánh Chiêm Thành, phía nam Đại Việt, tạo thế gọng kìm với hai cánh quân phía bắc, quyết tiêu diệt vua tôi nhà Trần. Trong lần hai này, do rút kinh nghiệm lần đầu binh lính do không quen thổ nhưỡng phương Nam, chết rất nhiều, Toa Đô bèn đem theo rất nhiều thầy thuốc để lo cho quân sĩ. Lần hai thất bại, Toa Đô rút chạy, lo sợ bị trả thù cho nên các vị thầy thuốc này bỏ trốn rất nhiều. Chiêm Thành là nước nhỏ, lại gần tầm ảnh hưởng của quân Mông Cổ, họ bèn chạy thật xa vào phương Nam, đến khu vực ngày nay thuộc Biên Hòa, Tây Ninh rồi định cư. Thời gian đầu, Lục Lâm vốn ở ĐBSCL vẫn chưa có thông tin về họ, sau này do danh tiếng nên cũng tìm đến, đầu thế kỷ XIV, Lục Lâm chính thức có một nhóm chuyên lo thuốc thang, trị thương riêng. Thời gian đầu, nhóm thầy thuốc này gọi là Hoa Đà Túc, nghĩa là cái chân của Hoa Đà, nghe qua có ý như khiêm tốn về tài năng của họ, tuy nhiên thực ra nó nghĩa là “Hoa Đà chạy trốn” với lại nhờ có chân nên Hoa Đà mới “đứng được” - khẳng định họ “đứng được” nhờ tài năng. Họ chính là tổ tiên của Hàng Rong.
.
Khoảng cuối thế kỷ XIV, Hồ Quý Ly chuyên quyền, uy hiếp vua tôi nhà Trần. Vùng quê Thiên Trường, Nam Định của vua Trần trước kia là làng chài yên lành, nay bỗng nhiên bị truy sát. Bên Trung Quốc lúc này nhà Minh đang ráo riết chuẩn bị đánh Đại Việt, dòng họ vua Trần ghét cay ghét đắng những kẻ như Trần Ích Tắc, thà chết chứ không qua đất Bắc, nên cũng dạt về Nam. Phương Nam biển đẹp, cá nhiều, sản vật xa khởi vô cùng phong phú, những người này ban đầu đi săn tổ yến máu, san hô bảy màu, vi cá rồi bán ra. Lục Lâm nghe tiếng, bèn tìm đến đặt hàng những kèo ngon. Họ là những Thông Hải thời đầu, tuy nhiên khi đó họ tự gọi là Trần Vĩnh Thôn, đóng tại vùng nay là Tuy Hòa, Phú Yên.
.
Cũng thời gian đó, ngoài Bắc Hà đang vào giai đoạn Nam Bắc Triều, nhà Mạc rút lên Cao Bằng, có sự giao thoa văn hóa với vùng Vân Nam, Trung Quốc. Khi nhà Mạc bị diệt, một số người rút sang Trung Quốc mưu đồ phục hưng nhà Mạc. Tuy nhiên nhà Minh lúc này đã vào thời tàn vận, khi nhà Mạc vong khoảng năm 1592, nhà Thanh đang dần lớn mạnh, Việt Nam vào thời Lê - Trịnh có quân đội hùng mạnh, vua Minh chứa chấp loạn quân Mạc triều không khéo lại tạo cơ hội nhà Trịnh kéo quân sang, cho nên ép bức tàn dư Mạc Triều phải đi nơi khác. Nhánh này di dân sang Miến Điện lúc này là triều Taungoo, tuy nhiên nội bộ Miến lúc này rối loạn, điều kiện sống khắc khổ, nhánh Mạc này tiếp tục di dân về phía nam, theo dòng Mekong, lần lượt qua các nước Lan Xang, Ayutthaya, Chân Lạp, mãi đến đầu thế kỷ XVII, khoảng năm 1620, họ đến vùng Nam Bộ, lúc này vẫn là vùng đất ít chịu ảnh hưởng từ các quốc gia khác. Họ dừng chân ở Gò Công và Cái Bè, lập ra Tưởng Mạc Thôn. Trải qua bao năm bôn ba lặn lội từ Trung Hoa, qua các nước Miến, Xiêm, Chân Lạp, thứ họ thu được nhiều nhất là phương thức bùa, chú của các văn hóa trên. Miền Tây khi ấy hãy còn là rừng thiêng nước độc, ma quỷ vô số. Thầy pháp khi ấy không phải không có, tuy nhiên phương pháp còn thô sơ. Những hậu nhân họ Mạc này đem đến một phương pháp khác, uy lực hơn và hiệu quả! Khi đó họ hay đi trừ ma kiếm sống, xưng là Tưởng Mạc Đạo nhân (Đạo sĩ nhớ về nhà Mạc), họ tạo ra các phương pháp diệt ma, tạo ra Phù. Họ là tiền nhân của Đập Miễu.
.
Tám mươi năm sau, cũng là họ Mạc, nhưng là một nhóm người Trung Quốc di cư tránh nhà Thanh, những năm 1700, họ cập bến vùng Hà Tiên ngày nay, biến Hà Tiên thành một đô thị sầm uất trở lại. Những người này dẫn đầu bởi Mạc Cửu. Trong những người đi theo ông, có một nhóm thầy phong thủy, lo sợ bị nhà Thanh bắt đi xây lăng mộ nên đã vượt biển. Họ có tài về xem long mạch, trấn yểm, kể cả các loại bùa ngải trấn long khác. Ban đầu họ sống ở Hà Tiên, rồi dần dần di sang các vùng khác. Ngành nghề của họ phù hợp cho những ai muốn đi săn lan hoặc đập miễu, thế là không rõ chính thức từ lúc nào, họ trở thành một phần của Lục Lâm, với tên gọi là Đào Giếng.