Thất Sơn Truyện

Chương 26: Ngoại Truyện Kim Thủ Thần Y Lục Tỷ

*Chương này có nội dung ảnh, nếu bạn không thấy nội dung chương, vui lòng bật chế độ hiện hình ảnh của trình duyệt để đọc.

Lâm Gia Thái Bảo

Những năm 1930, vùng Tân Quới, Tân Lược thuộc Thốt Nốt, Cần Thơ ngày nay, cư dân vẫn còn rất thưa thớt, chủ yếu tập trung ven sông. Từ Long Xuyên nếu về ngang Tân Quới, chỉ đếm được chừng chục ngôi làng co cụm bên những rặng dừa nước. 

Một đêm hạ tuần tháng 8, xóm giữa bị khuấy động bởi tiếng hét thất thanh của Tư Bàng, làm nghề giăng câu. Đêm đêm cứ độ hai, ba giờ sáng, ông ta đều đi từ xóm dưới lên xóm trên rồi về, mỗi đêm cũng kiếm dễ đến hai chục ký cá tôm. Đêm nay, khi vừa neo xuồng lại ở bến nhà ông Ba Lê, rặng dừa nước bỗng như níu xuồng Tư Bàng lại. Thấy lạ, ông ta kéo lớp lá dừa ra. Dưới ánh trăng huyền ảo, không gian không có cả tiếng ếch nhái, dưới nước trồi lên một cái đầu lâu trắng hếu. Nghe tiếng la, ông Ba chạy ngay ra xem, xóm giữa bắt đầu sáng đèn. Tư Bàng lúc này leo tọt lên bờ ngồi, run như cầy sấy, không nói được từ gì, lập cập chỉ về hướng cái đầu lâu khi nãy. Có mấy thanh niên trong xóm đoán chừng có con gì, cũng hùng hổ lội xuống xem, vừa dạt lá ra cũng một phen thất kinh khi thấy từ lúc nào bộ xương đã lù lù dựa vào thân dừa. Thế là mọi người đã rõ Tư Bàng thấy gì, họ bèn họp lại để vớt xác lên, an táng cho người ta để còn mong phù hộ. 

Tuy nhiên, mấy người to khỏe đào hì hục mãi mà bùn không hề bớt, bộ xương cũng chỉ lộ ra nửa thân trên dựa vào rặng dừa, mặt gục xuống tựa hồ như ai oán đau khổ đầy bất lực. Đào mãi gần cả giờ, mồ hôi nhễ nhại, ai nấy đều thấm mệt nhưng chẳng tiến triển được gì. Dân làng đang xôn xao, bảo là nên thỉnh thầy về mới được, bỗng đâu trong nhà, Út Dung, con gái của Ba Lê đi lù lù ra, vừa đi vừa dụi mắt như còn buồn ngủ lắm. Con bé chen qua đám người rồi đi thẳng đến rặng dừa. Ông Ba ban đầu định la lên, nhưng nghĩ có thể nó có người âm theo, nên bảo mọi người để yên xem sao. Út Dung lấy tay xoa lên phần trán hộp sọ, vốn nham nhở những phần da, rồi nó vịn hai xương đòn kéo lên rất nhẹ nhàng. Trước sự ngạc nhiên pha lẫn chút sợ hãi từ dân làng, cái xác dần dần trồi lên hẳn. Vừa có người xuống để vớt xác thì Út Dung đổ ra ngất. 



Sáng hôm sau con bé tỉnh dậy, hỏi gì cũng không nhớ, nó chỉ biết lúc đang ngủ, có một cô gái trẻ, áo đỏ quần đen, mái tóc dài đen nhánh đứng ở đầu giường, vén mùng lên đưa tay vào nắm lấy tay Út Dung, bảo là: “Em đi theo chị, giúp chị cái này với.” Đến đó là nó hết nhớ gì. Ông Ba kinh ngạc vì cái xác tối qua đúng là tóc còn bết lại rất nhiều, dài đến eo, vận áo bà ba đỏ và quần đen. 



Nhà Ba Lê ở xóm giữa này đã ba mươi năm, từ thời ba của ông. Ông chẳng khá giả gì, đi làm thuê làm mướn lúc rảnh, nhà chỉ có ba công ruộng nhưng nuôi đến tám miệng ăn. Một hôm, có chiếc xe rất sang trọng đến xóm giữa. Trong xe bước ra hai người đàn ông chừng bốn mươi tuổi, một người mặc comple, có lẽ là chủ, người kia vận áo sơ mi quần kaki xám. Họ đến thẳng nhà ông Ba, ông chủ vào thẳng vấn đề, bảo là mười lăm năm trước, ông ta và chị bị lạc nhau ở gần đây, tìm mãi không thấy người chị nên cả nhà đành chạy loạn lên Sài Gòn. Mấy hôm nay, ông ta nằm mơ thấy chị mình hiện về, bảo đến nhà này tìm sẽ gặp. Ba Lê hết sức ngạc nhiên, khi vị chủ kia mô tả bề ngoài Út Dung y hệt. Thế là Ba Lê dẫn vị kia đến phần mộ mới đắp, nghi lễ cải táng nhanh chóng được tiến hành. Trước lúc trở về, vị kia giới thiệu mình tên là Quách Quý Khải, đang là chủ một nhà hàng ở Chợ Lớn, thấy thương tình nhà Ba Lê khó khăn, muốn nhận nuôi Út Dung, cho học nghề bếp. Ba Lê vừa mừng vừa thương con, nhưng càng nghĩ càng thấy để Út ra đi sẽ tốt hơn cho con, ông đồng ý. Năm đó Út Dung mới mười hai tuổi. 



Ngày đầu lên nơi phồn hoa, Út Dung ngỡ ngàng hết cái này đến cái khác. Nhà hàng của Quách gia tọa lạc ngay đường lớn, thời ấy nói ra ai cũng biết tên. Bếp chính là vị đi theo ông Khải hôm bữa, tên là Triệu Kiến Minh, một tay bếp lão làng ở Hương Cảng, do lánh nạn nên đến Chợ Lớn mưu sinh, được Quách gia giúp đỡ tận tình nên nguyện đi theo ông. Tuy là đại thế gia, nhưng Quách Quý Khải sống rất chan hòa, đặc biệt thương yêu Út Dung, căn dặn Kiến Minh dạy dỗ tận tình. Có chuyện Út nhớ mãi về Triệu Sư phụ này, chẳng là lúc cô mới về ở, có một nhóm của nhà hàng gần đó đến sinh sự. n oán đã lâu, nay đầu bếp của nhà hàng bên kia thẳng thừng thách đấu Triệu Kiến Minh so tài, bên nào thua phải bị chặt tay, cả đời không được sống ở Chợ Lớn nữa. Cả nhà hàng náo loạn cả lên, Kiến Minh chỉ cười khẽ, bảo: “Huynh đây nếu có nhã ý, mỗ tôi đành nghe theo.” 



Bếp bên kia là của Mã Sư phụ, Mã Quát, vốn là đầu bếp số một ở khu này trước đây, nay bị Kiến Minh đến tranh giành, uy danh mười phần cũng giảm bốn năm phần. Hai bên chọn Hội đồng Hiệp, ở vùng Mỹ Tho làm trọng tài. Ông này ra luật, lính của ông ta sẽ đi ngẫu nhiên vào chợ, đến cuối chợ có con gì mua về con nấy, món ăn đầu bếp muốn làm sao tùy ý. Lát sau, một người đi mua cho Mã sư phụ đem về con cá tai tượng chừng tám ký, còn gã lính mua đồ cho Triệu Kiến Minh thì đem về con vịt cồ già. Khỏi phải nói cũng biết do tay Hội đồng đó sắp xếp cả, tuy nhiên Kiến Minh chỉ cười khà khà. Lát sau, Mã sư phụ dọn lên món Lý Ngư Vọng Nguyệt, thực ra là cá tai tượng hấp tương gừng, thịt cá mềm như lụa, óng ánh như kim sa, trang trí nhìn con cá như vẫn còn đang sống, quẫy đuôi từng hồi để ngắm trăng vậy. Lúc này mọi ánh mắt đổ dồn vào Triệu Kiến Minh. Vịt cồ thịt đã dai sẵn, lại gặp ngay con vịt già thì ai cũng cho rằng ăn như lốp xe thôi. Kiến Minh đem con vịt từ nồi hấp ra, để lên dĩa được lót rau sẵn. Con vịt nhìn nguội lạnh, kém hấp dẫn hẳn. Những tiếng xì xầm bắt đầu vang lên, Mã Quát đập bàn: “Con mẹ mày, chớ câu giờ, nhìn là biết mày thua rồi, người đâu, đưa dao tao chặt tay nó!”

Gương mặt Triệu sư phụ vẫn điềm nhiên bảo cứ đợi đã. Đoạn ông lấy chiếc đũa, gõ nhẹ lên phần lưng vịt, tức thì con vịt rã ra thành đúng Tám Mươi Mốt miếng thịt vuông vắn, bên trong khói bốc ngào ngạt, thịt vừa chín tới, tám mươi mốt miếng tuy rơi ngẫu nhiên, nhưng ngay hàng thẳng lối như bàn cờ. Phương pháp Triệu sư phụ sử dụng gọi là Phụng Trảo, nghĩa là chặt nguyên liệu ra rồi ghép lại bằng tương, giữ nguyên hình dạng lúc chế biến. Tuy hấp nhưng nguyên liệu bên trong giữ nhiệt lâu, làm con vịt chín từ trong ra. Hội đồng Hiệp ăn thử một miếng, không hề dai mà lại mềm và dai nhẹ như thịt gà. Mọi người la hét vang cả sàn đấu. Rõ ràng kết quả thắng bại hiện rõ trên mặt Hội đồng Hiệp. Lúc này Mã Quát quỳ thụp xuống xin tha, khóc lóc ỉ ôi kể khổ về mẹ già con thơ. Thấy vậy, Triệu Kiến Minh đến, đỡ ông ta dậy rồi cười bảo là mình thông cảm cho hoàn cảnh Mã Quát. Mã sư phụ vừa cúi đầu cảm tạ, Triệu Kiến Minh vung tay lên, một đòn chặt bằng tay không, chỉ nghe tiếng xé gió vút lên là cánh tay Mã Quát nằm dưới sàn, vẫn còn giật. Út Dung không bao giờ quên nụ cười sư phụ mình lúc vỗ vai Mã Quát đang gào khóc, nụ cười thâm độc nhưng vẫn niềm nở: “Tôi hơi quá tay, Mã huynh lượng thứ.”



Thời gian qua dần, Út Dung học càng ngày càng mau lẹ, chẳng bao lâu đã học đến bảy tám phần từ Triệu Kiến Minh, món ăn Út Dung làm lúc nào cũng bình dị bên ngoài nhưng tinh tế bên trong. Dạo nọ, có một vị khách trạc năm mươi tuổi, ngày nào cũng đến quán gọi món gà, mà phải do chính tay Út Dung làm y mới chịu. Nhưng nhìn thái độ ông ấy, Út nghĩ không hề có chuyện ổng vì tình cảm mà làm vậy. Năm đó Út Dung mười tám tuổi. 



Thời gian này, tư gia Quách Quý Khải có nhiều chuyện lạ, người ở ai cũng bảo có ma. Có người quả quyết thấy bóng trắng miệng đầy máu lang thang trong nhà lúc ba giờ sáng, người thì thấy bóng cô gái mặc áo bà ba đỏ đứng chải tóc trước gương lúc hai giờ sáng, nhìn kỹ thì da đầu bong ra từng mảng, quay mặt sang nhìn chỉ thấy là đầu lâu trắng hếu. Thấy vậy, Quách Quý Khải mới bảo người làm về quê vài ngày, để ông ta cho sửa lại nhà. Đêm đó, Út Dung đang ngủ bỗng thấy như ai đang liếm ở cổ mình, giật mình tỉnh dậy thì tá hỏa khi thấy Triệu Kiến Minh, mặt mày ma quái, lưỡi dài, đang thè ra liếm cổ cô đầy đáng sợ và dục ý. Út hét lên, nhưng cả nhà còn ai đâu, cô vùng dậy chạy đi, sực nhớ Quách tiên sinh, cô tìm đến phòng ông, nhưng than ôi khi mở ra chỉ thấy một cá xác khô quắp queo ngồi trên ghế, con mắt lồi ra, miệng như đang kêu cứu. Có lẽ ông chết đầy đau đớn. Lù lù sau lưng, Triệu lão quái tiến đến cùng tràng cười ma quỷ và những tiếng khè khè như rắn kêu. Ông ta vật Út Dung ra sàn, cô chống cự cỡ nào cũng không được, bỗng nhiên cửa sổ toang, một bóng người rất quen thuộc đã đứng trên đó từ lúc nào, tóc người nay bay phất phơ mở đường cho đôi chân mày đang trĩu xuống vì cơn thịnh nộ. Kiến Minh trong hình hài quái thú có lẽ cũng cảm nhận được có chuyện với y, bèn thả lỏng tay ra rồi lui về sau. Bóng người đó nói: “Gà nuôi, tốt cỡ nào cũng chỉ để ăn thịt, đó là ý mỗ muốn nói cho cô biết” - thì ra là vị khách quen nọ. Trong ánh sáng lờ mờ, Út Dung chỉ thấy ông ấy phi đến chỗ Kiến Minh, một tay dán bùa, tay còn lại tung chưởng toác cả lưng lão quái. Mọi chuyện xảy ra hết sức nhanh chóng khiến Út Dung không hiểu được mình đang phải đối mặt với cái gì. 



Vị đó bình thản mở đèn phòng lên, ngồi xuống ghế, châm trà rồi nói: “Tôi họ Lý, cứ gọi Lý đạo sĩ hoặc Vạn Lĩnh là được. Triệu Kiến Minh vốn là thầy ngải, cha y người Miến, mẹ y người Hoa, học được chút ít bùa ngải từ Miến Điện rồi qua Hương Cảng kiếm ăn, bị phát hiện rồi dọa giết, phải trốn sang đây đi theo Quý Khải. Cô có còn nhớ vụ Quý Khải tìm chị không? Cái xác kia vốn dĩ không phải chị của y, mà thực tế y cũng không hề có chị gái nào thất lạc cả, Kiến Minh dùng bùa mê thuốc lú cho Khải dùng hằng ngày, tiện bề sai khiến. Cái xác kia là Linh Thi, chết ngay giờ hắc đạo, oán khí cao, khó siêu thoát, hắn rắp tâm cướp cái xác về để luyện ngải, sẵn thấy cô cũng có cốt khí, sau này có thể dùng thi thể để trấn yểm được, nên bày trò đem cô về nuôi, kỳ thực là đợi ngày giết cô mà thôi!”

Ông nhấp ngụm trà rồi nói tiếp: “Đêm nay, lúc luyện ngải, quả báo cho hắn lại bị ngải vật, hóa thành ác quỷ nên mới định ăn thịt cô. Bần đạo ban chiều có gieo quẻ, biết đêm nay không lành, nên đành phải vào nhà người ta cứu cô thế này”. 



Sau đó, Lý Sư phụ hỏi Út Dung có muốn theo ông học nghề không, Út Dung lúc ấy chẳng biết gì cộng với còn đang sợ nên chỉ lắc đầu quầy quậy, Lý đạo sư chỉ cười rồi đứng dậy, loáng cái đã mất dấu. Ngay đêm đó, Út Dung đón xe về lại nhà cũ. Sáu năm qua, cô chỉ về nhà được vài lần nên nỗi nhớ nhà da diết bắt đầu ập đến. Vừa đứng trước sân, cô đã nghe tiếng em mình kêu khóc thảm thiết, cô vội chạy vào thì thấy mẹ cô vừa mất do bệnh. Lúc này ở xóm giữa đang có loại bệnh lạ, cứ vài ngày lại có một người mất. Út Dung khóc lóc thảm thiết. Hôm chôn mẹ cô, thấp thoáng bên ngoài khu nghĩa trang, Út Dung thấy Lý Đạo sư. Sau khi an táng xong, cô không theo mọi người về nhà mà đi thẳng đến chỗ Vạn Lĩnh đang đứng. Cô hỏi: “Rốt cuộc thầy là ai?”

Lý đạo sĩ đáp: “Ta là của nhân gian, nhân gian cần người nào, thì ta là người đó.” Đoạn, ông nhìn Út Dung rồi hỏi: “Con muốn làm người như thế nào?” 

Út Dung trả lời ngay: “Giúp người ta no khi đói, chữa người ta lành khi bệnh, thầy dạy chuyện đó được không?” 

Lý sư phụ cười lớn, gật đầu nói: “Được, được, tất nhiên ta dạy được.”



Cô ngay lập tức về nhà chuẩn bị đồ đạc, tiền bạc và tư trang dành dụm được, cô gửi lại cho ông Ba Lê, rồi từ giã lên đường. Trước khi quay đi, cô quỳ lạy trước sân nhà, nói với ông Ba rằng: “Từ nay, tên cha mẹ đặt, con xin không dùng. Từ nay, con là Tỷ.” 

Chữ Tỷ trong tiếng Hán có rất nhiều nghĩa, ngoại trừ nghĩa là “chị” ra thì ít nhất phải hơn chục nghĩa khác. Út Dung chọn chữ “Tỷ” vì nó có nghĩa ám chỉ người mẹ đã chết, hai là mang nghĩa “đi theo”, khẳng định con đường sắp tới từ đâu mà có. 

Những năm 1968, chiến sự miền Nam đang ác liệt. Khu vực miệt Cái Sâu khi ấy vẫn còn cỏ cao đến ngực, lẫn bên dưới là rất nhiều mả. Nếu băng qua được vùng cỏ âm u ghê rợn đó sẽ đến một con kênh, băng qua con kênh này thì đến một cái trũng nhỏ, giữa trũng là một gian nhà sàn được bao bọc bởi các tán cây sú, vẹt, mắm. Cứ ngày hai cử, trưa và chiều, có một người phụ nữ tầm bốn mươi tuổi, mái đầu đã bạc phơ, khuôn mặt vẫn hết sức sắc sảo với sóng mũi cao hơn dọc dừa của xứ Bến Tre đang dùng hai cây dầm làm mui để nấu cơm. Cơm vung đầy hai cái chảo lớn, dễ phải cho gần ba chục người ăn mới hết. Đôi tay bà mảnh khảnh nhưng điều khiển hai mái dầm trên chảo cơm hết sức điệu nghệ. Đồ ăn bà nấu, các anh chiến sĩ ai cũng khen, đơn vị họ ngày nào cũng được ăn uống đầy đủ sau những trận đánh ác liệt. Mặc dù có khi địch càn bằng trực thăng là là trên đầu, nhưng giống như gian nhà sàn đó được phù phép biến mất, chẳng tên địch nào thấy được cả. 

Đêm đến, bà ấy lại châm cứu cho các chiến sĩ bị thương, bệnh. Đôi tay mảnh khảnh đã điều khiển hai mái dầm một cách mạnh mẽ nhưng khi châm cứu lại rất nhẹ nhàng, chuẩn xác. Có lần để cầm máu, bà châm Tám Mươi Mốt (81) cây kim trong vòng chưa tới mười giây, lần khác để kích hoạt toàn bộ công năng của huyệt vị, trong một huyệt nhưng bà châm được đến Một Trăm Lẻ Tám (108) cây kim! Người người ai cũng sửng sốt, đến độ nghẹt thở. Nhưng chưa ai trong khung trũng này nghi ngờ, họ chỉ lo rằng một ngày nào đó bà sẽ không ở đây nữa thôi. Các anh chiến sĩ, mỗi lần có món gì đó ngon đều mời bà, có xì gà thượng hạng luôn là bà hút trước, những câu chuyện anh em vào sinh ra tử trên chiến trường đều kể bà nghe. Nói thẳng ra, họ coi bà như một người mẹ của cả đội… Chiến tranh kết thúc, những người lính năm xưa ngơ ngác khi bà ấy lặng lẽ biến mất, không chút dấu vết.

Ai ngờ đâu giữa nghĩa trang đìu hiu ngày đó đã sản sinh ra một trong những Tẩu Lộ cứng nghề nhất nhì đến độ vang danh thiên hạ, biệt hiệu Kim Thủ Thần Y. Ngày nọ, cơn bão số Năm kinh khủng ập đến, cả một vùng Cà Mau tan hoang không nhìn ra được. Giữa những đội cứu hộ, người ta vẫn thấy một bà lão, đôi tay mảnh mai nấu cơm cứu trợ, hỗ trợ châm cứu, bốc thuốc. Từ đống đổ nát, người ta cứu ra được một bé gái chừng bốn năm tuổi, cú sốc quá nặng từ việc mất hết người thân và kẹt trong nhà hai ngày nên cô đã lâm vào trạng thái nửa tỉnh nửa mê, chịu nhiều đau đớn lắm. Bà vuốt mặt cô bé rồi thì thào: “Con tên gì?”

Cô bé ho khụ khụ rồi đáp: “Tú Linh…”

Bà nói: “Không sao đâu con gái, có bà rồi, con sẽ không sao đâu. Nha!”

Cô bé thủ thỉ, những tiếng nói cuối cùng trước khi hoàn toàn mất ý thức: “Bà tiên ơi, bà tiên tên gì vậy?”

Bà lấy cái túi đồ nghề gồm hàng ngàn kim châm ra, vừa nức nở, vừa châm cứu rồi nói: “Lục Tỷ, họ gọi bà là Lục Tỷ!”

-

Ảnh chỉ mang tính chất minh họa.

Nguồn: ViCare.