Nửa canh giờ sau, đội trưởng đội một, năm, sáu và bảy cho người phi ngựa đến báo cáo rằng cục diện đã được bố trí xong xuôi.
Tần Thiên Nhân đứng ở ngoài cổng trại, nghe xong nói:
-Hay lắm! Thật là làm phiền các vị.
Tần Thiên Nhân khi này mặc áo giáp sắt, quay sang bảo một thân binh:
- Nổi trống thăng trướng!
Rồi phóng lên yên ngựa ngồi uy nghi trên lưng ngựa trắng, tay nắm lệnh tiễn màu đen.
Tiếng trống vang vang, Hồ Quảng Đông, Nhất Đình Phong, Trần Tử Sang, cùng hai tộc trưởng đều vận áo giáp kéo đến. Tần Thiên Nhân ngồi trên ngựa ở giữa, những người chỉ huy bang hội cũng ngồi trên ngựa ở hai bên. Lúc này ánh bình minh còn chưa lên, nhưng tuyết đã tạnh, dưới đất tuyết phủ dày hai tấc.
Nữ thần y ở lại doanh trại với Lâm Tố Đình và vài trăm binh sĩ dự phòng, những binh sĩ này chuyên làm những chuyện canh gác và vận tải, rất ít khi ra trận. Trong lòng Tần Thiên Nhân lo lắng không nguôi được, nhưng đại cuộc là chính, chàng không còn cách gì khác hơn.
Tần Thiên Nhân nhớ lại hôm chàng vờ đóng kịch đuổi nữ thần y đi, khi trở về nàng nói:
- Sao muội có thể nhẫn tâm bỏ huynh lại một mình?
Khi đó chàng đáp:
- Huynh chỉ muốn muội được bình an, ở đây chỉ có chết chứ không sao sống được.
Khi đó nữ thần y ứa lệ mà nói:
- Huynh chết mà muội sống được hay sao? Chẳng lẽ huynh chưa hiểu lòng muội sao? Muội không đi đâu, vì từ lâu rồi muội đã coi huynh như là tướng công của muội, còn muội là vợ huynh, huynh ở đâu thì muội nơi đó, huynh đừng bảo muội đi.
Tần Thiên Nhân ngẩn ngơ một chút rồi nói:
- Được! Vậy chúng ta cùng ở lại đây.
Chàng nói xong nhìn nàng, thấy đôi mắt đen như làn sóng nước ngưng đọng nhìn lại chàng. Chàng đột ngột đau nhói như tan vỡ, đau đớn ôm lấy nàng, biết nàng trở về là cam nguyện chết bên mình. Nàng, một người con gái vừa tròn mười sáu, như hang sâu bí ẩn, lại đạm bạc đơn thuần đến nao lòng. Khi đó chàng đưa tay về phía nàng, nàng cũng chìa tay cầm tay chàng, dựa vào trong lòng chàng, hai người tay trong tay đứng bên nhau như vậy thật lâu.
---oo0oo---
Khoảng tờ mờ sáng, Trần Tử Sang, Nhất Đình Phong và người đội trưởng đội hai thấy quân Thanh do Triệu Phật Tiêu dẫn đầu đang đi dọc theo chân núi Bác Cách Đạt, cách Thạch Thuỷ Hà chừng năm dặm. Ba người nhìn nhau, khẽ gật đầu một cái, họ có nhiệm vụ dẫn dụ quân triều đình tới Thạch Thuỷ Hà, nơi có người đội trưởng đội một và Lạc Thiết Môn đang mai phục sẵn. Trần Tử Sang quyết định đánh nhanh rút gọn, bèn giơ cao lệnh kỳ màu trắng có thiêu chữ “Chu” màu đỏ, phất một cái rồi quát binh sĩ của mình:
-Lên!
Triệu Phật Tiêu thấy binh sĩ Đại Minh Triều ít ỏi, khẽ cười một cái, cũng dùng lệnh kỳ màu trắng có thêu rồng xanh đang nắm trong tay phất ra phía trước, hạ lệnh cho binh sĩ triều đình tiến quân.
Quân của Triệu Phật Tiêu khi này xếp thành ba đoàn, Bạch Kỳ một sọc, Bạch Kỳ hai sọc, và Bạch Kỳ ba sọc. Họ Triệu dẫn đầu quân đoàn Bạch Kỳ hai sọc giáp trận, còn quân Bạch Kỳ một sọc bọc phía bên trái, trong khi quân Bạch Kỳ ba sọc tràn sang hướng bên phải dùng chiến thuật vây hãm đoàn người Đại Minh Triều.
Triệu Phật Tiêu ngồi trên ngựa huơ cây trường mâu dài gần ba thước vùn vụt đánh tới, họ Triệu cho ngựa chạy tới đâu là quân Đại Minh Triều ngã rạp xuống như ngả rạ. Ngựa của họ Triệu là ngựa Thuần Chủng, một loại ngựa chiến do nữ hoàng Anh Cát Lợi tặng, mạnh mẽ vô cùng. Quân Đại Minh Triều vừa tiến lại gần Triệu Phật Tiêu, chưa kịp xuất thủ, đã bị ngựa lồng lên đá chết ngay. Trần Tử Sang, Nhất Đình Phong và người đội trưởng đội hai vì vậy không dễ gì nhập nội.
Người đội trưởng đội hai bèn lấy trong mình một thanh chuỷ thủ phóng ra, chuỷ thủ lao đi vun vút, cắt đứt một chân trước của con chiến mã làm nó té ập xuống.
Triệu Phật Tiêu bị mất thăng bằng, bèn đạp chân lên bàn đạp ngựa, lấy trớn phi thân lên cao một trượng, đáp xuống đất. Chân vừa chạm đất, chưa kịp thở ra thì đã thấy Trần Tử Sang và Nhất Đình Phong giục ngựa lao tới, hai người cầm hai cây thương tả hữu đâm phập từ hai bên hông Triệu Phật Tiêu.
Triệu Phật Tiêu một mình đấu với hai cao thủ giang hồ, lại nữa, hai người kia đang ở trên cao đánh xuống gã, thêm hai cây trường thương rất dài, nhưng thương pháp của họ Triệu cũng chẳng phải tồi, nhất thời không bị đả thương. Trần Tử Sang và Nhất Đình Phong giao đấu với Triệu Phật Tiêu thêm một chút nữa rồi nháy nhau giục ngựa quay đầu bỏ chạy, hướng đến Bạch Thuỷ Hà. Đoàn binh sĩ Đại Minh Triều ngoài người đội trưởng đội hai và năm mươi mấy binh sĩ chạy được theo Trần Tử Sang và Nhất Đình Phong thì gần như bị giết chết cả.
Triệu Phật Tiêu thấy Trần Tử Sang và Nhất Đình Phong bỏ chạy thục mạng, vội túm lấy chân một thân binh của gã, lôi hắn xuống ngựa rồi phóng lên yên ngựa đó hạ lệnh cho toàn thể quân sĩ đuổi theo đám người Trần Tử Sang.
Nhưng ngựa của đội hai của bang hội đều được tuyển chọn đặc biệt, còn quân đoàn của Triệu Phật Tiêu vì không quen địa hình và thời tiết vùng Thiên Sơn nên ngựa đi chậm rãi nhất thời chưa đuổi kịp ngay.
Lát sau Trần Tử Sang, Nhất Đình Phong và người đội trưởng đội hai thấy đại quân Thanh đã đuổi gần tới nơi, liền làm theo lời dặn mà ruổi ngựa chạy xuống ngọn đồi, nối đuôi nhau từng người cho ngựa chạy lên ngọn đồi đối diện.
Triệu Phật Tiêu khi này cũng dẫn quân tới nơi, cả đoàn Thanh binh từ trên đồi cho ngựa phóng như bay xuống dưới đồi cùng một lượt, mấy ngàn con ngựa chạy ào ào tới khiến Thanh binh dồn thành một khối. Chúng chưa qua tới chân đồi đối diện bỗng nghe răng rắc mấy tiếng, rồi mặt đất chấn động, cả đoàn người lập tức kinh hoảng đến độ hồn phi phách tán. Thanh Binh chưa kịp biết chuyện gì đang xảy ra thì đã rơi vào một cái hố băng lớn.
Thì ra mặt sông vào mùa đông đã đóng đá hoàn toàn, nên mới có tên là Thạch Thủy Hà, lại nữa bấy giờ tuyết đã rơi lấp lên, trên mặt hoàn toàn không có dấu vết gì, nhìn xa xa giống như là một con đường nằm ở giữa hai ngọn đồi. Không phải là người sống ở nơi này thì không thể biết dưới mặt tuyết là cạm bẫy chết người được.
Triệu Phật Tiêu vì ham thắng mà nhắm mắt đuổi theo quân Đại Minh Triều, tự mình dẫn quân vào nơi tuyệt địa. Hai tay Triệu Phật Tiêu chợt bủn rủn, trường đao rơi xuống đất. May là gã phi ngựa chạy ở giữa, và cũng nhanh nhẹn dừng ngựa lại kịp thời mới không rơi vào cái hố băng khổng lồ. Gã rùng mình một cái, thầm nghĩ:
- Bọn Đại Minh Triều thật là gian xảo! Thì ra đại đội nhân mã của chúng đã tập trung ở đây!
Quả nhiên nhìn về hai hướng tả hữu, Triệu Phật Tiêu than khổ khi thấy một đám cờ trắng có thêu chữ đỏ đang tung bay phấp phới, lại một số rất đông người đang ép tới.
Lạc Thiết Môn và người đội trưởng đội một cho quân mai phục sẵn ở hai bên bờ sông, thấy Trần Tử Sang phất lệnh kỳ ra hiệu, vội xua quân ồ ạt xông ra.
Triệu Phật Tiêu không còn thời gian suy nghĩ nữa, vội vã hô lên:
- Quay lại! Hậu đội đổi thành tiền đội, lùi nhanh lên!
Nghe thanh âm của chủ tướng đầy vẻ hoảng hốt, quân Thanh lập tức đại loạn. Tên của quân đoàn do Lạc Thiết Môn cầm đầu bắt đầu bắn tới như châu chấu. Quân Thanh vốn đông gấp mấy quân Đại Minh Triều, nhưng đến đây chỉ còn khoảng một phần tư, còn lại đã rơi tỏm xuống sông. Còn chủ lực của quân Đại Minh Triều phần nhiều đều tập trung ở đây, mạnh yếu chênh lệch rất rõ.
Lạc Thiết Môn cho bắn một loạt tên xuống sông, sau đó tuốt gươm ra, cùng với quân Đại Minh Triều và người đội trưởng đội một xung phong tới đánh Thanh binh đang còn ở trên bờ. Triệu Phật Tiêu thấy hai phía tả hữu đều có quân địch, chỉ còn hở một phía, bèn đánh đấm trối chết mà cướp đường chạy thục mạng.
Bên kia bờ sông Trần Tử Sang và Nhất Đình Phong nhìn nhau cười hoan hỷ, hai người như mở cờ trong bụng, Nhất Đình Phong lớn tiếng truyền lệnh:
- Toàn quân hướng về doanh trại tập hợp!
Quân Đại Minh Triều đều tuân lệnh, liền chạy về trại lính.
---oo0oo---
Lại nói tới quân đoàn của “oai trấn Hồ Quảng.”
Khi thấy đoàn quân Chính Bạch Kỳ tấn công tới, người đội trưởng đội ba, bốn, và Hồ Quảng Đông đã theo lời dặn mà chống đỡ qua loa, sau đó dẫn quân rút lui, hướng tới Tinh Tinh Hiệp.
Vạn Văn Thông và người đội trưởng đội năm trông thấy quân Chu Xương Tô đã kéo nhau vào hết trong động rồi, nhảy ra khỏi lùm cây hô lớn:
- Đốt lang yên!
Binh sĩ Đại Minh Triều liền xuất hiện ở cửa hang, đốt một đống phân sói đã chuẩn bị sẵn ở hai bên vách Tinh Tinh Hiệp.
Phân của loài sói có khói đậm đặc nhất, xa mấy chục dặm vẫn có thể nhìn thấy, người Mông Cổ thường hay dùng làm tín hiệu để liên lạc với người ở xa. Khi một vùng thấy khói đen bay thẳng lên trời như một cây cột đen khổng lồ, thì không bao lâu, vùng lân cận cũng sẽ có một luồng khói đen tương tự bay lên. Người ở vùng tiếp theo nhìn thấy làn khói này, lập tức đốt phân sói lên, cứ thế mà truyền đi, trong chốc lát có thể truyền tín hiệu ra xa mấy trăm dặm.
Khi này trong động khói lan đi rất nhanh. Hồ Quảng Đông thì đã dẫn được quân ra khỏi Tinh Tinh Hiệp rồi, bèn làm như Vạn Văn Thông, cũng đốt lang yên lên và trấn giữ cửa ra động, phong tỏa đường ra của Thanh binh.
Quân Thanh thất lạc trong hang động lạnh lẽo, chợt ngửi có mùi nồng nặc phía trước mặt, tướng quân của họ là Chu Xương Tô biết mình đã bị trúng kế địch, sắc mặt xám như tro tàn, gấp rút hô binh sĩ rút lui nhưng nghe thấy phía sau cũng có tiếng la ỏm tỏi và tiếng ho sặc sụa. Thì ra đường tiến đường lui cũng bị khói chặn mất rồi.
---oo0oo---
Hai người đội trưởng đội sáu, bảy và Tàu Chánh Khê đem nhân mã bang hội tới vùng sình lầy phía tây thành Trạch Nhĩ Khương, ẩn náu phía sau mấy bức tường thành đổ, thành Trạch Nhĩ Khương lúc trước do người Mông Cổ xây dựng mà thành, dài gần mười dặm, người Mông Cổ dùng để ngăn chặn thế lực bành trướng của Sa hoàng. Sau bị thế lực của Nỗ Nhĩ Cáp Xích-vị vua đầu tiên sáng lập nhà Thanh, đánh tan và đập bễ, chỉ còn lại một vài đoạn của trường thành là còn nguyên vẹn.
Tàu Chánh Khê mai phục ở đó không lâu thì thấy đàng xa xa, vó ngựa bay mù mịt, quân đội thiết giáp do Nguỵ Tượng Xu dẫn đầu tranh nhau mà truy đuổi quân đoàn của Tần Thiên Nhân điên cuồng trong vùng đại mạc.
Chạy được mười mấy dặm thì số ngựa bên quân của Tần Thiên Nhân bị đuối sức lùi lại phía sau. Đó là những chiến sĩ người Hồi của Kha Tất Khắc và Thạch Vai Nhĩ, họ cố gắng chống trả đến cùng, nhưng chỉ nháy mắt là bị quân thiết giáp giết chết. Rốt cuộc chỉ còn lại Tần Thiên Nhân, Kha Tất Khắc, Thạch Vai Nhĩ và trăm mấy quân Đại Minh Triều là còn sống.
Một thân binh cho ngựa chạy song song nói với Ngụy Tượng Xu:
- Tướng quân ngài nhìn xem, Tần Thiên Nhân chẳng còn bao nhiêu tinh binh nữa!
Tiếng đó như trợ thêm sức lực cho đoàn quân thiết giáp, lại càng cố gắng đuổi theo.
Đuổi được năm sáu dặm nữa thì đội ngũ của Tần Thiên Nhân càng lúc càng tán loạn. Nhưng Ngụy Tượng Xu không lo đuổi theo hai tộc trưởng của hồi tộc và những binh sĩ Đại Minh Triều, chỉ nhắm vào Tần Thiên Nhân mà truy bắt. Họ Nguỵ cưỡi ngựa cầm đại đao hướng dẫn toàn quân xông đi như gió, có bọn thân binh hộ vệ trước sau.
Tần Thiên Nhân đang phi ngựa, bỗng tay nắm lấy dây cương từ từ đứng lên trên yên ngựa như đang chuẩn bị nhảy ngựa. Nguỵ Tượng Xu còn chưa biết chuyện gì đang xảy ra thì đã thấy Tần Thiên Nhân bỏ ngựa triển khai khinh công vùn vụt bay đi.
Nguỵ Tượng Xu giật nảy mình, biết có chuyện chẳng lành, quả nhiên đại quân thiết giáp đang chạy phía trước gã đột nhiên biến đi đâu mất, tiếng la tiếng hét om sòm vang lên. Một tên kỵ binh chạy vội đến trước mặt Nguỵ Tượng Xu mà bẩm báo:
- Tướng quân, không xong rồi! Phía trước là một bãi lầy!
Nguỵ Tượng Xu lật đật kéo mạnh giây cương cho thắng ngựa lại, kinh hãi nhìn cả ngàn kỵ mã thiết giáp của mình lăn lộn trong sình lầy, từ từ lún xuống mặt đất nhão nhoẹt. Thì ra trong đại mạc có những dòng sông không thể tìm ra biển cả, tụ lại mà hình thành những cái hố, rồi dần dần khô cạn đi trở thành sình lầy. Khu đầm lầy lớn này chu vi khoảng mười mấy dặm, bùn sình sâu hơn mười trượng, chỉ có loài bò sát sinh sống chứ người và dã thú không đến được. Bây giờ tuyết đã rơi lấp lên, trên mặt đầm lầy hoàn toàn không có dấu vết gì.
Tần Thiên Nhân đứng trên một ngọn đồi đằng xa quan sát trận chiến, thấy quân thiết giáp rơi vào bãi lầy mỗi lúc một nhiều, bọn chúng càng cố gắng tìm cách thoát ra ngoài, nhưng vũng lầy rất sâu, khó mà thoát ra được.
Tàu Chánh Khê cũng thừa dịp quân của Nguỵ Tượng Xu bị mất đi phân nửa, cùng với người đội trưởng đội sáu, bảy và binh sĩ Đại Minh Triều xông ra mà đánh, tấn công mãnh liệt vào đội quân thiết giáp.
Quân thiết giáp bị ép từ ba phía, giẫm đạp lên nhau. Chúng không tự chủ được, từng tên một bị đẩy lọt xuống vũng lầy, giáp sắt nặng nề nên lún xuống càng nhanh chóng. Đất bùn từ dưới chân dâng dần lên đầu gối, rồi tới eo lưng. Vô số quân thiết giáp ngập nửa người trong bãi lầy, kêu la như điên như dại, đến khi đất bùn ập vào miệng thì tiếng thét mới dừng. Sau đó chỉ còn trông thấy hai cánh tay quơ quào một lúc, rồi hoàn toàn biến mất dưới bãi lầy.
Quân Thanh càng lúc càng ít. Không đầy nửa canh giờ, gần một vạn tinh binh thiết giáp cờ trắng rồng xanh đã bị ép hết xuống đầm lầy. Nguỵ Tượng Xu chỉ còn hơn trăm thân binh liều chết bảo vệ, mở một con đường máu chạy thoát ra ngoài.
Vô số người ngựa không sao đếm xuể đang giãy giụa giữa vùng lầy, quân Đại Minh Triều mừng rỡ hóa cuồng, lớn tiếng cười vang.
Lúc này phần lớn quân Thanh đã biến trong sình lầy không còn vết tích, chỉ còn một số nhân mã mới lún đến nửa người, vẫn còn vẫy tay kêu la được. Không gian đầy những tiếng gào thê thảm, rồi một lát sau từ từ im lặng trở lại.
Hơn một vạn quân thiết giáp đã bị vũng lầy này nuốt sạch. Người ngựa, đao thương, giáp sắt không thấy đâu nữa, chỉ còn những lá cờ trắng rồng xanh nổi trên mặt đất sình.
Kha Tất Khắc đứng ở đằng xa ngoác miệng cười hoan hỉ, Thạch Vai Nhĩ cũng vừa cười vừa gật đầu nói:
- Tần tổng đà chủ thật là tuyệt, mưu kế này hay quá!
Hàng ngàn chiến sĩ Đại Minh Triều ôm nhau vui vẻ reo hò vang dội. Lá đại kỳ thiêu chữ đỏ bay phấp phới trên đồi cát phía sau thành Trạch Nhĩ Khương.
Người Đại Minh Triều và hai tộc trưởng của Hồi giáo trở về doanh trại, thắng liền ba trận, tiêu diệt hơn hai vạn tinh binh của nhà Thanh. Người Hồi hợp lực với bang hội đại phá quân Thanh ở vùng hồi cương, sử có chép lại trận chiến này, gọi đó là “trận đánh Nam lộ Thiên Sơn.”
---oo0oo---
Quân của Triệu Phật Tiêu từ sông Thạch Thủy Hà lùi về chân núi Kỳ Bàn, tới nơi thì thấy Ngụy Tượng Xu người lấm lem đất cát cũng đã dẫn hơn trăm tàn binh chạy từ thành Trạch Nhĩ Khương về tới đây. Ba đoàn tinh binh thế mà cũng đại bại, họ Triệu họ Ngụy nhìn nhau, vừa kinh hãi vừa tức tối vô cùng.
Ngụy Tượng Xu và Triệu Phật Tiêu toàn mạng trở về doanh trại, tức tốc đi tìm chủ soái của họ. Dương Tiêu Phong không đích thân dẫn quân đi đánh trận, mà ra lệnh cho một toán tinh binh dừng chân và hạ trại ở chân núi Kỳ Bàn, cách các trận địch chừng hai mươi dặm.
Ngụy Tượng Xu vào lều, quỳ bái chào chủ soái Chính Bạch Kỳ rồi mím chặt môi không dám nói gì. Triệu Phật Tiêu cũng quỳ dưới đất, dập đầu mấy cái rồi nói:
- Hạ quan đáng chết, hạ quan đáng chết! Bọn chúng đã đánh bại các quân đoàn của chúng ta ở Tinh Tinh Hiệp, Thạch Thủy Hà, Trạch Nhĩ Khương.
Ngờ đâu Dương Tiêu Phong nghe bẩm cáo xong, chỉ ngồi yên trên ghế mỉm cười, Tô Khất đứng cạnh đó lên tiếng đáp thay:
-Không cần lo lắng, Tôn Tử Binh pháp có nói “ngã chuyên vi nhất, địch phân vi thập, thị dĩ thập công kỳ nhất dã,” nghĩa là lấy mười mà đánh một, bởi vì ta đông còn địch ít.
Đoạn Tô Khất thêm lời:
-Hơn nữa, chúng ta còn một quân cờ nữa trong tay, đó là không tính năm trăm khẩu pháo và đại pháo của Nhạc tướng quân.
Nguỵ Tượng Xu không bị trách phạt, trong lòng rất là mừng rỡ. Triệu Phật Tiêu thì nghe Tô Khất bảo vậy, từ gương mặt sợ hãi chuyển sang vung tay múa chân, cười ha hả nói:
-Đúng đó Tô phó tướng! Vả lại, dù cho bọn chúng thắng trận này, chờ thêm nửa canh giờ nữa Tiêu Cốt Tán bộc phát, bọn chúng khác chi cá nằm trên thớt!
Trong lúc này có một tên lính Thanh vào bẩm báo, nói thống đốc thành Bắc Kinh Nhạc Chung Kỳ đã bài trận xong xuôi, súng trường đã được lấp đạn, đại pháo cũng đã lên nòng đầy đủ. Dương Tiêu Phong nghe qua, đứng dậy phất tay một cái nói:
-Chuẩn bị xuất binh!
---oo0oo---
Tần Thiên Nhân dẫn quân trở về. Toàn quân ở lại làm nhiệm vụ canh gác doanh trại và bảo vệ cho Lâm Tố Đình và nữ thần y, thấy lá cờ thêu chữ đỏ trở về, đều chạy ra mừng, nổi tiếng hoan hô như sấm động.
Lâm Tố Đình đang ở cùng nữ thần y trong lều thuốc, nghe tiếng ồn ào, hai cô gái liền tức tốc chạy ra, thấy đội trưởng các đội xếp thành một hàng diễu qua trước mặt Tần Thiên Nhân, nâng trường đao lên để chào.
Lâm Tố Đình chạy đến gần Tàu Chánh Khê, miệng hỏi vồn vập:
- Tình hình diễn biến thế nào?
Tàu Chánh Khê nhìn nàng bằng ánh mắt ấm áp, đáp:
-Chúng ta vẫn chưa phá được vòng vây, chỉ làm tiêu hao đi phân nửa số quân của bọn chúng, nhưng bên ta cũng mất nhiều anh em.
Chàng nói tới đây ánh mắt rời khỏi gương mặt nàng, giọng nói cũng chùng xuống.
Lạc Thiết Môn đang đi phía sau Tàu Chánh Khê, nghe vậy liền bước tới trước nói:
- Trận này khiến cho bọn lính Thanh phải vỡ gan vỡ mật, còn chúng ta thì một phen hả dạ! Tại hạ biết ngũ đương gia đang đau buồn cho các anh em chúng ta đã hy sinh, nhưng tại hạ nghĩ họ cũng sẽ ngậm cười nơi chín suối!
Nữ thần y chạy đến trước mặt Tần Thiên Nhân, định nói chuyện với chàng, nhưng nàng chưa kịp mở miệng thì đột nhiên thấy phu quân lảo đảo đứng không vững, thổ ra một ngụm máu tươi. Nữ thần y giật mình, lập tức đỡ lấy tay chàng, Tàu Chánh Khê cũng chạy đến nâng đỡ, nữ thần y hỏi:
-Huynh bị thương ở đâu?
Tần Thiên Nhân không nói, cố gắng điều hòa hơi thở, nhưng lại thổ ra thêm một ngụm máu nữa. Lạc Thiết Môn, Hồ Quảng Đông, Vạn Văn Thông, Trần Tử Sang, Nhất Đình Phong cùng chạy tới hỏi han.
-Tổng đà chủ!
-Ngài thế nào?
-Ngài làm sao rồi?
Lâm Tố Đình lạc giọng kêu lên:
- Mau mau, đỡ huynh ấy vào nghỉ ngơi!
Tàu Chánh Khê dìu Tần Thiên Nhân vào lều, Lâm Tố Đình trải thảm cho Tần Thiên Nhân nằm nghỉ. Toàn thể binh sĩ Đại Minh Triều đều hết sức lo lắng, biết tổng đà chủ của họ đã kiệt sức sau khi chỉ huy trận chiến này.
Lạc Thiết Môn, Hồ Quảng Đông, Vạn Văn Thông, Trần Tử Sang, Nhất Đình Phong khi này ở trong lều tay chân lập tức cũng lạnh như băng, có người ngất xỉu tại chỗ, bên ngoài lều cũng có tiếng kêu la, một thân binh vào bẩm báo nói khi không có nhiều người đang khỏe mạnh bỗng ngã lăn quay ra đất.
Nữ thần y coi mạch cho từng người, rồi nhờ Tàu Chánh Khê đi lấy rượu cưới vào kiểm tra. Lâm Tố Đình nhìn cây kim trong tay nữ thần y chuyển từ màu bạc sang màu xanh, lửa giận đã bốc tới đầu, Lâm Tố Đình gầm lên:
-Quân khốn kiếp!
Nữ thần y châm cứu cho mọi người tỉnh dậy, tạm thời ép chất độc không cho bộc phát, nhưng nàng bảo biện pháp này chỉ có thể duy trì được khoảng một cây nhang. Nàng lại bảo Tần Thiên Nhân bị trúng độc nặng nhất vì hôm qua chàng uống nhiều rượu nhất.
Khi này có người đội trưởng đội năm mặt mũi bơ phờ chạy vào thông báo nói quân Thanh đang gấp rút xua đến đây, còn mang theo mấy trăm khẩu súng và đại pháo.
Tần Thiên Nhân khi này đã ngồi lên được, đưa tay đè lên ngực, trán đẫm mồ hôi lạnh, hồi lâu mới nói:
-Tây Hồ… muội xem… có cách nào giải chất độc này?
Nữ thần y nắm lấy tay chàng, rơi lệ đáp:
-Ở trong kho thuốc không còn lá Mộc Đinh Hương nữa, cho dù uống được thuốc giải, cũng phải mất ba bốn canh giờ mới giải được độc.
Nàng nói tới đây, có bộ hạ tiếp tục đến bẩm báo:
-Không xong rồi tổng đà chủ, bên ngoài Thanh binh đã tràn tới đây, đang tấn công cổng doanh trại của chúng ta bằng đại pháo!
Chỉ trong chốc lát lại nghe tiếng động đinh tai nhức óc vang lên, mặt đất rung chuyển, rồi tiếng binh khí chạm vào nhau chát chúa, tiếng la tiếng hét rân trời, trong trại lính chỗ nào cũng có ánh lửa. Thân binh liên tiếp chạy tới cấp báo:
- Cả doanh trại đã bốc cháy!
Thân binh này chưa kịp ra ngoài, một kỵ binh thở hổn hển chạy đến báo cáo:
- Quân Thanh tấn công mãnh liệt. Đội trưởng đội hai đã tử vong, đội trưởng đội bốn bị trọng thương. Huynh đệ hai đội thương vong rất nặng.
Tần Thiên Nhân nói:
- Bảo đội phó đội hai và bốn đốc chiến, không được lùi một bước.
Người kỵ binh đó nhận lệnh đi ngay.
Rồi Tần Thiên Nhân tiếp:
- Chúng ta xông ra tiếp ứng mau.
Dứt lời chống tay xuống thảm định đứng dậy, nhưng vừa cử động trong ngực lại đau nhói, Tần Thiên Nhân phải ngồi bệt xuống thảm trở lại.
Nhất Đình Phong uống ít rượu cưới nhất, có thể vịnh tay vào gối đứng dậy, bảo:
-Cứ nhìn cũng biết mọi người mệt mỏi quá rồi. Mọi người đi nghỉ một lúc, để tôi đi cầm chân bọn chúng trước.
Nhất Đình Phong dứt lời, dợm chân định đi ra ngoài lều thì Tàu Chánh Khê đã bật dậy, cản lại nói:
- Không được! Nhất huynh và mọi người ở đây ai cũng đang bị trúng độc, chỉ có tại hạ hôm qua không uống rượu, để ta đi.
Chàng nói rồi lập tức ra ngoài nhảy lên chiến mã, dẫn hai đội quân của chàng ra đi.
Bọn Tần Thiên Nhân biết phen này sinh ly tử biệt, ai cũng buồn bã vô cùng. Nữ thần y thì mắt đẫm lệ, không ngờ bang hội lần này hết thật rồi, có chăng, chỉ còn trông cậy một người tiếp tục giương lá cờ phục Minh.
Mọi người đều trầm uất, lại thêm lo lắng cho Tàu Chánh Khê có thoát được ra khỏi vòng vây hay không.
Xưa nay Hồ Quảng Đông vẫn hào sảng nhất, lên tiếng đầu tiên:
- Lúc nãy, chúng ta giết được hai vạn mấy quân địch rồi. Tổng đà chủ và các vị huynh đệ, chúng ta phải giết thêm bao nhiêu tên cẩu tẩu Mãn Thanh nữa rồi mới chết đây?
Vạn Văn Thông nhìn bạn già, cười đáp:
- Tối thiểu mỗi người phải giết thêm hai trăm tên.
Lạc Thiết Môn đập tay lên đùi nói:
- Bọn quân Thanh này tệ hại vô cùng, chúng ta mỗi người phải giết đủ số ba trăm.
Trần Tử Sang lắc đầu:
- Ầy! Bét ra cũng được năm trăm thằng.
Nhất Đình Phong nói:
- Chúng ta đây còn lại sáu người. Anh hùng hảo hán của Đại Minh Triều phải lấy một chọi sáu trăm, như vậy mới là đủ bộ.
Những người kia nghe nói vậy cũng cao hứng kêu lên:
- Cứ như vậy mà làm. Bắt chúng ta chết cũng không phải dễ, nộp trước cho đủ ba nghìn sáu trăm mạng cái đã.
Tần Thiên Nhân mỉm cười nói:
- Việc này càng lúc càng không dễ. Nhưng nếu không giết đủ số, thì đúng là chúng ta chết không nhắm mắt. Năm xưa Lưu Quan Trương từng thề, không được sinh cùng năm cùng tháng cùng ngày, nhưng phải chết cùng ngày cùng tháng cùng năm. Nghĩa khí của họ lưu truyền vạn kiếp, nhưng rốt cuộc cũng không thực hiện được lời thề. Thế mà hôm nay, mấy người huynh đệ chúng ta lại làm được như vậy.
Quần hùng đã quyết tâm chấp nhận cái chết, ai cũng thoải mái trong lòng. Lâm Tố Đình đứng cạnh nữ thần y nãy giờ, thấy mọi người cười ha hả, cũng cao hứng la lên:
- Hôm nay bản cô nương cũng phải giết cho đủ sáu trăm thằng chó rồi sẽ về trời.
-Lâm tiểu thư định lâm trận thật hay sao?
Nghe Nhất Đình Phong hỏi, Lâm Tố Đình đập tay lên ngực đáp:
-Giặc tới nhà đàn bà cũng phải đánh, đương nhiên muội đây phải ra trận rồi.
Mọi người thấy nàng nói vậy, biết là không thể khuyên can được nữa, nên đồng thanh hô lớn:
- Hay lắm! Vậy thì chúng ta cùng Lâm cô nương, sẽ chết cùng ngày cùng tháng cùng năm.