Kể từ hôm đó Khang Hi trở về hoàng cung phê duyệt tấu chương đến tận nửa đêm. Trước đây, chưa bao giờ Khang Hi làm việc khuya khoắt đến vậy, nhưng dạo ấy hằng đêm đều thức để giải quyết giấy tờ. Phi tần của Khang Hi là Quách Lạc La vừa lo cho sức khỏe của Khang Hi lại vừa không dám lên tiếng can ngăn, đứng hầu bên cạnh nhà vua mà mặt mày nhăn nhó. Quách Lạc La thầm hỏi vì sao một vị vua mà lại phải làm việc vất vả đến như vậy? Nàng len lén quan sát Khang Hi, thấy mỗi đêm Khang Hi đều đi ngủ muộn, sáng ra còn dậy thật sớm để lên triều, khuôn mặt không giấu được vẻ mệt mỏi.
Lại nữa đêm nào Khang Hi cũng ngủ không yên giấc, hễ đặt lưng nằm xuống là nằm chiêm bao. Trong mơ Khang Hi thấy mình ôm siết lấy nữ thần y, kề má mình lên má nàng, và thấy thần quang trong mắt nàng tán loạn, rồi nàng xuôi tay, nhắm mắt vĩnh viễn... Quách Lạc La nghe Khang Hi lẩm bẩm:
- Nàng thật hận trẫm đến vậy sao? Trước lúc ra đi không nói với trẫm lời nào, cũng không nhìn mặt trẫm. Người xưa có câu nhất dạ đồng sàng chung dạ ái, nhất nhật phu thê bá dạ ân. Tuy nàng không yêu trẫm nhưng dẫu sao chúng ta cũng đã là vợ chồng thực sự, nếu không có tình, cũng chẳng còn nghĩa hay sao?
- Không! Không! Nàng không được chết! Xưa nay trẫm đối với nữ nhân không bao giờ ngang ngược, nhưng bây giờ nhất định phải ngang ngược với nàng. Nàng không được chết, trẫm không cho phép nàng chết. Nàng nghe rõ chưa?
- Tất cả thiên hạ này là của trẫm, người trong thiên hạ cũng vậy, nếu trẫm chưa cho phép, nàng không được bỏ trẫm mà đi…
Quách Lạc La ngồi bên giường tĩnh mặc lắng nghe Khang Hi tiếp tục nói:
- Xin lỗi nàng, thật sự xin lỗi nàng... Nếu chúng ta rời Thiểm Tây sớm hơn một ngày có lẽ mọi việc đã không xảy ra… Là trẫm sai... Thật tình là trẫm sợ… Nàng đến Đa Nhĩ Bố Nhĩ Tân gặp hắn rồi sẽ không chịu theo trẫm về nữa. Trẫm hiểu rõ nàng cũng như hiểu rõ hắn, hai người đều không thích kinh đô, trẫm sợ nàng đến nơi đại mạc, một bầu khung cảnh trời đất với người mà nàng vẫn thường mơ tưởng sẽ không chịu quay về nữa…
Quách Lạc La nghe tới đây lo lắng gọi mấy tiếng, nhưng Khang Hi không thoát ra được giấc mộng, trong cơn mơ mơ hồ hồ lại ngủ thiếp đi. Một hồi sau đang nửa tỉnh nửa mê, Khang Hi chợt cảm thấy có bàn tay trìu mến đặt lên trán mình bèn giật mình mở mắt. Nhưng niềm vui vừa mới nhen lên trong tim vỡ mất, chỉ có bi thương lại tràn về.
Về phần Tuệ Dung cũng chẳng khác với Khang Hi là bao, một tháng đầu sau khi thi thể nữ thần y được an táng trong khu rừng hoa đào ở Cam Túc, đêm nào Tuệ Dung ngủ trong Y Y viên cũng giật mình tỉnh giấc, khóc òa lên, vừa khóc vừa nói:
- Xin lỗi ngài, nô tì xin lỗi ngài, là nô tì không tốt, nô tì vô dụng, đã không bảo vệ được người yêu quý nhất của ngài...
- Đừng khóc! Đừng khóc! Nếu huynh ấy có linh thiêng cũng biết cô đã tận hết sức.
Nhưng Tuệ Dung khóc suốt, vừa khóc nàng vừa than Trời ơi Trời hỡi làm cho Uyển Thanh và Phi Yến thấy nàng tự giày vò bản thân như thế, hai người cũng bật khóc theo Tuệ Dung.
Nói tới Tiêu Phong lúc nữ thần y chết chàng đang ở Đa Nhĩ Bố Nhĩ Tân, cùng Phi Nhi và binh lính xây lại nhà cửa và đắp đê khoanh vùng cho dân. Đương khi lắp lại mái nhà, Tiêu Phong chợt thấy Tô Khất chạy đến, sắc mặt xanh xao, bước chân loạng choạng run giọng gọi:
- Vương gia…
Tô Khất đứng dưới đất nói vọng lên:
- Hoàng thượng đang trên đường tới đây, nhưng…
Tô Khất nói đoạn thở một hơi dài thườn thượt:
- Tây quý phi... chết rồi.
Trong một thoáng Tiêu Phong dường như không theo kịp người thuộc hạ của chàng đang nói gì, vừa ngộ ra, lòng đau xé, lại thêm mệt mỏi vì viễn chinh lâu ngày làm miếng ngói đang nắm trong tay rớt xuống đất, thân người chàng cũng lảo đảo muốn ngã. Phi Nhi phóng lại chụp lấy cánh tay Tiêu Phong, đỡ cho chàng đứng vững. Phi Nhi phải kìm nén lắm mới không cho nước mắt chảy ra, khi nãy nàng nghe Tô Khất bảo nữ thần y đã qua đời… nàng thật không ngờ, nàng làm sao ngờ được bao năm chàng chờ mong tin tức của nữ thần y đến mỏi mòn, nhưng cuối cùng lại nhận được tin báo tử!
Tiêu Phong còn chưa hoàn hồn, lại nghe Tô Khất tiếp tục nói:
- Hoàng thượng đã tới đầu làng, ngài hãy cùng với thuộc hạ và mọi người đi nghênh đón thánh giá đi.
Sắc mặt Tiêu Phong thoạt xanh thoạt trắng, chàng ảm đạm gật đầu, lòng đau như cắt, mãi không nói được lời nào.
Cuối xuân năm đó ở tây bắc tiếp tục xảy ra chiến tranh, quân Mông Cổ do hậu duệ của Cát Nhĩ Đan là Sách Vọng A và Ha Lạp Bố Thản chỉ huy từ bốn phương tám hướng tràn tới đường biên giới. Cũng trong năm đó sau khi Tiêu Phong hay tin nữ thần y chết thì lâm bệnh nặng, chàng đang mắc bệnh, mà vẫn phải cố gắng chỉ huy quân binh đánh quân Sách Vọng A, rồi thất lạc. Từ đó trở đi không ai nghe được tin tức gì về chàng nữa. Tô Khất và Phi Nhi dẫn binh sĩ đi tìm xác chàng, Tô Khất nói với binh sĩ rằng phải tìm cho ra xác Trịnh thân vương, dù có đi hàng vạn dặm, cũng phải tìm cho bằng được. Nhưng một tháng sau vẫn không có chút tông tích gì của chàng cả, Tô Khất lại tìm thấy một lá thư của Phi Nhi, nàng cũng biến mất khỏi quân ngũ. Tô Khất đọc thư xong, thở một hơi như trút được gánh nặng trong lòng xuống, rồi hạ lệnh cho binh sĩ rút về doanh trại, không đi tìm hai người đó nữa.
Lại nhắc tới Tân Nguyên đang ở Ba Lan đứng tựa vai bên khung cửa sổ nhìn ra ngoài sân nhà thờ Đức Bà. Nàng đứng như thế thật lâu, mắt đăm chiêu nhìn về phía những đám mây xám. Bầu trời mùa thu bao giờ cũng vậy, có một chút gì buồn buồn thê lương.
Tân Nguyên đứng lặng yên. Thân hình nàng cân đối trong bộ y phục màu đen, áo khoác trên vai cũng màu đen. Màu đen tương phản với màu trắng của bốn bức tường trong giáo đường. Dáng dấp của nàng vẫn như xưa, cao quý, khả ái, khuôn mặt vẫn lôi cuốn với chiếc mũi thẳng và khuôn miệng nhỏ nhưng đôi mắt thật buồn, từ khi nàng rời kinh thành, không lúc nào nàng thật sự cười, lúc nào nàng cũng hồi tưởng đến những ngày xưa cũ với một nỗi buồn lảng vảng.
Tân Nguyên đứng thật lâu cho đến khi ngoài trời tối sẫm, chiều nào cũng thế, nàng đứng như vậy cho tới khi trăng đã lên cao, mới lắc lắc đầu, như muốn lắc đi hình bóng người đàn ông trong lòng nàng, lắc đi tất cả những nhung nhớ, lắc đi những tiếng cười nói và tiếng sáo trầm buồn, và cũng lắc đi luôn những hoan lạc lẫn khát vọng trong nàng về chàng. Thế nhưng, điều nàng không thể lắc đi được, là nỗi bi ai và đau đớn ở tận cùng thâm sâu của trái tim mình.
Ngày hôm sau Tân Nguyên đi làm từ thiện tại một nhà thờ ở Anh Cát Lợi, đương khi phát áo bông cho bọn trẻ con trước cửa nhà thờ, nàng đột nhiên nghe tiếng sáo vang lên. Mấy năm ở xứ người, nàng cũng đã tập tành học thổi sáo hình trụ được làm bằng gỗ, tính đến nay nàng đã chơi thạo được bài Syntagma Musicum của nhạc sĩ Praetorius. Âm nhạc đã dìu nàng qua đèo cao vực sâu. Bằng đôi cánh dịu dàng và bay bổng, âm nhạc đã nhấc nàng lên khỏi nỗi xanh xao phiền muộn. Nàng thổi những bản tình ca buồn bã và nghe lòng vơi đi sầu nhớ. Khi nỗi đau đã thoát được ra ngoài nàng lại đứng giữa hoàng hôn trên đồi Cheviot nhắn nhủ những lời thương yêu cùng gió mây.
Tân Nguyên phát nốt chiếc áo bông trong tay rồi chạy vào giáo đường. Giáo đường ngoài Sơ Mary hoàn toàn vắng lặng. Như vậy tiếng sáo ngọt ngào ma mị choáng ngợp cả không gian mà nàng vừa nghe kia đã phát ra từ đâu? Có thể nào là… Tân Nguyên nghĩ đến đây giác quan nàng nhộn nhạo hết cả lên.
- Thưa Sơ – Tân Nguyên nói - Là ai đang thổi sáo vậy?
Tân Nguyên hỏi xong, cảm giác run rẩy chạy dọc sống lưng nàng. Mary đang thắp đèn cầy, dừng tay mỉm cười đáp lời nàng:
- Là anh Christian, cô thích chứ?
- Tiếng sáo tuyệt vời, anh ấy đang ở đâu?
Mary đưa nàng ra gác chuông. Tân Nguyên nhìn trân trối người đàn ông đang cầm ống sáo trên tay, đúng là chàng, nàng cười rạng rỡ.
Trong chớp mắt, Tân Nguyên như về lại đúng với tuổi của nàng: trẻ trung, vô tư lự và đẹp đến ngưng thở. Mary nhìn Tân Nguyên, mỉm cười thật tươi, đấy là lần đầu Mary thấy nàng cười một cách tự nhiên, tự nhủ phải chăng đây chính là chiếc chìa khóa để mở lòng cô gái này? Âm nhạc? Đoạn Mary cũng cười, cúi chào rồi rời đi.
Tân Nguyên tiến lại gần người đàn ông nọ, chợt nàng cảm thấy miệng như khô đi. Có một cái gì đó mơ hồ không đúng, một cảm giác không quen thuộc khi nàng nhìn người đàn ông này... cũng nét phong trần đó, đôi mắt đó… phải nói là một ấn bản tương tự, nhưng không phải là chàng. Người đàn ông này trông thư sinh hơn chàng, và nhất là, người này không có được cái cốt cách lạnh lùng thường trực. Người đàn ông này nét mặt rạng rỡ, hẳn phải là người vui tính, hồn nhiên...
- Xin chào anh.
Tân Nguyên nói và Christian hạ ống sáo xuống cười với nàng:
- Chào cô.
- Bản nhạc anh vừa thổi nghe thật hay.
- Cám ơn cô.
- Là anh sáng tác?
- Vâng.
- Tên là gì?
- Tôi còn chưa đặt tên.
- Bản nhạc đó nghe rất hay nhưng cũng cho người ta cảm giác thật buồn.
- Vâng, bản nhạc đó nói về tâm trạng của một cô gái đang yêu nhưng tình yêu của cô ta không được đáp lại.
- Tôi hiểu cái cảm giác của người con gái đó – Tân Nguyên nói - Khi yêu một người, khi chúng ta si tình một người, thì cũng giống như chúng ta lấy một cái xiềng xích tự trói buộc bản thân mình lại, rồi đem chiếc chìa khóa giao cho người mình yêu, chỉ duy nhất người mình yêu mới có thể mở được xiềng xích trên người mình xuống, nhưng nếu họ không muốn giúp, thì cả đời mình cũng không thể nào tự cởi ra được.
Hai người nói đến đây không ai nói năng gì thêm trong một lúc. Cả hai chỉ nhìn nhau, như có một cái gì lao xao trong lòng, một khoảnh khắc ngưng đọng giữa hai người. Cuối cùng Tân Nguyên lên tiếng phá tan bầu không khí yên lặng:
- Anh thổi bản nhạc đó cho tôi nghe thêm một lần nữa, được chăng?
Christian gật đầu và tiếng sáo êm dịu, chậm rãi, ngọt ngào và lay động thính giác của chàng lại vang lên, mơn trớn Tân Nguyên lần nữa. Tân Nguyên đứng yên lặng để cho tiếng sáo thần tiên ấy đùa bỡn, quyến rũ nàng...
Vào năm Khang Hi thứ hai mươi lăm ở tây bắc xảy ra một trận động đất kinh thiên động địa, Khang Hi nghe tin lập tức sai binh sĩ mang quan tài của nữ thần y từ Cam Túc về an táng ở Cảnh lăng Thanh Đông lăng thị xã Tuân Hóa nhưng khi binh sĩ khai mộ chỉ là một cái mộ rỗng.
Khang Hi bèn sai Mã Tề đi điều tra. Mã Tề đến Cam Túc, chỉ thấy trên vách mộ có khắc mấy dòng chữ: “Trăm năm sinh ly tử biệt, ngàn năm không hề quên, vạn năm không thể đong đếm hết nỗi buồn, như Thái Bình Dương, biển sâu vô tận, đời người vô thường, tình yêu là trường cửu. Hai ta vẫn mãi mãi yêu nhau. Kiếp này nguyện hẹn ước, kiếp sau sẽ lại bên nhau, thiên trường địa cửu, mãi mãi không hề thay đổi.” Mã Tề bèn hỏi thăm các thôn làng lân cận, có người cho biết vào tiết xuân năm ngoái đã nhìn thấy một đôi nam nữ đánh chiếc xe ngựa vào rừng, gió không ngừng vỗ vào hai bên thành xe. Tuy chỉ mặc quần áo vải thô mà trông người đàn ông vận y phục màu bạch kim đó vẫn toát lên tư thế hiên ngang oai hùng, diện mạo anh dũng tuấn tú, sau khi cúng bái ngôi mộ y đã khắc mấy hàng chữ lên trên phiến thạch.
Khang Hi nghe Mã Tề trở về bẩm báo vô cùng tức giận, tối hôm đó ở Văn Uyên Các xảy ra một trận hỏa hoạn rất lớn, lửa cháy suốt hai canh giờ đã thiêu đốt một số sử sách về triều đình nhà Thanh. Khang Hi cho người in lại, nhưng trong ký sử hoàn toàn không nhắc đến dòng họ Tế Nhĩ Ha Lãng, cùng một số quan thần, Tây quý phi, và tiểu a ca vừa sinh đã mất của nàng.
Thời gian cứ như vậy trôi đi. Nghe phong thanh đâu đó sau khi nữ thần y qua đời, Tuệ Dung ở trong Y Y viên cùng Uyển Thanh và Phi Yến được nửa năm nàng rời khỏi kinh thành, nỗi nhung nhớ của nàng đối với Cửu Dương vẫn chưa lúc nào nguôi ngoai nên cõi lòng của nàng hoàn toàn nguội lạnh, nàng rời kinh thành bỏ đi phiêu bạt giang hồ.