Bao nhiêu lần những hàng liễu trong hoa viên trổ lá rồi lại tàn, để lại những cành cây trơ xương rũ rượi với gió tuyết mùa đông buồn thảm. Và đã bao nhiêu lần hoa cúc nở trong vườn, xuân đến thu đi, trăng khuyết lại đầy. Thấm thoát thời gian trôi qua, đối với Cửu Dương như một chuỗi ngày dài lê thê với những cơn bão tố sầu muộn trong tâm hồn.
Chợt có một hôm trong triều rối loạn, tin tức từ Hô Luân Bối Nhĩ liên tục gởi về. Trong trận đánh gần đây với Cát Nhĩ Đan, Cẩm Sâm tướng quân đã tử trận, toàn quân tan rã. Hô Luân Bối Nhĩ địa thế hiểm trở, quân Cát Nhĩ Đan kiêu dũng thiện chiến, quân Thanh đã nhiều phen bị thua xiểng liểng. Tiêu Phong bèn tự động dâng biểu xin được ra chiến trường, đi Hô Luân Bối Nhĩ đánh Cát Nhĩ Đan. Quần thần trong triều nghe Tiêu Phong xin dẫn quân đi ai cũng vô cùng cảm động, Khang Hi phê chuẩn, ngay hôm sau xuất binh lên đường ra chiến trận.
Quần thần vừa mới lo xong chuyện Cát Nhĩ Đan lại nghe thêm chuyện quân Nga kéo đến đóng ở vùng Hắc Long Giang. Tiêu Phong đi rồi, trong triều chỉ còn lại Ngao Bái nhưng năm đó tuổi tác Ngao Bái đã cao, không tiện cầm quân viễn chinh. Ngao Bái bèn gọi Át Tất Long, Tô Khắc Táp Cáp, Vương Đăng Liên, Cửu Dương và một số quan thân tín vào Ngao phủ để góp ý cho việc tìm người lên biên giới xem xét tình hình để tổ chức kháng cự.
Chiều hôm đó Át Tất Long, Tô Khắc Táp Cáp, Vương Đăng Liên, Cửu Dương và các quan có mặt đông đủ trong Ngao phủ. Trong khi chờ Ngao Bái vào sảnh, Vương Đăng Liên nói chuyện Khang Hi dạo gần đây bỏ bê chính sự, sai Sách Ngạch Đồ đi mời hai sự phó, một người tỉnh Hà Nam tên Thanh Bàn còn một người tên Ngụy Duệ Giới. Hai người này ngày ngày giảng kinh sư cho Khang Hi nghe.
Át Tất Long nghe vậy bèn nói:
- Chẳng những vậy, nghe nói Khang Hi còn mời thi giảng học sĩ Cao Sĩ Kỳ để giảng giải về Tống học, ngày ngày giảng luận với các học sĩ không biết mệt. Khi rời khỏi quốc tử giám trở về cung tiểu tử đó lại còn giảng lại cho bọn cung nhân nghe.
Vương Đăng Liên quay sang Tô Khắc Táp Cáp trố mắt nói:
- Bọn cung nhân đó từ bé đã vô học, làm sao nghe hiểu được ý nghĩa cao diệu?
Tô Khắc Táp Cáp cười khà khà, chuyện Khang Hi theo mấy Thi Độc học sĩ học thuộc nào kinh nào sử, tuyệt nhiên không động tới sớ tâu, không màng chính sự, là chuyện mà tam mệnh đại thần như Tô Khắc Táp Cáp vô cùng vui mừng.
Tô Khắc Táp Cáp nhìn Vương Đăng Liên đáp:
- Ta cũng nghe nói mấy hôm trước Sách Ni vào cung Càn Thanh diện kiến Khang Hi để bàn chuyện quân cơ xứ, nhưng tiểu tử đó không rời mắt khỏi cuốn Đạo Đức Kinh một phút, thờ ơ trả lời làm Sách Ni miệng mồm thở ra khói, lập tức bỏ về.
Át Tất Long cười lớn nói:
- Đúng là chuyện lạ trong thiên hạ, nhưng đó cũng là việc đáng mừng, như vậy thì từ nay những gì ba người chúng ta nói ra là thánh chỉ rồi.
Át Tất Long nói tới đây Ngao Bái vào sảnh, các quan đứng dậy cúi chào. Ngao Bái cho họ ngồi, đoạn cũng ngồi xuống ghế nói:
- Tình hình biên giới hiện giờ rối ren, cho nên hôm nay lão phu mời mọi người đến để cùng mọi người tìm ra một viên tướng giỏi, người này phải hội tụ đủ mọi khả năng ứng phó với bất cứ đột biến nào. Sa hoàng đã dốc hết toàn quân, nếu rủi ro binh lính canh giữ Hắc Long Giang có chuyện bất trắc thì ở kinh kỳ chúng ta sẽ lập tức bị ảnh hưởng. Cho nên ở giữa Đông Bắc và kinh kỳ, lão phu muốn bố trí một đạo quân, người lãnh đạo đạo quân này phải bảo vệ được cả kinh kỳ, tiếp viện Đông Bắc, đề phòng cường địch.
Mọi người gật gù, Át Tất Long nói:
- Nghe ông nói chắc như vậy, chắc đã nghĩ ra người có thể thống lãnh đại quân đó rồi?
Ngao Bái gật đầu, Tô Khắc Táp Cáp nói:
- Chẳng biết ông đã nghĩ ra người nào mà có thể đảm đang nhiệm vụ này?
Ngao Bái nói:
- Trong tất cả các vị ai cũng rất có tài, có bản lĩnh tổ chức và lãnh đạo quân đội, khả năng mưu lược và viễn kiến của một lãnh tụ thiên bẩm...
Ngao Bái ngừng một chút, bưng tách trà lên uống một ngụm rồi đặt xuống nói:
- Nhưng người mà lão phu chọn chính là Lí Tài, hắn cùng lão phu thượng triều bao năm, hằng ngày cùng lão phu đối đầu với Tế Nhĩ Ha Lãng ở trên đại điện, lão phu nhận thấy hắn là một thủ lĩnh tài ba. Chẳng những võ công siêu phàm lại còn vô cùng quyết đoán.
Át Tất Long và Tô Khắc Táp Cáp nhìn nhau gật gù, hai người đàn ông này năm nay cũng lớn tuổi rồi, nên cũng như Ngao Bái ngại chuyện tòng quân đánh giặc. Những người khác cũng gật gù. Duy chỉ có người ngồi cạnh Vương Đăng Liên là Cảnh Trọng Minh lên tiếng. Người này có họ hàng xa với Ngao Bái, năm ngoái họ Cảnh được Ngao Bái nâng đỡ, được phong là tổng đốc Phúc Kiến. Cảnh Trọng Minh nhìn Cửu Dương nói:
- Lí đại nhân đương nhiên là người hội tụ đầy đủ tất cả những phẩm chất đó rồi. Hạ quan vốn nghe danh của ngài từ lâu, tiếc là không có dịp gặp để hầu chuyện, nay gặp mặt, có câu này muốn hỏi xin ngài cho hạ quan mở mang kiến thức?
Cảnh Trọng Minh dứt lời khẽ liếc Ngao Bái thấy Ngao Bái bưng tách trà lên dùng nắp tách trà gạt lá trà trong nước, Cảnh Trọng Minh biết Ngao Bái cho phép, bèn mỉm cười hướng về phía Cửu Dương đang ngồi ôm quyền nói:
- Xin hỏi Lí đại nhân từ khi tiên hoàng nhập quan, lấy được trung thổ, làm cho tổ tiên của Thanh trị phát dịch phục, không lẽ ngài cam lòng?
Cửu Dương không cần suy nghĩ ôm quyền đáp:
- Cám ơn tổng đốc quá khen, bản quan từ lâu cũng có nghe danh Cảnh tổng đốc, nay được gặp quả là hân hạnh. Câu hỏi vừa rồi của tổng đốc, bản quan xin được trả lời người Mãn nhập quan trăm năm, không những không bài xích người Hán mà còn hấp thụ văn hóa người Hán, cổ lệ Mãn Hán thông hôn, nâng đỡ đời sống bá tánh làm cho tứ hải thanh bình, bá tánh an cư lạc nghiệp, chỉ xét về những điểm này đã giỏi hơn Minh triều người Hán gấp ngàn lần. Lại nữa, bao năm qua bản quan theo Ngao đại nhân, đối với hùng tài vĩ lược của Ngao đại nhân bản quan thật khâm phục sát đất, nên đã quyết tâm đi theo ngài ấy, vì chỉ có ngài ấy là người duy nhất có thể đem lại hạnh phúc cho bá tánh, được giúp việc cho ngài ấy, chính là cái phước của bản quan nói riêng và tất cả mọi người chúng ta nói chung.
- Lí Tài ngươi nói rất hay!
Cửu Dương vừa nói xong Ngao Bái liền cười nói. Cảnh Trọng Minh cũng gật đầu tỏ vẻ hài lòng. Cửu Dương hướng về phía Ngao Bái nói:
- Tạ ơn đại nhân.
- Được rồi - Ngao Bái lấy trong áo ra một tấm thẻ bài, nói - Như vậy thì lão phu chính thức tuyên bố kể từ hôm nay Lí Tài sẽ thay ta chỉ huy quân đội Thượng Tam kỳ.
Cửu Dương rời ghế đến trước mặt Ngao Bái cúi nhận lệnh bài rồi nhìn mọi người, xá một cái nói:
- Đa tạ Ngao đại nhân, đa tạ các vị đã ủng hộ hạ quan. Tuy rằng hạ quan đảm nhiệm chức vụ thống lĩnh quân đội Thượng Tam kỳ nhưng nói đến kinh nghiệm lâm trận thì Ngao đại nhân và các vị hơn hẳn hạ quan, là đại lão sư của hạ quan, mai này hạ quan có làm việc gì sai quấy xin các vị tận tình chỉ dạy.
Vương Đăng Liên phẩy ống tay áo nói:
- Lí đại nhân ngài khỏi cần phải lo, Ngao đại nhân đã giao phó trách nhiệm cho ngài, nghĩa là tin tưởng ngài có tài cán hơn người. Xưa nay cặp nhãn quan của Ngao đại nhân tuyệt đối chính xác.
Át Tất Long nói:
- Bổn quan cũng rất vui khi thấy ngươi gánh vác trách nhiệm này.
Tô Khắc Táp Cáp cũng nói:
- Đúng là mấy năm qua Lí Tài ngươi làm việc rất tốt, một mình ngươi giúp việc cho ba người chúng tôi, còn hơn đám người Trương Đình Ngọc, cha con họ Sách, Vương Diệm, Long Khoa Đa, Mã Tề, Ngạch Nhĩ Thái theo giúp Tế Nhĩ Ha Lãng nhiều.
Cửu Dương nói:
- Hạ quan quyết sẽ không làm các vị phụ lòng.
Lúc này bọn đầy tớ mang rượu ra, Cửu Dương trở về chỗ ngồi. Ngao Bái nâng li rượu lên nhìn mọi người nói:
- Mọi người cùng lão phu nâng li chúc mừng Lí Tài nào, từ giờ phút này trở đi, lão phu giao sư đoàn Thượng Tam kỳ cho Lí Tài để hắn chủ trì việc lãnh đạo binh sĩ, giúp ta mưu đồ nghiệp bá, tương lai thành công, bản quan sẽ có thưởng lớn cho tất cả mọi người.
Các quan nâng li lên uống cạn, Ngao Bái cũng uống cạn, đặt li rượu trở lại trên mâm, nhìn Cửu Dương nói:
- Với nhãn quan tinh tường của ta, Lí Tài ngươi chắc chắn có thể giúp ta lãnh đạo nghĩa quân, sau này đoạt được thiên hạ, với công đức tài cán của ngươi ít nhất cũng phải làm đến chức vị thừa tướng, tay nắm quyền binh dưới một người nhưng trên hàng vạn người.
Cửu Dương vừa cười vừa cung tay xá một cái, ngoài mặt tỏ vẻ xúc động, nhưng trong lòng không cần nghe Ngao Bái nói câu đó thì cũng đã biết địa vị của chàng từ giờ phút này đã được đặt nền móng xuống. Rốt cuộc sự nghiệp cũng đạt đến được một giai đoạn phát triển hoàn toàn mới, mong ước đã hé lộ ánh sáng. Tuy vậy kế hoạch vẫn còn rất gian nan trùng trùng, nhưng đây chính là sự thách thức trên con đường số mệnh.
Hôm trước khi Cửu Dương dẫn quân đội Thượng Tam kỳ đi ra biên giới chàng tìm Tuệ Dung. Nàng đang tưới mấy chậu cúc trong hoa viên, chàng đến nói với nàng muốn nàng đi bách bộ cùng chàng. Cửu Dương đánh xe đưa hai người đến một đoạn Vô Định hà. Hai người xuống xe đi dọc theo bờ sông, nơi này trồng nhiều liễu, cành cây cúi xuống như u buồn, lá liễu dài như mái tóc của cô gái trẻ. Đã mấy lần Tuệ Dung lẻn theo chàng đến đoạn sông này, nhưng nàng chưa bao giờ thật sự ngắm cảnh ở đây. Chiều nay nàng mới có dịp ngắm nhìn xung quanh, thấy những cành liễu đẹp và trang nhã, cũng lại có vẻ đài các nên thơ. Chiều vàng xuống, ánh hoàng hôn ngất ngưởng trên ngọn liễu trông đẹp vô cùng nhất là khi có làn gió nhẹ, cành liễu lao xao như một bản nhạc êm đềm. Cửu Dương nói gì đó với Tuệ Dung, rồi đưa cho nàng một bức thư. Sau đó hai người bước qua khỏi mấy hàng liễu, đặt chân trên con đường trải đá trắng, sương chiều đọng trên ngọn cỏ, long lanh dưới ánh nắng như những hạt kim cương.
Tối hôm đó Cửu Dương đến phòng nữ thần y tìm nàng. Nữ thần y bế Tiểu Bạch trong lòng, ngồi trên trường kỷ im lặng nhìn ra cửa sổ. Trên bàn cơm canh vẫn còn nguyên và nguội lạnh, nàng cũng đã ốm đi nhiều. Cửu Dương bước lại gần trường kỷ nhìn nàng. Vẫn vẻ mặt bất cần như thường ngày, nhưng nét mặt lạnh lẽo như băng của nàng tối nay khiến trái tim chàng như muốn ngừng đập.
Chàng nói và cảm thấy cổ họng mình như nghẹn lại:
- Xin muội đừng nên tự đày đọa mình, đừng như thế, huynh biết muội hận huynh, nhưng muội an tâm, chỉ một thời gian ngắn nữa thôi muội sẽ không cần phải trốn tránh huynh, không cần phải trốn chạy huynh, không cần tính chuyện rời khỏi huynh nữa.
Nữ thần y im lặng. Cửu Dương nhìn nàng thêm một chút nữa rồi chàng nói một cách khẳng định:
- Rồi muội sẽ được tự do, rất nhanh thôi. Cho nên khi huynh đi rồi xin muội hãy cố gắng bảo trọng bản thân.
Nói xong, chàng không đợi cho nàng có cơ hội mở miệng, đã quay đầu lại, bước từng bước thật dài, bỏ đi thật nhanh. Chàng sợ sẽ phải nghe nàng nói lên những lời oán hận chàng, từng lời từng câu nói của nàng, sẽ xé nát chàng ra thành từng mảnh vụn, sẽ hủy diệt chàng đến tận cùng! Hơn nữa, chàng cũng sợ chàng sẽ dằn lòng không được, bất chấp tất cả mà đem hết mọi chuyện, cùng tâm tình khúc chiết, đoạn trường của mình, kể hết ra cho nàng nghe...
Suốt đêm đó Cửu Dương đứng bên cửa sổ trong thư phòng chàng, mắt thẫn thờ nhìn bầu trời đen qua cửa sổ và nhìn tơ liễu dao động trước gió thu hiu hắt trong khoảnh sân trước phòng sách. Không có gì giày vò tâm hồn và thể xác con người bằng sự hiểu lầm. Cơn gió ngoài sân tuy mát mẻ nhưng không thể chở bớt phần nào sầu muộn và tơ liễu kia phất phơ trước gió cũng không thể làm giảm phần nào buồn phiền của chàng.
Chàng nhớ lại những đêm mà chàng cùng với nữ thần y ngồi uống trà trong sân, những tình cảnh đó khiến chàng cảm thấy vui vẻ và hạnh phúc không tả xiết, nhưng giờ đây không còn tồn tại nữa. Ôi tình yêu!
Tờ mờ sáng hôm sau Cửu Dương lại đến phòng nữ thần y, cửa đóng im ỉm, chàng chạm tay vào cánh cửa phòng nàng rồi ra trước cổng phủ bộ hộ, leo lên lưng chiến mã đã được chuẩn bị sẵn. Một tên lính áo đỏ giúp chàng kiểm tra thêm một lượt khắp dây cương, bộ yên, giật thử hàm thiếc. Sau đó chàng quay nhìn hướng hậu viên thêm một lần nữa rồi phi ngựa hướng phía cổng thành hội tụ với quân đội Thượng Tam kỳ đang chờ sẵn ngoài đó.
Cửu Dương dẫn đại quân rời khỏi kinh thành. Tuệ Dung âm thầm cưỡi ngựa, đi theo đại quân một đoạn đường thật dài. Cuối cùng, khi biết rằng không thể đi theo được nữa, nàng đành phải thắng cương ngựa, dừng lại, đưa mắt nhìn theo đại đội người và ngựa, rầm rầm rộ rộ tiến thẳng về phía trước, gió cuốn bụi tung mù trời, càng đi càng xa, càng đi càng mờ mịt, cuối cùng mất hút ở phía cuối đường thiên lý. Trái tim của nàng, cũng hóa thành khói, cũng hóa thành sương, theo chàng mà đi mất hút.
Và như thế, Cửu Dương đội sao mang trăng, uống gió nằm sương, vượt sông băng núi, ngày đêm rong ruổi đi về hướng Hắc Long Giang.