Thần Điêu Hiệp Lữ

Chương 20

Khưu Xứ Cơ hỏi:

- Ngươi có biết tổ sư Trùng Dương là ai không?

Quách Tĩnh sững người, đáp:

- Tổ sư Trùng Dương là sư phụ của đạo trưởng, là tổ sư khai sáng phái Toàn Chân, tại cuộc luận kiếm ở Hoa Sơn, là đệ nhất võ công thiên hạ.

Khưu Xứ Cơ nói:

- Đúng thế, nhưng còn thời trẻ thì sao?

Quách Tĩnh lắc đầu, nói:

- Đệ tử không biết.

Khưu Xứ Cơ nói:

- "Kiêu kiêu anh hùng tư, Thừa thời hoặc cát cứ". Ân sư của ta không phải ngay từ đầu đã làm đạo sĩ. Thời niên thiếu, người học văn, sau mới luyện võ, là một vị anh hùng hảo hán tung hoành giang hồ, vì căm ghét quân Kim xâm lược, cướp đất của chúng ta, giết hại dân ta, mà người đã giương cờ khởi nghĩa, đánh lại quân Kim, chiếm thành giữ đất, xây dựng ở Trung Nguyên một sự nghiệp oanh liệt. Nhưng về sau quân Kim quá mạnh, ân sư liên tục đánh thua nhiều trận, tướng sĩ thương vong gần hết, người mới phẫn chí xuất gia. Bấy giờ ân sư xưng là "Hoạt tử nhân", ở trong một ngôi mộ cổ trên núi Chung Nam này mấy năm liền, không ra khỏi mộ một bước, ngụ ý là tuy sống đấy, nhưng coi như đã chết, không muốn đội trời chung với quân Kim. Ba chữ "Hoạt tử nhân" là hàm ý như vậy.

Quách Tĩnh nói:

- Thì ra thế.

Khưu Xứ Cơ nói:

- Mấy năm sau, cố nhân hảo hữu, đồng bào cựu bộ của ân sư liên tiếp đến thăm, khuyên người rời mộ dựng lại sự nghiệp. Ân sư đã không còn chí hướng như xưa, lại cảm thấy không còn mặt mũi nào nhìn bằng hữu cũ chốn giang hồ, nên thủy chung vẫn không rời mộ. Tám năm sau, có một kình địch ngày trước của ân sư tới bên mộ nhục mạ ân sư suốt bảy ngày bảy đêm, ân sư hết bề nhịn nổi, liền ra khỏi mộ để giao đấu. Ai ngờ người kia phá lên cười ha hả, nói:

- Đã ra khỏi mộ, tức là sống lại rồi, thì không được vào mộ nữa.

Ân sư bỗng ngộ ra, mới biết kình địch nhục mạ mình là vì thiện ý, không muốn mình chôn vùi tài nghệ trong mộ. Thế là hai người hóa thành bằng hữu, cùng hành tẩu giang hồ.

Quách Tĩnh nghĩ đến phong cách hiệp nghĩa của tiền bối, bất giác chăm chú, hỏi:

- Vị tiền bối đó là ai vậy? Chắc là một trong bốn đại tông sư, không phải Đông Tà, Tây Độc, thì là Nam Đế, Bắc Cái?

Khưu Xứ Cơ nói:

- Không phải. Luận về võ công, người ấy còn cao hơn cả bốn đại tông sư, nhưng vì là nữ, không xuất đầu lộ diện, nên ít ai bên ngoài hay biết.

Quách Tĩnh nói:

- Ồ, thì ra là nữ.

Khưu Xứ Cơ thở dài, nói:

- Vị tiền bối đó đối với ân sư rất có tình ý, chỉ mong kết thành phu phụ với ân sư. Bấy giờ hai người cứ không ngừng gây sự với nhau, chẳng qua cũng vì vị tiền bối đó cố ý gần gũi với ân sư, có điều là nàng quá kiêu hãnh, nên nhất quyết không muốn thổ lộ tình ý trước. Lâu ngày tất nhiên ân sư cũng hiểu thôi, nhưng mối thù của đất nước chưa nguôi, ân sư thường nói, chưa diệt Hung nô, không tính chuyện gia thất. Trước thâm tình hậu ý của vị tiền bối kia, ân sư giả ngây không biết. Vị tiền bối thì lại cho rằng ân sư coi thường nàng ta, nên oán hận vô cùng. Hai người vốn đã từ thù hóa thành bạn, bây giờ lại vì ái tình mà hóa thành thù địch, hẹn nhau tỷ võ quyết thắng một phen trên núi Chung Nam.

Quách Tĩnh nói:

- Đâu cần phải thế.

Khưu Xứ Cơ nói:

- Đúng vậy! Ân sư biết rõ thiện ý của nàng, nên nhất mực nhường nhịn. Ai ngờ nàng ta tính nết ngang ngạnh, nói:

- Huynh càng nhường nhịn, tức là càng coi muội chẳng ra gì.

Ân sư hết cách, đành phải động thủ với nàng ta. Bấy giờ hai vị tiền bối tỷ võ với nhau ở chính chỗ này đây, đấu mấy nghìn chiêu, ân sư không nặng tay, nên mãi vẫn khó phân thắng bại. Nàng ta tức giận, nói:

- Huynh hoàn toàn không có ý giao đấu với muội, vậy định coi muội là hạng người như thế nào?

Ân sư nói:

- Tỷ võ khó phân thắng bại, thì ta tỷ văn vậy.

Nàng ta nói:

- Cũng được, nếu muội thua, suốt đời muội sẽ không nhìn mặt huynh, để cho huynh khỏi chướng mắt bẩn tai.

Ân sư hỏi:

- Nếu muội thắng thì sao?

Nàng ta đỏ mặt, chẳng biết trả lời thế nào, cuối cùng nghiến răng, nói:

- Thì huynh phải cho muội trú trong "Hoạt tử nhân mộ".

Câu này của nàng thật là văn vẻ, ngụ ý là nếu nàng thắng, thì sẽ cùng ân sư chung sống trong ngôi mộ. Ân sư thấy quá khó, tự liệu võ công cao hơn nàng một bậc, bị buộc thế này thì đành phải thắng nàng, để tránh mọi sự rắc rối về sau, bèn hỏi nàng cách thi đấu.

Nàng nói:

- Hôm nay chúng ta mệt rồi, tối mai hãy phân thắng bại.

Hoàng hôn hôm sau, hai người lại gặp nhau ở đây. Nàng nói:

- Trước khi thi đấu, hãy định quy củ đã.

Ân sư hỏi:

- Còn định quy củ gì nữa?

Nàng ta nói:

- Nếu huynh đắc thắng, muội sẽ tự vẫn tại chỗ, thế là không bao giờ còn thấy mặt nhau. Nếu muội thắng, thì huynh phải cho muội trú trong "Hoạt tử nhân mộ", suốt đời nghe muội sai bảo, không được làm trái bất cứ việc gì. Nếu không, huynh sẽ phải xuất gia, hoặc làm đạo sĩ, hoặc làm hòa thượng. Dù làm đạo sĩ hay hòa thượng, thì cũng phải xây dựng tự quán trên núi, ở bên muội mười năm.

Ân sư đã hiểu thầm: "Suốt đời nghe muội sai bảo, tức là ta phải lấy nàng làm vợ. Nếu không, phải làm hòa thượng hoặc đạo sĩ, thì sẽ khỏi phải lấy nàng. Ta nỡ nào thắng nàng, buộc nàng tự sát kia chứ? Nhưng ở trên núi với nàng mười năm thì cũng khó đây!". Ân sư cứ lưỡng lự mãi. Thực ra, về diện mạo cũng như võ công, nàng ta đều vào hàng đệ nhất, mối thâm tình của nàng cũng không phải không khiến cho ân sư động tâm, nhưng chẳng hiểu sao, nói đến chuyện kết thành phu phụ, thì dường như hai người không có duyên phận. Ân sư trầm ngâm hồi lâu, đã quyết định, người này nói sao làm vậy nàng ta mà thua ắt sẽ tự sát, thôi thì ta quên mình theo người, bất kể thi kiểu gì, ta cũng thua nàng cho rồi, bèn nói:

- Được, cứ thế.

Nàng nói:

- Cách thi văn của chúng ta cực dễ. Hai bên dùng ngón tay khắc trên tảng đá này vài chữ, ai viết đẹp hơn thì thắng.

Ân sư nói:

- Dùng ngón tay làm sao có thể khắc chữ trên đá?

Nàng nói:

- Cái đó gọi là thi công phu sử dụng đầu ngón tay, xem ai khắc được sâu hơn.

Ân sư lắc đầu, nói:

- Huynh không phải là thần tiên, làm sao có thể dùng ngón tay khắc chữ trên đá kia chứ?

Nàng ta nói:

- Nếu muội làm được, thì huynh chịu thua chứ?

Ân sư lâm vào tình thế tiến thoái lưỡng nan, nghĩ bụng thế gian quyết không thể có chuyện đó, đây chính là dịp chấm dứt trò thi đấu, thành cục diện bất phân thắng bại, bèn nói:

- Nếu muội có tài như vậy, dĩ nhiên là huynh chịu thua. Nếu muội không làm được, thì hai ta bất phân cao thấp, khỏi cần tỷ thí gì nữa.

Nàng ta cười, nói:

- Được rồi, huynh chuẩn bị làm đạo sĩ đi thì vừa.

Nói xong tay trái nàng xoa xoa trên mặt đá một hồi lâu, ngẫm nghĩ, nói:

- Muội nên khắc chữ gì cho hay nhỉ? Ồ, xưa nay người xuất gia, thì vị anh hùng hào kiệt số một là Trương Tử Phòng. Trương Tử Phòng chống quân Tần tàn bạo, không ham danh lợi, chính là tiền bối của huynh.

Thế là nàng dùng ngón trỏ tay phải viết chữ trên đá, ân sư thấy ngón tay nàng đưa tới đâu, vụn đá rơi lả tả tới đó, quả nhiên thành từng hàng chữ một, thì sửng sốt quá đỗi. Những chữ nàng viết trên đá chính là tám câu đầu của bài thơ này. Ân sư quá thán phục, không còn gì để nói, ngay tối hôm đó, dọn ra khỏi "Hoạt tử nhân mộ", để cho nàng vào ở trong đó. Hôm sau thì ân sư xuất gia làm đạo sĩ, cạnh "Hoạt tử nhân mộ" xây dựng một đạo quán nho nhỏ, là tiền thân của cung Trùng Dương bây giờ.

Quách Tĩnh vô cùng ngạc nhiên, đưa ngón tay sờ sờ lần nữa, quả nhiên không phải là tạc hay khắc, mà là dùng ngón tay ấn mạnh để viết trên đá, bèn nói:

- Công phu dùng ngón tay của vị tiền bối ấy quả thật kinh hồn.

Khưu Xứ Cơ ngửa mặt lên trời cười ha hả, nói:

- Tĩnh nhi, việc đó đã lừa được ân sư, lừa được ta, lừa được cả ngươi nữa. Nhưng nếu nội tướng (vợ) của ngươi bấy giờ có mặt ở đó, thì chắc chắn sẽ không bị lừa.

Quách Tĩnh tròn mắt hỏi:

- Không lẽ có sự dối trá trong đó?

Khưu Xứ Cơ nói:

- Dối trá thì không. Ngươi thử nghĩ xem, thời nay luận về chỉ lực thì ai đứng số một?

Quách Tĩnh nói:

- Tất nhiên là "Nhất dương chỉ" của Nhất Đăng đại sư.

Khưu Xứ Cơ nói:

- Đúng thế. Nếu sử dụng "chỉ thượng công phu" xuất thần nhập hóa của Nhất Đăng đại sư, dẫu khắc chữ trên gỗ cũng vị tất đã được, huống hồ viết chữ trên đá? Mà nàng ta thì không phải là Nhất Đăng đại sư. Ân sư làm đạo sĩ rồi, nghĩ mãi vẫn không hiểu nổi chuyện này. Sau đó nhạc phụ ngươi là Hoàng Dược Sư tiền bối có lên núi Chung Nam, ân sư biết Hoàng Dược Sư tiền bối là bậc túc trí đa mưu, mới kể lại chuyện và thỉnh giáo. Hoàng đảo chủ nghĩ hồi lâu, rồi cười ha hả, nói:

- Ta cũng có thể làm được, nhưng công phu như thế hiện chưa luyện xong. Một tháng sau ta sẽ trở lại. truyện được lấy tại TruyệnFULL.vn

Nói rồi Hoàng đảo chủ cười cười xuống núi. Một tháng sau Hoàng đảo chủ trở lại thật, cùng ân sư tới bên tảng đá này. Vị nữ tiền bối nọ viết cả thảy tám câu, đến "Dị nhân dữ dị thư, Tạo vật bất khinh phó" thì dừng, ngụ ý muốn ân sư làm theo Trương Lương, lánh đời xuất gia. Hoàng đảo chủ tay trái xoa xoa trên mặt đá hồi lâu, đột nhiên giơ tay phải, dùng ngón tay viết trên đá từ câu "Trùng Dương khởi Toàn Chân" đến câu "Điện các lăng vân vụ" thì dừng, toàn là những lời ca tụng ân sư cả.

Ân sư thấy các chữ cũng hằn sâu vào đá không khác gì lần trước, thì càng kinh ngạc hơn, nghĩ thầm: "Tài nghệ của Hoàng Dược Sư hiển nhiên hơn ta một bậc, làm cách nào mà luyện được chỉ lực lợi hại đến thế không biết?". Trong bụng đầy nghi vấn, đột nhiên giơ ngón tay ấn vào mặt đá một cái, thì lạ thay, mặt đá lõm vào thành một cái lỗ như thế này đây.

Nói xong Khưu Xứ Cơ kéo ngón tay Quách Tĩnh tới một chỗ trên mặt đá. Quách Tĩnh dùng ngón tay trỏ ấn vào thấy lọt một đốt, thì nghĩ thầm: "Không lẽ mặt đá chỗ này đặc biệt mềm, không như chỗ khác", bèn vận kình ra đầu ngón tay trỏ, 宠thử, thì đau ngón tay mà đá thì chẳng suy suyển gì.

Khưu Xứ Cơ cười nói:

- Ngốc nghếch như ngươi thì chẳng nghĩ ra được bí quyết đâu. Vị nữ tiền bối kia trước khi dùng ngón tay viết chữ, đã dùng bàn tay trái xoa xoa hồi lâu trên mặt đá, nguyên trong lòng bàn tay có giấu một loại "hóa thạch đan" làm cho mặt đá mềm đi, bằng thời gian cháy hết một que nhang mới cứng trở lại. Hoàng đảo chủ đoán biết như thế, mới xuống núi tìm thảo dược, chế hóa thạch đan, viết được y như vị nữ tiền bối kia.

Quách Tĩnh im lặng hồi lâu, nghĩ thầm: "Nhạc phụ của ta tài trí chả kém gì vị nữ tiền bối kia, nhưng không biết hiện giờ nhạc phụ đang ở đâu".

Khưu Xứ Cơ không rõ tâm sự của Quách Tĩnh, kể tiếp:

- Ân sư hồi mới làm đạo sĩ, trong tâm hết sức bất bình, nhưng đọc nhiều sách đạo rồi, cuối cùng đại triệt đại ngộ, hiểu rằng tất cả đều là duyên pháp, lại nghiền ngẫm diệu chỉ thanh tịnh hư vô, khổ tâm tiềm tu, làm sáng danh giáo phái. Nếu không có sự kích động của vị nữ tiền bối kia, hẳn trên thế gian đã chẳng có giáo phái Toàn Chân, Khưu mỗ cũng không có ngày hôm nay, Quách Tĩnh ngươi cũng không biết giờ này ở đâu.