Thái Giám Đại Quan

Chương 36

Nàng còn nhớ rất rõ hồi nhỏ phụ thân thường để Dận Minh ngồi lên vai còn nàng thì được cõng trên lưng đi ra phố huyện ăn chè. Mặc dù tay chân thư sinh yếu ớt nhưng lần nào cũng vậy, Người không hề từ chối yêu sách được cõng đi khắp nơi của nàng, thậm chí còn luôn vui vẻ cười rạng rỡ, mãi tới khi về tới nhà mà chân tay mỏi nhừ, vai cổ đau nhức, lại phải nhờ mẫu thân điểm vài huyệt mới có thể hồi phục.

Tuổi thơ, thực ra rất yên bình và đẹp đẽ. Nàng có phụ thân, mẫu thân và cả Dận Minh nữa, những ngày tháng vô tư không lo âu sầu nghĩ, chỉ là thỉnh thoảng phải chuyển nhà chạy nạn mỗi khi Hoằng Lịch ngửi thấy mùi của gia đình nàng mà sai quan quân tới bắt. Nhưng vì thế mà cũng rất vui, có lần Dận Minh tè dầm ra cái quần đẹp nhất mà nó muốn mặc để đi sinh nhật bạn, nàng mắng vài câu rồi cũng giặt hộ. Kết quả là mẫu thân trở về, mặt tái mét bảo Hoằng Lịch sắp tới nơi, cả nhà loạn cả lên, tức tốc phi lên ngựa chạy trốn, hại Dận Minh hoảng loạn đến độ tới quần cũng quên không mặc vào, mông trần cọ vào yên ngựa xước xát cả một vùng, đến nơi ẩn nấp mới dù đã được bôi thuốc thì mãi tới một tuần sau mới có thể chạy nhảy như cũ.

Lăng Lam thở dài, nàng ngày còn nhỏ chẳng hề tâm cơ tính toán như bây giờ, luôn ngây ngô vô sự, nhưng con trai nàng, hình như… nó hơi khác người thì phải?

Có một lần, Ân Đức kéo vạt áo nàng, hỏi nhỏ:

- Tại sao mẹ lại không trang điểm xinh đẹp như Hân tỷ kia?

Nàng nhìn con, cười khổ. Từ ngày mọi người bảo nó không được gọi Ngọc Hân là “dì ghẻ”, nó liền đổi sang gọi thành “Hân tỷ”, có ai bảo thế nào cũng không chịu đổi cách xưng hô. Thực ra Ngọc Hân cũng chỉ là thiếu nữ mười sáu, gọi tiếng “tỷ” cũng không phải quá đáng lắm, nhưng là nàng ấy giờ đã là thê tử của phụ thân thằng nhóc, gọi vậy cũng là sai quấy rồi.

Còn về vấn đề mà Ân Đức hỏi, nàng đúng là có chút không để ý tới những việc nữ nhân khác hay làm mấy. Vì bận việc của Hỉ Lam mà y phục cũng không chịu chau chuốt, tóc cũng giản đơn, trang sức đạm bạc (đeo vào nặng người khó bước) mà tới cả khuôn mặt cũng chẳng điểm tô gì.

- Sắp tới vua Lê có tổ chức ca vũ mừng hoàng thượng tới Thăng Long, tỷ cũng nên trổ ít tài nghệ đi thôi?- Dận Minh ở gần đó xen vào, mấy món trang sức tua rua trên đầu y lung la lung lay, chắc là muốn Lăng Lam ngứa tay rút ra mà đâm vào cái miệng chết tiệt của y đây mà.

- Đúng đó mẹ, con muốn nhìn thấy mẹ thật xinh đẹp cơ!

- Đức à, mẹ bảo này, thực ra mẹ…

Lời chưa kịp dứt đã bị người khác chặn ngang họng.

- Ôi… thật thương cho mẫu thân ngày trước hoài công dạy dỗ, không ngờ nhi nữ của Lã Tứ Nương danh trấn thiên hạ lại tầm thường tột bậc như thế… Tiếc quá mà…

Nói xong y bèn chép miệng vài cái, ra vẻ luyến tiếc vô hạn, kiểu như thương thay cho hoa kia chưa kịp nở mà đã rụng vậy.

Cái kiểu đả kích khích tướng này nàng đâu có lạ, chỉ nhếch mép một cái là khiến Dận Minh như bị mắc xương:

- Xem ngươi phục sức thế kia, có lẽ mẫu thân đâu chỉ có một hài tử là nữ nhi? Hay Lăng công tử cũng nên đừng khiến mẫu thân dưới suối vàng phiền lòng, lên vũ đài múa may vài điệu khoe sắc tranh tài?

- Tỷ…- khóe môi Dận Minh run run, chắc là đang rất giận dữ. Lăng Lam tiến lại gần, xỉa vào trán y:

- Đã bảo ngươi bao lần rồi, nói không lại thì đừng có động vào ta! Ngươi họ Lăng chẳng lẽ ta không phải? Quấn tã lót cho ngươi ta còn từng làm, biết điều thì ngoan một chút, chẳng lẽ sợ ta không nắm thóp nổi ngươi?

- Thôi được rồi, ta thua.- Dận Minh bực mình ngồi phịch xuống ghế, lấy quyển y sách ra đề mấy chữ: “Cách chữa tức giận” rồi định viết tiếp nhưng lại cắn bút ngồi ngay đơ. Cái này thì tới thần y như hắn cũng bó tay xin hàng.

Liền đó khi Ân Đức còn đang phụng phịu, Lăng Lam ngây ngẩn nghĩ tới việc làm thế nào để vua Lê dùng “rượu sim nức vùng” trong các buổi ngự thiện và nhất là yến tiệc sắp tới thì thấy một tiếng cười ha hả vang lên:

- Em dâu, bao năm rồi cũng chưa thấy trổ tài nghệ lần nào, cũng nên nhân dịp này mà xuất chiêu đi!.

Là tiếng của Nguyễn Nhạc! Lăng Lam cắn môi bái kiến, sau khi được bình thân, chối quanh co một hồi cũng không được, y là hoàng thượng cơ mà! Nên đành ủy khuất vâng lệnh.

Chết tiệt, việc thông thương buôn bán còn lo chưa xong, giờ lại vướng vào vụ múa may này, thật đúng là kéo thêm phiền phức! Nàng tới lúc đi ngủ mà mặt mày còn nhăn nhó, nhìn Hồ Bình lại nghĩ tới vị hoàng huynh đáng ghét của chàng, không nhịn nổi mà véo cho chàng mấy nhát.

- Lam nhi, đừng giận cá chém thớt như vậy mà…- Hồ Bình cười nhẹ, khẽ vuốt tóc nàng.

- Cứ lo lắng nhiều như vậy, trước khi tích vàng đầy kho, chắc ta cũng hóa thành lão bà…- nàng thở dài thườn thượt, buồn rầu gối đầu lên vai chàng.

- Nàng là lão bà, ta sẽ là lão ông, chúng ta ngày ngày ngồi bên nhau uống trà, đợi con cháu tới thỉnh an chúc thọ, vậy chẳng phải rất viên mãn hay sao?- Vẫn là nụ cười ấy trên khóe môi chàng không khỏi khiến Lăng Lam suy nghĩ. Ở trong quân doanh bao ngày tháng, đầm mình nơi sa trường đánh Nam dẹp Bắc, phải chăng chàng cũng đã mỏi mệt rồi?

- Hồ Bình…

- Ừm?

- Đợi sau khi An Nam được thống nhất, ta tích đủ bạc, chúng ta liền tìm một nơi phong cảnh đẹp mà xây phủ, sống sung sướng cả đời, được không?

Nàng không hề vẽ ra cái cảnh túp lều tranh nơi rừng trúc, bởi vì chính nàng cũng từng trải qua rồi, chẳng biết khi ấy phụ mẫu có hạnh phúc gì không nhưng nàng và Dận Minh chính là thập phần khổ sở! Nàng không bao giờ muốn Ân Đức chịu khổ đi mót khoai ngoài ruộng như mình ngày trước, con trai nàng, nhất định phải được thưởng thức cao lương mĩ vị, sống sung sướng trong nhung lụa gấm vóc ngày qua ngày, tháng qua tháng, tới khi chết rồi mà vàng bạc vẫn dư dả đầy thân!

Hồ Bình nghe lời nàng nói, mỉm cười gật đầu:

- Được, chúng ta hãy cùng cố gắng, mong ngày đó tới thật mau…

—o0o—

10 năm, nghĩ tới thì có vẻ rất dài, rất lâu, nhưng khi nhìn lại thì chỉ giống như khoảng thời gian một cánh hoa rơi mà thôi. Nàng ở An Nam được 10 năm rồi, Ngung Diễm- con trai nàng cũng đã tròn 10 tuổi rồi… Cũng có một vài lần, nàng nhìn Ân Đức mà nhớ về Ngung Diễm, nếu như lúc này ở bên nàng là cả hai đứa con trai thì sẽ ra sao nhỉ? Nàng sẽ hạnh phúc viên mãn hay sợ rằng nụ cười sẽ méo xệch vì hai đứa con dắt theo hai người cha của chúng? Nàng phải đối mặt với tương lai ấy như thế nào?? Nàng rất sợ, thực rất sợ. Lăng Lam đã từng nghĩ rằng mình sẽ sống trọn phần đời còn lại ở An Nam, nhưng dường như có điều gì mách bảo nàng rằng chẳng có chuyện gì lại viên mãn tới thế, nhắc nàng nhớ rằng hiện thực thường phũ phàng chứ đâu có đẹp như tưởng tượng mộng mơ.

Nàng có nhớ Ngung Diễm hay không? Nàng có nhớ đứa con trai mình mới chỉ được bế có một lần ấy hay không? Nàng…không biết… Tình cảm thật ra đều phân ra nông hay sâu. Với Hoằng Lịch, tình yêu của nàng không thắm thiết mà chỉ có gì đó day dứt, rất day dứt, nàng sống bên hắn, ngày ngày đêm đêm lo nghĩ giữ cho vững trái tim của bậc cửu ngũ chí tôn, không để bất cứ nữ nhân nào khác đạp mình từ trên cao ngã xuống. Rồi nàng sinh con cho hắn, sinh một aka, chưa kịp bồi dưỡng tình mẫu tử với đứa con ấy thì nàng đã trôi dạt tới miền nhiệt đới này. Sống bên Hoằng Lịch, dường như cuộc đời của nàng quá vội vã, nàng không có thời gian để suy ngẫm về tình cảm của mình, để hưởng thụ cảnh sắc của chiếc lồng son dát vàng Tử Cấm Thành ấy.

Có lẽ đó chính là lí do nàng chọn muốn ở bên Hồ Bình. Bên chàng luôn là sự bình yên tuyệt đối, nàng có thể vui cười khóc lóc thoải mái, nàng có thể vui vẻ kiếm tiền bằng chính tài kinh doanh của mình, chẳng phải chèn ép vị cung phi hay một viên quan nào, nàng có thể ban sáng tính sổ sách, ban chiều chơi với đệ đệ và hài tử, tối đến ngả vào bả vai vững chắc của chàng, để cho chàng thủ thỉ vào tai mình những lời bình dị nhất, những chuyện thường nhật nhất như vạn cặp phu thê khác. Hồ Bình nam chinh bắc chiến bao năm trời, có thời gian nửa năm cả hai không gặp nhau nhưng chàng chưa bao giờ quên quan tâm tới nàng, đơn giản chỉ là vài bức thư hoặc một bó hoa dại chàng hái vội trên đường hành quân thắng trận trở về bên nàng. Cái hạnh phúc ấy bình dị hơn Tử Cấm Thành hàng ngàn vạn lần, ngày ấy khi ngồi trong tẩm cung của mình, nàng cũng đã mơ tới cái hạnh phúc mà mình nay đã được hưởng ấy…

Một người khi trong quá khứ bị tổn thương quá sâu sắc, sẽ có nỗi sợ hãi vào tương lai vì hiện tại quá hạnh phúc. Có thật rằng khi Hồ Bình giúp Nguyễn Nhạc thống nhất An Nam, nàng tích vàng đủ cho cả con cháu đời sau, hai người có thể chọn một nơi thanh vắng mà sống an nhàn?

Hai chữ “an nhàn” ấy, liệu có phải xa vời quá chăng?

Ta liệu có thể vứt bỏ mọi thứ trong quá khứ, mọi trách nhiệm, gánh nặng, ràng buộc để sống vì bản thân?

Ta liệu có thể hay không?