Nghe tin Thạch Đạt Lang tìm đến vấn an mà người nhà chẳng ai giữ lại, Điền Xán Quang giận lắm. Nhưng bản
tính khoan hòa trầm tĩnh, ông chỉ quở mắng qua loa, tự trách mình sơ
xuất không dặn trước kẻ hầu cận. Chẳng ai biết Thạch Đạt Lang ngụ Ở đâu. Ông cho gia nhân đi lục soát khắp các lữ quán, nhưng đến trưa, một số
trở về, không ai tìm ra tung tích người kiếm sĩ giang hồ ấy.
Điền Xán Quang cau mày lo ngại. Sự quan tâm của ông không phải không có
duyên cớ. Trước đó, ông nghe nói một số đệ tử Hoa Sơn cũ đã nuôi ý định
mai phục ở gần bến đò trông sang đảo Funashima, chờ Thạch Đạt Lang đến
thì dùng hỏa khí bắn để trả hận. Ông không tin, vì hắn dễ gì bị rơi vào ổ phục kích như thế. Tuy vậy, ông vẫn đứng ngồi không yên, lòng bồn chồn
như lửa đốt.
“Hay là hắn bỏ trốn rồi ? Có lý nào ...”. Và Điền Xán Quang vội gạt ngay ý tưởng ấy, cho rằng ông đã đánh giá sai lầm một người mà ông vẫn trọng là có danh dự và nghị lực.
Tối đến, gia nhân ông lục tục về đầy đủ, người ngựa mệt nhoài. Vẫn không có tin tức gì của Thạch Đạt Lang cả. Điền Xán Quang lo lắng hỏi:
- Đã tìm khắp các trà thất, tửu điếm chưa ?
- Dạ, không bỏ sót nơi nào. Bọn tiểu nhân không những đã hỏi thăm thực
khách mà còn lục soát hết phòng ốc. Tuyệt nhiên chẳng ai biết hoặc trông thấy người có dáng dấp như thế đến trọ !
- Vậy chùa chiền, đền miếu ? Hắn thường đến trú ở những nơi đó.
- Cũng đã tìm hết. Ngay cả các võ đường bọn tiểu nhân cũng đã tới nhưng chẳng có tin tức gì.
- Lạ thật !
Trán Điền Xán Quang nhăn lại. Hồi chiều, lòng phiền muộn, ông đã cáo ốm
không dự bữa tiệc linh đình do Giảng tập bộ khoản đãi Cát Xuyên Mộc, bây giờ nghe báo cáo những tin thất ý, ông lại càng buồn bực lắm. Mỗi nghi
ngờ mỗi lúc một tăng làm ông trằn trọc suốt đêm không chợp mắt.
Ngày mai đã là , ngày ước định, mà tối nay vẫn chưa biết chỗ trú của
Thạch Đạt Lang ở đâu. Từ nay đến lúc ấy, nếu chẳng được tin tức gì của
gã thì không rõ rồi đây ông phải giải thích ra sao với chủ soái.
Điền Xán Quang cố tự thuyết phục mình rằng Thạch Đạt Lang là kẻ tự
trọng, không thể hèn nhát như thế được, nhưng những chuyện đồn đại về
hắn, nói hắn thường tìm cách tránh mặt mỗi khi thấy yếu thế khiến ông
nửa tin nửa ngờ. Vạn nhất nếu chuyện đó xảy ra thì ông, người đứng ra
bảo trợ và đề bạt Thạch Đạt Lang, không còn cách nào khác hơn là tự sát
để tạ tội với lãnh chúa.
Hôm sau, mới tinh sương, Điền Xán Quang đã trở dậy ra vườn đi bách bộ.
Tiếng kêu lích chích của đàn chim nhỏ chuyền cành khuấy động bầu không
khí mỏng nhẹ như tơ. Vào những lúc khác, có lẽ ông đã chú ý lắng nghe
những tiếng xôn xao ấy báo hiệu sự hồi sinh của vạn vật, nhưng hôm nay
ông không còn bụng dạ nào mà nghe chúng nữa. Bước chân ông vội vã trên
con đường sạn nhỏ, đôi lúc ngập ngừng dừng lại, băn khoăn bên tảng đá
xanh rêu.
- Có lý nào ta đã nhận xét lầm kẻ đó ? Mà thật ra, ta chỉ mới nghe nói chứ đã trực diện với hắn bao giờ đâu !
Kẻ hầu đến trình với ông, trước sân nhà Cát Xuyên Mộc đã có hàng trăm
tân khách tụ tập. Họ dựng cổng chào, trang hoàng rực rỡ, nào cờ xí, nào
huy hiệu của tộc Hòa Giả và của Giang Biên Liễu, lại còn đặt bình phong
giát vàng treo thiếp mang lời chúc tụng của khách. Nghe đâu còn dự định
chia nhau đến những ngôi chùa lớn cầu nguyện cho Cát Xuyên Mộc nữa.
Điền Xán Quang không nói gì, nét mặt đăm chiêu trở vào phòng riêng gây
một lư trầm nhỏ. Hàng ngày mỗi buổi sáng ông thường có thói quen như
thế, nhưng hôm nay, trông dáng ông mệt mỏi và nghiêm trọng khác thường.
Bỏ từng thanh trầm nhỏ vào lư, Điền Xán Quang lặng lẽ nhìn làn khói xanh thong thả bốc cao. Mùi trầm thơm tỏa nhè nhẹ. Ông gọi gia nhân bảo sửa
soạn bồn tắm và mang đến cho ông một bộ kimono trắng cùng đoản kiếm,
đoạn vời vệ sĩ thân tính Đàm Phương Nghi vào. Nhìn ông, viên vệ sĩ đã
đoán ngay chuyện gì sắp xảy ra. Gã thảng thốt kêu khẽ:
- Đại nhân !
Điền Xán Quang gật đầu, điễm tĩnh:
- Ta làm việc phải làm. Sáng nay có tin gì mới về Thạch Đạt Lang không ?
- Dạ không, nhưng tiểu nhân trộm nghĩ có thể hỏi Hạo Nhiên được. Hôm
trước thấy Hạo Nhiên đứng nói chuyện với Thạch Đạt Lang khá lâu tại cổng ngoài.
Điền Xán Quang cau mày:
- Sao không cho ta biết sớm ? Gọi nó vào đây !
Lát sau Hạo Nhiên được dẫn vào, nhưng hỏi, nó cũng không biết Thạch Đạt
Lang hiện trọ Ở đâu, chỉ ước đoán có lẽ tạm trú tại nhà Mạc Vãn Đạt ở
Shimonoseki mà thôi.
Như sực tỉnh, Điền Xán Quang tự trách mình sao không sớm nghĩ ra. Bèn
viết ngay một phong thư cho Thạch Đạt Lang, nói đại ý Cát Xuyên Mộc sẽ
tới Funashima vào giờ thìn. Ông giục hắn đến nhà ông ngay lập tức.
Thuyền nhẹ và trạo phu lành nghề sẵn sàng để chở hắn tới chỗ hẹn.
Trao thư cho vệ sĩ xong, ông còn cẩn thận dặn:
- Nếu gặp Thạch đại hiệp, nhớ đưa tận tay và chờ phúc đáp. Chọn ngựa tốt, đi ngay kẻo trễ.
Hạo Nhiên xin theo, Điền Xán Quang cũng gật. Cả hai hối hả xuống tàu
ngựa và chỉ một thoáng sau đã nghe tiếng vó ngựa phi lộp cộp ở cổng
ngoài.
Đến Shimonoseki, gặp lại ân nhân, Hạo Nhiên vui mừng khôn xiết. Thi lễ
xong, hỏi về tin tức sư phụ, được biết Thạch Đạt Lang quả có tá túc tại
đó, nó thở phào nhẹ nhõm. Đàm Phương Nghị nói:
- Thật không ngờ ! Nếu biết đại hiệp ở đây thì cả ngày hôm qua Điền đại nhân đâu phải lo ấu đến thế !
Bèn xin cho được gặp mặt. Mạc Vãn Đạt sai người thông báo, lát sau gia nhân ra, nói:
- Đại hiệp còn ngủ.
Đàm Phương Nghị sửng sốt:
- Còn ngủ ? Thế ông không nhớ hôm nay là ngày gì à ?
- Chắc ông không quên đâu. Mạc Vãn Đạt nói. Nhưng không sao, để lão phu vào đánh thức ...
Một chốc, thấy Thạch Đạt Lang đi ra, thần sắc thư thái lạ lùng như người không hề có điều gì lo lắng. Nhìn Hạo Nhiên quỳ ở góc phòng, hắn gật
đầu cười rồi quay sang phía Đàm Phương Nghị:
- Tôn khách muốn gặp tại hạ, chắc có điều chi dạy bảo ?
Đàm Phương Nghị tự giới thiệu xong trình thư lên. Thạch Đạt Lang bật niêm mở xem, đoạn vắn tắt:
- Xin đa tạ.
- Vậy đại hiệp đi ngay cho, kẻo trễ.
Nhưng Thạch Đạt Lang lắc đầu:
- Rất tiếc tại hạ không nghe theo được. Để xin phúc đáp, nhờ túc hạ mang về trình Điền đại nhân rõ.
Nói đoạn đến bên kỷ thảo một bức thư trao cho Đàm Phương Nghị:
- Tất cả đã được giải thích trong thư này, phiền túc hạ chuyển giúp và nói với đại nhân, tại hạ rất cảm kích.
Trong suốt thời gian gặp gỡ, Thạch Đạt Lang và Hạo Nhiên không trao đổi
với nhau một lời, nhưng đến khi chia tay, nhìn mắt học trò rưng rưng lệ, Thạch Đạt Lang nghiêm mặt:
- Hạo Nhiên, nếu thực lòng ngươi muốn theo kiếm đạo thì phải giữ tâm đừng để dao động, dù trước cái chết !
Thấy vệ sĩ mang tin tức Thạch Đạt Lang về, Điền Xán Quang mừng như người vừa trút được gánh nặng lớn. Ông mở vội thư ra đọc:
“Đa tạ đại nhân đã ưu ái dành cho thuyền riêng để sử dụng. Nhưng rất
tiếc, tiểu nhân buộc lòng phải từ khước. Thứ nhất vì tự xét không đáng
được hưởng danh dự ấy, thứ hai vì tiểu nhân là đối thủ của Giang Biên
Liễu, nếu nhận lời dùng thuyền của đại nhân cấp cho thì e sẽ gây ngộ
nhận giữa đại nhân và lãnh chúa tộc Hòa Giả. Cũng vì lý do ấy mà tiểu
nhân đã đến tạm trú tại tư gia Mạc Vãn Đạt tiên sinh. Vậy xin đừng quan
tâm gì đến kẻ lãng tử này. Tiểu nhân hứa sẽ có mặt ở nơi hẹn vào lúc
thích hợp”.
Đọc xong, Điền Xán Quang mơ mộng nhìn ra xa. Lời thư thẳng thắn, ý tứ ân cần mà khiêm tốn biết bao ! Chẳng biết rồi đây ông có cơ hội nào được
tiếp xúc với con người ấy nữa không ! Bất giác Điền Xán Quang cảm thấy
hối hận đã nghi ngờ hắn.
- Trình đại nhân, sắp đến giờ rồi, xin đại nhân sửa soạn. Cao Mục Lân và toán nhân chứng đã lên đường từ lúc nãy.
Lời nhắc của thuộc hạ chợt kéo ông về thực tại.
- Ờ ... mặc họ, vội gì ... Đã lấy gì làm trễ !
Rồi gọi Hạo Nhiên đến, ông hỏi:
- Hạo Nhiên ! Ngươi là đứa trẻ tháo vát nhưng liệu có giữ được bình tĩnh khi gặp chuyện chẳng lành không ?
- Dạ, thưa ... chắc được !
- Vậy tốt, ta sẽ cho ngươi theo đến Funashima. Nhưng ta bảo trước:
nếu phải thu nhặt thi hài của sư phụ ngươi thì ngươi phải làm cho đĩnh
đạt. Ta không muốn thấy kẻ hầu cận ta khóc lóc hay có thái độ hèn yếu.
- Dạ, tiểu nhân xin tuân lệnh.
- Hay lắm ! Vậy bây giờ hãy vào sửa soạn đi rồi chờ Đàm Phương Nghị đến đón.
Ngoài bãi, bến đò vắng hoe. Vệ binh đã bắt đầu tuần tiễu từ nửa đêm.
Thuyền đánh cá cùng những đò xuôi ngược đều bị giam, neo lại một rạch
nhỏ ăn thông ra biển và được canh chừng nghiêm mật. Trừ những kẻ có phận sự ra, tuyệt đối không ai được lai vãng trên bãi. Tuy thế, ở các ghềnh
đá cao trông sang Funashima, nếu chú ý, người ta cũng vẫn thấy có nhiều
bóng đen đứng, ngồi lố nhố chờ đợi.
Bên kia là đảo. Khán đài lộ thiên đã dựng xong ở ven một khu rừng gồm
toàn những cây bạch tùng cằn cỗi, cành khẳng khiu bị gió vùi dập lâu
ngày đã giạt hẳn về một phía. Lá cờ lệnh thêu nhật nguyệt của tộc Hòa
Giả được cắm chính giữa khán đài, gió đánh bay phần phật. Xung quanh là
tám lá cờ ngũ sắc tượng trưng cho tám vì tinh tú và cũng là huy hiệu của tám kiếm sĩ trụ cột hộ vệ cho tộc ấy.
Trước khán đài, bãi cát mênh mông. Thủy triều rút đi để trơ lại những
tảng đá đen rải rác, nước đọng xung quanh như những hòn đảo nhỏ, chim
hải âu bay lượng kêu quang quác.
Xa xa ở phía chân trời, lẩn sau những vạt khói lam chưa tan hết, lâu đài Hòa Giả hiện ra mờ nhạt. Dưới chân lâu đài, tân khách đứng chật khu
vườn nhỏ. Con thuyền Đạo Uẩn dành riêng cho Cát Xuyên Mộc trong chuyến
đi đinh mệnh này đã sẵn sàng với hai trạo phu thiện nghệ, mũi thuyền cắm cờ lệnh mang huy hiệu của Giang Biên Liễu.
Thấy Cát Xuyên Mộc tới, tân khách giãn ra hai bên. Nghiêm trang đi giữa
hai hàng tân khách, hắn thỉnh thoảng cúi đầu đáp lễ những lời chúc tụng
ồn ào của họ, rồi bước đến bên thuyền đợi sẵn, theo sau là Ôn Chấn Lâm,
người đệ tử thân tín với con chim ưng hộ mệnh đậu trên cườm tay.
Hôm nay, Cát Xuyên Mộc mặc kimono lụa tay chẽn, thêu hoa chìm, quần ống
rộng bó sát vào bắp chân bằng xà cạp da, bên ngoài khoác áo choàng vóc
tía. Dép vừa đủ ấm để giữ cho quai mềm dễ đi. Trên lưng đeo cây trường
kiếm dài đặc biệt cố hữu, tuy từ khi vào nhận chức vụ giảng viên trong
giảng tập bộ, hắn chẳng mấy khi dùng đến. Cát Xuyên Mộc đẫy đà hơn
trước, gương mặt tròn hơn, phong cách cao ngạo, rõ ra là một kiếm sĩ
danh vọng.
Hắn bước lên thềm, Ôn Chấn Lâm ngồi phía sau. Lái đò đẩy mạnh thuyền
khỏi bến rồi rướn người đưa những mái chèo nhanh và gọn. Con thuyền
phăng phăng lướt sóng ra khơi giữa những tiếng hoan hô vang dậy của đám
đông đi tiễn trên bãi.
Tân khách lục đục ra về. Cạnh gốc thông, nàng Mộng Hoa nhìn theo, mắt mờ lệ.
Bên cuộc đời công, ai cũng có một đời tư. Sau những cuộc tiễn đưa linh
đình và những lời chúc tụng hoa mỹ ấy, có ai biết người thiếu nữ kia đã
khóc hết nước mắt.
Trên thuyền, Cát Xuyên Mộc vuốt ve con chim ưng hắn ưa thích. Trời xanh
biển rộng, nước trong veo, nhưng hôm nay sóng hơi lớn. Mỗi khi con
thuyền chòng chành, bọt nước văng trắng xóa lên mạn thuyền, con chim lại hung hăng xù lông, nghiêng đầu, vỗ cánh.
Cát Xuyên Mộc gõ chiếc mũ trùm mắt, tháo dây buộc chân chim ra, tung nó lên cao và nói:
- Trả ngươi về trời !
Như mọi lần, con chim xoải rộng cánh, rồi như tên bắn, rượt theo chụp
một con mồi bay ngang. Chỉ nghe tiếng quác, lông con mồi đã rơi xuống lả tả. Nhưng không thấy chủ gọi lại, nó vút lên cao mất hút trong những
tầng mây bạc.
Sau khi đã phóng thích con chim, Cát Xuyên Mộc mang bùa và các vật dụng
linh tinh khác do thân hữu tặng để cầu may, kể cả chiếc áo lót dì hắn
cho, thả từng cái một xuống biển rồi ngả lưng vào mạn thuyền nhìn trời
mơ mộng. Những thứ ấy bây giờ đối với hắn là gánh nặng và những lời chúc tụng của họ, dù thành thực đến đâu, cũng chỉ bó buộc, phiền toái chứ
chẳng giúp ích gì được.
Trước giờ giao đấu, Cát Xuyên Mộc tin vào hắn và chỉ mình hắn thôi, mọi thứ khác đều hão huyền cả.
Gió biển mặn mơn trên má. Cát Xuyên Mộc chăm chú nhìn rặng bạch tùng trên đảo Funashima hiện rõ dần trước mặt.
Ở Shimonoseki, Mạc Vãn Đạt gọi gia nhân vào hỏi:
- Ngươi đã sửa soạn thuyền bè đầy đủ như ta dặn chưa ?
- Dạ, đã sẵn sàng. Nô tài chọn chiếc thuyền nhanh nhất, kỳ cọ sạch sẽ và đã rắc muối tẩy uế, hiện neo ở sau nhà cùng với các thuyền khác.
Ông gật đầu bằng lòng, nhưng lát sau, nghĩ sao lại đổi ý:
- Thôi đừng để nó ở đấy nữa. Chèo ra chỗ ghềnh đá, gần gốc tùng lá bạc vẫn được gọi là ngân tùng ấy, ngồi đợi.
- Sao phải thế, thưa chủ nhân ?
- Thạch đại hiệp ở đây, bây giờ chắc đã nhiều người biết, ta không muốn họ đến làm phiền đại hiệp.
Dự đoán của Mạc Vãn Đạt quả đúng. Sáng nay, sự sinh hoạt trong trấn
Shimonoseki rộn rịp khác thường. Xung quanh biệt thất của ông dường như
có nhiều người qua lại dòm ngó. Có thể là quân do thám của phái Hoa Sơn
cũ, nhưng cũng có thể là những người thân thuộc hoặc kẻ đồng hương với
Thạch Đạt Lang, chẳng ai biết chắc.
Đầu giờ thìn đã qua mà chẳng thấy động tĩnh gì trong phòng Thạch Đạt Lang, Mạc Vãn Đạt thắc mắc gọi người hầu đến hỏi:
- Thạch đại hiệp còn trong phòng không ?
- Dạ còn.
- Ông hiện làm gì trong đó ?
- Thưa, ông vẽ tranh.
- Vẽ tranh ?
Mạc Vãn Đạt cau mặt. “Hừ ... Tối qua ta có đàm đạo với ông về hội họa và ngỏ ý xin một bức tranh. Có lẽ vì thế chăng ?” Khẽ thở dại, ông bảo
người hầu:
- Bây giờ không phải lúc vẽ. Ngươi vào nhắc đại hiệp đã đến giờ để đại hiệp chuẩn bị. Nói cho khéo ...
Người hầu lui ra, nhưng nghĩ sao ông lại gọi lại bảo thôi, để ông đích thân vào nhắc.
Trong phòng, Thạch Đạt Lang quỳ trên chiếu, yên lặng như người tĩnh tọa, mắt đăm đăm nhìn tờ giây trải ngay ngắn trước mặt, xung quanh la liệt
những ống bút, mực và màu nước.
Tờ giấy còn trắng nguyên. Hắn không biết vẽ gì, hay đúng hơn, có lẽ đang đắm mình trong những suy tư tìm cảm hứng cho bức tranh. Tờ giấy trắng
là vũ trụ chưa thành hình. Một nét bút đặt đúng chỗ sẽ như tia lửa khởi
đầu để phát huy sức sống mãnh liệt trong vũ trụ ấy. Chủ đề có thể là
mưa, là gió, là sấm sét hay dông bão mà cũng có thể là những vật tầm
thường, một búp non, một con kiến, nhưng phải thể hiện sức sống dạo dào
trong trời đất từ vạn kỷ trước cho đến nay và sau này, mãi mãi. Dù diễn
tả cái gì, tâm hắn cũng sẽ được phơi trải trên giấy. Tâm hắn xao động,
tranh sẽ cuồng loạn; tâm hắn yên bình, tranh sẽ thuần hậu ôn nhu, thông
điệp ấy người xem không thể không cảm thấy. Đó là cái hồn của tranh và
nó sẽ còn mãi, lưu lại trên giấy dù sau khi thể xác hắn đã mai một. Cho
nên hắn cố giữ cho lòng thư thái, để tâm tư hòa hợp trong một trạng thái đồng nhất. Phải đó là chân như của nhà Phật hay không, hắn không dám
xác quyết nhưng hắn tin trạng thái ấy sẽ gây cho hắn một nguồn cảm hứng
chân thật và sẽ là cái hồn của bức tranh hắn muốn lưu lại sau này.
Tiếng động ngoài cửa khiên Thạch Đạt Lang quay nhìn ra. Thấy chủ nhân, hắn cúi đầu chào rồi cung kính mời vào.
- Lão phu đến làm gián đoạn cảm hứng của tráng sĩ, thật ân hận, nhưng buộc lòng phải nhắc để tráng sĩ rõ đã đến giờ hẹn.
- Vãn sinh biết.
- Tất cả mọi thứ đã chuẩn bị xong, chỉ còn chờ tráng sĩ.
- Xin đa tạ hảo ý.
- Tráng sĩ đừng quan tâm đến tranh làm gì nữa. Để khi ở Funashima về, vẽ sau cũng được.
Thạch Đạt Lang mỉm cười. Chủ nhân lại tiếp:
- Khi nào chuẩn bị xong, xin cứ gọi. Lão phu đợi ở phòng ngoài.
Cảm động về sự ân cần ấy, Thạch Đạt Lang không biết nói sao, chỉ nhắc lại lời cảm ơn và hỏi:
- Thưa tiên sinh, bao giờ thì nước triều dâng ?
- Mùa này, từ giờ mão đến giờ thìn là lúc thủy triều thấp nhất. Bây giờ nước triều sắp dâng đấy.
- Xin đa tạ.
Thấy không còn gì để nói nữa, Mạc Vãn Đạt quay ra, giơ tay khép cửa.
Nhưng ngồi trong phòng khách chưa được bao lâu, ông thấy bồn chồn trong
dạ, đứng dậy ra hiên đi đi lại lại.
Nước triều đã lên. Ngoài xa, những đợt sóng bạc đầu liên tiếp dồn tới, tiếng vọng rì rào, thúc giục.
Trên bãi cát, một người phi ngựa như bay tới. Đến gần thì ra là Đàm Phương Nghị:
- Thạch đại hiệp đã đi chưa, thưa tiên sinh ?
Mạc Vãn Đạt lắc đầu.
- Xin tiên sinh nói với đại hiệp đã trễ giờ rồi, phải lên đường ngay mới kịp. Cát Xuyên Mộc đã khởi hành từ lâu, chắc bây giờ đã ở Funashima.
Điền đại nhân cũng vừa rời khỏi Kokura.
- Được, để lão phu thông báo.
- Xin tiên sinh thứ lỗi, nhưng Điền đại nhân sợ Thạch đại hiệp trễ hẹn.
Chưa dứt câu, gã đã giật cương cho ngựa phóng đi mất. Gia nhân nhà Mạc
Vãn Đạt túc trực quanh hiên. Chủ cũng như tớ, sốt ruột nhìn nhau. Sau
cùng không thể chịu đựng sự chờ đợi khắc khoải hơn được nữa, chủ nhân
lại vào mở cửa phòng Thạch Đạt Lang.
Hắn không còn đấy. Trên chiếu, đè dưới hai tập sách dày, bức tranh mới
vẽ còn ướt mực. Trong phần lạc khoản ở đầu bức tranh ghi rõ lời đề tặng
của người vẽ cho chủ nhân Mạc Vãn Đạt.
- Thạch tráng sĩ !
Từ phòng thay áo, Thạch Đạt Lang bước ra, gọn gàng trong bộ y phục chẽn
bằng vải gai hắn vẫn thường mặc, lưng đeo song kiếm. Hắn nhoẻn miệng
cười, vô tư lạ lùng.
Hình như những eo xèo của thế cuộc không còn làm bận tâm con người ấy
nữa. Thạch Đạt Lang nói mấy lời cảm tạ và từ biệt người bạn vong niên,
đáp lời chúc tụng của số gia nhân đi theo đưa tiễn, đoạn mở tấm cửa gỗ
hẹp bước ra, cúi đầu lần chót:
- Xin bảo trọng ...
Rồi bước nhanh khỏi cửa, hắn không hề quay đầu nhìn lại.
Cây ngân tùng mọc đơn độc bên ghềnh đá cách đường giáp nước khoảng chừng ba chục trượng. Chỗ ấy vắng vẻ vì là bãi cụt, không có đường lối thông
sang bên kia nên chẳng ai lai vãng.
Đã được dặn trước, Thạch Đạt Lang cứ thẳng phía ấy mà tiến tới, lòng
bình thản như không. Buổi vẽ tranh lúc nãy đã gột sạch hết mọi ưu tư hay háo hức trong lòng hắn.
Và bây giờ đến Funashima dự cuộc đấu quyết định trong đời, có trở lại
hay không hắn cũng chẳng quan tâm nữa. Sống, chết không còn là điều để
phải suy nghĩ, Thạch Đạt Lang thản nhiên như sắp bắt đầu một cuộc du
ngoạn.
Hồi tưởng lại tám năm về trước, lúc còn hai mươi bốn, hai mươi lăm, ở
chân đồi Sinh Minh khi tiến đến bên gốc cổ tùng, tinh thần hắn căng
thẳng, lòng lo lắng khi nghĩ đến phải đương đầu với cái chết gần kề.
Thanh kiếm đơn độc tuốt trần trong tay, hắn mang nặng tâm trạng sợ hãi,
đôi khi tuyệt vọng của con thú bị dồn đến bước đường cùng. Bây giờ thì
không, hắn chẳng cảm thấy gì hết !
Chẳng phải vì Cát Xuyên Mộc không ghê gớm bằng đồ chúng Hoa Sơn, trái
lại thế, nhưng có lẽ bây giờ hắn đã tự tin hơn. Hay có lẽ tâm tư hắn đã
được giải thoát khỏi nỗi lo âu về sự sống, chết ?
- Thạch huynh !
- Thạch Kinh Tử !
Tiếng gọi cùng hai bóng người theo chân nhau chạy về phía hắn làm Thạch Đạt Lang sửng sốt:
- Kìa Lâm Bằng ! Bà Hồ Điểu ! Hai người làm gì ở đây vậy ?
Cả hai, áo quần lem luốc, đến quỳ dưới chân Thạch Đạt Lang. Hắn tránh sang bên rồi cũng vối vã quỳ xuống đỡ bà Hồ Điểu dậy.
- Bà Hồ Điểu ! Bà sao thế ? Con đây mà !
- Nghe tin ngươi sắp giao tranh với Cát Xuyên Mộc, ta đến tiễn ngươi. Chỉ sợ không kịp.
- Thạch huynh, đệ cũng thế, không ngờ may mắn còn gặp đại huynh.
- Trước khi ngươi đi, ta có lời xin lỗi.
Vừa nói, bà Hồ Điểu vừa cúi đầu chấm nước mắt.
- Có chuyện gì vậy bà ? Sao bà phải xin lỗi ?
- Ta xin lỗi vì đã tàn ác với ngươi trong bao nhiêu năm nay. Ta hiểu
lầm, tình mẫu tử đã làm ta mờ mắt. Bây giờ biết ra thì đã muộn, ta thành tâm xin lỗi. Thạch Kinh Tử, con tha lỗi cho ta !
Thạch Đạt Lang nhìn bà Hồ Điểu. Hắn không tin những lời hắn vừa nghe
được, nhưng trông bà già bé nhỏ, đầu cúi vì hối hận, ngập ngừng nói
những lời cầu khẩn trong nước mắt rưng rưng, hắn bỗng thấy lòng tràn
ngập thương cảm. Xúc động, Thạch Đạt Lang nắm tay bà, tay bà run run và
tay hắn cũng không vững. Phải một lát sau mới trấn tĩnh, hắn nói:
- Con cảm ơn bà đã cho biết như thế. Bây giờ con yên tâm. Trong cuộc
chiến, dù có chết, lòng con cũng thanh thản không còn hối tiếc gì nữa.
- Vậy con tha lỗi cho ta chứ ?
- Dĩ nhiên rồi ! Con cũng xin bà bỏ qua cho tất cả những điều con đã gây ra khiến bà phải đau lòng từ khi con bỏ làng ra đi.
Bà Hồ Điểu gật.
- Còn chuyện này nữa. Oa Tử kia kìa ! Nó cũng đến đấy !
Bà hất hàm chỉ về phía cây tùng. Thạch Đạt Lang trông theo và chỉ mấy bước đã chạy đến gốc cổ tùng:
- Oa Tử ! Nàng đấy ư ?
Oa Tử nhìn Thạch Đạt Lang, không nói được câu nào. Nàng như người nghẹn
họng, nước mắt chỉ chực trào ra. Chao ôi ! Nói gì đây ? Lời nào đủ để
lấp cho đầy khoảng trống bao năm xa cách ?
Oa Tử cúi đầu, hai tay bưng mặt. Sự xúc động khiến sắc mặt nàng tái nhợt.
- Oa Tử ! Nàng sao thế ? Nàng không được khỏe phải không ?
Lời hỏi thăm của Thạch Đạt Lang xa xôi, nghe như một câu thơ lạc vận. Oa Tử bặm môi cố giữ cho khỏi khóc. Giờ khắc này đứng đây với người yêu,
biết đâu không phải là những giờ khắc cuối cùng chẳng bao giờ có lại
được nữa. Nàng không thể làm hư nó được. Nàng phải can đảm. Bình tĩnh !
Bình tĩnh !
- Vâng, thiếp chẳng được khỏe.
- Mấy năm nay nàng ở đâu ?
- Thiếp đã trở về chùa Tiểu Sơn mùa thu năm ngoái.
- Trở về chùa Tiểu Sơn ư ?
- Vâng, về chùa Tiểu Sơn.
Oa Tử ngẩng nhìn Thạch Đạt Lang. Hai giọt lệ bắt đầu long lanh nơi khóe mắt:
- Nhưng không có nơi nào là quê hương thật sự cho một kẻ mồ côi như thiếp cả.
Quê hương thật sự chỉ có trong lòng thiếp mà thôi !
- Vậy ư ? Nếu nàng có hạnh phúc thì ta cũng có hạnh phúc. Ráng giữ lấy, vì ta mà giữ lấy ... Oa Tử ...
Thạch Đạt Lang ôm Oa Tử vào lòng, quên cả sự có mặt của Lâm Bằng và bà Hồ Điểu gần đó, áp má hắn vào má người yêu:
- Nàng gầy quá !
Trên má hắn, hơi thở của Oa Tử nóng như lửa đốt.
- Nóng như thế này không phải là điều tốt ! Oa Tử, tha lỗi cho ta, tha
lỗi cho ta nhé. Có lẽ nàng cho là ta vô tình nhưng thật ra không phải
thế !
- Thiếp biết chứ !
- Nàng biết ư ? Thật không ?
- Thật ! Nhưng xin chàng hãy nói với thiếp một điều, một điều thôi. Hãy nhận thiếp là vợ chàng !
- Nói gì điều thừa ấy ? Nàng vừa bảo nàng đã rõ lòng ta rồi mà !
- Không ! Không ! Chàng cứ nói ! Nói đi, Thạch Đạt Lang ...
Không dằn được, Oa Tử bật khóc nức nở.
- Hãy nói cho thiếp biết thiếp là vợ chàng trong suốt kiếp này nhé ... nhé ! Thạch Đạt Lang, chồng yêu quý của thiếp !
Thạch Đạt Lang ôm đầu Oa Tử, nhìn thẳng vào đôi mắt đẫm lệ của nàng, khẽ gật.
Hai người đứng yên như thế, quên hết mọi sự xung quanh. Không gian và
thời gian không còn nữa. Lát sau, nhè nhẹ gỡ tay Oa Tử ra, Thạch Đạt
Lang bảo:
- Vợ kiếm sĩ thấy chồng ra trận không được khóc. Oa Tử ! Nàng hãy cười
đi ! Đây có lẽ là lần cuối cùng trượng phu của nàng dự vào một cuộc
tranh phong như thế này.
Hãy tiễn ta bằng một nụ cười cho ta yên bụng.
Oa Tử biết giờ chia tay đã điểm. Thạch Đạt Lang nhìn nàng lúc lâu rồi mỉm cười khẽ nói:
- Tạm biệt Oa Tử ! Tạm biệt người vợ yêu quý của ta !
- Vâng, xin tạm biệt.
Oa Tử muốn mỉm cười đáp lại, nhưng môi vừa hé, nước mắt đã trào ra ướt đẫm má.
Nàng không còn nhìn thấy gì nữa.
Thạch Đạt Lang bước vội đến bên ghềnh đá. Gió biển thổi tạt tóc râu hắn, bộ áo vải gai hắn mặc kêu phần phật.
Thấy Thạch Đạt Lang, người trạo phu lành nghề và lực lưỡng được lệnh ở
đó từ sáng, chèo thuyền lại gần. Hắn nhảy lên thuyền, nhẹ nhàng như én
đậu. Trong khoảnh khắc, con thuyền đã ra xa, nhấp nhô ẩn hiện sau những
đợt sóng bạc đầu, nhằm đảo Funashima thẳng tiến.
Oa Tử chạy theo ra ghềnh đá.
- Cô Oa Tử ! Cô định làm gì thế ?
Giang đuổi theo nàng. Cùng với bà Hồ Điểu, nó vừa bắt kịp và giữ Oa Tử lại ở chỗ giáp nước.
- Oa Tử ! Ngươi nghĩ quẩn rồi !
- Không, không ! Bà không hiểu ! Bà để mặc con !
Tìm một chỗ khoáng đãng, Oa Tử ngồi xuống nhìn về phía hướng thuyền vừa
đi, sửa lại y phục tề chỉnh, vuốt mớ tóc rối, rồi hai tay đặt lên cát,
nàng khấu đầu làm lễ:
- Thạch Đạt Lang ! Chàng đi may mắn !
Bà Hồ Điểu, Lâm Bằng và cả Giang cũng quỳ xuống bên Oa Tử, cầu nguyện
cho Thạch Đạt Lang thành công. Mặc dầu hết sức ao ước được nói với sư
phụ những lời giã biệt, Giang đã không có được cơ hội. Nhưng nó không
hối hận đã nhường những khắc cuối cùng ấy cho Oa Tử.