Trận bão đêm trước trên đồng cỏ
Musashino xem chừng còn dữ dội hơn cả cơn lụt ở Hotengahara dạo nào.
Hàng năm, những ngày đầu tháng tám là những ngày nông dân địa phương lo
sợ nhất. Gió bão liên miên khiến mùa kê lúa thiệt hại nặng nề, nhà cửa
sập đổ. Ấy là theo lời khuyên của những người trong vùng, thầy trò Thạch Đạt Lang đã đề phòng từ trước, chặt cây chống sườn nhà và lấy đá đè lên mái, thế mà căn lều vẫn không vững trước cơn bão. Bây giờ nó nghiêng
hẳn sang một bên, gianh lợp tróc nhiều chỗ, mỗi khi gió hơi manh, kèo
cột cọ vào nhau kẽo kẹt như đưa võng. Trong nhà, vật dụng, quần áo ướt
nhẹp, nước mưa đọng thành vũng. Mấy quyển sách của Hạo Nhiên sũng nước.
Nhìn những hàng chữ nhòe nhoẹt trên tập giấy mủn nát, mắt nó đỏ hoe,
Thạch Đạt Lang đến bên, vỗ về an ủi:
- Thôi con ạ, để khi có dịp, ta sẽ dẫn con đi mua quyển khác.
Hạo Nhiên ôm thầy khóc nấc. Mặc cho thằng bé được tự do xả hết nỗi phiền muộn qua hai hàng nước mắt, lúc sau Thạch Đạt Lang mới ôn tồn nói:
- Chuyện thiên tai, có tiếc mấy cũng không làm gì được. Lần sau, chúng ta phải cẩn thận hơn. Con đi nấu cơm ăn đi.
Hạo Nhiên lau nước mắt:
- Nhà không còn gạo, để con nướng hạt dẻ thầy lót lòng.
- Không, ta không đói. Con cứ nướng hạt dẻ mà ăn. Ta vào trong xóm, chiều mới về được.
- Thầy vào trong xóm làm gì ?
- Bão lớn chắc nhiều nhà sập và ruộng kê ngập nước hỏng cả. Ta đến giúp họ một tay.
Hạo Nhiên tần ngần nhìn sư phụ bước ra cửa. Nó tự hỏi ông nghĩ gì khi
căn nhà của chính ông không lo sửa chữa lại đi giúp sửa những căn nhà
của người khác. Nhưng nó không dám tỏ ý. Khói bếp tỏa dày đặc làm nó cay mắt. Hạo Nhiên cời than vùi hạt dẻ vào rồi bó gối nhìn những tàn than
nổ lách tách. Mỗi khi thấy hạt dẻ chín bắn ra, nó nhặt vội, xoa vào quần cho bớt nóng rồi suýt soa ăn, quên hết nỗi buồn phiền khi nãy.
Không khí ấm áp quanh bếp lửa khiến nó vui trở lại. Ăn xong, Hạo Nhiên mang quần áo ra hong và xếp dọn chỗ nằm cho sư phụ.
Xế chiều, Thạch Đạt Lang trở về đem theo kê, gạo và cả bánh đậu đã làm sẵn khiến Hạo Nhiên mừng hết sức.
- Đây là những món quà dân xóm tạ Ơn. Bánh đậu này khá ngon, ta mang về cho con đó.
Thì ra khi ta quên mình để giúp người, tự nhiên ta sẽ được người khác
giúp. Hạo Nhiên tự nhủ. Bài học tương trợ ấy làm nó sực tỉnh.
Hai ngày sau, trong khi thầy trò Thạch Đạt Lang đang hì hục dựng lại căn lều, lại có ba nông dân tới. Họ đến giúp thầy trò hắn. Nhưng thấy lều
đổ nghiêng quá nguy hiểm khó mà dựng lại được, họ đề nghị cả hai đến trú tạm tại nhà họ ít lâu, chờ lối xom gặt xong sẽ góp sức chặt cây cất cho hai thầy trò một căn nhà mới. Những người dân quê chất phác ấy đã tỏ
lòng lân ái và tương trợ một cách tự nhiên thật cảm động. Chẳng tiện từ
chối và thật ra cũng đang cần một nơi trú ngụ, Thạch Đạt Lang nhận lời,
cúi đầu cảm tạ. Hôm sau, hai thầy trò thu nhặt hành trang cùng vật dụng
đến tạm cư tại nhà một trong ba người hàng xóm.
Thấm thoắt đã gần nửa tháng. Tiết trung thu, trăng sáng vằng vặc. Dịp
này, công việc đồng áng tương đối mãn, nhiều nơi trong vùng bắt đầu mở
hội. Nghe tiếng trống từ xa vọng đến, Hạo Nhiên lại nhớ đến những đêm đi xem hội xưa kia, chen vai thích cánh giữa đám đông, nghểnh cổ nhìn các
vũ công đeo mặt nạ múa hát trong những tiếng reo hò ầm ĩ. Nó mong cho
chóng sáng, hỏi thăm chố nào đánh trống. Nghe nói ở đền Mitsumine trên
núi Chichibu.
Hạo Nhiên, lúc pha trà cho Thạch Đạt Lang, đã khéo dò ý:
- Núi Chichibu có xa đây không thầy ?
- Không xa lắm. Con hỏi làm gì ?
- Con muốn đến đền Mitsumine xem tế thần.
Thạch Đạt Lang nhướng mày hơi lấy làm lạ về sự đột nhiên quan tâm đến việc tế tự của đồ đệ. Hắn gật gù:
- Cũng tốt.
- Thế thầy dẫn con đi nhé ! Nhà mình chưa khởi công, đợi họ gặt xong đã, chắc cũng phải hết tuần trăng ...
Nhìn Hạo Nhiên, Thạch Đạt Lang cười mỉm:
- Chắc ngươi lại muốn đi coi múa hát chứ gì ?
Thằng bé toét miệng, gật đầu. Khúc nhạc và điệu vũ độc nhất Hạo Nhiên
biết đều do ở những cuộc đi xem hội lúc còn nhỏ vùng Hotengahara. Nó rất thích và không bao giờ quên được những âm thanh của khúc nhạc khi tươi
vui, khi nghẹn ngào đứt quãng, những tiếng ự ... ư ... ư ..., theo nhịp
dậm chân của vũ công trên sàn gỗ. Và tiếng trống !
Trời ơi ! Tiếng trống sao mà thúc giục và lôi cuốn đến thế ! Nó nôn nóng hỏi Thạch Đạt Lang:
- Con nấu cơm, nắm mang đi ăn đường thầy nhé ! Hôm qua thầy nghe tiếng trống không ? Họ tập để vào hội ngày mốt đấy !
- Sao ngươi biết ?
- Người ta bảo thế !
Tính nết Hạo Nhiên nhắc Thạch Đạt Lang nhớ đến đồ đệ cũ. Thằng Giang
muốn điều gì thì hay vòi vĩnh, không như Hạo Nhiên khôn khéo hơn biết dò ý, xếp đặt có lớp lang và tính toán. Bất giác nghĩ đến tuổi thơ của
mình không có ai để mà vòi vĩnh, hắn thương cả hai đứa, không nỡ từ
chối, gật đầu:
- Ừ thì đi !
Hạo Nhiên hối hả xuống bếp nói vọng lên:
- Tối nay còn trăng. Đi đêm chắc mát.
Cơm xong, nó ra đầu xóm mua hai đôi dép cỏ, sửa soạn hành trang. Thế là lên đường ngay chiều hôm ấy.
Vết tích cơn bão hai tuần trước còn lưu lại nhiều nới. Lá khô cành gãy ngổn ngang.
Ở những vũng nước rải rác, tiếng ếch nhái kêu ì ộp, đàn dơi bay thấp chao đi chao lại bắt muỗi dưới bầu trời hoàng hôn đỏ khé.
Thầy trò Thạch Đạt Lang thong dong bước, vừa đi vừa ngắm cảnh. Đến bờ
một con suối nước dâng cao như dòng sông con, giữa dòng chỉ còn lại một
đoạn cầu gỗ chơ vơ vô dụng, Thạch Đạt Lang dừng bước lưỡng lự. Trong khi hắn loay hoay tìm cách sang bờ bên kia, Hạo Nhiên bỗng chú ý đến vài
mẩu sắt nhỏ trên bờ suối. Nó nhặt lên. Thì ra những đầu mũi tên đã han
rỉ và có cả một cái chỏm mũ gãy của chiến binh tử trận. Nó đưa cho sư
phụ coi:
- Chắc chỗ này trước kia là bãi chiến trường phải không thầy ?
Thạch Đạt Lang gật:
- Chắc thế !
Tò mò, Hạo Nhiên lại men theo những hòn đá mấp mé mặt nước để tìm thêm.
Bỗng nó la lớn:
- Xương người ! Có xương người !
Thạch Đạt Lang chạy lại. Quả nhiên, rải rác trên một khoảng bằng cái
nong là những lóng xương trắng hếu bị nước cuốn lẫn với cỏ rác và những
mảnh vải cũ.
- Chắc xung quanh đây còn nhiều xương nữa. Con thử tìm xem.
- Trời ơi, ghê quá ! Tìm làm gì hả thầy ?
- Để đem chôn con ạ. Cho thú rừng khỏi tha đi và người ta khỏi dẫm lên, tội nghiệp.
- Những người chết này có liên quan gì đến mình đâu mà phải làm thế ?
- Hạo Nhiên ! Ta đã đọc cho con nghe một vài đoạn về sử nước nhà. Vùng
Musashimo này, trăm năm trước đã là chiến trường giữa hai phái tranh
chấp nhau. Cuộc phân tranh kéo dài hàng chục năm ...
- À, con nhớ rồi. Trận Kotensashigara. Vậy ở chỗ này đây hả thầy ?
- Ta không biết đích xác, nhưng chắc đã xảy ra nhiều trận đẫm máu trên
bờ suối này hoặc trong rừng lân cận. Những người chết di tích còn đây là những chiến binh đã góp phần xây đắp nền móng quốc gia. Không có họ,
quốc gia không thể tồn tại. Bây giờ những mảnh xương vô định của họ,
hoặc vùi nong dưới cát như mảnh xương này, hoặc tản mác khắp nơi, không
đáng để chúng ta thương xót hay sao ? Chiến tranh như những cơn bão, rồi sẽ qua đi, nhưng núi sông vẫn còn đó. Là những kẻ hậu sinh, chúng ta
không thể quên ơn họ được !
- Dạ, con biết.
- Thế sao con lại nghĩ là không liên quan ?
Hạo Nhiên lặng lẽ cúi đầu.
- Bây giờ con đi nhặt hết những khúc xương ấy đem về đây cho ta.
Đoạn tìm chỗ cao ráo, hai thầy trò đào một huyệt nhỏ, bỏ xương và di
tích người chết xuống rồi lấp đất. Lại kiếm một cành cây lớn, khắc chữ
“tử sĩ vô danh” cắm lên đó.
Hạo Nhiên hỏi:
- Cần lấy hoa đặt lên mộ không thầy ?
- Tùy con. Nhưng nếu con đã hiểu được hết ý nghĩa của hành động con làm thì đặt hoa hay không cũng thế thôi.
Tần ngần một lúc, Hạo Nhiên lại hỏi:
- Nếu người nằm dưới mộ là trung thần thì làm thế, nhưng ngộ người ấy là phản loạn thì sao ?
Thạch Đạt Lang yên lặng nhìn vầng trăng. Hắn không tìm được lời giải đáp thỏa đáng. Lát sau mới nói:
- Đức Phật “thường hành bình đẳng”. Đối với người đã chết, ngài siêu độ tất cả, không phân biệt tốt xấu, kẻ thiện người ác.
- Thế kiếm sĩ tốt hay xấu khi chết cũng như nhau, không để lại gì à ?
- Có chứ ! Để lại cái danh của mình.
- Vậy một kiếm sĩ dũng cảm, trung liệt sẽ lưu danh mãi mãi hả thầy ?
- Phải đó. Nhưng không phải chỉ giản dị vậy đâu ! Dũng cảm và trung liệt chưa đủ, phải có lòng nhân ái. Nếu kiếm sĩ chỉ biết dùng sức mạnh của
lưỡi kiếm thì, như cây khô ngoài sa mạc, như cơn bão dữ dằn, không những không lợi ích gì cho ai mà còn nguy hiểm. Kiếm sĩ phải có lòng trắc ẩn, có trái tim biết cảm thông với những bất hạnh của người khác.
Hạo Nhiên lặng im, chắp tay thành kính cúi đầu trước mộ.
oo Sườn núi Chichibu bữa nay mây phủ đầy. Từ trên đền Mitsumine nhìn
xuống, khách trẩy hội trông như đàn kiến, từng hàng theo chân nhau ẩn
hiện qua những dải mây màu khói lam vắt vẻo ngay sườn núi. Họ chống gậy, đội nón nan, kẻ khoác tay nải, người gồng gánh lễ vật mang lên đền. Ba
ngọn sơn lĩnh Kumotori, Shiraiwa và Myoho sau núi Chichibu hợp thành một bối cảnh hùng vĩ làm tăng vẻ nguy nga tráng lệ cho vùng thắng tích.
Đền Mitsumine khá lớn, được xây cất từ lâu và đã trải qua nhiều thăng
trầm của lịch sử. Ngôi đại điện ở một khu đất bằng phẳng trên sườn núi,
rộng trăm mẫu, hàng năm vẫn là địa điểm tế lễ và tiếp đón khách thập
phương. Xung quanh vô số miếu nhỏ, thờ đủ các vị thần linh, lẩn trong
những hàng tùng trắc xanh biếc. Cảnh trí u nhã, thêm tin đồn đền rất
linh thiêng, lại lưu trữ một bộ sưu tập đồ cổ ngoạn vô giá khiến khách
du đã đi qua vùng đông bắc nước Nhật không mấy ai bỏ lỡ cơ hội đến chiêm bái.
Dưới chân núi, một làng được lập ra gồm toàn những gia đình nông dân
trưng canh ruộng đền, xuân thu nhị kỳ mang lên đóng góp sản vật đã thu
hoạch được. Một số tiểu thương mở trà thất, cửa hàng bán đồ tế tự và kỷ
niệm làm cho vùng này quanh năm lúc nào cũng có không khí sầm uất.
Hai thầy trò Thạch Đạt Lang đến chân núi thì đền đã bắt đầu vào hội từ
hôm trước, nhưng đêm nay mới là đêm lễ chính. Quán trọ Phật Bà, nơi thầy trò Thạch Đạt Lang dừng chân tạm trú, đèn treo tự sao sa. Hai cây đuốc
lớn cắm trên giá trước cổng cháy hừng hực, soi sáng cả một vùng hàng
chục trượng. Hạo Nhiên nôn nóng muốn lên đền ngay sau bữa cơm chiều,
nhưng thấy sư phụ còn thong thả bên khay trà nên không dám giục.
- Họ đã bắt đầu thúc trống rồi đấy !
Nghe đồ đệ nói lửng lơ, Thạch Đạt Lang dư biết Hạo Nhiên muốn gì. Hắn mỉm cười:
- Họ sửa soạn còn lâu chán ! Xem hội phải thong thả. Vội vàng hấp tấp nó mất thú đi !
Hạo Nhiên đi ra đi vào, mang dép của thầy đặt ngay ngắn trước cửa. Lại
kiểm soát hai ống tre xem nước uống có đủ không và mấy chiếc bánh mua
của quán hồi chiều đã bỏ vào bọc chưa. Nhìn lên núi, khách hành hương
đông như kiến leo kín các bậc đá, nó quay đi giấu tiếng thở dài.
Đợi mãi, sau mới thấy Thạch Đạt Lang nói:
- Nào, ta đi !
Tựa con chó nhỏ xổng xích, Hạo Nhiên chạy vụt ra cửa. Trời tối dần. Sao
lác đác trên nền trời đen sẫm và giải ngân hà bắt đầu hiện ra lờ mờ như
vệt khói nhạt.
- Đông quá ! Đêm nay mà trời mưa thì hỏng bét !
Hạo Nhiên theo dòng suối người xô đẩy, quên cả Thạch Đạt Lang phía sau.
Nó háo hức trèo, nhằm phía đèn lửa sáng trưng trên đỉnh núi tiến tới.
Địa điểm hành lễ còn trống nhưng sáng rực như ban ngày nhờ hàng trăm cây đình liệu đã thắp sẵn cắm cách nhau chừng trượng một. Cờ xí đủ màu sắc
sặc sỡ bay phần phật. Trống thúc liên hồi, tiếng đàn sáo lẫn với tiếng
cười nói của đám đông khích động tinh thần nó vô kể.
Thạch Đạt Lang đi thong thả, hình như không quan tâm gì đến mọi người
chung quanh. Thật ra hắn vẫn đề phòng. Cuộc đời hành hiệp của hắn nhiều
ân oán, biết đâu một kẻ tiểu nhân nào đó đang rình rập, chỉ chờ cơ hội
hắn sơ ý là ra tay. Thạch Đạt Lang luôn luôn đứng trên bờ vực của cái
chết. Để sinh mệnh mình bị kẻ khác lấy đi một cách uổng phí, thật không
gì hối tiếc hơn. Trong đám đông như thế này, Thạch Đạt Lang lại cần phải cảnh giác.
Nhìn tấm bảng gỗ ghi công đức những thí chủ cắm trước cổng đền, Thạch Đạt Lang bỗng chú ý đến hàng chữ lớn:
“Đại Cổ ở Nara”. Hắn nhớ ngay đến người đã dẫn Giang đi mất, cho đến nay vẫn không tin tức. Đột nhiên, tiếng Hạo Nhiên như kéo hắn về thực tại:
- Thầy ! Thầy coi gì vậy ? Sắp bắt đầu tế rồi !
- Ờ, ngươi cứ vào xem trước đi ! Ta có việc phải làm, sẽ vào sau.
Thạch Đạt Lang có chủ ý, muốn nhân dịp này đến gặp viên quản khố, hỏi thăm tin tức về Đại Cổ.
Lão quản khố ở sau đền đã già, nhìn khách lạ bằng đôi mắt hấp háy, dè dặt:
- Bần tăng không biết gì về chuyện này. Chỉ biết khách thập phương ai
cúng vật gì thì nhập kho, thế thôi. Thí chủ muốn biết rõ xin hỏi vị thủ
tòa.
- Thủ tòa ở đâu ?
- Ở hậu điện.
Đáp xong, dường như không muốn nghe hỏi lôi thôi gì thêm nữa, lão quản
khố sập mạnh cửa trước mặt Thạch Đạt Lang và lẩn mất trong bóng tối của
gian nhà kho rộng lớn.
Thạch Đạt Lang lắc đầu đi ra, tìm đến hậu điện. Trước một tấm cửa gỗ dày có ghi chữ “văn phòng thủ tòa”, hắn gõ cửa. Một vị tăng phong thái khắc khổ bước ra nghênh tiếp. Sau khi nghe hắn trình bày có việc liên quan
đến người tên Đại Cổ ở Nara, vị tăng trịnh trọng dẫn hắn vào, mời ngồi
trên bồ đoàn trong một gian phòng rộng, bài trí trang nhã. Trong phòng,
nhiều tủ sách thấp trưng bày kinh Phật và vô số đồ cổ ngoạn.
Sa di bưng trà ra, rồi bánh, trái cây đang mùa và cả một bình rượu sa-kê thượng hạng. Tất cả đặt trên những khay sơn mài khảm xà cừ cực kỳ mỹ
lệ. Thạch Đạt Lang không ngạc nhiên vì những món đồ đãi khách xa xỉ,
nhưng ngạc nhiên vì sự tiếp đãi quá trọng hậu ấy.
Thủ tòa là một vị tăng trung niên, mập lùn, da đỏ hồng, xúng xính trong bộ thiền phục màu vỏ dà, bước ra chắp hai tay:
- A di đà Phật ! Thiểm tòa lại được cung nghênh thí chủ lần nữa. Cửa
thiền cô lậu, chẳng có gì xứng đáng đãi khách, mong thí chủ đừng để ý.
Biết có sự nhầm lẫn, Thạch Đạt Lang vội cải chính:
- Tại hạ mới đến đây lần đầu. Tại hạ chỉ là một giang hồ lãng nhân muốn biết tung tích Đại Cổ tiên sinh ở Nara mà thôi.
Thái độ thủ tòa lập tức đổi khác. Ông nhìn Thạch Đạt Lang từ đầu đến
chân, mặc dù ông chỉ đứng đến ngực hắn, cất giọng hách dịch:
- A ! Vậy thí chủ đến đây không phải để dâng cúng gì mà chỉ để hỏi tin
tức một người khác đã dâng cúng vào đền thôi, phải không ?
- Dạ phải. Tại hạ chỉ có mục đích ấy !
- Thế tại sao không nói trước ?
- Tại hạ đã nêu rõ là việc có liên quan đến một người tên Đại Cổ chứ không hề nói cung hiến tài vật gì. Chắc có sự hiểu lầm.
- Vậy thí chủ là giang hồ khất sĩ đấy ! Ta chẳng biết và cũng chẳng muốn hỏi danh tính quê quán thí chủ làm gì, nhưng nói cho thí chủ hay bản
tòa không bao giờ tiết lộ những tin tức như thế. Muốn biết điều gì cứ
coi sổ.
Nói đoạn, hất hàm bảo sa di mang sổ tới. Thạch Đạt Lang liếc qua chỉ thấy ghi vỏn vẹn:
“Đại Cổ ở Nara, cúng ba lần, mỗi lần lạng”, ngoài ra không tin tức gì khác.
Bèn cảm ơn và bước ra cửa.
Buổi lễ đang hồi thịnh. Đoàn nhạc công áo vóc viền vàng, đội mũ cao
nghệu, thổi sáo trúc, tiếng ríu rít lảnh lót như chim. Ca công đeo mặt
nạ, vừa đi vừa múa hát một bài lễ ca, thỉnh thoảng lại đập vào mặt trống đeo trước ngực kêu “Bung ! Bung !” để giữ nhịp. Nhìn cảnh ấy, Thạch Đạt Lang tưởng mình đang sống lại thời thơ ấu đi xem hội đền Mimasaka ngày
trước. Hắn như thấy hiện ra trước mắt cũng đám đông ấy, lẫn lộn giữa
những người dân quên chen lấn nhau, nét mặt trắng hồn nhiên của Oa Tử,
cái cười chân thật ngờ nghệch của Mãn Hà Chí, và cậu Ngô em bà Hồ Điểu
đi đi lại lại dáng điệu quan trọng. Và mờ ảo như sương khói, mẹ hắn lo
lắng đến tìm hắn sợ hắn về khuya.
Tiếng trống cái càng lúc càng dồn dập. Khúc ca đổi khác, điệu múa nhanh
hơn, rồi quay cuồng như trong một cơn lốc, cả đoàn vũ công chạy tròn
quanh sàn gỗ, những chiếc mặt nạ lắc lư, kệch cỡm nhìn đám người lố nhố
đứng dưới sàn qua đôi mắt trắng dã ghê sợ. Thạch Đạt Lang biết cảnh này. Hắn cũng thuộc cả lời của khúc ca diễn tả những khổ hình dưới âm ty
trừng phạt kẻ báng bổ thần linh. Hắn nhìn hai tay người đánh trống cái.
Đột nhiên, sự phát hiện nổ ra như tiếng sét. Hắn nín thở.
- Phải rồi ! Phải rồi ! Song kiếm !
Thạch Đạt Lang mừng rỡ hét lên. Vài người đứng gần quay đầu lại tưởng
hắn điên, nhưng rồi sự ngạc nhiên của họ cũng qua mau. Tiếng hét của hắn chìm ngay vào âm thanh cuồng loạn của điệu nhạc và những tiếng chân dậm thình thịch trên sàn gỗ.
Hạo Nhiên ngồi vắt vẻo trên cành cây ngay trên đầu Thạch Đạt Lang nhìn xuống:
- A ! Thầy đã đến ! Con ở trên này, thầy !
Thạch Đạt Lang chẳng nghe thấy gì. Mắt hắn chăm chú dán vào đôi tay kẻ
đánh trống. Không phải trong sự mê say âm hưởng của loại nhạc khí cổ
điển này nhưng hoàn toàn bị khích động bởi đôi dùi trống.
- Phải rồi ! Hắn lẩm bẩm. Đôi dùi trống và song kiếm ! Cùng một nguyên lý. Hai chiếc dùi trống, một tiếng phát ra.
Thạch Đạt Lang khoanh tay, đăm đăm quan sát từng cử động của người đánh trống.
Thật là giản dị. Người ta sinh ra có hai tay, tại sao không dùng cả hai ? Trong cuộc giao đấu, mọi người thường chỉ dùng một kiếm, mãi rồi thành
quen, thành lệ. Nếu cầm kiếm tay phải, tay trái sẽ không còn thuần thục
nữa. Cầm kiếm cả hai tay, lợi biết bao nhiêu. Trước đây, trong trận
chiến dưới gốc cổ tùng, hắn đã dùng cả hai kiếm, trường kiếm tay phải,
đoản kiếm tay trái. Nhưng đó là một hành động phá lệ, không chính thống. Đối diện cái chết trước mắt, như một con thú bị dồn vào chân tường, hắn phải tận dụng mọi phương tiện và khả năng để tự cứu. Bây giờ, hắn thấy
hành động ấy thật tự nhiên, nếu không nói là muốn chiến thắng mà không
hành động như thế thì thật dại dột.
Trong binh pháp, không một võ tướng nào cầm quân lại dại dột chỉ bảo vệ
một bên sườn đạo quân của mình, còn sườn bên kia bỏ trống. Tại sao một
kiếm sĩ đơn độc lâm trận lại chỉ cầm kiếm một tay ? Sự phi lý ấy hẳn do
tập quán. Tập quán đã khiến một hành động tự nhiên của con người trở
thành không tự nhiên, tỉ như đi bằng một chân vậy. Tập cho quen thì đi
một chân cũng được nhưng sao bằng hai chân ?
Khi lằn ranh giữa sự sống, chết nhỏ như sợi tơ, hắn đã hành động tự
nhiên bằng cách dùng cả hai kiếm, một hành động dáng lẽ hắn phải làm
hàng ngày, mà làm một cách thuần thục. Đời kiếm sĩ buộc hắn luôn luôn đi trên lằn ranh ấy, sao hắn ngu ngốc cứ đi bằng một chân ?
Dùng song kiếm chính là phương thức tự nhiên, không tránh được của một
kiếm sĩ để tự bảo vệ sinh mệnh. Tuy là một hành động có ý thức như phải
tập luyện, khai triển cho hai kiếm thuần thục, bổ túc cho nhau để trở
thành một phản ứng vô thứ c, như ăn ngủ, thở hit không khí. Thạch Đạt
Lang nhìn hai chiếc dùi trống. Người đánh trống ý thức dùi nào tay phải, dùi nào tay trái, nhưng khi đánh trống đã hoàn toàn hành động một cách
vô thức:
tay này đập, tay kia gõ; tới lui, lên xuống, hòa hợp đúng với âm điệu của khúc nhạc.
Hai dùi trống, một âm hưởng.
Đột nhiên, hắn thấy trải ra trước mắt quan niệm thiện ác của nhà Phật.
Dưới mắt đại đồng của đức Phật, thiện ác như hai đứa trẻ sinh đôi cùng
một vú mẹ, như cặp âm dương, tuy mâu thuẫn đấy nhưng chẳng hề bao giờ
rời nhau. Phải biết vượt lên trên cả ác lẫn thiện thì mới mong siêu
thoát. Ở khía cạnh này, kiếm đạo khác gì thiền đạo ? Thạch Đạt Lang bỗng cảm thấy vui sướng vô cùng, như người hốt nhiên vừa tỉnh ngộ.
Một cành khô nhỏ rớt lên đầu. Hắn ngước mắt nhìn. Thấy Hạo Nhiên đang còn mải mê xem, hắn bắc loa tay gọi:
- Hạo Nhiên ! Liệu về thôi ! Ngay mai ta còn phải vào trong núi.