Chuẩn xác mà nói, không phải Tào Tháo xuất binh, mà là Tào Bằng xuất binh…quân Tào xuất kích, đối với Gia Cát Lượng mà nói, vốn dĩ phải là một chuyện tốt lành. Dù sao, quân Tào xuất kích, tình hình hẳn sẽ khiến cho Giang Đông khẩn trương hẳn lên, đối với kế hoạch du thuyết của Gia Cát Lượng ở Giang Đông, là một chuyện tốt lành khó có. Ngặt nỗi, Gia Cát Lượng lại không tài nào phấn khởi lên được.
Bởi vì nơi Tào Bằng tấn công chính là Ích Dương!
Tên nó được gọi là Ích Dương, theo Thái thú Trường Sa Đông Hán- Ứng Thiệu nói rằng:
Vì nó nằm ở vị trí mặt trời mọc của sông Ích Thủy, nên gọi là Ích Dương.
<< Thượng thư. Vũ Cống>> có ghi chép rằng: từ thời kì viễn cổ xa xưa, Ích Dương thuộc Kinh Châu- là một trong chín châu cổ xưa của Trung Quốc. Thời Xuân Thu thuộc nước Sở, thời Chiến Qquốc là quận Kiềm Trung lệ thuộc vào nước Sở. Công nguyên năm 221, nước Tần diệt Sở, lập quận Trường Sa, thiết lập chín huyện như huyện Ích Dương đây. Đến thời Tây Hán, hai chế độ quận huyện và phong quốc đồng hành với nhau, do đó Ích Dương lại lệ thuộc vào nước Trường Sa, quận Võ Lăng, thống nhất thuộc về bộ Thứ sử Kinh Châu. Đến thời Đông Hán, bãi bỏ việc phong quốc, chỉ lập quận huyện, thế là nước Trường Sa lại đổi thành quận Trường Sa, mà Ích Dương cũng tách ra từ quận Võ Lăng, trở thành một trong 11 huyện của Trường Sa, với bối cảnh như vậy, quận Võ Lăng và quận Trường Sa đối với việc sở hữu Ích Dương, cứ tranh giành mãi không thôi.
Dù sao huyện Ích Dương từng thuộc về quận Võ Lăng, nhưng lại đồng thời chịu sự trị vì của nước Trường Sa. Mà nay phân chia ra, quận Võ Lăng đương nhiên không đồng ý.
Vụ kiện tụng này, từ thời kì đầu của Đông Hán cứ kéo dài mãi đến cuối thời Đông Hán, cũng không có được kết quả sau cùng.
Dù sao tất cả mọi người đều biết rằng, Ích Dương thuộc quận Trường Sa, nhưng quyền nắm giữ của quận Trường Sa đối với Ích Dương, lại chịu sự ảnh hưởng của quận Võ Lăng, vô cùng mỏng manh.
Lưu Biểu tiến vào chiếm giữ Kinh Châu, chia cắt Ích Dương khỏi quận Trường Sa.
Hơn nữa lấy con nuôi Lưu Bàn làm thái thú quận Trường Sa, mới xem như đặt dấu chấm kết thúc cho vụ việc này.
Phía Bắc Ích Dương nằm gần sông ngòi, phía Đông Bắc chính là Động Đình Tám Trăm Dặm với sóng nước mênh mông, phía Tây và Tây Nam bộ, có núi Tuyết Phong kéo dài ngàn dặm làm bình phong che chắn (tên gọi là núi Tuyết Phong vì trên đỉnh núi quanh năm phủ đầy tuyết), Ích Dương là chìa khóa trọng hiểm yếu để tiến vào quận Trường Sa. Một khi Ích Dương bị công phá, cánh cổng của quận Trường Sa sẽ mở ra. Tuy nhiên, Ích Dương cũng không dễ đánh, không chỉ vì địa hình của nó không dễ dàng cho đại quân chinh phạt, càng là vì nó cách huyện La rất gần, khiến cho độ khó cũng theo đó tăng lên nhiều.
Huyện La, nay lại thuộc sở hữu của Giang Đông.
Tôn Quyền lệnh cho Thái Từ đóng quân ở huyện La, cùng kết hợp hô ứng với thủy quân Hồ La Uyên.
Nếu như quân Tào tấn công Ích Dương, tình hình chắc hẳn sẽ kinh động đến binh mã Giang Đông. Nay tuy rằng quan hệ giữa Giang Đông và Lưu Bị vẫn chưa đạt đến mức đứng chung trên một chiến tuyến, nhưng sự hỗ trợ lẫn nhau giữa họ, nói cho cùng vẫn còn được duy trì. Điều này chính là nguyên cớ vì sao độ khó của việc tấn công Ích Dương khá là lớn, kéo theo đủ mọi mặt.
Gia Cát Lượng đối với việc này, vừa mừng lại vừa căng thẳng.
Giữa tháng 2 năm Kiến An thứ 13, sau khi trải qua khoảng thời gian ngắn để làm quen và chỉnh đốn, cuối cùng thì Tào Bằng cũng có hành động.
Ngày 13, Tào Bằng lệnh cho Bàng Đức thống lĩnh bản bộ xuất kích, áp sát đến Ích Dương. Đồng thời, bởi vì Đỗ Kỳ soái lĩnh thủy quân tiến vào đóng quân tại hồ Động Đình, cũng giúp cho lòng Tào Bằng có thêm phần tự tin chiến thắng. Sau khi Đỗ Kỳ đến hồ Động Đình, lập tức tiếp cận theo hướng Đông, ở vị trí cách Bạc La Uyên trăm dặm, đóng doanh trại thủy quân kéo dài đến ba mươi dặm đường. Chủ soái thủy quân là Chu Thái và Từ Long kinh hãi, trận địa sẵn sàng đón quân địch, đồng thời liên lạc với Thái Sử Từ, lấy Bạc La Uyên và huyện La làm tuyến phòng ngự, hình thành một hệ thống phòng vệ. Thái Sử Từ còn lệnh cho người qua hồ Động Đình, chỉ trích Tào Bằng, khẽ khơi mào chiến tranh.
Ngu Phiên, tự Trọng Tường, 44 tuổi.
Người Hội Kê Dư Diêu, là con trai của Thái Thú Nhật Nam - Ngu Hâm, từng làm công tào (chức công tào sử thời xưa) dưới trướng của Thái thú Hội Kê –Vương Lãng, sau đó quy hàng Tôn Sách, gia nhập sĩ Giang Đông.
Người này là đại gia kinh học, lại tinh thông Kinh dịch.
Trước đây, triều đình từng phong Ngu Phiên làm Ngự Sử, nhưng bị Ngu Phiên từ chối.
Nay y dưới trướng của Tôn Quyền, nhậm chức Kỵ Đô úy, lần này đi cùng Thái sử Từ tiến vào chiếm giữ huyện La, làm Tế tửu quân sư (là một mưu sĩ tham mưu), địa vị cũng có chút cao trọng.
Y đích thân đến Hán Thọ, chỉ trích Tào Bằng.
-Nay Tào Công thường xuyên đi sứ sang Giang Đông, điều muốn hướng tới, chẳng qua là hai chữ hòa bình.
-Nhưng Đại đô đốc lại điều động binh mã, chẳng lẽ lại muốn khơi mào chiến tranh? Nếu là như vậy, trên dưới của Giang Đông, chắc chắn không lùi bước, vẫn mong Đại đô đốc suy nghĩ kỹ cho.
Đây cũng là nhân vật lưu danh sử sách.
Tào Bằng nghiêm trang mà ngồi trong đại sảnh của Đô đốc phủ, trên dưới đánh giá vị danh thần Giang Đông này.
Ngu Phiên là người Giang Đông điển hình, thân hình không cao, tầm khoản 170 cm, nhưng cũng có chút dung mạo, tướng tá phi phàm.
-Lời này của Trong Tường tiên sinh sai rồi.
Tào Bằng cười tủm tỉm nói:
-Ta muốn xung đột với Giang Đông khi nào?
-Ơ?
-Việc này chẳng qua là theo thường lệ đi thao diễn mà thôi, tiên sinh lại hà tất hoang mang. Tiên sinh ắt phải biết rằng, nay Thừa tướng thu phục Kinh Sở, là thừa lệnh vua mà làm…chỉ có điều thủy quân Kinh Sở hỗn loạn không chịu nổi, vì vậy mới lệnh cho Đỗ Bá Hầu, tiến vào đóng quân Động Đình. Nếu đã là thủy quân, thì không thể thiếu chút rèn luyện. Đỗ Bá Hầu vừa vào Động Đình, cũng không hiểu biết tình hình nơi này, cho nên mới có hành động thiết lập thủy trại, không có ác ý gì với Tử Nghĩa cả.
Tử Nghĩa, chính là Thái sử Từ.
Tào Bằng nói một cách hợp tình hợp lý, khiến cho Ngu Phiên cũng không biết chỉ trích thế nào nữa.
Người ta chỉ là huấn luyện thủy quân, thao diễn binh mã, nhân tiện làm quen với địa hình mà thôi. Quân Tào cũng chưa tấn công binh mã Giang Đông, chuyện khơi mào chiến tranh, khiêu khích xung đột, đương nhiên cũng chẳng thể nói từ đâu ra. Nhưng Ngu Phiên biết rằng, đó đều là cái cớ của Tào Bằng, vốn không đủ để y tin tưởng.
Ngu Phiên trầm ngâm một lát nói:
-Thế nhưng, Đại đô đốc phải biết rằng, thủy quân Giang Đông của ta đóng quân tại Hồ La Uyên.
-Cách thủy trại Thừa tướng, không xa quá trăm dặm. Thủy quân của ta cũng cần được thao diễn, chẳng may không cẩn thận mà gây nên xung đột, thế chẳng phải có thêm phiền phức không cần thiết hay sao?
-Thế thì tiên sinh muốn ta làm thế nào đây?
-Điều này ….
Ngu Phiên có chút khó xử.
Chẳng lẽ y lại đi nói với Tào Bằng, các người rút lui đi…chỉ sợ vừa nói xong, thì sẽ chọc giận Tào Bằng mất. Ngu Phiên là đại gia kinh học, đồng dạng cũng là danh sĩ Giang Đông. Đối với Tào Bằng, y cũng đã từng tìm hiểu, đặc biệt là khi y nghe nói, mười năm trước Tào Bằng từng đi theo Tuân Diễn đi sứ sang Giang Đông, sau khi tiếp xúc qua đám người Trương Chiêu, Chu Du, Tôn Sách…thì y càng cảm thấy hối hận. Nếu lúc đó tiêu diệt Tào Bằng, chẳng phải đã chặt được một cánh tay đắc lực của Tào Tháo hay sao?
Tuy nhiên, y cũng biết rằng, sự tự trách này thật vô lý.
Mười năm trước thì Tào Bằng chẳng qua là một đứa trẻ, chẳng có chút tiếng tăm gì, thậm chí còn ít người nghe qua tên của hắn. Lúc đó, Tào Bằng đến Giang Đông với thân phận là thư đồng của Tuân Diễn, ai lại ngờ đến, mười năm sau một tiểu thư đồng chẳng chút tên tuổi, lại trở thành nhân vật bắt mắt như hiện nay.
Ba bài văn Mông, khiến người trong thiên hạ ca tụng tán thưởng.
Hai bài văn chương, càng khiến người đời biết đến cốt cách rắn rỏi phi thường.
Ba năm ở Lương Châu, khiến Mã Đằng bị chém đầu, Khương Hồ quy thuận. Nay mảnh đất Tây Bắc, lại tái hiện sự màu mỡ của Tần Xuyên tám trăm dặm năm nào, khiến vô số người phải ngưỡng mộ. Mà nguyên nhân chung quy, lại là do nền tảng mà Tào Bằng đã gầy dựng nên. Cũng do sau khi Tào Cấp nhậm chức, nhiều năm kế thừa và duy trì chính sách của Tào Bằng, mở ra thương lộ Tây Vực, liên kết với thế gia ở Quan Trung, mới có được cục diện của Tây Bắc như ngày nay, càng trở thành một hậu phương vững chắc cho Tào Tháo.
Đối mặt với một người như vậy, Ngu Phiên tuy tuổi lớn hơn rất nhiều, nhưng cũng không dám thất lễ.
Cả cái Giang Đông, 80% là chịu sự truyền dạy từ ba thiên văn Mông kia của Tào Bằng. Năm ngoái, Tào Bằng xuất bản tác phẩm mới << Ba Mươi Sáu Kế >>, ngay cả nhân vật ngạo mạn phi phàm như Chu Du, cũng phải khen ngợi Tào Bằng là một đại gia binh pháp đương thời. Ngu Phiên thanh danh tuy lớn, nhưng không thể không cẩn thận từng li từng tí được.
Thời buổi này, ngươi đắc tội với quan viên thì chẳng có vấn đề gì, nhưng nếu ngươi chọc giận danh sĩ, chắc chắn sẽ bị người trong thiên hạ chỉ trích.
Dù đôi bên ở vị trí đối địch với nhau, nhưng ai lại dám tùy tiện chỉ trích Tào Bằng cớ chứ?
Cho dù là Tôn Sách, cũng tán thưởng không ngớt lời đối với Tào Bằng, không dám mở miệng mạo phạm, ba thiên văn Mông, đủ để người tri thức trong thiên hạ, tôn trọng gọi Tào Bằng một tiếng “Thầy”.
Trong lòng Ngu Phiên thầm kêu khổ, không biết phải mở miệng như thế nào đây.
Không ngờ tới, Tào Bằng lại đột nhiên lên tiếng:
-Lời Trọng Tường tiên sinh nói, cũng không phải không có lý. Hai nhà ta và ngươi, khoản cách khá gần nhau, nếu có xung đột, đích thật là không đẹp, sẽ ảnh hưởng đến tình nghĩa hai nhà giữa ta và ngươi. Chi bằng thế này, ta lui binh sáu mươi dặm, đôi bên cùng giữ quy củ, ngươi thấy thế nào?
Lui binh sáu mươi dặm ư?
Điều này cái con mẹ nó, có khác biệt gì so với không lui đâu!