Cấu tạo dù đơn giản, chỉ có hai khu trước và sau, nhưng phòng xá nhiều vô số kể, có đến chừng một trăm phòng. Hiện Tào Bằng chỉ đến một mình, cũng không mang theo gia quyến. Hoàng Nguyệt Anh và Hạ Hầu Chân còn ở lại thị trấn Trung Dương phụ trách sửa chữa nhà mới. Thật ra, cũng không có quá nhiều việc phải xử lý, có điều đó là nơi Tào Bằng sinh ra, sau này cho dù không thường xuyên sinh sống ở đây thì cũng phải bỏ chút tâm sức dọn dẹp mới được. Còn một nguyên nhân khác là Hạ Hầu Chân lại mang thai… Thời tiết rét mướt, Tào Bằng cũng không muốn họ lặn lội đường xa chạy tới Tương Dương.
Vì thế, nha phủ Phàn Thành to lớn thế nhưng rất vắng lặng.
Tào Bằng để khu vực phía trước làm nơi giải quyết công việc, còn dãy nhà phía sau được chia làm ba phần.
Tào Bằng có một mảnh sân riêng, trong đó còn dựng sàn diễn võ; Hoàng Trung, Khấu Phong, Vương Song ở một bên, Bộc Dương Dật và Lục Mạo sống ở khu còn lại. Ngoài ra, còn năm mươi tùy tùng cùng Vương Song đến cũng sống ở đây, chịu trách nhiệm cho an toàn của Tào Bằng.
Pháp Chính được sắp xếp cùng một khu với Tào Bằng, có một căn phòng rất rộng rãi, đầy đủ đồ đạc.
Tuy nhiên, khi Pháp Chính nhìn thấy những chồng công văn xếp đống trước mặt, cũng không khỏi lắc đầu gượng cười đồng thời trong lòng cũng rất vui, Tào Bằng giao những hồ sơ công văn này cho y xử lý, chứng tỏ hắn rất tín nhiệm với y. Chỉ là nhìn điệu bộ này, Tào Bằng rõ ràng muốn phủi tay, khiến Pháp Chính dở khóc dở cười. Nghĩ lại cũng phải, Tào Bằng hàng ngày phải thao diễn với Hổ Báo kỵ, nếu như có chiến sự, hắn sẽ ra trận bất cứ lúc nào.
Chức vụ Quân sư Tế Tửu của Hổ Báo kỵ này nói thẳng ra chính là đại quản gia của Tào Bằng.
Những thứ phải phụ trách giải quyết liên quan đến mọi vấn đề. Nếu không có sự giúp đỡ của Bộc Dương Dật và Lục Mạo, Pháp Chính đúng là không biết nên bắt tay làm từ đâu.
Có việc để làm vẫn tốt hơn là bị người khác coi thường.
Pháp Chính vui vẻ tiếp nhận những công văn này, bắt đầu công việc bận rộn.
Ba ngày sau, Tào Tháo chính thức bổ nhiệm Pháp Chính làm Quân sư Tế Tửu của Hổ Báo kỵ, ăn bổng lộc tám trăm thạch.
Thấy cuối năm sắp đến, Tào Tháo và Lưu Bị không hẹn mà cùng hạ lệnh ngừng công kích.
Hai bên lấy Nguyên Thủy làm ranh giới, Lưu Tiên đóng quân ở Nguyên Nam, lưng dựa vào Nguyên Thủy, Chu Thái thì đóng giữ ở La huyện; Lưu Bị lệnh cho Trần Đáo đến đóng ở Ích Dương, cử Hướng Lãng làm quân sư để cùng phối hợp từ xa với binh mã Tôn Ngô, hình thành thế giáp công, khí thế hùng hổ.
Trước tình hình này, Tào Tháo không hề nóng vội phát động chiến tranh.
Còn Từ Hoảng xuất phát từ Trung Lư, trấn giữ Hán Thọ, hình thành vòng bảo vệ hiệu quả với Lâm Nguyên thuộc quyền cai quản của quận Vũ Lăng, đồng thời bất cứ lúc nào có thể vượt Nguyên Thủy, trợ giúp Lưu Tiên ở Nguyên Nam. Chiến sự tuy rằng đã dừng lại nhưng xung đột vẫn chưa chấm dứt. Rõ ràng nhất là Ngũ Khê Man ở núi Hồ Đầu tham gia vào chiến trường. Cũng không biết Lưu Bị đã thuyết phục người Ngũ Khê Man như thế nào mà Lão vương của Ngũ Khê Man lại phái con trai trưởng của mình là Sa Ma Kha dẫn ba nghìn người đi tham chiến. Tuy nhiên xét về tổng thể, mặc dù tình thế ở Nguyên Nam căng thẳng nhưng nhất thời chưa hề nguy hiểm.
Cùng với việc Tào quân ùn ùn tiến sâu vào Kinh Sở, tin rằng áp lực của Nguyên Nam cũng sẽ giảm đi theo đó.
Tào Tháo vẫn ở lại Tương Dương, im lặng chờ sứ giả Ích Châu tới…
- Nói như thế, không phải tình hình hiện giờ ở Ích Châu rất tốt sao?
Trong nha phủ Phàn Thành, Tào Bằng và Pháp Chính ngồi trên hiên cửa, vừa uống rượu vừa nói chuyện.
Pháp Chính đã nhận ra một chuyện rất lạ, đó là dường như hứng thú của Tào Bằng với Ích Châu càng lớn hơn so với hứng thú hiện giờ.
Phải biết rằng, Táo Tháo tiến vào chiếm giữ Tương Dương, đại chiến hết sức căng thẳng.
Thế nhưng khi đàm luận với Tào Bằng, Pháp Chính lại nhận thấy nhiều lúc Tào Bằng nói chuyện xoay quanh vấn đề của Ích Châu, chứ không phải chiến sự Kinh Sở.
Tuy nhiên, Tào Bằng đã có hứng thú này, Pháp Chính cũng sẽ không giấu diếm điều gì.
Y gật đầu, trả lời một cách thoải mái:
- Đúng như Công tử dự đoán, tình hình hiện giờ của Ích Châu quả thực không tốt lắm… Một mặt, mấy năm nay vật giá ở Ích Châu leo thang, đã không còn là Thiên phủ như trước nữa. Hai là, rất nhiều người lúc trước từ Lương Châu trốn đến Ích Châu, giờ thấy Lương Châu phát triển nhanh chóng nên đều có ý muốn hồi hương. Thứ ba chính là loạn Nam Man… Chắc Công tử không biết, Nam Man dù ở nơi hoang vu nhưng không thể coi thường. Nghe nói, Nam Man vương Mạnh Hoạch mới nhậm chức là một người có dã tâm cực lớn, từ khi kế vị đến nay luôn cẩn thận thăm dò. Đáng tiếc Lưu Quý Ngọc không nhận ra, vì thế không hề đề phòng Nam Man. Cứ kéo dài như vậy, tất thành đại họa.
Nam Man, Mạnh Hoạch?
Mạnh Hoạch đã xuất hiện rồi sao?
Tào Bằng không hề xa lạ với cái tên này.
Kiếp trước nghe Bình Thư Diễn Nghĩa, câu chuyện Khổng Minh bảy lần bắt Mạnh Hoạch có thể nói là nghe nhiều nên thuộc. Còn nhớ lúc trước khi nghe chuyện Mạnh Hoạch bị bắt bảy lần, hắn thường xuyên chế giếu tên Mạnh Hoạch kia không biết nhục nhã. Sau khi tái sinh mười năm, do đủ lý do mà gần như hắn đã quên mất người này. Không ngờ giờ lại nghe thấy tin này từ Pháp Chính.
Mạnh Hoạch?
Tào Bằng nhếch mép nở nụ cười quái dị.
Pháp Chính uống một ngụm rượu, nhìn Tào Bằng do dự một lúc, sau đó hạ giọng nói:
- Công tử, chẳng lẽ muốn đánh chiếm Tây Xuyên sao?
- Hả? Sao ngươi biết?
- Mấy ngày nay, Công tử chỉ đề cập tới Ích Châu. Nếu không phải muốn giành lấy Ích châu, sao lại quan tâm như thế? Tuy nhiên theo ý của ta, lúc này công phá Ích Châu không phải là thời cơ tốt nhất. Ích Châu mặc dù loạn lạc nhưng dưới trướng Lưu Quý Ngọc vẫn còn vô số người tài. Về quan văn, gã có Hoàng Quyền, Lưu Ba, Trịnh Độ, quan võ có Nghiêm Nhan, Trương Nhậm, Lãnh Bao… Những người này đều không hề tầm thường, nếu không có nhân tố bên ngoài, nhất định phải liều chết chống cự. Hơn nữa, địa hình Ích Châu phức tạp, nếu không hiểu rõ toàn bộ, muốn đánh chiếm Ích Châu tất phải hao phí lực lượng rất lớn. Ta biết thực lực của Thừa tướng hùng hậu, thế nhưng Cao Can ở Tịnh Châu, Tôn Quyền ở Giang Đông, còn có tên Lưu Bị Lưu Huyền Đức đó cản trở, vì thế muốn giành lấy Tây Xuyên, thời cơ e rằng vẫn chưa chín muồi…
Tào Bằng nhạy bén nhận ra trong lời nói của Pháp Chính có nhắc đến mấy chữ ‘nhân tố bên ngoài’.
Hắn ngạc nhiên, quay đầu nhìn sang Pháp Chính, sau một hồi suy nghĩ liền gật đầu khe khẽ…
- Hiện giờ Nguyên Thủy đình chiến, Công tử có nhận định gì không?
- Nguyên Thủy ngừng chiến, chẳng qua là Thừa tướng sợ trì hoãn thời vụ… đợi cày bừa vụ xuân xong, Nguyên Thủy chắc chắn lại khai chiến, có gì kỳ quái đâu?
- Theo ý kiến của ta, tâm tư của Thừa tướng hiện giờ e rằng không ở Trường Sa, mà là ở Giang Đông.
Tào Bằng giật mình nhưng không hề cảm thấy sửng sốt trước lời nói của Pháp Chính.
Trận chiến Xích Bích… Tào Tháo không đánh Giang Đông, sao lại có trận chiến Xích Bích? Tuy nhiên nghe ý của Pháp Chính thì hình như không tán thành việc Tào Tháo khai chiến với Giang Đông lúc này. Trước đây, Tào Bằng tràn đầy tự tin, có hắn tham gia, trận chiến Xích Bích của Tào Tháo làm sao có thể bại trận? Liên hoàn kế? Bàng Thống giờ ở tít Hà Tây; Khổ nhục kế? Hám Trạch nay cũng đang ở Lương Châu. Còn Cam Ninh thì đóng quân ở Hợp Phì, đang chiến đấu ác liệt với Tôn Ngô.
Các nhân vật chính này đều không có mặt, có gì phải lo lắng chứ?
Còn về hỏa thiêu Xích Bích, đã không có Liên hoàn kế, cũng không có Khổ nhục kế, kể cả tên Chu Du và Gia Cát Lượng đó có thể mượn gió đông đến thì cũng sao chứ?
Vì thế, trong lòng Tào Bằng có thể nói là rất tự tin với kết cục của trận chiến Xích Bích.
Thế nhưng, tại sao Pháp Chính…
- Hiếu Trực, chẳng lẽ còn có cao kiến khác?
Pháp Chính mỉm cười:
- Cao kiến thì không dám nói, chỉ có một số ý kiển nho nhỏ.
- Cứ nói đi đừng ngại.
Pháp Chính biết, đây sẽ là một cơ hội của y.
Vì thế sau khi sắp xếp lại ý, y nói với Tào Bằng:
- Ta cho rằng, lúc này chinh phạt Giang Đông không phải là thời cơ tốt nhất.
- Sao ngươi khẳng định như thế?
- Tục ngữ có câu: Người miền bắc cưỡi ngựa, người miền nam chèo thuyền. Tập tục ở khu vực này khó mà thay đổi. Nếu Giang Đông tiến lên phía bắc, chắc chắn sẽ thất bại. Lý do là vì Giang Đông thiếu ngựa, khó chinh phạt; Nhưng hiện giờ lại là Thừa tướng nam hạ, đương nhiên không thể thiếu thủy quân tinh nhuệ. Ta biết, hai năm trước Thừa tướng đã sai người xây dựng thủy quân ở đảo Đông Lăng. Đội thủy quân này không phải một ngày có thể dựng nên… Người miền nam từ xưa sinh sống ở phía nam Trường Giang, chèo thuyền đã trở thành thói quen, sự chênh lệch này không phải chỉ hai buổi thao diễn của đảo Đông Lăng là có thể so bì được. Mà lần này Thừa tướng vội vã chinh phạt Kinh châu, tại sao vậy? Đơn giản là vì muốn chặt đứt bụng rồng của Trường Giang, mưu tính chiếm lấy thủy quân Kinh Châu. Ở đây có một vấn đề, Thừa tướng có thể tín nhiệm Thái Mạo và thủy quân Kinh Châu của hắn như Công tử không?
Tào Bằng không còn gì để nói!
Vấn đề này căn bản không cần trả lời.
Trong lịch sử, Tương Can trộm sách, chẳng qua là một phong thư mà thôi nhưng đã khiến Tào Tháo giết chết Thái Mạo, Trương Doãn, làm cho đám thủy quân như rắn mất đầu.
Với tính khí đa nghi như Tào Tháo, e rằng trừ một số ít người ra, y đều không thể tin tưởng ai. Sự quá tin của Tào Tháo đối với Tào Bằng rất khó xảy ra lần nữa. Có thể nói, toàn bộ phủ Thừa tướng, không ai được như vậy. Một mặt, Tào Bằng quả thực có chút tài năng khiến Tào Tháo khó xa rời; Đồng thời, dù nói thế nào, Tào Bằng cũng là người trong dòng tộc Tào Tháo, người một nhà. Mà sự quan tâm của Tào Tháo với người trong dòng tộc và gia đình mình cũng không phải là cái người bình thường có được; Còn về điểm thứ ba chính là tính cách của Tào Bằng, lúc giận dữ, hắn không quan tâm đến điều gì, thậm chí không ngại giết người phạm pháp… Tính cách này cũng không thể gây ra uy hiếp với Tào Tháo, vì thế đã tạo nên sự sủng ái của y đối với Tào Bằng.
Đổi lại là người khác thử xem?
Dù là Điển Vi, Hứa Chử cũng chưa chắc có được địa vị như Tào Bằng.
Thái Mạo cho dù có bản lĩnh thiên đại, thậm chí còn lợi hại hơn vài phần so với Gia Cát Lượng và Tuân Úc nhưng cũng không thể bì được với sự sủng ái mà Tào Bằng có được.
Pháp Chính nhấp một ngụm rượu:
- Thái Đức Khuê chỉ là một tên tiểu nhân mà thôi.
Nếu không phải là gã quản lý thủy quân nhiều năm, hơn nữa còn là một trong những đại tộc ở Kinh Châu, Thừa tướng chưa chắc đã thay đổi cái nhìn với gã. Vì thế, chỉ cần thực hiện một chút thủ đoạn là có thể tạo ra cơ hội để Thừa tướng giết Thái Mạo. Bản lĩnh của Thái Mạo thế nào, ta không tiện nói. Tuy nhiên nếu xét về thống lĩnh mấy trăm nghìn thủy quân, thao diễn binh mã, e rằng trong phủ Thừa tướng vẫn không có ai sánh được. Thế nhưng trong nhiều năm trước đây, Kinh Châu giao thủ với Giang Đông, bại nhiều thắng ít. Nếu không phải Thái Mạo có muội tử tốt, đổi lại là người khác thì đã đầu rơi xuống đất từ lâu rồi, có phải không?
- Phải!
Tào Bằng không biết nói gì đành cười cười.
Mặc dù Tào Bằng sớm đã nhắc nhở Tào Tháo, nhưng mối quan tâm của Tào Tháo đối với thủy quân không lớn lắm.
Cho dù xây dựng thủy quân ở đảo Đông Lăng nhưng chưa hề nghe Tào Tháo hỏi đến. Có lẽ, trong lòng y xem trọng năng lực của hai trăm nghìn thủy quân Kinh Châu hơn. Tuy nhiên, Pháp Chính đã nói đến một điều then chốt: dưới trướng Tào Tháo gần như không có người nào giỏi thủy chiến. Tên Thái Mạo đó chẳng qua là bại tướng thuộc hạ của Chu Du, nhưng đã là đối tượng lựa chọn tốt nhất cho thủy quân. Không có thủy quân, lại không ai chỉ huy, biết làm thế nào được?
Tào Bằng nghe đến đây liền hít một luồng khí trong lành.
- Ngoài điều này ra, việc chưa trừ khử được Lưu Bị và chưa phá được Tây Xuyên đều là hiểm họa từ bên trong. Lúc này đột nhiên xuất binh, chinh phạt Giang Đông, Thừa tướng tất sẽ bại trận, còn Giang Đông sẽ thắng.
- Ta muốn nghe chi tiết hơn.
- Chu Du ở Giang Đông có uy danh hiển hách. Từ thời Tôn Bá Phù đến nay, trải qua không dưới trăm cuộc chiến lớn nhỏ nên đã có kinh nghiệm phong phú, mưu trí hơn người. Trong khi đó bên cạnh Thừa tướng, chỉ có mình Thái Mạo có thể tin dùng. Nếu đổi lại là đối thủ bình thường, Thái Đức Khuê có lẽ có thể dùng được. Nhưng muốn đối đầu với Chu Du, e rằng gã không phải là đối thủ. Giang Đông này sẽ thắng, còn Thừa tướng bại trận. Số lượng thủy quân Giang Đông dù ít nhưng lại là bách chiến hùng binh. Từ khi cha con Tôn Thị chiếm lĩnh sáu quận Giang Đông đến nay, chưa từng ngừng dụng binh. Cộng với Chu Du thao diễn phù hợp, dù chưa quá mấy chục nghìn người nhưng cực kỳ tinh nhuệ; Thủy quân Kinh Châu có hai trăm nghìn người, đa phần đều già nua yếu ớt, người sử dụng được chỉ khoảng năm đến sáu phần mười, do xa rời huấn luyện nên sỹ khí giảm sút. Nếu giao chiến với thủy quân Giang Đông, nhất định sẽ bại trận. Thừa tướng chiêu mộ hai trăm nghìn đại quân tiến vào chiếm giữ Kinh Sở, đều giỏi chiến đấu trên mặt đất; Nếu giành lấy Giang Đông, không có thủy quân mạnh mẽ sẽ khó đạt hiệu quả, huống hồ vẫn chưa diệt được họa tâm phúc đã vội vã giao chiến với Giang Đông ắt sẽ bại, còn Giang Đông ở trên thế thắng. Nếu Thừa tướng cưỡng ép xuất kích tới Giang Đông, ta đã biết thắng bại thế nào.
Tào Bằng nghe thế liền hít một hơi thật sâu.
Hắn trầm ngâm hồi lâu mới đứng dậy đến vái cháo Pháp Chính:
- Nếu không có tiên sinh nhắc nhở, ta suýt nữa đã mắc sai lầm lớn.
Bất chợt, Tào Bằng hơi do dự, trầm giọng hỏi:
- Vậy xin hỏi tiên sinh có thượng sách gì không?
Pháp Chính cười nhã nhặn:
- Tôn Quyền ở Giang Đông dù có sáu quận nhưng vốn sinh ra đã kém cỏi, khó làm nên chuyện. Tôn Quyền càng không phải là Tôn Bá Phù, chỉ là con chó canh cửa mà thôi, không đáng để lo lắng. Theo ta, thả Tôn bắt Lưu, giành lấy Tây Xuyên. Đồng thời khổ luyện thủy quân, chờ đợi thời cơ, Động Đình tiếp giáp với Vân Mộng, cấu kết với Trường Giang, chính là cơ hội tốt nhất để luyện binh. Ta cho rằng, trước tiên giành lấy Trường Sa ở Vũ Lăng, đánh tan Lưu Bị, sau đó chiếm lấy Tây Xuyên… Tuyển chọn tướng lãnh, thao diễn thủy quân, không tới bốn đến năm năm, chờ khi thủy quân luyện thành công thì có thể giành được Giang Đông ngay. Sao Công tử không xin Thừa tướng lệnh cho Trọng Kim và Tôn Trọng Mưu không phải đề phòng nữa. Đồng thời giữ vững Hợp Phì và Quảng Lăng, lệnh cho thủy quân ở đảo Đông Lăng tập kích quấy rối ven bờ, phong tỏa Giang Đông… Mưu kế của Công tử ở Ích Châu không phải không thể sử dụng lại ở Giang Đông.
Tào Bằng ngẩn ra, kinh ngạc nhìn Pháp Chính.
Về cuộc chiến kinh tế của Ích Châu, Tào Bằng không hề nói với Pháp Chính.
Nhưng có thể thấy, hắn đã nhìn ra manh mối.
Người này quả nhiên không hề tầm thường.
Mưu lược như thế, suy nghĩ như thế, không hề thua kém đám Bàng Thống. Nhưng tại sao trong Thục Hán, địa vị của Pháp Chính lại ở dưới Gia Cát Lượng?
Tào Bằng do dự một chút, lập tức gật đầu cười.
- Như thế, xin Hiếu Trực viết thành văn bản, ta sẽ trình lên Thừa tướng.
- Không thể!
Pháp Chính vội vàng xua tay, ngăn lại ý tưởng của Tào Bằng.
- Không phải ta xem thường Công tử, chỉ là Thừa tướng hiện giờ vô cùng hả hê, chỉ dựa vào Công tử e rằng khó làm cho Thừa tướng coi trọng. Người dâng thư này phải là mưu chủ lâu dài. Chỉ có như thế mới được Thừa tướng coi trọng, thay đổi chủ ý… Công tử có lựa chọn được ai không?
Mưu chủ ư?
Đủ phân lượng ư?
Trong đầu Tào Bằng lập tức hiện ra ba cái tên.
Quách Gia, Tuân Úc và Trình Dục.
Tào Tháo có năm mưu chủ, trong đó cũng có xa gần thân sơ.
So sánh có thể thấy, Giả Hủ sau này mới đến nương tựa Tào Tháo, vì thế địa vị kém nhất; Trong năm người, chỉ xét về năng lực mà nói thì Tuân Du lại kém hơn bốn người khác, vì thế cũng không đủ để đảm đương trọng trách. Trong ba người còn lại, Trình Dục đi theo Tào Bằng sớm nhất, Quách Gia và Tuân Úc được Tào Tháo xem trọng nhất. Trong đó, Tào Tháo yêu quý Quách Gia hơn hẳn Tuân Úc. Vì trong lòng Tuân Úc luôn có một số yếu tố Hán thất, hơn nữa sau hắn còn có một gia tộc lớn, có chút mâu thuẫn với lợi ích của Tào Tháo. Vì thế, trong năm mưu chủ, Quách Gia rõ ràng là đối tượng lựa chọn phù hợp nhất. Chỉ có điều, trước đây Quách Gia vì bắc phạt U Châu mà nhiễm bệnh, dù được đại phu kịp thời cứu chữa nhưng cần phải an dưỡng. Cho nên lần này Tào Tháo nam hạ, Quách Gia không đi cùng mà ở lại Nghiệp Thành dưỡng bệnh nghỉ ngơi.
Quách Gia, Quách Gia!
Tào Bằng đột nhiên đứng dậy hỏi:
- Vương Song đâu?
- Có mạt tướng.
- Ngươi lập tức tới Nghiệp Thành, khi gặp Phụng Hiếu thì hãy nói với lão, Thừa tướng gặp đại nạn, mời lão nhanh chóng đến. Trên đường hãy chăm sóc cẩn thận cho lão ta, qua Hứa Đô có thể mời Hoa Đà tiên sinh cùng đi theo, để bọn họ cùng tới, nói là vô cùng khẩn cấp.
Vương Song nghe thế không dám chậm trễ, lập tức nhận lệnh đi.
- Hiếu Trực, những lời ngươi vừa nói ban nãy, hãy sắp xếp lại ý và viết ra, ta có việc cần dùng.
Pháp Chính mừng rỡ, vội vàng chắp tay tuân mệnh.
Gã cũng chẳng màng uống rượu nữa, liền quay về thư phòng bắt đầu làm việc.
Còn Tào Bằng đứng trên hiên cửa, nhìn bầu trời âm u, ánh mắt hiện lên vẻ lo âu.
Xem ra, ta vẫn trẻ tuổi quá!
Cứ tưởng rằng mình có ưu thế một ngàn tám trăm năm, có thể giúp Tào Tháo đánh thắng trận chiến Xích Bích, nhưng giờ xem ra ta vẫn còn suy nghĩ đơn giản quá.
Nghĩ đến đây, Tào Bằng không nén được tiếng thở dài khe khẽ, quay người trở về phòng.
Trong thành Tương Dương giăng đèn kết hoa.
Cuối năm sắp đến, đột nhiên một trận tuyết lớn đã tăng thêm không khí cho năm mới đang tới gần. Cái gọi là tuyết rơi đúng lúc báo mùa bội thu đại thể là như thế.
Tào Tháo cũng tỏ ra rất thoải mái, dẫn văn võ bá quan cùng thưởng thức cảnh tuyết rơi.
Chỉ có điều sự thoải mái này không liên quan nhiều lắm đến Tào Bằng. Ngày hai mươi hai hắn nhận được thông báo, nói sứ giả Ích Châu đã đến Hung Nhẫn. Vậy là Tào Tháo hạ lệnh cho Tào Bằng dẫn Báo kỵ tới Tỷ Quy đón sứ giả đến. Tỷ Quy nằm ở khe nước Tây Lăng, đi tiếp sẽ qua Vu huyện và tiến vào cảnh giới Ba quận, cũng thuộc quyền quản lý của Ích Châu. Mặc dù Tào Tháo vô cùng bất mãn với lòng tham không đáy của Lưu Chương, nhưng mọi thứ vẫn phải chăm sóc tốt. Ngươi xem, ta phái bộ hạ được sủng ái nhất của ta, dẫn đoàn nhân mã tinh nhuệ nhất của ta tới Tỷ Quy đón các ngươi, thế là đã rất giữ thể diện cho các ngươi rồi.
Sau khi nhận được lệnh, Tào Bằng lập tức khởi hành.
Hắn lệnh cho Khấu Phong ở lại Phàn Thành, Bộc Dương Dật và Lục Mạo phò tá. Sau đó hắn đích thân dẫn Hoàng Trung và Pháp Chính, dẫn đầu đại quân rồng rắn rời khỏi Phàn Thành, đi thẳng đến Tỷ Quy.
Trong đám tùy tùng còn có một văn sỹ, là thư ký của phủ Thừa tướng.
Người này chịu trách nhiệm ghi chép quá trình Tào Bằng đón tiếp sứ giả Ích Châu, sau khi quay về Tương Dương còn phải báo cáo cho Tào Tháo.
Tào Bằng ngồi trên ngựa hỏi:
- Còn chưa thỉnh giáo đại danh của tiên sinh.
Từ sau khi Tào Tháo mở phủ Thừa tướng, trưng ích không ít người. Một số phụ tá trước đây hầu hết được giao trọng trách, còn các phụ tá hiện giờ, Tào Bằng đều thấy rất lạ. Nhìn tướng mạo của viên thư ký này trông rất thanh tú, cử chỉ đặc biệt nho nhã như thư sinh, rất dễ chiếm được cảm tình.
Câu hỏi của hắn lại khiến viên thư ký đó căng thẳng.
Đang ở phủ Thừa tướng, sao có thể không biết đến tên hiệu của Tào Bằng?
Đây là tộc chất mà Tào Tháo tin tưởng và đánh giá cao nhất, đồng thời còn có danh vọng cực cao trong sỹ lâm.
Kết quả là, văn sỹ đó vội vàng khom người trên ngựa đáp lễ, cung kính đáp:
- Học trò Tương Can, tự là Tử Dực, là người Cửu Giang. Nghe thấy đại danh của Công tử đã lâu nhưng chưa có cơ hội được bái kiến. Lần này đồng hành với Công tử thật sự là may mắn của tại hạ… Trên đường vẫn xin Công tử chiếu cố nhiều hơn.