Tiếng trống gõ vang trên từng con đường ngõ phố của Hứa Đô, tùng tùng tùng tùng, giờ cấm đã tới, giờ cấm đêm ở Hứa Đô sắp bắt đầu.
Tào Bằng ngồi trong phòng, tai nghe tiếng trống ngoài phố mà trong lòng đang suy nghĩ mông lung.
- Công tử, công tử?
- A, Sử lão đại, thật xin lỗi, ban nãy ta đang nghĩ tới một việc, vì thế…. Nào tới đây, chúng ta cùng uống rượu.
Sử A đã thay quần áo sạch sẽ, ngồi xuống ghế.
Đỗ Kỳ theo hầu bên cạnh, nhưng phần lớn gã chỉ lắng nghe chứ không nói gì.
- Công tử, hình như có tâm sự?
Tào Bằng ngấp một ngụm rượu, gật đầu nói:
- Ta đang nghĩ, đứa trẻ đó liệu có vì ngày hôm nay mà không gượng dậy nổi không, nếu như thế thì thật đáng tiếc.
Sử A nói:
- Ý công tử nói... tên Chu Bất Nghi kia sao?
- Đúng thế, cảm giác hình như hơi quá đáng.
Không biết tại sao Tào Bằng trở về nhà nhưng trong đầu luôn hiện ra bộ dạng hồn bay phách lạc của Chu Bất Nghi, lòng hắn có chút cảm thông, lại có phần thương xót, tuy nhiên cảm giác xâm chiếm nhiều hơn vẫn là sự giận dữ. Ghét nhất là đám người trốn phía sau ngấm ngầm giở trò hại người.
Nếu Chu Bất Nghi là người trưởng thành, có lẽ Tào Bằng sẽ không có nhiều cảm nghĩ như thế.
Thế nhưng….
Mười ba tuổi y đã tới Hứa Đô, liên tục khiêu khích gây chuyện.
Cho dù có ngày y làm nên chuyện nhưng những người đó sẽ giữ lại tính mạng y chứ? Dường như y đã phải gánh chịu sự thù địch của sỹ lâm thiên hạ trên đôi vai non nớt của một đứa trẻ mới mười ba tuổi. Nếu như những người đó thành công thì kết cục của Châu Bá Nghi cũng có thể đoán ra được.
Để làm dịu lại cơn phẫn nộ của sỹ lâm hoặc nói để che dấu bản thân mình, Chu Bất Nghi chắc chắn phải chết không nghi ngờ gì nữa.
Dù sao, những người mà y phải đối diện đâu có ai biết điều đâu?
Tào Bằng cười chua xót, nói với Sử A:
- Mặc dù Chu Bất Nghi rất đáng giận nhưng suy cho cùng vẫn chỉ là đứa trẻ. Những người mà ta căm giận, thực ra…
Hắn không nói rõ thực ra là cái gì.
Tuy nhiên bằng kinh nghiệm của Sử A cộng với trí tuệ của Đỗ Kỳ thì có thể đoán ra được manh mối.
- Công tử có tấm lòng nhân hậu, nếu đổi lại là ta, chắc chắn sẽ không cảm thương y.
- Ha ha, người đáng thương ắt có chỗ đáng giận… Nói thế nhưng cứ nghĩ đến tuổi của y, ta vẫn hơi… Khi ta mười ba tuổi, phụ thân cõng ta từ núi Trung Dương trốn đến Cức Dương. Giờ nghĩ lại, ta còn hạnh phúc hơn y rất nhiều lần.
Tào Bằng nhắc tới bản thân khiến Đỗ Kỷ và Sử A cũng không khỏi sụt sịt.
Hai người cũng đều trải qua vô số trắc trở. Lúc này nghĩ tới cũng vô cùng đồng cảm, thấy không khí trở nên nặng nề và dồn nén như thế, Đỗ Kỷ vội vàng nói:
- Hôm nay phong thái mà công tử thể hiện ở lầu Dục Tú, sau này chắc sẽ trở thành một giai thoại. Chỉ có điều, Bá Hầu hơi kỳ lạ rằng tại sao công tử biết được nhiều chuyện như thế? Những điều người nói, Bá Hầu chưa từng nghe qua. Cái gì mà người Đức, họ nổi tiếng sao? Còn cả Châu Âu, Hy Lạp, rốt cuộc là nơi nào vậy?
Tào Bằng ngẩn người, lập tức cảm thấy nhức đầu.
Sự sảng khoái mà hắn nói lúc ấy, nhưng sau khi trở về liền cảm nhận được tính nghiêm trọng của vấn đề.
Bởi vì những điều hắn nói căn bản không thể chứng thực. Ở hậu thế, cái tên như Aristotle có lẽ nghe nhiều thành quen, nhưng ở thời đại này…
Ngày mai Khổng Dung tới, hẳn cũng phải có lời giải thích.
Trong cái khó ló cái khôn, Tào Bằng cười nói:
- Bá hầu cũng biết sư phụ ta là ai không?
- À, Khổng Minh tiên sinh của Hồ Chiêu ở núi Lục Hồn phải không?
- Tiên sinh chính là ân sư đã truyền dạy cho ta, nhưng thực ra trước Khổng Minh tiên sinh, ta còn có một vị tiên sinh khác. Đó là Tả Từ, khi ta còn nhỏ đã từng dạy ta rất nhiều điều. Những việc này đều là do ân sư Tả Từ đã dạy, chỉ đáng tiếc tới nay không biết người đang ở đâu?
Tả Từ đang ở Giang Đông!
Điều này thực ra Tào Bằng cũng biết.
Nói vậy đám người Khổng Dung đó cũng không thể tới Giang Đông gặp Tả Từ được.
Nghe trước đây sư huynh có nói, Tả Từ đang tu hành ở trong núi, cơ bản rất ít khi xuất hiện. Ha ha, kể cả có tìm, e rằng cũng không dễ dàng thế.
Ừ, vậy thì cứ gửi gắm vào Tả Từ.
Dù sao lão đang bận tu luyện thành tiên, không biết khi nào sẽ…
Ừ, trước tiên chống đỡ qua giai đoạn này rồi hãy nói.
Còn những chuyện sau này, để sau hãy bàn!
Tào Bằng không muốn thảo luận tiếp vấn đề này nên đã chuyển chủ đề, nói với Sử A:
- Sử lão đại, ngươi còn chưa nói cho ta, tại sao lại rơi vào hoàn cảnh hiện giờ?
Sắc mặt Sử A đột nhiên trở nên buồn bã.
Y trầm ngâm một lát, sau đó ngẩng đầu gượng cười:
- Nói ra thì dài lắm.
Hóa ra năm đó hắn cùng Tào Phi tới Tất huyện, ở lại đó một năm, Tào Phi có vẻ không hài lòng với thành tích của mình nên đã có ý định tong quân. Năm Kiến An thứ tám, Tào Tháo dụng binh với Da thành, hai bên đánh nhau rất ác liệt. Tào Phi phụng mệnh tới Trung Khâu nghênh đón Hắc Sơn Tặc rời núi, cũng tràn đầy nhiệt huyết, hy vọng nhân cơ hội này xây dựng sự nghiệp, được Tào Tháo khen ngợi.
Lúc ấy, Sử A là người hầu cận của Tào Phi, đương nhiên cùng tới Trung Khâu.
Đêm hôm đó, Ô Hoàn Đột Kỵ bất ngờ tới, dù là ta hay thế tử cũng đều không ngờ tới. Khi ấy trong đại doanh Trung Khâu đa phần là những người già yếu bệnh tật, chủ lực của Trương Yến còn chưa xuất núi. Gặp phải cuộc đột kích bất ngờ của Ô Hoàn, toàn bộ đại bản doanh Trung Khâu đều náo loạn. Ta che cho thế tử định thoát khỏi vòng vây siết chặt, nhưng không ngờ Ô Hoàn Đột Kỵ rất hung hãn.
Lúc phá vòng vây, chúng ta gặp phải một đội binh mã. Mặc dù ta đã liều mạng yểm trợ nhưng cuối cùng cũng không địch lại được kẻ thù, do con ngựa ta đang cưỡi bị sợ hãi nên đã hất ta ngã ngựa, gãy một chân và hôn mê bất tỉnh. Khi ta tỉnh lại, đám quân của Ô Hoàn Đột Kỵ đã bỏ đi, toàn bộ đại doanh Trung Khâu… Sau này, ta được viện binh tìm đến và đưa tới Nghiệp Thành. Lúc ấy Tư Không vô cùng phẫn nộ, hận ta không bảo vệ được cho thế tử chu đáo nên đã cắt gân tay phải của ta, sau đó đuổi ra khỏi đại doanh…Ta có thể sống được đã là cực kỳ may mắn rồi. Sau khi quay về Hứa Đô, những người bạn năm xưa thấy ta như con thạch sùng đều tránh mặt. Ta cũng không còn cách nào, thê nhi trong nhà còn phải sống tiếp nên đành phải đi tìm việc để làm. Nếu không phải hôm nay tình cờ gặp công tử, ta định sống những ngày như thế, dẫn theo thê nhi về nhà ở Trùy Dương. Ít nhất nơi đó còn có mấy đồ nhi của ta để có thể nương nhờ, kể cả không được thì trong nhà cũng còn vài mẫu đất cằn.
Trong lời nói của Sử A có phần nản lòng thoái chí.
Tào Bằng liền nhíu mày, một lúc sau khẽ nói:
- Ngươi định cứ để tinh thần chán nản thế này mãi sao?
- Nếu không còn biết làm thế nào nữa.
- Sử A, ta không coi thường ngươi.
Sử A ngẩn người, ngạc nhiên nhìn về phía Tào Bằng.
- Sử lão đại, tay chân ngươi tàn tật, nhưng đầu óc thì vẫn còn. Năm đó Vương Sư dạy ngươi kiếm pháp. Những kiếm thuật đó vẫn còn, ngươi còn có tay trái, còn đi lại được, lẽ nào lại từ bỏ như thế này sao? Mặc dù Tư Không chặt đứt một tay của ngươi, nhưng ta tin rằng đó tuyệt đối không phải là ý của Tư Không. Nếu ngươi vẫn là Sử lão đại trước đây, hãy ở lại. Chỉ cần ngươi còn có hy vọng, chúng ta sẽ cùng nhau gây dựng sự nghiệp… Sử lão đại, ta chỉ hỏi ngươi, trong lòng ngươi… có oán hận Tư Không không?
Sử A im lặng!
Lâu sau, y khẽ lắc đầu:
- Là tại hạ bất tài, không thể bảo vệ được tính mạng của thế tử, Tư Không dù chặt đứt một tay nhưng đã giữ lại tính mạng của tại hạ, sao tại hạ có thể oán hận được. Chỉ là, tại hạ thực sự không biết còn có thể làm gì. Người nhìn tại hạ giờ đi lại còn không nhanh nhẹn, chưa nói tới một tay tàn phế… Công tử, tại hạ biết người trọng tình nghĩa, nhưng người hiện giờ hình như cũng gặp rất nhiều phiền toái, nếu giữ tại hạ lại, chẳng phải sẽ bị Tư Không trách tội sao?
Tào Bằng nhìn Sử A khẽ nói:
- Ta giữ lại ngươi, Tư Không liệu có trách tội ta hay không, ta cũng không biết. Thế nhưng ta biết rằng nếu thả ngươi đi, nói không chừng sau này ta sẽ trách cứ chính bản thân mình. Ta đã từng nói, ngươi phế đi tay phải nhưng còn có tay trái. Hỏng một chân còn có thể cưỡi ngựa. Mấu chốt là những kiếm thuật giết người đó trong đầu ngươi. Vì thế, ngươi hãy thành thật mà ở lại, còn về chuyện muốn cả đời tiếp tục trầm luân như thế này, hay muốn ở bên ta, gây dựng sự nghiệp, đạt được phú quý, ngươi hãy tự lựa chọn.
Sử A lại trầm ngâm!
- Đúng rồi, ta còn có một chuyện muốn hỏi ngươi, trước đây bên cạnh Thế tử, ngoài ngươi ra còn có một người. Nay thế tử đã về dưới suối vàng, ngươi thì tàn tật… còn người đó thì sao? Giờ hắn ta đang ở đâu? Lẽ nào cũng chết trong loạn quân.
Sử A ngẩng đầu:
- Ngươi muốn nói đến Tư Mã Trọng Đạt?
Sau khi Tào Phi chết, Tào Bằng vẫn không thể tin nổi.
Tuy nhiên sau này tin tức đã được xác nhận, hắn cũng không còn nghi ngờ nữa, chỉ có điều… việc sinh tử của Tư Mã Ý lại khiến Tào Bằng thấy rất khó hiểu.
Theo tin tức lan truyền lúc đó: tung tích của Tư Mã Ý vẫn không rõ.
Như vậy, rốt cuộc y còn sống hay đã chết đây?
Điều này cũng khiến Tào Bằng cực kỳ bất an.
Nói thẳng ra thì trong thời đại Tam Quốc, người Tào Bằng lo ngại nhất không phải là Gia Cát Lượng, không phải Chu Du, không phải Tào Tháo… mà là Tư Mã Trọng Đạt có danh xưng là Mộ Hổ. Người này rất biết nhẫn nhịn cũng rất nóng nảy, tâm kế mưu sâu của y làm cho Tào Bằng cảm thấy sợ hãi.
Thực ra, khi ở Ngọa Long Cốc, Tào Bằng đã hai lần suýt nữa có ý định giết y.
Nhưng lúc đó Tư Mã Ý rất thân thiện với hắn, khiến hắn không nỡ lòng ra tay.
Gia Cát Lượng?
Một chủ nhân sống khâu lâu; Chu Du cũng là tên đoản mệnh.
Trong Tam Quốc Diễn Nghĩa, Tào Tháo là một chủ nhân gian trá. Nhưng nếu tiếp xúc thì có thể cảm nhận được thật ra ông ta là kiêu hùng thực sự. Ít nhất so với các kiêu hùng khác trong lịch sử mà nói, Tào Tháo là nhân vật thật sự sống đúng với bản tính của mình, vui cười tức giận mắng mỏ theo đúng cảm xúc. Ông căn bản không để ý xem người ngoài đánh giá ông ta thế nào, một khi đã xác định mục tiêu sẽ anh dũng tiến lên phía trước. Mà điều quan trọng nhất là Tào Tháo đối xử rất tốt đối với những người bên cạnh mình, đặc biệt với người trong gia tộc vô cùng tốt! Tào Bằng là người trong dòng tộc của Tào Tháo, về điểm này, hắn không cần lo lắng quá nhiều…
Sử A gượng cười nói:
- Nói tới Trọng Đạt, Tư Không cũng từng hỏi ta. Có điều, ta quả thật cũng không rõ lắm tới sinh tử của Trọng Đạt. Khi Trung Khâu bị tập kích, Trọng Đạt ở hậu quân, điều phối phân phát đồ quân nhu chứ chưa ở cùng thế tử. Khi chúng ta đột phá vòng vây, ta nhìn thấy doanh trại quân nhu bốc cháy, nghĩ chắc chắn cũng bị quân Ô Hoàn Đột Kỵ tập kích. Với tình hình hỗn loạn lúc ấy, e rằng Trọng Đạt cũng lành ít dữ nhiều. Tuy nhiên ta không thể xác định được, Trọng Đạt tính cách luôn rất điềm tĩnh. Nếu thấy tình thế bất ổn, nói không chừng đã bỏ chạy từ trước… nhưng sau này y cũng không hề xuất hiện, vì thế ta đoán có lẽ y gặp điều gì bất trắc.
Sử A không hề giấu diếm mà nói hết suy nghĩ của mình ra.
Thế nhưng điều này vẫn không thể xua tan mối nghi ngờ trong lòng Tào Bằng.
Tư Mã Ý thật sự đã chết sao?
Ta không tin.
Sử A cũng nói Tư Mã Ý là tên rất điềm tĩnh, biết tiến lui, hiểu được tình thế mà tránh tai họa. Với tình hình lúc đó mà nói, nếu y thấy tình thế bất ổn chắc hẳn sẽ lập tức bỏ chạy. Trên thực tế, tên này dựa vào bản lĩnh biết lợi dụng may mắn và tránh được tai họa mà vẫn sống sờ sờ, giết chết Tào Tháo, Tào Phi, Tào Duệ, Gia Cát Lượng, y còn giết rất nhiều người trung thành với Tào Ngụy khi đó.
Sau đó, y thừa thế vùng dậy.
Về điểm này, Tư Mã Ý lợi hại hơn Gia Cát Lượng.
Hơn nữa, y biết bồi dưỡng nhân tài, danh tướng Ngụy Quốc cuối thời Tam Quốc như Đỗ Dự, Dương Hộ đều rất thân thiết với Tư Mã Ý.
Không như Gia Cát Lượng sau khi qua đời, nhân tài ở Thục Hán đã tàn lụi…
Một người như thế mà lại chết như vậy ư?
Nếu là khi Tào Bằng vừa tái sinh, có thể hắn sẽ tin. Nhưng hiện giờ hắn không tin…
Trước đây, Trường An đại loạn, rất nhiều người đều nói Lý Nho đã chết, thế nhưng ai ngờ được rằng Lý Nho đã chạy tới Lạc Dương, thay hình đổi dạng để sống. Nếu không phải Tào Bằng xuất hiện, nói không chừng Lý Nho giờ đang trốn ở nơi nào đó, làm một phú ông ung dung tự tại. Tư Mã Ý không ngu ngốc như Lý Nho, Lý Nho có thể sống trong tình hình hỗn loạn ở Trường An khi đó, lẽ nào Tư Mã Ý không biết tránh né?
Vấn đề là, nếu Tư Mã Ý còn sống thì y đang ở nơi nào?
Điều này làm cho Tào Bằng thấy đau đầu.
Theo lý mà nói, cha của Mã Tư Ý vẫn còn sống, còn toàn bộ Tư Mã thị đã quy thuận Tào Ngụy, y không thể không nói một tiếng mà đã bốc hơi không tăm tích như thế.
Trừ phi…
Y bắt chước Lý Nho sao?
Tào Bằng giật mình, đột nhiên ngồi thẳng người dậy.
- Công tử, người làm sao vậy?
Đỗ Kỳ cảm nhận được phản ứng của Tào Bằng liền vội hỏi.
- Bá Hầu, ngươi nói xem nếu như Tư Mã Ý chưa chết, tại sao y lại không lộ diện?
- Tư Mã Ý chưa chết ư?
Đỗ Kỳ ngờ vực nhìn Tào Bằng, một lúc sau mới khẽ nói:
- Nếu Tư Mã Ý chưa chết, hẳn là do sợ hãi.
- Hả?
- Thế tử chết trận, trong khi y vẫn còn sống. Ta nghe nói, lúc trước khi Tư Mã Ý tới cậy nhờ Tư Không, Tư Không không có ấn tượng tốt lắm với y. Tuy nhiên sau này do Biện phu nhân ra sức tiến cử, y mới trở thành phụ tá của thế tử. Nếu y còn sống xuất hiện trước mặt Tư Không, có lẽ Tư Không sẽ hạ độc thủ với y. Cho dù phụ thân của Tư Mã Ý là Tư Mã Phòng từng có ơn với Tư Không, nhưng trong việc này, e rằng cũng bất lực, không giữ được tính mạng của Tư Mã Ý… Sử A vì tử chiến mà bị gãy chân, còn bị cắt đứt gân tay. Nên nếu như Tư Mã Ý còn sống, chỉ sợ… vì vậy y không lộ diện.
Tào Bằng gật đầu.
Điều này rất có khả năng.
Mặc dù Sử A không thể đánh đồng với Tư Mã Ý, nhưng nếu Tào Tháo thật sự có sát tâm, Tư Mã Ý đúng là không sống nổi.
- Bá hầu, nếu y còn sống thì đang lẩn trốn ở đâu?
- Điều này khó mà nói.
Đỗ Kỷ vừa cười vừa lắc đầu:
- Tư Mã Thị là dòng tộc lớn ở Hà Nội, gia quyến rất nhiều, ba đời đều làm quan, có một số môn sinh có địa vị lớn. Tuy nhiên, nếu ta là Tư Mã Ý, gây ra họa lớn như vậy, chắc chắn sẽ không quay về nhà lẩn trốn. Bởi vì, dù là Tư Mã Phòng cũng chưa chắc có thể bảo vệ y chu toàn… Dòng tộc Tư Mã thị rất lớn, mấy đời nối nhau làm quan, gốc ở Ôn huyện, thế nhưng…
- Nhưng cái gì?
- Ta còn nhớ mang máng, cao tổ của Tư Mã Ý là Tư Mã Thúc Bình từng làm Thái thú của Dự Chương; Còn con trai của Tư Mã Thúc Bình tên là Tư Mã Lượng cũng từng nhậm chức ở Dự Chương… Thông thường mà nói, trường hợp hai đời làm quan ở cùng một vùng cực hiếm. Trong khi đó Tư Mã gia lại từng có hai đời làm quan ở Dự Chương, thế lực cũng không phải vừa. Mặc dù hai đời sau này chưa có dấu ấn ở Dự Chương, nhưng cơ nghiệp của họ không phải cái có thể tiêu tan trong hai đời. Tư Mã thị có để lại nền móng ở Dự Chương không? Nếu có, ta vì Tư Mã Phòng sẽ để Tư Mã Ý tới Dự Chương, mai danh ẩn tích, tích lũy lực lượng để chờ thời cơ.
- Dự Chương sao?
Đó là địa bàn của Giang Đông.
Quận Dự Chương được xây dựng đầu tiên vào những năm Tây Hán, khi ở Đông Hán, huyện Lĩnh Dẫn chắc chắn thuộc nhóm những quận hàng trên. Có điều sau này, Tôn Sách chia ra làm hai huyện; Sau khi Tôn Sách chết, năm Kiến An thứ mười cũng chính là một năm trước, Tôn Quyền lại chia quận Dự Chương thành quận Bành Trạch và Bà Dương, chia quận Dự Chương làm bốn. Do Dự Chương là trọng địa của thủy quân nên Tôn Quyền cực kỳ coi trọng.
Những viên quan tới nhậm chức đều là người tâm phúc.
Mặc dù Tào Tháo sai người đi Dự Chương tìm kiếm nhưng cũng chưa chắc có thể tìm được căn cứ của Tư Mã thị trước đây.
Huống chi, cùng với cái chết của Tào Phi, Tào Tháo dường như cũng không muốn truy cứu trách nhiệm nữa, vì thế cho rằng Tư Mã Ý đã chết, không còn tra hỏi.
Trong khi đó, Tư Mã thị hình như cũng coi như Tư Mã Ý không còn sống nữa.
Thế nhưng, thật sự không còn sống sao?
Tào Bằng hít một hơi thật sâu, đột nhiên cảm thấy trong lòng như bị đè nén bởi một tảng đá, cảm giác nặng trình trịch không thở nổi.
Thôi, hãy để chuyện này sang một bên.
Đợi sau này nghe ngóng tiếp…
Nghĩ đến đây, Tào Bằng uống cạn ly rượu trước mặt, sau đó nhìn Sử A hỏi:
- Sử lão đại, ngươi muốn ở lại bên cạnh ta không?
- Sử A là một phế nhân, công tử không bỏ mà có ý thu nhận, ta sao dám chối từ.
Sử A cũng đã nghĩ thông rồi.
Tào Bằng còn không sợ, gã còn sợ cái gì?
Gã giơ chén rượu lên, uống một hơi cạn sạch:
- Dù tay ta tàn phế, chân đã què… nhưng những thứ ta học được đều còn ở trong đầu. Nếu Công tử dùng được Sử A, xin cứ dặn dò. Những thứ khác không nói, ít nhất dẫn ngựa khâu đăng, Sử A cũng làm được, nhưng mong công tử không vứt bỏ.
Dẫn ngựa khâu đăng?
Đó quả là không biết trọng nhân tài.
Tào Bằng nói:
- Đã thế Sử lão đại hãy ở lại trước đã, đừng câu nệ.
Còn về chuyện làm gì, ngươi cứ tùy ý là được. Có điều ta vẫn muốn nói câu đó, tay phải ngươi dù tàn phế nhưng còn có tay trái; Chân ngươi dù què nhưng vẫn cưỡi được ngựa, đừng tự ti như thế. Ta tin đồ đệ do Vương sư dạy dỗ tuyệt nhiên không phải là người tùy tiện vứt bỏ được.
Nào, chúng ta cơm no rượu say, ngày mai còn có việc phải làm.
Đỗ Kỳ và Sử A không dám chậm trễ, vội nâng chén uống rượu.
Đồng thau tước đập mạnh trên bàn, Tào Bằng đứng dậy, khoanh tay đến trước cửa, lát sau đột nhiên cất giọng:
- Nổi gió rồi!
Hạ thu giao mùa, nổi gió là điều rất bình thường.
Sảng sớm, Tào Tháo khoanh tay trong vườn hoa, lắng nghe Dương Hàng báo cáo.
- Nói thế, A Phúc cũng coi như là ý lớn bắt nạt nhỏ rồi.
Dương Hàng mỉm cười:
- Ỷ lớn bắt nạt nhỏ thì không hẳn, có điều quả thực đã động chạm mạnh tới uy phong của Chu Bất Nghi. Tuy nhiên, những điều hắn nói trong bữa tiệc thật khó tưởng tượng. Lũ man di hải ngoại quả thực cũng có những cao sỹ kiến thức hơn người đó tồn tại sao? Ty chức vẫn thấy chuyện này hơi mơ hồ…Gì mà Châu Âu, Hy Lạp… còn cả Aristotle, ty chức chưa bao giờ nghe đến.
Tào Tháo cười lắc đầu:
- Tử Lộ, ngươi chưa nghe nói đến, không có nghĩa là không tồn tại. A Phúc là người cẩn thận, quyết không thể bắn tên không đích, nói xằng nói bậy. Hắn đã dám nói những điều này trước đám đông, chắc chắn là có tồn tại. Kha kha, không biết thiên hạ rộng lớn thì chớ luận chuyện trong thiên hạ? Câu nói này của A Phúc rất đúng, ta cũng thấy thú vị.
Ít nhất đại Tần Quốc kia còn có Ba Tư quả thực có tồn tại.
Ừ, nếu chiến sự ở phương bắc kết thúc, ta có phái một đội sứ giả đi sứ một chuyến. Theo cách nói của A Phúc, từ Tây Vực đi, hãy nhìn ngắm thế giời bên ngoài Cửu Châu. Kha kha, nói không chừng, còn có nhiều thu hoạch đáng kinh ngạc.
Chỉ có điều, ta hơi khó hiểu rằng những chuyện này làm thế nào A Phúc biết được?
Còn cuốn sách “Lịch sử”, cả “chiến tranh sử Peloponnesian” là những quyển sách thế nào? Có thể khiến A Phúc tôn sùng như thế, chắc chắn không phải tác phẩm bình thường. Nếu có cơ hội, ta thật sự muốn xem, rất muốn xem…