Tào Tặc

Chương 374: Sát khí đằng đằng

Trong quân trướng yên ắng, không một tiếng động.

Bàng Thống nằm trên giường khẽ trở mình rồi chìm vào giấc mộng.

Ngoài trướng, ba tiếng keng keng keng vang lên báo hiệu đã là canh ba. Tào Bằng khoác áo rồi dậy khỏi giường, nhẹ nhàng đi ra khỏi trướng.

Đây là một tiểu trướng dành cho năm người, bình thường có thể chứa được một độinăm quân sĩ.

Nhưng do Tào Bằng có thân phận đặc biệt, nên sau khi xuất phát, Điền Dự đã bố trí cho gã ba cái tiểu trướng để dùng. Nhóm của Tào Bằng có cả thảy mười người và mười ba con ngựa. Thế cho nên không ít người trong sứ đoàn cho rằng Tào Bằng là tâm phúc của Điền Dự.

Bởi vậy, gã độc chiếm ba cái tiểu trướng cũng không có gì là lạ.

Cả sứ đoàn ngay từ lúc đầu đã phân thành hai phe. Một là Chính sứ Chu Lương, không nghi ngờ gì, họ chính là đại diện cho Hán đế. Hai là nhóm của Điền Dự tức thuộc hệ của Tào Tháo với những bàng hạ, cung nhân và cận vệ của Hán đế. Nhóm này sở hữu những binh lính tinh nhuệ, đều đã kinh qua những trận chiến lớn, so với nhóm của Chu Lương thì hơn hẳn về thực lực...

Có điều, Chu Lương là Chính sứ, Điền Dự là Phó sứ.

Ngoài mặt thì hai người rất vui vẻ bên nhau.

Nhưng sau lưng thì phân biệt rõ ràng, hai bên chẳng quan tâm đến nhau.

Tào Bằng và Bàng Thống độc chiếm một tiểu trướng, Hàn Đức và Vương Song độc chiếm một tiểu trướng, còn sáu tên Phi Mạo thì ở chung một tiểu trướng.

Nhưng bên ngoài trướng của Tào Bằng thường bố trí hai tên Phi Mạo thủ vệ nên chỗ của Tào Bằng rộng rãi hơn.

- Công tử!

- Không, ở đây hãy gọi ta là Thiên Trường.

- Rõ!

- Được rồi, đi nghỉ ngơi đi, để ta đi một mình.

Hai tên Phi Mạo khom người lui ra, Tào Bằng đứng ở cửa quân trướng, nhìn lên trời không.

Trời đêm ở Tiêu Quan thật là cao, cũng thật là khoan khoái. Nhưng lại khiến người ta cảm thấy có chút tịch liêu, những vì sao sáng, dòng ngân hà vô biên dường như cũng đã điểm thêm một chút sinh khí trong khung cảnh tịch liêu này. Ở đây là trời của Đại Hán, nhưng sao lại có chút quạnh quẽ, hiu buồn.

Cách đó không xa, trong đại trướng của chủ soái, đèn đuốc sáng trưng.

Xem ra Điền Dự còn chưa nghỉ. Người này và lão Tào có điểm giống nhau, đều thuộc hạng người tay không rời sách, thích nhất là đọc Xuân Thu và cũng có chút nghiên cứu về "Chiến Quốc sách". Có lẽ lúc này Điền Dự vẫn còn đang đọc sách.

Tào Bằng không có ý đến quấy rầy Điền Dự, bởi vì giao tình giữa hắn và Điền Dự không sâu sắc đến mức như thế.

Người này không chỉ rất tài hoa, mà còn lòng dạ sâu sắc, mưu kế cũng không phải tầm thường.

Tào Bằng biết rất rõ, Điền Dự không có khả năng phụ thuộc vào hắn, giỏi lắm thì duy trì mối quan hệ tốt đẹp cũng đã là chuyện khó rồi. Đồng minh của hắn vốn đã rất nhiều rồi, không cần thiết phải đi câu kết thêm quá nhiều đồng minh nữa. Nếu thực lòng đi tìm đồng minh, chi bằng hắn nên nghĩ xem làm thế nào để có thể gần gũi hơn với bọn Cam Ninh, Bộ Chất. Bởi vì những người này mới là căn cơ của Tào Bằng.

Đã sang tháng tư, Hứa Đô xem ra cũng khá nóng nực.

Nhưng dưới Tiêu Quan, thời tiết vẫn mát mẻ, gió thổi vi vu...

Đó cũng là lý do tại sao Tào Tháo để sứ đoàn xuất phát trong tháng hai. Mùa xuân ở Mạc Bắc đến chậm hơn so với lịch âm ít nhất là một tháng. Nếu xuất phát quá sớm, khi đến Mạc Bắc tất sẽ bị lạnh. Trong khi đó việc lại không gấp, hà tất phải vội vàng?

Tào Bằng đi một vòng quanh quân trướng nhưng không phát hiện thấy điều gì bất thường bèn trở về trong trướng.

Chỉ một chút rung động nhưng lại ghi sâu trong lòng hắn. Hiện giờ, Tào Bằng tuy vẫn chưa đạt đến cảnh giới siêu phàm nhập thánh của tẩy tủy ấy, nhưng thế cũng đã bước đầu đạt được, bản lĩnh cũng đã đạt đến nhất đẳng. Tuy không thể so sánh với Điển Vi nhưng so với Từ Hoảng, Hạ Hầu Uyên e là hắn cũng ngang ngửa. Có chăng chỉ là thiếu kinh nghiệm hơn bọn họ mà thôi.

Luyện võ đến một trình độ nhất định sẽ sinh ra một dạng linh cảm nhạy bén.

Khi gặp phải tình huống nguy hiểm, có thể phát hiện ngay từ lúc đầu, đôi khi thậm chí còn có thể dự báo được nguy hiểm.

Tào Bằng gãi gãi đầu, có chút nghi hoặc.

Tính trong hàng quân thì người có thể tạo ra sự uy hiếp đối với hắn thật không có ai. Chí ít thì theo hắn biết ba vị Tư mã của Sứ đoàn cũng chẳng qua mới đạt đến nhất đẳng mà thôi.

Nếu giao phong với nhau, Tào Bằng tin rằng có thể giải quyết được ba người đó trong vòng hai mươi chiêu.

Thân thủ của bọn họ thậm chí còn chưa bằng Hàn Đức với Vương Song.

Còn đám cấm quân...

Tào Bằng cũng chưa phát hiện ra có cao thủ nào...

Thật là, hắn nghĩ mãi mà không ra, ai có thể tạo ra uy hiếp đối với mình. Nhưng, minh thương dễ tránh, ám tiễn khó phòng. Chú ý cẩn thận, không để mắc sai lầm lớn vẫn hơn. Về đến quân trướng, hắn lấy ra bao đựng áo giáp, rồi cầm lấy một bộ áo giáp mỏng. Bộ áo giáp này được tinh chế từ da của tê giác cái, đường khâu mũi chỉ đều rất tỉ mỉ, trọng lượng rất nhẹ.

Tào Cấp từng làm Vũ khố lệnh, quản lý vũ khí, giáp trụ của cả kinh thành và các vùng lân cận.

Bộ áo giáp da này vốn được Tào Cấp tìm thấy trong kho quân giáp sau đó sâu mấy sợi sắt vào giống như một chiếc nội giáp cao cấp. Mặc chiếc nội giáp đó lên người rồi nhặt lấy từ trong túi hành lý một cây nỏ nhỏ khoác lên vai, lại nhặt lấy hai chục miếng sắt nhét vào những cái túi nhỏ bên trong áo giáp da, Tào Bằng ngồi trên giường ít nhiều cảm thấy có chút yên tâm.

- A Phúc, nửa đêm rồi, ngươi còn mặc áo giáp kín người làm gì thế?

Bàng Thống mơ màng tỉnh dậy, vừa mở mắt đã nhìn thấy Tào Bằng quân phục chỉnh tề ngồi ở đó, khó hiểu hỏi.

Tào Bằng nói:

- Không biết tại sao, ta cứ cảm thấy trong lòng có điều gì đó bất an, cứ như sắp xảy ra chuyện gì đó vậy.

- Chuyện gì?

Bàng Thống ngồi dậy, choàng thêm chiếc áo khoác, đi ra cửa trướng nhìn qua nhìn lại bên ngoài.

- Có thể xảy ra chuyện gì?

- Không biết.

Tào Bằng cười gượng gạo trả lời:

- Nếu ta biết sắp xảy ra chuyện gì thì đã sớm đi lo kế đối phó rồi, đâu có thể ngồi đây như một thằng điên thế này?

- Ngươi đa nghi quá rồi.

- Có thể!

Hai người ngồi đối diện với nhau, Bàng Thống cũng không biết nên khuyên nhủ như thế nào.

Rất lâu sau, khi tiếng chiêng canh bốn điểm tới, Tào Bằng đột nhiên ngã xuống giường:

- Ngủ đi, trời sáng chúng ta còn phải lên đường.

- Bây giờ ngươi không còn lo lắng nữa à?

- Giặc đến tướng đánh, nước đến đất ngăn, lo gì.

Nói xong, Tào Bằng để cả quần áo vậy mà nằm, kéo lấy tấm chăn.

Bàng Thống ho một tiếng, nhìn Tào Bằng, khẽ lắc đầu. Cái tên A Phúc này, thỉnh thoảng rất lập dị, thật không hiểu nổi. Giờ mão đến, Điền Dự điểm quân, chuẩn bị xuất phát.

Đến giờ, một hàng ngựa xe từ Tiêu Quan chậm rãi xuất phát, hướng về phía Mạc Bắc. Tào Bằng ngồi lên lưng ngựa, lệnh cho đám người Hàn Đức đi theo đại đội mà tiến. Hắn ở giữa đội hình, đi cùng với Điền Dự, trông qua thần sắc rất thoải mái.

Xa xa, là đoàn xe cuả Chu Lương.

Chu Lương tuổi chừng ba bốn mươi tuổi, lùn mập, chỉ thấy thịt là thịt, cười hớn hở.

Gã không cưỡi ngựa mà ngồi trong xa trượng. Gã nghiêm nghị nhìn gã thanh niên và lão nhân không râu, mặt trắng trước mặt.

- Lưu Hầu, thật sự phải làm như vậy sao?

Qua một đêm nghỉ ngơi, Lưu Quang xem có vẻ đã bình tĩnh hơn nhiều, trở lại với dáng bộ trầm lạnh của ngày thường.

Hắn gật gật đầu:

- Thân phận của ta đã bị người ta biết được, nếu cứ tiếp tục giấu diếm, cũng chẳng được cái gì, ngược lại thì rõ ràng là một kẻ hẹp hòi. Cứ lén lén lút lút như vậy chi bằng cứ phơi ra xem coi đám người đó có thể làm gì được ta?

- Nếu Lưu Hầu đã quyết định, nô tài xin tuân mệnh. Nhưng không biết Lưu Hầu quyết định sẽ xuất đầu lộ diện vào lúc nào?

Lưu Quang nghĩ ngợi, khẽ nói:

- Tối nay, núi Phùng Nghĩa.

Mùa xuân năm Kiến Ninh thứ nhất, Thái úy Đoàn Dĩnh dẫn mười vạn quân, đánh nhau với các bộ lạc của liên minh Tiên Linh ở núi Phùng Nghĩa...

Đến núi Phùng Nghĩa về cơ bản đồng nghĩa với việc rời xa khỏi phạm vi khống chế của Hán thất. Tuy về danh nghĩa, núi Phùng Nghĩa thuộc phạm vi quản hạt của quận An Định, nhưng trên thực tế nơi này đã là nơi cư trú chung của người dân tộc Khương và dân tộc Hồ, sức ảnh hưởng của Hán thất đối với nơi này gần như không có. Truyện được copy tại Trà Truyện

Qua núi Phùng Nghĩa, men theo dòng Thanh Thủy đi về phía Bắc là đến sông Hoàng Hà.

Sau đó đi theo dòng Hoàng Hà, ra khỏi núi Thạch Chủy là có thể đến thẳng quận Sóc Phương. Ở đó có khu vực Hà Sáo, cũng chính là nơi đóng chiếm của Nam Hung Nô. Chu Lương gật gật đầu, khẽ nói:

- Vậy chúng ta sẽ hạ trại ở núi Phùng Nghĩa.

Lưu Quang và Lãnh Phi cùng nhìn nhau rồi gật đầu.

- Chu Trung Cung, vậy trông cậy ở ngươi vậy.

Hai người nói xong thì rời khỏi xa trượng, nhanh chóng hòa vào dòng người.

Chu Lương cười mỉm rồi thở dài, lẩm bẩm một mình:

- Tranh đi, đấu đi, dù thế nào thì cũng liên quan gì đến ta chứ?

Vốn dĩ, theo kế hoạch của Điền Dự, đoàn người sẽ đi thẳng qua núi Phùng Nghĩa rồi đi lên hướng Bắc.

Nhưng Chu Lương kiên quyết không đồng ý, cho rằng việc đi đường không phải gấp gáp gì, chi bằng hạ trại nghỉ một đêm ở núi Phùng Nghĩa, hôm sau lại Bắc tiến.

Lý do của hắn rất đầy đủ:

- Không phải là ta không muốn gấp rút lên đường, thực sự sau khi ta ra khỏi Tiêu Quan sẽ vào khu của người Khương Hồ. Khu vực này mã tặc hoành hành, cướp bóc vô số. Nếu gấp rút đi trong đêm, vạn nhất bị tập kích tất sẽ tổn thất thảm bại. Nếu đã như vậy, tại sao không đi vào ban ngày? Đợi ngày mai khi trời sáng sẽ xuất phát, đến lúc chạng vạng chúng ta có thể đến Hoàng Hà. Lúc đó lại nghỉ thêm một đêm, ngày hôm sau sẽ có thể vượt sông ở Phú Bình, đi theo hướng bắc ra khỏi núi Thạch Chủy, rồi tiến vào khu quản trị của Nam Hung Nô.

- Nhưng như thế, chỉ sợ sẽ chậm trễ.

- Điền tướng quân, học phái Tạp Gia cho rằng việc đến nơi an toàn quan trọng hơn việc tranh thủ thời gian. Hơn nữa, sau khi ra khỏi núi Thạch Chủy, sẽ tới gần Tịnh Châu. Vạn nhất bị người Tịnh Châu phát hiện được rồi phát động tập kích thì phải làm thế nào?

- Đi vào ban ngày thì an toàn hơn.

Cuối cùng, Chu Lương cũng đã thuyết phục được Điền Dự.

Thế là trong đêm hôm đó, sau khi sứ đoàn đến núi Phùng Nghĩa liền hạ trại ở đây.

Vốn dĩ, Điền Dự định nghỉ ngơi một lát. Nhưng hắn chưa kịp cởi bỏ áo giáp, Chu Lương đã phái người tới nói là có việc gấp cần bàn bạc.

Ngay sau đó, tiếng trống hiệu tập hợp tướng lĩnh cũng vang lên.

Điền Dự không dám chậm trễ, vội chạy tới đại trướng.

Tào Bằng và những người khác đang dựng doanh trướng, nghe thấy tiến trống tập hợp tướng lĩnh, bất giác chau mày.

Đang yên đang lành, gõ trống tập hợp tướng lĩnh làm gì không biết?

Tào Bằng khó hiểu vội tập hợp nhân thủ, chuẩn bị đối phó.

Nhưng rất nhanh, đã có lệnh truyền tới: Các bộ nhân mã hạ trại, không cần tập kết.

- Chuyện gì thế?

Tào Bằng khẽ hỏi.

Bàng Thống chau mày, trầm giọng nói:

- E là có biến cố.

- Biến cố?

- Ta có cảm giác, e là ngươi sẽ rất nhanh chóng phải lộ diện thôi!

- Sao?

Tào Bằng định hỏi tiếp, chợt nghe thấy ngoài trướng có người gọi tới:

- Tào Thập trưởng đâu? Điền Phó sứ mời ngài qua gấp.

Từ khi gia nhập sứ đoàn, Điền Dự gần như là bỏ mặc Tào Bằng.

Nhưng tự nhiên Điền Dự lại cho người tìm hắn, lại còn nói là đến đại trướng bàn bạc?

Trong lòng như đã vỡ lẽ ra điều gì, Tào Bằng không dám do dự, vội chạy đến đại trướng của chủ soái. Đến nơi thì thấy trong đại trướng, Điền Dự đang ngồi âm trầm ở giữa.

- Điền Phó sứ gọi tại hạ có việc gì vậy?

- Hữu Học, không cần phải tiếp tục che giấu nữa.Từ giờ phút này, ngươi là Chinh Khương Hiệu úy thống lĩnh hộ quân ba bộ.

- Hả?

Điền Dự cười gượng, nhìn vẻ mặt khó hiểu của Tào Bằng:

- Lưu Quang đã ra mặt rồi!

Không biết vì sao, Tào Bằng giật nảy mình, im như thóc.

- Lâm Nghi Hầu đã ra mặt rồi?

- Đúng vậy, giờ hắn mới cầm lấy chiếu thư của bệ hạ, thay Chu Lương tiếp nhận chức Chính sứ. Chu Lương và ta đều là Phó sứ, nghe theo mệnh lệnh của Chính sứ, ta vốn tưởng rằng Lâm Nghi Hầu sẽ ra mặt chậm một chút, nhưng không ngờ hắn lại nhanh như vậy. Bắt đầu từ bây giờ, chúng ta đều nghe theo sự chỉ huy của Lâm Nghi Hầu. Như vậy quân chủ bài của Bệ Hạ đã ra rồi, ngươi hà tất phải ẩn giấu nữa. Trước khi xuất phát, chủ công đã bí mật lệnh cho ta, giao cho ngươi làm Tư Không Quân mưu duyện Chinh Khương Hiệu úy, căn cứ vào tình hình mà hành động. Học Hữu, ngươi lập tức tiếp quản hộ quân, ta đoán việc có Lâm Nghi Hầu đứng ra tất sẽ có chỗ bất lợi cho ngươi.

Chớp mắt, Tào Bằng sững sờ.

Hèn gì ta có cảm giác bất an, thì ra là Lưu Quang sắp xuất chiêu.