Điển Vi và Hứa Chử có đồng ý hay không thì không biết... Nhưng thật ra Điển Mãn nói đúng, nếu Hứa Chử không đồng ý có lẽ Hứa Nghi cũng không thể mang theo tùy tùng.
Bộc Dương Khải đột nhiên vén màn xe:
- Thúc Tôn! Nếu họ muốn đi thì cho họ đi. Dù sao thì khi ngươi tới Hải Tây cũng cần người. Hai người bọn họ không chừng có thể giúp đỡ... Chưa nói nếu ngươi không cho họ đi, họ cũng sẽ đi thì chẳng phải rắc rối hơn hay sao?
Đặng Tắc suy nghĩ thì thấy lời nói đó cũng đúng.
- Nếu vậy thì các ngươi đi cùng... Có điều ta phải nói rõ là các ngươi phải nghe lệnh của ta.
- Đó là điều tất nhiên. - Điển Mãn còn thần thần bí bí lên tiếng:
- Đặng đại ca! Chúng ta còn có cả áo giáp.
Tào Bằng cảm thấy hai tên này không phải đến giúp mà mang tính chất quấy rối thì đúng hơn. Nhưng nếu Đặng Tắc đã đồng ý thì hắn cũng không tiện phản đối. Bộc Dương Khải nói đúng, trong tay Đặng Tắc đúng là không có người.
- Nếu vậy chúng ta lên đường thôi.
- Xuất phát! Xuất phát. - Hứa Nghi hét to rồi chỉ huy xe ngựa theo sau.
Tào Bằng thì tụt lại hẳn phái sau nhìn Điển Mãn và Hứa Nghi rồi không nhịn được mà nói với Vương Mãi:
- Ta thấy hai người này trốn tới đây.
- Vậy làm sao bây giờ?
Tào Bằng gãi đầu cười khổ:
- Còn làm sao được nữa? Đuổi kịp họ. Chúng ta phải không để cho họ gây chuyện.
"Chỉ mong hai tên này sẽ không gây chuyện." Lúc này, Tào Bằng cũng chỉ có thể thầm cầu nguyện trong lòng.
Từ Hứa Đô tới Hải Tây cần phải đi qua ba châu. Từ Hứa Đô xuất phát sau đó đi qua Trần Lưu, đi qua nước Bái, hoặc từ Hạ Bì tiến vào Quảng Lăng, hoặc qua quận Đông Hải tới thẳng Hải Tây. Còn đường dài đó cũng không có gì vui vẻ. Mặc dù từ khi Tào Tháo quản lý triều cương tới nay, đã cố gắng hồi phục các nơi nhưng trên đường đi thì hầu như mọi chỗ đều có vẻ hoang vu. Xung quanh thành trấn còn đỡ, chỉ khi nào rời xa thành trấn thì tình hình càng trở nên hoang vắng. Những thôn trang bỏ không, đổ nát. Những mảnh đất hoang vu không có bóng người, cỏ dại mọc khắp nơi. Chỗ nào cũng có thể thấy những nấm mồ đơn sơ. Thậm chí trên đường đi có khi cả một, hai canh giờ cũng không thấy người, có chăng chỉ toàn là xương trắng.
Lúc đầu Điển Mãn và Hứa Nghi còn hứng trí. Tuy nhiên đi được hai, ba ngày cả hai liền trở nên trầm mặc.
Quang cảnh xung quanh chỉ có một màu vàng của cuối thu và sự đổ nát khiến cho người ta có cảm xúc rất mạnh.
Cả hai người không còn vui cười nổi. Phần lớn thời gian bọn họ nhìn những cảnh tượng thê lương mà lặng yên không nói, hoặc là trầm mặc suy tư.
Tào Bằng cũng không tới quấy rầy hai người, hay đùa giỡn. Hắn chỉ lặng yên quan sát, cũng không muốn cắt đứt suy nghĩ của Điển Mãn và Hứa Nghi.
Có người nói đi đường xa sẽ khiến cho con người ta trưởng thành. Nhưng vấn đề là phải xem người đi xa được tới đâu...
Nếu trên đường đi đông đúc tấp nập, tới nơi nào cũng có người nghênh đón, được thưởng thức rượu ngon, món ngon ca hát nhảy múa thì những gì chứng kiến cũng chỉ là hư ảo. Nhưng nếu có thể trầm xuống, yên lặng cảm nhận thế giới thì mới là sự thực.
Cho dù là Đặng Tắc hay Bộc Dương Khải thì cũng đều là những người không thích sự nghênh đón. Còn Chu Thương và Hạ Hầu Lan thì đại khái cũng vậy.
Tào Bằng cũng không muốn tới quấy rầy cho nên để cho Điển Mãn và Hứa Nghi có thời gian suy tư.
Đi tới ngày thứ tư, đoàn xe ngựa đã tới được Cao Dương đình. Từ nơi này rất gần với nhà cho nên Điển Mãn đột nhiên đưa ra ý muốn về thăm nhà một chút. Hành trình bốn ngày khiến cho Điển Mãn dường như trưởng thành hơn rất nhiều.
Tào Bằng báo yêu cầu của Điển Mãn cho Đặng Tắc liền đồng ý với yêu cầu của y.
- Tam ca! Ta theo huynh đi có được không?
- Không cần! Các ngươi cứ ở đây nghỉ ngơi cho tốt. Chậm nhất là sáng mai ta sẽ trở về.
Nhìn sắc trời lúc này cũng sắp tối nên Tào Bằng cũng không cưỡng ép mà gật đầu đồng ý.
Tất cả quyết định đêm đó ngủ tại Cao Dương đình chờ Điển Mãn quay lại.
Đã bốn ngày cứ ngày đi đêm nghỉ, chứng kiến cảnh tượng hoang vu đối với tinh thần và thể lực của con người quả thật tiêu hao rất nhiều. Mọi người đều có vẻ mệt mỏi cho nên ăn cơm chiều xong liền đi nghỉ sớm. Tào Bằng chưa nghỉ ngơi, trước tiên cùng với Hạ Hầu Lan và Chu Thương sắp xếp chuyện phòng ngự. Vị trí của Cao Dương đình có thể nói là an toàn, như vấn đề là do nó nằm giữa hai huyện cho nên sự cai quản có phần buông lỏng. Cho dù là Ung Khâu hay Ngũ huyện cũng đều không để ý tới Cao Dương đình.
Mà một số người già đã dặn dò Tào Bằng phải cẩn thận khi tới Cao Dương đình. Còn cẩn thận cái gì thì mặc dù lão không có nói nhưng tất cả đều biết.
Chỉ cần nhìn cảnh tượng bị tàn phá ở đây là có thể biết được một cách đại khái.
Nếu nơi này trị an tốt thì với vị trí của Cao Dương đình chắc chắn không thể có cảnh tượng như thế này. Mà cảnh tượng như vậy chứng tỏ Cao Dương đình cũng không an toàn. Có điều như vậy cũng không sao. Vị lão nhân kia có nói Cao Dương định mặc dù rối ren nhưng cũng chỉ có mức độ.
Nếu không thì Cao Dương đình đã sớm không còn nữa...
Đặng Tắc ở trong phòng xem công văn, nắm chặt từng giây từng phút để hiểu biết tình hình của Hải Tây.
Tào Bằng giống như một tên thư đồng đứng bên cạnh chờ đợi. Hắn xem một lúc thì cảm thấy mệt mỏi liền đi ra khỏi phòng.
Đặng Tắc cũng không để ý tới hẳn, bởi vì gã biết Tào Bằng không cần mình quan tâm.
Trong gió đêm hiu quạnh có chút hơi lành lạnh.
Tào Bằng theo bản năng khoác chiếc áo lên người đứng trong hành lang. Trong đình viện có mấy cây dây leo quấn trên tường, điểm xuyết mấy đóa hoa màu trắng. Loại dây leo này kiếp trước Tào Bằng chưa được thấy qua. Theo vị lão nhân kia nói thì đây là một loại thực vật thông thường ở địa phương tới tiết thu, đông thì nở rộ. Mỗi khi loại cây này nở hoa cũng báo hiệu mùa đông đã tới.
Hắn ở trong đình viện luyện công một chút khiến cho tinh thần trở nên sảng khoái.
Từ khi dẫn khí nhập cốt xong, Tào Bằng liền rơi vào trong một thời kỳ trưởng thành thong thả.
Cốt cách của hắn liên tục được cường kiện, dẻo dai, cần có rất nhiều khí huyết bồi bổ. Chỉ khi nào để cho cốt cách đạt tới một trình độ nào đó thì mới có thể tiếp tục trưởng thành. Đây cũng là giai đoạn tất nhiên của Dịch cốt cho nên Tào Bằng cũng không nôn nóng. Mặc dù nói lặn lội đường xa không thể giống như trước đây luyện công nhưng mỗi ngày hắn cũng bỏ chút thời gian để luyện thung công mang tới hiệu quả tương đối khá.
Cái chuyện luyện công này quan trọng nhất là thái độ. Bất cứ thời điểm nào cũng giành lấy một chút thời gian, chỉ xem ngươi có đồng ý hay không.
Tào Bằng đối với tình trạng của mình hoàn toàn hiểu rõ. Bất cứ cái nhìn đại cục, tài học...đều là mây bay mà thôi. Chỉ ngẫu nhiên lấy ra khoe một chút thì còn được, tuy nhiên trong thời gian dài cũng sẽ làm cho người ta thấy là thùng rỗng kêu to. Vì vậy mà hắn cố gắng học tập, hơn nữa nắm chặt thời gian luyện công. Chỉ cần làm cho thân thể khỏe mạnh, võ nghệ nổi tiếng là có thể sống trong thời đại này.
Hắn không như Đặng Tắc lớn lên ở một địa phương toàn người nhà Hán. Lại càng không giống với Điển Mãn và Hứa Nghi có bối cảnh mạnh... Có đối khi thậm chỉ Tào Bằng còn thấy mình kém Vương Mãi và Đặng Phạm. Muốn nói hiểu biết về cái thời đại này, bản thân hắn cũng không hơn gì hai người đó.
Dưới áp lực sinh tồn khiến cho Tào Bằng lúc nào cũng có một cái cảm giác nguy hiểm...
Chợt có một tiếng động nhỏ vang lên khiến cho Tào Bằng đang từ trong trầm tư liền tỉnh lại.
Hắn theo bản năng xoay người, nhìn về phía có tiếng động.
- Bộc Dương tiên sinh?
Trong bóng đêm, dưới ánh đèn tù mù, bóng của Bộc Dương Khải hiện ra trong tầm mắt của Tào Bằng.
Y mặc một bộ quần áo dài màu trắng nên trong bóng đêm rất nổi. Bộc Dương Khải là người chú trọng tới lễ pháp, mặc dù gia cảnh thiếu thốn nhưng vẫn rất chú ý tới ăn mặc. Bất cứ mùa nào cần phải mặc trang phục gì y cũng không hề nhầm lẫn. Hiện giờ đang sắp bước vào mùa đông cho nên y mặc một bộ trang phục màu trắng của cuối thu. Theo suy nghĩ của y thì mùa đông chưa tới, tiết thu đang còn nên màu sắc quần áo phải phù hợp.
Đối với chuyện này, Tào Bằng cũng không thể tránh được.
Bộc Dương Khải từ trong bóng tối đi ra, nghi hoặc nhìn Tào Bằng.
- Hữu Học! Ngươi còn chưa ngủ sao?
Tào Bằng tự lấy tự cho mình. Nhưng vì do tuổi còn nhỏ nên phần lớn mọi người đều thích gọi nhũ danh của hắn.
Nhưng Bộc Dương Khải thì khác. Y là một người nghiêm khắc với lễ pháp. Nếu ngươi đã có tự thì không được phép gọi nhũ danh của ngươi. Hơn nữa trong suy nghĩ của Bộc Dương Khải thì ngươi đã có tự vậy cũng đồng nghĩa với việc ngươi đã trưởng thành.
Tuy rằng y và Tào Bằng không có nhiều quan hệ nhưng đối đãi với hắn cũng lấy tiêu chuẩn của người thành niên. Nói thật, Tào Bằng đối với cái tự Hữu Học này vẫn cảm thấy gì đó. Kiếp trước tên của hắn là Tào Hữu Học, nên dùng nó như một sự hoài niệm đối với kiếp trước. Hắn hy vọng dùng cách này để nhắc nhở bản thân rằng mình là người sống lại. Nhưng từ trước tới nay mọi người toàn gọi hắn là a Phúc khiến cho Tào Bằng thường xuyên có cảm giác mình chính là người của thời đại này. Có đôi khi còn không thấy thích với cái tự của mình.
Một lần hắn sử dụng cái tự Hữu Học là khi ở trạm dịch của trấn Dương Sách. Từ đó đến nay thoáng cái đã gần một năm...
Chợt nghe Bộc Dương Khải gọi mình là Hữu Học, Tào Bằng nhất thời như thấy mình đang nằm trong mộng.
- A! Tỷ phu còn chưa ngủ. Ta lo lắng có chuyện, cho nên...
Không để cho Tào Bằng nói xong, Bộc Dương Khải liền ngắt lời hắn.
- Hữu Học! Ngươi phải nhớ kỹ, về sau khi nói chuyện với người ngoài không được gọi Thúc Tôn là tỷ phu. Hôm nay y đã là huyện lệnh Hải Tây cho nên về sau sẽ bị rất nhiều người chú ý. Ngươi cứ gọi y là tỷ phu sẽ khiến cho họ hiểu lầm. Cho dù ngươi có như thế nào thì người khác cũng nghĩ rằng có Thúc Tôn ở sau lưng của ngươi. Ngươi gọi lén thì còn được nhưng khi nói với người ngoài thì cần phải gọi theo quan chức của y.
- Vâng.
- Ngươi đừng nghĩ đây là chuyện nhỏ, bởi đó là lễ pháp. Đặng Tắc đi tới Hải Tây nhậm chức là nơi mà thế tộc có rất nhiều. Gã không có xuất thân tốt, lại không có danh tiếng nên sẽ bị dân bản xứ bài xích. Cũng bởi vì vậy nên nhất cử nhất động của ngươi đều phải tuân theo lễ pháp. Chỉ có như vậy mới được thế tộc địa phương chấp nhận.Ta cũng biết chuyện này không phải dễ dàng, thậm chí còn có chút làm cho ngươi uất ức. Nhưng ngươi cũng nên suy nghĩ cho Đặng Tắc. Thúc Tôn thường có câu cửa miệng rằng người là người thông minh nên nói vậy chắc ngươi có thể hiểu.
Phải nói lão nhân này đúng là có chút đáng ghét nhưng nó lại khiến cho Tào Bằng vô cùng cảm kích.
Ít nhất thì Bộc Dương Khải cũng làm hết phận sự của mình. Nếu y làm phụ tá cho Đặng Tắc thì tất cả cũng đều phải đứng trên phương diện của Đặng Tắc mà suy xét.
Tào Bằng khom người vái một cái:
- Tiểu tử xin thụ giáo.
- Còn nữa nhớ nhắc nhở Đặng Hải Tây rằng quần áo của y chưa đúng.
Tào Bằng ngẩn người nhìn Bộc Dương Khải, ngơ ngác chưa hiểu rõ ý của y.
- Mặc dù hắn chưa có công danh nhưng cũng là mệnh quan của triều đình. Vì vậy ăn mặc phải theo lễ pháp... Ngươi nhìn hắn xem. Thu còn chưa qua, đông vẫn chưa tới mà hắn lại mặc quần áo màu xanh thì còn ra cái thể thống gì? Hiện tại hắn phải thay quần áo trắng. Chờ tới mùa đông thì mặc áo bào màu đen. Cứ như vậy cho dù y không có công danh nhưng tới lúc bái phỏng dân bản xứ cũng sẽ bị người ta coi thường... Có mấy lời ta không tiện nói với hắn. Ngươi là em vợ của hắn nên nói lúc nào cũng được. Hải Tây bây giờ không phải là nơi yên bình. Thúc Tôn tới đó có chút khó khăn.
Bộc Dương Khải đột nhiên nói ra mấy lời cảm khái.
- Tiên sinh! Hiện giờ tình hình Hải Tây như thế nào?
- Từ khi loạn Khăn Vàng tới nay, Hải Tây vẫn ở trong tình trạng hỗn loạn. Cho dù là Đào Cung thì cũng không thể nắm vững được Hải Tây.Trong ba năm qua, Hải Tây đã đổi tới năm huyện lệnh. Có người thì chết một cách ly kỳ, có người lại treo ấn từ quan mà đi không biết tung tích. Hiện giờ thậm chí ngay cả ấn tín Hải Tây và triện cũng không có trong tay triều đình mà bị địa phương nắm trong tay. Nói chung ở đó có chút ngang ngược, có sự phức tạp. Thúc Tôn muốn sống yên ở Hải Tây đúng là khó khăn.
Tào Bằng từng nghe Đặng Tắc nói qua tình hình Hải Tây nên cũng biết hiện giờ ở đó rất phức tạp. Nhưng còn cụ thể phức tạp như thế nào thì Đặng Tắc cũng không nói cho hắn biết.
Chỗ công văn đó Đặng Tắc giữ rất cẩn thận, bình thường cũng không để cho Tào Bằng tiếp xúc. Bộc Dương Khải là phụ tá của y cho nên việc tiếp xúc là điều đương nhiên. Tào Bằng nghe lão nói vậy thì lập tức xuất hiện sự lo lắng. Chờ khi Bộc Dương Khải nói tiếp để cho hắn có chuẩn bị tốt một chút.
Tuy nhiên Tào Bằng không ngờ Bộc Dương Khải đột nhiên im lặng. Lão trầm mặc một chút rồi quay đầu nhìn Tào Bằng.
- Nghe nói ngươi có đọc thông thi, luận?
Tào Bằng gật đầu, nghi hoặc nhìn lão.
- Ngươi cho Luận là như thế nào?
Vấn đề này có chút hơi rộng. Ý Bộc Dương Khải hỏi Tào Bằng rằng Luận Ngữ viết về cái gì.
Nghe ra thì tưởng như đơn giản nhưng trên thực tế nó lại bao gồm rất nhiều nội dung. Nên biết rằng Luận có rất nhiều bản giải thích. Đặc biệt sau khi Đổng Trọng Thư (1)phế truất trăm nhà, độc tôn Nho gia tới nay Luận càng được các nhà Nho tôn sùng, được bao phủ bởi một tấm màn huyền bí. Nếu không phải là chí sĩ cao minh thì không thể nào giải thích được Luận. Bởi vì trong đó có những lời luận đàm của Khổng Tử nên đâu phải ai cũng dám bình luận?
Vấn đề này của Bộc Dương Khải giống như trắc nghiệm Tào Bằng.
Chỉ có điều y không nghĩ đề cho một đứa bé mười bốn tuổi đánh giá về luận là hơi quá mức hay sao?
Nhưng nếu Bộc Dương Khải đã hỏi thì Tào Bằng cũng không thể từ chối.
Ánh mắt của Bộc Dương Khải dường như có một sự châm biếm. Sau khi y tới Hứa Đô vẫn nghe người ta khen ngợi Tào Bằng nên trong lòng có chút không thoải mái.
Trong suy nghĩ của y thì với những người đồng lứa, con của y là xuất sắc nhất. Nhưng hiện tại... Vì vậy mà Bộc Dương Khải muốn thử Tào Bằng.
Tào Bằng thấy vậy cũng có chút vui mừng. Hắn nghĩ một chút rồi trả lời:
- Luận viết không chỉ đơn giản là về cái sự học.
Bộc Dương Khải nghe thấy vậy liền nhướng mày:
- Nói tiếp.
Tào Bằng thấy y không có ý kiến liền đánh bạo nói tiếp:
- Học sinh nghĩ rằng đọc luận cần phải dùng tâm trong sáng, còn nôn nóng thì không nên. Đồng thời phải dùng tâm mà hiểu được những lời lẽ huyền ảo trong đó. Sở dĩ đọc luận là để hiểu được điều hay lẽ phải.
Tào Bằng nói về Luận Ngữ chỉ đơn giản là những sinh hoạt vụn vặt hàng ngày và đồng thời bao hàm những lý giải của thánh Khổng. Nếu muốn hiểu được những điều ảo diệu bên trong cần phải thể nghiệm, từ trong sinh hoạt mà tìm ra, sau đó chậm rãi hiểu rõ những lý lẽ thâm sâu của Khổng Phu tử. Trải nghiệm đủ thì có thể hiểu được mà tuổi tăng lên những sự hiểu biết càng lúc càng sâu khiến cho nước chảy thành sông.
Có thể nói Tào Bằng phản đối rất nhiều danh sĩ bây giờ coi luận như văn chương lễ tiết mà bình luận. Cũng có thể nói Tào Bằng tương đương với việc bác bỏ rất nhiều quan điểm của danh sĩ.
Nét mặt của Bộc Dương Khải có chút khó coi. Y trầm mặc một lúc rồi đột nhiên hỏi lại:
- Khổng Tử viết: học nhi thì tập chi, bất diệc thuyết hồ; hữu bằng tự viễn phương lai, bất diệc nhạc hồ; nhân bất tri nhi bất uấn, bất diệc quân tử hồ (có học tập thì còn gì dễ chịu hơn. Có bạn từ phương xa tới thì còn gì vui hơn. Người đời không biết, trong lòng ta không oán hận, đấy là người đức hạnh).... Hữu Học! Nếu đã đọc Thi, Luận thì có thể giải thích cho ta những điều còn nghi hoặc trong đó hay không?
Đây chính là những quan điểm hết sức cụ thể. Tào Bằng hít một hơi thật sâu rồi nói:
- Tiểu tử nghĩ "học nhi thì tập chi" chú trọng ở chữ "thì" và "tập". Tiểu tử thấy rằng học vấn không phải chỉ có vậy. Một người cho dù văn vẻ tới mức độ nào thì cũng chỉ có thể nói rằng y văn vẻ tốt. Một người hiểu biết nhiều thì cũng chỉ có thể nói rằng y có kiến thức uyên bác. Tiểu tử nghĩ học vấn không nhất định phải hiểu đọc sách, biết chữ. Mà học vấn có nghĩa là làm người tốt, làm việc đúng. Trang Tử nói người có đạo xưng là chân nhân. Vậy chân nhân là cái gì? Tiểu tử nghĩ chỉ có làm người thật tốt mới là chân... Còn đạo là gì? Tử viết: Ngô đạo nhất dĩ quán chi (đạo của ta là một mà xuyên suốt). Có thể chịu đựng gian khổ và thất bại nhưng vẫn kiên định với ý nghĩ của mình đó chính là làm được "nhất" cũng chính là làm tốt chữ người. Có làm tốt chữ người thì mới có được học vấn chân chính. Vì vậy mà Học nhi thì tập chi. Tiểu từ cho rằng trong sinh hoạt phải vững vàng, lúc nào cũng thể ngộ mới có được thu hoạch, mới cảm thụ được sự khoái hoạt.
Bộc Dương Khải hít một hơi thật sâu. Có thể nói những lời của Tào Bằng gần như đã đẩy ngã phần lớn quan niệm của mọi người trong thời đại này.
Nghe ra thì có chút gì đó hoang đường. Một người không biết chữ thì làm sao có thể gọi là người có học vấn? Nhưng nghĩ lại thì lời của Tào Bằng cũng có lý.
Hơn nữa qua những lời này, Bộc Dương Khải có thể khẳng định thằng nhóc này không chỉ đọc Luận một lần, nếu không thì cũng không thể có được những suy nghĩ đó.
Tào Bằng như nhớ lại cảnh tượng lúc ở trạm dịch trấn Dương Sách nói chuyện với Tư Mã Huy và Bàng Quý.
Vừa lúc này, Đặng Tắc hơi cảm thấy mỏi mệt cho nên đi ra khỏi phòng thì thấy Tào Bằng và Bộc Dương Khải ngồi với nhau như đang thảo luận chuyện gì đó mà cảm thấy ngạc nhiên.
Bởi vì sau khi tiếp xúc với Bộc Dương Khải một chút thời gian, Đặng Tắc cũng có hiểu một chút. Đó có thể nói là một người kiêu ngạo từ trong xương tủy. Mặc dù đồng ý làm phụ tá cho mình nhưng Bộc Dương Khải cũng ít khi có nét mặt ôn hòa với y. Rất nhiều lúc, Đặng Tắc thấy Bộc Dương Khải cơ bản không có ý định giúp mình, cho nên cố ý chọc giận y để sinh ra mâu thuẫn.
Nhưng hiện tại thái độ của Bộc Dương Khải lại dường như có vẻ trịnh trọng.
Nếu ngồi đối diện với Bộc Dương Khải là một vị nho sĩ có danh tiếng lớn thì y có thái độ như vậy cũng không có gì là lạ. Nhưng ngồi trước mặt Bộc Dương Khải lại là Tào Bằng, một đứa bé chỉ mới mười bốn tuổi mà có thể làm cho lão biểu hiện như vậy đúng là khiến cho Đặng Tắc giật mình.
- Hạ Hầu! Bọn họ nói chuyện gì vậy?
Đặng Tắc không nhịn được liền quay sang hỏi Hạ Hầu Lan.
Hạ Hầu Lan lắc đầu:
- Ta cũng không rõ lắm. Hình như vừa rồi Bộc Dương tiên sinh muốn thử a Phúc nhưng lại bị a Phúc nói làm cho khuất phục.
"Không thể như vậy!"
Đặng Tắc nghe thấy thế mà giật mình. Y giơ tay ý bảo Hạ Hầu Lan không cần lên tiếng rồi nhẹ nhàng đi tới. Y sớm nghe nói a Phúc từng dùng ba tấc lưỡi nói chuyện với Tư Mã Huy và Bàng Quý, sớm nghe a Phúc có cái nhìn đại cục rất tốt. Nhưng nói thật Đặng Tắc cũng không hiểu rõ với học vấn của Tào Bằng. Trong suy nghĩ của y thì Tào Bằng thường xuyên có tư tưởng kỳ diệu nhưng học vấn... Chỉ sợ một đứa bé mới mười bốn tuổi thì có bao nhiêu học vấn? Khi Đặng Tắc mười bốn tuổi dừng như cái gì cũng không biết.
- "Hữu bằng tự viễn phương lai, bất diệc nhạc hồ." Ta nghĩ ở đây cái cần phải nhấn mạnh đó là chữ "bằng" và chữ "viễn". Người bằng hữu này không nhất định phải là bằng hữu ở bên cạnh mà ở xa.
Đặng Tắc nghe thấy vậy mà giật mình. Y nghe rõ lời nói của Tào Bằng mà cảm tháy sợ hãi.
"Ông trời ơi. Thằng nhóc a Phúc này đúng là to gan. Nghe miệng nó nói thì rõ ràng là đang giảng Luận. Cái thằng nhóc vắt mũi còn chưa sạch mà đã dám giảng giải Luận ngữ? Nếu việc này mà truyền ra ngoài thì chẳng phải bị người ta mắng hay sao?
Trong suy nghĩ của Đặng Tắc thì Bộc Dương Khải chắc chắn nổi giận.
Nào ngờ, gương mặt lạnh lùng của Bộc Dương Khải lại nở nụ cười: