Nàng đó. Khi vận triều phục thì nàng là một Thiên Kim Công Chúa. Khi đi
lại giang hồ với bộ võ phục thì nàng là một trang hiệp nữ diễm tuyệt.
Bây giờ, giữa hậu phòng của Báo Thiên Tự, nơi mà những ngày xa xưa, nàng đã theo thầy luyện võ, trong bộ thiền phục, nàng ngời xếp bằng tĩnh
tọa, đôi bàn tay tháp bút đặt trên đùi, nét mặt bình thản tươi sáng thì
nàng quả là hình ảnh của một Phật Bà Quan Âm.
Căn phòng trống vắng. Khung cửa sổ mở ra ngoài vườn sau cửa chùa vừa đủ
cho bên trong tiếp nhận một thứ ánh sáng trong xanh mát mẻ của một buổi
sáng đầu hè. Không biết nàng tĩnh tọa đã bao lâu. Tiếng chim hót ca
trong vườn bên, tiếng gió sớm rì rào trên giàn thiên lý xanh như ngọc
thạch cho cả đến tiếng chân nhè nhẹ của Sư Bà đang khoan thai bước vào
phòng cũng đã xa hẳn, xa hẳn. Bây giờ chỉ còn một khoảng tâm thức rất
tĩnh mịch và huyền diệu : tất cả như không, nhưng thực sự nàng lại nhận
biết được hết những gì ở chung quanh, cái vùng chung quanh đó rộng và xa hàng nhiều dậm . Ðó là cái nhập định thượng thừa của võ học.
Sư Bà Diệu Thanh nhẹ nhàng ngồi xuống bên trái nàng, xa chừng trượng,
cũng ở thế nhập định, nhưng mặt hướng về phía nàng. Sư Bà năm nay ngoài
sáu mươi, dáng dấp khoan thai, nhanh nhẹn, đôi mắt sáng nhưng dịu hiền,
kẻ ngang tàng biết mấy mà có dịp đối diện với Bà cũng phải tâm phục Bà
thực xứng đáng là bậc tôn sư võ học.
Giữa cái lặng lẽ êm đềm ấy, bỗng Sư Bà lên tiếng, với một giọng dịu dàng và đều đều :
- Mai Lan, không bao lâu nữa, con sẽ trở thành một bậc Tôn Sư. Với trình độ võ thuật cũng như nhân phẩm của con hiện nay, con thực xứng đáng
được tôn trọng trong chức vị này. Khi Ðức Ðạt Ma Sư Tổ từ Thiên Trúc vào Trung Quốc, ngài truyền bá song hành Phật học và Võ học cho người Hán.
Vì thế để đạt tới mục đích này, Ngài đã phổ võ học vào kinh kệ. Vì thế,
những người nào muốn đạt tới mức độ thượng thừa trong võ thuật, thì
trước hết họ phải ngộ đạo, thông suốt được điều huyền diệu trong kinh,
sau đó mới tìm ra được những chân lý của võ đạo.
Võ thuật vừa có thể cứu người, cũng vừa có thể hại người.
Sự sáng suốt của Ðức Ðạt Ma Sư Tổ là ngài đã gửi gấm nó trong tay những
vị mà ngài hy vọng là đã ngộ đạo, có cái tâm từ bi của Phật, sẽ dùng nó
để cứu khổn phò nguy.
Nhưng sau này, phái Thiếu Lâm của Ðức Ðạt Ma đã có những vị tôn sư có
thể vì lòng từ bi, cũng có thể vì hiếu thắng đã truyền võ thuật cho các
tục gia đệ tử. Từ đó, Thiếu Lâm phái được truyền bá và trở thành một
phái võ nổi tiếng ở Trung Quốc. Trong cái hào quang đó, đệ tử Thiếu Lâm
đã quá chú trọng tới võ thuật mà quên đi Phật tính. Vì thế kể cả các vị
Tôn Sư trong Thiếu Lâm Tự vì không thức ngộ được đạo nên mức độ võ thuật cũng càng ngày càng nông cạn. Thậm chí có những môn võ học đã bị thất
truyền hoặc nằm im lìm trong các pho kinh kệ mà các tăng chúng Thiếu Lâm không biết hoặc không thông hiểu được nữa. Ðiều nguy hiểm hơn nữa là
cũng từ đó những kẻ có võ thuật mà mất cái tâm Phật cho nên võ thuật đã
là một di hại cho đời. Tình trạng này cũng xây ra trong các môn phái
khác như Nga Mi , Võ Ðang, Côn Luân . Rồi cũng vì tự ái của môn phái, vì tranh giành ảnh hưởng mà các đệ tử của họ tranh chấp, gây hấn, chém
giết lẫn nhau.
Ngừng một lát, Sư Bà lại chậm rãi tiếp :
- Qua câu chuyên vừa rồi, Thầy muốn gợi ý với con rằng muốn đạt tới mức
thượng thừa của võ thuật, người học võ phải thấm nhuần tới tuyệt đích
của môn học.
Trước hết cái tâm phải "Cảm" đã , rồi nhờ đó cái trí mới "Thức" được. Vì thế mà các phái võ thường dùng kinh Phật để phổ võ thuật và người tu
hành dễ đạt hơn là người thường.
Mai Lan vẫn yên lặng ngồi thiền.
Sư Bà như không chú ý đến phản ứng của nàng. Bà vẫn tiếp tục :
- Từ trước đến nay, các Tôn Sư trong Võ Ðạo của chúng ta cũng theo thể
thức đó. Nhưng vì Dân Tộc Việt chúng ta là một dân tộc hiền hòa, và có
lẽ đã có cái "tâm Phật " truyền thống cho nên võ học của chúng ta giữ
được mức độ cao, và nhất là các đệ tử luôn luôn ôn hòa, coi nhau như anh em, hết lòng cứu khổn phò nguy, đúng với tôn chỉ của Võ Ðạo cũng như
hợp với tinh thần nhân hòa của Dân Tộc, cho nên Võ Thuật của ta không
chia ra môn phái này, nọ. Chính vì thế mà tránh được những tranh chấp bỉ ổi.
Giọng của Sư Bà càng lúc càng trở nên say sưa và đầy tin tưởng :
- Từ các triều đại Ðinh, Lê, Lý, đạo Phật cực thịnh ở nước ta, cho nên
Võ Ðạo chịu ảnh hưởng rất lớn của Phật học và cũng đã tiến được những
bước dài. Những Hòa Thượng nổi tiếng văn võ toàn tài như ngài Lý Khánh
Dư, ngài Vạn Hạnh, ngài Minh Không. Chính Ðức Thái Tổ nhà Lý cũng xuất
thân từ cửa Phật. Nhưng từ khi Ðức Thượng Hoàng Nhân Tôn nhà Trần sáng
lập môn phái Trúc Lâm trên đỉnh Yên Tử Sơn, mà các vị cao Tăng phần lớn
là các bậc Ðại Thần văn võ song toàn, thì vấn đề Võ học ở nước ta được
các ngài thẩm định lại. Con cũng biết Dân Tộc ta là một dân tộc chuộng
Vũ nghệ. Vũ đây tức là múa. Ngay từ thời thượng cổ, những tác phẩm hội
họa còn để lại trên mặt trống đồng Ngọc Lư, trên các tháp hay các chiếc
rìu đều vẽ các vũ công lẫn với các chiến sĩ. Ðiều này rất hợp với nguyên lý của võ thuật. Người luyện võ thuật phải có cái dẻo dai, cái điêu
luyện, cái nhanh nhẹn nhịp nhàng của vũ thuật. Người học võ lúc luyện
tập cũng như khi chiến đấu, lúc công, lúc thủ, lúc nhu, lúc cương, lúc
nào cũng bình thản, khoan thai, uyển chuyển, tâm thần và động tác như
nhập vào nhau giống một vũ công say sưa múa một bản vũ điêu luyện. Những lúc đó, những động tác nói chung, những thế võ nói riêng được phát tác
không còn căn cứ vào mắt nhìn, tai nghe nữa, mà được thẩm định bằng cái
"cảm" huyền diệu khiến cho năng lực tiềm tàng trong cơ thể không bị phí
phạm, mà đường lui, bước tiến, thể thủ, thế công rất chuẩn xác và tuyệt
nhanh khiến địch nhân không thể ứng chiến kịp thời và dễ lâm vào thế hạ
phong. Vì sự liên hệ hiển nhiên giữa võ thuật và vũ thuật mà tổ tiên
chúng ta đã nhận thức được và ghi lại trên các di vật mà các vị Tôn Sư
Ðại Việt mới bỏ nhiều thì giờ để nghiên cứu và truy tầm cái nguồn gốc
của nền võ thuật của tổ tiên lưu truyền từ thời giòng Lạc Việt dựng
nước.
Một nhận định quan trọng là nền Võ Thuật của ta thoát thai từ Vũ Thuật,
mà Vũ Thuật của ta từ đâu ra, nếu không phải là từ nguồn ca dao huyền
diệu của Dân Tộc.
Nguồn Kinh Thi này đã từng làm rung động hàng bao thế hệ, đã đi sâu vào
tim óc mọi người chúng ta từ tuổi còn nằm trong nôi qua lời ru ngọt ngào của mẹ hiền. Người dân Việt dễ thấm nhuần, rung động với ca dao còn hơn là một tín đồ mộ đạo Phật thấm nhuần kinh kệ. Vì ngoài cái siêu thoát,
cái từ bi hiền hòa của đạo, ca dao còn làm cho tâm hồn dạt dào tình cảm, đầy ắp tình người, chứa chan tình quê hương, trăng nước, ruộng đồng. Do đó, các vị Tôn Sư trên Yên Tử Sơn là những người sáng suốt, tiên phong
nghiên cứu võ thuật qua kho tàng ca dao của Dân Tộc. Các vị đó đã nhiều
lần tổ chức các cuộc họp bàn về vấn đề này với anh chị em trong nước.
Thầy cũng đã đến dự các cuộc họp này.
Sư Bà giọng trở nên u uất :
- Tuy nhiên vì tình hình khẩn trương của đất nước trong mấy năm nay khiến công việc khảo cứu này bị trì trệ rất nhiều.
Sư Bà thở nhẹ, rời đổi giọng hỏi :
- Mai Lan, trong vấn đề này con có ý kiến gì không ?
Mai Lan lúc này mới đổi lại thế ngồi, nàng quay lại đối diện với Thầy, thưa :
- Bạch Thầy, con thấy phần nhiều ca dao là những bài trữ tình thực khó tìm thấy được ý nghĩa võ đạo ở trong.
- Con nói rất đúng. Dĩ nhiên không phải bất cứ bài nào cũng mang ý nghĩa võ thuật, nhưng dưới con mắt của chúng ta, những người có một trình độ
võ học cao, cũng như còn đầy đủ dòng máu Lạc Việt trong người, biết rung động với tâm tình của ca dao, ta có thể có cơ hội khám phá ra những gì
mà Tổ Tiên chúng ta gói ghém trong đó, cũng như kẻ thấm nhuần Phật học
sẽ dễ dàng quán triệt được võ học chứa đựng trong kinh kệ.
Mai Lan bẽn lẽn :
- Con thực ngu muội.
Sư Bà Diệu Thanh hơi lắc đầu :
- Không phải chỉ có con mới lầm, mà chính cả ta, khi nghe các vị trên
Yên Tử Sơn cũng đã nghĩ như thế. Ðó là vì chúng ta quá lệ thuộc vào cái
nhìn nông cạn và quen thuộc về mối ràng buộc quá chặt chẽ và quen thuộc
giữa Phật học và Võ học.
Sư Bà Diệu Thanh mỉm cười, giọng tự tin :
- Ðể chứng tỏ cho con thấy điều thầy vừa nói với con là đáng tin cậy,
hôm nay thầy sẽ chỉ cho con một khám phá của thầy về nguồn võ học của
Dân Tộc ta trong ca dao.
Bà hơi nhắm mắt lại .
Con nhớ lại bài ca dao :
Trèo lên cây bưởi hái hoa
Bước xuống vườn cà hái nụ tầm xuân
Nụ tầm xuân nở ra xanh biếc
Em có chồng anh tiếc lắm thay
Tiếc gì một lá trau cay
Sao anh không hỏi những ngày em còn không
Bây giờ em đã có chồng
Như chim vào lồng, như cá cắn câu
Cá cắn câu biết đâu mà gỡ
Chim vào lồng biết thủa nào ra .
Trước hết, con hãy để ý đến nhạc tính của bài ca dao.
Con thấy thế nào . Phải, ngâm nó lên ta cảm được cái nhịp nhàng, cái
khích động của âm thanh, tiết điệu cần thiết và quá đủ khiến cho một vũ
công có thể nhảy múa được Từ đó, ta sẽ thấy được những động tác uyển
chuyển của cánh tay đưa lên, tượng trưng cho động tác với lên hái hoa
trên cành bưởi .
Mai Lan lắng nghe. Nàng đi từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác. Qua
lời giảng giải của Thầy, nàng thấy vấn đề còn sáng tõ hơn cả khi nghiên
cứu những đoạn võ kinh từ trong một pho kinh Phật.
Nhờ những kiến thức về Võ học của Mai Lan, nhờ sự dễ làm rung cảm của ca dao, hai thầy trò nghiên cứu một cách dễ dàng, thoải mái.
Sư Bà Diệu Thanh giải thích tiếp :
- Con cũng nhận thấy dễ dàng cái tính chất "buộc" của Võ thuật trong
đoạn đầu, cái đòn sát thủ của đoạn cuối . Nhưng theo thầy, cái hay nằm
trong cái "hư" của hai câu "nụ tầm xuân nở ra xanh biếc , em có chồng
anh tiếc lắm thay , đến cái "biến" thì thực là tuyệt "tiếc gì một lá
trầu cay, sao anh không hỏi những ngày em còn không ?
Nó vừa nhẹ nhàng vừa kín đáo, thôi thúc ta khai thác ngay cái hớ hênh,
cái thất thố của địch thủ để chiếm phần thượng phong. Chữ "tiếc gì" và
"không" dùng thực hay.
Sư Bà ngưng lại để Mai Lan thấm. Thực sự Sư Bà đã quá lo xa. Với trình
độ Võ học của nàng chỉ một gợi ý đã đủ cho nàng nhận thức được vấn đề,
được cái biến, cái hư, cái thực trong các tác động.
Sư Bà nhẹ nhàng đứng dậy, với những tác động rất uyển chuyển, không khác một vũ nữ biểu diễn vũ thuật, bà diễn lại những nhận thức võ thuật
tưởng như mơ hồ bằng động tác. Mười ngón tay lúc xòe ra, lúc co lại
không khác gì đang hái một bông hoa bưởi ở trên cao hay ngắt với một nụ
tầm xuân ở dưới vườn. Thực là đẹp mắt.
Hoa bưởi tám cánh, thì cầm nã thủ của con phải biến thành tám thức phù hợp với tám hướng .
Nói tới đâu, bà biểu diễn tới đó. Thực sự, từ xưa tới nay, những chân
kinh trong võ học đều chỉ là những câu gợi ý và mơ hồ. Sự thành đạt đều
do sự suy luận sáng suốt của người thầy cộng với sự thông minh của kẻ
thụ giáo.
Do đó, cũng một chân kinh, nhưng trình độ thành đạt của người luyện tập rất khác nhau.
Ðến lượt Mai Lan diễn lại bài võ hái hoa. Ðộng tác của nàng không còn là động tác của một môn sinh mà thực xứng đáng là một cao thủ.
Sư Bà đứng lược trận lòng thực khoan khoái thoả mãn. Hơi gió từ phía
nàng tỏa ra khiến Sư Bà Diệu Thanh thấy được sự thành đạt của cô học trò yêu quí .
Thế dứt điểm cuối cùng của bài võ khiến Sư Bà phải buột miệng :
- Mai Lan, thầy không ngờ được Võ học của Tổ Tiên ta cao thâm đến như
thế. Ðây, dầu sao cũng chỉ là bước đầu chúng ta lần mò trong khu rừng
huyền diệu của Võ học Ðại Việt ta. Bổn phận của con là phải bỏ thì giờ
nghiên cứu thực kỹ càng kho tàng Kinh Thi Lạc Việt (ca dao tục ngữ) để
khai quật những tinh hoa của nền Võ học nước nhà và truyền lại cho các
thế hệ sau .
Hai thầy trò bước ra bên khung cửa sổ. Bỗng từ mảnh trời bên kia khu
vườn, một cột khói đen cuồn cuộn bốc cao làm cả hai đều sửng sốt.
Cháy ở vùng Nam Môn.
Mai Lan khẽ nói :
- Con nghĩ là bọn giặc Minh đốt nhà dân mình đây.
Rồi nàng tỏ ra bối rối :
- Bạch Thầy, nhiều lúc con băn khoăn không biết với bản lãnh của chúng
con có đủ để giúp được nước, đuổi được quân xâm lăng không.
Sư Bà nhìn thằng vào mắt nàng nói rõ từng tiếng :
- Không. Võ nghệ của chúng ta chưa đủ và cũng không thể đuổi được giặc.
Nàng chợt nhớ ra điều gì, Mai Lan khẽ nói :
- Con hiễu Thầy muốn nói gì. Con được biết anh ấy có học Tôn Ngô Binh Pháp.
Sự Bà nhìn nàng lắc đầu :
- Không thể dùng Tôn Ngô Binh Pháp . Con hiểu không, thằng Trương Phụ nó hiễu binh pháp đó gấp mấy lần anh Dung. Binh pháp đuổi giặc giữ nước là binh pháp của Hưng Ðạo Ðại Vương. Con nghe rõ chưa ?
Mai Lan sáng mắt lên :
- Trời, Thầy thật là sáng suốt.
Nhưng nàng bỗng buồn bã :
- Nhưng chắc thầy đã rõ, cho đến nay không ai biết cuốn binh thư này thất lạc nơi đâu ?
- Không, con không thể thất vọng, con phải tìm cho bằng được nó và trao
nó cho những người đáng tin cậy nghiên cứu để tìm cách cứu dân cứu nước. Ðó là nhiệm vụ rất quan trọng mà con phải gánh vác.
Mai Lan nóng lòng như lửa đốt :
- Bạch Thầy, có lẽ con phải đi Vạn Kiếp một chuyến.
Sư Bà thương mến đặt tay lên vai nàng :
- Con nghĩ rất đúng. Mong Trời, Phật và Tổ Tiên dân tộc phù trợ cho con.
Bên kia cột khói mỗi lúc một lan rộng và bốc cao hơn.
Xa xa vọng lại những tiếng la hét, kêu cứu .
Thầy trò nhìn nhau buồn bã .
Cả hai đều im lặng một lúc khá lâu. Mỗi người theo đuổi những ý nghĩ riêng tư.
Mai Lan bâng khuâng lo lắng.
Ngày mai, ôi ngày mai đây những chông gai, những khổ đau nhục nhằn chồng chất. Hoàng tộc thì tan nát mỗi người một phương, suốt bẩy tám năm trời bị ruồng bắt, thủ tiêu. Không những thế, anh em trong nhà lại chia rẽ,
chống báng lẫn nhau. Nghiệp nhà thì vô vọng khôi phục vì nhân tâm đã xa
lìa chán ghét. Thậm chí có những người còn kết án tội làm xa đọa xã hội, ung thối uy quyền quốc gia, khiến kẻ nghịch thần có cơ khuynh loát,
thoán đoạt, hậu quả là đưa tới tình trạng nước mất nhà tan như hiện nay
là do sự trụy lạc cả tinh thần lẫn thể chất của các vua nhà Trần, trong
đó có cả Phụ Hoàng của nàng. Hy vọng cuối cùng của Trần gia hiện nay ở
trong tay anh em nàng.
Nhưng hỡi ơi, anh em thì mỗi người một phương. Kẻ ngu muội, cầu vinh ở
trong cánh tay gian ngoan, hiểm độc của giặc Minh , khiến nhân dân đã
chán ghét , nay lại thêm căm thù không tiếc lời nguyền rủa là loài "cõng rắn cắn gà nhà " , còn Quỹ , còn Khoách và nàng thì ở trong thế chạy
trốn sự truy tầm tiêu diệt , không những bọn Hồ Quí Ly, của giặc Minh mà cả của chính bọn anh em phản bội của mình. Cho đến giờ này, nàng càng
cảm thấy thông cảm thấm thía cái đau đớn tuyệt cùng của Lý Gia. Của vị
sư phụ kính yêu của nàng, khiến bất giác nàng không cầm được đôi hàng
châu lệ.
Sư Bà không bỏ sót từng cử chỉ của Mai Lan, rất đúng lúc, bà nói :
- Mai Lan, thầy muốn nói với con một lời tâm huyết cuối cùng trước khi
hai thầy trò ta chia tay , mà ngày hội ngộ không biết có hay không .
Chiến tranh thì càng lúc càng dữ dội, mà phần thắng đã cầm chắc trong
tay giặc. Số phận của thầy cũng như của con, của dân nước Ðại Việt rồi
đây sẽ như cá nằm trên thớt, không biết sẽ bị tiêu diệt lúc nào. Hy vọng cuối cùng của dân tộc ta là lớp người trẻ tuổi các con đó. Thầy xác
quyết là con bắt buộc phải trở thành rường cột của lực lượng phục Việt.
Giọng Sư Bà trở nên cương quyết :
- Phải, Thầy nhấn mạnh là Phục Việt chứ không phải Phục Trần . Con nghe
rõ không . Thời của Lý ngày xưa, của Trần ngày nay đã hết rồi. Chúng ta
phải mở một Trang Sử Mới. Ðừng coi Hồ là giặc, Lý là cựu thù, mà phải
coi đó là anh em là Dân Tộc Việt. Hãy bõ hết oán thù lấy gương Ðức Trần
Hưng Ðạo và Ðức Chiêu Văn Vương, Chiêu Minh Vương khi xưa đã biết quên
tư thù mà cùng chung lo việc nước, hết lòng cộng tác với nhau trong
những ngày đen tối nhất của dân tộc trước sức tấn công vũ bão của giặc
Nguyên. Bao năm qua con thụ giáo ta, ta rất hiễu tâm tư và nhân cách của con. Thầy rất hãnh diện đã có con là đệ tử. Các vị Tôn Sư Trần Gia trên Yên Tử, cũng như các vị Tôn Sư của Lý Gia trên Tiêu Sơn trong một cuộc
hội kiến gần đây cũng đã có những nhận định như thầy vừa nói với con, và các đệ tử của quý vị đó cũng sẽ theo những tôn chỉ này.
Mai Lan ngạc nhiên :
- Bạch Thầy, con chưa thấy Thầy nhắc tới Tiêu Sơn phái.
Sư Bà Diệu Thanh mỉm cười :
- Thực sự oán thù đã xóa bỏ từ rất lâu rồi con ạ. Với chúng ta Lý hay
Trần cũng chỉ là nhân sinh dưới đạo quang từ bi của Ðức Phật, cũng chỉ
là con dân của một nước Ðại Việt muôn đời hiền hòa và thương mến. Từ nay con sẽ trở thành một trong những người lãnh đạo phong trào phục Việt,
hãy hành động với tâm tình của một con dân Việt, với đạo huynh đệ đồng
bào. Hãy quên mình là Công Chúa Mai Lan nhà Trần. Ai sẽ là vị lãnh đạo
tương lai của Dân Tộc, đó là tùy ở sự nhận định sáng suốt của các con.
Hãy đoàn kết, quên tị hiềm nhỏ nhen mà chỉ tâm nguyện nghĩ đến Ðại
Nghĩa.
Quay về thực tại, Bà cao giọng :
- Trên bước đường giang hồ , võ nghệ là phương tiện phòng thân rất hiệu
nghiệm. Chỉ xử dụng khi thực cần thiết. Võ thuật không giúp ta trực diện đánh giặc, nhưng võ học là một điều cần thiết cho kẻ mưu đồ đại cuộc.
Nó giúp ta có được một thân thể sung mãn và một tâm hồn sáng suốt cao
thượng. Tôn Ngô Binh Pháp chỉ một phận nhỏ giúp ta, chứ không phải là
đủ. Những yếu tố thiên thời, địa lợi, nhân hòa của binh pháp đó không là Thời, Ðịa, Nhân của chúng ta. Lấy cái của người để áp dụng trên đất
mình là một sự vô cùng vô lý, nhất là lại dùng nó để chống với họ lại
càng thậm nguy hiểm hơn nữa, sự thất bại gần như cầm chắc trong tay. Vậy chỉ có Binh Pháp của ta, của Ðức Hưng Ðạo Ðại Vương là sẵn đủ những yếu tố tất thắng. Nhận thức được điều đó mà trong bao phen, quân dân ta đã
đại phá quân Nguyên, mà so với quân Minh ngày nay thì còn mạnh và thiện
chiến gấp trăm lần. Tiếc thay, triều đình các thời trước đã bỏ qua để
thất lạc cả bộ binh pháp vô cùng quí giá này.
Mai Lan ngẫm nghĩ một lúc, rồi thưa :
- Bạch Thầy, con nghe nói xưa kia Ðức Hưng Ðạo phổ biến nó tới tay hàng
binh sĩ, chứ không chỉ truyền cho các bậc Ðại Tướng không thôi. Nhưng,
sở dĩ trong nhân gian đã không còn là vì chính sách tận diệt ảnh hưởng
Trần Gia của Hồ Quý Ly mà ra. Con tin chắc là trong các tôn thuộc của
Trần Gia còn có vị lưu giữ nó. Con sẽ làm một chuyến đi sưu tầm ngay khi rời nơi đây. Con nghĩ Vạn Kiếp sẽ là nơi đầu tiên con sẽ tới: Các vị
trên Yên Tử Sơn gần như đã thoát tục, thành ra việc nhân sự thực chỉ làm rộn cho sự tu trì của các ngài.
Sư Bà lắc đầu :
- Con đừng nghĩ thế . Thầy cũng như quý vị trên Yên Tử Sơn, vì tuổi già, tuy không thể cầm thương lên ngựa chống giặc giữ nước như các con,
nhưng không phải là có thể làm ngơ trước vận nước điêu linh. Cái dũng
của tuổi trẻ các con hợp với cái trí của bọn già này, là những yếu tố
rất quan trọng trong việc mưu Ðại Cuộc. Ai điềm nhiên tự tại trong giờ
phút suy vong của giang sơn, dân tộc là thực kẻ đại bất trung với Tổ
Quốc. Hãy tin tưởng ra đi, Mai Lan.
Sư Bà nghẹn lời, đôi dòng lệ từ từ lăn trên má. Mai Lan thì hai mắt đỏ hoe .
Qua cơn xúc động, Sư Bà lau nước mắt, sẽ nói :
- Thôi chúng ta ra ngoài. Hôm nay Thầy có một ước hẹn với một người mà Thầy muốn con diện kiến.
Vừa lúc đó, có tiếng gõ cửa nhè nhẹ.
Sư Bà vỗ vai Mai Lan, an ủi :
- Thôi con, hãy tin tưởng nơi tiền đồ của Dân Tộc.
Hai thầy trò mở cửa bước ra đã thấy một ni cô trẻ đón ở ngoài.
Thấy hai người, ni cô cung kính thưa :
- Bạch Thầy, có Lê công tử đang đợi ngoài khách
Sư Bà đưa nhanh mắt sang Mai Lan, nói :
- Diệu Hoa, con đưa ngay công tử vào thư phòng.
Ni cô Diệu Hoa nhanh nhẹn lui gót, Sư Bà sẽ nói :
- Con đến thư phòng với thầy, thầy muốn giới thiệu người này với con.
Anh ta là con thứ của cụ Thái Học Sĩ Lê Thức. Lê, mất từ lâu, nhưng con
cái của ngài đều là những trang thanh niên khí phách hơn người.
Hai nguời đi về phía dãy nhà bên mặt. Căn thư phòng là nơi Sư Bà đọc sách, làm việc chùa. Căn phòng nhỏ nhưng rất ấm cúng.
Mai Lan quá quen thuộc với nó từ những ngày nàng qua đây để nghe giảng sách và giúp việc văn phòng cho Thầy.
Hai người ngồi xuống bên chiếc bàn nhỏ đầu phòng chờ đợi.
Không bao lâu có tiếng gõ cửa nhè nhẹ.
Sư Bà đưa mắt sang Mai Lan :
- Vào đi .
Cánh cửa nhẹ mở, ni cô Diệu Hoa lại nhường bước cho một thanh niên đi vào.
- Ðây là Mai Lan, cô học trò độc nhất của già này. Lan con, đây là cậu Lai, con trai Lê Học Sĩ.
Mai Lan mỉm cười nhìn sâu vào mắt chàng khiến chàng trai hơi lúng túng.
Sư Bà cố làm cho không khí trở nên thân mật :
- Con Lan đây cũng như người nhà, cháu cứ tự nhiên. Già cho Lan hiện
diện ở đây hôm nay cũng có ý giúp cho cả hai đạt được tâm nguyện.
Mai Lan thay thầy rót nước mời khách.
Sư Bà đi vào vấn đề :
- Mấy hôm nay cháu thấy tình hình trong, ngoài thành ra sao ?
Lê Lai mặt đầy khổ đau :
- Bạch Sư Bà, từ ngày giặc chiếm thành, bãi Tây bên Quang Phục Môn trở
thành pháp trường, ngày ngày hàng trăm đồng bào bị chúng hành quyết. Bọn Hồ núp trong bóng tối tố cáo người họ Trần, bọn nhà Trần thì lại ngang
nhiên dẫn giặc đi bắt những người mà chúng nói là cố tâm chống lại quan
"thiên triều" . Thực là hỗn loạn và là cơ hội để trả oán nhau. Quân giặc thì cứ giết, chúng không cần nghĩ sai hay đúng . Vì với chúng, chỉ là
người Việt là đáng giết rồi . Nhà cửa, của cải dân chúng thì bị cướp
bóc. Sáng nay, bốn dãy phố ở trước Doãn Môn bị thiêu rụi ..
Sư Bà thở dài :
- Năm xưa giặc Nguyên xâm lăng cũng không đến nỗi lầm than như thế, vì
toàn dân biết đoàn kết, đùm bọc, che chở cho nhau chứ đâu có cấu xé nhau như ngày nay.
Lê Lai mỉm cười, mai mỉa :
- Bạch Sư Bà, trong nội thành vài ngày nay lại xẩy ra một việc rất khôi hài .
- Gì thế cháu ?
Lê Lai thong thả nói :
- Một ông Hoàng nhà Trần đang lập Triều Ðình mới .
Mai Lan tái mặt . Tuy nàng biết ông Hoàng đó là Hoàng Tử Dương nhưng không ngờ hắn lại ngông cuồng đến thế .
Lê Lai giọng xác quyết :
- Vâng, bạch Sư Bà. Trước hết, quan cựu Tham Tri bộ Lý Bùi triều Ðức
Thuận Tông được lính đến dẫn đi , rồi nghe đâu được phong làm Thượng Thư Bộ Hình, rồi quan Thái Học Sĩ Trần Như Khải, triều Ðức Thuận Tông được
giữ chức Thượng Thư Bộ Lại . Sau nghe nói mấy vị này cũng tìm cách trốn
đi đâu mất . Cuối cùng đến "quan" Hành Tẩu Bộ Lại triều Ðức Nghệ Tông
được giữ chức Thượng Thư Bộ Lại thay Trần Học Sĩ . Thực thời thế đảo
điên .
Mai Lan uất ức :
- Tên Hành Tẩu mà giữ chức Thượng Thư ! Mạt vận, mạt vận !
Lê Lai giải thích :
- Thì chị tính, bây giờ còn ai nữa đâu mà chẳng thế . Ít nhất quan tân
Thượng Thư cũng biết chạy giấy tờ đi chỗ này chỗ nọ . Chỉ vài bữa nữa
thôi là sẽ có một triều đình hẳn hoi và nội thành lại vang câu tung hô
vạn tuế Trần Hoàng Ðế .
Mai Lan xám cả mặt.
Sư Bà biết Lê Lai không biết lai lịch của Mai Lan nên không biết giữ lời . Bà gạt sang truyền khác :
- Ðủ rồi cháu . Ta cũng biết tình hình rồi sẽ như thế . Bọn họ muốn lập
một triều chính chờ đợi giặc Minh tấn phong. Thật là ngu muội !
Rồi bà hạ thấp giọng thân mật :
- Còn việc cháu, hôm nay già có thể giúp cháu được gì đây ?
Lê tỏ vẽ đau khổ :
- Bạch Sư Bà, Sư Bà cũng đã biết chí của con. Con không thế nào ở yên
đây để trông thấy cái cảnh đồng bào ngày nay bị sát hại, bọn vong nô bầy cảnh chướng mắt. Con quyết đi một chuyến tìm những kẽ đồng chí hướng để làm một cái gì cứu nước, cứu dân . Nhưng xét thấy mình tài hèn sức mọn, mà anh hùng nơi đâu cũng không biết mà đến . Bạch Sư Bà, khi Thầy con
mất đi, có nói lại một câu là nếu lúc nào gặp điều không giải quyết được thì đến thỉnh ý Sư Bà . Vì thế con mới xin gặp Sư Bà ngày hôm nay.
Sư Bà mỉm cười, như đã có tiên kiến, bà rút trong ngăn ra một phong thư, trao cho Lê :
- Già này là bạn cố tri của thân phụ cháu . Ðã từ lâu già này đợi có
ngày hôm nay. Cháu hãy đem thư này lên Yên Tử Sơn hội kiến với các anh
em trên đó.
Nhìn về phía Mai Lan một cách bí mật. Bà tiếp :
- Nhân tiện, già cũng nhờ cháu hộ tống giùm Mai Lan qua ngã Vạn Kiếp có chút việc trước khi đi Yên Tử Sơn .
Lê Lai hăng hái :
- Cháu xin tuân lệnh .
Như để dứt câu chuyện, Sư Bà nói :
- Ta dùng đường thủy, vượt trường giang thì an toàn hơn là đường bộ. Nội ngày mai các con sẽ lên đường.
Bên ngoài nắng đã lên khỏi ngọn cây.
Sư Bà ra hiệu cho Mai Lan cùng đứng dậy, rồi quay sang Lê, giọng thân mật :
- Cháu ngồi đây chờ già một chút nghe.
Lê Lai lễ phép :
- Xin vâng.
Cánh cửa nhẹ khép kín sau lưng.
Sư Bà đưa Mai Lan vô phòng riêng, rồi nói :
- theo thầy, ba thầy trò con nên cải nam trang trong chuyến đi này có lẽ tiện hơn. Bây giờ thời buổi nhiễu nhương, mình càng tránh được bao
nhiêu phiền phức thì hay bấy nhiêu.
Mai Lan khẽ nói :
- Bạch Thầy, con cũng có ý đó.
Rồi nàng ngập ngừng tiếp :
- Và con cũng xin phép Thầy cho chúng con đi ngay chiều nay. Những giây
phút ở bên Thầy lúc này thật là quý báu vô cùng . . . Sau này nghĩ lại
chắc chắn con sẽ rất hối tiếc . Nhưng tình thế thay đổi từng giờ, từng
phút, mỗi lúc một thêm khẩn trương phiền lòng con thực không yên.
Sư Bà ngậm ngùi :
- Con nghĩ rất phải. Anh em ở ngoài kia cũng đang kỳ vọng rất nhiều ở
con. Nhưng ý kiến của Thầy con cũng nên suy nghĩ. À, Lai là kẻ có tâm
huyết, có chí khí, nhưng võ học còn non kém, con hãy chiếu cố đến hắn.
Thôi con vào sửa soạn hành trang đi thì vừa.
Sư Bà quay đi, bỗng ngưng lại, bảo Mai Lan :
- À này quên Mai Lan . Trình độ võ công của hai con Cúc, Hồng thể nào ?
Mai Lan ngừng trước cửa phòng, thưa :
- Bạch Thầy, chúng cũng tàm tạm thôi, con nghĩ may ra ngang tay với bọn Lê Ban, Vũ Thắng.
Sư Bà ngẫm nghĩ rồi gật đầu :
- Thế cũng là tốt rồi.
Ðợi cho Mai Lan vô phòng, Sư Bà đi về phía nhà trai. Ở đây người trong
chùa đang xép thực phẩm để mang ra phát chẩn cho đồng bào tỵ nạn ngoài
chùa.
Thấy Sư Bà ra, một ni cô trình :
- Bạch Thầy, mọi thứ đều đã sẵn sàng, bao giờ Thầy đi ạ
Sư Bà khẽ lắc đầu :
- Hôm nay Thầy bận, con và Diệu Thuận đi thôi. À, gọi hai chị Cúc, Hồng lên đây thầy bảo.
Ni cô vâng dạ ra ngoài, không lâu, Cúc, Hồng đã vào đến nơi, hai cô lễ phép :
- Bạch Sư tổ dạy chi chúng con ?
Sư Bà ra hiệu hai nàng đến góc phòng, kín đáo nói :
- Trong thời gian sắp tới, Thầy trò các con sẽ rất vất vả, cũng như sẽ
gặp rất nhiều hung hiểm. Vậy các con hãy ráng bảo vệ Cô các con. Mình
nên hết sức tránh những đụng độ không cần thiết, và chỉ để cô các con ra tay những khi thực nguy hiểm mà thôi. Mà đã ra tay thì dùng ngay đòn
sát thủ để tránh kéo dài thời gian. Ta là người tu hành mà nói điều này
với các con thực không phải, nhưng Ðức Như Lai cũng sẽ quảng đại với
chúng ta trong lúc cần quyền biến .
Cúc khảng khái thưa :
- Chúng con xin ghi lòng lời dạy của Tổ mẫu. Xin thưa để Tổ mẫu yên lòng là thà chúng con chết trước mắt cô chúng con còn hơn thấy người bi hại.
Sư Bà vỗ vai hai nàng an ủi :
- Ðược thế thì thực quí. Ta rất yên lòng. Thôi các con cũng thu xếp để chiều nay các con rời nơi đây .
Tuy là gái, nhưng hai cô thể nữ rất bình tĩnh trước những biến chuyển đột ngột của hoàn cảnh.
Hai nàng lặng lẽ cúi đầu chào Sư Bà lui ra ngoài.
Còn lại một mình, Sư Bà mới cảm thấy lòng mình thực xao xuyến. Những lúc này, bà hận mình đã quá già.
Trước cảnh quốc biến mà không được cầm thương lên ngựa xông pha trước
trận tiền tiêu diệt quân giặc xâm lăng với đám người tuổi trẻ thì thực
là điều rất đáng tiếc .
Bỗng một ni cô đi vào trình :
- Bạch Thầy, có Lê phu nhân xin được gặp Thầy.
Sư Bà khẽ gật đầu, rồi nói :
- Con đưa bà vào đây.
Một lát sau, ni cô đưa vào một cụ bà trạc ngoài năm mươi, đáng người quí phái nề nếp.
Sư Bà vội ra đón khách, thân mật :
- Bà chị đến tìm cháu Lai ?
Cụ bà mặt trầm trầm như sắp muốn khóc :
- Bạch Sư Bà đúng thế. Cháu nó đi mà chỉ để mấy chữ từ biệt. Con cũng đoán là cháu nó sang đây .
Sư Bà ái ngại, nắm tay bà an ủi :
- Thôi bà chị cũng đừng buồn . Thời buổi này mà có được người con có chí khí và hiểu biết như cháu Lai thì thực là một điều đáng hãnh diện. Bọn
chúng ta đã là đám bõ đi rồi, giang sơn đất nước này cũng chỉ còn hy
vọng ở thế hệ các cháu mà thôi.
Bà Lê phu nhân cũng cảm thấy nỗi buồn của mình được người chia xẻ, gắng gượng đáp :
- Vâng, thì con cũng đâu có ý ngăn cháu. Tuy nhiên thân già chỉ còn mình nó là trai thành ra cũng cảm thấy thực ngậm ngùi .
Rồi như thể tự an ủi mình, bà tiếp :
- Bạch Thầy, như quan Bảng Nhãn Nguyễn Phi Khanh nghe đâu cũng đã bị
giặc bắt . Nhà cửa thì bị cướp phá, tiêu hủy, mà gia đình vợ con tan nát mỗi người một phương, thật là tội nghiệp.
Sư Bà thật xúc động khi nghe tin này :
- Thế ư, thực tiếc. Tôi cũng có quen với gia đình bên đó . Ngài Bảng
Nhãn tuy có giúp Hồ nhưng lòng ngài thực ngay thẳng . Vả nhất là đám con cái thì rất đáng ca ngợi. Rồi như có chủ ý, bà tiếp :
- Thôi bà chị cũng ráng nuốt nỗi buồn để an ủi cháu lúc này. Cánh già
chúng mình ở nhà thì hãy cầu xin Trời Phật độ cho chúng hắn được toại
nguyện . Ðể tôi đưa bà chị gặp cháu .
Lê Lai thực bình tĩnh khi gặp mẹ chàng.
Bà cụ chẳng nói được gì, chỉ nghẹn ngào nắm tay con.
Lai an ủi :
- Mẹ đừng khóc nghe mẹ. Con cũng đã được hầu hạ mẹ hai mươi năm nay rồi . Nay thì trước cơn quốc biến con có ở nhà cũng chúng giúp gì được cho
gia đình mà lại thẹn với anh em đồng trang lứa.
Lúc lâu, bà cụ mới sẽ hỏi :
- Vậy lúc nào có thề được con cũng nên về thăm nhà.
Lê Lai hơi mỉm cười, giọng thực chững chạc :
- Mẹ hãy quên chuyện nhỏ mọn ấy đi. Khi nào mẹ thấy quân xâm lăng bị
quét sạch khỏi bờ cõi, ngày đoàn quân chiến thắng về tái chiếm Cố Ðô
Thăng Long này, thì kẻ cầm cờ đi ngựa trắng đầu tiên sẽ là con đó .
Một cố gắng cuối cùng của một người mẹ đau khổ :
- Con Vân Khanh cũng đi với mẹ đến đây, con cũng nên ra an ủi nó một chút . Cả đêm hôm qua nó sầu khổ, ngẩn ngơ .
Như đã có chủ ý, Lê Lai gạt đi :
- Thôi mẹ ơi .
- Dù sao nó cũng . Nếu không xây ra chiến tranh nó cũng đã là vị hôn thê của con . Con cũng đừng nên quá vô tình với nó.
- Không phải thế, nhưng những lúc này con không muốn gặp nàng . Mẹ cứ
nói là con không có ở đây . Thôi mời mẹ về nghỉ . Thấy mất lâu rồi, chắc nhà mình cũng không bị cảnh ân oán . Nhưng nếu có gì mẹ cũng nên vào
Báo Thiên Tự đây để lánh nạn. Ðược thế con sẽ rất yên tâm .
Bà cụ sụt sùi mở tay nải, lấy ra một bọc vải :
- Ðây, mẹ còn ít bạc, con nên mang đi để phòng khi cần đến .
Lai lắc đầu :
- Mẹ đừng lo cho con , thân trai đi đâu chả sống. Với lại mai đây con
còn đồng đội . .. con chằng bao giờ cần đến thứ đó. Con nghĩ mẹ nên dành lại để đến lúc cần có chi dùng , nhất là thời buổi này . Mẹ nói với các chị Thanh, Nhàn con xin gởi lời từ biệt .
Biết chí con đã quyết, bà cụ buồn bã cất bọc tiền đi.
Hai mẹ con gạt nước mắt chia tay.
Ngoài Bắc, không có thời gian nào đẹp bằng những buổi sáng đầu hè , khi
những tia nắng thủy tinh đầu tiên làm tan dần lớp sương mồng thì cảnh
vật trở nên rực rỡ trong sáng vô cùng . Cây cối xanh mướt, tràn đầy sức
sống trong sự trưởng thành, như muốn vươn lên, với niềm hãnh diện tột
cùng trong ánh nắng lung linh, giữa muôn tiếng chim ca, gió lá dạt dào .
Lê Lai yên lặng nhìn cảnh vật bên ngoài lòng ngổn ngang trăm mối .
Bữa ăn tiễn biệt diễn ra tại trai phòng chùa Báo Thiên vào tối hôm đó.
Sư Bà Diệu Thanh là người rất chu đáo, tế nhị . Bà đã đưa cho Cúc một số vàng bạc khá lớn. Bà không muốn Mai Lan nghĩ ngợi về việc này nên dặn
hai cô thể nữ cứ giấu nàng, cho đến khi nào không thể được nữa hãy cho
nàng hay.
Dưới ngọn đèn khuya, bữa ăn thực thanh đạm, mà cũng thực ảm đạm.
Ni cô Diệu Thuận vừa dùng cơm, vừa thuật lại những chuyện nghe được buổi sớm ở bên ngoài. Sau trận Hàm Tử Quan, quân nhà Hồ hầu như đã tan rã.
Hồ Quý Ly và vua Hồ Hán Thương đã chạy về Nghệ An. Quan An Phủ Sứ Bắc
Giang là Nguyện Hy Chu bị giặc bắt được, dụ không hàng đã bị chúng giết. Quân Minh, đường thủy có Liễu Thăng, đường bộ do chính Trương Phụ, Mộc
Thạnh chỉ huy đuổi theo quân nhà Hồ rất gấp. Triều đại nhà Hồ chỉ còn
tính trong ngày giờ mà thôi. Tiền giấy do Hồ phát hành càng lúc càng mất giá. Mọi người đổ cả ra để mua vàng, bạc tích trữ đến độ gần như trở
thành mớ giấy lộn.
Mấy hôm nay, hai ba chiếc tầu chở người chạy loạn bị đắm ngoài khơi
khiến hàng vạn người bỏ xác, làm mồi cho cá. Chiến thuyền của giặc Minh
tuần tiểu ven biển gặp tàu tỵ nạn tha hồ cướp bóc, hãm hiếp , dân tình
thực khốn khổ.
Nghe những tin xấu trên, mọi người đều buồn bã . Dù có ghét cha con Hồ
Quý Ly, nhưng trước cảnh xâm lăng, tàn sát đấng bào ruột thịt của giặc
Minh, ai cũng cảm thấy căm gan tím ruột.
Sư Bà quay sang Mai Lan, dặn dò như người mẹ hiền khuyên nhủ con gái cưng :
- Mai Lan ơi, tình thế rất thất lợi cho chúng ta, lúc này con phải cẩn
thận lắm mới được . Ði đường thủy hay đường bộ cũng phải tính toán cho
kỹ, nghe con.
Rồi liếc sang Lê Lai ở đầu bàn, bà thân mật :
- Cháu chiếu cố đến nàng giùm ta .
Lai khảng khái :
- Bạch Sư Bà, con xin hết lòng .
Ðã đầu canh hai . Mọi người như bừng tỉnh, Sư Bà là người đầu tiên nhắc :
- Các con lên đường là vừa.
Bà đứng lên, ra chờ ở giữa trai phòng.
Hai cô thể nữ khoác hành lý lên vai một cách rất gọn gàng và nhanh nhẹn, khiến mọi người có cảm tưởng như các nàng rất quen thuộc với những
chuyên đi bất ngờ như thế.
Lê Lai cũng tay nải khoác vai đứng sẵn, chờ đợi.
Mai Lan vội quỳ xuống lạy thấy ba lạy, nước mắt rưng rưng.
Sư Bà vội đỡ nàng lên, nghẹn ngào, nói rất sẻ :
- Công chúa hãy bảo trọng mình vàng. Già xin vĩnh biệt .