Gần một tháng trước đây, ngày nào
chùa cũng vui như hội. Tin tức từ Trường An gửi về báo cho biết Giản
Ðịnh Vương Quĩ đã xưng đế hiệu Giản Ðịnh Hoàng Ðế để tiếp nối nghiệp nhà và hô hào toàn dân vùng dậy đánh đuổi quân Minh xâm lăng. Bảy năm qua,
quốc hiệu Ðại Việt bị đổi thành Ðại Ngu, nay con cháu Trần Gia dựng lại
đại nghiệp cũ, nước Ðại Việt lại được sáng ngời sử xanh . Không những
mọi người trên Yên Tử Sơn hứng khởi, mà chắc chắn người dân Việt nào còn chút chí khí cũng đều vui mừng vì cuộc khởi nghĩa này. Trong chùa xôn
xao, xóm dưới chân núi xôn xao , và ngay cả các bọn lính Minh trấn đóng
trong vùng cũng xôn xao không ít. Sự canh phòng trở nên nghiêm ngặt hơn, các cửa hàng phải đóng cửa từ lúc chưa tối .
Ngay những ngày đầu nhận được tin sớm hơn quân Minh tại vùng này nhờ
những cánh chim thư, các thanh niên đang được huấn luyện trên Yên Tử,
cũng đều bàn tới việc xuôi Nam để gia nhập đoàn quân kháng chiến. Họ
muốn đi thực sớm để tránh việc quân giặc tăng cường sự kiểm soát dọc
đường. Dù đã bàn bạc với nhau về thời điểm thuận lợi nhất cho công cuộc
kháng chiến, nhưng lúc này, cả các vị Ðại Sư lẫn Mai Lan cũng không đủ
lý do để ngăn cản những thanh niên với bầu nhiệt huyết, quyết xả thân vì giang sơn, giống nòi.
Hơn năm mươi người đã tạ từ lên đường dưới sự hướng dẫn của Trần Thanh.
Hôm lên đường, Mai Lan vô cùng cảm thương, vì nàng lo cuộc ra đi thực
khó có ngày về !
Rồi vài ba ngày, Yên Tử lại nhận được tin chiến thắng . Ðám thanh niên sau hơn mười hôm cũng đã tìm được tới nơi họ mong muốn .
Như mọi buổi chiều, kể từ ngày về Yên Tử Sơn, Mai Lan thường sang trao đổi tin tức và bàn luận với Chân Giác Ðại Sư.
Hôm nay có mặt cả Thuần Giác Ðại Sư là vị sư phụ đang huấn luyện võ nghệ cho đám thanh niên từ Thăng Long về đây. Ðám thanh niên còn lại, trong
đó có cả Lê Lai và Giác Huệ đang đề nghị xuôi Nam. Các đại sư bây giờ
cũng có khuynh hướng dồn hết nỗ lực giúp quân kháng chiến , vì Giản Ðịnh Ðế trót đã phóng lao rồi, mọi người phải theo lao với Ngài.
Trước khay trà trong tiểu đình tại hoa viên của Chùa, hai nhà sư đang
tính kế hoạch làm cách nào để tới Trường An sớm nhất. Tiền của chín chùa trên Yên Tử còn lại, kỳ này quyết bỏ ra hết đễ mua vật dụng, khí giới
và ngựa cho chuyến đi nầy. Thuần Giác Ðại Sư tình nguyện đưa nhóm thanh
niên này xuôi Nam.
Thuần Giác Ðại Sư là nhà sư trẻ tuổi nhất trong số các vị cao tăng của
Yên Tử Sơn . Năm nay Ngài chưa tới năm mươi vừa tráng kiện vừa võ nghệ
cao cường, lòng Chân Giác Ðại Sư nhìn sự phấn khởi của Thuần Giác rồi
lại thấy Mai Lan nét mặt trầm trầm, Ngài thấy phân vân trong lòng , nên
hỏi :
- Công Chúa thấy có gì bất ổn trong vấn đề đi tiếp ứng Hoàng Thượng ?
Mai Lan thấy có sự khác lạ trong cách xưng hô với Giản Ðịnh Vương trong ngôn từ của Chân Giác, nàng miễn cưỡng đáp :
- Bạch thày , con chỉ tiếc rằng mình cưa tìm thấy cuốn binh thư . Chống
lại với những tên danh tướng của Minh triều như Trương Phụ , Lã Nghị mà
mình không có một chiến lược khai thác được mọi khả năng của bên mình,
những chiến thuật hữu hiệu có thể qua mặt được
những tên cáo già này tại mặt trận , con chỉ e sợ rằng mình sẽ bị đẩy vào tình trạng thụ động mà thôi .
Chân Giác nhìn xuống ly trà chưa cạn trên tay, khẽ lắc đầu :
- Công Chúc nghĩ như thế cũng có lý . Nhưng chúng ta đã cố công tìm kiếm , rất tiếc chưa thấy được binh thư mà tình trạng trong Trường An thì
ngày một khẩn trương, chẳng lẻ chúng ta khoanh tay chịu trận ?
Mai Lan ngập ngừng nói :
- Trên Yên Tử Sơn có lưu giữ bản đồ lăng đức Hưng Ðạo Vương không ạ ?
Thuần Giác khẽ la lên :
- Công Chúa muốn tìm binh thư cất dấu trong lăng của Ngài ?
Chân Giác đặt vội chén nước xuống, ngững đầu lên nhìn hai người :
- Ðúng. theo tương truyền thì lăng của Ðại Vương rất lớn, nằm sâu dưới
lòng đất, ở một nơi nào đó trong rừng An Lạc, có chứa tất cả những di
vật của Ngài , nhưng tiếc rằng trên Yên Tử cũng không có cái bản đồ lăng này.
Ngừng một lát, Chân Giác Ðại Sư chợt khẽ la lên :
- Ở chùa Siêu Loại .
Mai Lan ngắt lời :
- Chùa Siêu Loại lại có thể có cuốn binh thư ?
Chân Giác gật đầu :
- Thầy cũng đoán như vậy thôi , vì chùa Siêu Loại là nơi khởi nguyên của Trúc Lâm phái . Ngay khi trên Yên Tử nhận được mật thư của Công Chúa
thông báo về việc giặc sẽ tịch thu kinh sách trong các chùa của ta, thầy cũng đã tin cho chùa Siêu Loại , hy vọng tin đã tới kịp
trước khi giặc ra tay .
Mai Lan lẩm bẩm :
- Siêu Loại .. Siêu Loại ..
Thuần Giác quay sang Mai Lan, nói :
- Công Chúa, cứu binh như cứu hỏa , mình cứ lo việc trước mất đã còn
việc tìm binh thư cần phải có thời gian , vả lại nói thiệt chứ chưa chắc gì ở Siêu Loại đã tàng trữ một cuốn sách không phải là kinh Phật như
vậy .
Mai Lan đành đáp xuôi :
- Thôi được , các thầy đã định như vậy, thì mình cứ tiến hành chương trình của mình đã vạch.
Sau lời nói của Mai Lan, bỗng có nhiều tiếng hoan hô ngay cạnh viên đình làm ba người ngạc nhiên. Thì ra đám thanh niên đã ra hoa viên từ lâu ,
họ đang lo lắng theo dõi câu chuyện của các vị . Nay thấy Mai Lan không
phản đối việc họ ra đi khiến mọi người đều mừng vui .
Mai Lan cảm thấy rất an ủi vì biết bao người còn hướng về Trần Gia một
cách nhiệt thành như vậy , ngoài sự mong ước của nàng . Phải chăng nàng
quá lo xa, vì theo tin về, quân nhà Trần đang thắng thế trên chiến
trường .
Nhưng bỗng Chân Giác hỏi :
- À, mà mấy bữa rồi, không có chim thư về vậy ?
Một việc quan trọng . Mọi người nhao nhao đi tìm chú Tịnh, người phụ trách việc nuôi chim thư.
Chú Tịnh tới, tất cả đều hướng về chú chờ đợi câu trả lời :
- Bạch thầy, đã năm ngày, không có chim về .
Mai Lan gật đầu, vì chính nàng cũng đang băn khoăn về truyền này. Nàng nhìn sang Chân Giác Ðại Sư :
- Bạch thầy, như vậy có gì là bất thường không ?
Chân Giác lắc đầu :
- Chẳng có gì cả . Tại mấy ngày gần đây mình nhận được thư luôn nên mới
thấy năm ngày là lâu . Trước đây, có khi cả hai mươi hôm mới có một lần .
Nhờ lời nói của Chân Giác Ðại Sư, tình hình cũng đỡ căng thẳng hơn .và
mọi người lại phấn khởi vì ngày lên đường .. Thuần Giác Ðại Sư cáo từ
đưa nhóm thanh niên về chùa Hoa Yên của Ngài ..
Còn lại một mình với Chân Giác Ðại Sư, Mai Lan nhìn ra xa, nói :
- Bạch thày, con muốn đi Siêu Loại một chuyến .
Chân Giác Ðại Sư biết Mai Lan không từ bõ ý định đi tìm cuốn binh thư, nên nói :
- Cũng được .. Cuộc kháng chiến chắc còn gay go . Chúng mình mỗi người
lo một việc . tất cả cũng đều vì đại nghĩa mà thôi .. Chuyện xuôi Trường An đã có Thuần Giác, trên Yên Tử Sơn đã có thầy, còn Công Chúa về Siêu
Loại cũng là chuyện cần và quan trọng .
Buổi chiều đông trời tối sớm . mới qua giờ thân sương đã giăng đầy vườn hoa. Chân Giác đứng dậy :
- Trời đã trở lạnh . mình vào nhà đi Công Chúa .
Mai Lan đứng dậy theo Chân Giác vào trai phòng.
- Bao giờ Công Chúa định lên đường ?
- Bạch thầy, con cũng chưa định, nhưng chắc không lâu Con sẽ đưa Cúc và Lê Lai theo .,..
Trong chùa, các tiểu đã lên đèn. Cúc cũng vừa ở bên Vân Yên sang đón, Mai Lan cáo từ Chân Giác Ðại Sư ra về .
Ba hôm sau, hơn bốn mươi thanh niên thiếu nữ trên Yên Tử Sơn đã tập
trung bên chùa của Chân Giác Ðại Sư để lên đường. Ngay từ buổi sáng, Mai Lan cũng đã sang bên đó với Chân Giác và Thuần Giác Ðại Sư để tiễn chân họ. Nàng đi gặp từng người một để an ủi, vỗ về họ.
Nàng thật cảm động khi thấy ai ai cũng quyết một lòng chiến đấu chống kê thù chung của dân tộc . Nhìn những bộ mặt trẻ măng, hớn hở của họ,
trong thâm tâm Mai Lan thấy buồn vô hạn . vì không biết ngày nào nàng
còn gặp lại những con người hào hùng đó .
Buổi cơm trưa thực rộn rã ..
Chân Giác Ðại Sư vừa báo cho Lê Lai biết chàng không có tên trong đoàn người xuôi Nam làm chàng vô cùng buồn bã .
Lai tìm Mai Lan, nàng cho biết chuyến đi của nàng còn quan trọng và vất
vả gấp nhiều lần việc vào đầu quân với Ðức Giản Ðịnh Ðế .
Lê Lai cũng đã hiểu truyền, nhưng buổi trưa, đứng nhìn đoàn người ngựa
ra đi giữa tiếng reo vang, đầy phấn khởi chiến chàng không khỏi tiếc hận ..
Buổi chiều, sau khi đoàn người đã ra đi, chùa trở nên vắng lặng vô cùng. Mai Lan một mình thẫn thờ dạo bước quanh hoa viên. Mọi việc ở đây vừa
coi như đã tạm giải quyết xong, thì nàng lại bỗng cảm thấy trong mình
mệt mõi lạ thường. Những lúc bận rộn, làm việc hăng say như quên hết mọi chuyện riêng của mình , đến khi rãnh rổi thì bệnh tật ở đâu kéo đến .
Mấy lúc gần đây nàng thường có những cơn ho buốt ngực , buổi chiều người lại gai gai sốt .
Ðó là những triệu chứng không tốt . Dù sao nàng cũng chỉ là một thiếu nữ , trãi qua quá nhiều phong sương , vất vả, lo âu trùng trùng, cơ thể
rồi cũng không tránh khỏi mòn mỏi yếu đau .. Nghĩ đến những chuyến đi
sắp tới .Siêu Loại . hay đâu nữa, Mai Lan cũng không khỏi lo lắng vì
tình trạng sức khõe yếu kém hiện tại của mình.
Gió lên - Mai Lan hơi rùng mình ho khan . Mây đen từ hướng đông ùn ùn
kéo tới . cảnh vật trở nên thực ảm đạm . Mai Lan sực nghĩ tới đoàn thanh niên thiếu nữ vừa xa lìa, bây giờ họ đang ở đâu, làm gì .. Nàng nhớ lại từng khuôn mặt của họ mà cảm thấy lòng không yên vì thấy có phần trách
nhiệm khi đưa đẩy họ vào vùng khói lửa lao lung mà sự hung hiểm không
thể lường được .
Bất giác nàng thở dài não nuột . . . .
Chợt có cánh chim chao trước mặt, Mai Lan giật mình chạy theo . Con chim rớt ngay trước viên đình .
Con con chim thư ? Mai Lan mừng rỡ bắt nó lên, nhưng con bờ câu chỉ khẽ giật lên mấy hồi rồi chết !
Mai Lan vội gỡ thư buộc ở chân chim ra. Nàng đọc nhanh bức thông điệp
ngắn ngủi bằng ám ngữ của quân kháng chiến mà trán rịn mờ hôi : " Vườn
không - Nhà trống. Phải theo dấu chim hồng ! " Thế có nghĩa là quân ta
đã hết lương thảo, thiếu khí giới và đang phải chạy về
phương Nam ! Nguy to rồi !
Trời bỗng như xụp xuống ! Mai Lan vừa chạy vào chùa, vừa la lớn :
- Thày . . . Thày . . .
Nhưng khi Chân Giác Ðại Sư từ trong tiền điện hốt hoảng đi ra thì Mai Lan đã nằm bất tỉnh trên thềm chùa !
Cuối Ðông 1988
Hồ Linh
Vài nét về Tác GIả .
Hồ Linh tên thật là Vũ Ngọc Anh . Sinh năm 1939 tại Phát Diệm , tỉnh
Ninh Bình, Bắc Việt. Cao học Kinh Tế , cựu Luật sư Tòa Thượng Thẩm Sai
gòn.
Ông đã viết văn từ khi còn ở quê nhà. Khởi đầu năm 1960 với truyền dài
dã sử "Cung Miếu Triều Xưa " đăng trên tạp chí Giáo Dục Phổ Thông ký bút hiệu Thiện Khánh , và tập tùy bút " Thương Lan mùa thu " ký tên thật.
Qua Hoa Kỳ từ 1975. Hồ Linh đã viết được 4 tác phẩm mới : truyền dài dã
sử "Tao Loạn" , truyền dài "Những Ngày Ðẫm Máu . 2 tập truyền kinh dị
"Ma Cỏ và "Thung Lũng Ma " .
Trong những năm lưu vong ở hải ngoại. Ông đã từng là Chủ Nhiệm hoặc Chủ
Bút các tạp chí Quê Hương , Kinh Doanh, Trống Ðồng và Nhà Tôi .
Ðồng thời truyền của Hồ Linh đăng trên báo chí Việt Ngữ khắp năm châu đã được độc giả đón nhận nồng nhiệt.