Tam Quốc Diễn Nghĩa

Chương 001

HỒI 1

Tiệc vườn đào, anh hùng kết nghĩa;

Chém Khăn Vàng, hào kiệt lập công.

Thế lớn trong thiên hạ, cứ tan lâu rồi lại hợp, hợp lâu rồi lại tan: Như cuối đời nhà Chu, bảy nước tranh giành xâu xé nhau rồi sau lại hợp về nhà Tần. Đến khi nhà Tần mất, thì Hán Sở tranh hùng rồi sau thiên hạ lại hợp về tay nhà Hán.

Nhà Hán, từ lúc vua Cao tổ (Bái Công) chém rắn trắng khởi nghĩa, thống nhất được thiên hạ, sau vua Quang Vũ lên ngôi, rồi truyền mãi đến vua Hiến Đế; lúc bấy giờ lại chia ra thành ba nước.

Nguyên nhân gây ra biến loạn ấy là do hai vua Hoàn đế, Linh đế. Vua Hoàn đế tin dùng lũ hoạn quan, cấm cố những người hiền sĩ. Đến lúc vua Hoàn đế băng hà, vua Linh đế lên ngôi nối nghiệp; được quan đại tướng quân Đậu Vũ, quan thái phó Trần Phồn giúp đỡ. Khi ấy, trong triều có bọn hoạn quan là lũ Tào Tiết lộng quyền. Đậu Vũ, Trần Phồn lập mưu định trừ bọn ấy đi, nhưng vì cơ mưu tiết lộ nên lại bị chúng nó giết mất. Từ đấy, bọn hoạn quan ngày càng bạo ngược.

Ngày rằm tháng tư năm Kiến Ninh thứ hai (một trăm sáu mươi bảy dương lịch) vua ngự điện Ôn Đức. Tự nhiên có cơn gió to ầm ầm từ góc điện nổi lên, rồi thấy một con rắn xanh lớn ở trên xà nhà quăng xuống quằn quại trên long án. Vua kinh hoàng ngã đùng ra, các quan tả hữu vội cứu vực vào cung; ở ngoài văn võ cũng sợ chạy cả. Được một lát con rắn biến mất và bỗng nhiên mưa to, sấm sét ầm ầm; lại thêm mưa đá rào rào mãi đến nửa đêm mới tạnh, đổ nhà đổ cửa không biết bao nhiêu mà kể.

Tháng hai, năm Kiến Ninh thứ tư (một trăm sáu mươi chín) tỉnh Lạc Dương có động đất, nước bể dâng lên ngập lưng trời, dân cư ở ven bể bị sóng lớn cuốn trôi đi mất cả.

Năm Quang Hóa thứ nhất (một trăm bảy mươi tám), một con gà mái tự dưng hóa ra gà trống. Mồng một tháng sáu năm ấy, một luồng khí đen dài chừng hơn mươi trượng bay vào trong điện Ôn Đức. Qua sang tháng bảy, lại có lắm điều gở lạ: Cầu vồng mọc ở giữa Ngọc Đường; rặng núi Ngũ Nguyên bỗng dưng lở sụt xuống.

Vua hạ chiếu, hỏi chư thần từ đâu mà sinh ra những điềm quái gở ấy. Có quan nghị lang là Sái Ung dâng sớ lên, lời lẽ thống thiết, nói rằng: “Cầu vồng sa xuống, gà mái hóa trống, ấy là bởi quyền chính trong nước ở tay đàn bà và ở tay hoạn quan”. Vua xem sớ ngậm ngùi thở dài, đứng dậy thay áo. Tào Tiết khi ấy đứng hầu sau ngai nghe trộm thấy, trong lòng căm giận, bèn mách bảo đồng bọn, bàn mưu kiếm cớ vu hãm Sài Ung, cách quan đuổi về quê quán.

[Chúc bạn đọc sách vui vẻ tại www. gacsach. com - gác nhỏ cho người yêu sách.]

Về sau bọn hoạn quan là Trương Nhượng, Triệu Trung, Phong Tư, Đoan Khuê, Tào Tiết, Hầu Lãm, Kiển Thạc, Trình Khoáng, Hạ Huy, Quách Thắng, cả thảy mười người gọi là mười quan “Thường thị” bè đảng với nhau kéo cánh làm càn. Nhà vua tin dùng tôn trọng Trương Nhượng, gọi là “Á phụ” (nghĩa là vua coi như cha).

Từ đấy chính sự trong triều ngày càng đổ nát, lòng người náo loạn, giặc cướp nổi lên như ong.

Khi ấy ở đất Cự Lộc, có một nhà ba anh em: Anh cả là Trương Giác, em hai là Trương Bảo, em út là Trương Lương.

Trương Giác vốn thi tú tài trượt, nhân thế bực mình vào núi hái thuốc. Đi đường gặp một ông cụ già mặt tròn mắt biếc, tay chống gậy lê, gọi Trương Giác vào trong một cái động, trao cho ba quyển sách và bảo rằng: Đây là cuốn “Thái bình yêu thuật”, có được cuốn này ngươi nên thay trời dạy người, để cứu lấy đời. Nếu sau này manh tâm tà gian ắt bị ác báo. Trương Giác sụp xuống lạy, hỏi họ tên thì cụ già nói: “Ta là Nam Hoa lão tiên”, nói đoạn hóa ra một trận gió biến mất.

Trương Giác được ba quyển sách ấy đem về ngày đêm học tập, không bao lâu biết đủ các phép hô gió mưa, tự xưng là Thái Bình đạo nhân.

Đến tháng giêng, năm Trung Bình thứ nhất (một trăm tám mươi bốn), có bệnh ôn dịch. Trương Giác làm ra nước phép chữa bệnh, cứu được nhiều người, tự xưng là Đại Hiền lương sư. Giác có đồ đệ năm trăm người, đi dạo các nơi, ai cũng biết phép thư phù niệm chú. Về sau đồ đệ ngày càng đông; Giác bèn chia học trò ra ba mươi sáu phương, phương lớn hơn một vạn người, phương nhỏ sáu bảy ngàn người, phương nào cũng đặt một người làm thủ lĩnh xưng là tướng quân. Giác nói phao lên rằng: “Trời xanh đã chết, trời vàng nên dựng”, “Đến năm Giáp Tí, thiên hạ thái bình”. Rồi sai người lấy đất thó trắng viết hai chữ “Giáp Tí” ở ngay giữa cửa. Nhân dân tám châu Thanh, U, Từ, Ký, Kinh, Dương, Duyện, Dư nhà nào cũng thờ mấy chữ hiệu: “Đại Hiền lương sư Trương Giác”.

Trương Giác lại sai đồng đảng là Mã Nguyên Nghĩa mật đem vàng lụa vào kinh kết giao với tên hoạn quan Phong Tư, đi làm nội ứng, rồi bàn với hai em rằng:

- Không gì khó bằng thu phục được lòng dân, nay lòng dân đã quy thuận về ta, nếu không thừa thế chiếm lấy thiên hạ thì thật là đáng tiếc lắm.

Bèn một mặt sai may cờ vàng hẹn ngày khởi sự, một mặt sai đồ đệ là Đường Châu đem thư báo cho Phong Tư biết. Nhưng Đường Châu lại đi thẳng đến cửa cung tố cáo.

Được tin, vua liền triệu quan đại tướng quân là Hà Tiến điều binh bắt chém Mã Nguyên Nghĩa và bắt cả bọn Phong Tư bỏ ngục. Trương Giác thấy việc đã tiết lộ, vội vàng cử binh khởi sự, tự xưng là Thiên công tướng quân, Trương Lương xưng Nhân công tướng quân nói với mọi người rằng: “Nay vận nhà Hán sắp hết, đại thánh nhân ra đời. Các ngươi nên thuận mệnh trời, theo về ta để cùng vui hưởng thái bình!”

Nhân dân bốn phương đội khăn vàng, đi theo Trương Giác có tới bốn năm mươi vạn người. Thế giặc dữ dội, quan quân thua chạy như vịt. Hà Tiến một mặt tâu vua, xin hỏa tốc xuống chiếu cho các nơi phòng giữ giết giặc lập công; một mặt sai ba quan trung lang tướng là Lư Thực, Hoàng Phủ Tung, Chu Tuấn đem quân tinh nhuệ chia ra làm ba ngả dẹp giặc.

Trong khi ấy, quân Trương Giác có một toán xâm phạm vào bờ cõi U Châu. Quan thái thú châu ấy là Lưu Yên, người làng Kính Lăng, đất Giang Hạ, dòng dõi Lỗ Cung Vương nhà Hán, nghe tin quân giặc sắp đến, liền triệu quan hiệu úy Châu Tĩnh đến bàn luận. Tĩnh nói:

- Quân giặc nhiều, quân ta ít, ông nên tức khắc chiêu mộ thêm quân thì mới kịp ứng phó.

Lưu Yên cho là phải, bèn sai treo bảng mộ quân.

Khi bảng treo đến Trác quận thì có ngay một vị anh hùng ra ứng mộ. Vị anh hùng ấy không thích đọc sách mấy, tính ôn hòa, ít nói, mừng giận không hề lộ ra mặt, vốn có chí lớn, chỉ thích kết giao với những tay hào kiệt trong thiên hạ. Kể dáng người thì mình cao bảy thước rưỡi, hai tai chảy xuống gần vai, hai tay buông khỏi đầu gối, mắt trông thấy được tai, mặt đẹp như ngọc, môi đỏ như son, tức là dòng dõi Trung Sơn Tĩnh Vương Lưu Thắng, cháu năm đời vua Cảnh đế nhà Hán, họ Lưu, tên Bị, tự là Huyền Đức.

Ngày trước con Lưu Thắng là Lưu Trinh, về đời vua Hán Vũ, được phong làm Trác lộc Đình hầu, sau vì tội góp thiếu tiền cúng tế bị mất chức vì vậy còn sót một ngành ở Trác quận.

Ông của Huyền Đức là Lưu Hùng, cha là Lưu Hoằng. Hoằng thi đỗ hiếu liêm, đã từng làm quan, nhưng mất sớm. Huyền Đức mồ côi cha, thờ mẹ rất hiếu, nhà nghèo, phải làm nghề đóng dép, dệt chiếu kiếm ăn.

Nhà Huyền Đức ở thôn Lâu Tang, mé đông nam có một cây dâu rất lớn, cao hơn năm trượng, xa trông từng lớp trên xòe ra như cái tán che cỗ xe. Có người thầy tướng đi qua trông thấy khen rằng: “Nhà có cây dâu này tất sinh quý tử.” Lúc Huyền Đức còn thơ ấu, cùng trẻ con chơi dưới gốc dâu, thường vẫn nói rằng: “Ngày sau ta làm vua, cũng ngự cái xe có tán che như cây dâu này.” Người chú là Lưu Nguyên Khởi nghe nói, lấy làm lạ bảo rằng: “Thằng bé này không phải người thường.” Nhân thấy Huyền Đức nhà nghèo, thường tư cấp cho thay đổi theo triều đại.

Huyền Đức, năm mười tám tuổi, mẹ cho đi học, thờ Trịnh Huyền và Lưu Thực làm thầy và cùng với Công Tôn Toản kết bạn học. Lúc Lưu Yên treo bảng mộ quân, thì Huyền Đức hai mươi tám tuổi.

Bấy giờ Huyền Đức đọc bảng văn rồi thở dài. Có một người đứng phía sau nói lớn lên rằng:

- Đại trượng phu như ông, không ra giúp nước, đứng thở dài đó, được việc chi?

Huyền Đức ngoảnh lại nhìn: Người ấy mình cao tám thước, đầu báo, mắt tròn, râu hùm, hàm én, tiếng vang như sấm, dáng như ngựa phi, Huyền Đức thấy dung mạo khác thường, liền hỏi họ tên. Người ấy nói:

- Tôi họ Trương tên Phi, tự là Dực Đức, ở Trác quận đã lâu đời. Gia tư có trang trại ruộng vườn, lại có lò mổ lợn và ngôi hàng bán rượu. Tôi chỉ thích kết giao với hào kiệt trong thiên hạ. Vừa rồi thấy ông xem bảng văn rồi thở dài, nên tôi mới hỏi.

Huyền Đức nói:

Tôi đây vốn dòng dõi nhà Hán, họ Lưu tên Bị; nay thấy giặc Khăn Vàng nổi loạn, muốn ra dẹp giặc yên dân, chỉ hiềm sức mình không làm nổi, nên mới thở dài.

Phi nói:

- Nhà tôi gia tư cũng khá. Ý tôi muốn chiêu mộ trai tráng trong làng, cùng ông mưu đồ việc lớn, ông tính sao?

Huyền Đức mừng lắm. Hai người bèn rủ nhau vào hàng uống rượu.

Đương đánh chén, thấy một người cao lớn lực lưỡng, đẩy một cỗ xe đến cửa, vào hàng ngồi phịch xuống gọi nhà hàng:

- Rượu mau lên! Để ta uống xong còn vào thành ứng mộ!

Huyền Đức nhìn xem thấy người ấy mình cao chín thước, râu dài hai thước, mặt đỏ như gấc, môi như tô son, mắt phượng, mày tằm, oai phong lẫm liệt. Huyền Đức bèn mời cùng ngồi và hỏi họ tên. Người ấy nói:

- Tôi họ Quan tên Vũ, tự là Trương Sinh, sau đổi là Vân Trường, người làng Giải Lương, tỉnh Hà Đông. Nhân thấy có đứa thổ hào ỷ thế hiếp người, tôi bèn giết chết rồi đi làm kẻ giang hồ đã năm, sáu năm rồi. Nay nghe ở đây có lệnh chiêu binh phá giặc nên tôi đến ứng mộ.

Huyền Đức cũng đem chí mình ra nói, Vân Trường rất mừng. Bèn cùng đến trại của Trương Phi bàn tính việc lớn. Phi nói:

- Sau trại tôi có một vườn đào đang nở hoa đẹp lắm, ngày mai ta nên làm lễ tế trời đất ở trong vườn, rồi ba chúng ta kết làm anh em, cùng lòng hợp sức, sau mới có thể tính được việc lớn.

Huyền Đức, Vân Trường đều nói:

- Như thế tốt lắm!

Ngày hôm sau sửa soạn trâu đen ngựa trắng và các lễ vật ở trong vườn đào, ba người đốt hương lạy hai lạy thề rằng:

- Chúng tôi là Lưu Bị, Quan Vũ, Trương Phi, dẫu rằng khác họ, song đã kết làm anh em, thì phải cùng lòng hợp sức, cứu khốn phù nguy, trên báo đền nợ nước, dưới yên định muôn dân. Chúng tôi không cần sinh cùng ngày, cùng tháng, cùng năm, chỉ muốn chết cùng năm, cùng ngày, cùng tháng. Hoàng thiên hậu thổ soi xét lòng này. Nếu ai bội nghĩa quên ơn thì trời người cùng giết.

Thề xong tôn Huyền Đức làm anh cả, Quan Vũ thứ hai, Trương Phi em út. Rồi mổ trâu đặt tiệc, tụ họp dũng sĩ trong làng được ba trăm người, cũng đến vườn đào uống một bữa rượu thật say. Hôm sau ba người sửa soạn khí giới, đương lo còn thiếu ngựa cưỡi, thì thấy báo có hai người buôn dắt một đàn ngựa đến trại.

Huyền Đức nói:

- Thực là trời giúp chúng ta!

Nói đoạn ba người cùng ra cửa trại đón. Nguyên hai người khách ấy đều là lái buôn lớn ở Trung Sơn, một người tên Trương Thế Bình, một người tên Tô Song, hàng năm vẫn đem ngựa lên bán miền Bắc, chỉ vì lúc ấy dọc đường có nhiều giặc cướp nên quay trở về. Huyền Đức mời hai người vào trại, làm rượu khoản đãi và nói rõ ý mình đang muốn dẹp giặc yên dân. Hai người cả mừng, tình nguyện tặng năm mươi con ngựa tốt, năm trăm lạng vàng bạc và một nghìn cân sắt để làm khí giới.

Huyền Đức cảm tạ hai người khách và tiễn lên đường, rồi sai gọi thợ đến rèn hai thanh kiếm. Vân Trường đánh một thanh long đao nặng tám mươi hai cân, Trương Phi đánh một ngọn xà mâu dài một trượng tám thước. Mỗi người làm một bộ áo giáp, họp hương dũng được hơn năm trăm người đem nhau đến gặp Châu Tĩnh. Châu Tĩnh đưa đi yết kiến quan thái thú Lưu Yên. Ba người thi lễ xong, đều xưng họ tên. Huyền Đức kể rõ tôn phái. Lưu Yên cả mừng nhận Huyền Đức là cháu.

Vài hôm sau, có tin báo tướng giặc Khăn Vàng là Trình Viễn Chí đem năm vạn quân đến đánh Trác Quận. Lưu Yên sai Châu Tĩnh dẫn ba anh em Huyền Đức đem năm trăm quân đi trước phá giặc. Ba anh em Huyền Đức vui mừng hớn hở đi ngay. Lúc đến dưới núi Đại Hưng, thấy quân giặc đều xõa tóc chít khăn vàng. Hai bên đối trận, Huyền Đức nhảy ngựa vụt ra, tả có Vân Trường, hữu có Dực Đức, giơ roi mắng lớn:

- Quân giặc phản nước kia! Sao không xuống ngựa hàng ngay đi?

Trình Viễn Chí cả giận, sai phó tướng Đặng Mậu ra đánh. Trương Phi cầm mâu xông ra đâm trúng vào bụng Đặng Mậu. Đặng Mậu ngã lăn xuống ngựa chết.

Trình Viễn Chí thấy vậy, thúc ngựa múa đao xông thẳng vào định chém Trương Phi. Tức thì Vân Trường múa long đao tế ngựa ra đón địch. Trình Viễn Chí trông thấy hoảng sợ, chưa kịp trở tay đã bị đao Vân Trường xả làm hai đoạn.

Đời sau có thơ khen hai người rằng:

Anh hùng xuất hiện buổi sơ đầu,

Người thử long đao kẻ thử mâu,

Mới bước chân ra uy đã dữ,

Tiếng tăm lừng lẫy cuộc ganh nhau.

Quân giặc thấy Trình Viễn Chí bị chém, đều vác ngược giáo ù té chạy, Huyền Đức thúc quân đuổi theo, giặc ra hàng không biết bao nhiêu mà kể. Ba người đại thắng kéo quân trở về. Lưu Yên thân ra đón tiếp, khao thưởng ba quân.

Hôm sau Lưu Yên tiếp được tờ điệp của quan thái thú Thanh Châu tên là Cung Cảnh, báo tin bị giặc Khăn Vàng bao vây, thành sắp vỡ, kịp xin cho quân đến cứu. Lưu Yên bàn với Huyền Đức. Huyền Đức nói:

- Bị này tình nguyện đem quân đi cứu.

Lưu Yên bèn sai Châu Tĩnh đem năm nghìn quân cùng Huyền Đức, Quan, Trương kéo đến Thanh Châu.

Giặc thấy có quân đến cứu, chia quân đón đánh. Huyền Đức thấy quân mình ít, khó đánh được, lui ba mươi dặm đóng trại, rồi bảo Quan, Trương rằng:

- Giặc nhiều, ta ít, tất phải dùng kì binh mới có thể thắng được.

Bèn sai Vân Trường dẫn một nghìn quân phục bên tả núi, Trương Phi dẫn một nghìn quân phục bên hữu núi, hẹn rằng nghe tiếng chiêng thì cùng kéo ra tiếp ứng.

Ngày hôm sau Huyền Đức cùng Châu Tĩnh dẫn quân đánh trống hò reo thẳng tiến. Quân giặc vội vã kéo ra đón đánh, Huyền Đức lui binh ngay. Giặc thừa thế đuổi tràn. Vừa qua sườn núi, trong quân Huyền Đức khua chiêng vang lên. Hai đạo quân tả hữu xô ra.

Huyền Đức thúc quân quay lại, ba mặt giáp đánh, quân giặc thua to, chạy đến dưới thành Thanh Châu, quan thái thú Cung Cảnh cũng đem dân binh ra trợ chiến, quân giặc bị chết rất nhiều, giải được vòng vây.

Đời sau có thơ khen Huyền Đức rằng:

Bầy mưu đặt mẹo khéo ra công,

Đôi hổ chung quy kém một rồng.

Buổi mới đã nên công trạng lớn,

Chia ba chân vạc đáng anh hùng.

Cung Cảnh khao quân xong, Châu Tĩnh muốn về. Huyền Đức nói:

- Mới rồi nghe tin quan trung lang tướng Lư Thực cùng Trương Giác đánh nhau ở Quảng Tôn. Bị này trước kia có học Lư tướng quân, nghĩa đạo thầy trò, muốn sang giúp sức.

Châu Tĩnh dẫn quân về một mình, còn Huyền Đức cùng Quan, Trương dẫn năm trăm quân bản bộ sang Quảng Tôn.

Khi ba người đến dinh quân Lư Thực, vào trướng thi lễ, bày tỏ ý kiến của mình, thì Lư Thực mừng lắm, lưu ở trướng tiền đợi khi dùng đến.

Bấy giờ quân Trương Giác mười lăm vạn, quân Lư Thực năm vạn, đang chống nhau ở Quảng Tôn, chưa rõ bên nào thua được.

Một hôm Lư Thực bảo Huyền Đức rằng:

- Trương Giác đã bị ta vây ở đây rồi. Duy hai em nó là Trương Bảo, Trương Lương đang chống nhau với Hoàng Phủ Tung và Chu Tuấn ở Dĩnh Xuyên. Ông nên đem quân ngay bản bộ và một nghìn quân ta giúp thêm, đến thẳng Dĩnh Xuyên dò xem tin tức ra sao, rồi cùng nhau hẹn ngày tiến đánh.

Huyền Đức lĩnh mệnh, đem quân đi cả ngày đêm đến Dĩnh Xuyên.

Lúc ấy Hoàng Phủ Tung, Chu Tuấn đem quân đánh giặc, giặc bị thua luôn, phải lui về Trường Xã, dựa theo bụi rậm đóng trại. Tung bàn với Tuấn rằng:

- Quân giặc dựa vào chỗ có cỏ rậm đóng quân thì ta nên dùng mẹo hóa công.

Bèn sai quân sĩ mỗi người bó một bó cỏ, ngầm đi mai phục. Đêm ấy trời nổi cơn gió lớn, vào khoảng canh hai, quân phục kéo vào phóng hỏa, Tung và Tuấn đều dẫn quân đến đánh, khói lửa ngụt trời, quân giặc hoảng sợ, người không kịp mặt giáp, ngựa không kịp thắng yên, xô nhau mà chạy. Đôi bên đánh nhau đến sáng, Trương Lương, Trương Bảo phải dẫn tàn quân cướp đường mà chạy. Bỗng thấy một toán quân mã kéo toàn cờ đỏ xông ra chặn đường. Một tướng đi đầu, mình cao bảy thước, mắt nhỏ râu dài.

Viên tướng ấy là ai? Tức là quan kị đô úy, người ở Tiên Quận nước Bái, họ Tào tên Tháo, tự xưng là Mạnh Đức.

Cha Tào Tháo là Tào Tung, vốn xưa họ Hạ Hầu nhận làm con nuôi quan trung thường thị Tào Đằng, nên đổi theo họ Tào. Tháo tiểu tự là A Man và đặt một tên nữa là Cát Lợi. Lúc Tháo còn trẻ, thì chỉ thích săn bắn, ham múa hát, nổi tiếng là một tay cơ biến quyền mưu. Người chú Tháo thấy Tháo chơi bời vô độ, giận lắm, bèn mách với Tào Tung. Tung trách mắng Tháo. Tháo nghĩ ngay một kế, lúc thấy chú đến, giả tảng nằm quay ra đất, làm như trúng phong. Chú Tháo thấy vậy cả sợ, chạy đến bảo Tung, Tung vội lại xem, thấy Tháo không có bệnh chi cả, bèn hỏi:

- Chú mày nói mày trúng phong, đã khỏi rồi à?

- Thưa cha, thuở bé đến giờ con có bệnh ấy đâu! Chẳng qua chú con ghét con, cho nên đặt điều ra thế.

Tung tưởng thật. Từ đấy người chú kể tội Tháo, Tung đều không nghe nữa, nhân thể Tháo càng được tự do phóng đãng hơn xưa.

Bấy giờ có người tên là Kiều Huyền bảo Tháo rằng:

- Thiên hạ sắp loạn, phi có tay tài giỏi hơn đời thì không sao dẹp được loạn. Làm được như thế có lẽ chỉ có bác!

Người đất Nam Dương là Hà Ngung, một hôm trông thấy Tháo cũng tán tụng rằng:

- Nhà Hán sắp mất, yên được thiên hạ chắc chỉ có người này!

Người đất Nhữ Nam là Hứa Thiệu có tiếng là giỏi biết người, Tháo thân đến hỏi:

- Như tôi là người thế nào?

Thiệu không trả lời.

Tháo hỏi lại lần nữa.

Thiệu nói:

- Anh là năng thần của đời trị và gian hùng của đời loạn!

Tháo nghe nói cả mừng.

Năm Tháo hai mươi tuổi thi đỗ hiếu liêm, bổ làm quan lang, sau lại thăng chức đô úy huyện Lạc Dương. Lúc mới đến nhận chức, Tháo sai treo hơn mười cái roi ngũ sắc ở bốn cửa huyện, không kể hào quý, hễ ai phạm pháp đều không tha. Chú quan trung thường thị Kiển Thạc vác dao đi đêm, Tháo đi tuần bắt được cũng đem nọc đánh ngay. Bởi thế trong ngoài kinh sợ, không ai dám làm trái phép. Sau Tháo được thăng chức lệnh doãn Đốn kỉ. Nhân giặc Khăn Vàng nổi loạn, Tháo lại được thăng làm quan kị đô úy, đem năm nghìn quân kị mã và bộ binh đến Dĩnh Xuyên giúp đánh. Tình cờ dọc đường, gặp Trương Lương, Trương Bảo thua chạy, Tháo đón đánh một trận kịch liệt, chém giết hơn một vạn người, cướp được cờ, trống, ngựa, khí giới rất nhiều. Lương, Bảo cố chết mới chạy thoát. Tháo vào hội kiến Hoàng Phủ Tung, Chu Tuấn rồi lại dẫn quân đi đuổi Trương Lương, Trương Bảo ngay.

Nhắc lại Huyền Đức dẫn Quan, Trương đi gần đến Dĩnh Xuyên, nghe tiếng reo hò đánh nhau, lại trông thấy lửa sáng rực trời, vội thúc quân kéo đến, tới nơi giặc đã chạy tan hết rồi. Huyền Đức vào yết kiến Hoàng Phủ Tung. Chu Tuấn lại nói ý kiến của Lư Thực. Tung nói:

- Nay Trương Lương, Trương Bảo thế cùng lực kiệt tất chạy đến Quảng Tôn nương nhờ Trương Giác. Ông nên đi gấp đường về giúp ngay Lư Thực.

Huyền Đức nghe lời, dẫn quân trở lại.

Khi mới đi được nửa đường, gặp một toán người ngựa, áp giải một xe tù, trên xe có một cái cũi nhốt một người tù, tế ra chính là Lư Thực. Huyền Đức giật mình kinh hãi, vội xuống ngựa chạy đến hỏi thăm. Thực nói:

- Ta vây đánh Trương Giác, sắp sửa pháp tan, chỉ vì Giác dùng yêu thuật, nên còn nhùng nhằng chưa phá hẳn được. Triều đình sai viên hoạn quan tên là Tả Phong đến dò xét quân tình. Phong đòi ăn của đút mà không được, vì lương quân ta còn thiếu, tiền đâu mà cung đốn họ, bởi thế Tả Phong căm giận, về triều tâu man cho ta ru rú ở trong lũy cao không chịu đánh giặc, làm cho lòng quân chán nản. Triều đình nổi giận, sai quan trung lang tướng Đổng Trác đến cầm quân thay ta, và bắt ta về kinh hỏi tội.

Trương Phi nghe nói, nổi giận đùng đùng, toan giết hết toán quân áp giải để cứu Lư Thực. Huyền Đức vội ngăn lại bảo rằng:

- Không nên, triều đình đã có công luận, chú không được xử sự một cách nóng nảy như thế.

Quân sĩ lại giải Lư Thực đi.

Quan Công nói:

- Nay Lư trung lang đã bị bắt, người khác thay quyền, chúng ta đến đấy cũng vô ích, chi bằng hãy về Trác quận.

Huyền Đức lấy làm phải, bèn dẫn quân về phía bắc.

Đi được hai ngày, bỗng nghe sau núi có tiếng đánh nhau hò hét. Huyền Đức cùng Quan, Trương cưỡi ngựa lên đồi cao trông xem, thấy quân Hán bị thua đương chạy, giặc Khăn Vàng đông như kiến cỏ đương đuổi theo sau, trên lá cờ viết bốn chữ “Thiên công tướng quân” rất lớn. Huyền Đức nói:

- Trương Giác đây rồi, đánh ngay đi!

Ba người đều phi ngựa dẫn quân ra đánh. Lúc ấy Trương Giác đương thừa thắng đuổi Đổng Trác, bỗng gặp ba người đem quân chẹn đánh, quân Giác hoảng loạn, phải thua chạy đến ngoài năm mươi dặm.

Ba người cứu được Đổng Trác về trại. Trác hỏi ba người hiện làm quan gì?

Huyền Đức nói: “Chân trắng.”

Trác khinh thường, không thèm đáp tạ lại.

Huyền Đức bỏ đi. Trương Phi cả giận nói rằng:

- Thằng cha này láo quá! Chúng ta lăn lộn vào đất chết để cứu nó ra, nó không ơn thì chớ, lại còn làm phách khinh người đến thế, nếu không giết nó, sao hả được giận này?

Bèn cầm dao vào trướng định giết Đổng Trác.

Đó chính là:

Nhân tình thế thái vẫn xưa nay,

Ai biết anh hùng lúc trắng tay,

Nếu được người người như Dực Đức,

Trên đời hẳn hết kẻ không hay!

Muốn biết tính mạng Đổng Trác thế nào, xem hồi sau sẽ rõ.