Tam Hạ Nam Đường

Chương 43: Tào Bân dẫn binh lấn đất Liêu Hưu Ca bày trận vây tướng Tống




Lúc này Gia Luật Hưu Ca thấy đại binh của Tống đã kéo về nước, thì thường ngày tập luyện quân nhơn, đặng trả hờn mới đại bại. Hôm sau, Hưu Ca cho người qua Trung Nguyên do thám, về báo rằng:

- Chúa tôi vua Tống đương yến ẩm chơi bời, chớ không lo việc binh tình gì hết. Hưu Ca hay tin, lật đật về tâu với Tiêu hậu:

- Ngu hạ tội cai muôn thác, vì đem binh ra thất đã mấy lần, nay nhơn dịp bên Trung Nguyên không phòng bị, chúa tôi đang vui hứng lúc thanh nhàn, nên sẵn cơ hội này, Bệ hạ phát thêm binh cho tôi đi một phen nữa, tôi nguyện ra hết sức bình sánh kéo rốc binh đến kinh thành, thâu đồ thế đặng trả hờn ngày trước. Tiêu hậu nghe tâu lắc đầu nói:

- Tướng quân cả năm nay đem binh đều bất lợi, và lúc này Tống binh cũng mạnh mẽ bội phần, ta e có khi tướng quân chẳng đặng sự may xảy đến. Tiêu hậu vừa phán, Gia Luật Sa quỳ xuống tâu nữa:

- Cơ hội tốt như lúc này ít có, và tháng ngày thấm thoát như thoi đưa. Xin Bệ hạ nhân lúc Tống trào không phòng bị, dùng một cử mà khá lấy đại công.

Tiêu hậu thấy các quan đều muốn thì nghe theo, liền xuống chỉ cho Gia Luật Hưu Ca làm giám quân, Gia Luật Sa làm tiên phong và võ tướng từ nhị phẩm sắp xuống, đều theo dưới cờ mà nghe điều khiển. Hứa Ca khi được lịnh cả mừng, trong ngày ấy từ tạ Tiêu hậu, rồi kéo mười vạn binh ra khỏi thành, nhắm ranh đất Trung Nguyên dẫn binh bắt đầu từ Sóc, Vân mấy châu đó đánh tới.

Thám mã của Tống trào hay đặng việc đó, bay ngựa về Trường An báo tin ấy. Thái Tông nghe báo nổi giận nói rằng:


- Đồ vô loại, khi không dám sánh sự, đem binh rối loạn biên thùy. Liền quyết định ra lệnh thân chinh. Tống Ký tâu:

- Nước Liêu dầu muốn xâm phạm biên cương thì cũng có tướng ngăn cản, lẽ nào Bệ hạ nhọc lòng, dấn thân vào chốn binh lửa.

Vua Thái Tông thấy quần thần can gián, nên còn lưỡng lự. Tề Hiền bước ra giới thiệu Tào Bân làm U Châu quảng thủ thủy tướng lãnh mười muôn binh nhắm nước Đại Liêu đánh tới. Tào Bân vâng chỉ, sấp đặt đâu đó xong xuôi, phát pháo kéo quân đi ra khỏi biên thùy hạ trại.

Lúc này Phan Nhơn Mỹ và Cao Hoài Đức đi ngả Hoàng Châu, còn Tào Bân và Hô Diên Táng đi ngả Tân Thành, hai bên đánh úp lại.

Lúc ấy là tiết xuân, khí trời ấm áp, cây cỏ xanh tươi, quân sĩ Tào Bân vừa kéo tới Tân Thành thì tướng giữ ải Tân Thành là Hạ Tư hay tin, bèn dẫn binh đối địch. Tào Bân thấy tướng nước Liêu, liền giục ngựa hét:

- Liêu tướng, sao chưa chịu xếp giáp đầu hàng, còn đợi ta nhọc sức hay sao? Hạ Tư nổi giận nói:

- Ngươi tài cán gì mà dám đến đây xâm chiếm biên cương? Ta sẽ cho ngươi biết tài cao thấp. Tào Bân quay lại hỏi các tướng:

- Trong chư tướng có ai dám ra bắt thằng giặc Liêu đó không? Hô Diên Táng lướt tới nói:

- Để tôi bắt nó cho.

Nói rồi xốc tới chém Hạ Tư. Hai bên đánh nhau kịch liệt, hơn mấy chục hiệp, Hạ Tư đuối sức quay ngựa chạy dài. Diên Táng đuổi theo đâm chết Hạ Tư, rồi đốc quân vào lấy ải. Quân nước Liêu vỡ loạn, kéo nhau chạy khỏi Tân Thành.

Qua ngày sau, Hô Diên Táng tấn binh đến Phi Hồ Lãnh, tướng giữ ải này hay tin, hội chư tướng bàn luận:

- Tống binh rất mạnh chỉ một trận đã chiếm Tân Thành, chúng ta biết làm thế nào mà chống cự. Chi bằng mở cửa ải, kéo cờ hàng cho khỏi bị khổ sở sinh linh. Tướng Đại Bàng Đước và Chiêu An Sử đồng nói:

- Nếu tướng quân làm như vậy thì tướng Tống khi dễ, chúng ta thà liều chết hơn là mang nhục.

Hai tướng nói rồi về dinh sắp đặt, kéo binh ra thành lập thế trận. Binh Tống kéo đến, thì hai tướng Liêu đã giục ngựa ra cản lại, hét lớn:


- Vua nước Tống quá tham lam, dám dẫn binh xâm chiếm bờ cõi nước ngoài. Chúng ta quyết không tha.

Hô Diên Táng chẳng nói lời nào, giục ngựa đánh cùng tướng Liêu. Đại Bàng Đước đánh hơn năm chục hiệp, Diên Táng giả thua, lui binh vào giữa trận, Đại Bàng Đước không ngờ, giục ngựa đuổi theo. Hô Diên Táng dùng thế bắt sống trên lưng ngựa. Binh Liêu trông thấy thất kinh, bỏ gươm giáo đầu hàng. Tào Bân đem Đại Bàng Đước bêu đầu. Trong thành, chúa soái là Lữ Hành Đức liền mở cửa ải đầu hàng.

Tào Bân kéo binh qua khỏi Phi Hổ Lãnh, đến vây ải Linh Kỳ. Tướng giữ ải này tên là Hồ Đạt, hay tin trước cho nên phòng bị sẵn sàng. Lúc binh Tống đến nơi, Hồ Đạt kéo binh ra chân đánh. Diên Táng cũng đốc binh giao chiến, tiếng chiêng trống dậy trời, bụi bay rợp đất. Hai tướng đánh nhau hơn một trăm hiệp, mà chưa thấy hơn thua. Hô Diên Táng nghĩ thầm:

- Tên tướng Liêu này thật cũng đại tài, nếu ta không dùng mưu kế thì khó thắng nổi.

Nghĩ rồi, liền quày ngựa chạy vòng xung quanh trận. Hồ Đạt cứ rượt theo, Diên Táng dùng roi kim tiên quất Hồ Đạt té nhào xuống ngựa chết tốt. Tào Bân trông thấy mừng rỡ, xua binh tới chém giết quân Liêu, thây nằm chật đất, rồi dẫn quân vào thành tra xét lương thảo và hạ lệnh an dân. Tào Bân kêu Hô Diên Táng đến khen:

- Đã mấy trận rồi, tướng quân đều thâu thành đoạt ải dễ như trở bàn tay, tài ấy ta không bì kịp. Hô Diên Táng thưa:

- Ấy là nhờ có nguyên soái tính hay, chớ tiểu tướng này có công cán bao nhiêu mà dám sánh.

Tào Bân nghe Hô Diên Táng khiêm nhường mấy điều, rất phục và khem thầm:

- Chí độ như vậy mới cao.

Tào Bân liền tả biểu sai người về cho vua Thái Tông thấu rõ tin lành. Chẳng bao lâu Thái Tông tiếp đặng tin ấy, mở ra xem thấy thất kinh và nói:

- Vì cớ nào tấn binh mau đường ấy? Mới có mấy ngày mà thắng đặng ba bốn thành vậy, mới là tay hảo hớn đó.

Vua Thái Tông khen rồi, liền tả chiếu, dạy sứ ra khiến Tào Bân đóng binh tại Linh Kỳ an nghỉ, và chừng nào cho đạo binh Phan Nhơn Mỹ đi đến nơi sẽ hiệp nhau tấn bộ nữa. Tào Bân đặng chỉ ấy còn đương nghị, thoạt nghe có quân vào báo:

- Đạo quân của Phan Nhơn Mỹ đã đi đến!

Tào Bân nghe báo cả mừng, cho tướng sĩ ra mời vào nghị luận. Phan Nhơn Mỹ đến nơi, vào ra mắt Tào Bân kể chuyện lấy đặng Hoàn, Sóc mấy châu, lại thâu phục đặng mãnh tướng như Triệu Ngạn Chương và Triệu Hy Viên cộng mười mấy tay hổ tướng nữa. Tào Ban khen một hồi rồi nói:

- Mới đây tôi có tiếp đặng tin của Thánh hoàng dặn bảo rằng: tôi phải đợi đạo binh Chiêu thảo đến đây rồi sẽ tấn nữa. Vậy thì hôm nay chúng ta nghỉ một bữa, rạng ngày kéo binh qua Trác Châu khiêu chiến.


Nhơn Mỹ vâng lời, đóng binh an nghỉ. Qua ngày sau, các tướng kéo rốc đại binh ra khỏi Linh kỳ, nhắm Trác Châu thắng tới. Lúc này Gia Luật Hưu Ca dồn binh tại Vân Châu, có thám mã về nói:

- Đạo binh Tống nhắm đường qua Trác Châu, trong một vài ngày nữa sẽ tới.

Hưu Ca nghe báo thất kinh, lật đật ra lệnh dẫn hết đại binh mình đến phía Nam thành Trác Châu cách xa chục dặm hạ trại. Ba quân vâng lệnh, nội ngày ấy kéo đi, chẳng bao lâu đến chốn. Khi đó Hưu Ca đòi Gia Luật Sa đến trại trung nói:

- Tống binh hôm nay đã sâu vào nơi huyệt địa rồi, thế đó cũng đã mỏi mệt, nên nhân săn cơ hội này dẫn một đạo binh vào thành trì thủ và kiên bế cho nghiêm, đợi Tống tướng bớt oai yếu thế rồi, chừng ấy sẽ dồn binh ra đánh tróc.

Gia Luật Sa vâng mạng kéo binh đi. Hưu ca liền kêu Huê Thắng dạy rằng:

- Ngươi mau dẫn một muôn binh mạnh, lén đi bọc ngõ tiểu lộ qua ải Linh Kỳ, và kiếm nơi mà phục binh, đặng đón đoạt đường lương hướng của Tống, như vậy mới bớt oai thế giặc đặng.

Huê Thắng vâng mạng, lập tức dẫn binh đi. Hưu Ca lại khiến bổn bộ binh mình canh giữ dinh trại cho chắc chắn, ban ngày thì dẫn nhau ra trước tập luyện cho tinh nhuệ oai phong, và muốn khoe mình cho Tống binh khiếp sợ. Còn ban đêm, cứ việc dẫn tốp thì năm trăm, tốp thì ba trăm quân mạnh, đến tại dinh Tống cướp phá cầm chừng làm cho yếu oai Tống tướng. Hưu Ca phòng bị sẵn sàng còn chiến tướng cứ chiếu theo mà làm.

Lúc này Tào Bân hết sức tức giận, ra đốc lực các tướng mình áp vào được thành đặng địch chiến. Liêu binh cứ việc ở trong thành làm thinh là kiên bế giữ gìn nghiêm nhặt, cùng lăn cây đá xuống thường thường chẳng dứt. Tống binh lúc này không làm gì nổi, và xem thấy sự tinh nhuệ của Liêu binh có oai thế, thì chẳng dám khinh mà áp tới. Bên Tống túng quá, thét phải đóng binh lại hơn mười ngày mà ngó vây.

Lúc này trong quân lương thảo không đủ dùng, Tào Bân đã quýnh tới, không hiểu tại sao mà bặt đường lương như vậy? Trong lúc Tào Bân đang lo lắng, bỗng có một thám mã bay ngựa về báo:

- Đã mấy ngày rày đường lương thảo đều bị Liêu tặc chúng nó đón đoạt thâu, nên tôi phải mau về báo tin cho chúa soái.

Lời bàn: Nếu ở phương diện quốc gia, người ta lấy uy quyền khống chế thiên hạ, thì ở phương diện cá nhân người ta lấy uy danh cá nhân phô trương uy tín của mình. Nước Tống sau khi củng cố thế lực trong nước, lại đem binh chinh phục Liêu bang, tới mục đích là bắt các liên bang tùng phục mình. Bắt các nước tùng phục không phải là quyền lợi, mà chỉ là danh vị. Bản chất háo danh là ý thức khe khoang của con người, nhưng nếu khoe khoang một cách lố bịch thì làm trò cười cho thiên hạ lời tục có nói: "Hữu xã tự nhiên hương, hà tất đương phong lập.” Hễ có mùi thơm thì tự nhiên tỏa khắp nơi, cần gì phải nhờ đến làn gió thổi.-oOo-

- Hết hồi 43:118: