Sư Huynh, Cho Muội Mượn Nội Đan Nhé?

Chương 29

Tối hôm qua ngồi dưới gốc hải đường nghe Tinh Trầm kể nhiều chuyện của người đi trước như thế, lòng ta đương nhiên khó yên nổi, cả đêm không ngon giấc. Ban đêm, trời đổ mưa tí ta tí tách, gió Thu bỗng nổi lên, đưa từng chặp mưa lạnh nhẹ nhàng gõ vang song cửa sổ.

Ta treo tấm rèm châu lả lướt lên màn giường. Nương sắc trời trong vắt, ta nhìn ra rặng hoa rung rinh ngoài cửa sổ, bóng cây rung động, nghĩ ngợi không rõ ngày mai cánh đào sẽ rụng đầy đất, hay là hoa thơm cỏ lạ đua nhau khoe sắc đây. Không biết mình sẽ phải quét hoa tàn, hay phải ngắt hoa tươi, tóm lại mình nhất định sẽ bị Tinh Trầm sai bảo tới lui.

Khi sắc trời ngời lên, mưa cũng ngừng. Tiểu Thạch Lựu hẵng còn ngáy khò khò bên gối ta. Ta dậy rửa mặt qua loa, đẩy cửa đi ra, gặp ngay màn trời xanh nhạt nhuốm màu lam sau cơn mưa, khoáng đạt sáng sủa tới mức ngấm vào ruột gan. Gió nhẹ đưa làn hương thanh mát và ẩm ướt, thổi tan nỗi buồn man mác tích tụ trong lòng ta hôm qua.

Dậy sớm học bài vào buổi sáng là quy củ mà Tinh Trầm đề ra cho ta, dù hắn không tự đốc thúc, thì vẫn cho Như Mộng đốc thúc. Ta bèn ôm mấy quyển sách, đi đến trước một cây đại thụ ở khoảng sân ngoài vách núi. Ta vung tay áo lên, tự bày một bộ bàn ghế xanh cho mình, ngồi xuống nhìn trời quang vạn dặm, thung sâu xanh ngắt, mở sách ra đọc.

Đọc được vài trang, ta quyết định tạm thời gác quyết tâm tự cường hùng tâm tráng chí qua một bên. Ngày tốt cảnh đẹp thế này, sao lại nỡ xài hết vào sách vở được.

Vì thế ta về phòng cầm số thuốc màu mà Sở Dao tiên quân tặng mình ra, lại lấy thêm mấy cây bút vẽ và một chồng giấy Tuyên Thành thật dày, rồi chạy về vách núi trước đó.

Sắc trời sau mưa này khiến ta thấy vô cùng mới lạ, ta quyết định vẽ nó ra, hôm nào đến khoe với Sở Dao tiên quân để ngài ấy khen mình.

Ai ngờ ta mân mê đống chai lọ vại bình hồi lâu, nhưng vẫn không pha ra được màu như ý. Số giấy Tuyên Thành hỏng ở bên cạnh mỗi lúc một chất cao hơn, nhưng ta vẫn không vẽ ra nổi màu sắc làm say lòng người trước mặt.

Ta đang vẽ sứt đầu mẻ trán, thì chợt thấy nhánh cây trên đầu giật giật. Một trận nước mưa còn vương trên lá đổ rào rào xuống, làm đống giấy Tuyên Thành ta đang vẽ dở ướt lướt thướt.

Ta ngẩng đầu lên nhìn, bỗng thấy Tinh Trầm đang ngồi nghiêng tựa vào cành cây, một bên chân dài gập lại, vạt áo màu ngọc treo trên đầu cành rơi xuống, trông thái độ rất đỗi hào sảng bất kham.

Ta giật mình khi thấy hắn, buột miệng thốt ra: “Sư huynh, sao muội ở đâu là huynh cũng ở đó vậy?”

Tinh Trầm cụp mắt liếc nhìn ta, nhắc nhở: “Ta tới trước…”

Ta không khỏi chửi thầm trong dạ, chẳng lẽ chân thân của thằng nhãi này thuộc loài chim, chọn hết cành sương chẳng đậu nào, đi tìm mọi chỗ bất kể đâu hay sao…

(Chọn hết cành sương chẳng đậu nào: Giản tẫn hàn chi bất khẳng tê, một câu trong bài Bốc Toán Tử của Tô Thức, bản dịch của Nguyễn Xuân Tảo.)

Chẳng mấy khi bắt lỗi được hắn, ta sao có thể bỏ lỡ cơ hội trêu hắn cơ chứ. Ta nhặt một mảnh giấy bị nước mưa xối lên, quơ quơ về phía hắn, “Sư huynh, muội vất vả lắm mới vẽ được một bức vừa mắt, bị huynh làm hỏng rồi này, phải làm sao bây giờ?”

Khóe môi xinh đẹp của ông tướng này hình như giần giật, hắn nhìn bức tranh trong tay ta, chậm rãi nói: “Ta thấy nó còn thuận mắt hơn mấy bức cô vẽ trước đó…”

Ta liếc một cái, giận dữ nghĩ thầm: “Ai bảo không phải đâu…”

Ta ném bức tranh một bên, lấy một tờ giấy mới ra, vừa lén lườm hắn, vừa mân mê mấy lọ màu.

Ông tướng Tinh Trầm thản nhiên ngồi ở đầu cành, hơi híp mắt nhìn về chân trời màu xanh khói quang đãng vô biên đằng xa. Những đường nét điển trai của hắn cũng sạch sẽ trong sáng như trời quang sau mưa. Hắn ngắm một lát, bỗng nhiên duỗi tay, như thể bắt lấy thứ gì đó trong không trung.

Tên ấy như làm trò ảo thuật, màu xanh khói nhạt bỗng dưng xuất hiện trên tay hắn, tựa trời trong như mưa xuống, như mơ như huyễn, mờ mịt lượn lờ trong lòng bàn tay hắn. Ta ngồi dưới gốc cây, nhìn chăm nhìn chú…

Hắn thưởng thức màu sắc trong lòng bàn tay một lát, rồi sau đó khẽ giơ tay lên. Màu thiên thanh kia nhẹ nhàng kia bay về phía ta, một ít bay xuống tờ giấy Tuyên Thành trắng tinh trước mặt ta.

Một câu thờ ơ vọng xuống từ trên đỉnh đầu: “Khỏi cần cảm ơn…”

Ta cẩn trọng cầm hai góc của tờ giấy Tuyên Thành, giơ lên trước mặt quan sát tỉ mẩn, càng nhìn càng thích thú chẳng nỡ rời tay.

Ta tươi cười rạng rỡ, ngẩng đầu reo lên với hắn: “Sư huynh, Mạn Mạn sư tỷ nói rất đúng, huynh quả thật là một của quý hiếm có, đúng là của quý…”

Những tiếng ho sặc sụa vang lên trên đầu ta, lá cây rào rạt lay động. Thấy nước mưa trên cành lại sắp nhỏ xuống, ta vội bảo vệ bức tranh của mình bằng tay áo…

Chiều hôm đó, trùng hợp thay chính là lúc Sở Dao tiên quân đưa đám tiểu tiên chúng ta l3n đỉnh Mộ Vãn vẽ lá đỏ, ta bèn đưa bức tranh trời xanh sau mưa mà Tinh Trầm làm giúp ta cho Sở Dao tiên quân xem.

Sở Dao tiên quân vừa thấy là mê ngay, ôm rịt bức tranh không chịu trả. Ngài chỉ trời chỉ đất thề, chỉ mượn xài bức tranh này mấy hôm, chẳng những sẽ trả nguyên vật về chủ cũ, mà còn tặng thêm một con yêu quái thành tinh để cho Tiểu Thạch Lựu có bạn.

Ta nghĩ bình thường Tiểu Thạch Lựu chỉ bận rộn làm mấy món quà khiến người ta dở khóc dở cười, quả thật cần có đứa bạn chơi cùng, vậy nên đồng ý cho Sở Dao tiên quân mượn tranh mang về.

Ngài quả là một người biết giữ lời, chẳng mấy hôm sau đã xách một tay nải nhỏ trả tranh về. Lúc thấy ta, ngài còn lau mồ hôi lạnh trên trán, hẵng còn hãi hùng khiếp vía.

“Thằng oắt Tinh Trầm này lòng dạ ác độc thật đấy, tạo ra cái kết giới khuynh quốc khuynh thành dường kia, làm ta không tài nào xuống tay cho nổi…”

Ta thấy ngài mặt xám mày tro, tốt bụng nhắc nhở một câu: “A Dao, kết giới là giả cả đấy, ngài đánh nó, nó cũng chẳng đau đâu mà.”

Sở Dao tiên quân xoa tim xoa phổi, “Sắc tức thị không, vốn là giả, sao ta lại không biết được.”

Ta cứng họng, vị huynh đài này sống rõ đa tình lăng nhăng mà tâm sáng như gương gớm nhỉ.

“Biết rõ là giả, sao ngài vẫn không nỡ động thủ?”

Sở Dao tiên quân vẫy vẫy tay với Bách Hoa tiên tử còn đang chửi ngài ông ổng ngoài bờ tường, yêu thương tươi cười với nàng ta, sau đó quay mặt đi, sứt đầu mẻ trán nói với ta: “Bởi vì ta không tin đấy…”

Ta cạn lời, mãi lâu sau lời vẫn còn cạn…

“Sắc tức thị không, ha ha, không ở đây chắc là không hợp nhãn chứ gì…”

Ta: “…”

Không biết khi Sở Dao tiên quân đi học ở Lưu Ba, ngài qua môn Phật pháp kiểu gì…

Ngài đưa tranh và tay nải cho ta, vừa lưu luyến không rời với ta, vừa xót thương Bách Hoa tiên tử đang nổi giận vì ngài. Ngài cứ bước hai bước là quay đầu lại, ba bước là kêu oai oái vì bị Bách Hoa tiên tử tát cho một cái vang rền, đành khổ tâm trăm mối vắt giò lên cổ bỏ chạy như điên.

Ta mở cái tay nải nhỏ ra, thấy một chiếc bình bóng loáng như ngọc, toàn thân là màu trời xanh sau mưa từ bức họa quý báu của ta…

(Bình sứ màu thiên thanh)

Mấy hôm trước Tiểu Thạch Lựu nghe tin sẽ có bạn mới tới chơi với con bé, ngày nào nó cũng mong chờ sốt sắng như kiến bò trên chảo nóng. Sở Dao tiên quan vừa đi, con bé đã rung rinh cái bụng tròn chạy như bay tới, hồ hởi nhảy chân sáo muốn gặp đứa bạn của mình.

Ta bế Tiểu Thạch Lựu lên bàn đá, nhẹ nhàng vỗ vỗ chiếc bình nhỏ màu thiên thanh.

Hàng mi mảnh dài của chiếc bình khẽ run rẩy, nó chậm rãi mở mắt ra.

Tiểu Thạch Lựu lập tức sà lại gần, túm tay chiếc bình nhỏ, cười nói oang oang: “Mong đằng ấy quá trời, ta tên là Tiểu Thạch Lựu, đằng ấy có tên không?”

Hàng mày liễu của chiếc bình nhỏ kia hơi rậm, đẹp như sương phủ sóng nước, nó ngượng ngùng lắc lắc đầu.

Ta nói chen vào: “Lấy tên là Thiên Thanh được không?”

Chiếc bình nhỏ nọ nhoẻn miệng cười với ta, ngoan ngoãn nói được.

Ta còn chưa kịp trêu Thiên Thanh, Tiểu Thạch Lựu đã kéo con bé đi chơi chung. Ta nhìn theo bóng hai đứa nhỏ, một cao một thấp, một yểu điệu một chắc nịch, bỗng nhiên nảy sinh chút hâm mộ…

Nếu ta không lỡ làng nuốt phải nội đan của kẻ khác, chắc hẳn bây giờ cũng là một yêu quái thành tinh bé nhỏ vô lo vô nghĩ rồi…

Ta đang ngơ ngẩn suy nghĩ, thì Mạn Mạn sư tỷ bỗng thò đầu ra từ ngoài tường hoa. Thấy Tinh Trầm không ở trong viện, tỷ ấy mới yên tâm lớn mật đi vào từ cửa lớn, vừa đi vừa hưng phấn nói: “Phinh Phinh, tin tốt này tin tốt này, ban nãy ta gặp được Nam Du sư huynh ở trên đường, bắt chuyện vài câu với huynh ấy. Nghe ý huynh ấy, năm nay vẫn tổ chức lễ tế truyền đăng đấy.”

Ta lập tức phấn chấn hẳn lên, “Hay lắm hay lắm, sư tỷ mau kể cho muội nghe đi, trong lễ tế truyền đăng mọi người tỷ thí gì ạ.”

Mạn Mạn sư tỷ đặt mông ngồi lên ghế đá, mở đầu màn thao thao bất tuyệt hôm nay bằng một câu hỏi: “Phinh Phinh, ngài đây có biết truyền đăng là thế nào không?”

Ta lắc đầu.

Sư tỷ hài lòng dừng lời một chút, giải đáp nghi vấn giải thích nghi hoặc cho ta: “Nhật nguyệt có ánh sáng, trời đất có lửa thiêng, nhân gian có đèn dài. 3000 thế giới, 3000 ngọn đèn bất diệt, chỉ cần một đèn còn sáng, thì thế giới hỗn độn sẽ không thể ngóc đầu trở lại. Đây là tinh thần của lễ tế truyền đăng.”

Ta gật đầu cái hiểu cái không, chỉ cảm thấy câu nói này khá là phong cách.

Mạn Mạn sư tỷ còn nói thêm: “Ngọn đèn được rước trong lễ tế truyền đăng được chế tác từ bông hoa bảy cánh trên đài sen của Phật Tổ ở phương Tây. Sứ giả bảo vệ đèn đưa nó đến núi Lưu Ba, đặt đèn hoa sen lên trụ cao trăm trượng thông đến tận trời ở đài tiên của Lưu Ba. Đèn hoa sen trân quý rọi ráng màu khắp đất trời, đợi ai đó trong chúng đệ tử trổ hết tài năng, trở thành người lấy được đèn xuống đầu tiên.”

Đầu ta đã mường tượng tới hình ảnh siêu oách khi mình nghiêm nghị đứng ở nơi trời cao trăm trượng, gỡ đèn hoa sen xuống…

Ta nóng lòng sốt sắng hỏi: “Gỡ xuống xong thì sao ạ?”

Sư tỷ nói: “Đệ tử gỡ được đèn hoa sen, sẽ trở thành sứ giả truyền đăng, tự mình tới núi Tu Di lấy mồi lửa bất diệt, thắp đèn hoa sen mà mình đã hái xuống lên. Đèn hoa sen nhập vào trái tim, sứ giả truyền đăng sẽ mang đèn trong tim mình, truyền tới thế gian…”

Ta hỏi: “Phải làm sao mới gỡ được đèn hoa sen ạ?”

Sư tỷ nói: “Sau khi buổi lễ nghênh đón đèn trong lễ tế truyền đăng kết thúc, thì sẽ đến phần thử thách hái đèn của các đệ tử Lưu Ba. Sư phụ sẽ bày ra một mê trận. Nghe nói trận này cũng có chút địa vị, là báu vật bảo vệ núi Lưu Ba. Một khi các đệ tử tham gia thử thách đi vào trong mê trận, thì sẽ bị cách biệt tất cả liên hệ với thế giới bên ngoài, phải vượt qua rất nhiều chướng ngại trắc trở, trải qua thử thách cam go, thì mới có thể hái được đèn hoa sen, ra khỏi mê trận.”

Vẻ mặt sư tỷ vô cùng si mê, ta lại hơi nhụt chí hỏi: “Mê trận mà sư phụ tạo ra có nguy hiểm lắm không ạ?”

Sư tỷ nói: “Đương nhiên là nguy hiểm rồi, tất cả những thương tích mà người vào trận phải chịu đều là thật. Chỉ đến khi sống chết vào lúc nghìn cân treo sợi tóc, thì mê trận mới nhả người trong đó ra ngoài. Mỗi đợt tổ chức lễ tế truyền đăng đều có y quan canh giữ ở ngoài trận để cứu chữa cho các đệ tử bị thương. Tuy không để lại di chứng gì, nhưng đau khổ cũng ăn đẫy, nên mọi người vào trận đều theo tinh thần tự nguyện.”

Ta nghe mà lưng rét run cầm cập, “Vậy có khó không ạ?”

Sư tỷ gật đầu thật mạnh: “Đương nhiên khó chứ. Mê trận nguy hiểm, đợt trước gần như tất cả các đệ tử đều vào trận, nhưng số người có thể trụ lại tới cuối để tiếp cận đèn hoa sen thì chỉ ít ỏi không được bao nhiêu. Đa số đệ tử đều biết chưa được nửa hành trình mình đã rớt rồi, chưa kể còn có những kẻ ngáng chân, đâm sau lưng nhau nữa. Quả thực ai nấy đều xảo quyệt, mỗi bước đều đau tim…”

“Cái cái cái gì… ngáng chân, đâm sau lưng nhau nữa á?”

Ta kinh ngạc ngắt lời Mạn Mạn sư tỷ.

Sư tỷ rất là khinh thường mấy câu ố á quá lố của ta, “Từ nhỏ chúng ta đã được cha mẹ thầy cô dạy đường ngay lối thẳng, nhân nghĩa lễ trí. Nhưng ở đời từ xưa đến nay đâu thiếu những kẻ âm hiểm giảo quyệt, mặt người dạ thú. Đạo trời to lớn, nghĩa là bao hàm toàn diện, trong yêu ma quỷ quái cũng có người sẵn lòng xả thân, giữa mênh mông quân tử cũng có phường giả vờ đạo mạo. Tu đạo tu tâm, tu không phải là không dính vào chuyện ác, tránh không thấy điều ác, mà là trải qua luyện ngục vạn trượng, nhìn hết những việc bi thảm tuyệt vọng đắng lòng ở đời, đọc hết những suy nghĩ Tu La xấu xa, nhưng vẫn có một đôi mắt sáng trong, một trái tim thuần khiết…”

Gió thổi hiu hiu, gột rửa cõi lòng. Sư tỷ trước mặt ta, mang chút cao ngạo. Giữa cơn gió reo vui ngàn dặm, ta bỗng thấy tỷ ấy đáng yêu đáng kính quá đỗi…

Sư tỷ nói tiếp: “Đây là những lời mà sư phụ dạy chúng ta. Đệ tử Lưu Ba là tương lai của chư tiên chín phương trời, không được phép chỉ lớn lên trong hoàn cảnh thái bình giả tạo, mà còn phải tự mình kinh qua thiện ác gian nguy. Cho nên các đệ tử đi vào mê trận chẳng những phải đối mặt với đủ loại hiểm nguy, mà còn cần so bì tranh đấu với nhau. Ban đầu khi vào trận, mọi người đều kết bè kết đảng đi tốp năm tốp ba, nhưng càng đến cuối càng không tránh khỏi phải đánh giáp lá cà. Đến lúc ấy sự hiểm độc của lòng người sẽ đa dạng chồng chất. Đây cũng là một bài học đặc thù cho các đệ tử, giúp chúng ta có kinh nghiệm biết lòng người hiểm ác trước khi rời núi. Khi bại trận bị đào thải, ít nhất ta còn có thể biết lòng vài người, hoặc bét ra là hiểu được lòng chính mình.”

Ta chết lặng, đạo lý này dường như hơi thâm sâu, cũng hơi hoang đường. Ta lẩm bẩm hỏi: “Vào trận đã khó, lại còn phải nội chiến, sau này ra khỏi trận làm sao giáp mặt nhau được nữa…”

Sư tỷ nhoẻn miệng cười nói: “Cứ coi như bình thường thôi, sớm muộn gì chúng ta cũng sẽ gặp được đủ chuyện không theo ý mình. Dù tức nổ đom đóm mắt canh cánh trong lòng, nhưng vẫn phải tươi cười bình thản, đó cũng là tâm tính tự nhiên. Đạo lớn theo trời, đâu đâu cũng là thế. Tu hành tùy tâm, chung quy đều theo con đường của mình. Sở dĩ sư phụ đề ra quy định cạnh tranh như vậy, chắc hẳn cũng vì muốn đệ tử Lưu Ba tự mình trải nghiệm đạo lý này…”

Ta tặc lưỡi: “Thâm ảo, thâm ảo quá…”

[HẾT CHƯƠNG 29]