Cuối tháng tư, có dịch tốt đưa thư của Hoàng thái sư ở Bắc Kinh đến Mục gia trang.
Gã đi rồi, Tử Phát cho gọi Thiên Cơ vào phòng. Ông cười bảo :
- Ba tháng nữa là thượng thọ của Thái hậu. Hoàng thái sư xin ta đóa Hồng Ngọc Mẫu Đơn và một ít châu báu để mừng lễ Thái hậu. Đóa hoa ngọc đỏ này cực kỳ quý giá, có một không hai. Do vậy, cửu phụ muốn nhờ Cơ nhi đích thân mang đến Bắc Kinh!
Thiên Cơ vui vẻ nhận lời :
- Cửu phụ yên tâm! Tiểu điệp hứa sẽ hoàn thành nhiệm vụ!
Tử Phát hài lòng ấn một nút bí mật. Sàn phòng lót đá đại lý bỗng sụp xuống chín ô, đê lộ cửa vào tàng trân thất, nơi cất giấu tài sản không lồ của Mục gia trang.
Ông cười bảo :
- Ngay Quỳnh nhi cũng không biết chỗ bí mật này. Nhưng ngươi là người thừa kế nên lão phu chẳng giấu làm gì!
Phòng ngầm vuông vức mỗi bề bốn trượng, được chống đỡ bởi dàn cây thiết mộc đen bóng, loại gỗ này cứng như sắt, vài trăm năm cũng chẳng hề mục nát.
Vàng thoi chất thành từng đống, còn bảo ngọc nằm đầy mười chiếc rương gỗ Tử Phát lần lượt đốt hệt sáu ngọn đèn tọa đăng, khoan khoái nhìn ánh vàng ngọc lấp lánh.
Liếc sang Thiên Cơ, thấy chàng hoàn toàn dửng dưng, lo sờ năn chiếc cột gỗ, lão vừa thất vọng, vừa vui :
- Sáu mươi năm trước, tổ phụ tổ mẫu của ta rời Cam Châu với vài trăm lượng bạc làm vốn. Số bạc này được gom góp khắp lượt hai họ Mục Lý. Vì vậy, nên khi thành đạt, họ luôn nhớ đến quyến thuộc. Đây là nghĩa vụ của những người thừa kế cơ nghiệp Mục gia trang. Sau này hiên điệt chớ quên điều ấy!
Thiên Cơ mỉm cười :
- Tiểu điệt thấy nó không có giá trị bằng một con thỏ lúc bụng mình đang đói!
Tử Phát phì cười :
- Đúng là luận điệu của một gã người rừng! Cũng may Quỳnh nhi kế thừa được tài kinh doanh của lão phu, nếu không thì chắc ngươi sẽ phá tan cơ nghiệp mất!
Lão mở một cửa ngầm trên vách, lấy hộp gỗ nhỏ rồi dẫn Thiên Cơ rời mật thất.
Lên đến nơi, Tử Phát mở nắp hộp gỗ, để lộ một đóa hoa Mẫu Đơn đỏ rực bằng ngọc, nằm trên lớp gấm trắng. Thiên Cơ bỗng nghe hương thơm thoang thoảng, đúng mùi hoa thật, lòng không khỏi kinh ngạc.
Tử Phát đắc ý nói :
- Vật này quí ở chỗ quanh năm tỏa hương thơm ngát. Thái hậu mà có được tất sẽ càng sủng ái Hoàng thái sư!
Thiên Cơ hiếu kỳ cầm lên xem thử, thấy nó rất tinh xảo, chẳng khác gì những cánh mẫu đơn trong khu rừng Thần Y Giá.
Mẫu đơn là vua của các loài hoa, sắc hương đều đủ. Sắc màu thì đỏ, vàng, đen, trắng, phấn, nâu, xanh, tía đều có. Cũng là đỏ mà mẫu đơn có đỏ son, đỏ lửa, đỏ long lanh như mã não. Còn trắng thì có trắng như băng, như bạc, như ngọc... Hương thơm thắm sâu vào tận mật gan, say đắm lòng người.
Đời Đường, mẫu đơn là loài hoa quí của Hoàng cung. Ở Ly Sơn, Dương Qúi Phi đã lập riêng một vườn toàn mẫu đơn hoa.
Có nhà thơ đương thời đã vịnh hoa mẫu đơn và Dương Qúi Phi :
Quốc sắc thiên cam tửu Thiên hương dạ nhiễm y Dịch thơ :
Sắc nước say rượu sáng Hương trời nhiễm áo đêm.
Từ đó, hoa mẫu đơn và những người đàn bà đẹp được gọi là Quốc Sắc Thiên Hương Thiên Cơ không biết sử, cũng chẳng biết làm thơ. Chàng chỉ khoan khoái hít lấy mùi hương để nhớ đến tháng tư ở rừng Thần Y Giá. Lúc ấy mẫu đơn nở rộ, hương sắc ngạt ngào.
Đêm ấy, chàng vào phòng Lan Quỳnh, thấy nàng có vẻ buồn vì sắp phải xa nhau.
Đôi uyên ương đang trong những ngày hoan lạc, mỹ nhân chăng hề muốn ngủ một mình.
Lan Quỳnh yêu say đắm chàng trai sơn dã thuần phác và dũng mãnh.
Thiên Cơ hồn nhiên kể lại cuộc sống phóng khoáng chốn núi rừng, đưa nàng vào một thế giới khác. Tuy bí đường chữ nghĩa nhưng Thiên Cơ thông minh xuất chúng, chứ chẳng phải phường ngốc nghếch.
Nàng yêu biết bao cách ái ân cuồng nhiệt và say đắm của chàng. Ngay lần đầu, đôi bàn tay sần sùi, chai đá kia đã làm trầy da nàng, nhưng sau đó Thiên Cơ đã nhẹ nhàng hơn.
Lan Quỳnh đã từng chứng kiến Thiên Cơ liên tục vỗ vào thân cây hay đá tảng để giữ cho song thủ luôn rắn chắc.
Nàng đã biết chàng là con trai của cô ruột mình. Phong tức không cấm anh em họ lấy nhau nên điều này chỉ làm tăng niềm hạnh phúc.
Giờ đây, Lan Quỳnh ân cần dặn dò và tỉ mỉ sắp xếp hành lý cho Thiên Cơ.
Trưa nay, nàng đã ra phố mua thêm vài bộ y phục sang trọng để chàng mặc khi đến Đế đô.
Sau trận mây mưa, Lan Quỳnh ngủ vùi. Thiên Cơ nhẹ nhàng rời trường ngồi trên ghế để ngắm gương mặt kiều diễm và thân hình nõn nà của người yêu. Bỗng đôi tai tinh nhạy của chàng nghe thấy tiếng gầm gừ nho nhỏ của con Kim Tiền Báo.
Con gấu đã dược bán đi nhưng Kim Tiền Báo mang thai nên được giữ lại.
Tuy vẫn còn rất dữ tợn nhưng nó ngày càng thân thiết với Thiên Cơ, và chàng là người duy nhất hiểu được ý nghĩa của âm thanh vô nghĩa kia :
Có người lạ đột nhập.
Thiên Cơ lập tức thổi tắt đèn, lướt ra ngoài, tiến nhanh về phía chuồng báo.
Chàng nhẹ nhàng mở chốt, thả con ác thú ra, bảo nó truy lùng. Với khứu giác kỳ tuyệt, con vật lao như tên bắn về phía hữu. Đến bụi phù dung um tùm cách đấy mười trượng, Kim Tiền Báo gầm lên, nhảy xổ vào.
Tên đạo tặc hồn phi phách tán, tung mình rời chỗ ẩn nấp. Thiên Cơ đã chờ sẵn, vung quyền tấn công. Gã hắc y rút đao chém liền, chiêu thức tàn độc và mãnh liệt.
Thiên Cơ thản nhiên vung tả thủ chụp lấy đao, còn tay phải điểm vào huyệt Huy Hương trên ngực và huyệt Đại Bảo trên sườn trái đối phương.
Thủ pháp dùng tay không bắt đao này đã khiến gã đạo tặc khiếp vía không sao tránh được hai chỉ của Thiên Cơ. Nửa người gã tê tái, đứng im chịu trận.
Thấy bọn gia đinh trong trang đốt đuốc kéo đến, Thiên Cơ vội dắt Kim Tiền Báo vào cũi.
Chàng quay lại, lột khăn tên đạo tặc, để lộ một gương mặt tròn với đội mắt lanh lợi và hàng râu mép xanh đậm. Gã nhìn Thiên Cơ với vẻ ngỡ ngàng.
Chàng lạnh lùng hỏi :
- Ngươi là ai? Vào trang với mục đích gì? Nếu không thực thà khai báo ra thì ta sẽ thả vào ở chung với con Kim Tiền Báo kia!
Hán tử cười nhạt :
- Đã bắt được thì cứ chém giết tùy thích. Ta chẳng tội gì phải khai tên cho nhục nhã tông môn! Lão gia ở phương xa đến, chăng sợ ai biết lai lịch!
Thiên Cơ quắc mắt, bước đến điểm nhanh vào bảy đại huyệt trên thân hán tử áo đen. Gã sụp xuống co giật, mặt nhăn nhúm, miệng rên la thảm thiết.
Thủ pháp Bạch Xà Nhập Phủ này có trong quyển Long Hổ bí kíp. Long ở đây để chỉ loài rắn vì chẳng ai nhìn thấy rồng bao giờ cả.
Gã áo đen nghe phủ tạng đau đớn như bị đàn rắn cắn xé, chỉ chịu được một lúc là ra dấu đầu hàng Thiên Cơ giải tỏa kinh mạch rồi nhìn gã chờ đợi. Hán tử ngồi lên, nhăn nhó nói :
- Các hạ còn trẻ mà thủ đoạn tàn nhẫn phi thường, xem ra Trầm mỗ gặp hồi xui xẻo rồi! Ta tên Trần Kim Yết, có biệt hiệu là Hắc Báo Tử, đạo tặc đất Hà Bắc. Lần này mỗ về Hồ Nam thăm mộ song thân, vì cạn túi nên ghé vào đây kiếm ít lộ phí. Nào ngờ Hắc Báo lại gặp Kim Tiền Báo, bị bắt cũng đáng đời!
Thiên Cơ gật gù :
- Nếu đúng là ngươi còn phải đi tảo mộ song thân thì ta không giải lên quan làm gì, chỉ phế võ công thôi!
Họ Trần run bắn, nghiến răng nói :
- Mất võ công thì chẳng thà chết còn hơn! Các hạ hãy giết ta đi!
Thiên Cơ điềm đạm nói :
- Có vậy thì ngươi mới trở thành người lương thiện được!
Chàng bước đến nắm cổ y dựng đứng lên, định điểm vào huyệt Khí Hải.
Nhưng Mục trang chủ và Tổng quản Trần Sinh đã ra đến. Trần lão vội gọi :
- Khoan đã thiếu gia! Để lão phu xem thử gã là ai?
Ông lướt đến, ngỡ ngàng hỏi :
- Có phải tứ đệ đấy không?
Kim Yết mừng rỡ hô to :
- Đại ca! Sao anh lại ở đây?
Trần Sinh vòng tay nói với Tử Phát :
- Trang chủ! Hắn chính là bào đệ của lão phu, mong người tha cho!
Mục Tử Phát cười ha hả :
- Cũng may mà Cơ nhi chẳng giết gã ngay, nếu không thì tại hạ vô cùng hối tiếc!
Thiên Cơ mỉm cười, giải huyệt cho Kim Yết rồi nói :
- Lần sau các hạ có đi ăn trộm thì nhớ điều tra cho kỹ rồi hãy vào!
Kim Yết ngượng ngùng gãi đầu, bỗng gã chụp lấy tay tả của chàng để xem xét.
Thấy lòng bàn tay có lớp chai dày như da voi, gã lắc đầu le lưỡi :
- Công tử luyện công phu gì mà lợi hại như vậy?
Thiên Cơ cười đáp :
- Công phu khỉ trèo cây!
Sáng ngày hôm sau nữa, Thiên Cơ mới khởi hành di Bắc Kinh, người tháp tùng chàng chính là Hắc Báo Tử Trần Kim Yết. Gã thông thạo vùng Hoa Bắc và Đế đô, lại dày dạn kinh nghiệm giang hồ, nên được cử đi theo chàng.
Kim Yết đã tình nguyện phục vụ Mục gia để được gần gũi anh ruột là Trần Sinh.
Sau lần ngược Bắc này, gã sẽ về ở hẳn đất Nghi Xương, bỏ nghề đạo chích.
Thời gian còn rộng rãi nên hai người chẳng phải vội. Thiên Cơ bị thu hút bởi phong cảnh dọc đường song có chút ngỡ ngàng khi vào những nơi đô hội! Chàng để mặc cho Hắc Báo Tử lo lắng chuyện ăn ngủ, và họ Trần tỏ ra rất chu đáo. Gã đưa Thiên Cơ vào những tửu lâu, khách điếm sang trọng nhất, phục vụ chàng như một bậc vương tôn công tử.
Thứ nhất là vì lời dặn dò của Mục trang chủ. Thứ hai là do gã phục Thiên Cơ sát đất, nguyện suốt đời phò tá. Số phận bi thảm và tính cách rừng rú của chàng trai này đã cuốn hút Kim Yết.
Gã xuất đạo năm mười bảy tuổi, lăn lóc đường đời, chịu không biết bao nhiêu đắng cay, khổ sở. Từ một gã trộm gà, bặt chó, Kim Yết vương dần lên trong giới hắc đạo Hà Bắc, tạo được chút thanh danh Hắc Báo Tử.
Nhưng về mặt tài sản thì gã chẳng hề khá hơn, lúc nào cũng rỗng túi!
Trần Kim Yết có một tật xấu rất đáng yêu. Gã ăn xài bạt mạng và lúc nào cũng hết lòng vì bằng hữu. Chưa bao giờ gã từ chối việc giúp đỡ bạn bè khi họ túng quẫn!
Vì vậy sau mười mấy năm ngang dọc, họ Trần chỉ còn lại vài bộ y phục và sự mến mộ của huynh đệ giang hồ!
Đầu xuân này, Kim Yết tìm đến nhà một tên trộm hoàn lương để nương náu cho qua mấy ngày tết. Người này có tên là Trương Lão Bát, hiện là chủ một phạn điếm lớn trên phố Từ Châu, trong thành Bắc Kinh.
Tuy ngoài mặt vui vẻ hân hoan, nhưng họ Trương lại nhét Hắc Báo Tử trong một căn phòng tối tăm sau vườn. Với một tâm chăn đơn mỏng manh không đủ để chống lại cái rét thấu xương của mùa đông phương Bắc.
Nửa đêm, Hắc Báo Tử tỉnh rượu vì lạnh run. Gã giận dữ tìm đến phòng bằng hữu để đòi một chiếc mền bông. Đến nơi, Kim Yết nghe vợ chồng họ Trương bàn bạc xem ngày mai sẽ cho mình bao nhiêu lượng rồi đuổi khéo đi. Lòng họ Trần chua xót tái tê, trở về thức trắng đêm, cay đắng cho cái mà giới giang hồ gọi là tình bằng hữu, huynh đệ!
Kim Yết bỗng chán chường kiếp sống hiện tại, quyết trở về quê hương thăm mộ song thân và tìm anh em của mình.
Sáng hôm sau, gã thản nhiên ra đi mà không từ giã Trương lão bát. Bảy ngày sau, Hắc Báo Tử gom góp được hơn trăm lượng bạc, rời Bắc Kinh.
Lúc này thì cả giới lục lâm đế đô đã biết tâm địa của Trương Lão Bát. Họ không còn đến Trương gia phạn điếm để ủng hộ, mà còn liên tục quấy phá khiến họ Trương cơ hồ sạt nghiệp.
Hắc Báo Tử thành danh không phải chỉ nhờ vào tính trọng nghĩa khinh tài Gã được chân truyền pho Bát Quái Đao của một dị nhân, ân cư ở núi Quân Đô sơn, nên bản lãnh rất cao cường. Nay bị Thiên Cơ hạ chỉ bằng một chiêu, lòng gã vô cùng thán phục, xem chàng như thần thánh.
Vì vậy, khi nghe lời phân giải của bào huynh là Tổng quản Trần Sinh, Kim Yết đã chấp thuận làm thủ hạ cho Thiên Cơ.
Giờ đây, gã mang đao hộ tống chàng ngược Bắc, lòng hoan hỉ vì trong túi đầy vàng bạc có thể tiêu xài thỏa thích. Sự tín nhiệm của Mục trang chủ đã khiến Hắc Báo Tử cảm kích. Suốt đời gã chỉ sống bằng tiền trộm cắp chứ chưa hề được giao cho giữ đến cả ngàn lượng vàng thế này!
Nhưng chính vì vậy mà gã đâm ra thận trọng, không dám phóng tay khi chi tiêu, cố trở thành một vị quản gia mẫn cán.
Dù Thiên Cơ hoàn toàn không chú ý gì đến việc tiền nong, song khi đối diện với đôi mắt trong sáng, sâu thẳm của Thiên Cơ, Kim Yết có cảm giác rằng chàng nhìn thấu tâm hồn mình.
Cũng như phần lớn khách giang hồ, Kim Yết có tánh ba hoa, thích khoe khoang sự hiểu biết của mình, Thiên Cơ lặng lẽ nghe và chỉ mỉm cười. Thế mà Hắc Báo Tử lại đâm ra chột dạ, cẩn ngôn, chẳng dám khoác lác, phóng đại thêm một ly nào cả.
Sau vài hôm đồng hành, Kim Yết chợt thức ngộ ra rằng mình khiếp sợ Thiên Cơ!
Chàng mang khí chất của một con mãnh hổ đang nằm ngủ, tuy hiền hòa như một chú mèo nhà nhưng chẳng ai dám coi thường.
Những cơn mưa mùa hạ đỗ ập xuống vùng Hoa Trung. Sáng mùng bảy tháng năm, Kim Yết thức giấc, nhận ra cửa sổ phòng mình khép chặt và trên người có mảnh chăn đơn.
Gã nhớ rằng đêm qua mưa rất lớn và trời lành lạnh. Vì lười biếng, gã chẳng thèm ngồi dậy để đóng cửa sổ, hay vơ lấy chăn mà đắp. Vậy phải chăng Thiên Cơ đã đến đây làm việc này? Tỏ ra chàng có một trái tim nồng ấm chứ không lạnh lẽo như bề ngoài.
Hắc Báo Tử mỉm cười hạnh phúc, biết rằng mình đã tìm được chủ nhân tốt. Gã tự thề sẽ hiến cả cuộc đời mình cho Trầm Thiên Cơ!
Sáng mười bốn, hai người còn cách Trịnh Châu vài chục dặm, Hắc Báo Tử lúng túng nói :
- Công tử! Hôm nay là ngày giỗ sư tổ Bát Quái môn. Đã đi đến đây mà không vào dự thì e lỗi đạo. Tổng đàn bổn môn cách đây không xa, thuộc hạ muốn ghé qua thắp nén hương.
Thiên Cơ mỉm cười gật đầu. Tính chàng rất ít nói, và khi nói thì cũng ngắn gọn.
Nhưng bù lại ánh mắt và nét mặt chàng rất biểu cảm, có thể thay thế cho lời nói! Đây cũng là kết quả của mười chín năm sống giữa núi rừng và muông thú!
Kim Yết được sự đồng ý của chủ nhân, hoan hỉ rẽ phải đi về hướng Đông. Bát Quái môn là một bang hội nhỏ, căn cứ đặt tại chân núi Thanh Sơn, từ đường quan đạo Bắc Nam đến đấy chỉ chừng ba, bốn chục dặm.
Trên đường đi, Kim Yết nhận ra có khá nhiều ky sĩ đồng hành. Trên lưng họ không phải là đèn nhang, lễ vật mà là khí giới. Và sắc diện của họ âm trầm, đầy sát khí hoắt ưu tư, chẳng hề giống những người sắp đi ăn giỗ.
Hắc Báo Tử thắc mắc, cho ngựa chạy song song với một hán tử áo lam lực lưỡng, rồi hỏi :
- Tiểu đệ mạo muội muốn biết chư vị đi đâu mà có vẻ khẩn trương như vậy?
Hán tử liếc nhìn Kim Yết bằng ánh mắt lạnh lùng rồi hỏi :
- Các hạ là ai?
Họ Trần vội đáp :
- Tại hạ Trần Kim Yết, đệ tử Bát Quái môn, về dự đám giỗ tổ sư!
Sắc mặt hán tử dịu lại. Gã rầu rĩ đáp :
- Chắc huynh đài ở xa đến nên không biết việc tai họa sắp giáng xuống đầu Bát Quái môn!
Hắc Báo Tử giật mình :
- Bổn môn chỉ chuyên tâm nghiên cứu Dịch học, suốt đời không tranh chấp với ai, sao lại có kẻ thù?
Hán tử tư lự đáp :
- Huynh đài có biết tấm gương đồng hình lục giác treo trên bàn thờ tổ sư hay không? Chính vật ấy đã gợi lòng tham của lão đại ma đầu Huyết Ấn Thần Quân Khang Nhẫn! Lão đòi bổn môn cho mượn, nhưng vì là vật linh thiêng nên Môn chủ đã từ chối.
Họ Khang tuyên bố sẽ dẫn thủ hạ đến đoạt Bát Quái Đồng Kính!
Kim Yết ngớ người :
- Ủa! Sao tại hạ nghe nói Huyết Ấn Thần Quân đã chết cách nay gần ba mươi năm rồi mà?
Hán tử áo lam nhăn mặt :
- Nếu lão chết thực thì đã là phúc cho võ lâm! Tháng trước, Khang Nhẫn dựng cờ Huyết Ấn bang ở núi Kiều Sơn cách Khai Phong hơn trăm dặm về hướng Đông nam!
Hán tử hòa nhã tự giới thiệu :
- Tại hạ là Mễ Thiên Cù, quê Nam Dương, đệ tử đời thứ ba Bát Quái môn. Dám hỏi Trần huynh là cao đồ của ai?
Kim Yết cười mát :
- Thế thì các hạ phải gọi Trần mỗ bằng sư thúc! Ta là đệ tử của Tứ trưởng lão Tề Lâm Nhạc ở núi Quân Đô sơn!
Họ Mễ đỏ mặt, nói giả lả :
- Đệ tử bái kiến sư thúc!
Thiên Cù có dáng người cao lớn, vạm vỡ, mắt lộ, mũi xẹp, miệng rộng, răng thưa, trông thô tháp và hơi ngốc nghếch. Nhưng chính người như vậy lại thực thà và xem trọng bề bậc. Khi biết Trần Kim Yết ở vai sư thúc, họ Mễ cực kỳ kính cẩn. Gã vòng tay nói :
- Bẩm sư thúc! Thế vị tiểu huynh đệ này có phải là đệ tử của bổn môn không?
Thiên Cù đã gần tứ thập niên nên gọi Thiên Cơ như vậy! Kim Yết trừng mắt đáp :
- Ngươi chớ hàm hồ! Mục công tử đây là chủ nhân của ta đấy!
Họ Mễ bối rối lặng thinh nhưng trong lòng lại nghĩ :
- Chủ của ngươi chứ nào phải của ta? Mễ mỗ chỉ coi trọng tôn ti trong môn phái chứ đâu cần biết đến người ngoài!
- Trần sư thúc! Người đưa Mục công tử đây đến Thanh Sơn chẳng phải nguy hiểm lắm sao? Lúc đánh nhau, ai mà chiếu cố nổi?
Kim Yết phá lên cười :
- Mắt ngươi lớn gấp mười người thường mà xem ra nhãn lực chẳng được tinh tường! Có được Mục công tử đây hỗ trợ thì dù bản thân Huyết Ấn Thần Quân xuất hiện cũng chẳng đáng ngại!
Thiên Cù giật mình, nhìn chàng trai áo trăng trẻ trung kia với ánh mắt nghi hoặc.
Đâu giờ Tý, các ky sĩ đến Tổng đàn Bát Quái môn dưới chân núi Thanh Sơn. Nơi đây không có vẻ oai phong của một phái võ mà giống như một thôn xóm hiền hòa, mộc mạc, với lũy trúc xanh bao quanh và cổng lớn bằng gỗ lại treo tấm bảng với dòng chữ khiêm tốn :
Bát Quái môn!
Cơ ngơi chính của thôn là một tòa nhà đá nằm cạnh một ngôi đền mái lợp ngói lưu ly xanh. Công trình đồ sộ này có chu vi là ba mươi hai trượng, có thể chứa được vài trăm người. Tuy chỉ có một tầng nhưng ngôi đền cao đến ba trượng, mỗi cạnh đều có cửa kín. Các cánh cửa rộng mở, môn đồ ra vào tấp nập chuẩn bị cho việc tế lễ tổ sư.
Cửa Nam của đền có treo tấm bảng gỗ sơn son thiếp vàng năm chữ Bát Quái môn Tổ đường. Và trên sân gạch chung quanh là hàng trăm bàn tiệc để chiêu đãi quan khách cũng như đệ tử bổn môn.
Những cây Hoàng Đàn già cỗi, cao bảy tám trượng vây quanh Tổ đường là chứng tích cho lịch sử gần trăm năm của Bát Quái môn. Hoàng Đàn thuộc họ Long Não, càng lá xúm xuê tỏa mùi hương dìu dịu và che mát cho thực khách.
Dù bị ám ảnh bởi lòi đe dọa của Huyết ẩn Thần quân, nhưng Bát Quái môn vẫn cố giữ vẻ thản nhiên, tổ chức lễ giỗ tổ cho chu đáo. Sự có mặt của đại biểu các phái Thiếu Lâm, Võ Đang, Cái bang... đã khiến cho chủ nhà vững dạ hơn. Vả lại, đệ tử Bát Quái môn rất đông đảo, đối phương chẳng dại gì đến trong ngày hôm nay!
Đương kim Môn chủ Mạnh Lý Sơn tuy mới hơn bốn mươi bảy nhưng bản lãnh siêu quần, khí phách hiên ngang. Thiên Cơ chợt có cảm tình với gương mặt rắn rỏi, kiên quyết của họ Mạnh. Bằng bản năng, chàng nhận ra lão là người ngay thẳng, cương trực.
Giữa giờ Tý, nghi lễ tế tổ được tiến nhành trong tòa Tổ đường Bát Giác nên Thiên Cơ không được chứng kiến. Chàng cùng quan khách ngồi lại ngoài sân chờ đợi.
Mấy chục nữ đệ tử Bát Quái môn súng sính trong những bộ y phục đủ màu, lượn qua lượn lại để sắp chén đũa. Nếu không có dấu Bát Quái nhỏ bằng đồng tiền thêu ở vạt áo thì chẳng có gì để chứng tỏ họ là người học võ.
Thiên Cơ nhận ra đôi mắt đen láy của một nữ lang áo hồng đang dán vào mặt mình. Khi chàng nhìn lại thì nàng mỉm cười bỏ đi. Thiên Cơ chạnh lòng vì thấy nàng có nét giống mẫu thân mình! Chàng đã được xem bức họa chân dung của bà treo trong thư phòng của Mục trang chủ.
Lát sau, nữ lang trở ra, đặt trước mặt Thiên Cơ một bầu rượu nhỏ và đĩa lạc rang.
Nàng nói nhỏ :
- Cuộc tế lễ còn rất lâu, mời công tử dùng tạm!
Thiên Cơ cười mát :
- Xin cảm tạ!
Thấy chàng không hỏi tên mình, nữ lang đành chịu lép :
- Tiểu muội là Cốc Dao Trì, dám hỏi phương danh công tử?
Chàng hờ hững đáp :
- Mục Thiên Cơ! Quê Hồ Bắc!
Dao Trì định hỏi han thêm thì bị hai nàng khác đến kéo đi. Họ cấu xé nhau, cười khích khích trông đáng yêu.
Thiên Cơ hít mạnh mùi hương mỹ nhân còn vương lại, tự nhủ rằng không giống của Lan Quỳnh.
Qúa nửa giờ Tý thì cuộc tế lễ mới viên mãn. Mạnh môn chủ cùng ba vị trưởng lão dẫn đệ tử ra ngoài, khai mạc yến tiệc.
Hắc Báo Tử trở về bàn, ngồi cạnh Thiên Cơ. Gã khoan khoái chụp bình rượu, cạn liền ba chén rồi chép miệng hỏi :
- Sao công tử lại được chiêu đãi bằng thứ rượu quí Đàm Hoa Tửu này?
Chàng mỉm cười lắc đầu :
- Ta cũng không rõ! Có một vị cô nương họ Cốc đem đến!
Kim Yết gật đầu :
- Chắc ả ta si mê công tử nên mới hậu đãi như vậy! Đàm Hoa Tửu chỉ dành riêng cho Môn chủ và các vị trưởng lão, hoặc thượng khách! Bốn năm trước thuộc hạ có được Môn chủ ban cho một chén!
Mạnh môn chủ đứng lên mời mọc mọi người nâng chén và động đũa. Hắc Báo Tử đói meo nên ăn như rồng cuốn.
Thiên Cơ đã chén gần hết dĩa lạc rang nên ngang dạ, chỉ ăn được hai bát đã buông đũa. Chàng bình thản nhâm nhi ngắm nhìn tòa Tổ đường kỳ lạ.
Giờ đây, bảy cửa Kim đều đã đóng chặt, chỉ còn lại duy nhất cửa chính hướng Nam, quay về phía khu bàn tiệc. Theo phương vị Bát Quái thì hướng chính Nam thuộc cung Khảm.
Đôi nhãn thần sáng quắc của chàng chợt nhận ra trong Tổ đường thấp thoáng bóng người. Cảm giác bất an khiến chàng buột miệng nói :
- Kim Yết! Sao giờ này vẫn còn có người trong Tổ đường, không chịu ra dự yến?
Hắc Báo Tử kinh hãi hỏi lại :
- Công tử có chắc không?
Thiên Cơ gật đầu :
- Người này mặc y phục đen, vóc dáng nhỏ nhắn!
Hắc Báo Tử vội gọi lớn :
- Bẩm Môn chủ! Có kẻ đột nhập Tổ đường!
Mạnh Ly Sơn đứng phắt dậy, ra hiệu cho ba vị trưởng lão phong tỏa cửa Khảm rồi trấn an cử tọa :
- Sự việc chưa rõ ràng, mong quan khách bình tâm! Riêng đệ tử Bát Quái môn phải sẵn sàng ứng chiên, tuyệt đối không cho kẻ cắp thoát đi!
Họ Mạnh vừa nói xong thì mấy chục mảnh ngói lưu ly từ trên nóc Thạch cung rơi xuống loảng xoảng. Tên đạo tặc kia đã phá mái để chui ra.
Toàn trường nhốn nháo rời bàn tiệc, vây chặt Tổ đường. Hung thủ đã đứng trên nóc, toàn thân hắc y và đầu trùm kín khăn đen, tay cần đoản kiếm, tay cầm Bát Quái Đồng Kính!
Mạnh môn chủ nhận ra lai lịch đối phương, liền quát hỏi :
- Độc Hồ Điệp! Bổn môn với cô nương không thù oán, sao cô nương lại trộm bảo vật của Bát Quái môn?
Hắc y nhân cười thánh thót :
- Huyết Ấn Thần Quân đã nhờ ta đến mượn Bảo Kính của quí môn, đúng một năm sau sẽ hoàn lại!
Nàng đút gương đồng vào bụng áo rồi rút ra một trái cầu màu cam, nhỏ bằng quả chanh. Độc Hồ Điệp ngạo nghễ nói tiếp :
- Chắc Túc hạ đã nhận ra trái Cửu Tuyền Độc Châu này rồi chứ? Nếu muốn bảo toàn mạng sống cho môn đệ thì đừng dại dột cản đường bổn nhân!
Oai danh của loại vũ khí cực độc này đã thống trị võ lâm suốt mấy chục năm nay, khiến mọi người chết điếng, chẳng biết đối phó thế nào.
Hắc Báo Tử gằn giọng :
- Chắc gì vật ấy đã đúng là Cửu Tuyền Độc Châu? Môn chủ đừng để ả uy hiếp!
Độc Hồ Điệp cười vang :
- Ngươi không tin thì bổn cô nương sẽ ném xuống cho biết mùi!
Mạnh Ly Sơn kinh hãi xua tay :
- Khoan đã!
Gương mặt ông tái xanh, trán lấm tấm mồ hôi, hai hàm răng nghiến chặt vào nhau khiến cằm nổi gân. Ông chậm rãi nói :
- Độc Hồ Điệp! Bổn tọa vì an nguy của đệ tử đành chịu thua keo này. Nhưng ngươi nên nhớ rằng kể từ nay Bát Quái môn sẽ dùng mọi thủ đoạn để giết ngươi. Hãy đem Bát Quái Đồng Kính đi và báo với Huyết Ấn Thần Quân rằng bổn môn sẽ lấy máu để rửa Kiều Sơn!
Mạnh môn chủ ra lệnh dàn vòng vây để đối phương nhảy xuống! Nhưng Độc Hồ Điệp tinh quái như chồn chạy ra mái ngói hướng Tây, chịu lên cây Hoàng Đàn. Quả xứng danh Hồ Điệp, không công nàng nhanh nhẹn và linh hoạt phi thường, lướt trên trên ngọn cây mà đào tẩu.
Mọi người uất ức nhìn theo, chẳng ai dám truy sát. Nhưng trong hàng ngũ quan khách có bóng người lướt đi như ánh chớp, đuổi theo hướng chạy của Độc Hồ Điệp.
Thân pháp kỳ tuyệt này khiến Mạnh môn chủ giật mình. Ông vội gọi lại :
- Đừng đuổi theo! Tài phóng độc của Độc Hồ Điệp rất lợi hại!
Bóng trắng vẫn chẳng dừng chân, tiếp tục lao đi. Hắc Báo Tử lên tiếng :
- Bẩm Môn chủ! Mục công tử đã chịu ra tay thì Độc Hồ Điệp không thể nào chạy thoát được. Chúng ta cứ bám theo xem sẽ biết!
Mạnh Ly Sơn khấp khởi mừng, phất tay ra hiệu tiến lên. Ông chạy gần Kim Yết và hỏi :
- Võ nghệ của chàng trai ấy thế nào?
Họ Trần mỉm cười :
- Mục Thiên Cơ chính là người đã đánh chết Thất Tinh bang chủ chỉ trong vòng bốn chục chiêu!
Vân Thông đại sư, thủ tòa La Hán đường Thiếu Lâm tự Ồ lên :
- Té ra là chàng ta! Bần tăng có được nghe Vân Hiền sư huynh kể lại trận đấu ấy!
Lúc này, Thiên Cơ đã vượt qua Độc Hồ Điệp. Nàng ta ở trên ngọn cây còn chàng thì ở dưới đất.
Thiên Cơ đề khí nhảy lên cành, thoăn thoắt chuyền nhanh, chân đầu đối phương.
Độc Hồ Điệp phát hiện tàng cây trước mặt có người áng đường, giận dữ quát :
- Ngươi không biết sợ chết hay sao?
Thiên Cơ chẳng ậm ừ, nhún mạnh vào cành đối phương, mượn đà bay vút đến tấn công Độc Hồ Điệp dường như không muốn va chạm với Thiên Cơ nên tuột xuống, khuất trong tàn lá. Từ vị trí mới, nàng chuyền đi chịu sang cây khác.
Nhưng di chuyển giữa rừng cây là nghề của Thiên Cơ. Chàng có thể đuổi kịp một con vượn thì Độc Hồ Điệp làm sao thoát thân! Đôi tay dài của chàng luôn tìm được những điểm tựa thích hợp để quăng mình đi.
Bằng bản năng, chàng tính toán được sức chịu đựng cũng như sức bật của mỗi cành cây.
Độc Hồ Điệp không có được bản năng ấy nên mấy lần chụp phải cành yếu hoặc mục rỗng, rơi đầu xuống thấp. Nàng hậm hực chịu xuống mặt cỏ chứ không dám đua tài khỉ vượn với đối phương nữa.
Nhưng Thiên Cơ vẫn nhanh hơn nàng, bám theo như hình với bóng. Độc Hồ Điệp tức tối quay lại rải độc phấn mịt mù. Đây không phải là trái Cửu Tuyền Độc Châu danh trấn giang hồ, nhưng cũng đủ để đánh gục bất cứ ai.
Chỉ mình Thiên Cơ là ngoại lệ, chàng thản nhiên vượt qua đám mây độc, ưng trào chụp lấy ngực đối thủ.
Song Thiên Cơ lại không biết sợ, hai bàn tay vẽ lên ngàn bóng trào, cắm thẳng vào màng lưới thép. Chẳng hiểu sao Độc Hồ Điệp lại lùi nhanh và nói nhỏ :
- Kiếm có độc, ngươi không thấy sao?
Thiên Cơ ngỡ ngàng, cười đáp :
- Tại hạ không sợ độc, cô nương đừng quá lo!
Miệng nói nhưng tay chân chàng vẫn liên tiếp tung ra những đòn kỳ ảo của pho Long Hổ thần thức. Thiên Cơ đánh liền chín chiêu liên hoàn, đẩy Độc Hồ Điệp vào hàng rào trúc dày đặc. Đến nước này thì nàng ta chẳng còn dám nhân nhượng, nghiến răng xuất chiêu đoạt mệnh.
Tiểu kiếm ngắn và nhẹ nên nhanh nhẹn, linh hoạt hơn trường kiếm, tạo thành lưới kiếm ảnh mờ mờ, uy hiếp thân trên đối thủ Thiên Cơ vẫn dùng đấu pháp cương mãnh, lao thẳng vào như không hề biết sợ chết.
Độc Hồ Điệp bỗng phát hiện trảo phong của chàng trai họ Mục níu chặt lấy đường kiếm của mình. Nàng sững sờ chỉ vì những ai có trên bốn mươi năm tu vi mới đạt đến trình độ này. Nàng vội dùng toàn lực vào thân kiếm để đánh hết chiêu, cố hớt đứt bàn tay Thiên Cơ. Nào ngờ, Thiên Cơ thản nhiên nắm chặt lấy lôi về mình và vung quyền đấm vào ngực kẻ thù.
Độc Hồ Điệp choáng váng như người gặp ma, không sao phản ứng được nữa, chỉ còn cách chờ chết. Bỗng tay hữu Thiên Cơ xòe ra, hạ thấp xuống, rạch đứt lớp vải áo, chụp lấy Bát Quái Đồng Kính.
Chàng buông tiểu kiếm, cười bảo :
- Tại hạ không quên ơn tặng bầu rượu quí. Cốc cô nương hãy đi đi!
Chàng đã nhận ra Độc Hồ Điệp chính là nữ lang áo hồng Cốc Dao Trì.
Dao Trì vừa thẹn, vừa giận, dậm chân hỏi :
- Sao công tử nhận ra tiểu muội?
Thiên Cơ sờ mũi mình đáp :
- Cơ thể của ai cũng có một mùi riêng biệt. Tại hạ đã nghe qua một lần thì nhớ mãi không quên!
Cốc Dao Trì xấu hổ, lườm chàng rồi chạy đi, chọn chỗ rào thưa, vung kiếm phá đường mà thoát ra. Mạnh môn chủ và quần hào đứng sau bảy trượng.
Ông vội quát :
- Sao công tử không giữ ả lại?
Mọi người chạy ùa đến nhìn Thiên Cơ với vẻ ngưỡng mộ và nghi hoặc.
Chàng trao Bảo Kính cho Mạnh Ly Sơn rồi nói :
- Tại hạ không thể làm khác được. Xin Môn chủ lượng thứ cho!
Trưởng lão phái Võ Đang, Hoàng Hải Châu Châu, là một đạo sĩ già cao gầy, phóng khoáng và có óc hài hước. Lão mỉm cười hô hố bảo :
- Mạnh thí chủ định bắt Độc Hồ Điệp về làm tỳ thiếp hay sao? Độc Thiên Lương không phải là một nhạc gia dễ tính đâu đấy nhé!
Mạnh Ly Sơn nghe nhắc đến Độc Thiên Lương, thầm công nhận Thiên Cơ xử lý rất đúng. Bắt hay giết Độc Hồ Điệp chỉ gây tai họa cho Bát Quái môn mà thôi. Lão gượng cười, vòng tay nói với chàng :
- Bổn tọa và toàn thể Bát Quái môn xin đội ơn công tử!
Thiên Cơ mỉm cười, để lộ hàm răng nhọn và trắng như ngọc :
- Thức ăn và rượu của quí môn rất ngon, tại hạ mới là người cần cảm tạ!
Chàng cáo biệt đi ngay, chẳng lưu lại thêm nữa.
Bang chủ Cái bang, Đại Phúc Cái, xoa chiếc bụng mỡ, nhìn theo bóng Thiên Cơ, hỏi bâng quơ :
- Tiểu tử họ Mục này là đệ tử của ai vậy nhỉ? Nhìn cảnh gã dùng tay không chụp lấy độc kiếm lão phu rợn cả tóc gáy!
Vân Thông thiền sư tuổi đã bảy mươi lăm, say mê võ thuật hơn kinh kệ. Ông là người có kiến văn uyên bác, thông thạo võ học trăm nhà. Thiền sư tư lự đáp :
- Theo thiển ý của lão nạp thì có thể Mục thí chủ đã thi triển pho Long Hổ thần thức, nhưng công phu thiết thủ kia thì chẳng hiểu của phái nào?
Sáu ngày sau, bọn Thiên Cơ vào thành An Dương. Tắm gội xong, Hắc Báo Tử cười hề hề :
- Thuộc hạ sẽ đưa công tử đến một địa phương cực kỳ lý thú. Nơi này có tên là Hoan Lạc cung, danh tiếng lẫy lừng Hoa Bắc!
Thiên Cơ biết mình quê mùa, kiến văn nhỏ hẹp nên cũng muốn mở mang thêm.
Cuộc hành trình ngược Bắc này là dịp tột để chàng học hỏi.. Nhưng trong tiềm thức, Thiên Cơ vẫn cảm thấy mình xa lạ với cuộc sống náo nhiệt hiện tại, chàng e ngại hỏi :
- Nơi ấy thế nào?
Kim Yết hào hứng giới thiệu :
- Bẩm công tử! Hoan Lạc cung tuy mới thành lập được ba bốn năm nay nhưng đã nổi tiếng là cõi đào nguyên nơi hạ giới. Nơi ấy có phong cảnh đẹp, nhà cửa nguy nga tráng lệ, đầy đủ các thú vui trên đời. Đặc biệt là các vị tiểu cô nương của Hoan Lạc cung xinh đẹp, kiều mị phi thường!
Thiên Cơ cau mày :
- Té ra đấy là một thanh lâu! Ta không thích khoảng ấy!
Ngày còn làm ở kho thuốc của Mục gia trang, bọn phu thường kể cho nhau nghe chuyện gió trăng và còn rủ Thiên Cơ đi kỹ viện. Chàng không đi nhưng nhờ vậy mà biệt rằng trong cuộc sống này có nơi buôn bán thân xác nữ nhân!
Thiên Cơ xa Lan Quỳnh đã hơn nửa tháng, lòng cũng khao khát chuyện ái ân, nhưng chẳng bao giờ chàng nghĩ rằng mình có thể tìm vui nơi con mái khác.
Hắc Báo Tử nghe chủ nhân từ chối thẳng thừng, mặt mày tiu nghỉu ấp úng nói :
- Công tử không ưa nhưng thuộc hạ nhịn thèm quá lâu rồi! Nay có dịp đi ngang qua đây mà không ghé vào cho thỏa chí thì quả là đáng tiếc!
Thiên Cơ điềm đạm bảo :
- Ngươi cứ đi một mình!
Kim Yết nhăn nhó :
- Thuộc hạ không dám! Trang chủ và gia huynh đã ra nghiêm lệnh, bắt thuộc hạ không rời công tử nửa bước. Hay là công tử đến đấy ăn uống, ngoạn cảnh, đâu nhất thiết phải vào kỹ viện?
Thiên Cơ cười mát :
- Ta ăn cơm ở đây có phải đỡ tốn kém hơn không?
Hắc Báo Tử cười vang :
- Về khoảng tiền nong thì công tử chớ lo! Với bản lãnh của công tử thì chúng ta chẳng tốn một đồng kẽm nào cả!
Thiên Cơ hiếu kỳ hỏi :
- Sao lạ vậy?
Kim Yết đắc ý đáp :
- Bẩm công tử! Hoan Lạc cung là nơi kỳ quái nhất thiên hạ. Nó có hai cửa :
Một là Đại Phú môn, ai vào phải đóng đủ trăm lặng vàng ròng. Cửa thứ hai tên Anh Hùng môn, dành cho những người đủ tài vỗ kêu chiếc trống đồng treo cao hai trượng. Công tử chỉ cần bỏ ra chút sức lực là hai ta trở thành thượng khách của Hoan Lạc cung ngay!
Thiên Cơ bỗng tò mò muốn xem qua chôn ăn chơi có qui củ kỳ lạ kia nên mỉm cười đồng ý đi với họ Trần.
Kim Yết hân hoan soạn y phục cho chủ nhân. Trong bộ trường bào màu lam thẫm, dây cột tóc và thắt lưng màu nguyệt bạch trông chàng bội phần anh tuấn và quí phái.
Hắc Báo Tử chăm chút tỉa tót hàng râu mép xanh rì của chủ nhân rồi cười hì hì :
- Công tử tuấn tứ thế này chắc sẽ lọt vào mắt xanh của Ngọc Đường Xuân Nữ, chủ nhân Vạn Hoa lâu!
Ngọc Đường Xuân là cái tên mà người Quảng Châu đặt cho loài hoa Bạch Ngọc Lan, còn ở đất Hồ Bắc thì nó lại được gọi là Nghênh Xuân Hoa.
Thiên Cơ biết cả hai tên này và chàng động lòng nhớ đến mùa xuân trong rừng Thần Y Giá. Chàng nhớ cả đến bá phụ Lý Dĩ, người đã khổ công khai phá tâm hồn man rợ của đứa cháu nửa người nửa thú! Với chàng, ông là bác, vừa là sư phụ và hơn nữa là một người cha thân thiết.
Thiên Cơ thoáng buồn, nhét hộp gỗ đựng đóa Hồng Ngọc Mẫu Đơn và Thiết hoàn vào bụng. Chàng không định lên trường với ai nên thản nhiên đem theo vật tùy thân. Kim Yết xảo trá :
- Nếu công tử chấm được mỹ nhân nào, thuộc hạ sẽ giữ giùm hai vật ấy. Hai người rời khách điếm, đủng đỉnh thúc ngựa đi trên những con đường lát gạch phẳng phiu tiến về phía Đông thành.
Thiên Cơ không mở lời khen ngợi nhưng ánh mắt chàng lộ ra vẻ say sưa trước những kiên trúc cổ kính và diễm lệ trong thành. An Dương từng là kinh đô của nhà Thương nên di tích còn lại rất nhiều. Nhưng từ đời Thương đến đời Minh đã trải qua hơn ba ngàn năm vật đổi sao dời, hầu hết công trình xưa đã điêu tàn, hoang phế, chỉ đủ để tạo chút lòng hoài cổ.
Những gì làm Thiên Cơ thích thú là của các triều đại sau này. An Dương không còn được chọn làm Đế đô nữa, nhưng do vị trí nằm trên trục đường chính Bắc Nam nên kinh tế luôn phồn thịnh, nhà cửa khang trang, lộng lẫy.
Khi bọn Thiên Cơ đến nơi thì đã là giữa giờ Thân, ánh tà dương nhuộm đỏ cảnh vật, Hoan Lạc cung càng tăng thêm phần diễm lệ.
Những cơn mưa mùa hạ đã làm xanh um cây cối, biến khu vực rộng hằng trăm mẫu kia trở thành ốc đảo rậm mát, giữa vùng mộng kê bát ngát, mời gọi khách phong lưu.
Chốn ăn chơi nào cũng bắt đầu hoạt động từ chiều tối, nên giờ này cửa Đại Phú môn vắng người vào. Các bậc thế gia công tử đất An Dương vẫn còn đang chải chuốt, chẳng vội đến sớm làm gì!
Nhưng bên cửa Anh Hùng môn thì lại khá đông đảo người của giới võ lâm. Họ là những kẻ đầu đội trời chân đạp đất, song lại chẳng thể tìm đâu ra trăm lượng vàng để vào chốn đào nguyên, đàng phải thử vận may với chiếc trống đồng.
Cũng có những cao thủ xuất thân nhà đại phú, nhưng lại quá kiêu ngạo nên quyết tâm làm anh hùng chứ không chịu bỏ vàng ra để chung đụng với bọn trọc phú.
Vả lại, qua được cửa Anh Hùng môn cũng là cách để giương danh thiên hạ, vì người xem cũng khá nhiều.
Thiên Cơ ngắm nhìn chiếc trống đồng đường kính mặt bốn gang – chạm trổ những hoa văn kỳ lạ - đang treo ở độ cao hai trượng, tự tin mình đủ sức qua ải. Chàng với tay cũng hơn nửa trượng, vậy là chỉ cần nhảy cao trượng rưỡi.
Thiên Cơ chợt chú ý đến ba tay kiếm tuổi tam tuần, y phục chải chuốt, mặt mày lạnh lẽo, kiêu căng, đang đứng riêng một góc như không muốn trà trộn với đám phàm phu tức tử.
Tuy không hỏi nhưng Kim Yết đã học được nét mặt chủ nhân. Gã vội thì thầm giải thích :
- Bẩm công tử! Ba gã hán tử diêm dúa kia có danh hiệu là Tuế Hàn tam kiếm, nổi tiếng võ lâm trong khoảng sáu năm trở lại đây. Họ ở khác địa phương, cũng chẳng hề kết giao, song do danh hiệu trùng khớp mà được giang hồ gọi chung như vậy!
Thiên Cơ dù ít học cũng biết Mai, Trúc, Tùng là ba loài cây giỏi chịu đựng tuyết sương, nên được đặt là Tuế Hàn tam hữu. Do vậy, chàng lờ mờ đoán được danh hiệu của ba gã kia. quả nhiên, Hắc Báo Tử nói tiếp :
- Bẩm công tử! Gã áo vàng sậm là Mai Hoa kiếm khách Tư Đồ Vịnh, quê Trường An. Gã áo gấm xanh là Thanh Tùng Kiếm Sĩ Trần Gia Hoạt, quê Sơn Tây. Còn gã áo lụa trắng là Bạch Trúc Kiếm Thủ Tạ Tường Minh, hùng cứ đất Hà Nam.
Thiên Cơ cười thầm tự nhủ :
- Tội nghiệp cho họ, vì cái danh mà suốt đời chỉ dám mặc có một màu áo!
Tuế Hàn tam kiếm cũng đã nhận ra Hắc Báo Tử và bạn đồng hành. Họ đều chú ý đến vẻ đẹp kỳ lạ của Thiên Cơ. Ở chàng, nét dịu dàng của nữ nhân pha lẫn với chút hiên ngang, oai vũ của bậc trượng phu, tạo nên sự thu hút mãnh liệt!
Tam Kiếm nghe tự ái tổn thương vì thua sút, giả vờ chẳng thèm biết đến, nhưng không sao cưỡng lại được lòng, thỉnh thoảng vẫn liếc nhìn với vẻ hiếu kỳ tột độ.
Cuối giờ Thân, cổng Anh Hùng môn rộng mở. Một lão nhân thất tuần râu tóc hoa râm, áo bào xanh, cùng hai gia đinh xuất hiện.
Lão tươi cười vòng tay nói :
- Lão phu là Hoàng Lam Viên, Tổng quản Hoan Lạc cung, có nhiệm vụ giám sát cuộc thử tài của chư vị anh hùng! Xin mời nhanh cho vì thời gian giới hạn trong một canh giờ. Lão phu xin nhắc lạ qui củ là chư vị phải dùng tay không để vỗ trống. Chỉ cần Đồng Cù trỗi lên là hợp cách!
Hoàng lão gia ngồi xuống ghế sau chiếc bàn gỗ mà hai gia nhân đã khiêng ra, giở sổ chờ ghi danh người qua được ải.
Một chàng trai áo lam, dáng cao gầy, hăm hở đi tiên phong. Gã lướt đến, tung mình lên, vung quyền giáng vào mặt trống đồng.
Thân pháp gã rất cao cường, dễ dàng vượt độ cao cần thiết, song lại chẳng thể khiến lớp đồng dầy rung lên. Âm thanh phát ra nhạt nhẽo, khô đục như tiếng da thịt chạm vào đá vậy!
Chàng trai rơi xuống, hổ thẹn lẫn vào cuối đám đông.
Hắc Báo Tử lộ vẻ e ngại :
- Công tử! Gã này tuy có diện mạo trẻ trung nhưng tuổi đã quá ba mươi, nổi danh Phi Vân Chưởng, công lực không dưới mười lăm năm. Xem ra mặt trống rất dầy nên gã mới thất bại!
Thiên Cơ không đáp nhưng ánh mắt lóe lên vẻ tự tin, khiến họ Trần an lòng.
Lại thêm sáu người nữa thử sức. Họ nhảy đến nơi nhưng không còn lực để vỗ chiếc trống lì lợm kia kêu được.
Lúc này Tuế Hàn tam kiếm mới chịu ra tay. Họ lần lượt chịu lên với một thân pháp duyên dáng, hoa mỹ và khiến đồng cổ rung lên. Tuy âm thanh không lớn lắm nhưng cũng được xem là hợp cách, được Hoàng Lam Viên chúc mừng ghi tên vào sổ.
Ba gã tự đắc chẳng trở về chỗ, vênh mặt chẳng thèm nhìn ai.
Người kế tiếp là một lão già tầm thước, tuổi độ sáu mươi. Bộ y phục màu đen tuyền băng gấm thượng hạng và chòm râu dài chẳng làm dịu bớt được vẻ âm trầm, hiểm ác của gương mặt xương xấu. Thanh đơn đao bên hông trái lão nhân có dát vàng, khiến Trần Kim Yết nhớ đến một người. Gã nói với Thiên Cơ :
- Công tử! Nếu thuộc hạ không lầm thì lão hắc y kia là Du Lân Kim Đao Tần Quan Tái, cao thủ đất Thiểm Tây.
Hoàng lão gia cũng đã nhận ra lai lịch họ Tần, đứng lên vui vẻ nói :
- Không ngờ Tần huynh lại hạ cố đến đây, thật là vinh hạnh cho bổn cung Tần Quan Tái cười mát :
- Cái tiểu danh Du Lân Kim Đao đâu dám so với cái oai hùm của Sơn Đông Thiết Địch! Lão phu ham vui ghé vào đây, không ngờ lại diện kiến với thái sơn, xem ra thế lực Hoan Lạc cung cũng không nhỏ!
Hoàng Lam Viên gượng cười :
- Tần huynh quá lời! Bọn lão phu chỉ kinh doanh kiếm bát cơm mà thôi!
Kim Yết kinh hãi thì thầm :
- Công tử! Té ra lão họ Hoàng này lại là đại ma đầu đất Sơn Đông. Lão bặt tăm hơn mười năm, không ngờ lại chui vào Hoan Lạc cung làm Tổng quản! Thuộc hạ cho rằng Hoan Lạc cung không chỉ đơn thuần là một chốn ăn chơi, mà còn đang chiêu mộ nhân tài, chuẩn bị giương cờ xuất đạo! Anh Hùng môn này chính là nơi tuyển lựa những cao thủ võ lâm!
Thiên Cơ vẫn lặng im nhưng trong lòng không mấy vui, chàng chẳng ưa gì chuyện tranh danh đoạt lợi. Song thân chàng đã vì cơ nghiệp Bắc Đẩu môn mà bị Trầm Hạo Liệt ám hại. Dòng suy nghĩ của chàng bị cắt đứt bởi tiếng trống vang lên. Du Lâm Kim Đao đã chứng tỏ được bản lãnh khi vỗ trống kêu lớn gấp ba lần Tuế Hàn tam kiếm!
Từ lúc Tần Quan Tái xuất hiện, ba gã cao ngạo kia không còn dám vênh váo nữa.
Nhất là họ Tần vẫn nhã nhặn đứng sang một bên, dù đã lập thành tích rất tốt.
Hoàng tổng quản cao giọng :
- Mời chư vị anh hùng nhanh chân cho!
Đáp ứng lời mời ấy, từ trong đám đông, một đạo sĩ to béo, lực lưỡng chạy ra. Mọi người bật cười vì dáng vóc thô kệch nặng nề và gương mặt trơ trẻn, tinh quái kia chẳng thể là của một bậc chân tu. Bộ đạo bào ngắn ngủn, chật chội cứ như là đi mượn, cộng với cây phất trần sắp trụi hết lông, chỉ còn vài chục sợi tạo nên vẻ hoạt kê rất mực!
Tuổi của đạo sĩ chỉ độ hơn ba mươi, mép lún phún vài sợi nhưng cằm có chùm râu dê dài độ ngón tay. Giờ đây, gã điệu đà vuốt tứm râu ấy, ngắm chiếc trống đồng trên cao ra chiều suy nghĩ, ái ngại.
Hoàng tổng quản tủm tỉm cười :
- Đạo trưởng nà người tu hành mà cũng muốn vào Hoan Lạc cung sao?
Đạo sĩ cười hề hề :
- Bần đạo theo Thiên Sư giáo nên không phải kiêng rượu thịt hay đàn bà! Nghe danh Hoan Lạc cung là chốn thần tiên, bần đạo lặn lội từ Long Hổ sơn đến đây!
Chợt gã đổi giọng khẩn cầu :
- Hoàng thí chủ! Bần đạo có sức chỉ được ngàn cân nhưng khinh công kém cỏi, mong thí chủ niệm tình mà cho hạ thấp cái trống đồng kia xuống một trượng!
Quần hào cười vang, còn Hoàng Lam Viên thì lắc đầu quầy quậy :
- Qui củ đã đề ra thì không thể tùy tiện sửa đổi được! Mong đạo sĩ thông cảm cho!
Gã béo tiu nghỉu, cứ đứng năn nỉ mãi, chẳng chịu thôi. Không hiểu sao Thiên Cơ lại có cảm tình với gã, chàng hỏi Hắc Báo Tử :
- Nếu ta đưa cả lão đạo sĩ kia vào thì có được không?
Họ Trần lắc đầu :
- Bẩm không! Mỗi người chỉ được mang theo một tùy tùng!
Thiên Cơ bảo :
- Ngươi thử hỏi lão họ Hoàng kia xem nếu ta đánh liền hai tiếng trống thì đem thêm người nữa được không?
Kim Yết nhận lệnh bước ra :
- Bẩm Hoàng tổng quản, chủ nhân của tại hạ là Mục công tử đất Nghi Xương, đề nghị đánh liền hai tiếng trống để có thể đưa cả đạo sĩ kia tháp tùng!
Quần hùng ồ lên kinh ngạc, nhìn về phía Thiên Cơ. Cả Du Lân Kim Đao và Tuế Hàn tam kiếm cũng nhếch mép cười nghi hoặc.
Hoàng tổng quản cũng đã nhận ra khí phách bất phàm của chàng công tử lực lưỡng kia, lưỡng lự một lúc rồi đáp :
- Nếu quí chủ nhân làm được điều đó, lão phu cũng xin phá lệ phụng hầu!
Thiên Cơ chậm rãi bước ra, cước bộ trầm ổn, tiêu sái.
Đạo sĩ béo lập tức chạy đến chắp tay ra mắt :
- Bần đạo là Bất Bão Vũ Sĩ ở đất Long Hổ sơn, xin được làm tùy tùng cho công tử!
Cái danh hiệu Bất Bão (ăn không no) của gã khiến mọi người phì cười. Có kẻ nói :
- Đạo sĩ ăn mãi không no thì ai mà nuôi nổi!
Đạo sĩ béo như sợ Thiên Cơ không chịu dung nạp mình nên biện bạch ngay :
- Tuy mang danh là Bất Bão nhưng thật ra bần đạo chỉ ăn mỗi bữa chừng ba đến bốn đấu gạo mà thôi! Thức ăn lại chẳng cần, vài hạt muối cũng xong!
Thiên Cơ nhận ra gã có dáng điệu của một con thú bị đói, bất giác sinh lòng bất nhẫn, buột miệng nói :
- Sức mãnh hổ ngày ăn ba chục cân thịt cũng không nhiều!
Bất Bão khoan khoái vỗ vai chàng :
- Sanh ta là cha mẹ nhưng hiểu được chỉ có mình công tử đây!