- Ta chưa từng gặp Lý Ngôn Khánh, nhưng lại nghe người ta nhắc tới hắn vô số lần. Tên gia hỏa này mặc dù còn trẻ, nhưng thủ đoạn lại cực kỳ cay độc.
Hắn xưa nay bày mưu tính kế rồi mới hành động, dụng binh mặc dù kỳ quái, nhìn qua có vẻ rất mạo hiểm, nhưng kì thực lại cẩn thận từng bước. Với hiểu biết của ta về hắn, nếu không thể giữ Cấp quận, hắn tất nhiên sẽ không do dự bỏ qua Cấp quận; nếu Hà Nội nguy hiểm, hắn cũng sẽ lập tức rời bỏ Hà Nội...Đối với hắn mà nói, lợi ích của Cấp quận và Hà Nội chưa hẳn quan trọng hơn Huỳnh Dương quận, làm sao hắn có thể bỏ rơi Huỳnh Dương không để ý?
Những lời này đối với Lý Quân Tiện mà nói, tựa hồ có chút vô cùng phức tạp.
Vì vậy sau khi Lỗ Nho Tông nói xong, Lý Quân Tiện mở to hai mắt nhìn, đơn giản là không thể lĩnh hội được hàm nghĩa bên trong.
Lỗ Nho Tông bồi hồi dạo bước trên cổng thành, cũng không giải thích cho Lý Quân Tiện. Một lát sau, hắn nói với Lý Quân Tiện:
- Quân Tiện, ngươi lập tức suất lĩnh nhân mã, đi suốt đêm đến núi Thủ Dương, bất luận như thế nào ngươi cũng phải mau chóng bắt được liên lạc với Đan đại tướng quân, lệnh cho hắn chớ tham công, mạo hiểm công kích Hắc Thạch quan. Tiện nghi của Lý Ngôn Khánh không dễ chiếm, chỉ cần không cẩn thận rất có thể sẽ trúng quỷ kế của y.
Nếu Huỳnh Dương quân chịu nhường lại con đường Để Lỉnh, binh lực hư không cũng vậy, bên trong có dấu hiệu lừa gạt cũng vậy, xin Đan đại tướng quân toàn lực đả thông con đường Để Lĩnh, mau chóng cứu viện Yển Sư, chỉ cần có thể vượt qua mùa đông này, sau đầu xuân chúng ta có thể phản công Lạc Dương. Đợi nắm được Lạc Dương, Lý Ngôn Khánh cũng không đáng để lo..
Thân là tướng lãnh cao cấp của quân Ngoã Cương, Lỗ Nho Tông biết rõ, giữa Lý Ngôn Khánh và Đan Hùng Tín thù sâu như biển.
Không chỉ vì Lý Ngôn Khánh từng đánh bại Đan Hùng Tín mà là hai đứa con trai của Đan Hùng Tín đều chết trong tay Lý Ngôn Khánh. Đan Hùng Tín trước kia theo Địch Nhượng, cả nhà bị quan phủ tịch biên, chỉ còn lại hai đứa con trai. Vậy mà hai đứa con trai lại chết trong tay Ngôn Khánh, hắn há có thể từ bỏ ý đồ?
Cho nên Đan Hùng Tín một khi bị binh lực trống trải ở Huỳnh Dương hấp dẫn, công kích mạnh mẽ Hắc Thạch quan, nói không chừng sẽ trúng quỷ kế của Lý Ngôn Khánh.
Đúng như Lỗ Nho Tông đã nói: Tiện nghi của Lý Ngôn Khánh không dễ chiếm.
Lúc này Lý Quân Tiện đã hiểu rõ, vội vàng gật đầu đáp ứng.
Trong màn đêm, bông tuyết bay múa, hình như có xu thế càng ngày càng nhiều.
Lỗ Nho Tông đứng trên cổng thành, đưa mắt nhìn Lý Quân Tiện dẫn 800 nhân mã, thừa dịp đêm tối rời đi, vẻ sầu lo trên mặt càng lúc càng rõ.
Chỉ hi vọng, Đan đại tướng quân có thể duy trì tỉnh táo.
Cố đô, Khai Phong.
Nằm ở bình nguyên Dự Đông, cách Quản Châu, ước chừng trăm dặm. Tòa đô thành cổ xưa này có lịch sử rất lâu đời, tương truyền Hạ Thất Thế Đế đã dời đô về Lão Khâu, tức Khai Phong sau này. Thời nhà Hạ, Khai Phong tổng cộng đã trải qua sáu đời, cũng là trung tâm chính trị và kinh tế của Hoa Hạ văn minh thời kỳ viễn cổ.
Thời kì Xuân Thu, Trịnh Trang Công muốn mở rộng Trung Nguyên, đã xây dựng thành thị phụ cận Chu Tiên trấn sau này, gọi là Khải Phong.
Thời Chiến quốc, Ngụy quốc tranh đoạt, Ngụy Huệ vương năm thứ 6 (trước năm 364), do an nguy của Hà Đông đã dời đô về Đại Lương, cũng là mở ra xây dựng thành đô lần đầu tiên trong lịch sử.
Tùy Dạng Đế khai thông Tế Cử, câu thông Hà Lạc và Hoàng Hoài, vị trí của Khai Phong lại càng quan trọng.
Sau khi Lý Mật tự giành lấy Khai Phong, liền đem Khai Phong giao cho đại phu chấp chưởng Thời Đức Duệ của Tùy Thất. Mặc dù phân trị với Huỳnh Dương quận nhưng liên hệ của cả hai vẫn mật thiết như cũ, rất nhiều thương phẩm vật tư, thông qua Khai Phong, chuyển đến khu vực Lạc Hà, bởi vậy mà mang đến thuế má, đồng thời với trở thành một trụ cột của quân Ngoã Cương, liên lạc giữa Thời Đức Duệ và thế trụ Huỳnh Dương cũng không dừng lại.
Năm Đại Nghiệp mười ba, Lý Mật và Vương Thế Sung hẹn nhau giáp công Huỳnh Dương, chính là thông qua Thời Đức Duệ, mua được Trịnh Hiếu Thanh.
Chỉ đáng tiếc, sắp thành lại bại.
Sau hừng đông, tuyết rơi càng lúc càng nhiều.
Đại tướng đóng quân ỏ Khai Phong tên là Lý Đại Lượng, mới ba mươi tuổi, là tướng lãnh trẻ tuổi của quân Ngoã Cương.
Người này vốn xuất lực dưới trướng dũng tướng lang tướng Bàng Ngọc của Tùy thất. Năm Đại Nghiệp mười ba, sau khi Lý Mật cướp lấy Dương thành, lập tức triển khai một trận đại chiến giữa Để Lĩnh và Bàng Ngọc Hoắc Thế Cử, cũng chính là cái gọi là đại thắng Để Lĩnh. Hai vạn binh mã dưới trướng Bàng Ngọc và Hoắc Thế Cử bị Lý Mật một lần hành động đánh tan, Hoắc Thế Cử bị Tần Dụng giết chết, Lý Đại Lượng bị Lý Mật bắt làm tù binh, sau đó lại quy thuận Lý Mật, xuất lực dưới trướng Vương Yếu Hán.
Bọn người Tần Quỳnh, Trình Giảo Kim phụng mệnh đến Quan Trung kiềm chế Lý Uyên, không ngờ vừa đi đã không thấy tin tức.
Vì vậy Lý Mật bắt đầu đề bạt tướng lãnh trong quân. Lý Đại Lượng vì từng xuất lực trong cấm quân Tùy quân, hiểu đạo trị quân, được Lý Mật coi trọng.
Nhưng cho dù coi trọng, vết xe đổ trước đó làm cho Lý Mật cũng không dám dễ dàng tin tưởng Lý Đại Lượng.
Hắn sắp xếp cho Lý Đại Lượng ở Khai Phong, trên danh nghĩa là phòng giữ, trên thực tế lại bị Thời Đức Duệ khống chế. Khi không có mệnh lệnh của Thời Đức Duệ, Lý Đại Lượng cũng không cách nào điều động binh mã.
- Cái thời tiết chết tiệt này.
Lý Đại Lượng sau khi hoàn tất dò xét trên cổng thành, liền đi vào cửa lâu.
Trong phòng đặt một chậu than, than cháy hừng hực, ít nhiều cũng xua bớt đi được giá rét trong phòng. Hắn giũ đám bông tuyết đọng lại trên người, đi đến trước lò than giơ tay định sưởi ấm.
- Tướng quân, cách phía bắc Khai Phong thành ba mươi dặm, hiện có binh mã đang tiến đến.
Thám báo đột nhiên xông vào trong phòng, mang theo một luồng hàn khí lạnh lẽo.
Lửa than lay động mấy cái rồi khôi phục lại bình thường. Trái tim Lý Đại Lượng chợt co thắt, vội vàng quơ lấy hoành đao nói:
- Lập tức hạ lệnh, đóng cửa thành, theo ta cùng xem xét tình hình quân địch.
Hắn dẫn người, leo lên cửa thành lâu trông về phía xa.
Gió to, tuyết dầy, bên ngoài thành là một vùng trắng xoá, tầm mắt rất mờ mịt.