Sa Hải II - Sa Mãng Xà Sào

Chương 5: C5 4. Hồ Sơ Bị Niêm Phong

Chương 4: Hồ sơ bị niêm phong

Editor: An Nhiên

Lương Loan không lấy gì làm lo lắng, cô lục tung tài liệu trong kho lưu trữ. Vì cô biết giám sát của nơi này đã bị bạn trai cũ của cô lừa đi cho nên cô có thể dũng cảm liều mình, đi thẳng tới cánh cửa ở nơi sâu nhất của hành lang. Đó cũng không phải là cuối hành lang mà là bị một cái khóa sắt to tướng khóa lại.

Lương Loan dùng cái chìa khóa mở cửa sắt ra đi vào, liền thấy hai bên hành lang đều có hai cửa phòng, cô nhìn chìa khóa trong tay, chìa khóa của bốn phòng này đều ở đây cả, nhất định là thứ cô muốn xem toàn bộ đều ở sau những cánh cửa này, cô phải tự mình tìm. Cô chỉ có mấy giờ đồng hồ, phải tìm được thứ hữu dụng trong mấy giờ đồng hồ này. Cô mở laptop, tìm tên người đầu tiên.

Đó là cái tên cô nhìn thấy trên bản vẽ lúc trước, tên một đứa trẻ, được viết ở một góc mặt sau tờ thiết kế.

Đứa trẻ này họ Hoắc, tên là Hoắc Trung Xu.

Cô bắt đầu tìm kiếm trên giá sách, trên đó đều là tên người họ Hoắc, đề mục của nó có thể thấy một cái nhãn rất nhỏ, viết ban thiếu niên Hoa Bắc, Bắc Kinh năm 1978.

Ý nghĩ khi điều tra của Lương Loan rất đơn giản, những đứa trẻ vẽ thiết kế chỉ có hơn mười tuổi, vào thời đại đó ở Trung quốc, hơn mười tuổi mà có thể sự dụng kỹ năng chuyên nghiệp như thế, chỉ có thể là "ban thiếu niên" được lập ra thời đó.

Những đứa trẻ này bắt đầu vào năm 1978, năm 1979 và 1980 phân ra làm hai kỳ, cũng đã đề cập trên bản vẽ, tuy nhiên lúc đó số lượng thanh thiếu niên hữu hạn, chỉ cần lợi dụng quyền hạn để lấy hồ sơ ra mới có thể dễ dàng tra được.

Có thể tưởng tượng, lúc đó những đứa trẻ này đều là tài nguyên cho quân sự, tuy rằng cuối cùng ban thiếu niên đó cũng không hẳn là phát triển theo con đường này, nhưng mà trong những đứa trẻ có thiên phú bẩm sinh gia nhập đầu tiên, họ vào quân đội cũng không phải ít.

Phát triển khoa học kỹ thuật và quân sự cho đến bây giờ vẫn là không thể tách rời.


Ý nghĩ của Lương Loan rất chính xác, cô thấy được trong số hồ sơ năm 1980, có hồ sơ của Hoắc Trung Xu.

13 tuổi vào đại học.

Ngay sau đó Lương Loan thấy được trong hồ sơ của Hoắc Trung Xu một chú thích cuối cùng là đã mất tích."

Năm 13 tuổi cậu ta không hề đến đại học báo danh, mà đã biến mất.

Lương Loan nhìn cấp học của Hoắc Trung Xu, sau đó tìm theo chi tiết này. Quả nhiên như cô dự đoán, năm mà Hoắc Trung Xu lên đại học, ở các nơi trên toàn quốc có rất nhiều đứa trẻ thi đỗ vào ban thiếu niên cũng không đến trường học báo danh. Những người này trong hồ sơ toàn bộ đều là "đã mất tích không trở lại."

Lương Loan biết bọn họ đi đâu, trong một năm đó, bắt đầu đi học vẽ những bản thiết kế kia.

Tuy nhiên, thiết kế kiến trúc là một ngành kỹ thuật xây dựng chuyên nghiệp, chuyên môn của ban thiếu niên cũng không phải là kỹ thuật công trình. Thiên phú của những đứa trẻ này hầu hết đều ở phạm trù toán học và khoa học tự nhiên.

Chỉ có lĩnh vực toán học và âm nhạc mới có thiên tài thực sự.

Cô nhìn bộ môn những đứa trẻ này dự thi, không khỏi cắn cắn môi dưới, cơ bản đều là ngành công trình chuyên nghiệp. Ngành kiến trúc.

Nếu không có mối quan hệ với người bạn trai đầu tiên, chỉ ở ngoài thì dù có kéo dài thời gian cũng tuyệt đối không điều tra được đến những tài liệu này.

Tại sao lại cần những đứa trẻ này?


Lương Loan tìm một bậc thang dọc theo giá sách, ngồi xuống, cố gắng sắp xếp hướng đi cho suy đoán của mình.

Cô không cần đi sâu phân tích, cái này để sau khi ra ngoài có nhiều thời gian, cô biết đáp án của tất cả câu hỏi đều ở đây, trên những giá sách xung quanh cô, nhưng cô phải tìm được phương hướng.

Cô nhìn lại chuyên ngành của bọn họ, chuyên ngành đó rất mơ hồ, cô quyết định bắt tay từ phương diện này. Bắt đầu lật hồ sơ, hy vọng có thể tìm được bảng thành tích của bọn họ, những thiên tài này khi học cấp ba sẽ có giáo viên chuẩn bị chương trình học đặc biệt dành cho họ. Nếu nhìn vào bảng thành tích là có thể biết, những đứa trẻ này tại sao lại được chọn, có gì khác biệt so với những đứa trẻ khác trong ban thiếu niên.

Đáng tiếc không có, cô không tìm được tư liệu nào có liên quan đến chương trình học hàng ngày của những đứa trẻ này.

Đầu mối duy nhất là cô tìm được trong hồ sơ của một người, phát hiện một biên bản xử phạt.

Biên bản xử phạt này viết nguyên nhân là làm hỏng sách giáo khoa, quyển sách giáo khoa đó tên là: Luyện Thanh Đồng.

Bậc cao trung, học " luyện thanh đồng".

Trung Quốc lúc bấy giờ nghèo như vậy sao, ngay cả sắt cũng không có mà dùng, việc gì mà phải dùng cái loại hợp kim thanh đồng mà xây nhà tầng còn không nổi này chứ?

Hay có lẽ đây chỉ là môn học tự chọn, dùng để hoàn thiện tri thức hoặc là chương trình học để những thiên tài này tiêu bớt trí tuệ dư thừa?

Nếu có nguyện vọng với chuyên ngành luyện kim thì thật ra mới có loại chương trình học như thế này, đương nhiên, sau khi Lương Loan xem xét, phát hiện mình đã quá lạc quan, luyện thanh đồng chỉ là một phần kiến thức, quá khó và phức tạp để hình thành một bộ môn chuyên ngành.

Đứa trẻ này thiêu hủy cuốn sách, cũng cố gắng thiêu hủy cả bàn học của mình, bị phạt hạ hạnh kiểm, nguyên nhân ghi lại là để đáp trả lời từ chối của một bạn nữ khi cậu ta tỏ tình. Những chuyện như vậy thật ra thời nào cũng có.


Cô lặng lẽ ghi nhớ mấy chữ "luyện Thanh đồng", hy vọng đây không phải là tài liệu nội bộ thì mới có thể tìm được nó trong hệ thống tài liệu.

Lúc đó Lương Loan hoàn toàn không ý thức hết được những gì mình điều tra được, không rõ ràng được phương hướng, mấy giờ sau, cô cũng không tìm được quyển sách giáo khoa có trong tư liệu xuất bản, càng không thấy được phương hướng tìm kiếm nào khác.

Hai giờ đồng hồ có thu hoạch và năm giờ đồng hồ không thu hoạch được gì, cô mang theo sự nghi ngờ vô tận mà ra khỏi kho lưu trữ.

Bạn trai cũ không ra tiễn cô, trong đầu hiện giờ chỉ còn toàn nghi vấn. Cô cũng không biết điểm mấu chốt của những tin tức này, mãi cho đến khi cô nói chuyện với Lê Thốc, những đầu mối này mới từ từ được chắp nối, hiện ra mục đích khổng lồ đằng sau công trình này.

Khi Lương Loan về đến nhà, ngủ liền mười mấy tiếng đồng hồ. Cô biết tiếp theo mình sẽ không thể chủ động được nữa, tất cả tư liệu, suy luận, đều ở trong đầu cô. Nhưng mà hiện tại nhiều nhất cô chỉ có thể dùng những thứ đó để chắp lại thành một câu chuyện.

Đồng hồ đếm ngược trên tay đang không ngừng dịch chuyển, cô lo lắng đợi chỉ thị của người đàn ông kia, nhưng mà liền cả bốn, năm ngày, cũng không có bất kỳ cú điện thoại nào.

Cô cũng không để mình rảnh rỗi, tự tìm đọc các tư liệu, vẫn không thu hoạch được gì, nhưng thật ra đối với việc luyện thanh đồng lại có thêm không ít tri thức.

Cô phát hiện thanh đồng đầu tiên là được luyện từ đồng đỏ, Trung Quốc cổ đại thật ra có ba loại thanh đồng khác nhau

1. Thiếc Thanh Đồng. Thành phần chủ yếu là đồng, thiếc.

2. Chì Thanh Đồng. Thành phần chủ yếu là đồng, chì.

3. Đồng, thiếc, chì, hỗn hợp thanh đồng. Thành phần chủ yếu là đồng, thiếc, chì.

Ở các nơi thành phần hợp kim khác nhau sẽ hình thành các loại thanh đồng khác nhau. Đặc tính của thanh đồng cũng có sự khác biệt.


Luyện thanh đồng có khả năng xuất xứ từ việc luyện đá khổng tước*, phương sĩ luyện đan thời cổ đại có ghi chép cặn kẽ về dược tính của đá khổng tước, khi sử dụng nó làm thuốc đã vô tình luyện ra đồng ở dạng lỏng. Cô còn thấy trong một số tài liệu có tư liệu về Côn Ngô: trong Sơn hải kinh, Côn Ngô là một ngọn núi đồng, bắt nguồn từ thanh đồng tinh luyện mà thành. Khi Chu Mục Vương tây du, trên người cũng mang theo một thanh gọi là "Côn Ngô thần kiếm". Trên núi Côn Ngô còn có một loại sinh vật kỳ quái tương tự như là hồ ly, có chín đầu và chín đuôi.

Nói chung, tất cả tư liệu đều rất dễ đọc, nhưng chẳng có gì liên quan đến vấn đề kiến trúc hiện tại, đặc biệt là có ích gì đó trong kiến trúc ở sa mạc. Chỉ có một loại hợp kim thanh đồng là đồng-nhôm, trong các thiết bị có công hiệu chống ăn mòn, tuy nhiên nó chỉ gọi là thanh đồng chứ không quá liên quan đến thanh đồng thực sự.

Cô còn nhớ, thanh đồng có một ưu điểm là giá rẻ. Nếu như địa phương nào đó có mỏ thanh đồng, mà công trình này cần một lượng lớn kim loại, dùng thanh đồng coi như là một phương thức xây dựng tương đối dễ dàng.

Nhưng mà ở sa mạc Badain Jaran, khai thác mỏ thanh đồng thậm chí còn khó hơn so với xây nhà ở. Hơn nữa nghĩ kỹ thì kiến trúc này có thể phải thi công đến sáu, bảy mươi năm, vấn đề nguyên liệu cũng không quá quan trọng như vậy.

Đến sáng ngày thứ năm, cô có phần không kiềm chế được, mới đi gọi điện cho người đàn ông kia nhưng không ai nghe máy.

Cô nghĩ tới Lê Thốc, không biết tên nhóc này giờ thế nào. Người đàn ông kia nói cậu ta rất quan trọng, cô gọi điện cho Lê Thốc, cũng không người bắt máy.

Đàn ông thực sự là không đáng tin, cho dù là một thằng nhóc cũng vậy, Cô mắng thầm. Tuy nhiên khi Lê Thốc ghi danh ở bệnh viện có để lại địa chỉ. Giải Vũ Thần cũng không nói là không được chủ động tìm Lê Thốc.

Lương Loan không phải người bị động, cô tới nhà tìm Lê Thốc, kết quả lại là vồ trượt.

Cô lo lắng, cảm giác hình như mình đã bị lãng quên, dường như giống với Ngô Tú Ba trong phim "Trước ánh bình minh". Cô càng không ngừng gọi điện thoại cho hai người kia, nhưng vẫn không có kết quả.

Mãi cho đến khi cô nhận được một tin nhắn ngắn từ người đàn ông kia. Chỉ có sáu chữ: Ngày kia đến nội Mông Cổ. Sau đó gửi tới cho cô vé xe.

Cô cũng không bất ngờ chút nào, cô thậm chí không nhắn lại hỏi vì biết mình nhất định sẽ không thu được bất kỳ câu trả lời nào.

Nếu nói trong tay còn một phương hướng để hành động, chính là sa mạc mà trước đó Lê Thốc nhắc tới, bản vẽ trong tay cô có liên quan đến sa mạc đó. Thập niên 80 của thế kỷ 20, công trình lớn đến vậy được thực hiện ở Mông Cổ, không thể không để lại chút manh mối nào, trong sa mạc Badain Jaran có một khu vực từ rất lâu rồi, vô cùng thần bí, lại không người nghiên cứu, được gọi là Khu 51 Trung Quốc.

Cô luôn cảm thấy những chi tiết này không phải là trùng hợp. Cô cũng không có nhiều bạn trai cũ có thể hy sinh vì mình đến thế, tuy nhiên khi tới được đó, cô tin rằng kiểu gì thì mình cũng sẽ nghĩ ra biện pháp.